Chương 13: Con đường Nối kết

SHARE:

Chương 13: Con đường Nối kết

G. TƯƠNG ƯNG VỚI KHỞI SANH QUYẾT ĐỊNH

 

Trong nỗ lực giúp đỡ tất cả chúng sanh, chúng ta đang học riêng về Bát nhã ba la mật. Bởi vì Bát nhã ba la mật là trí huệ làm sanh khởi chư Phật, nó được gọi là “mẹ của tất cả chư Phật” hay “Mẹ Vĩ đại”. Trước tiên Bát nhã ba la mật sanh khởi mọi phẩm tính tốt đẹp của thanh văn và duyên giác, cho nên Mẹ vĩ đại sanh ra toàn bộ con đường Phật giáo. Chúng ta nghiên cứu Bát nhã ba la mật nên chúng ta có thể hoàn thành Phật quả. Để làm điều này chúng ta cần có một số ý niệm về ý nghĩa của Bát nhã ba la mật mà chúng ta có thể làm qua suy ngẩm.

Toàn bộ nền tảng của Bát nhã ba la mật là giáo lý thanh khiết nhất của Đức Phật. Nhưng vì những giáo lý của Phật thì quá bao la và toàn diện, chúng ta nghiên cứu ở đây một hình thức rất súc tích của Bát nhã ba la mật đa, có tên là Abisamayalankara (Hiện quán trang nghiêm luận) của Di Lặc. Nó cho chúng ta sự dẫn nhập từng điểm một, nên chúng ta có thể có một bức tranh rõ ràng về nghĩa bao quát của Bát nhã ba la mật. Thế nên chúng ta cần nghĩ rằng nghiên cứu luận này là đang nghiên cứu Bát nhã ba la mật như là một phần thiết cốt của sự tiến bộ của chúng ta đến Phật quả.

Trong chương vừa rồi chúng ta đi vào con đường tích tập. Trong chương này chúng ta sẽ nhìn vào con đường nối kết. Chúng ta đã nghiên cứu con đường nối kết trong ba chương đầu tiên. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao chúng ta đang lập lại, nhưng thật ra nó không giống như trước. Trong chủ đề thứ nhất, cái hiểu biết về toàn giác, con đường nối kết được xem chủ yếu như một nguyên nhân, một nền tảng. Trong chủ đề thứ hai, hiểu biết về con đường, chúng ta nhìn vào con đường nối kết, những áp dụng thực hành. Trong chủ đề thứ ba, hiểu biết về nền tảng, chúng ta cũng nghiên cứu con đường nối kết, nhưng theo con đường nối kết của thanh văn. Trong chủ đề thứ tư này, khi nghiên cứu con đường nối kết, chúng ta sẽ nhìn toàn diện hơn con đường của bồ tát và làm việc trên con đường nối kết.

Khi bồ tát tiến bộ qua những giai đoạn này, họ không chỉ quan tâm những người rất thân thiết, gia đình, anh chị em, người yêu và bạn hữu trong cùng một thành phố, một đất nước, hay cùng một giống dân hoặc cùng loài. Những bồ tát quan tâm giúp đỡ tất cả chúng sanh. Chúng ta có thể nghĩ rằng một bồ tát giúp đỡ bất cứ ai họ gặp, nhưng như vậy vẫn chỉ gồm vài chúng sanh họ kinh nghiệm trong thực tại chủ quan của họ. Còn nhiều con cá dưới nước, nhiều con chim và con thú trong những chốn hẻo lánh mà người ta không bao giờ gặp. Ngoài ra còn nhiều chúng sanh dưới cõi sống của chúng ta, như những con ma đói và chúng sanh địa ngục. Những bồ tát tận tụy với sự thực hành bởi vì họ quan tâm tuyệt đối đến mọi chúng sanh. Họ làm việc cho tất cả chúng sanh bởi vì họ thương yêu chúng và có lòng đại bi với chúng.

Ngoài việc từ bi với mọi chúng sanh và quan tâm đến họ, từ bi này cũng bình đẳng với mọi chúng sanh. Những bồ tát thấy tất cả chúng sanh là bình đẳng. Vì lý do này họ làm việc cho tất cả chúng. Bấy giờ bồ tát thương yêu họ ngang với chính mình. Thế nên họ không cho từ bi nhiều hơn hay kém hơn đối với những người khác, mà cho tất cả chúng sanh tối đa từ bi của họ một cách tuyệt đối. Đây chính là đối tượng chính của sự chú ý của họ khi họ đi qua giai đoạn nối kết này. Thái độ bình đẳng không thiên vị này đối với tất cả chúng sanh sẽ được khảo sát qua mười phương diện.

