Phương Tiện trong Bốn Tantra

SHARE:


MẬT THỪA TÂY TẠNG – Dịch và biên tập bởi Jeffrey Hopkins
Việt dịch: An Phong, Thiện Tri Thức

1. Ghi chú của người biên tập & Tạ ơn
2. I. TINH TÚY CỦA TANTRA bởi Tenzin Gyatso: Đức Dalai Lama thứ mười bốn
3. Tantra cho thực hành
4. Quy y
5. Tiểu thừa và Đại thừa
6. Kim Cương thừa
7. Tịnh Quang
8. Sự Vĩ Đại của Mật thừa
9. Làm sáng tỏ
10. Quán đảnh
11. II ĐẠI DIỄN GIẢI VỀ MẬT THỪA bởi Tsongkapa
12. Những Lý Do cho đức Tin
13. Những con đường đi đến Phật tánh
14. Kim Cương Thừa
15. Yoga Hóa thần Bổn tôn
16. Phương Tiện trong Bốn Tantra
17. Một Mục Tiêu
18. Nhận dạng Bốn Tantra
19. Chuẩn bị cho Mật thừa
20. III PHỤ LỤC
21. bởi Jeffrey Hopkins
22. Tánh Không
23. Chuyển hóa
24. Mục đích của Bốn Tantra
25. Những điểm tinh yếu
26. CHÚ THÍCH
27. THUẬT NGỮ

Phương Tiện trong Bốn Tantra

Phương tiện được giải thích như thế nào 
bởi những đạo sư khác của Yoga Tối Thượng

Bình giải về ‘Bốn Trăm Năm Mươi’ (của Dipankarab-hadra) của Ratnakarashanti nói, ‘Nếu người ta chỉ trau dồi (một con đường) có bản chất của một hóa thần bổn tôn, người ta không thể trở thành giác ngộ hoàn toàn chỉ nhờ vào nó bởi vì sự làm tròn những hoạt động (thiền định) chưa đầy đủ. Hay, nếu người ta thiền định về tánh Như của một hóa thần và không về hóa thần ấy, người ta sẽ đạt đến Phật tánh trong nhiều vô số kiếp nhưng không nhanh. Qua thiền định về cả hai, người ta sẽ đạt đến giác ngộ tối thượng viên mãn rất nhanh chóng bởi vì làm như vậy là rất thích hợp và có những ban phước đặc biệt.’

Như thế Ratnakarashanti nói rằng nếu người ta chỉ trau dồi yoga hóa thần, người ta không thể giác ngộ hoàn toàn. Cũng thế, ngay nếu người ta không thiền định về một hóa thần, thì qua thiền định về tánh Không đi kèm với các phương tiện khác người ta cũng chỉ đạt đến giác ngộ hoàn toàn trong nhiều vô số kiếp. Nếu người ta thiền định về cả hai, về một hóa thần và về tánh Không, nó là con đường nhanh chóng.

Bởi thế, đạo sư Ratnakarashanti cũng xác nhận rằng tri kiến về tánh Không là chung cho cả hai thừa của Đại thừa và không có yoga hóa thần con đường sẽ chậm giống như Thừa Hoàn Thiện, nhưng qua nối kết yoga hóa thần với tri kiến tánh Không con đường sẽ nhanh. Ratnakarashanti theo sự giải thích ở trên (trong Vajrapanjara và Tự Thành Tựu).

Abhayakara giải thích phương tiện phù hợp với Ratna-karashanti trong chương thứ mười tám của cuốn Những Chương về Những Giáo Huấn Tinh Yếu (Amnayamanjari) và trích như một nguồn bản văn chương thứ mười bốn của Vajrapanjara :

Để vượt qua kiêu hãnh thường tục
Thiền định này được biết là hoàn hảo

Cũng như : ‘Để tịnh hóa thân thể bất tịnh người ta cần thiền định về một Thân Phật.’

Durjayachandra trong bình giải của ngài về chương thứ nhất của Tantra Hevajra có trích chương thứ nhất và chương mười bốn của Vajrapanjara và giải thích rằng những nguyên nhân không thể thành tựu một kết quả không tương hợp với chúng, trong Sự Sáng Tỏ bổn nhiên, Bình Giải về những Điểm Khó của Tantra Yamari, nói :

Phải nói rằng (những Sắc thân) sẽ sanh khởi qua những phương tiện, như bố thí…, và bởi năng lực của cầu nguyện. Làm sao những cái ấy có bản chất của Báo thân và Hóa thân mà không được thiền định lại có thể trở thành vững chắc trong tâm người ta được ?

