Chương 5: Con đường của Nối kết và Phật tánh

SHARE:

Chương 5: Con đường của Nối kết và Phật tánh

Đã khai triển Bồ đề tâm (điều kiện 1) và đã thực hành những lời dạy (điều kiện 2), chúng ta đến con đường thứ hai, con đường của nối kết (Bốn Gia hạnh vị), như một kết quả của thiền định của chúng ta. Điều kiện thứ ba để đạt đến giác ngộ là bốn giai đoạn của con đường nối kết này.

 

C. BỐN GIAI ĐOẠN CỦA CON ĐƯỜNG NỐI KẾT (HAY TÁCH LÌA)

 

Cái thấy thấu suốt thực sự vào bản tánh của những hiện tượng hay vào pháp tánh, xảy ra trong giai đoạn thứ ba được gọi là con đường của cái thấy thấu suốt. Khi đến con đường của cái thấy thấu suốt hay quán thấy này, chúng ta nhận được chứng ngộ trực tiếp và dứt khoát pháp tánh.

Con đường thứ hai của nối kết liên hệ đến học về pháp tánh và trong giai đoạn này chúng ta tự chuẩn bị và thực hành trong một cách để cho có thể có được sự chứng ngộ con đường quán thấy. Thế nên khi chúng ta tìm cách nối kết với sự quán thấy ấy, nó được gọi là “con đường của nối kết” hay “con đường chuẩn bị”.

 

  1. ẤM (NOÃN ĐỊA)

 

Cái thứ nhất của bốn giai đoạn của con đường nối kết được gọi là ấm. Ở điểm này chúng ta bắt đầu làm ấm kinh nghiệm của quán thấy pháp tánh. Trí huệ hay jnana đột khởi trên con đường quán thấy thì giống như một ngọn lửa lớn và tương tự như chúng ta đến gần một ngọn lửa lớn chúng ta ấm nóng lên.

Tên trong luận để chỉ con đường nối kết là “sự tách lìa dứt khoát”. Chúng ta hoàn thành sự tách lìa hay giải thoát thực sự trên con đường quán thấy khi chúng ta nhận được sự thấy thấu suốt thực sự pháp tánh. Từ “tách lìa dứt khoát” được dùng ở đây bởi vì mọi sự xảy ra trên con đường nối kết cho chúng ta sự tách lìa, sự giải phóng này.

 

  1. ĐỈNH (ĐỈNH ĐỊA)

 

Giai đoạn thứ hai của con đường nối kết được gọi là đỉnh hay đỉnh điểm. Thứ nhất, chúng ta làm ấm nóng kinh nghiệm về tánh Không; chúng ta chưa thực sự có nó, nhưng chúng ta thực hành nó qua nguyện vọng. Chúng ta biết có kinh nghiệm về pháp tánh này và chúng ta muốn có nó. Nên trước hết chúng ta làm ấm nóng nó, và rồi đến gần hơn với kinh nghiệm đích thực, chúng ta đạt đến giai đoạn đỉnh.

 

  1. NHẪN (NHẪN ĐỊA)

 

Khi thiền định của chúng ta cải thiện hơn nữa, chúng ta đạt đến giai đoạn thứ ba gọi là nhẫn, kiên trì, chịu đựng. Nhẫn nghĩa là chúng ta không sợ nữa, tâm không xoay khỏi sự chứng ngộ pháp tánh.

 

  1. PHÁP THẾ GIAN CAO NHẤT (THẾ ĐỆ NHẤT ĐỊA)

 

Giai đoạn thứ tư của con đường nối kết được gọi là “pháp thế gian cao nhất” (thế đệ nhất địa) bởi vì chúng ra ở trên ngưỡng của kinh nghiệm về  thực tại chân thật này. Khi chúng ta có được sự thấu hiểu thực tại chân thật, bấy giờ từ lúc này trở đi, chúng ta trở thành một người chứng ngộ, một vị thánh (arya). Đây là điểm giữa một người bình thường trên con đường nhiễm ô và một người chứng ngộ trên con đường không nhiễm ô. Vào giai đoạn này chúng ta không bao giờ trở lại cái nhiễm ô và chúng ta đã đạt đến sự hiểu biết cao nhất mọi hiện tượng thế gian.

Trên con đường nối kết có bốn chướng ngại chính cần loại bỏ. Gốc rễ của những ngăn chướng này sẽ chỉ được loại bỏ khi giai đoạn quán thấy và giai đoạn tu tập được hoàn thành. Nhưng trên con đường nối kết chúng ta loại bỏ sự biểu lộ thô của chúng để chúng không biểu lộ thành những hậu quả.