Phương diện thứ nhất của tình thương bồ tát trong giai đoạn nối kết này là như nhau hay bình đẳng của tình thương. Bồ tát giúp đỡ chúng sanh hết mực để họ hoàn thành hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Điều này là như nhau với mỗi và mọi chúng sanh.

Phương diện thứ hai là sự bình đẳng trong mong muốn làm lợi lạc cho những người khác. Cách bồ tát giúp đỡ những người khác là che chở họ khỏi bị hại, khỏi sợ hãi, và cho họ chỗ trú ẩn và cứu trợ. Họ làm điều này rất bình đẳng với cùng một thái độ với mọi người, không ưu tiên một số, loại bỏ số khác.

Phương diện thứ ba là một bồ tát không thù ghét, với bạn hay với người làm tổn hại. Luôn luôn họ có tâm như nhau này, trong đó thù ghét không sanh khởi. Thù ghét chỉ sanh ra thêm khổ đau vô ích. Nó chỉ làm sanh thêm rắc rối. Không có thù ghét, họ không làm hại ai bằng thân hay lời nói, và điều này được chỉ ra trong hai phương diện kế tiếp.

Phương diện thứ tư là sự bình đẳng không bạo lực, không làm hại bằng thân thể.

Phương diện thứ năm là không nói cái gì gây tổn hại với lời giận dữ hay thô nặng, lời nhắm đến làm tổn hại người khác. Đây là năm cái đầu tiên trong mười cách bình đẳng hay không thiên vị với chúng sanh.

Năm phương diện sau chỉ ra bồ tát trên con đường nối kết liên hệ với chúng sanh như thế nào. Thứ sáu, họ xem chúng sanh là rất tốt giống như mẹ cha mình. Thứ bảy, họ nghĩ đến chúng sanh với yêu mến rất lớn, giống như người ta nghĩ đến anh chị mình, thế nên người ta cảm thấy mối liên kết anh em với chúng sanh. Thứ tám, qua khai triển tình thương họ xem chúng sanh như con họ, thương yêu và chăm sóc. Thứ chín, họ thương yêu chúng sanh như bạn và gia đình thân thiết, xem như nhau, xem là một. Thứ mười, họ có sự chăm sóc không ngừng cho mọi người, như với dòng họ mình. Như người ta không bao giờ để mất bà con, người ta có cảm giác bắt buộc này, cảm thấy muốn giúp đỡ bất cứ điều gì. Rồi họ cũng có cảm giác này với chúng sanh. Với năm loại ý nghĩ này, họ có sự bình đẳng của tình thương.

Năm ý nghĩ sau này chỉ ra sự bình đẳng trong suy nghĩ đối với chúng sanh. Tổng cộng chúng ta có mười cách bình đẳng của tình thương Bồ tát và lối tiếp cận trên cấp độ con đường nối kết.

 

H. NHỮNG CON ĐƯỜNG BẤT THỐI CHUYỂN

 

Chủ đề thứ tám nói về cách những bồ tát không lui sụt, nghĩa là không rớt trở lại. Điều này áp dụng cho con đường nối kết, con đường quán thấy, và con đường tu tập.

Khi người ta đến con đường nối kết này, người ta sẽ không bao giờ rơi xuống những cõi thấp hơn do năng lực của nghiệp, bởi vì đã có một giai đoạn tiến bộ dứt khoát. Bằng năng lực nghiệp tốt của mình, người ta đã vượt khỏi khả năng sanh vào các cõi thấp. Nó là cái gì hoàn toàn tự động, bởi vì để đến cấp độ nối kết, người ta cần loại bỏ những nghiệp quả khiến tái sanh vào các cõi thấp. Cũng trên cấp độ này, người ta đã loại bỏ phần xấu nhất của phiền não, những nhiễm ô, là những nguyên nhân tái sanh vào những cõi thấp. Theo nhân quả, khi đã vượt khỏi khả năng tái sanh vào các cõi thấp, nhưng bồ tát qua nghiệp và qua đại từ bi có thể chọn tái sanh vào một cõi thấp để giúp đỡ và làm lợi lạc cho những chúng sanh khác, nhưng không phải qua năng lực nghiệp không kiểm soát được.

Khi đến giai đoạn quán thấy, người ta có thấu hiểu thực sự thật tánh của những hiện tượng. Nhờ đó, một cách tự động, người ta bước vào hàng ngũ những người được gọi là người chứng ngộ hay bậc thánh, đã có cái thấu hiểu thật tánh. Bởi vì kinh nghiệm này thì kéo dài và thức tỉnh, người ta không bao giờ có thể rơi lại vào trạng thái của một người bình thường. Từ “người bình thường” này áp dụng cho tất cả những ai chưa chứng ngộ thật tánh. Thế nên chúng ta có trạng thái không trở lại, bất thối chuyển, với con đường quán thấy này. Bấy giờ với con đường tu tập, người ta tu tập hay trau dồi cái quán thấy này, người ta thiền định về nó để nó trở nên trùm khắp, và người ta đi qua những địa bồ tát. Với mỗi tiến bộ qua các địa, người ta thoát bỏ một cấp độ ngăn chướng còn vi tế hơn, và có được những phẩm tính hơn. Khi người ta tiến bộ, mỗi bước là một bước không lui trở lại vào cấp độ thô nặng của sự vật đã được thoát bỏ. Thế nên người ta có thể thấy bồ tát trong ba giai đoạn của không trở lại này.

