Quy y

SHARE:


MẬT THỪA TÂY TẠNG – Dịch và biên tập bởi Jeffrey Hopkins
Việt dịch: An Phong, Thiện Tri Thức

1. Ghi chú của người biên tập & Tạ ơn
2. I. TINH TÚY CỦA TANTRA bởi Tenzin Gyatso: Đức Dalai Lama thứ mười bốn
3. Tantra cho thực hành
4. Quy y
5. Tiểu thừa và Đại thừa
6. Kim Cương thừa
7. Tịnh Quang
8. Sự Vĩ Đại của Mật thừa
9. Làm sáng tỏ
10. Quán đảnh
11. II ĐẠI DIỄN GIẢI VỀ MẬT THỪA bởi Tsongkapa
12. Những Lý Do cho đức Tin
13. Những con đường đi đến Phật tánh
14. Kim Cương Thừa
15. Yoga Hóa thần Bổn tôn
16. Phương Tiện trong Bốn Tantra
17. Một Mục Tiêu
18. Nhận dạng Bốn Tantra
19. Chuẩn bị cho Mật thừa
20. III PHỤ LỤC
21. bởi Jeffrey Hopkins
22. Tánh Không
23. Chuyển hóa
24. Mục đích của Bốn Tantra
25. Những điểm tinh yếu
26. CHÚ THÍCH
27. THUẬT NGỮ

Quy y

Chúng ta sống trong một đại dương sanh tử luân hồi mà chiều sâu và chiều rộng không thể đo lường nổi. Chúng ta bị quấy nhiễu trở đi trở lại bởi những phiền não của tham muốn và giận ghét như bị tấn công mãi bởi những con cá mập.

Những hợp uẩn của thân tâm chúng ta bị thúc đẩy bởi những hành động và phiền não ô nhiễm trước kia và là nền tảng cho khổ đau hiện tại cũng như dẫn đến khổ đau tương lai. Khi nào sanh tử luân hồi còn kéo dài, chúng ta có nhiều tư tưởng thích và không thích : ‘Nếu tôi làm điều này người ta sẽ nghĩ sao ? Nếu tôi không làm, tôi sẽ bị quá trễ ; tôi sẽ không có lợi gì.’ Khi chúng ta thấy cái gì thích, chúng ta nghĩ, ‘Ôi, nếu tôi có được nó !’ Chúng ta thấy những người khác thịnh vượng, và chúng ta khởi lên ghen tức, không chịu nổi sự thịnh vượng của họ. Chúng ta thấy một người đàn ông hay đàn bà hấp dẫn, và chúng ta muốn có một mối quan hệ. Chúng ta không bằng lòng với một quan hệ ngắn ngủi mà muốn nó kéo dài mãi mãi. Và rồi khi ở cùng với người đó, chúng ta lại muốn một người khác. Khi chúng ta thấy ai chúng ta không thích, chúng ta nổi giận và cãi lộn sau chỉ một lời nói ; chúng ta cảm thấy không thể ở cạnh con người đáng ghét đó trong một giờ mà phải tức khắc bỏ đi. Ngày và đêm, đêm và ngày chúng ta tiêu pha cuộc đời chúng ta với những phiền não, phát sanh tham muốn với cái thích và giận dữ với cái ghét, và tiếp tục như thế ngay khi mơ, không thể buông xả nghỉ ngơi, tâm thức chúng ta hoàn toàn và rốt ráo trộn lẫn với những tư tưởng thương ghét không ngừng.

Chúng ta đến với sự nương dựa, quy y nào ? Một nguồn gốc của sự quy y phải hoàn toàn vượt thắng vĩnh viễn mọi khuyết điểm ; nó phải thoát khỏi mọi lỗi lầm. Nó cũng phải có mọi thuộc tính của vị tha – những sở đắc các cái ấy thì cần thiết cho sự thành tựu lợi lạc của những người khác. Ai không có hai tiền đề này mà có thể cung cấp sự quy y thì đáng ngờ ; cũng giống như bị rớt vào cái hố và nhờ một người khác cũng ở trong đó giúp mình thoát ra. Bạn cần nhờ một người nào ở ngoài hố để giúp đỡ ; thật vô nghĩa khi nhờ người cùng tình trạng bế tắc như mình. Một chỗ nương dựa, quy y có thể che chở đối với những kinh khủng của khổ đau đa dạng cũng không thể bị vướng mắc trong khổ đau ấy mà phải là tự do và không khuyết điểm. Hơn nữa, những chứng đắc trọn vẹn thì cần thiết, vì nếu bạn rơi vào một cái hố, cũng vô ích khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người đứng ngoài hố nhưng họ lại không muốn giúp đỡ hay có muốn giúp mà không có phương tiện để làm.

