SHARE:
Qua ngày sau, Vi sử quân xin giảng dạy thêm. Sư lên tòa nói với đại chúng rằng: “Tất cả phải tịnh tâm mà niệm Ma ha Bát nhã ba la mật đa.”
Bát nhã là trí huệ. Ma ha Bát nhã ba la mật đa là Đại Trí huệ rốt ráo, Đại Trí huệ qua đến bờ bên kia, Đại Trí huệ thấy biết tánh Không ở khắp cả. Hệ thống Kinh Đại Bát Nhã nói về tánh Không chiếm số lượng kinh rất lớn trong Đại thừa. Và có thể nói, tất cả kinh điển và tông phái của Đại thừa đều đặt trên nền tảng tánh Không.
Lại nói: “Các thiện tri thức! Trí Bát Nhã giác ngộ, người đời đều vốn tự có, chỉ duyên theo tâm mê nên chẳng thể tự ngộ. Phải nhờ đại thiện tri thức chỉ dẫn cho thì được thấy tánh. Hãy biết người ngu kẻ trí tánh Phật vốn không sai khác, chỉ do mê ngộ chẳng đồng mà có ngu có trí. Nay ta nói pháp Ma ha Bát nhã ba la mật để các ông đều được trí huệ, vậy hãy chí tâm nghe kỹ, ta sẽ nói cho các ông.
Các thiện tri thức! Người đời suốt ngày miệng niệm Bát nhã mà chẳng biết tự tánh Bát nhã cũng như nói ăn mà chẳng no. Miệng chỉ nói Không thì muôn kiếp chẳng được thấy tánh, rốt cuộc không ích gì.
Thiện tri thức! Ma ha Bát nhã ba la mật là tiếng Phạn, nghĩa là trí huệ đến bờ giải thoát. Cái này phải tâm làm chứ chẳng ở nơi miệng niệm. Nếu miệng niệm mà tâm chẳng làm thì cũng như huyễn, như hóa, như sương, như chớp. Miệng niệm tâm làm, ắt tâm miệng tương ưng. Bản tánh là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác.
Trí huệ giác ngộ ai ai cũng có, tại đây và lúc này. Chỉ vì duyên theo các tưởng và tướng bên ngoài mà lìa khỏi bản tâm xưa nay vốn có bèn lạc mất chỗ thường trụ. Phật tánh thì ai ai cũng có, rỗng sáng khắp mười phương, như gương tâm hằng sáng vô biên, chỉ vì mê chạy theo bóng mà bỏ quên cái ‘‘chính mình’’ thường trụ. Như mãi đuổi theo sóng mà quên mất mình là đại dương.
Tâm làm là một niệm chiếu soi trở lại, bèn thấy xưa nay mình vẫn ở trong gương tâm, trong trí huệ Bát nhã bổn nguyên.
Bản tánh mình là Phật, lìa tánh thì không có Phật nào khác. Nhưng tánh thì không đâu chẳng có. Không có tưởng và tướng, đó là tánh; mà có tưởng và tướng đó cũng là tánh. Như tấm gương sáng không có bóng hay có bóng thì vẫn là tấm gương.
Bản tánh mình là Phật. Không thể nào ra khỏi bản tánh này, niệm hay không có niệm đều không thể ra khỏi bản tánh này, làm đúng làm sai đều không thể ra khỏi bản tánh này, có hay không, sanh hay diệt, đều không thể ra khỏi bản tánh này.
Sao gọi là Ma ha? Ma ha là lớn, tâm lượng rộng lớn như hư không, không có biên bờ, cũng không vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không giận, không vui, không phải, không trái, không lành không dữ, không đầu không cuối. Các cõi Phật đồng như hư không, diệu tánh của người đời vốn Không, không có pháp nào có thể đắc. Tự tánh chân không cũng lại như vậy.
Thiện tri thức! Chớ nghe ta nói Không bèn bám chấp không. Thứ nhất chớ bám chấp không, nếu tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là bám chấp vào cái không vô ký.
Tâm thì bao la như hư không, vô biên, vô hạn, thật thấy biết tâm như vậy tức là giải thoát. Trong tâm vô biên ấy không có một đặc tính riêng biệt nào, không có một vật gì có thể đắc. Và bản tánh của mọi sự vật là tánh Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc. Thế nên thấy gì, nghe gì, nghĩ gì, và mọi cái được thấy, được nghe, được nghĩ đều là tánh Không. Như vậy tánh Không ở khắp tất cả, vì không có một hiện hữu nào mà không vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc.
Các tướng đều là tánh Không, cho nên tất cả là tánh Không.
Để thấy biết được tánh Không của ngã và pháp này, phải “tâm làm”, nghĩa là phải Chỉ, Quán, và Chỉ Quán đồng thời, hay Thiền. Chỉ Quán, ngài Huệ Năng gọi là Định Huệ. Tâm có Định Huệ mới “tương ưng” được tánh Không.
Với người đã “tâm làm” đầy đủ, chỉ cần nhìn vào bầu trời, nhìn vào hư không bèn thấy tâm, vì ‘‘tâm lượng rộng lớn như hư không’’, và tâm thấy cái gì thì tâm là cái đó, tâm nhìn hư không thì tâm là hư không.
Nhìn bầu trời, nhìn hư không, đó là nhìn tâm, nhìn tánh Không. Bởi thế Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm “nhìn vách”, đó là nhìn tâm, nhìn tánh Không.
Nhưng ngài Huệ Năng nói chớ nghe nói Không bèn bám chấp không. Đây là một lỗi lầm “thứ nhất”. Tánh Không không phải là không có gì cả, bởi vì “nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp”. Tánh Không có tất cả sắc, nhưng ‘‘sắc tức là Không’’.
Tâm Không thì thấy tất cả pháp đều là Tâm mà không sanh vọng tưởng phân biệt. Khi thấy tất cả pháp đều là Tâm, cũng đều là Không, đó là bước vào cửa ngộ.
Ngồi yên lặng (tĩnh tọa hay ngồi thiền) cũng có được nói trong Kinh Duy Ma Cật. Lục Tổ không bác bỏ ngồi thiền như chính ngài và các Thiền sư về sau có làm, ngài chỉ bác bỏ việc ngồi mà bám chấp vào cái không trống trơ không có sự sống, không linh hoạt, nghĩa là không có ích lợi, không sanh trí huệ, gọi là không vô ký.
Chẳng phải tình cờ mà vào Kinh ngài giảng phẩm Trí huệ, nghĩa là nền tảng của Thiền tông là Trí huệ chứ không phải Thiền định, cái thứ 6 và thứ 5 trong 6 Ba la mật.
Thiện tri thức! Hư không thế giới bao hàm vạn vật sắc tướng, mặt trời mặt trăng, tinh tú, núi sông đất đai, suối nguồn, khe rạch, cây cỏ, rừng rú, người thiện, người ác, pháp thiện pháp ác, thiên đường địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu di, đều ở trong cái Không. Tánh Không của người đời cũng lại như vậy.
