QUYỂN BẢY:

SHARE:

QUYỂN BẢY
1. PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO.

A Nan, ông hỏi về nhiếp tâm, ta đã nói, để vào tam ma địa tu học pháp môn diệu mầu, cầu đạo Bồ tát, trước hết phải giữ bốn thứ luật nghi này, trong trắng như băng tuyết, tự không thể sanh các thứ cành lá. Ba nghiệp của tâm ý, bốn nghiệp của miệng ắt không còn nhân để sanh ra.
A Nan, nếu chẳng sai lạc bốn luật nghi ấy thì tâm còn không duyên theo sắc, hương, vị, xúc thì tất cả ma sự làm sao phát sanh?

………………………………….

Giữ Bốn luật nghi trong trắng như băng tuyết, các thứ cành lá độc hại chẳng sanh, đó chẳng phải là tương ưng với tánh viên thông vô sanh ư? Chẳng sai lạc bốn luật nghi ấy thì tâm không duyên theo trần, ngay khi tất cả ma sự không phát sanh, đó chẳng phải là tâm tánh vô sanh ư?

Thành ra giữ giới là hộ trì tâm. Hộ trì cho đến khi bộ mặt thật của tâm ấy hiện tiền, rồi cứ theo tâm ấy mà gạn trừ tập khí che chướng cho đến khi thanh tịnh hoàn toàn.

…………………………………

Nếu có tập khí đời trước chẳng thế diệt trừ; ông dạy người ấy nhất tâm trì tụng thần chú vô thượng Phật đảnh Quang minh ‘Ma ha tát đát đa bát đát ra’ của ta. Đây là Tâm chú Như Lai vô kiến đảnh tướng, tâm Phật vô vi, từ đảnh phát sáng, ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết.

………………………….

Nói là các thứ cành lá chẳng sanh nhưng nhiều khi sanh ít ít mà chánh niệm tỉnh giác không đủ mạnh sáng để nhận ra. Hoặc là các tập khí còn ngủ ngầm trong a lại da thức, chưa có dịp sanh ra nhưng vẫn có đó, nhiều khi hiện ra một chút trong giấc ngủ.

Thế thì muốn nhổ gốc các thứ cành lá tập khí này, khi thiền định không đủ sâu để rọi hết a lại da thức, bấy giờ thần chú là hữu hiệu, vì thần chú đi vào đến tận vô thức hay a lại da thức.

Thần chú, mantra, có nghĩa là “hộ trì tâm”, có công năng là Chỉ và Quán cùng lúc. Thần chú là ngữ giác ngộ (ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết) của tâm giác ngộ (tâm Phật vô vi), mang theo năng lượng giác ngộ (từ đảnh phát ánh sáng, Phật đảnh quang minh), cho nên công năng diệt trừ tập khí là không thể nghĩ bàn.

…………………………………….

Vả lại, như ông đời trước cùng nàng Ma Đăng Già nhân duyên nhiều kiếp, tập khí ân ái chẳng phải một đời một kiếp, song ta một lần tuyên dương thần chú thì Ma Đăng Già vĩnh viễn thoát khỏi lòng yêu, thành A La Hán. Nàng kia là dâm nữ, không có tâm tu hành, chỉ nhờ thần lực của chú mà mau chứng Vô học, huống gì các ông những hàng Thanh Văn trong hội, cầu tối thượng thừa quyết định thành Phật, ví như tung bụi vào gió thuận nào có khó khăn gì.

…………………………………….

Tập khí ân ái giữa ngài A Nan và Ma Đăng Già nhiều kiếp, nhờ năng lực của thần chú mà phiền não chướng nhiều đời tiêu tan, thành bậc Vô học.

Một trong những yếu tố khiến thần chú có năng lực mạnh là thần chú hoạt động trong cái nghe, mà như kinh đã nói ở trước, cái nghe là tối ưu trong việc đạt được viên thông. Thần chú phá tan những phiền não chướng ngại để đưa tâm hành giả đến viên thông. Thế nên kinh nói ở đoạn kế, “Trải qua một trăm ngày, những người có lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn”.

Thần chú như sức mạnh của gió, tập khí trong tâm như bụi. Gió cuốn bụi đi mất, “ ví như tung bụi vào gió thuận, nào có khó khăn gì”.

………………………………………

 Nếu có người tu hành trong đời mạt thế, muốn ngồi đạo tràng tu hành, trước cần giữ giới cấm thanh tịnh của Tỳ kheo, cần phải chọn lựa vị sa môn giới hạnh trong sạch bậc nhất làm thầy. Nếu không gặp được vị tăng thật thanh tịnh thì giới luật nghi của người tu ắt chẳng thành tựu.

Sau khi giới luật thành tựu, mặc y áo mới sạch, đốt hương, ở một mình tụng thần chú nói ra từ tâm Phật này một trăm lẻ tám biến. Sau đó kiết giới, dựng lập đạo tràng, cầu chư Như Lai vô thượng mười phương hiện ở trong các cõi nước phóng quang đại bi đến rọi nơi đỉnh đầu.

A Nan, những hàng Tỳ kheo, tỳ kheo ni, hàng cư sĩ, thí chủ, tâm dứt tham dâm, giữ giới thanh tịnh của Phật, ở trong đạo tràng phát nguyện Bồ tát, khi ra vào, tắm rửa, sáu thời hành đạo, chẳng lo ngủ nghĩ, như thế trải qua hai mươi mốt ngày, ta tự hiện thân đến trước người ấy, xoa đỉnh an ủi, khiến họ khai ngộ.

…………………………………….

Đạo tràng là nơi vượt khỏi phàm tình, tiếp xúc và nhập vào cảnh giới Trí Bi của Phật nên cần thật thanh tịnh, thiết lập theo đúng trình tự tịnh hóa.

Ở trong đó phát nguyện Bồ tát, sáu thời hành đạo, thân, ngữ, tâm chuyên nhất như thế trong hai mươi mốt ngày thì có thể cảm ứng đến Thân, Ngữ, Tâm của chư Phật mà được khai ngộ.

“Phóng quang đại bi đến rọi nơi đỉnh đầu” , “ xoa đỉnh an ủi khiến họ khai ngộ” , đây là sự quán đảnh do trì chú trong đạo tràng.

………………………………………

KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG.

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, con nhớ lời dạy bảo từ bi của Như Lai, tâm đã khai ngộ, tự biết con đường tu chứng thành quả Vô học. Còn người tu hành trong đời mạt pháp muốn kiến lập đạo tràng phải kiết giới thế nào cho phù hợp với quy tắc thanh tịnh của chư Phật Thế Tôn?

Phật dạy A Nan: Nếu trong đời mạt pháp người nguyện lập đạo tràng, trước hết kiếm con trâu trắng mạnh mẽ ở núi Tuyết Sơn, loài trâu này sống bằng cỏ thơm tươi tốt trong núi ấy, chỉ uống nước trong của núi Tuyết, nên phân rất nhuyễn mịn. Nên lấy phân ấy hòa trộn với bột hương chiên đàn để tráng nền đất. Nếu không phải trâu trắng Tuyết Sơn thì phân hôi bẩn không thể tráng nền. Riêng ở đồng bằng có thể đào bỏ lớp đất trên mặt, lấy thứ đất màu vàng từ năm thước trở xuống. Rồi hòa trộn với mười thứ hương là chiên đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, cam tùng, và kê thiệt. Mười thứ ấy nghiền nhỏ thành bột, trộn với đất ấy thành bùn để tô mặt đất đạo tràng, mỗi bề một trượng sáu thành cái đàn bát giác.

Trung tâm đàn đặt một hoa sen làm bằng vàng, bạc, đồng, gỗ. Giữa hoa sen đặt một cái bát, trong bát đựng nước sương móc tháng tám, trong nước tùy ý để các hoa lá hiện có. Lấy tám cái gương tròn, mỗi cái để theo mỗi hướng, chung quanh hoa sen và bát hoa. Bên ngoài gương, để mười sáu hoa sen, giữa những hoa sen để mười sáu lư hương trang nghiêm, đốt thuần hương trầm thủy, không cho thấy lửa.

Lấy sữa trâu trắng để trong mười sáu đồ chứa. Lấy sữa làm bánh nướng với đường cát, bánh rán ván sữa, tô hợp, mật gừng, thuần kem, thuần mật, mỗi thứ mười sáu đồ chứa đặt quanh ngoài hoa sen để cúng dường chư Phật và chư Đại Bồ tát.
Mỗi thời ăn cơm và lúc nửa đêm, dùng nửa thăng mật hòa với thăng rưỡỉ bơ, trước đàn để riêng một lò lửa nhỏ, lấy hương đàn lâu bà (trầm thủy loại thô) nấu lấy nước thơm mà rửa than, rồi đốt than đỏ hồng trong lư, và rót mật, bơ vào, đốt đến hết khói để cúng dường chư Phật, Bồ tát.