 

I. ÁP DỤNG SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

 

 

Chủ đề tiếp theo là về sự bình đẳng của cuộc sống và an vui, là hai tính chất của sanh tử và niết bàn. Khi chúng ta tiến bộ qua những con đường không thể đảo ngược, sẽ có một số dấu hiệu. Một trong những cái này là chúng ta sẽ thấu hiểu tính bình đẳng, tính như nhau của sanh tử và niết bàn. Tính như nhau này nghĩa là chúng cùng bản tánh. Trước con đường nối kết, rất quan trọng là làm việc trong cấp độ tương đối của sanh tử và niết bàn. Bao giờ người ta còn ở dưới ách mê lầm và kinh nghiệm nó, điều quan trọng bậc nhất là muốn thoát khỏi sanh tử khổ đau. Hướng vọng và làm việc cho niết bàn thoát khỏi khổ đau là rất quan trọng. Nhưng khi vượt khỏi móng vuốt của mê lầm, bấy giờ người ta cần biết rằng có một sự như nhau của biểu lộ sanh tử, nó là phương diện khổ đau của tâm, và của biểu lộ niết bàn an lạc. Chúng ta không nên phóng chiếu trên sanh tử quá cứng chắc và bất động một sự khổ đau có thật và say mê niết bàn như là một vật tự thân. Phải hiểu chúng đều bình đẳng trong thật tánh của chúng.

Chúng ta có thể trở lại thí dụ lầm sợi dây là con rắn. Rất cần nhận biết cái gì thực sự ở đó. Cần thiết là nhận biết khổ đau là do mê lầm và giải thoát là thấy sự thật. Nhưng khi quan tâm đến chính sợi dây, bấy giờ sự phóng chiếu của mê lầm và khổ đau từ đó và sự giải thoát về sau do thấu hiểu, tất cả đều là hư giả. Chúng không thực sự là một thành phần của thật tánh ở đó. Chúng đều là dính dáng với mê lầm và giải thoát khỏi mê lầm. Thế nên với những người cấp độ cao, những người bất thối chuyển, họ chứng ngộ sự như nhau của kinh nghiệm sanh tử và niết bàn. Khi chứng ngộ tính bình đẳng của sanh tử và niết bàn, bấy giờ người ta thấy tất cả hiện tượng là như mộng.

Bây giờ luận nói đến một nghi ngờ người ta có thể có về sự không thể tách lìa của sanh tử và niết bàn. Người ta có thể nghĩ, “Ồ, nếu chúng căn bản là cùng một thứ thì quan trọng gì phải cố gắng được giải thoát, thoát khỏi khổ đau, tịnh hóa nghiệp, và tu tập thiền định?” Người ta không cần ấp ủ những nghi ngờ như vậy nếu người ta hiểu tương quan lẫn nhau giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Khi chúng ta nói về sự như nhau của bản tánh, chúng ta đang nhìn từ một quan điểm rất tuyệt đối. Chúng ta đang đi đến bản tánh sâu thẳm nhất của những hiện tượng. Ở đó chúng ta nhìn vào cái đã luôn luôn hiện hữu và không bao giờ thôi hiện hữu. Dùng thí dụ sợi dây, chúng ta biết nó luôn luôn là một sợi dây. Ở cấp độ tương đối, chúng ta đang nhìn cái gì đang xảy ra qua mê lầm và làm sao thoát khỏi nó. Chúng ta đang nhìn chân lý tương đối và chân lý của cái đang xảy ra trên cấp độ tương đối của mê lầm: cần làm gì và làm thế nào. Lấy thí dụ sợi dây và con rắn, chúng ta sẽ thấy điều đó rõ ràng. Chỉ có sợi dây ở đó, và toàn bộ tiến trình mê lầm và giải thoát khỏi mê lầm xảy ra trên cấp độ tương đối, theo một chủ đề tương đối về sợi dây ấy. Chúng ta có thể loại bỏ sự sợ hãi của chúng ta bởi vì chẳng bao giờ có con rắn ở đó (trên cấp độ tối hậu). Chỉ bởi vì một mê lầm, ảo ảnh trên cấp độ tương đối cho là con rắn mà chúng ta có thể loại bỏ sợ hãi của mình. Nếu nó thực là con rắn thì mọi sự sẽ hoàn toàn khác. Cũng như vậy khi chúng ta nhìn công việc của chúng ta trên lãnh vực tương đối của đời sống.