Thiện tri thức! Tự tánh bao hàm muôn pháp, đó gọi là lớn. Muôn pháp đều ở trong tánh của con người. Nếu thấy tất cả những điều xấu tốt của người mà đều chẳng lấy chẳng bỏ, cũng không dính nhiễm, tâm như hư không, đó gọi là lớn, nên nói là Ma ha.
Tâm hay tánh của con người thì như hư không bao trùm mọi thế giới, mọi vật sắc tướng, không có cái gì không ở trong nó.
Người nào kinh nghiệm được tâm thì thấy được tất cả vũ trụ vạn vật đều ở trong tâm mình. Người nào là tâm thì tất cả vũ trụ vạn vật đều là mình, đồng thời tất cả vũ trụ vạn vật cũng chẳng dính dáng gì đến mình cả.
Nhưng làm sao kinh nghiệm được tâm? Nếu thấy tất cả cảnh, tất cả người mà không phân biệt và chạy theo các tướng tốt xấu, phải trái, chẳng lấy chẳng bỏ, thì đây chính là tâm, hiện tiền trùm khắp, tâm như hư không mà chứa tất cả pháp. Tất cả đều là tâm thì còn phân biệt cái gì nữa? Cái thấy tất cả mà chẳng lấy chẳng bỏ bèn vô biên như hư không này, đó là cái thấy tánh, thấy tâm.
Thiện tri thức! Người mê thì miệng nói, người trí thì tâm làm.
Lại có người mê, tâm trống không mà tĩnh tọa, trăm thứ không nghĩ, bèn tự cho đây là lớn. Với hạng người ấy không thể nói được, vì mắc vào tà kiến.
Thiện tri thức! Tâm lượng rộng lớn khắp cả pháp giới, dùng tới bèn rõ rõ phân minh. Ứng dụng liền biết hết thảy, tất cả là một, một là tất cả, đến đi tự do, tâm thể không trệ ngại, tức là Trí huệ Bát nhã.
Tánh Không không phải là không có gì cả, mà sống động phi thường. Tâm ấy bao la khắp cả không cái gì có thể ở ngoài nó; dùng nó, sống nó thì mọi sự đều tỏa sáng, rõ ràng phân minh vì có cái gì mà không phải là tâm trí huệ?
Tất cả là một, vì tất cả là một Tâm, một tánh Không. Một là tất cả, vì tánh Không bao trùm và là tất cả, không có cái gì ra ngoài và không phải là tánh Không. Tất cả là một, một là tất cả, vì tất cả và một đều là tánh Không, hoàn toàn vô ngại.
Trong tâm pháp giới không có trệ ngại ấy, mọi sự đến đi đều tự do, không có cái gì dính mắc cái gì. Trong tâm pháp giới này tất cả đều giải thoát, giác ngộ.
Cho nên tu là thấy tâm hay tánh ấy, ngay tại đây và bây giờ, chưa hề lìa đương niệm, và sống nó cho đến trọn vẹn.
Thiện tri thức! Hết thảy trí Bát nhã đều từ tự tánh mà sanh, chẳng phải từ ngoài vào, cho nên chớ dùng lầm ý, đó gọi là chân tánh tự dụng.
Một cái chân thì tất cả đều chân. Tâm lượng là sự việc lớn lao, chớ làm theo đường nhỏ, miệng chớ trọn ngày nói không mà trong tâm chẳng tu hạnh ấy. Cũng như người phàm tự xưng là quốc vương, rốt cuộc chẳng được gì, hạng ấy chẳng phải là đệ tử của ta.
Trí huệ Bát nhã đều từ tự tánh mà sanh, cho nên chỉ cần thấy tâm, thấy tự tánh bèn là thấy trí huệ. Khi thấy rồi thì khởi tâm, động niệm, làm việc gì thì cũng khởi từ chân tánh hay trí huệ, hành động trong chân tánh và chấm dứt trong chân tánh. Lúc ấy không còn là ‘tôi’ làm việc ‘của tôi’ mà chính là chân tánh làm, mà chân tánh thì bao la như hư không, nên sự làm cũng bao la như hư không, không có trung tâm nào cả, như thế làm mà như không làm, gọi là chân tánh tự dụng.
Tâm là sự việc lớn lao, bao la, suốt khắp, nên chớ làm theo lối nhỏ. Lối nhỏ là tôi có cái thấy của tôi, tôi thiền định mình tôi, tôi làm hạnh của tôi, tôi thành quả của tôi. Tôi và của tôi làm cho tâm bao la trở thành lối nhỏ. Như vậy tức là miệng trọn ngày nói không mà chỉ tu ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Trong tâm lượng thì mọi cử chỉ, nói năng, im lặng đều là tâm, đều là chân, và đều bao la như tâm. Trong chân tánh thì tất cả sự đều là diệu dụng, tức là đều là Không, là Như, gọi là chân tánh tự dụng. Nghĩa là tướng là sự tự dụng của chân tánh. Chân tánh vốn giải thoát nên sự tự dụng của nó là các tướng cũng vốn giải thoát.
Thiện tri thức! Sao gọi là Bát nhã? Bát nhã nhà Đường gọi là trí huệ. Tất cả nơi chốn, tất cả thời gian, niệm niệm chẳng ngu, thường hành trí huệ tức là hạnh Bát nhã.
Một niệm ngu tức là Bát nhã tuyệt; một niệm trí tức là Bát nhã sanh. Người đời ngu mê, chẳng thấy Bát nhã, miệng nói Bát nhã mà trong tâm thường ngu, thường tự nói ta tu Bát nhã, niệm niệm nói không mà chẳng biết chân không. Bát nhã không có hình tướng, ấy là tâm trí huệ. Nếu hiểu như thế, thì gọi là trí Bát nhã.
Bát nhã là tâm trí huệ vừa trống không yên lặng (không tịch) vừa sáng soi (chiếu) luôn luôn hiện diện nơi mỗi người trong mọi nơi chốn, mọi thời gian. Chỉ cần niệm niệm chẳng ngu, chẳng phân biệt đuổi theo tướng thì xưa nay vẫn sống trong chân không rỗng lặng sáng soi ấy.
Phải thấy rằng nếu không có nền tảng tâm trí huệ lặng sáng ấy thì cũng chẳng có niệm tưởng phân biệt rồi đuổi theo. Làm thế nào để hiểu biết tâm trí huệ này? Tâm trí huệ chính là tánh Không ‘‘không có hình tướng’’ vô biên vô bờ.
Bằng thiền định và thiền quán sâu vào khoảng không gian giữa hai ý tưởng, chúng ta sẽ thấy khoảng hở giữa hai ý tưởng là tánh Không bao la vô biên. Khi đã quen với khoảng hở chính là tánh Không vô biên ấy, chúng ta sẽ thấy chính những ý tưởng cũng chính là tánh Không, như giữa hai làn sóng là nước đại dương và rồi các làn sóng cũng là nước đại dương.