Nói chung có hai loại che chướng cần trừ bỏ: những che chướng của phiền não nhiễm ô (phiền não chướng) gồm bám luyến, ghét, không biết (vô minh), ghen tỵ, kiêu căng…và những che chướng của hiểu biết (sở tri chướng), ngăn chặn sự chứng ngộ tánh Không, như quan niệm chủ thể, đối tượng, hành động. Bốn chướng ngại được loại bỏ bởi con đường nối kết là những che chướng của hiểu biết.

Chướng ngại thứ nhất được gọi là “quan niệm về những đối tượng được nhận thức”. Đó là tin rằng những cái chúng ta tri giác như hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, những vật chúng ta xúc chạm là những đối tượng bên ngoài chúng ta. Chúng ta tin chúng cứng đặc và ở ngoài chúng ta. Trên giai đoạn Ấm thứ nhất của con đường nối kết, chúng ta cần phải vượt khỏi quan niệm này về một thực tại bên ngoài.

Chướng ngại thứ hai là “quan niệm về một chủ thể” hay người tri giác. Quan niệm này là niềm tin rằng tâm tri giác kinh nghiệm những đối tượng bên ngoài này thì tách biệt với những đối tượng bên ngoài ấy. Điều này được loại bỏ trong giai đoạn Đỉnh thứ hai.

Chướng ngại thứ ba được gọi là “quan niệm về chất thể”. Hoặc vật bên ngoài có vẻ thực và cứng chắc hay là tâm bên trong, được xem là sự vật với những phẩm tính nhất định, người ta cần phá vỡ những niềm tin sai lầm này vào thực tại của tâm và vật bên ngoài. Điều này xảy ra trong giai đoạn Nhẫn thứ ba của con đường nối kết.

Chướng ngại thứ tư là “quan niệm về thực tại được phóng chiếu”. Trong giai đoạn thứ ba chúng ta loại bỏ niềm tin vào thực tại cụ thể của thế giới bên ngoài và người tri giác bên trong. Điều này đi xa hơn bởi vì chúng ta phát triển một cái hiểu những hiện tượng bên trong và bên ngoài chỉ là những định nghĩa, gán tên, và những phóng chiếu. Chẳng hạn, chúng ta hiểu rằng thân chúng ta chỉ là một phóng chiếu của tâm chúng ta, thế nên giai đoạn cuối này loại bỏ niềm tin vào những tạo hình của tâm và xem chúng là thực. Chướng ngại này được loại bỏ trên giai đoạn Pháp thế gian cao nhất thứ tư.

Con đường của Bồ tát thì cao hơn con đường nối kết của các Thanh Văn và Duyên Giác Phật, các vị được gọi là “những hành giả như tê giác” trong bản luận. Lý do con đường nối kết của Bồ tát thì cao hơn vì trong những thừa thấp hơn những hành giả không nỗ lực thoát khỏi bốn niềm tin sai lầm này, trong khi trên con đường Bồ tát, hành giả cần loại bỏ bốn niềm tin sai lầm đó.

 

D. PHẬT TÁNH, CĂN CỨ CỦA SỰ THỰC HÀNH CỦA CHÚNG TA

 

Có mười điều kiện làm nhân để chứng ngộ pháp tánh. Thứ nhất là Bồ đề tâm, thứ hai là những lời dạy thực hành, thứ ba là con đường nối kết loại bỏ bốn quan niệm sai lầm. Bây giờ chúng ta sẽ nhìn vào nguyên nhân thứ tư, nó là căn cứ, nền tảng cho sự thực hành của chúng ta. Từ “căn cứ, nền tảng” trong tiếng tây Tạng là rten nghĩa đen là “cái mà người ta có thể dựa vào”, và cũng có thể dịch là “nền tảng” của sự thực hành của chúng ta.

Nền tảng sự thực hành của chúng ta là Phật tánh (Skt.gotra, TT.rigs) và Phật tánh này tiềm ẩn trong tất cả chúng sanh cho phép họ hoàn thành Phật quả. Nếu tiềm năng có ở đây, bấy giờ đáng để làm việc trên nó, nhưng nếu không có tiềm năng thì có cố gắng cũng không kết quả. Đại sư Nagarjuna giải thích điều này khi nói nếu chúng ta lấy một hòn đá mà biết có vàng trong đó, bấy giờ với nỗ lực chúng ta có thể làm cho vàng trong ấy xuất hiện. Còn nếu không có vàng trong hòn đá thì dù khó nhọc thế nào chúng ta cũng không thể có vàng. Với chúng sanh, nếu chúng ta không có Phật quả tiềm ẩn này, thì không có cách nào để Phật quả biểu lộ. Nhưng bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, bấy giờ nỗ lực là xứng đáng.