Người ta có thể nghĩ, ‘Thậm chí như vậy, những cái ấy sẽ sanh khởi nhờ cầu nguyện.’ Rồi, không cần thiền định về vô ngã, (Pháp thân) có thể hiển lộ (điều này vô lý) ; sự tu hành khó nhọc khi thiền định về vô ngã để làm gì ?

Người ta có thể nghĩ, ‘(Pháp thân) khởi từ thiền định.’ Thế thì nó khác gì với Báo thân và Hóa thân đâu ? Tại sao người ta không thiền định về chúng ? Ngay cả những người ở trong Thừa Hoàn Thiện xác nhận Phật tánh có tinh túy của Ba Thân. Qua thiền định về chúng, chúng sẽ xuất hiện.

Nếu người ta thiền định về vô ngã nó có phương diện của Pháp thân, người ta cũng phải làm như thế về một hóa thần có phương diện của một Sắc thân. Nếu người ta không làm, thì cũng như xác nhận rằng không cần thiền định về vô ngã cũng có thể làm hiển lộ Pháp thân.

Về điều này Shridhara cũng trích từ một nguồn bản văn :

Nguyên nhân để thành tựu Phật tánh
Là yoga Phật. Chẳng phải không thấy
Thật sự rằng trong mọi phương diện, nguyên nhân
Và kết quả là tương tự sao ?

Ngài cũng trích Tất Cả Bí Mật (Sarvarahasya, một Tantra Yoga) :

Tóm tắt, Phật tánh nhất định
Xuất hiện từ định và trí huệ.
Không có yoga Phật
Một thiền giả không đạt đến Phật tánh được.

Samayavajra giải thích nó cũng tương tự trong Bình Giải Tantra Kashnayamari như Jinadatta đã làm trong Bình Giải về Những Điểm Khó của Tantra Guhyasamayja.

Vinayadatta giải thích khá dài về phương tiện trong Nghi lễ Mạn đà la Đại Huyễn : ‘Ý nghĩa này được chính guru tôn quý nói ra :

Thiền định rằng người ta sẽ là cả Sắc thân và Pháp thân,
Ôi, giác ngộ chắc chắn đạt được.
Nếu qua tập trung của một bậc Điều Ngự, Pháp thân đạt được,
Thì tại sao một Sắc thân không được thiền định ư ?
Dù một Sắc thân đạt được tích tập qua công đức,
Nó cũng lâu dài và như thế thấp hơn cái kia.
Từ những nguyên nhân có những đặc trưng của kết quả của chúng
Ba Thân đồng thời xuất hiện.

Dù có nhiều nguồn bản văn khác nữa trong các khảo luận, tôi trích những cái trên bởi vì chúng rõ ràng.

Phương tiện được giải thích như thế nào 
trong những bản văn của những Tantra cấp thấp

Trong Tự Thành Tựu (một bản văn Yoga Tối Thượng), Jnanapada nói rằng yoga hóa thần rộng lớn tạo nên sự khác biệt trong phương diện giữa Thừa Hoàn Thiện và Mật thừa. Ngài chứng minh điều này bằng cách trích một đoạn về phát sanh của hóa thần trong (năm) minh giải của cuốn Toát Lược những Nguyên Lý (nói về Tantra Yoga). Ngài cũng giải thích rõ ràng những hóa thần bổn tôn của yếu tố kim cương (một chủ đề riêng của Tantra Yoga) đều được bao gồm trong yoga này như thế nào. Bởi thế, ngài xác nhận, yoga hóa thần bổn tôn là một đặc trưng của phương tiện không chỉ của Yoga Tối Thượng mà còn của Tantra Yoga.

Dầu những đạo sư khác giải thích yoga hóa thần cũng tương tự khi đề cập đến Tantra Yoga Tối Thượng, nó (thực sự) tương tự trong tất cả các bộ tantra trong đó người ta phát sanh chính mình trong hình dạng của một hóa thần. Điều này bởi vì những lý do cho việc cần phải thiền định như thế thì giống nhau.

Hơn nữa, yoga hóa thần thường được đề cập trong những Tantra Yoga. Đoạn đầu của Toát Lược những Nguyên Lý nói :

Nếu người ta thiền định về một Thân Phật
Với chính những phân tử tinh tế của thân,
Khẩu, tâm của mình như những kim cương
Người ta sẽ trở thành một vị Phật hoàn toàn.

Về điều này, Trang Hoàng Kosala của Shakyamitra bình luận, ‘Điều này nghĩa là bốn thời thiền mỗi ngày về một Thân Phật ; người ta thiền định về những phân tử tinh tế nhất của mình như những kim cương… Kỳ công nào sẽ là kết quả của sự thiền định về chính mình như có một Thân Phật ? Bản văn nói, “Người ta sẽ thành một vị Phật hoàn toàn.” Điều này nghĩa là người ta sẽ đạt được một Thân Phật trang nghiêm bằng những tướng chánh và phụ.’

Cũng vậy, bình giải của Anandagarbha về phần đầu của Toát Lược những Nguyên Lý được gọi là Soi Sáng những Nguyên Lý nhận xét ‘(Điều này nói) để chỉ ra rằng những người thực hành sự tiếp cận của Mật thừa cần trau dồi chánh niệm về một vị Phật. Họ cần chánh niệm về một Sắc thân và bản tánh tối hậu của một Như Lai.’ Lại nữa, ‘Người ta cần duy trì một sự an trụ trong trung tâm của tất cả chư Như Lai ; người ta cần thiền định (về chính mình) trong cách thế Pháp thân và Sắc thân hợp nhất với (một vị Phật), không khác bản tánh mà cũng không thể phân chia, cho đến khi người ta thấy chính mình (như một vị Phật) một cách sinh động.’

Bởi vì rất rõ ràng Pháp thân được thành tựu bởi trí huệ nhận biết tánh Không, tôi sẽ không trích thêm nguồn bản văn nào.

Cách mà yoga hóa thần được nêu ra trong những bản văn của những Tantra Hoạt Động và Thực Hiện là như sau. Đúc kết Vairochanabhisambodhi của Buddhaguhya nói, ‘Phù hợp với thứ tự của (yoga) với hình tướng và không hình tướng, những thực thể của những hóa thần được dạy có hai loại từ quan điểm thân hoàn toàn bất tịnh và thanh tịnh. Hoàn toàn thanh tịnh là thực thể của định không hình tướng về Pháp thân có bản chất trí huệ không có phương diện. Hoàn toàn bất tịnh là những thực thể của hình sắc được gán cho, có tính cách của những Báo thân và Hóa thân của chư Phật và với màu sắc, hình thể cần thiết cho sự xuất hiện với chúng sanh tu hành.’ Như thế, hai yoga – những thiền định phù hợp với những phương diện của Hai Thân – được dạy. Điều này tương tự với cả hai Tantra Hoạt Động và Thực Hiện.

Dù hai thừa của Đại thừa không hơn kém nhau về tri kiến, chúng được chia ở đây do cái rộng lớn – yoga hóa thần. Điều này rõ ràng được tuyên bố trong Trình Bày Ba Thừa (Triyanavyavasthana) của Ratnakarashanti : ‘Không có chân lý tối hậu thứ hai nào cao hơn chân lý tối hậu đã được Tôn giả Nagarjuna và những vị khác trình bày. Qua chỉ những quy ước làm sao nó có thể trở thành rộng lớn hơn ?

Nhờ vào một đối tượng rất thanh tịnh,
Thần lực gia hộ và những công hạnh,
Thừa của người trí
Nổi tiếng như là cái vĩ đại nhất của sự vĩ đại.’

Người ta nhận biết chính mình có bản tánh của một hóa thần bổn tôn rất thanh tịnh, và sự ban phước được phát sanh qua việc giữ gìn những cam kết của các bậc Điều Ngự. Lại nữa, hành động trong một đường lối tương tự với các bậc Điều Ngự và con cái của các Ngài, người ta thực hiện lợi lạc cho chúng sanh và hoạt động để tịnh hóa các quốc độ. Do đó Ratnaka-rashanti giải thích rằng nhờ vào những đối tượng mục tiêu, sự trợ giúp gia hộ và những công hạnh tương ưng rộng lớn hơn, Mật thừa thì ưu thắng hơn Trung Đạo Madhyamika của Thừa Hoàn Thiện. Ngài còn giải thích rằng Thừa có ba thuộc tính này được chia thành những bộ Tantra Hoạt Động, Thực Hiện, Yoga và Yoga Tối Thượng ; như thế ba thuộc tính này được xác định là những đặc trưng tổng quát của Mật thừa.

Tóm tắt, tri kiến xác nhận rằng những hiện tượng thì vô tự tánh và yoga hóa thần phát sanh chính mình như một hóa thần kết hợp với nhau tựu thành quả, là Hai Thân. Phương cách thành tựu này là con đường đi độc nhất của mọi người tu hành chủ yếu mà vì họ Kim Cương thừa được thuyết giảng. Người ta cần biết rằng nhiều con đường khác với với hai con đường này, chúng được giải thích trong những bộ cá biệt của những tantra, đều hoặc là những phương tiện để nâng cao sự nhận biết tánh Không hay là những nhánh của yoga hóa thần. Biết vậy, người ta phải xem (hai cái ấy) là ý nghĩa chính yếu của chúng.