Tâm trí huệ là tánh Không. Thường thấy tâm trí huệ tánh Không này và những ý tưởng là sự thể hiện của tâm trí huệ tánh Không nên những ý tưởng vẫn tự giải thoát. Đó là hạnh Bát nhã, sống thường trực trong Chân Không.
Sao gọi là ba la mật? Đây là tiếng của Thiên Trúc phương Tây. Nhà Đường gọi là đáo bỉ ngạn, đến bờ bên kia, nghĩa là lìa sanh diệt.
Bám cảnh thì sanh diệt khởi, như nước có nổi sóng, tức gọi là bờ bên này. Lìa cảnh thì không có sanh diệt, như nước thường thông lưu, tức gọi là bờ bên kia, cho nên nói là ba la mật.
Bờ bên kia, tức giải thoát, là chuyện trước mắt. Bám theo cảnh, sanh diệt liền khởi, như nước có nổi sóng, đây là sanh tử. Còn ngay nơi cảnh mà lìa cảnh, thì tức khắc không có sanh diệt, bèn là Niết bàn, là bờ bên kia.
Kinh Kim Cương nói: “Thấy các tướng là chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai”. Thế mới biết sanh tử là do mình vọng động tự tạo, chứ xưa nay có bao giờ ra khỏi Niết bàn không sanh không diệt được đâu.
Bám cảnh thì sanh diệt khởi, đó là bờ bên này. Lìa cảnh thì không có sanh diệt, đây là bờ bên kia. Bờ này hay bờ kia nằm ngay trong một niệm. Đây là tu trí huệ ba la mật.
Thiện tri thức! Người mê chỉ miệng niệm, đang lúc niệm có vọng, có trái (phi: chẳng phải). Còn niệm niệm mà thường hành trí huệ, đó gọi là chân tánh. Ngộ được pháp này tức là pháp Bát nhã, tu được hạnh này tức là hạnh Bát nhã. Chẳng tu là phàm, một niệm tu hành thì tự thân đồng như Phật.
Niệm Bát nhã nơi miệng mà có vọng, có trái thì đó là niệm sanh diệt, niệm sanh tử. Còn niệm mà tâm thường hành trí huệ, không tâm không cảnh, không ta không người, không ngã nhân chúng sanh thọ mạng thì đây là niệm không sanh không diệt, tương ưng với Niết bàn tánh Không.
Một niệm tu hành tánh Không là một niệm tương ưng với tâm Phật vốn sẳn, niệm niệm tu hành tánh Không là niệm niệm tương ưng với tâm Phật vốn sẳn.
Thiện thi thức! Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ đề. Niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật. Niệm trước bám cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là Bồ đề.
Chữ “niệm” được dùng rất nhiều trong Pháp Bảo Đàn. Niệm là một then chốt của Đốn giáo. Chữ ‘‘lìa’’ cũng được nói nhiều trong kinh. Lìa là sự tu hành, dụng công mà như không dụng công.
“Một niệm” là niệm hiện tại đây, gọi là đương niệm. Đương niệm mà mê, tức là phàm phu, là phiền não. Đương niệm mà biết, tức là Phật, là giác ngộ.
Tâm trí huệ, tự tánh Giác ngộ vốn có sẳn, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Tâm trí huệ là cái đương niệm này. Ngộ là ngộ được tâm trí huệ tánh Không, tất cả vốn lìa, ngộ là ngộ được cái đương niệm Tâm – Không này. Đương niệm này mọi người đều đang có, trong đương niệm này tất cả chúng sanh bình đẳng với chư Phật.
Trong đương niệm rỗng lặng sáng soi này mà có vọng, có trái, có bám cảnh đó là muốn làm phàm phu. Trong đương niệm này mà lìa tướng, lìa tưởng thì liền ngay đây tâm trí huệ, tâm giác ngộ hiện tiền.
“Niệm niệm thường hành trí huệ” thì niệm niệm thường ngộ. Niệm niệm thường tu như vậy thì niệm niệm thường chứng. Hành và ngộ, tu và chứng đều nằm trong đương niệm này. Dùng nó thì có khắp pháp giới, khắp tất cả không gian thời gian. Đây gọi là “chân tánh tự dụng”.
Thiện tri thức! Ma ha Bát nhã Ba la mật là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không trụ, không qua cũng không tới. Ba đời chư Phật từ trong đó mà ra.
Hãy dùng đại trí huệ mà phá tan năm uẩn, phiền não, trần lao. Tu hành như đây thì quyết định thành Phật đạo, biến ba độc tham sân si thành Giới, Định, Huệ.
Tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, vì sanh tử không thể chạm tới để nhiễm ô được. Nhưng nó cũng là cái ngay trước mắt: không trụ, không qua, cũng không tới. Giải thoát, giác ngộ đều sanh ra từ cái đương niệm không thể nhiễm ô, không trụ, không qua, không tới này.
Đương niệm này là tánh Không nền tảng, ánh sáng nền tảng, từ đây mà lạc bước bám tướng bèn có năm uẩn, phiền não, trần lao, ba độc, cho nên dựa vào nó thì chuyển hóa được tất cả bất tịnh tạo thành sanh tử.
Chuyển hóa như thế nào? Không thấy có tướng sanh tử trước mặt, đó là giải thoát. Biến ba độc tham sân si thành công đức giới định huệ, giàu có khắp pháp giới như vậy thì thế gian nào bằng được.
Thiện tri thức! Pháp môn đây của ta từ một Bát nhã sanh ra tám vạn bốn ngàn trí huệ. Tại sao thế? Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần lao. Nếu không có trần lao thì trí huệ thường hiển hiện, chẳng lìa tự tánh.
Ngộ pháp này bèn là không có niệm, không nhớ nghĩ, không bám dính, không khởi hư vọng. Dùng tánh chân như của mình, lấy trí huệ quán chiếu, với hết thảy pháp chẳng lấy chẳng bỏ, tức là thấy tánh thành Phật đạo.
Thiện tri thức! Nếu muốn nhập pháp giới rất sâu và tam muội Bát nhã, phải tu hạnh Bát nhã, trì tụng kinh Kim Cương Bát Nhã, bèn được thấy tánh.
Trí huệ thường hiển hiện, chẳng lìa tự tánh nhưng người đời không thấy biết được vì trần lao ngăn che. Thế nên an trụ nơi tánh chân như của mình, lấy trí huệ quán chiếu thì ánh sáng trí huệ soi chiếu phá tan trần lao phiền não. Trần lao phiền não càng tiêu thì trí huệ càng hiển hiện. Đây là y trên tánh mà tu, biết ‘‘dùng tánh chân như của mình’’.
Không có niệm, không nhớ nghĩ, không bám dính, không khởi hư vọng, mới biết xưa nay chưa từng rời khỏi nhà, xưa nay không lúc nào không là ông chủ rỗng rang thường trụ nơi đây mà tiếp khách vô thường, qua lại, đến đi.