Sự chứng đắc Phật quả đến qua việc làm và thiền định trên con đường tu tập thứ năm. Sự thiền định rất sâu ở giai đoạn này sẽ đưa đến Phật quả. Điều này nhờ giai đoạn quán thấy ở trước. Một khi chúng ta đã có cái nhìn thấu suốt vào pháp tánh, chúng ta có thể làm việc trên giai đoạn tu tập. Như chúng ta đã thấy, con đường quán thấy dựa vào giai đoạn thứ tư của con đường nối kết được gọi là Pháp thế gian cao nhất. Pháp thế gian cao nhất đến như kết quả của giai đoạn Nhẫn thứ ba, cái này đến từ giai đoạn Đỉnh thứ hai, cái này lại đến từ giai đoạn Ấm thứ nhất. Chúng ta bắt đầu toàn bộ dây chuyền những sự cố bởi vì sự hiện diện Phật tánh trong chúng ta. Qua những giai đoạn của con đường và Phật tánh chúng ta có thể làm cho giác ngộ thành hiện thực. Bằng cách làm việc trên những giai đoạn của con đường quán thấy, chúng ta đến con đường tu tập và cuối cùng đến Phật quả.

 

1-6. SÁU PHÁP CỦA CHỨNG NGỘ

 

Có mười ba điểm được bàn luận trong phần này về Phật tánh. Chúng ta chỉ đã bàn sáu điểm đầu được gọi là “sáu pháp của chứng ngộ”, chúng là bốn giai đoạn của con đường nối kết, con đường quán thấy, và con đường tu tập. Chúng xảy ra do loại bỏ những chướng ngại như những phiền não nhiễm ô ngăn chặn chứng ngộ của chúng ta. Để loại bỏ những nhiễm ô này chúng ta cần áp dụng một phương thuốc. Chúng ta cần chứng ngộ trực tiếp bản tánh chân thật của pháp tánh. Để làm điều này chúng ta cần trau dồi samadhi, và trau dồi định, chúng ta cần kiểm soát đời mình và thực hành kỹ luật. Tất cả những thuốc chữa này đều phát xuất từ Phật tánh tiềm ẩn. Thế nên Phật tánh được gọi là một phương thuốc. Khi chúng ta tu tập những phương thuốc đối với những chướng ngại và đưa chúng vào hiện hành, cuối cùng chúng ta sẽ bỏ những che chướng của nhiễm ô và che chướng của hiểu biết. Nếu những che chướng ấy thực sự là thành phần của dòng tâm thức chúng ta, chúng ta không bao giờ từ bỏ chúng được. Nhưng vì chúng có thể bị loại bỏ, chúng ta quan niệm tiềm năng này là khả năng của từ bỏ.

 

7-11. SÁU THÀNH TỰU CỦA CÁC PHÁP NÀY

 

Tâm chúng ta làm cho điều ấy hiện thực nhờ áp dụng những phương thuốc, bởi vì có Phật tánh và tinh túy (TT.sning po) của tâm. Nếu chúng ta trở lại thí dụ một người vào phòng tối thấy cuộn dây và nghĩ là con rắn; nếu đó thực là con rắn, sẽ rất khó cho chúng ta để thoát khỏi niềm tin vào sự hiện hữu của con rắn. Nhưng nếu nó thực sự là một sợi dây, chúng ta có thể vứt bỏ khái niệm con rắn. Cũng thế, Phật tánh không phải là sự che tối, đó là nền tảng đích thực của tâm và cho phép chúng ta vất bỏ những chướng ngại và thành tựu quả.

Trí huệ và lòng bi liên hệ với Phật tánh như thế nào? Những phẩm tánh của trí huệ cho phép chúng ta loại bỏ những chướng ngại, và những trí huệ này phát sanh từ lòng bi. Bởi vì chúng ta thực sự muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh đạt đến Phật quả, chúng ta trau dồi trí huệ, và rồi dùng trí huệ ấy làm việc trên chính chúng ta. Nhưng lòng bi cũng tự động khai triển nhờ trí huệ. Chúng ta càng trí huệ, lòng bi chúng ta càng mạnh. Cả hai phẩm tính trí huệ và lòng bi cũng là phần của nhân địa nền tảng, Phật tánh.

Điểm tiếp theo là làm việc trực tiếp với Phật  tánh như Bồ tát trên con đường Đại thừa thì cao hơn nhiều so với làm việc như một Thanh Văn trên con đường Tiểu thừa.