Ở bốn phía ngoài treo khắp phan và hoa, trong phòng đàn tràng, bốn vách an trí hình tượng của mười phương Như Lai và các Bồ tát. Chính giữa đàn để tượng Phật Lô Xá Na, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật A Di Đà; hai bên đặt tượng Quán Âm đại biến hóa và Kim Cương Tạng. Hai bên cửa đặt hình tượng Đế Thích, Phạm Vương, Ô Sô Sắt Ma, Lam Địa Ca, Quân Trà Lợi, Tỳ Câu Chi, bốn vị Thiên vương, Tần Na, Dạ Ca….
Lại lấy tám tấm gương treo úp giữa hư không mặt gương đối chiếu với tám gương trước đã đặt trong đàn tràng, khiến cho các hình ảnh trùng trùng lồng nhập nhau.

…………………………………….

Đây dạy về cách lập đạo tràng. Sự thiết lập đạo tràng là sự, nhưng sự ấy viên dung với lý và mục đích là nâng cấp tâm thức hành giả để tiếp thông với thân, ngữ, tâm giác ngộ của chư Phật, chư Bồ tát.

Trước hết là tráng nền đất bằng phân loài trâu trắng của Tuyết Sơn, là vật liệu thanh tịnh nhất. Hoa sen ở chính giữa và chung quanh. Hoa và lư hương, sữa trâu trắng, làm bánh với sữa và các thứ tinh sạch khác là sự cúng dường thanh tịnh dâng lên chư Phật, chư Bồ tát. Hoa sen ngoài sự trong sạch vốn có còn là biểu tượng của chư Phật, đồng thời tượng trưng cho Phật tánh của tất cả chúng sanh. Gương tượng trưng cho tâm thanh tịnh, Đại viên cảnh trí, mà cũng là nơi để Phật hiển hiện.

Bốn vách trong đàn tràng an trí hình tượng chư Phật, chư Bồ tát các vua trời, các Bồ tát hộ pháp….

Như vậy trong đàn tràng có đủ tất cả vũ trụ, từ hương, hoa, sữa mật… đất nước gió lửa, từ các hộ pháp, các cõi vua trời, cho đến các bậc giác ngộ. Đàn tràng là sự sắp xếp theo trật tự, đây là Sự. Và Sự nào cũng hiển Lý, tức là chân lý rốt ráo. Sức mạnh của Đàn tràng là vậy, có tất cả Sự, mà mỗi sự hiển tất cả Lý, tức là chân lý luyệt đối.

Đàn tràng không chỉ biểu hiện pháp giới Lý Sự vô ngại, mà còn khai mở chỉ bày pháp giới Sự Sự vô ngại: “Các hình ảnh trùng trùng lồng nhập nhau”.

……………………………………..

Trong bảy ngày đầu chí thành đảnh lễ danh hiệu mười phương Như Lai, chư Đại Bồ tát, chư A La Hán. Thường trong sáu thời đi quanh đàn tụng chú, chí tâm hành đạo, mỗi thời thường tụng một trăm lẻ tám biến.

Trong bảy ngày thứ hai, chuyên tâm một hướng phát nguyện Bồ tát, tâm không gián đoạn. Trong Luật tạng ta đã có chỉ dạy phát nguyện.

Trong bảy ngày thứ ba, trong cả mười hai thời, một bề trì chú Bát Đát Ra của Phật. Cho đến ngày thứ bảy, mười phương Như Lai nhất thời xuất hiện chỗ ánh sáng của gương giao nhau và được Phật xoa đảnh. Bèn ở nơi đạo tràng tu Tam ma địa, có thể khiến cho người tu học trong đời mạt thế thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly.

A Nan, nếu trong các tỳ kheo truyền giới hay trong mười tỳ kheo đồng hội chứng minh nếu có một người không được thanh tịnh thì những đạo tràng như vậy phần nhiều chẳng được thành tựu.

Sau hai mươi mốt ngày ngồi trang nghiêm an cư, trải qua một trăm ngày những người lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn. Mặc dầu thân tâm thánh quả chưa hoàn toàn thành tựu, vẫn quyết định tự biết sẽ thành Phật không sai khác.

Ông hỏi phương pháp kiến lập đạo tràng là như vậy.

………………………………….

Nghi thức kiến lập đạo tràng và thực hành trong đạo tràng rất quan trọng, đưa hành giả đến một cấp độ tâm thức cao, và có thể lọt vào dòng thánh, tức là Tu Đà Hoàn Nhập Lưu hay Sơ Hoan Hỷ địa hoặc có khi vào các tầng thánh cao hơn nữa.

Những thành tựu trong khi thực hành trong đạo tràng thì có nhiều, ở đây chỉ nói qua câu chuyện của ngài Thiên Thai Trí Khải (538-597) được nhiều người biết.

Khi được ngài Huệ Tư chỉ dạy Phổ Hiền đạo tràng, ngài thực hành theo đó. Đến ngày thứ hai mươi mốt, khi tụng đến Phẩm Dược Vương bổn sự đến câu “thị chân tinh tấn” hốt nhiên đại ngộ nhập vào định. Trong định ngài thấy mình ở tại Linh Sơn đang nghe Đức Phật thuyết pháp. Vì kinh nghiệm này ngài lập nên Thiên Thai tông dựa trên Kinh Pháp Hoa.

Khi đàn tràng đã lập theo đúng pháp, đây chính là chánh điện của pháp mình tu tập, gồm đủ Tam Bảo, các hộ pháp, và tất cả vũ trụ. Đó là nơi tối ưu để thân, ngữ, tâm của hành giả tương ưng với thân ngữ tâm của Phật.

Bảy ngày đầu, “chí thành đảnh lễ, đi quanh đàn tụng chú, trong sáu thời, mỗi thời 108 biến”. Bảy ngày thứ hai, chủ yếu là phát nguyện Bồ tát, hay Bồ đề tâm. Bảy ngày thứ ba trong cả mười hai thời, trì chú Lăng Nghiêm liên tục. Tới ngày thứ bảy, chư Phật hiện ra ở chỗ ánh sáng của gương giao nhau và được Phật quán đảnh. Đây là sự tiếp xúc với chư Phật và sự tiếp xúc này khai mở cho hành giả “thật tướng của tất cả các pháp” hay “pháp giới tánh” là bản tánh của Phật Tỳ Lô Giá Na đặt ở giữa đàn. Bản tánh ấy cũng là bản tánh của tất cả chúng sanh.

Thực sự kinh nghiệm, thấy biết trực tiếp bản tánh ấy là Nhập Lưu hay Sơ địa, bắt đầu vào Pháp thân của chư Phật.

……………………………………..

2.TUYÊN THUYẾT THẦN CHÚ.

A Nan đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Từ khi xuất gia, con ỷ lại sự thương yêu của Phật, chỉ cầu sự đa văn nên chưa chứng vô vi, gặp tà thuật Phạm Thiên kia bắt giữ. Tâm tuy sáng suốt mà sức chẳng tự do, nhờ gặp ngài Văn Thù khiến con được giải thoát. Tuy con nhờ sức thần chú Phật đảnh Như Lai thầm giúp, nhưng chính mình chưa được nghe. Cúi mong Phật đại từ tuyên thuyết lại thần chú ấy, thương xót cứu giúp những người tu hành trong hội này và đời mạt thế tương lai ở trong luân hồi, nhờ mật âm Phật mà thân ý được giải thoát.
Khi ấy tất cả đại chúng trong hội đều làm lễ, chờ được nghe câu chú bí mật của Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn, từ trong nhục kế, phóng quang trăm báu, trong quang phóng ra, sen báu ngàn cánh, có hóa Như Lai, ngồi trong hoa báu, đảnh phóng mười đường, trăm báu quang minh, mỗi mỗi quang minh, đều thị hiện khắp, mười Hằng hà sa, Kim Cương mật tích, đỡ núi cầm sử, khắp cõi hư không, đại chúng ngước trông, mừng sợ hòa lẫn, cầu Phật thương che, nhất tâm nghe Phật, từ vô kiến đảnh, Như Lai phóng quang, tuyên thuyết thần chú:

………………………………………

Thần chú là sự hoạt động của Ba thân Phật:
Từ tướng vô kiến đảnh là từ Pháp thân Phật.
Quang minh trăm báu và sen báu ngàn cánh là Báo thân Phật.
Hóa Như Lai là Hóa thân Phật.
Cho nên hiệu lực của thần chú là không thể nghĩ bàn vậy.

………………………………………..

Đệ Nhất.