Khi ngộ pháp này là ngộ tự tánh chân như của mình, và lúc ấy mới thấy nền tảng hay bản tánh của tâm vốn là không có niệm, không nhớ nghĩ, không bám dính, không hư vọng. Vậy thì muốn tương ưng với tự tánh chân như tâm thức bình thường của mình phải hành hạnh trí huệ: không có niệm, không nhớ nghĩ, không bám dính, không hư vọng. Khi công phu đã khá đủ, trần lao phiền não đã rơi rụng khá nhiều, người ta liền lập tức tương ưng, thông thương với tự tánh xưa nay vốn có sẳn trước mắt.
Ngộ được tự tánh vốn không có niệm, không nhớ nghĩ, không bám dính, không hư vọng thì các trần lao phiền não cũng là tánh Không như vậy. Đó là tám vạn bốn ngàn trí huệ phá trừ tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Lúc ấy mới biết ngay nơi trần lao phiền não chính là trí huệ.
Pháp giới là tâm trí huệ tánh Không. Muốn nhập pháp giới sâu thẳm này, phải tu hạnh Bát nhã, niệm niệm tương ưng thấy biết tánh Không, trì tụng Kinh Kim Cương làm tánh Không luôn luôn hiện tiền.
Phải biết công đức kinh ấy vô lượng vô biên, trong kinh tán thán rõ ràng, không thể nói hết. Pháp môn đây là tối thượng thừa, nói cho người đại trí thượng căn nghe. Người tiểu căn tiểu trí nghe thì sanh tâm chẳng tin. Vì sao thế? Ví như thiên long mưa xuống Diêm phù đề thì thành ấp xóm làng đều như lá táo trôi. Còn nếu mưa xuống đại dương thì chẳng tăng chẳng giảm. Người đại thừa, nguời tối thượng thừa nghe nói Kinh Kim Cương thì tâm mở mang tỏ hiểu.
Thế nên biết rằng bản tánh tự có trí Bát nhã, bản tánh ấy tự dùng trí huệ thường quán chiếu, cho nên chẳng cần mượn đến văn tự. Ví như nước mưa chẳng phải từ trời mà có, nguyên là năng lực của rồng làm ra, khiến tất cả chúng sanh, tất cả cây cỏ, hữu tình vô tình đều được nhuần thấm. Cả thảy sông ngòi đều chảy vào biển cả, hiệp làm một thể. Trí Bát nhã là bản tánh của chúng sanh lại cũng như vậy.
Kinh Kim Cương nói, không phải chỉ một lần, “khi nghe kinh này, thậm chí trong một niệm sanh lòng tin chân thật, Như Lai thấy rõ, biết rõ những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức”.
Tin là tin “bản tánh mình tự có trí Bát nhã, bản tánh ấy tự dùng trí huệ thường quán chiếu”. Bản tánh mình là tánh Không, vô niệm, vô trụ, nhưng luôn luôn có ánh sáng thường soi chiếu, nói gọn là Không Minh.
Tin thật sự là tìm đến và an trụ nơi tánh Không Minh ấy, và tu là tương ưng với tánh Không Minh ấy để nhờ sức mạnh của tánh Không mà chứng tất cả các pháp là Không và tất cả trần lao phiền não tiêu tan trong ánh sáng của tánh Minh.
Tin là tin rằng, thân tâm, thế giới, chúng sanh đều đang ở trong bản tâm tánh Không trùm khắp và thấu thoát qua tất cả, ‘‘ba đời chư Phật từ trong đó mà ra’’. Cái ‘‘công đức vô lượng vô biên’’ ấy luôn luôn hiện có trước mắt, ‘‘không trụ, không qua cũng không tới’’. Vì ‘‘tự tánh vốn thanh tịnh, vốn tự đầy đủ’’ nên có thiền định bao nhiêu cũng không làm nó thanh tịnh thêm, có loạn tâm bao nhiêu cũng không làm cho nó dơ đi, có làm bao nhiêu việc cũng không làm nó tăng thêm công đức. Nó vốn tự đầy đủ nên sửa sang, chỉnh trị, thêm thắt chỉ là việc vô ích.
Cho nên tu là buông xả, thư giản, hòa nhập trong cái vốn thanh tịnh, vốn tự đầy đủ có sẳn ấy, không tăng không giảm, không dơ không sạch, không sanh không diệt, vì ‘‘xưa nay không một vật’’. Còn muốn tăng thêm, đó là bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả tăng thêm, muốn diệt trừ cái gì, đó là lọt vào trường sanh diệt của sanh tử, muốn làm cái gì thì đó là tạo thêm phiền não chướng và sở tri chướng ngăn che với nó.
Tóm lại sự thực hành không nương dựa vào những cái vô thường như căn, trần, thức, hơi thở, cảm thọ,… để đối trị, diệt trừ trần lao phiền não là những thứ vô thường khác, mà y vào chính bản tánh Không Minh của mình để nó tự làm việc. Thay vì nương dựa vào một con sông, để rửa sạch trần lao, thì ở đây hành giả là “biển cả mà tất cả sông ngòi đều chảy vào đó. Trí Bát nhã là bản tánh của chúng sanh cũng như biển cả ấy”. và ‘‘biển cả thì không chứa xác chết’’.
Thiện tri thức! Người tiểu căn nghe Đốn giáo này cũng như loài cỏ cây căn tánh nhỏ yếu mà gặp trận mưa lớn ắt đều ngã rạp, không thể tăng trưởng. Người tiểu căn nguyên có trí Bát nhã, không khác biệt với người đại trí, mà do sao nghe pháp lại chẳng tỏ ngộ? Do là sự che chướng của tà kiến còn nặng, gốc rễ phiền não ăn sâu, giống như đám mây lớn che lấp mặt trời, không có gió thổi tan, ánh sáng mặt trời không hiện.
Trí Bát nhã cũng không có lớn nhỏ, chỉ vì tâm của tất cả chúng sanh mê ngộ chẳng đồng. Tâm mê thì thấy ở ngoài, tu hành tìm Phật mà chưa ngộ tự tánh, đó là tiểu căn.
Còn tỏ ngộ được Đốn giáo, chẳng bám chấp sự tu ở bên ngoài, chỉ ở nơi tự tâm thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao thường chẳng thể nhiễm, tức là thấy tánh.
Thiện tri thức! Trong ngoài chẳng trụ, qua lại tự do, bặt dứt tâm bám chấp, thông suốt không ngăn ngại, tu hành như vậy thì vốn không sai khác gì với kinh Bát nhã.
Mọi người đều nguyên có trí Bát nhã, đều là trí Bát nhã, không ai nhiều hơn không ai ít hơn, như mặt trời đồng đều sáng khắp. Chỉ vì tự che chướng mình bằng phiền não (phiền não chướng) và tà kiến (sở tri chướng) mà chẳng thấy tâm trí huệ như mặt trời chiếu sáng khắp.