Chỉ có một vị Phật là đã hết mọi khuyết điểm và đạt được mọi chứng đắc. Bởi thế, người ta cần quy y một vị Phật với tâm thức mình, tán thán ngài với lời nói, và tôn kính ngài bằng thân thể mình. Người ta nên đi vào sự dạy dỗ từ một nhân vật như thế.

Sự từ bỏ khuyết điểm của một vị Phật thì có ba loại : tốt, hoàn toàn và không thể đảo ngược. Từ bỏ tốt bao gồm sự chiến thắng những che ám bằng những đối trị của chúng, mà không phải bằng cách rút lui khỏi những hoạt động này. Từ bỏ hoàn toàn không phải là lìa bỏ lặt vặt một số phiền não hay chỉ những phiền não biểu lộ, mà lìa bỏ mọi che chướng. Từ bỏ không thể đảo ngược chiến thắng những hạt giống của phiền não và của những che chướng khác theo một cách mà những khuyết điểm sẽ không bao giờ khởi lại được nữa, dầu khi có điều kiện thuận lợi cho chúng.

Ý định tán thán Phật giáo của Tsongkapa không phải để xúc phạm những vị thầy khác như Kapila chẳng hạn. sự tuyên bố về sự vĩ đại của Phật giáo là để phát triển nhất tâm qua thực hành, vì để thực hành Phật giáo phải cố gắng làm điều đó. Người thực hành cần có niềm tin vào giáo lý Phật từ trong sâu xa của tâm thức mình. Có một câu nói Tây Tạng rằng người ta không thể may với một cây kim hai mũi hay hoàn thành được những mục tiêu với một tâm thức có hai điểm tập trung. Tương tự, nếu một hành giả lưỡng lự, nó sẽ không đặt sức mạnh lớn lao vào thực hành bất cứ hệ thống nào. Tsongkapa nêu lên rằng Phật giáo là cái tốt nhất để cho những người có thể được giúp đỡ qua việc dấn thân vào con đường Phật giáo hơn là qua hệ thống khác, không bị chểnh mãng vào một con đường khác.

Chỉ có niềm tin vào một nguồn gốc của sự quy y thì không vững chắc ; trừ phi có một sự hiểu biết chắc chắn, nếu không bạn chỉ tiếp tục sự xác nhận Phật giáo là tốt. Quy y không phải là một hành động ủng hộ mà được đặt nền trên sự phân tích kinh điển nào là hợp lý trí và kinh điển nào không hợp. Để cho tâm thức dấn mình vào nhất tâm trong thực hành, cần phải có niềm tin có lý luận rằng chỉ con đường Phật giáo là không lỗi lầm và có khả năng đưa đến trạng thái giải thoát toàn triệt khỏi khuyết điểm và sở hữu mọi chứng đắc tốt lành. Người ta cần dấn thân vào một sự thẩm xét chân thành, không tham lam và sân hận và tìm kiếm giáo lý nêu lên những phương tiện đáp ứng những mục tiêu của người tu hành.

Kết quả của thực hành là sự thành tựu hai loại mục tiêu : kết quả tạm thời là một cấp bậc, một địa vị cao và kết quả tối hậu là cái tốt rốt ráo. Cấp bậc cao ám chỉ một đời sống làm người hay trời thay vì một thú vật, một quỷ đói hay một chúng sanh của địa ngục. Cái tốt rốt ráo là sự giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sanh tử và đạt đến toàn giác của một vị Phật. Phật giáo có những lời dạy căn cứ cho mỗi cái này cũng như những phương tiện để thành tựu chúng. Cấp bậc cao được hoàn thành trước, và cái tốt rốt ráo được hoàn thành sau bởi vì nó tùy thuộc vào cái trước ; tuy nhiên, sự vững chắc của kinh điển liên quan đến việc hoàn thành cái tốt tối hậu phải được chứng minh trước. Khi sự vững chắc của kinh điển trình bày giải thoát và những phương tiện để thành tựu nó đã được chứng minh với lý luận và khi niềm tin của sự hiểu biết vững chắc đã khởi sanh, bấy giờ có thể đạt được sự tin tưởng với lòng kính trọng vào tính không thể đảo ngược của những kinh điển dạy về cấp bậc cao và những phương tiện của nó.

Những lời dạy của Phật về những hiện tượng không biểu lộ, như là những trình bày cực kỳ vi tế về hành động và hậu quả của chúng – là hiện tượng rất ẩn kín – không thể chứng minh bằng lý luận. Làm sao chúng có thể được chứng thực ?