Nam mô tát đát tha tô già đa da, a la ha đế tam miệu tam bồ đà tỏa. Tát đát tha Phật, đà cu tri sắc ni sam. Nam mô tát bà bột đà bột địa, tát đa bệ tệ. Nam mô tát đa nẩm tam miệu tam bồ đà cu tri nẩm. Ta xá ra bà ca tăng già nẩm. Nam mô lô kê A la hán đa nẩm. Nam mô tô lô đa ba na nẩm. Nam mô ta yết rị đà già di nẩm. Nam mô lô kê tam miệu già đa nẩm. Tam miệu già ba ra để ba đa na nẩm. Nam mô đề bà ly sắc nỏa. Nam mô tất đà da, tỳ địa da đà ra ly sắc nỏa. Xá ba noa yết ra ha, ta ha ta ra ma tha nẩm. Nam mô bạt ra ha ma ni. Nam mô nhơn đà ra da. Nam mô bà già bà đế, lô đà ra da, ô ma bát đế, ta hê dạ da. Nam mô bà già bà đế. Na ra dã noa da. Bàn giá ma ha tam mộ đà ra. Nam mô tất yết rị đa da. Nam mô bà già bà đế, ma ha ca ra da. Địa rị bát lặc na già ra. Tỳ đà ra, ba noa ca ra da. A địa mục đế, Thi ma xá na nê bà tất nê. Ma đát rị già noa. Nam mô tất yết rị đa da. Nam mô bà già bà đế, Đa tha già đa cu ra da. Nam mô bát đầu ma cu ra da. Nam mô bạt xà ra cu ra da. Nam mô ma ni cu ra da. Nam mô già xà cu ra da. Nam mô bà già bà đế, đế rị trà du ra tây na, ba ra ha ra noa ra xà da, đa tha già đa da. Nam mô bà già bà đế. Nam mô a di đa bà da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da. Nam mô bà già bà đế, a sô bệ da, đa tha già đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da. Nam mô bà già bà đế, bệ sa xà da cu lô phệ trụ rị da, bác ra bà ra xà da, đa tha già đa da. Nam mô bà già bà đế, tam bổ sư bí đa, tát lân nại ra lặc xà da, đa tha già đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da. Nam mô bà già bà đế, xá kê dã mẫu na duệ, đa tha già đa đa, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đà da. Nam mô bà già bà đế, lặc đác na kê đô ra xà da, đa tha già đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bồ đề da, đế biều nam mô tát yết rị đa, ế đàm bà già bà đa, tát đát tha già đô sắc ni sam, tát đát đa bác đác lam. Nam mô a bà ra thị đam, bác ra đế dương kỳ ra, tát ra bà bộ đa yết ra ha, ni yết ra ha yết ca ra ha ni, bạc ra bí địa da sất đà nễ, a ca ra mật rị trụ, bác rị đát ra da nãnh yết rị, tát ra bà bàn đà na mục xoa ni, tát ra bà đột sắc tra, đột tất phạp bát na nễ phạt ra ni, giả đô ra thất đế nẩm, yết ra ha ta ha tát ra nhã xà, tỳ đa băng ta na yết rị, a sắc tra băng xá đế nẩm, na xoa sát đác ra nhả xà, ba ra tát đà na yết rị, a sắc tra nẩm, ma ha yết ra ha nhã xà, tỳ đa băng tát na yết rị, tát bà xá đô lô nễ bà ra nhã xà, hô lam đột tất phạp nan giá na xá ni, bí sa xá tất đác ra, a kiết ni ô đà ca ra nhã xà, a bát ra thị đa cu ra, ma ha bát ra chiến trì, ma ha điệp đa, ma ha đế xà, ma ha thuế đa xà bà ra, ma ha bạt ra bàn đà ra bà tất nễ, a rị da đa ra, tỳ rị cu tri, thệ bà tỳ xà da, bạt xà ra ma lễ để, tỳ xá lô đa, bột đằng dõng ca, bạt xà ra chế hắt na a giá, ma ra chế bà bát ra chất đa, bạt xà ra thiện trì, tỳ xá ra giá, phiến đa xá bệ đề bà bổ thị đa, tô ma lô ba, ma ha thế đa, a rị da đa ra, ma ha bà ra a bát ra, bạt xà ra thương yết ra chế bà, bạt xà ra cu ma rị, cu lam đà rị, bạt xà ra hắc tát đa giá, tỳ địa da kiền giá na ma rị ca, khuất tô mẫu bà yết ra đá na, bệ lô giá na cu rị đa, dạ ra thố sắc ni sam, tỳ chiết lam bà ma ni giá, bạt xà ra ca na ca ba ra bà, lô xà na bạt xà ra đốn trỉ giá, thế đa giá ca ma ra, sát xa thi ba ra bà, ế đế di đế, mẫu đà ra yết noa, ta bệ ra sám, quật phạm đô, ấn thố na mạ mạ tỏa. 

………………………………………

Đệ Nhị.

Ô hồng rị sắc yết noa, bác lặc xá tất đa, tát đát tha già đô sắc ni sam. Hổ hồng đô lô ung chim bà na. Hổ hồng đô lô ung tất đam bà na. Hổ hồng đô lô ung ba ra sắc địa da tam bác xá noa yết ra. Hổ hồng đô lô ung, tát bà dược xoa hắc ra sát ta, yết ra ha nhã xà, tỳ đằng băng tát na yết ra. Hổ hồng đô lô ung, gỉa đô ra thi để nẩm yết ra ha ta ha tát ra nẩm, tỳ đằng băng tát na ra. Hổ hồng đô lô ung, ra xoa, bà già phạm tát đát tha già đô sắc ni sam, ba ra điểm xà kiết rị, ma ha ta ha tát ra, bột thọ ta ha tát ra thất rị sa, cu tri ta ha tát nê đế lệ, a tệ đề thị bà rị đa, tra tra anh ca ma ha bạt xà lô đà ra, đế rị bồ đà na, man trà ra, ô hồng, ta tất đế bạc bà đô, mạ mạ, ấn thố na mạ mạ tỏa. 

……………………………………….

Đệ Tam.

Ra xà bà dạ, chủ ra bạt dạ, a kỳ ni bà dạ, ô đà ca bà dạ, tỳ xa bà dạ, xá tất đa r bà dạ, bà ra chước yết ra bà dạ, đột sắc xoa bà dạ, a xá nể bà dạ, a ca ra mật rị trụ bà dạ, đà ra ni bộ di kiếm ba già ba đà bà dạ, ô ra ca bà đa bà dạ, lặc xà đàng trà bà dạ, na già bà dạ, tỳ điều đát bà dạ, tô ba ra noa bà dạ, dược xoa yết ra ha, ra xoa tư yết ra ha, tất rị đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, ca tra bổ đơn na yết ra ha, tất kiền độ yết ra ha, a bá tất ma ra yết ra ha, ô đàn ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, hê rị bà đế yết ra ha, xả đa ha rị nẩm, yết bà ha rị nẩm, lô địa ra ha rị nẩm, man ta ha rị nẩm, mê đà ha rị nẩm, man ta ha rị nẩm, mê đà ha rị nẩm, ma xà ha rị nẩm, xà đa ha rị nữ, thị tỳ đa ha rị nẩm, tỳ đa ha rị nẩm, bà đa ha rị nẩm, a du giá ha rị nữ, chất đa ha rị nữ, đế sam tát bệ sam, tát bà yết ra ha nẩm, tỳ đa dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ba rị bạt ra giả ca hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, trà diễn ni hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma ha bát du bác đát dạ, lô đà ra hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na ra dạ noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, đát đỏa già lô trà tây hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma ha ca ra ma đát rị già noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dị di, kê ra dạ di, xà dạ yết ra, ma đột yết ra, tát bà ra tha ta đạt na hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, giả đốt ra bà kỳ nễ hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ rị dương hất rị tri, nan đà kê sa ra đà noa bác đế, sách hê dạ hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na yết na xá ra bà noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, a la hán hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ đa ra già hất rị đờm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, bạt xà ra ba nể, cu hê dạ, cu hệ dạ ca địa bát đế hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ra xoa võng bà già phạm, ấn thố na mạ mạ tỏa. 

………………………………………………

Đệ Tứ.