‘‘Trí Bát nhã không có lớn nhỏ’’, chỉ vì cái ta và cái của ta có lớn nhỏ, tướng tu của ta có lớn nhỏ. Các tướng ngăn che càng lớn thì trí Bát nhã càng nhỏ, những cái giả tạo càng lớn thì trí Bát nhã càng nhỏ.
Tu hành là tin mình đang có tự tánh Bát nhã vừa tịch lặng (không có niệm, không nhớ nghĩ) vừa soi chiếu sống động nơi tâm mình, nhận biết nó cho đến lúc rõ ràng mình là nó. “Tự tâm thường khởi chánh kiến”, chánh kiến là cái thấy của trí huệ lìa tướng, “phiền não trần lao thường chẳng thể nhiễm”, thì đây là “chân tánh tự dụng”. Trụ trong chân tánh này, thì bên trong ánh sáng trí huệ càng soi chiếu và bên ngoài các tướng càng tiêu tan thành tánh.
Thường tự dụng tự tánh cả trong lẫn ngoài như vậy, càng ngày càng tương ưng thấy rõ tự tánh và đến khi tương ưng đầy đủ thì “trong ngoài chẳng trụ, qua lại tự do, bặt dứt tâm bám chấp, thông suốt không ngăn ngại”, thì đây là Kinh Bát Nhã hay tánh Không hiện tiền trong đời sống hàng ngày. Đó gọi là thấy tánh, nghĩa là đời sống là sự thể hiện của tánh Không: bặt dứt tâm bám chấp thì an vui, trong ngoài chẳng trụ, đây là tự do vô ngại. Đời sống bình thường trở lại thật tướng của nó: an vui, tự do, và vô ngại.
Thiện tri thức! Hết thảy Kinh điển cùng các văn tự, đại thừa tiểu thừa, mười hai bộ kinh, đều do người mà có ra, nhân tánh trí huệ mới có thể thiết lập. Nếu không có người đời thì tất cả muôn pháp tự thân không có. Cho nên biết rằng muôn pháp gốc tự nơi người mà khởi, tất cả kinh sách do người thuyết mà có.
Trong loài người có ngu có trí, ngu là tiểu nhân, trí là đại nhân. Người ngu học hỏi nơi người trí. Người trí nói pháp cho người ngu nghe, người ngu bỗng nhiên tâm mở tỏ, hiểu ngộ, bèn cùng người trí không khác.
Cũng cùng một trí huệ ai cũng sẵn có này mà không biết sử dụng bèn là người ngu. Còn biết sử dụng suốt trong mọi không gian mọi thời gian, “dùng thì lảu lảu phân minh”, đó là người trí.
Thấy muôn pháp đều từ tự tâm sanh, đều là tâm, đây là ‘‘chân tánh tự dụng’’.
Thiện tri thức! Chẳng ngộ thì Phật là chúng sanh, còn trong một niệm ngộ thì chúng sanh là Phật.
Thế nên biết rằng muôn pháp đều ở tự tâm, tại sao chẳng từ trong tự tâm mà thấy ngay bản tánh Chân Như?
Kinh Bồ Tát Giới nói: “Tự tánh bổn nguyên của ta vốn thanh tịnh. Nếu biết tâm mình, thấy được tánh mình, thì đều thành Phật đạo”. Kinh Duy Ma nói: “Tức thời rỗng suốt, hoàn lại bổn tâm”.
Thiện tri thức! Lúc ta ở nơi Hòa thượng Hoằng Nhẫn, vừa nghe qua lời nói liền ngộ, thấy ngay bản tánh chân như. Bởi vậy ta mới đem giáo pháp này lưu hành, khiến cho những người học đạo đốn ngộ Bồ đề, mỗi người tự quán tâm, tự thấy bản tánh.
Tự tánh bổn nguyên của ta vốn thanh tịnh, tâm mình tánh mình vốn thanh tịnh, hiện giờ đang có nó, đang là nó, mà không biết bèn là chúng sanh biến hiện ra sanh tử, trùng trùng hình tướng phân biệt, còn thấy biết được nó thì xưa nay vẫn ở trong Niết bàn không một hạt bụi.
Bổn tâm thì vốn có ngay lúc này, ngay tại đây, nếu biết xoay lại không theo tướng, bèn hoàn lại được, trở lại được với cái xưa nay vốn là chính mình mà chưa từng có chút sanh diệt nào của sanh tử.
Nhắc lại năm câu ‘‘Nào ngờ…’’ của Lục Tổ trong ngữ cảnh của đoạn này:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh: anh có thể làm được gì, có thể tu được gì?
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt: khởi niệm tu là sanh diệt.
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ: mở mắt mà xem, có thiếu hụt một hạt bụi nào không. Mắt tai mũi lưới thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp là toàn thể công đức.
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay: Tất cả đều bất động, có lay động là vọng tưởng lay động.
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp: Tất cả các pháp đều là tự tánh, không có kẻ hở nào, nên không có pháp nào đã sanh ra.
Nếu tự mình chẳng ngộ, cần tìm đại thiện tri thức rõ pháp tối thượng thừa, chỉ thẳng con đường chân chánh. Thiện tri thức ấy có nhân duyên lớn, nghĩa là giáo hóa khiến người được thấy tánh, hết thảy thiện pháp đều do thiện tri thức mà có thể phát khởi.
Chư Phật ba đời, mười hai bộ kinh, tại trong tánh người vốn tự sẳn đủ. Nếu chẳng thể tự ngộ cần cầu thiện tri thức chỉ bày cho mới thấy.
Nếu tự ngộ được thì chẳng nhờ cầu bên ngoài. Nếu một mực chấp rằng cần phải có vị thiện tri thức kia mới được giải thoát thì không có lý như vậy. Tại sao thế? Trong tâm mình có sẳn tri thức tự ngộ. Nếu khởi ta mê vọng niệm điên đảo thì tuy thiện tri thức ở ngoài có truyền dạy cũng không thể cứu được.
Còn như tâm mình khởi trí Bát nhã chân chánh quán chiếu thì trong một sát na vọng niệm đều diệt.
Nếu biết tự tánh thì một khi ngộ liền đến đất Phật.
Phải biết rằng tất cả Phật giáo vốn tự sẳn đủ trong tánh mình. Nếu có phước duyên lớn gặp được thiện tri thức chỉ cho cái kho tàng Phật pháp nơi tâm mình thì dùng cả đời không hết. Nếu không đủ phước duyên để gặp một vị khai thị chỉ bày thì cũng phải tin kho tàng Phật pháp ấy gần với mình còn hơn thịt xương hơi thở, mắt tai mũi lưỡi thân ý đụng vào cái gì thì kho tàng ấy hiển lộ. Với niềm tin ấy rồi tìm cầu với tất cả thân tâm thì thế nào cũng có ngày gặp được nó, vì có bao giờ nó lìa khỏi mắt tai mũi lưỡi thân ý đâu.