Không cần chứng minh hiện tượng biểu lộ bằng lý luận bởi vì chúng xuất hiện trực tiếp cho những giác quan. Cái hơi kín đáo tuy vậy có thể chứng minh với lý luận, nó làm phát sanh sự hiểu biết do suy luận, và bởi vì tánh Không thì rất sâu xa nhưng chỉ hơi kín đáo, lý trí phán đoán có thể xâm nhập. Vậy thì khi niềm tin được phát sanh trong sự minh bạch rõ ràng của giáo lý tánh Không rất sâu xa, thì niềm tin đạt được trong sự vững chắc của những lời dạy của Phật về những hiện tượng rất ẩn kín, chúng không thể xâm nhập bằng lý luận nhưng cũng không quan trọng bằng.

Ví dụ, những chuyện kể về hậu quả của hành động mà đức Phật nói trong những kinh như Người Trí và Người Ngu (Damamukonamasutra), chúng ta có thể thắc mắc tại sao có thể như vậy. Bởi vì đấy là những hiện tượng rất ẩn kín, chúng không thể chứng minh được bằng lý luận, và có vẻ đức Phật có thể nói bất cứ điều gì ngài thích. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm riêng của chúng ta, chúng ta có thể xác nhận những lời dạy của đức Phật về những chủ đề quan trọng hơn như tánh Không, Bồ đề tâm, tình thương và lòng bi mẫn, đối với bất kỳ ai phân tích chúng – Phật giáo hay không phải Phật giáo – hay phân tích nhiều bao nhiêu, nếu người ấy không thiên vị vì thương ghét, những lời dạy ấy có thể chịu đựng sự phân tích và dùng như những nguồn mạch đầy năng lực của tư tưởng. Khi bạn thấy rằng Phật không lầm lẫn về những hiện tượng quan trọng hơn này, bạn có thể bắt đầu chấp nhận những trình bày khác của ngài.

Vài người nghĩ lầm rằng hiện tượng phiền não của vòng sanh tử và hiện tượng thanh tịnh của niết bàn không thể chứng minh được bằng lý luận phán đoán và rằng bởi vì giải thoát và toàn giác không thể thấy được một cách trực tiếp, và cũng không biểu lộ, chúng chỉ có thể chứng minh qua việc trích dẫn kinh điển. Họ chỉ tin vào kinh điển và đang trưng bày sự thiếu nền tảng của chính họ. Một tuyên bố quy y như thế chỉ là một phát biểu về sự yếu kém của sự quy y ấy. Tiến trình của vòng sanh tử và sự nhổ bật gốc của nó có thể chứng minh bằng lý luận phán đoán thấy rõ rằng sự hiểu lầm về hiện hữu nội tại là nguyên nhân căn bản của nó và trí huệ nhận biết tánh Không là sự đối trị của nó.

Ngay những kinh điển trình bày những hiện tượng rất ẩn kín, mà cả hai thứ tri giác trực tiếp và suy luận không thể xâm nhập, cũng được chứng minh vững chắc bằng ba loại phân tích. Ba loại phân tích là sự chứng tỏ rằng (1) đoạn văn không bị phá hỏng bởi sự hiểu biết trực tiếp và vững chắc trong sự chỉ dạy của nó về những hiện tượng biểu lộ, (2) đoạn văn không bị phá hỏng với sự suy luận rõ ràng trong sự chỉ dạy của nó về những hiện tượng hơi kín đáo và (3) đoạn văn không bị phá hỏng bởi sự suy luận kinh điển trong sự chỉ dạy của nó về những hiện tượng rất ẩn kín mà không chứa đựng những mâu thuẫn nội tại… Như vậy, ngay tiến trình này cũng xuất phát từ lý luận.

Kinh điển Phật giáo không có những mâu thuẫn nội tại trong khi kinh điển không phải Phật giáo thì có. Điều này không phải nói rằng kinh điển không Phật giáo sẽ không vững chắc theo một vài nghĩa, mà là chúng có những mâu thuẫn liên quan đến những hiện tượng bao gồm trong lãnh vực phiền não và những hiện tượng nằm trong lãnh vực thanh tịnh. Kinh điển của những nhà Tirthika có những giải thích không sai lầm về việc làm cách nào để nhập bốn thiền và bốn định vô sắc giới cũng như những hoàn thành nhỏ của lòng vị tha. Tuy nhiên, về những mục tiêu chính của con người, kinh điển của họ chứa đựng những mâu thuẫn nội tại. Ví dụ họ xác nhận rằng đấng sáng tạo ra thế giới thì thường còn và rồi xác nhận vòng sanh tử do đấng sáng tạo ấy tạo ra thì có thể bị chinh phục. Nếu nguyên nhân là thường còn, kết quả cũng phải thường còn. Tuy nhiên, bởi vì kết quả là vô thường, thì nguyên nhân cũng phải vô thường. Bản chất của sự việc là nếu nguyên nhân không thể bị chinh phục, kết quả cũng không thể bị chinh phục ; như thế sẽ không có một chấm dứt cho vòng sanh tử. Như Dharmakirti nói :

Bởi vì cái thường hằng không thể bị chinh phục
Nên không thể chinh phục được sức mạnh của nó.