Bà già phạm, tát đát đa tát đát ra. Nam mô tý đô đế, a tất đa na ra lặc ca, ba ra bà tất phổ tra, tỳ ca tát đát đa bác đế rị, thập phật ra thập phật ra, đà ra đà ra, tần đà ra tần đà ra, sân đà sân đà. Hổ hồng, hổ hồng, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra ta ha, hê hê phấn, a mâu ca da phấn, a ba ra đề ha đa phấn, ba ra ba ra đà phấn, a tố ra tỳ đà ra ba ca phấn, tát bà đề bệ tệ phấn, tát bà na già tệ phấn, tát bà dược xoa tệ phấn, tát bà kiền thát bà tệ phấn, tát bà bổ đơn na tệ phấn, ca tra bổ đơn na tệ phấn, tát bà đột lang chỉ đế tệ phấn, tát bà thập bà lê tệ phấn, tát bà a bá tất ma lê tệ phấn, tát bà xá ra bà noa tệ phấn, tát bà địa đế kê tệ phấn, tát bà đát ma đà kệ tệ phấn, tát bà tỳ đà da ra thẹ giá lê tệ phấn, xà dạ yết ra ma độ yết ra, tát bà dạ tha ta đà kê tệ phấn, tỳ địa da giá lê tệ phấn, giả đô ra phược kỳ nể tệ phấn, bạt xà ra cu ma rị, tỳ đà dạ ra thệ tệ phấn, ma ha ba ra đinh dương xoa kỳ rị tệ phấn, bạt xà ra thương yết ra dạ, ba ra trượng kỳ ra xà da phấn, ma ha ca ra dạ, ma ha mạt đát rị ca noa. Nam mô ta yết rị đa dạ phấn, tỷ sắc noa tỳ duệ phấn, bột ra ha mâu ni duệ phấn, a kỳ ni duệ phấn, ma ha yết rị duệ phấn, yết ra đàn tri duệ phấn, miệc đát rị duệ phấn, lao đát rị duệ phấn, giá văn trà duệ phấn, yết la ra đát rị duệ phấn, ca bát rị duệ phấn, a địa mục chất đa ca thi ma xá na, bà tư nể duệ phấn, diễn kết chất, tát đỏa bà tỏa, mạ mạ ấn thố na mạ mạ tỏa. 

…………………………………………….

Đệ Ngũ.

Đột sắc tra chất đa, a mạt đát rị chất đa, ô xà ha ra, già bà ha ra, già bà ha ra, lô địa ra ha ra, bà ta ha ra, ma xà ha ra, xà đa ha ra, thi tỳ đa ha ra, bạc lược dạ ha ra, kiền đà ha ra, bố sử ba ha ra, phả ra ha ra, bà tỏa ha ra, bác ba chất đa, đột sắc tra chất đa, lao đà ra cah61t đa, dược xoa yết ra ha, ra sắt ta yết ra ha, bế lệ đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, cưu bàn trà yết ra ha, tất kiền đà yết ra ha, ô đát ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, a bá tát ma ra yết ra ha, trạch kê cách trà kỳ ni yết ra ha, rị Phât đế yết ra ha, xà di ca yết ra ha, xá cu ni yết ra ha, mộ đà ra nan địa ca yết ra ha, a lam bà yết ra ha, kiền độ ma ni yết ra ha, thập phạt ra yên ca hê ca, trị đế dược ca, đát lệ đế dược ca, giả đột thác ca, ni đề thập phạt ra, tỳ sam ma thập phạt ra, bạc để ca, tát bà thập phạt ra, thất lô kiết đế, mạt đà bệ đạt lô chế kiếm, a ỷ lô kiềm, mục khê lô kiềm, yết rị đột lô kiềm, yết ra ha yết lam, yết noa du lam, đản đa du lam, hất rị dạ du lam, mạt mạ du lam, bạt rị thất bà du lam, tỷ lật sắc tra du lam, ô đà ra du lam, yết tri du lam, bạt tất đế du lam, ô lô du lam, thường già du lam, hắc tất đa du lam, bạt đà du lam, ta phòng án già bác ra trượng già du lam, bộ đa tỷ đa trà trà kỳ ni thập bà ra, đà đột lô ca kiến đốt lô kiết tri, bà lộ đa tỳ, tát bác lô ha lăng già, du sa đát ra, ta na yết ra tỳ sa dụ ca, a kỳ ni ô đà ca, mạt ra bệ ra kiến đa ra, a ca ra mật rị đốt đát liểm bộ ca, địa lật lặc tra, tỷ rị sắc chất ca, tát bà na cu ra, tứ dẫn già tệ yết ra rị dược xoa đác ra sô, mạt ra thị phệ đế sam ta bệ sam, tất đát đa bác đát ra, ma ha bạc xà lô sắc ni sam, ma ha bác lặc trượng kỳ lam, dạ ba đột đà xá du xà na, biện đát lệ noa, tỳ đà da bàn đàm ca lô di, đế thù bàn đàm ca lô di, bát ra tỳ đà bàn đàm ca lô di đát điệt tha. 

Án a na lệ, tỳ xá đề bệ ra bạc xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn. Hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha. 

…………………………………………………

3. KHAI THỊ NĂNG LỰC CỦA THẦN CHÚ.

A Nan, đây là Phật đảnh quang tụ “Tát Đát Đa Bát Đát Ra” (Sitatapatra), những kệ bí mật, câu chữ vi diệu, xuất sinh tất cả chư Phật mười phương. Mười phương Như Lai nhân tâm chú này đắc thành Vô thượng Chánh biến Tri Giác. Mười phương Như Lai nắm tâm chú này hàng phục các ma, ngăn dẹp ngoại đạo. Mười phương Như Lai cỡi tâm chú này ngồi hoa sen báu mà ứng hiện nơi cõi nước như số vi trần. Mười phương Như Lai trì tâm chú này, ở khắp mười phương xoa đảnh thọ ký, tự mình chưa thành quả vị cũng có thể nơi mười phương nhờ Phật thọ ký. Mười phương Như Lai nương tâm chú này ở khắp mười phương cứu vớt các khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui, điếc, câm, ngọng; các khổ oán ghét phải ở chung, yêu thương phải cách xa, cầu mà chẳng được; khổ vì năm ấm lẫy lừng, trái ngang nghịch cảnh lớn nhỏ đồng thời giải thoát.

Nạn cướp, nạn binh, nạn vua, nạn tù, nạn gió, lửa, nước, đói khát bần cùng, nghĩ đến liền tiêu. Mười phương Như Lai tùy tâm chú này ở khắp mười phương phụng sự thiện tri thức, trong bốn oai nghi, cúng dường đều như ý, trong pháp hội hằng sa Như Lai được suy tôn làm đại Pháp vương tử. Mười phương Như Lai hành tâm chú này, ở trong mười phương nhiếp thọ thân nhân, khiến cho hàng Tiểu thừa nghe tạng bí mật không sanh kinh sợ. Mười phương Như Lai tụng chú tâm này thành Vô thượng giác, ngồi cội Bồ đề, vào Đại Niết bàn. Mười phương Như Lai truyền tâm chú này, sau khi diệt độ, phó chúc pháp sự của Phật được trụ trì rốt ráo, nghiêm tịnh giới luật thảy đều thanh tịnh.

……………………………………..

Tất cả hoạt động của Phật đều do tâm chú này mà thành. Từ đắc thành Giác ngộ, chuyển pháp luân khắp các cõi nước, thọ ký cho hàng Bồ tát, cúng dường chư Như Lai thiện tri thức, cho đến nhập Đại Niết bàn đều dùng năng lực của chú ánh sáng tụ nơi đỉnh Phật này.

Phật đảnh quang tụ, ánh sáng tụ nơi đảnh Phật, và đảnh này không thể thấy (vô kiến đảnh tướng), người trì chú này có thể tiếp thông với ánh sáng này để tịnh hóa thân tâm mình, đưa đến trí huệ.

……………………………………….

Nếu ta nói về chú Phật đảnh quang tụ Bát Đát Ra thì dùng âm thanh liên tục, câu chữ không lặp lại, từ sáng đến tối, trải qua hằng sa kiếp cũng không thể cùng tận. Chú này cũng gọi tên là Như Lai Đảnh.

……………………………………..

Chú này là Phật đảnh quang tụ, là Như Lai đảnh, là Ba thân của Phật, nên không thể nói hết công dụng của nó, vì nó ở khắp pháp giới, có tất cả năng lực của pháp giới và ứng hiện khắp pháp giới.

……………………………………..

Hàng Hữu học các ông chưa hết luân hồi, phát tâm chí thành cầu quả A La Hán mà không trì chú này khi ngồi đạo tràng khiến cho thân tâm xa lìa các ma sự thì không thể được.

A Nan, các thế giới có những chúng sanh tùy chỗ cõi nước mình sanh ra có các thứ vỏ cây, lá bối, giấy trắng, bạch điệp nên chép chú này, đựng trong giấy thơm. Nếu người ấy tối tăm chưa thể nhớ tụng được thì mang trong người hoặc viết trong nhà, phải biết người ấy suốt đời không bị tất cả các thứ độc làm hại.

A Nan, nay ta vì ông nói lại chú này để cứu hộ thế gian được đại vô úy và thành tựu trí xuất thế gian của chúng sanh.