Điểm tiếp là trong con đường Đại thừa, khi chúng ta thực hành những giai đoạn khác nhau đến con đường nối kết, chúng ta có thể giúp đỡ chúng sanh một chút. Khi Phật tánh trưởng thành, chúng ta đi đến con đường quán thấy, chúng ta có thể giúp đỡ chúng sanh nhiều hơn. Khi Phật tánh trưởng thành trong con đường tu tập, chúng ta có thể giúp đỡ chúng sanh một cách sâu rộng hơn nữa. Cuối cùng khi Phật tánh biểu lộ trọn vẹn và chúng ta thành một vị Phật, chúng ta có thể lợi lạc nhiều nhất cho chúng sanh. Thế nên chúng ta có thể thấy rằng dòng thực hành này đi trong con đường Đại thừa, làm việc với Phật tánh thì cao hơn nhiều so với những phương pháp làm việc trên chính mình của con đường Tiểu thừa.

Cuối cùng, khi Phật tánh hoàn toàn biểu lộ ở Phật quả, nó tạo ra trí huệ (Skt.jnana) hiện diện hoàn toàn tự nhiên và tự phát mà không cần cố gắng nhỏ nhất nào. Ở Phật quả, Phật tánh sanh khởi tự nhiên như trí huệ cao nhất.

 

Tóm tắt

 

Trong phần tóm tắt có mười ba điểm nghiên cứu về Phật tánh. Sáu điểm đầu về cái cần chứng ngộ và những cái ấy là bốn giai đoạn của con đường nối kết, con đường quán thấy, và con đường tu tập. Trong sáu giai đoạn này chúng ta thấy rằng Phật tánh biểu lộ dần dần nhiều hơn. Điểm thứ bảy là về áp dụng những phương thuốc. Điểm thứ tám là về loại bỏ những chướng ngại. Điểm thứ chín là về trí huệ hay prajna. Điểm thứ mười là về lòng bi. Điểm mười một là Đại thừa cao hơn những con đường khác như thế nào. Điểm mười hai là người ta làm lợi lạc cho những người khác dần dần qua những con đường này. Điểm mười ba là ở Phật quả có jnana không cố gắng, nỗ lực.

Những người quen với Uttaratantra (Tantra vô thượng) có thể nghĩ có một mâu thuẫn nào đó ở đây, bởi vì Tantra vô thượng nói rằng tuyệt đối không có những phân chia trong Phật tánh. Mười ba phân chia này ở đây có vẻ mâu thuẫn với điều đó, nhưng không có mâu thuẫn bởi vì trong Tantra vô thượng Phật tánh được diễn tả như nó xuất hiện trên cấp độ tối hậu hay tuyệt đối. Ở cấp độ tuyệt đối không có những khác biệt hay chia tách những phẩm tính của Phật tánh. Ở đây chúng ta xem xét sự hiện diện của Phật tánh ở cấp độ tương đối, nơi đó có những phân chia. Thế nên không có mâu thuẫn.

 

MƯỜI ĐIỀU KIỆN ĐỂ TOÀN GIÁC KHAI TRIỂN

 

Chủ đề thứ nhất của Trang hoàng là mười nguyên nhân để trí huệ Phật khai triển.

  1. Bồ đề tâm

Chúng ta phải khai triển trước tiên một mong muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh đạt đến giác ngộ.

  1. Những lời dạy thực hành

Chúng ta phải học về con đường Phật giáo và chuyên tâm vào những lời dạy này, chúng được tìm thấy trong năm con đường.

  1. Bốn giai đoạn của tách lìa dứt khoát

Chúng ta phải đi qua bốn giai đoạn của con đường nối kết.

  1. Phật tánh, nền tảng cho sự thực hành của chúng ta.

Toàn bộ sự khai triển chứng ngộ dựa trên sự kiện rằng chúng ta và tất cả chúng sanh khác đều có Phật tánh.

  1. Đối tượng để tập chú vào

Chúng ta phải chứng ngộ tánh Không của tất cả hiện tượng và chúng ta khai triển thấu hiểu qua 11 loại chủ đề như thấu hiểu cái được sanh và cái vô sanh, bình thường và phi thường, hành động tốt và xấu…

6. Mục tiêu

Chúng ta cần hiểu mục tiêu của sự học Bát nhã ba la mật và sự tu tập con đường Bồ tát.

7. Thực hành như áo giáp

Cuối cùng, có bốn thực hành khác nhau chúng ta cần làm để thấu hiểu. Sự thực hành này là hoàn thiện sáu ba la mật.

8. Thực hành áp dụng

Rồi chúng ta cần áp dụng bốn thiền (dhyana) cho thực hành của chúng ta.

9. Thực hành tích tập

Cần thực hành tích tập công đức và tích tập trí huệ

10. Thực hành giải thoát chắc chắn

Chúng ta cần thấu hiểu sự không thể phân chia của sanh tử và niết bàn.

SHARE:

Để lại một bình luận