Trước tiên cần chứng tỏ rằng nguồn gốc của vòng sanh tử là ý niệm của cái ngã – ý niệm về hiện hữu nội tại và tự thân. Rồi có thể chứng tỏ rằng một hệ thống xác nhận một quan điểm về tự ngã và bởi thế bác bỏ quan điểm vô ngã sẽ tự mâu thuẫn khi nó xác nhận sự đạt được giải thoát khỏi vòng sanh tử.

Điều này ngụ ý rằng từ quan điểm của hệ thống triết học cao nhất của Phật giáo là Prasangika-Madhyamika, thì những quan điểm của các hệ thống thấp hơn – Svatantrika, Chittamatra, Sautrantika và Vaibhashika – cũng được xem là chứa đựng những mâu thuẫn nội tại. Theo hệ thống Prasangika-Madhyamika, nguồn gốc của vòng sanh tử là ý niệm hiện hữu tự thân của hiện tượng và sự sai lầm từ đó về hiện hữu tự thân của cái ‘tôi’, gọi cái thấy về hợp thể vô thường như là một cái ‘tôi’ thực sự. Những hệ thống khác của Phật giáo xác nhận một hiện hữu tự thân của những hiện tượng trong khi những nhà Prasangika xác nhận rằng hiện hữu tự thân là đối tượng quy chiếu của một tâm thức sai lầm vọng tưởng ra cái ngã. Như thế, sự xác định của những học phái thấp về giải thoát khỏi vòng sanh tử có bao gồm một mâu thuẫn có vẻ nội tại, nó chỉ được giải quyết bằng cách xem lời dạy này như là một giáo lý chưa rốt ráo được nói cho những người chưa thể hiện được quan điểm cao nhất.

Con đường giải thoát loại bỏ những nhiễm ô ngoại sanh khỏi lãnh vực của Chân Như vốn hằng thanh tịnh, và giải thoát là trạng thái trong đó những nhiễm ô ngoại sanh này đã bị loại bỏ. Hình như có những vị thầy đã không biết sự giải thoát này hay con đường đi đến đó và xiển dương những hệ thống chưa thoát khỏi vô minh. Kalachakra Tantra, sau khi nêu lên những hệ thống khác nhau của Phật giáo và không phải Phật giáo và trình bày với lý luận những ưu điểm và khuyết điểm của chúng, đã nói, ‘Không nên khinh miệt hệ thống khác.’ Lý do được đưa ra là thường các hệ thống không phải Phật giáo được dạy dỗ qua sự ban ơn cho phép của chư Phật.

Có những trường hợp các vị thầy giải thích những con đường chưa thoát khỏi vô minh, nhưng những vị thầy khác lại là những hóa thân của chư Phật, thoát khỏi mọi khuyết điểm và đầy đủ mọi chứng đắc. Các vị biết sự khác biệt giữa những con đường có lỗi lầm và không có lỗi lầm, nhưng bởi vì trong thời điểm đó không có ý định giảng dạy con đường không lỗi lầm, các vị nêu ra con đường chưa rốt ráo, làm ra vẻ không biết cái kia.

Người có khả năng nên đi trên con đường không lỗi lầm ; tuy nhiên, với con đường kia là thích hợp, thì con đường kia là đúng. Chẳng hạn đối với một người có thể thực hành quan điểm của Chittamatra (Duy Thức) nhưng không thể thực hành quan điểm Madhyamika (Trung Đạo), thì Chittamatra là không lỗi lầm. Cũng như vậy đối với những lời dạy không phải Phật giáo. Bởi thế, những bậc thầy khác, giáo lý của họ, những hành giả của phái đó có thể là chỗ quy y, nhưng không phải là những chỗ quy y rốt ráo.

Khi những niềm tin vào những nguồn gốc quy y được phát sanh qua sự thẩm xét không thiên vị và lý luận thích đáng, đức tin trở nên vững chắc và mạnh mẽ. Một đức tin như vậy không phát sanh nếu chỉ y vào kinh điển. Biện pháp để làm phát sanh một niềm tin như vậy được nêu lên trong Bảy Khảo Luận của Dharmakirti – ba cuốn chính và bốn cuốn đi vào chi tiết. Trong ba cuốn chính, cuốn giải rộng là Bình Luận về ‘Tóm tắt sự Hiểu Biết Vững Chắc’ của Dignaga ; cuốn trung bình là Xác Minh sự Hiểu Biết Vững Chắc và cuốn rút gọn là Hạt của Luận Lý. Bốn cuốn chi tiết là Hạt của Lý Trí, Phân tích về những Tương Quan, Luận Lý để Tranh Biện và Chứng Cớ về những Hiện Thể Khác. Niềm tin bên trong khởi từ nhận xét có lý luận

SHARE:

Trả lời