Như sau khi ta diệt độ, chúng sanh đời mạt thế có người tụng hay dạy người khác tụng, phải biết những chúng sanh trì tụng như vậy, lửa không thể đốt cháy, nước chẳng thể chìm, các thứ độc yếu mạnh không thể hại. Như thế cho đến các chú ác dữ của thiên, long, quỷ thần, tinh kỳ, ma mị đều không thể đụng chạm. Tâm được chánh thọ thì tất cả bùa chú, trùng độc, thuốc độc, kim độc, độc khí các loài cỏ cây, trùng rắn vào trong miệng người ấy đều thành vị cam lồ. Hết thảy ác tinh cùng các quỷ thần lòng dữ hại người không thể khởi ra niệm ác đối với người ấy. Tần na, Dạ ca, các quỷ vương ác dữ khác cùng với quyến thuộc đều chịu ơn sâu, thường giữ gìn ủng hộ.

………………………………………..

Người cầu giải thoát, cầu Vô học lậu tận thì bị những thế lực nặng nề, tối tăm của vòng sanh tử níu kéo lại. Có những thế lực tự nhiên, nhưng cũng do cọng nghiệp, như sự trì trệ của đất, sự thấm ướt và chảy xuống của nước, sự bùng phát của lửa… và có những sinh thể xấu ác chống lại ánh sáng của con đường hoàn thiện. Những sinh thể này gọi là ma. Ma ở bên ngoài hợp với ma là những phiền não bên trong luôn luôn muốn cản trở hành giả.

Chú này có sức mạnh của ánh sáng từ Như Lai Đảnh nên phá trừ mọi tăm tối, xấu ác. Hoặc tự tụng hay dạy người khác tụng, viết trong nhà, đeo nơi người… thì không bị các độc tự nhiên hay từ ma quỷ đến làm hại.

Chú cứu hộ thế gian và giúp người thành tựu trí huệ xuất thế gian. Khi nhờ chú mà được chánh thọ hay đại định, các thứ độc vào trong miệng người ấy đều biến thành vị cam lồ.

……………………………………..

A Nan, nên biết chú này thường có tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa câu chi chủng tộc Kim Cương Tạng Vương Bồ tát, mỗi mỗi đều có các chúng Kim Cương làm quyến thuộc ngày đêm theo hầu. Giả sử các chúng sanh tâm còn tán loạn, chưa vào Tam ma địa mà tâm ghi nhớ, miệng trì chú này thì Kim Cương vương thường theo bên mình. Huống là người có tâm Bồ đề quyết định thì các Kim Cương Tạng Vương Bồ tát sẽ dùng tịnh tâm âm thầm phù trợ, phát huy thần thức người ấy, khiến cho người ấy lúc ấy nhớ lại tám vạn bốn ngàn hằng hà sa kiếp, rõ biết khắp cả, không còn nghi lầm.

…………………………………….

Định mà người tu Lăng Nghiêm mong muốn đạt đến là Tam muội Kim cương Như huyễn. Tam muội Kim cương là tánh Kim cương, và tánh Kim cương chính là tánh Không. Trong việc đạt được tánh Kim cương Như huyễn này, có sự âm thầm phù trợ lớn lao của Kim Cương bộ, được an trí trong đàn tràng.

…………………………………….

Từ kiếp thứ nhất cho đến thân cuối cùng, đời đời không sanh trong các loài Dược xoa, La sát, Phú đơn na, Ca tra phú đơn na, Cưu bàn trà, Tỳ xá giá… các loài ngạ quỷ có hình hay không có hình, có tưởng hay không có tưởng, các chốn xấu ác như vậy. Người thiện nam này, hoặc đọc hoặc tụng, hoặc viết hoặc chép, hoặc đeo hoặc giữ, hoặc cúng dường theo nhiều cách thì đời đời không sanh vào chỗ không thể vui, bần cùng hạ tiện.

Các chúng sanh này dù tự mình chẳng làm nghiệp phước mà công đức mười phương Như Lai đều thông cho họ. Do vậy mà trải qua vô số kiếp không thể nói, thường được sanh một chỗ với chư Phật, vô lượng công đức nhóm lại như chùm ác xoa, đồng một chỗ để huân tu, hằng không phân tán.

Thế nên có thể khiến người đã phá giới được giới căn trở lại thanh tịnh. Người chưa được giới khiến cho họ được giới. Người chưa được tinh tấn khiến được tinh tấn. Người không trí huệ khiến được trí huệ. Người không thanh tịnh khiến mau được thanh tịnh. Người không giữ trai giới tự thành có trai giới.

A Nan, người thiện nam ấy khi trì chú này giả sử có phạm cấm giới khi chưa thọ trì thì sau khi trì chú này các tội phá giới không kể nặng nhẹ, đều nhất thời tiêu diệt. Dù đã uống rượu ăn năm thứ rau cay, các thứ bất tịnh, thì tất cả chư Phật, Bồ tát, Kim cương, tiên thiên, quỷ thần, không cho là có lỗi. Dù mặc y phục rách nát không sạch thì mỗi cử chỉ đi đứng thảy đồng thanh tịnh.

Dầu không lập đàn, không vào đạo tràng, cũng không hành đạo mà trì tụng chú này thì công đức so với vào đàn hành đạo không khác. Nếu tạo trọng tội, ngũ nghịch vô gián và tội tứ khí, bát khí của tỳ kheo, tỳ kheo ni mà tụng chú này rồi thì các nghiệp nặng như vậy đều tiêu diệt hết cũng như gió mạnh thổi tan đống cát không còn chút gì.

A Nan, nếu có chúng sanh từ vô lượng, vô số kiếp đến nay có tất cả tội chướng hoặc nặng hoặc nhẹ chưa kịp sám hối mà nay có thể đọc tụng, biên chép đeo trên thân hay để nơi chỗ ở như trang trại, nhà, vườn, quán… thì những nghiệp chứa nhóm trước kia đều tiêu tan như nước sôi tiêu tuyết, không bao lâu đều được ngộ Vô sanh pháp nhẫn.

………………………………..

Trì giữ chú này là trì giữ trí huệ và công đức của chư Phật.

Trì tụng, biên chép, hoặc đeo, hoặc giữ thì nhiều kiếp không sanh vào những loài thấp kém và bần cùng, khó tu. Trái lại nếu có chú này thì thông với công đức mười phương chư Phật, thường được sanh một chỗ với chư Phật.

Chú này khiến người đã nhiễm ô tội lỗi được tịnh hóa. Dù mặc y phục rách rưới không sạch thì mỗi cử chỉ đi đứng thảy đồng thanh tịnh, vì chú tịnh hóa từ trong tâm, đến ngữ và thân. Tụng chú này có sức tịnh hóa tất cả những tội nặng nhất. Tụng chú này xem như sám hối tất cả tội lỗi từ vô thủy kiếp đến nay.

……………………………………….

IV. CHÚ LÀM LỢI LẠC CHO CÁ NHÂN VÀ
ĐẤT NƯỚC.

Lại nữa, A Nan, nếu có người nữ chưa sanh con trai con gái, muốn cầu có thai, nếu hay chí tâm nhớ niệm chú này, hoặc đeo trên người chú Tát Đát Đa Bát Đát Ra này, bèn sanh con trai con gái trí huệ phước đức. Người cầu sống lâu thì được sống lâu, cầu quả báo mau được viên mãn thì mau được viên mãn. về thân mạng, hình sắc, sức khỏe cũng lại như vậy. Sau khi mạng chung, tùy nguyện vãng sanh nơi mười phương cõi nước, chắc chắn không sanh nơi biên địa hạ tiện huống là các loài hình thù khác.
A Nan, nếu các cõi nước, châu huyện, làng xóm bị đói kém, dịch bệnh, tai nạn hay đao binh đấu tranh và tất cả những chỗ có ách nạn khác, nên viết thần chú này treo ở bốn cửa thành, các tháp, đài cao để cho chúng sanh nơi ấy nghinh đón, cung kính, lễ bái, nhất tâm cúng dường, khiến nhân dân mỗi người đeo trong mình hay cất trong mỗi nhà thì tất cả tai ách thảy đều tiêu diệt.

A Nan, bất cứ chỗ nào có chú này thì thiên, long hoan hỷ, mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, dân chúng an vui Lại cũng trấn giữ tất cả các ác tinh tùy chỗ biến hiện những điều quái lạ khiến tai chướng không khởi, người không bị chết dữ, chết yểu thân thể không vướng xiềng xích, gông cùm, ngày đêm ngủ yên, thường không ác mộng.
A Nan, cõi Ta bà này có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh, hai mươi tám đại ác tinh đứng đầu, lại có tám đại ác tinh làm chủ, biến hiện nhiều thứ trên đời, gây ra nhiều tai họa dị thường cho chúng sanh. Nếu chỗ nào có thần chú này thì các thứ ấy đều tiêu diệt hết, trong mười hai do tuần làm vòng kết giới thì các tai biến hung dữ không thể nào vào được.

…………………………………..