Sanh tử là ảo ảnh mê lầm mà chúng ta đã kinh nghiệm quá lâu. Nếu sanh tử là có thật, một hiện hữu độc lập, không chỉ trong liên hệ với chúng ta, thì rất khó, nếu có thể nói là không thể làm việc với nó khiến nó tiêu tan. Người ta sẽ phải thay đổi về mặt vật chất toàn bộ thế giới này để loại bỏ khổ đau. Nhưng sanh tử liên hệ với lối tiếp cận mê lầm của chúng ta nên đó là một tình huống rất dễ làm việc. Chân lý tương đối nghĩa là làm việc với sự thật xảy ra trên cấp độ tương đối, sự mê lầm, những sản phẩm của mê lầm. Trong thế giới tương đối này, làm việc để tịnh hóa nghiệp là điều ý nghĩa nhất, điều này liên hệ với tiến trình của mê lầm ảo ảnh, bằng cách khai triển thiền định, là cái có năng lực loại bỏ mê lầm ấy. Nhưng cùng lúc, nếu người ta hiểu thấu cấp độ tuyệt đối và hiểu cái luôn luôn thực sự đã là nền cho tiến trình tương đối này, bấy giờ người ta sẽ thấy sự bình đẳng của sanh tử và niết bàn, sự biểu lộ của chúng là những sản phẩm của tâm. Thế nên hai cái ấy là một trong bản tánh của chúng. Điểm then chốt là không nghi ngờ hay tranh cãi sự vững chắc của công việc tương đối của chúng ta, bởi vì chúng ta hiểu mối tương quan tuyệt đối này.

 

J. ÁP DỤNG TỊNH HÓA NHỮNG THẾ GIỚI

 

Điểm thứ mười là phần bao quát về tịnh hóa những thế giới. Thông thường những người bình thường dễ hướng đến cái tiêu cực, không tốt, hơn là những tính tốt, thế nên có sự ưu thắng của tham, sân, ghen ghét, kiêu căng, ngu si vân vân. Chỉ có một số ít những phẩm tính tốt như tình thương và lòng bi, nguyện vọng, chuyên cần vân vân. Khi tâm bên trong bị nhiễm độc, với một ít phẩm tính tốt, bấy giờ điều này khiến cho thế giới bên ngoài được kinh nghiệm là một nơi chốn rất dơ bẩn. Cách thế giới bên ngoài xuất hiện gắn liền mật thiết với cách tâm bên trong bị điều kiện hóa. Thế nên tùy theo sự bị quy định và nghiệp của chúng sanh, họ tri giác thế giới và môi trường theo một cách nào đó. Những bồ tát thì khác bởi vì qua công việc trau dồi mọi phẩm tính tốt, họ xóa bỏ càng lúc càng nhiều mọi chất độc. Khi tâm bên trong của họ thanh tịnh, bấy giờ môi trường bên ngoài biểu lộ là rất thanh tịnh. Đây là nơi chúng ta kinh nghiệm những chiều kích thanh tịnh, những tịnh độ vân vân. Chúng ta hiểu qua sự thực hành của họ, những bồ tát ấy đang giúp tịnh hóa thế giới. Rõ ràng không phải là vấn đề thay đổi môi trường, nhưng là tu tập tâm của mình và của những chúng sanh khác và rồi qua hoạt động giúp đỡ những người khác tịnh hóa tâm họ. Dựa trên trạng thái tâm của chúng sanh, thế giới sẽ xuất hiện trong một cách khác. Thế nên nói tổng quát, những bồ tát đang tịnh hóa những thế giới.

 

K. ÁP DỤNG PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

 

Phương tiện thiện xảo trong bối cảnh này là hiểu những loại hoạt động người ta cần đưa tâm và sự thực hành của mình đi vào. Đó là công việc hiểu bản tánh của những sự vật. Những phương tiện thiện xảo gồm chinh phục những chướng ngại, những ngăn chặn và những lực lượng xấu. Phương tiện thiện xảo được khai triển để tăng trưởng những phẩm tính tốt của thực hành. Phương tiện thiện xảo được tu tập để giúp người ta nhanh chóng hoàn thành mục đích, để chúng ta có thể thực sự hữu ích cho những người khác và đưa họ đến trưởng thành.

Qua mười một điểm, bây giờ chúng ta đến chỗ cuối của phần chính thứ tư của cuốn sách, được gọi là chứng ngộ thực sự mọi phương diện.

SHARE:

Trả lời