Chỉ cần khởi một niệm Bát nhã chân chính quán chiếu thì liền nhận ra nó. Một niệm Bát nhã chân chánh quán chiếu!
Chỉ một niệm xoay lại thì đó chính là ông chủ!
Thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, biết bản tâm mình. Nếu rõ bản tâm tức là vốn giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát nhã tam muội. Bát nhã tam muội tức là vô niệm.
Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy biết hết thảy pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ, mà cũng chẳng dính bám tất cả chỗ. Chỉ là bản tâm thanh tịnh, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đến đi tự do, thông dụng không trệ, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm.
Trí huệ quán chiếu thì trong ngoài sáng suốt, trong không có thân tâm, ngoài không có thế giới, tức là tánh Không vô ngã vô pháp hiện tiền. Đây là biết rõ bản tâm, bản tâm này là tánh Không không có ngã không có pháp.
Bản tâm là tánh Không, bản tâm là vô niệm. Trong bản tâm tánh Không, không có một niệm nào có thể đắc, không có một niệm nào có thể có vì tất cả các niệm đều không có tự tánh, đều là tánh Không. Biết bản tâm thì biết rằng bản tâm vốn là giải thoát vì chưa từng thật có niệm nào.
Nhưng vô niệm không phải là không có ý nghĩ nào, không có niệm nào, như một tảng đá. Có ý nghĩ, có niệm nhưng vẫn là vô niệm vì một khi biết bản tâm tánh Không thì ý nghĩ hay niệm đều vô tự tánh. Các niệm tức là bản tâm tánh Không nên các niệm vốn là giải thoát.
Thấy biết tất cả các pháp mà tâm chẳng nhiễm dính, đó là đang sống cái tâm vô niệm. Tâm vô niệm này luôn luôn thanh tịnh, cho nên sáu thức, sáu cửa, sáu trần, tức là cái dụng của nó (‘‘dùng thì khắp tất cả chỗ’’), đều thanh tịnh.Hoạt động của chúng là thanh tịnh, sáu thức ra sáu cửa, thấy biết sáu trần mà không nhiễm, không tạp vì tất cả đều thanh tịnh, vô ngại. Đây là ở trong tâm vô niệm thanh tịnh vô ngại.
Sống cái tâm vô niệm này thì sanh tử trở thành giải thoát, đến đi tự do, thông dụng không trệ, tự tại giải thoát. Sống cái tâm vô niệm này là sống trong tánh Không, gọi là Bát nhã tam muội, hạnh vô niệm.
Nếu trăm vật chẳng nghĩ đến, khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, gọi là biên kiến.
Thiện tri thức! Ngộ pháp vô niệm thì muôn pháp suốt thông. Ngộ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới chư Phật. Ngộ pháp vô niệm thì đến địa vị Phật.
Tâm vô niệm không phải là triệt tiêu tất cả các niệm, đó là sự trói buộc, cái thấy một bên, một cái “không vô ký”. Tâm vô niệm không phải là hoàn toàn tĩnh, nó vượt lên tĩnh và động, nên tĩnh cũng là nó mà động cũng là nó.
Vô niệm là niệm khởi từ trong tự tánh và tan biến vào trong tự tánh. Niệm sanh khởi, ở đó, biến đổi và diệt mất, mỗi khoảnh khắc ấy của niệm đều không có tự tánh, nghĩa là khi đang sanh là đang diệt. Khi thấy rõ niệm là vô tự tánh như chính bản tâm vô niệm thì nói niệm khởi trong và tan biến vào là vô nghĩa. Niệm chính là vô niệm, đó cũng là bản tâm. Biết và sống như vậy gọi là Bát nhã tam muội, ‘‘thấy cảnh giới muôn pháp suốt thông của chư Phật’’.
Thiện tri thức! Đời sau những người đắc pháp của ta, đồng thấy đồng hạnh, đem pháp môn đốn giáo này phát nguyện thọ trì, như thể thờ Phật, trọn đời không thối chuyển, thì chắc vào Thánh vị.
Nhưng sự truyền thọ cần phải thầm lặng trao truyền, chẳng được cất dấu chánh pháp. Còn nếu không đồng thấy đồng hạnh hoặc ở trong pháp môn khác thì chẳng nên truyền thọ, vì làm hư tổn pháp của người trước, mà rốt cuộc vô ích, bởi e có người ngu chẳng hiểu, chê bai pháp môn này rồi trăm kiếp ngàn đời dứt chủng tánh Phật.
Đồng thấy là đồng cái thấy tâm trí huệ vô niệm. Đồng hạnh là sống “hạnh vô niệm” hay sống tâm trí huệ vô niệm. Tâm trí huệ vô niệm này luôn luôn có sẳn nơi tâm mình, dùng liền có ngay, nên gọi là Đốn giáo.
Tu là tu cái thấy và cái hạnh này, nếu trọn đời không thối chuyển thì quyết định vào Thánh vị. Sự ứng dụng trực tiếp trí huệ Bát nhã tánh Không này vào cái thấy và hạnh trong cuộc sống thường ngày, đây gọi là Đốn giáo.
Thấy là thấy tánh Không ‘‘xưa nay không một vật’’, hạnh là sống trọn vẹn thân khẩu tâm trong tánh Không. Pháp môn này thật dễ vì có ngay, luôn luôn hiện tiền, nhưng cũng thật khó vì khó tin và dễ xem thường, do đó với người ít thiện căn thì không nên truyền vì có hại cho họ.
Thiện tri thức! Ta có một bài tụng Vô Tướng, mỗi người cần trì tụng. Người tại gia và người xuất gia hãy y theo đây mà tu. Nếu chẳng tự tu mà chỉ ghi nhớ lời ta thì cũng vô ích. Hãy nghe bài tụng:
Thuyết thông và tâm thông
Như mặt trời trên không
Chỉ truyền pháp thấy tánh
Xuất thế phá tà tông.
Pháp vốn không đốn tiệm
Mê ngộ có chậm mau
Chỉ môn thấy tánh này
Người ngu chẳng thể thấu.
Nói tuy có muôn thứ
Hợp lý quy về một
Phiền não trong nhà tối
Thường phải sanh huệ nhật.
Thấy tánh thì tâm thông và thuyết cũng thông, vì đạt đến tánh là đạt đến sự vô ngại giữa tâm và cảnh, giữa chủ thể và đối tượng. Nói cách khác, thấy tánh là thấy tánh Không của tâm và cảnh, của ngã và pháp, do đó mà thông suốt, vô ngại.
Tánh Không thì xưa trước cũng tánh Không, mai sau cũng tánh Không, hiện tại đang tánh Không, thế nên ‘‘pháp vốn không đốn tiệm’’.