Giản tan những Bác Bỏ

Bác bỏ : Không đúng khi ấn định thấp và cao với lý do Thừa Hoàn Thiện không có một nguyên nhân tương hợp với một Sắc thân trong khi Mật thừa thì có. Bởi vì không chắc gì một kết quả luôn luôn được thành tựu qua một nguyên nhân phù hợp với kết quả ấy. Nếu để thành tựu một kết quả, là một thân trang nghiêm với những tướng chánh và phụ, cần trau dồi một con đường có những phương diện này như là nguyên nhân của nó, bấy giờ cần thiết, chẳng hạn, trau dồi một con đường có chúng như là một nguyên nhân để thành tựu một thân với đủ tướng tốt của một Chuyển Luân Vương. Hơn nữa, trong tất cả những cơ hội tích tập những nguyên nhân để có được một thân tái sanh hạnh phúc hay tái sanh xấu, người ta phải thành tựu một nguyên nhân có phương diện của hai loại tái sanh này. Cả hai kết quả này đều cực kỳ vô lý. Tuy nhiên, nếu không cần thiết có một nguyên nhân phù hợp theo phương diện với những kết quả này, người ta phải tìm một lý do đúng tại sao (trường hợp ngược lại) lại được áp dụng cho Phật tánh, nhưng một lý do như thế không thể tìm thấy. Bởi thế, chỉ là một sự việc của niềm tin khi cho rằng sự thành tựu của một Sắc thân nhờ một con đường có phương diện của Thân ấy là một đặc trưng của Mật thừa.

Trả lời : Tôi sẽ giải thích điều này. Những người của Thừa Hoàn Thiện khẳng định rằng những nguyên nhân của thực thể Sắc thân là những tập hợp cao cấp của công đức. Những nguyên nhân của những đặc trưng là những tướng chánh và phụ… là sự tiếp đón, hộ tống một đạo sư… Qua sức mạnh tích tập những việc ấy trải qua nhiều đời, một Bồ tát – khi đã đạt đến một địa cao – có được một thân trang nghiêm bằng những cái tương tự với những tướng chánh và phụ. Những tướng này càng ngày càng rực rỡ, và cuối cùng trong đời chót ngài đạt được những tướng chánh và phụ rốt ráo của một vị học tập. Rồi trên nền tảng ấy, ngài hiện thực hóa Pháp thân, và một loại tương tự của thân ngài có những tướng chánh và phụ trở thành một Báo thân. Như thế, trong Thừa Hoàn Thiện người ta không khẳng định rằng trên con đường không có những tướng chánh và phụ, rằng chúng chỉ mới khởi sanh khi đắc quả.

Cùng cách như vậy, những người của Kim Cương thừa cũng không khẳng định rằng khi Phật tánh được thành tựu trong một đời, những tướng chánh và phụ rốt ráo đã khởi sanh bất ngờ mà đã không có khi còn trên con đường những tướng chánh và phụ tương ưng với những tướng của một vị không học nữa. Bởi thế, hệ thống của cả hai thừa trong Đại thừa đều nói rằng nếu trên con đường tu học những tướng chánh và phụ vắng mặt, thì một Sắc thân không thể thành tựu.

Trong Mật thừa không nói rằng một người sơ học đi vào Mật thừa sẽ trở thành hoàn toàn giác ngộ trong đời hiện tại này phải được sanh ra với một thân có những tướng chánh và phụ ; thật vậy, điều ấy không xảy ra. Bởi thế, những tướng chánh và phụ của thân thể người ấy không thể tác động như nguyên nhân của những tướng của một Sắc thân. Qua thiền định người ấy phải thành tựu mới trong đời này một nguyên nhân tương tự cùng loại với những tướng chánh và phụ, và điều này chỉ có thể được nhờ vào yoga hóa thần.

Về sự có được một thân tái sanh hạnh phúc hay xấu, không cần thiết tích tập những nguyên nhân có cùng những phương diện với những nguyên nhân, nhưng trước khi đạt được một Sắc thân Phật cần những nguyên nhân tương hợp về phương diện với nó. Làm thế nào hai cái ấy tương tự nhau ? Chúng ta không khẳng định rằng người ta phải trau dồi một con đường có phương diện của một Sắc thân để làm một nguyên nhân thành quả theo nghĩa người ấy sanh ra với một Sắc thân ấy. Chúng ta xác nhận rằng trước khi thành tựu những tướng chánh và phụ, người ta cần những nguyên nhân cùng loại phù hợp với một Sắc thân. Bởi thế, điều này không phải là một nguồn gốc cho sự tranh biện.