Thần chú này đem lại điều nguyện ước cho cá nhân và ngăn trừ tai họa cho cả một quốc gia, sự thịnh vượng cho một đất nước. Hòa bình, thịnh vượng của một đất nước có thể duy trì nhờ phổ biến chú này cho nhân dân.

……………………………………..

V. GIÚP NGƯỜI TU HÀNH ĐƯỢC KHAI NGỘ.

Thế nên, Như Lai tuyên dạy chú này, để bảo hộ các người tu hành sơ học ở đời vị lai vào được Tam ma địa, thân tâm rỗng rang, được đại an ổn, không bị hết thảy ma, quỷ thần và những oan khiên, nghiệp cũ, nợ xưa từ vô thủy đến khuấy hại.
Ông và các người hữu học trong chúng cùng các người tu hành đời vị lai y như đàn tràng ta dạy y như pháp mà trì giới, gặp được tăng thanh tịnh làm giới chủ để trì tâm chú này mà không sanh nghi hối. Người thiện nam này ngay nơi cái thân cha mẹ sanh ra này mà không được tâm thông thì mười phương Như Lai hóa ra là vọng ngữ.

…………………………………..

Tâm thông là tâm thông được với Niết bàn hay Pháp thân. Chữ dùng của Kinh là vào được Tam ma địa, tức Tam muội Kim cương Như huyễn. Đây là Sơ quả Nhập Lưu Tu Đà Hoàn hay Sơ địa của Đại thừa. Chữ dùng của Duy thức tông là Thông đạt vị.

Thần chú gồm cả Chỉ và Quán nên tịnh hóa tâm thức, phá trừ những nghiệp chướng, tức là phiền não chướng và sở tri chướng để người tu hành trực tiếp thấy biết bản tánh.

Chú hộ trì tâm, uốn nắn tâm làm cho tâm chuyển hóa cùng một tần số với chân tâm khiến chân tâm hiển hiện ngay nơi “ cái thân cha mẹ sanh ra này” . Cho nên thần chú là đàn tràng bằng âm thanh vậy.

………………………………………

4. CÁC HỘ PHÁP PHÁT NGUYỆN BẢO HỘ RỘNG RÃI.

Phật dạy lời ấy rồi, vô lượng trăm ngàn Kim Cương trong hội đồng thời ở trước Phật chắp tay đảnh lễ mà bạch Phật rằng: Như lời Phật dạy chúng con sẽ thành tâm bảo hộ những người tu Giác ngộ như vậy.
Khi ấy Phạm vương và Đế Thích, bốn đại thiên vương cùng ở trước Phật đồng thời đảnh lễ mà bạch Phật rằng: Quả có người lành tu học như vậy, chúng con sẽ hết lòng chí thành bảo hộ, khiến cho trong một đời tu hành được như nguyện.
Lại có vô lượng đại tướng Dược xoa, các vua La sát, vua Phú đơn na, vua Cưu bàn trà, vua Tỳ xá giá, các đại quỷ vương Tân na, Dạ ca và các quỷ soái cũng ở trước Phật, chấp tay đảnh lễ: Chúng con cũng thệ nguyện hộ trì người ấy khiến tâm Giác ngộ mau được
viên mãn.

Lại có vô lượng Thiên tử Nhật Nguyệt, thần gió, thần mưa thần mây, thần sấm, các hàng thần điển, các quan tuần trong năm cùng các quyến thuộc….ở trong hội đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch rằng: Chúng con cũng nguyện bảo hộ người tu hành ấy an lập đạo tràng được vô sở úy.
Lại có vô lượng thần núi, thần biển, hết thảy các loài tinh kỳ đất đai muôn vật, dưới nước, trên đất, trên không và vua thần gió và chư thiên Vô sắc giới, ở trước Như Lai, đồng thời cúi đầu mà bạch Phật rằng: Chúng con cũng bảo hộ người tu hành ấy được thành Giác ngộ, vĩnh viễn không có ma sự.

Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa câu chi Kim Cương Tạng Vương Bồ tát ở trong đại hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, như bọn chúng con, công nghiệp tu hành đã thành giác ngộ từ lâu mà chẳng nhận lấy Niết bàn, thường theo chú này để cứu hộ người chân chánh tu hành tu Tam ma đề trong đời mạt thế.
Bạch Thế Tôn, những người tu tâm cầu chánh định như thế, nếu ở đạo tràng hay lúc kinh hành, cho đến tán tâm dạo chơi nơi hàng xóm, chúng con vẫn thường đi theo hộ vệ người ấy. Giả sử Ma vương Đại tự tại thiên muốn có phương tiện để quấy phá cũng không thể được. Các quỷ thần nhỏ cách xa người này ngoài mười do tuần, trừ phi họ phát tâm thích người tu thiền.

Bạch Thế Tôn, nhũng ác ma như thế hoặc các quyến thuộc của ma muốn đến xâm phạm quấy nhiễu người lành ấy, chúng con sẽ dùng bảo xử đập nát đầu như vi trần, thường khiến cho người ấy tu hành được như nguyện.

…………………………………….

Tất cả vua trời, rồng, dạ xoa…các thần đều ở trước Đức Phật thệ nguyện bảo vệ và hộ trì cho người tu hành chú được vào bậc thánh không thối chuyển, không rơi trở lại vào sanh tử. Đặc biệt các Bồ tát Kim Cương Tạng Vương, tuy giải thoát từ lâu, vẫn vì tâm đại bi mà ở lại ba cõi để hộ vệ cho người chân chánh tu Tam ma địa.

Người chân chánh tu hành được các bậc giác ngộ, các Bồ tát các Hộ pháp theo sát “ dù lúc tán tâm dạo chơi xóm làng” thì không thể nào không có ngày “ tâm thông” với tánh Kim Cương ấy, vì tánh Kim cương ấy không chỗ nào không có, không lúc nào không có. Chẳng phải chúng ta như những con cá sống trong nước mà luôn kêu gào khát nước đấy sao?

…………………………………….

CHƯƠNG IV
KHAI THỊ CÁC ĐỊA TU CHỨNG

1. KHAI THỊ HAI CÁI NHÂN ĐIÊN ĐẢO
VÀ BA MÓN TIỆM THỨ.

A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng: Bọn chúng con ngu độn, ham thích đa văn, mà đối với các tâm hữu lậu chưa cầu ra khỏi. Nhờ lời từ bi chỉ dạy của Phật mà được sự huân tu chân chánh, thân tâm thư thái, được lợi lạc lớn.
Bạch Thế Tôn, tu chứng Tam ma địa của Phật như thế, khi chưa đến Niết bàn thì thế nào gọi là Càn huệ địa? Bốn mươi bốn tâm thứ lớp thì đến đâu được danh mục tu hành? Đến chỗ nào gọi là nhập địa? Thế nào là Bồ tát Đẳng Giác?
Thưa hỏi như vậy rồi, năm vóc gieo xuống đất, đại chúng nhất tâm chăm chú trông chờ từ ân của Phật.

Bấy giờ Thế Tôn khen ngợi A Nan rằng: Lành thay! Lành thay! Các ông mới có thể khắp vì đại chúng và tất cả chúng sanh đời mạt thế cầu Đại thừa tu tam ma địa, xin ta chỉ bày con đường chánh tu hành từ phàm phu cho đến Đại Niết bàn. Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông nói.
A Nan và đại chúng chấp tay, trống tâm, im lặng thọ giáo.

……………………………………

Huân tu chân chánh là huân tu tánh giác, từ Càn huệ địa, rồi bắt đầu vào bốn mươi bốn tâm, vào Thập địa, lên đến Đẳng Giác, Diệu Giác. Đó là những danh mục, cấp bậc chính thức. Nhưng nhanh hay chậm, nhảy vọt hay từng cấp là do những thiện căn đă có từ đời trước và lòng tin, tha thiết, tinh tấn, công đức và trí huệ, từ bi trong đời này.

Công thức chung của Đại thừa là ba a tăng kỳ kiếp để thành Phật. Nhưng cần biết thời gian công thức ấy là tương đối: Chẳng hạn, theo Đại Trí Độ Luận của Bồ tát Long Thọ, “ Có kiếp Bồ tát Thích Ca đang là ngoại đạo tiên nhân lên núi hái thuốc, thấy Phật Phất Sa ngồi trong hang báu nhập Hỏa định, phóng ánh sáng. Thấy vậy, tâm hoan hỷ tin kính, đứng co một chân, chấp tay hướng Phật, nhất tâm chiêm ngưỡng, qua bảy ngày bảy đêm không chớp mắt, rồi nói một bài kệ tán thán Phật… Qua bảy ngày bảy đêm nhìn kỹ Thế Tôn, mắt chưa từng chớp mà vượt qua được chín kiếp, còn trải qua chín mươi mốt kiếp được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” .

Ba a tăng kỳ kiếp được chia làm ba giai đoạn. A tăng kỳ kiếp thứ nhất, từ Thập Tín cho đến Bốn Gia hạnh vị. A tăng kỳ kiếp thứ hai từ Sơ hoan hỷ địa đến Đệ bát địa, a tăng kỳ kiếp thứ ba từ Đệ bát địa đến thành Phật.

Cũng theo Đại Trí Độ Luận: “ Trong A tăng kỳ đầu, tâm không tự biết ta sẽ thành Phật hay không. Trong A tăng kỳ thứ hai, tâm tuy biết ta chắc chắn thành Phật, nhưng miệng không dám nói ta sẽ thành Phật. Trong A tăng kỳ thứ ba, tâm tự biết rõ sẽ thành Phật, miệng tự phát ngôn không chút sợ, ‘ta trong đời sau sẽ thành Phật’ “.

……………………………………….

Phật bảo: A Nan, phải biết Diệu Tánh tròn sáng, lìa mọi danh tướng, bổn lai không có thế giới, chúng sanh.

Nhân vọng thấy có sanh, nhân sanh thấy có diệt. Sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân. Đó gọi là hai cái chuyển y Giác ngộ vô thượng và Đại Niết bàn của Như Lai vậy.

………………………………….

Diệu tánh tròn sáng, viên minh, ngoài nó không có cái gì khác. Do vô minh mê vọng mà thấy có thế giới có chúng sanh sanh khởi. Thấy có sanh thì thấy có diệt. Ngay đây mà thấy không có cái gì sanh không có cái gì diệt thì đây là tánh thấy thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới, bổn lai không có sanh tử thế giới chúng sanh.

‘‘Sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân’’. Thấy có sanh diệt, gọi là vọng. Cái thấy mê vọng có sanh diệt này mà hết thì gọi là chân. Nói là ‘‘diệt vọng’’ chứ thật ra vọng vốn tịch diệt, vọng chưa từng sanh. Đó là sự diệt vọng chân thật.

Vọng chưa từng sanh nên sanh diệt và diệt vọng đều nói ‘‘gọi là’’.

Hai cái gọi là chuyển y: chuyển y mê vọng, tức sở tri chướng, thành Giác ngộ vô thượng và chuyển y phiền não, tức phiền não chướng, thành Đại Niết bàn. Chuyển y xong thì tất cả chỉ là một Diệu Tánh viên minh, không mê vọng, không khổ đau.

…………………………………..

A Nan, nay ông muốn tu chân Tam ma địa, thẳng đến Đại Niết bàn Như Lai thì trước phải biết hai cái nhân điên đảo của thế giới chúng sanh này.

Điên đảo chẳng sanh, đó là Chân Tam ma địa của Như Lai.

………………………………….

Chân tam ma địa là bản tánh của tất cả các pháp không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm…, thế nên gọi là thường định. Tánh ấy, nói theo Kinh Đại Bát Nhã, chẳng phải vì Phật mới có, chẳng phải vì có chúng sanh mà không. Diệu tánh ấy vốn viên minh, chưa từng có điên đảo. Cho nên nơi chúng sanh, điên đảo chẳng sanh, thì thân tâm chúng sanh chính là diệu tánh ấy.

……………………………….

A Nan, thế nào gọi là chúng sanh là điên đảo?

A Nan, do bản tánh của tâm là minh, tánh minh viên mãn toàn khắp, nên nhân cái năng minh phát ra có tự tánh, cái có tự tánh này do vọng thấy mà sanh. Từ chỗ rốt ráo không bèn hóa thành rốt ráo có.

Cái có này thành ra có là do cái vốn chẳng có nhân làm nhân. Tướng năng trụ và tướng sở trụ rốt ráo không có cội gốc. Từ nền tảng vô trụ này mà kiến lập ra thế giới và các chúng sanh.

…………………………….

Bản tánh của tâm, của Như Lai tạng diệu chân như tánh là tánh Minh-Không. Tánh Minh-Không vốn toàn khắp, không có gì không phải là nó. Nhưng trong tánh Minh toàn khắp ấy, một niệm vô minh, bất giác, phân biệt khởi lên, trong tánh minh giả lập một cái tôi năng minh, bèn có ngay sở minh là cảnh.

Năng minh và sở minh là giả lập; giả lập là cho rằng có tự tánh. Có tự tánh là do vọng thấy mà ra. Năng minh, sở minh, có tự tánh đều do vô minh vọng lập, vọng thấy.

Tánh Không khi đã bị vọng thấy thì biến thành có tự tánh, có chỗ trụ. Tánh Minh khi đã bị vọng thấy thì biến thành có tướng. Tánh Minh-Không vốn không có nhân thành ra làm nhân cho cái có chỗ trụ là thế giới và chúng sanh.

Ngay đây mà thấy không có tướng thì đó là tánh Minh. Ngay đây mà thấy không có tự tánh thì đó là tánh Không. Đó là xoay trở lại tất cả tướng, tất cả cái có tự tánh, nghĩa là tất cả thế giới chúng sanh về thật tướng Minh Không vô trụ của chúng.

………………………………..

Mê tánh viên minh vốn sẳn này, đó là hư vọng sanh ra. Nhưng tánh của hư vọng không có tự thể, chẳng có chỗ nương y.

Vừa muốn trở lại chân tánh thì cái muốn chân đó đã chẳng phải tánh Chân Như chân thật. Nơi cái chẳng phải chân mà cầu trở lại bèn thành chẳng phải tướng mà cho là tướng, chẳng phải sanh mà cho là sanh, chẳng phải trụ mà cho là trụ, chẳng phải tâm mà cho là tâm, chẳng phải pháp mà cho là pháp.

Xoay vần phát sanh, sanh lực phát minh, huân tập thành nghiệp. Đồng nghiệp thì cảm nhau, nhân có cảm nghiệp bèn có sự diệt nhau, sanh nhau. Do vậy mà có sự điên đảo của chúng sanh.

………………………………..

Mê tánh viên minh vốn sẳn này thì hư vọng sanh ra, ví như mê mặt trăng thật thì thấy mặt trăng thứ hai. Nhưng tánh của hư vọng không có tự thể, không có chỗ trụ. Như khi thấy hoa đốm không có, không có bèn là giải thoát khỏi cái thấy hư vọng.

Khi đã thấy có hư vọng mà muốn trở lại chân tánh thì cái chân tánh do vọng tưởng nghĩ ra và tìm cầu ấy cũng chỉ là hư vọng chồng lên lớp mê mờ trước. Như thấy có hoa đốm giữa hư không mà muốn tìm hoa thật giữa hư không, thấy lông rùa sừng thỏ rồi muốn tìm rùa thỏ thật nơi lông rùa sừng thỏ ấy. Từ chẳng phải chân bèn hiện thành những cái không thật, cái trước mắt chẳng phải tướng, chẳng phải sanh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp mà cho là có tướng, có sanh, có trụ, là tâm, là pháp.

Vọng tưởng xoay vần huân tập thành nghiệp. Nghiệp đây là nghiệp vọng tưởng của tâm thức. Chúng sanh, tức là chánh báo, đã thành.

Ngay đây trước mắt mà thấy chẳng phải tướng, chẳng phải sanh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp, thì sanh tử tiêu tan.

…………………………………….

A Nan, thế nào gọi là thế giới là điên đảo?

Cái có ấy thành năng có, sở có, chia phần, chia đoạn vọng sanh. Do đó mà không gian (giới) được kiến lập, chẳng phải nhân mà làm nhân, chẳng phải trụ mà làm trụ, do đó mà thời gian (thế) thành lập.

Ba đời, bốn phương hòa hợp xen lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành mười hai loài. Thế nên, thế giới nhân động mà có tiếng, nhân tiếng mà có sắc, nhân sắc mà có hương, nhân hương mà có xúc, nhân xúc mà có vị, nhân vị mà biết pháp. Sáu thứ vọng tưởng lộn loạn thành nghiệp thức nên phân chia thành mười hai loài, do đó mà xoay vần liên tục. Thế nên trong thế gian, các thứ thanh, hương, vị, xúc… biến đổi cùng tột đến mười hai lần thì xoay trở lại.

…………………………………

 Khi cái rốt ráo Không vì cho là có tự tánh mà hóa thành rốt ráo có thì cái có ấy thành năng sở, chia phần chia đoạn thành ra không gian, thật ra thì không có nhân, không có tự tánh, không chỗ trụ. Đã thấy có cái giả trụ thì thấy có cái giả trôi dời chẳng trụ, đó là thời gian.

Không gian và thời gian là y báo của chánh báo chúng sanh. Có chánh báo bèn liền có y báo, có tâm bèn liền có cảnh. Chánh báo, y báo hòa hợp xen lẫn nhau thành chúng sanh và thế giới. Không có chúng sanh thì không có thế giới, không có thế giới nếu không có chúng sanh.

Xưa nay chúng ta vẫn sống trong tánh Minh-Không, chỉ vì thấy những cái chẳng phải tướng mà cho là tướng, chẳng phải sanh mà vọng thấy có sanh, chẳng phải trụ mà vọng thấy có trụ, chẳng phải tâm mà vọng thấy có tâm, chẳng phải pháp mà vọng thấy có pháp bèn lạc vào chúng sanh thế giới điên đảo.

Nếu ngay đây mà thấy không có tâm, không có pháp, tâm và pháp chẳng phải nhân, chẳng nhân đâu, chẳng phải trụ, chẳng phải trụ đâu, bèn thấy xưa nay tất cả đều ở trong tánh Minh Không, chưa từng có vô minh chia phần, chia đoạn. Khi ấy cái Minh ở trong thân tâm là một với cái Minh ở ngoài, tất cả là tánh Minh. Khi ấy cái Không ở trong thân tâm là một với cái Không ở ngoài, tất cả là rốt ráo Không.

Đây cũng là Tam muội Kim cương Như huyễn vốn có khắp nơi, mọi lúc vì là bản tánh của pháp giới. Kim cương là tánh Không, như huyễn là tánh Minh.

……………………………………….

Dựa theo những tướng điên đảo xoay vần đó mà có ra thế giới với những loài trứng sanh, thai sanh, ẩm ướt sanh, hóa sanh, có sắc, không sắc, có tưởng, không có tưởng, hoặc chẳng phải có sắc, hoặc chẳng phải không có sắc, hoặc chẳng phải có tưởng, hoặc chẳng phải không có tưởng.

A Nan, do nhân thế giới hư vọng luân hồi, điên đảo về động, nên hòa hợp với khí thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng bay lặn. Do vậy nên có mầm trứng trôi lăn trong cõi nước: cá, chim, rùa, rắn… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, nên hòa hợp với chất bổ thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng đi ngang đi thẳng. Do vậy nên có bào thai trôi lăn trong cõi nước: người, thú, rồng tiên… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới chấp trước luân hồi, điên đảo về thú hướng nên hòa hợp với noãn (hơi nóng) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng nghiêng ngửa. Do vậy nên có thân mềm sanh từ ẩm ướt trôi lăn trong cõi nước: lúc nhúc, ngọ nguậy… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, nên hòa hợp với xúc thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng mới, cũ. Do vậy nên có tướng hóa sanh trôi lăn trong cõi nước: lột vỏ, bay đi… các loài đầy dẫy.

…………………………………..

Khi tâm tánh Minh Không đã bị ô nhiễm bởi những điên đảo hư vọng, huân tập thành nghiệp thì có các loài, loài nào sinh sống theo cọng nghiệp của loài ấy.

Từ rốt ráo Không hóa thành rốt ráo có cũng bởi vì cái tâm tạo nên tất cả, ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức. Tâm có tới đâu thì thế giới có tới đó, tâm rộng đến đâu thì thế giới luân chuyển đến đó, tâm điên đảo đến đâu thì có tám vạn bốn ngàn loạn tưởng sanh ra các loài đến đó.

Đưa tâm trở về gốc vô nhân, vô trụ, vô sanh của nó bèn giải thoát. Dầu trước mắt có thế giới chúng sanh thì thế giới chúng sanh ấy là vô nhân, vô trụ, vô sanh, nghĩa là thế giới chúng sanh vốn tự giải thoát.

………………………………..

Do nhân thế giới lưu ngại luân hồi, điên đảo về chướng nên hòa hợp với trước (bám níu) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng tinh diệu. Do vậy nên có yết nam sắc tướng trôi lăn trong cõi nước: lưu cửu, tinh minh… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới tiêu tán luân hồi, điên đảo về hoặc, nên hòa hợp với ám thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng ẩn tối. Do vậy nên có yết nam vô sắc trôi lăn trong cõi nước: không, tán, tiêu, trầm… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới ảo ảnh luân hồi, điên đảo về ảnh, nên hòa hợp với nhớ thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng tiềm kết. Do vậy nên có yết nam có tưởng, trôi lăn trong cõi nước: thần quỷ, tinh linh… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới ngu độn luân hồi, điên đảo về si, nên hòa hợp với ngoan (ngu độn, ngoan cố) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng khô khan. Do vậy nên có yết nam không có tưởng trôi lăn trong cõi nước: các loài tinh thần hóa làm đất, cây, sắt, đá… các loài đầy dẫy.

…………………………………..

Cũng do điên đảo loạn tưởng mà có các loài có sắc, không có sắc, có tưởng, không có tưởng. Điên đảo hòa hợp với những đặc tính của thế giới khách quan bên ngoài hay bên trong mà thành loạn tưởng, dẫn dắt vào các loài.

Để tháo mở các nút này, phải tháo mở sự hòa hợp giả tạo của chúng, nghĩa là thấy chúng là vô tự tánh, vô nhân, vô trụ. Sanh tử là giả hòa hợp, vốn vô tự tánh, vô nhân, vô trụ, quán sát lâu ngày các nút thắt sẽ mở thoát.

……………………………………

Do nhân thế giới đối đãi nhau luân hồi, điên đảo về ngụy, nên hòa hợp với nhiễm thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng nhân nương vào. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng có sắc tướng mà thành sắc’ trôi lăn trong cõi nước: các loài sứa lấy con tôm làm mắt… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới tương dẫn luân hồi, điên đảo về tánh nên hòa hợp với chú thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng hô triệu. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải không có sắc tướng mà không sắc’ trôi lăn trong cõi nước: chú trớ, yểm sanh… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới hợp vọng luân hồi, điên đảo về ảo, nên hòa hợp với khác thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng hồi hỗ. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải tướng có tưởng mà thành tưởng’ trôi lăn trong cõi nước: các giống tò vò lấy chất khác mà thành… các loài đầy dẫy.

Do nhân thế giới oán hại luân hồi, điên đảo về giết nên hòa hợp với quái thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng ăn thịt cha mẹ. Do vậy nên có yết nam ‘chẳng phải tướng không có tưởng mà không có tưởng’ trôi lăn trong cõi nước: như con thổ kiêu ấp đất cục làm con, chim phá kính ấp quả độc làm con, khi lớn lên lại ăn thịt cha mẹ… các loài đầy dẫy.

Đó gọi là mười hai chủng loại chúng sanh.

……………………………………

Tất cả chúng sanh dù cao dù thấp, dù lớn dù nhỏ, dù thường thấy hay kỳ dị đều có điên đảo loạn tưởng mà chịu nghiệp báo sanh vào các loài. Hiện giờ đây nếu chúng ta không biết điên đảo loạn tưởng thì chúng ta cũng đang trôi lăn trong các loài ấy.

Con đường đi ngược lại, xoay vọng tưởng trở lại nguồn tánh, chúng ta đã nói nhiều. Ở đây, khi nhìn vào mười hai loại chúng sanh dầu nhỏ nhất, dầu vì vọng tưởng điên đảo do chính mình tạo vi tế khó thấy nhất, mà đang trôi lăn luân chuyển trong sanh tử luân hồi không có ngày ra, tự nhiên lòng bi khởi lên trùm khắp, từ sinh vật lớn nhất cho đến sinh vật nhỏ nhất. Loạn tưởng điên đảo càng vi tế, càng kỳ dị thì lòng bi càng sâu thẳm; loạn tưởng điên đảo càng rộng lớn thì lòng bi càng bao la. Và chúng ta thấy rằng chỉ có hoàn toàn trở về nguồn tánh với động lực là lòng bi để có được Trí Bi ngàn mắt ngàn tay của Quán Thế Âm thì mới có thể cứu thoát tất cả chúng sanh được.

Khi nào nhìn và nghĩ chỗ nào cũng có chúng sanh, chúng ta mới bắt đầu tương ưng với đại bi của Quán Thế Âm ‘‘dưới hợp với tất cả lục đạo chúng sanh trong mười phương, cùng với tất cả chúng sanh đồng một bi ngưỡng’’.

Nhưng có phải tất cả điên đảo loạn tưởng khiến sanh ra mười hai loài chúng sanh đều sanh khởi, hiện hữu và diệt mất trong Nhất Tâm? Thế nên khi hoàn toàn xoay về để là Nhất Tâm, nơi tánh Không và đại bi là một, thì tất cả chúng sanh là mình, tất cả điên đảo loạn tưởng của chúng sanh là mình, mà kỳ diệu thay, mình chẳng bị nhiễm ô, biến đổi khác bởi vì chúng sanh và điên đảo loạn tưởng của chúng sanh cũng là như hoa đốm giữa hư không.

Hết Quyển 7

 

SHARE:

Trả lời