Tất cả pháp môn của đạo Phật đều quy về tánh. Tánh là Nền tảng và cũng là Quả của sự tu hành. Tánh là cái chung của chúng sanh và chư Phật, có điều một bên chưa thanh tịnh và một bên đã thanh tịnh. Trong tánh có đầy đủ tất cả công đức, tất cả Phật pháp. Cho nên không lấy phương tiện nào như giới, định, huệ, hạnh… làm căn bản, cơ sở để tu mà lấy ngay tánh làm nền tảng để tu. Lấy tánh làm nền tảng để tu thì sự đắc quả cũng chính ngay trên nền tảng ấy, một nền tảng đã hết sạch trần lao phiền não tạm thời.
Hợp với lý, chân lý thì “hoàn về một”, hoàn về một nền tảng và cũng là quả duy nhất cho chúng sanh cũng như bậc giác ngộ. Lấy một tánh làm nền tảng duy nhất chứ không đi vào “muôn thứ” phương tiện, đây là môn thấy tánh được gọi là Đốn giáo. Đốn giáo bởi vì nhân địa cũng là quả địa, nền tảng cũng là quả.
Tà đến phiền não đến
Chánh đến phiền não trừ
Chánh tà đều chẳng dụng
Thanh tịnh đến vô dư.
Tánh như mặt trời, đồng đều cho tất cả chúng sanh. Nhưng trong nhà mình phiền não làm tối tăm, thì phải lấy trí huệ Bát nhã như mặt trời để thường soi chiếu.
Tà là bóng tối của tham, sân, si, mạn, nghi…. Khi chúng đến là phiền não đến, tối tăm đến. Khi mặt trời trí huệ có thì phiền não trừ. Cho nên “thường phải sanh huệ nhật”, thường phải thấy mặt trời.
Tu hành như thế cho đến Vô công dụng đạo ở Địa thứ Tám thì chánh tà đều chẳng dùng vì lúc ấy phiền não trần lao đã hết, chỉ còn một vị chánh, chỉ còn một ánh sáng mặt trời. Khi ấy thân tâm thế giới đều “thanh tịnh đến vô dư”.
Giác ngộ vốn tự tánh
Khởi tâm tức là vọng
Tịnh tâm ở trong vọng
Chỉ chánh: không ba chướng.
Giác ngộ là tự tánh, vốn vô niệm, vô sanh, dứt bặt dấu vết sanh tử, như hư không hằng hằng thanh tịnh. Trong cái vốn giải thoát ấy mà khởi tâm, tâm tìm kiếm, tâm tu, thì như bầu trời liền khởi mây che. Tuy là có mây bầu trời vẫn là bầu trời, chỉ có người mê lầm thấy mây mà quên mất bầu trời không hề ô nhiễm.
Ngay cả khởi tâm thiện, tâm tu thì vẫn là vọng, là tạo ra mây mà tưởng là thêm thanh tịnh cho bầu trời. Tâm vô niệm này không cần bất cứ khởi niệm nào vì ‘‘tự tánh vốn tự đầy đủ’’. Khi đã khởi tâm tức là đã tạo ra một lớp vọng, vọng tưởng giác ngộ là tâm vô niệm, tưởng sanh tử là tâm có niệm, bèn khởi thêm lớp vọng khác là phải tịnh hóa tâm sanh tử, thế là sự tịnh tâm ấy vẫn ở trong vọng.
Tu vọng thì càng thêm vọng. Vậy thì tu như thế nào đây? “Chỉ chánh: không ba chướng”. Chánh ở đây là tự tánh vô niệm, tự tâm vô niệm. Chỉ trụ trong cái chánh là tâm vô niệm thì không có ba chướng phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng.
Bất cứ lúc nào chỉ trụ trong cái chánh là tâm vô niệm, khi ấy không có vọng, khi ấy là tự tánh vốn giác ngộ.
Người đời nếu tu đạo
Tất cả chẳng phương hại
Thường tự thấy lỗi mình
Liền cùng đạo tương ưng.
Thức thì phân biệt, chia cắt giữa ta người, tâm cảnh, cái này tốt cái kia xấu, thương ghét…. Sự phân chia ấy làm phương hại đến thực tại vốn một, làm phiền não khởi sanh. Đây chính là ‘‘lỗi mình’’. Còn ở trong trí, trong tâm vô niệm, thì không có phân biệt, cho nên không có sự phương hại đến cái toàn thể cũng như các phần tử.
Tâm vô niệm “tất cả chẳng phương hại” ấy cũng chính là tâm từ bi, với tất cả xem là một. Đây là từ bi không do tập luyện, không từ ngoài vào, mà là từ bi của chính tự tánh. Như mặt trời thì có sự tỏa khắp.
“Thường tự thấy lỗi mình” là thường tự thấy ngay khi mình đi lạc ra ngoài tâm vô niệm, tâm vô phân biệt, tâm nhất như. Lỗi là đi vào sự phân biệt, phân chia, lấy bỏ, chống trái, xung đột…, lỗi là đi lạc khỏi tâm vô niệm vô phân biệt, lạc khỏi tự tánh. Nên thường tự thấy lỗi mình là luôn luôn an trụ trong tự tánh để dần dần thấy tất cả đều là tánh. Đây là trí huệ Bát nhã vô niệm đồng nhất với từ bi vô ngại và vô lượng.
Khi không chạy theo lỗi phân biệt, liền ngay lúc đó là tâm vô niệm. Đó là “liền cùng đạo tương ưng”. Hộ trì tâm không có lỗi phân biệt này, đây là tâm vô niệm.
Lối tu y trên nền tảng tánh này thấy không có gì hình thức bề ngoài, có vẻ nhàn nhả thong dong, nhưng tu như vậy không phải dễ, vì huy động tất cả Phật pháp để hộ trì cho được tâm vô niệm, tức là tất cả Phật pháp.
Sắc loại tự có đạo
Đều chẳng não hại nhau
Lìa đạo riêng tìm đạo
Trọn đời chẳng thấy đạo.
Sắc loại là các sự vật. Các sự vật ấy có bản tánh là tánh Không, “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, nên gọi là tự có đạo, tự có thực tại tánh Không nơi chúng. Vì đồng một tánh Không nên chúng chẳng não hại nhau mà vô ngại với nhau. Thêm một lần nữa, chúng ta thấy trí huệ tánh Không và từ bi “chẳng não hại nhau” là một.
Thế giới vật chất chính là tánh Không, chính là tâm vô niệm đang hiển bày thực tướng vô ngại của nó trước mặt chúng ta, thế mà không nhìn thấy lại khởi vọng tâm chạy tìm ở đâu đâu thì lạc mất tánh mà trọn đời chẳng thấy đạo.
Lăng xăng suốt một đời
Cuối cùng vẫn phiền não
Muốn thấy được chân đạo
Hạnh chánh tức là đạo.
Thấy tướng ở đâu là có phiền não ở đó, lăng xăng chạy theo tướng một đời thì cuối cùng càng thêm phiền não khổ đau.
Mở mắt mà nhìn với tâm vô niệm, đây là thấy đạo, thấy tánh: “Chỉ chánh: không ba chướng”. Cho nên muốn thấy được chân đạo, chân tánh thì hãy hành hạnh chánh, tức là hạnh trí huệ vô niệm, vô phân biệt.