Câu hỏi : Khi tu hành yoga hóa thần trong ba bộ tantra cấp thấp và ngay cả trong Tantra Yoga Tối Thượng thì trong những trường hợp không đạt được Phật tánh trong đời này mà trải qua nhiều đời, thế thì làm sao sự tu hành yoga hóa thần là một nguyên nhân tương hợp của một Sắc thân?

Trả lời : Sự thiền định trong đời này làm một nguyên nhân cùng loại khi cuối cùng chúng thành tựu một Sắc thân trong một lần tái sanh tới, nhưng nó không gây ra sự thành quả theo nghĩa được sanh ra với một Sắc thân.

Đã loại trừ như vậy những nghi ngờ được nêu ra, bạn phải tin tưởng rằng sự tu hành yoga hóa thần bổn tôn là cần thiết. Chương đầu tiên của Tantra Vajradaka (Vajradaka, một Tantra Yoga Tối Thượng) nói :

Tự chính mình là tất cả chư Phật
Và tất cả Anh Hùng (Bồ tát).
Qua sự kết hợp với hóa thần bổn tôn
Bản tánh của nó được toàn triệt thành tựu.
Qua cái này mà tất cả chư Phật,
Và tất cả Anh Hùng
Và tất cả Kim Cương Trì
Được thành tựu trong chỉ đời này.
Những Vajradaka, Vajrasattva,
Như Lai, và những Thế Tôn vinh quang
Có phúc lạc tối thượng
Hợp nhất với tất cả Dakini đều nói điều ấy.

Cũng như :

Qua sự áp dụng này của một Ấn
Vị ấy ăn tất cả ba nền tảng (của hình sắc).
Nếu khác đi, sự áp dụng không thể trọn vẹn
Và vị ấy ra đi như một ngọn lửa.

Bình giải về Vajradaka của Bhavabhadra nói :

‘Qua cái này’ ám chỉ Ấn của tánh Không (một thân thể hóa thần thiêng liêng có bản chất là tánh Không) đã được nói đến ở trước. Từ ngữ này được dùng cho người áp dụng trong một cách ngang nhau (trí huệ về tánh Không và phương tiện qua yoga hóa thần) một Ấn quy ước với hai tay, mặt, v.v… Thiền giả này làm gì ? ‘Vị ấy ăn tất cả ba nền tảng’ Điều này nghĩa là vị ấy đã chiến thắng những hình tướng bình thường như những hình tướng của một thân thể. Để chỉ ra rằng qua chỉ thiền định về tánh Không, giác ngộ chưa được thành tựu, bản văn nói, ‘Nếu khác đi, sự áp dụng không thể trọn vẹn, và vị ấy ra đi như một ngọn lửa.’ ‘Khác đi’ nghĩa là ‘qua chỉ tánh Không’. ‘Sự áp dụng không thể trọn vẹn’ nghĩa là vị ấy đã vượt khỏi hình tướng. ‘Ra đi’ nghĩa là vị ấy đi khỏi phiền não mà không (hoàn thành) ngay cả lợi ích cho mình. Như thế nào ? Như một ngọn lửa. Một ngọn lửa sáng và cháy trong bầu trời nhờ dòng dầu, nhưng khi dầu cạn, nó cũng tắt và chết. Nếu không tự thắp sáng chính mình, còn nói gì đến việc thắp sáng cho người khác ? Người ta cần phải thấy nếu chỉ đại định về tánh Không cũng tương tự như vậy.

Tư tưởng tốt đẹp về các bộ tantra là nếu con đường Mật thừa của bạn không bao hàm sự trau dồi yoga hóa thần bổn tôn, bấy giờ bất kể bạn thiền định bao nhiêu về tánh Không v.v… khi quả chín, bạn không thể tránh khỏi rơi vào một cực đoan bình an, tĩnh lặng. Nếu bạn không có niềm tin mạnh mẽ vào điều này, bạn sẽ bỏ qua yoga bổn tôn và chỉ thực hành một phần của con đường Mật thừa. Bạn phải biết rằng điều ấy nghĩa là bạn đã không tìm ra thể cách của con đường Mật thừa chút nào.

SHARE:

Trả lời