Nếu không có tâm đạo
Hạnh tối chẳng thấy đạo
Bằng thật người tu đạo
Chẳng thấy lỗi thế gian.
Nếu thấy người khác lỗi
Tự mình đã sai rồi
Người lỗi ta chẳng chê
Ta chê, ta có lỗi.
Thấy thế gian là đã có lỗi vì đã lạc vào tướng. Rồi giữa các tướng vọng thấy, vọng phân biệt ấy lại còn tìm lỗi sai đúng thì đã lạc khỏi tâm vô niệm quá xa. Đây là ‘‘hạnh tối’’.
Tìm lỗi người khác thì tự tánh đã thành tà, vì bị cái ta- người nhiễm ô, che lấp. Rồi khen rồi chê, tâm phân biệt giờ đây kín đặc phiền não.
Tâm vô niệm, vô phân biệt, tròn đầy từ bi của ta thì như hư không trùm khắp vũ trụ, trong đó cái gì cũng là tâm ta cả, cái gì cũng là tánh Không, vốn giải thoát. Thế mà thấy có người khác ở ngoài tâm ta thì ‘‘tự mình đã sai rồi’’ rồi lại làm cho tâm mình hạn hẹp lại, tối tăm thêm khi gán cho họ những lỗi lầm và phê phán, chê bai.
Nếu không thấy lỗi lầm của thế gian, không chê bai, không nâng cái ta của mình lên, hạ người khác xuống thì tất cả đều là Một Tâm, một pháp giới Nhất Chân, một Tịnh độ, trong đó không có ai là chúng sanh, ai là xấu ác. Trong tâm Phật thì tất cả chúng sanh đều là Phật, tâm ta đã là vàng thì tất cả đều biến thành vàng.
Thấy tánh là thấy tất cả tướng đều là tánh. Nếu thấy tất cả chúng sanh đều là Phật thì tâm ta chính là tâm Phật. Còn có thấy ma, thấy chúng sanh xấu ác thì tâm ta còn có ma, còn có xấu ác. Một vị đạt đến Vô sanh pháp nhẫn thì không đòi hỏi gì ở thế gian cả. Chẳng lẽ đòi hỏi ‘‘lông rùa’’ phải trắng, ‘‘sừng thỏ’’ phải dài?
Tu hành như vậy là thoát ra khỏi ‘‘hạnh tối’’ mà thường hành ‘‘hạnh chánh’’.
Chỉ dẹp tâm thấy lỗi
Phiền não thảy phá trừ
Thương ghét chẳng dính tâm
Nằm duỗi hai chân nghỉ.
Tâm thấy lỗi là tâm phân biệt khiến chúng ta tách lìa với tự tánh toàn khắp. Dừng dứt tâm thấy lỗi thì mọi phiền não tiêu tan và thực tại tâm vô niệm hiện tiền.
Khi không có thương ghét, lấy bỏ, thì tâm không còn bị phiền não dính dáng, đó là tâm vô tướng, vô trụ và vô niệm. Đó là tự tánh vốn không có phiền não, đây là người vô sự : vẫn sống ở đời với các sự, mà không có sự gì dính bám vào tâm, minh họa bằng hình ảnh nằm duỗi hai chân nghỉ, tịch diệt hiện tiền.
Nằm duỗi hai chân nghỉ là nghỉ ngơi tận cội nguồn tánh Không. Nghỉ ngơi tận cội nguồn tánh Không không phải là không làm gì cả, mà thuyết pháp, độ sanh… làm đủ thứ việc nhưng đó chỉ là sự hóa hiện của tánh Không, vô tướng, vô niệm, vô trụ.
Muốn độ cho người khác
Cần phải có phương tiện
Chớ để người có nghi
Tức là tự tánh hiện.
Phương tiện thì lưu xuất từ tự tánh Không cho nên phương tiện mà vẫn là Không, Vô tướng, Vô tác. Phương tiện ấy không phải là cái đặt bày ra để chỉ thẳng tánh Không, phương tiện không ngoài tánh Không, nó chính là tánh Không, trần trụi là tánh Không. Thế nên không lập ra một trung gian để có thể gây cho người khác nghi lầm.
Phương tiện chính là tánh Không, đó là tự tánh hiện.
Chúng ta thấy về sau các thiền sư sử dụng rất nhiều phương tiện như vậy (vì tánh Không có bao giờ hết phương tiện để tự biểu lộ) mà người không hiểu thì cho là kỳ dị, xa với những công thức của Phật giáo.
Phật pháp tại thế gian
Chẳng lìa thế gian (mà) giác
Lìa thế tìm giác ngộ
Giống như tìm sừng thỏ.
Phật pháp là thật tướng của thế gian. Nói cách khác, thế gian là cái nhìn về Phật pháp bị méo mó, đảo ngược.
Kinh nói: ‘‘Bản tánh của sanh tử là Niết bàn’’. Bản tánh của các vọng tưởng phiền não là tâm vô niệm vốn giải thoát.
Chánh kiến gọi xuất thế
Tà kiến gọi thế gian
Chánh tà đều dẹp sạch
Tánh giác ngộ rõ ràng.
Cũng một thực tại mà thấy đúng (chánh kiến) là xuất thế, thấy sai (tà kiến) bèn thành thế gian. Niết bàn hay sanh tử chỉ do cái nhìn đúng hay sai.
Với người hoàn toàn thấy tánh thì những ý niệm đúng sai, sanh tử Niết bàn, tướng tánh đều biến mất, vì những ý niệm ấy vẫn là những phân biệt vi tế không còn cần thiết. Tất cả chỉ là tánh giác ngộ hiển bày rõ ràng, không một vi trần nào, không một khoảnh khắc nào không là tánh, và mọi ý niệm, mọi lời nói trở nên vô ích, thừa thải.
Tụng này là Đốn giáo
Cũng gọi đại Pháp thuyền
Mê, nghe trải nhiều kiếp
Ngộ, trong khoảng sát na.
Bài kệ này bao gồm Giới Định Huệ ở mức cao nhất, nên gọi là Đốn giáo. Giới định huệ ở đây là giới định huệ vốn là công đức sẳn có của tự tánh vô niệm, cho nên đụng chạm đến chúng, thực hành chúng ‘‘hành chánh tức là đạo’’ thì liền ‘‘tức là tự tánh hiện’’.
Sư lại nói: Nay ở chùa Đại Phạm nói pháp đốn giáo này, khắp nguyện chúng sanh trong pháp giới ngay nơi lời nói được thấy tánh thành Phật.
Lúc ấy Vi sử quân cùng quan chức đạo tục, nghe sư nói pháp không ai chẳng tỉnh ngộ, rồi làm lễ mà ca ngợi: ‘‘Lành thay! Nào dè ở xứ Lĩnh Nam có Phật xuất thế’’.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS