Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ

SHARE:


NGỒI KHÔNG – Những tác phẩm thiết yếu của thực hành Thiền Chỉ Quản đả tọa,
Việt ngữ: Thiện Tri Thức, 2010 – NXB Thời Đại

1. MỤC LỤC
2. Lời nói đầu của người chủ biên
3. Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ
4. CHỈ LỐI MẶC CHIẾU
5. TRAU DỒI TRƯỜNG TRỐNG KHÔNG
6. TOẠ THIỀN NGHI: NHỮNG GIỚI LUẬT CHO TỌA THIỀN
7. Fukanzengi (Phổ khuyến toạ thiền nghi)
8. TOẠ THIỀN (CHÂN): TÂM YẾU TOẠ THIỀN
9. TOẠ THIỀN DỤNG TÂM KÝ
10. CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
11. ĐIỂN TOÀ GIÁO HUẤN VÀ CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ
12. NÓI VỀ SỰ TOÀN TÂM THỰC HÀNH ĐẠO
13. BẤT NHỊ
14. BÌNH GIẢNG VỀ PHỔ KHUYẾN TOẠ THIỀN NGHI
15. NGỒI THẾ NÀO
16. SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI
17. NGHIÊN CỨU TỰ NGÃ
18. VỀ MẶC CHIẾU
19. NAM NHẠC MÀI BÓNG MỘT VIÊN GẠCH
20. VÔ NIỆM CỦA TÀO SƠN
21. THỰC HÀNH CHỈ QUẢN ĐẢ TOẠ CỦA LÃO SƯ SUZUKI Roshi
22. MỘT ĐỒNG TIỀN MẤT TRONG DÒNG SÔNG ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG DÒNG SÔNG
23. CHỈ NGỒI
24. BẠN SẼ NGỒI VỚI TÔI CHỨ
25. TÂM VÀ CẢNH CỦA NGƯỠNG SƠN
26. NHỮNG TÁC GIẢ

Vào đề: Hoằng Trí, Đạo Nguyên và nền tảng của chỉ quản đả toạ

 

Vào đề:

Hoằng Trí, Đạo Nguyên

và nền tảng của Chỉ quản đả toạ

Taigen Dan Leighton

 

Một cách để xếp loại thực hành thiền định Chỉ quản đả toạ, hay “chỉ ngồi”, thì đó là một thiền định không có đối tượng. Đây là một định nghĩa theo lối nó không phải là cái gì. Người ta chỉ ngồi, không tập trung vào đối tượng đặc biệt nào của sự tỉnh giác, khác với hầu hết những hành thiền truyền thống, cả Phật giáo lẫn ngoài Phật giáo, vốn chú ý chú tâm vào một đối tượng đặc biệt. Những đối tượng theo truyền thống như dĩa sơn màu, ngọn lửa đèn sáp, những khía cạnh khác nhau của hơi thở, tụng niệm, tiếng động chúng quanh, những tư thế hay cảm giác của thân, những hình tượng, mạn đà-la, những câu chuyện kể, hay những câu then chốt từ các câu chuyện ấy. Một số những thực hành tập trung này có nền tảng trong Chỉ quản đả toạ, hay được bao gồm với Chỉ quản đả toạ trong kinh nghiệm sống thực của hành giả.

 

Nhưng thiền định không có đối tượng nhằm vào sự chú ý trong sáng, không phê phán, toàn cảnh đối với mọi hiện tượng sanh khởi trong kinh nghiệm hiện tại. Thiền định không có đối tượng như vậy là khả năng tiềm ẩn của mọi người, như đã biểu lộ suốt lịch sử. Việc chỉ ngồi này không phải là một kỹ thuật hay thực hành, hay là một cái gì đó. “Chỉ ngồi” là một động từ hơn là một danh từ, là hoạt động năng động của con người hoàn toàn ở trong hiện tại.

 

Kinh nghiệm thực hành Chỉ quản đả toạ trước tiên được trình bày tỉ mỉ trong Thiền Tào Động, do Thiền sư Trung Hoa Hoàng Trí Chính Gíac (1097-1157), và sau này là nhà sáng lập tông Tào Động Nhật Bản, Hy Huyền Đạo Nguyên (1200-1253). Nhưng trước những phát biểu của hai vị này, ngược lên Thạch Đầu Hy Thiên (700-790), thế hệ đến Động Sơn Lương Giới (807-869). Tổ sáng lập tông Tào Động ở Trung Hoa.

 

Thạch Đầu có thiên “Tham đồng khế” nổi tiếng, có nghĩa là “Sự hài hoà của Khác và Đồng”, vẫn còn được tụng trong tông Tào Động. Tham đồng khế trình bày biện chứng nền tảng giữa cái tối hậu phổ quát và những sai biệt hiện tượng. Biện chứng này do Thạch Đầu rút từ kinh Hoa Nghiêm phối hợp với một số thuật ngữ của Đạo gia, đã trở thành nền móng triết lý của Tào Động, như Động Sơn diễn tả trong Ngũ vị quân thần. Nhưng Thạch Đầu còn viết Thảo am ca trình bày nhiều hơn cách thức thực hành làm sao mở ra không gian của tâm thức bằng cách chỉ ngồi. Thạch Đầu nói trong Thảo am ca, “mái lá che đầu muôn việc dứt. Như vậy sơn tăng toàn chẳng hội”. Thế thì “chỉ ngồi” không nhằm đạt đến một cái hiểu. Nó là hoạt động vi tế để cho mọi sự hoàn toàn nghỉ ngơi y như chúng vốn là vậy, không thọc đầu vào việc đời.

 

Thạch Đầu cũng nói: “Hồi quang phản chiếu, chỉ là về… Bỏ sạch trăm năm, trọn buông xả. Thỏng tay mà đi toàn vô tội”. Theo Thạch Đầu, hướng căn bản xoay vào bên trong, như sau này Hoằng Trí và Đạo Nguyên cũng nói, chỉ là để trở lại với thế giới và với phẩm tính nguyên sơ của chúng ta. Buông bỏ mọi thứ bị điều kiện hoá khi trầm mình vào tỉnh giác hoàn toàn thư giãn, người ta có thể hành động hiệu quả, vô tội đối với nắm bắt và bám chấp. Thạch Đầu gợi ý rằng “chỉ ngồi” là khả năng tỉnh giác và có mặt sống động, nó thì đơn giản, rộng mở và trực tiếp.

 

Khi bàn luận ngồi thiền, Đạo Nguyên thường trích câu nói của vị nối pháp của Thạch Đầu là Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828): Một nhà sư hỏi Dược Sơn, ngài nghĩ gì khi ngồi yên như vậy. Dược Sơn trả lời, ngài nghĩ đến cái không suy nghĩ. Khi nhà sư hỏi làm sao Dược Sơn làm được điều đó, ngài trả lời, “không suy nghĩ”. Đây là một trạng thái tỉnh giác có thể bao gồm cả biết và sự vắng mặt của tư tưởng và không bị mắc vào cái nào. Đạo Nguyên gọi cái này là “nghệ thuật cốt lõi của ngồi thiền”.

 

Đã có những hành giả Tào Động “chỉ ngồi” trước Hoằng Trí và Đạo Nguyên. Dòng Tào Động hầu như đã không còn ở Trung Hoa một thế kỷ trước Hoằng Trí, nhưng được Đầu Tử Nghĩa Thanh (1043-1083) làm sống lại. Vị này góp thêm một cơ sở triết học Hoa Nghiêm để làm hồi sinh tông này. Vị nối pháp của Đầu Tử là Phù Dung Đạo Khải (1043-1118) là một kiểu mẫu hoà nhập, đã phát triển những hình thức cho đời sống tu viện của Tào Động. Đến Hoằng Trí, hai thế hệ sau, ngài đã trình bày đầy đủ những thực hành cụ thể của Tào Động. Hoằng Trí dẽ dàng trở thành vị thầy Tào Động nổi bật nhất thế kỷ XII và là một tác giả lớn về văn chương, rất phong phú, lịch lãm và hấp dẫn. Ngài đã xiển dương rành mạch sự thực hành thiền định này lần đầu tiên.

 

Đạo Nguyên xem ngài Hoằng Trí như một vị cổ Phật và thường trích dẫn ngài, đặc biệt từ những tác phẩm thô về kinh nghiệm thiền định. Rõ ràng những điều Hoằng Trí viết về tỉnh giác của Thiền thì liên hệ mật thiết với sự thiền định của Đạo Nguyên, dù Đạo Nguyên khai triển hướng năng động của riêng mình trong những tác phẩm về “chỉ ngồi”.

 

Lời dạy thiền của Hoằng Trí được nói đến như là “yên lặng, hay thanh tĩnh, sáng chiếu”. Trong bài kệ dài “Mặc chiếu”, Hoằng Trí nhấn mạnh sự cần thiết phải quân bình giữa yên tĩnh (mặc) và sáng chiếu (chiếu), điều này có âm vang của thực hành thiền truyền thống Phật giáo là shamatha (chỉ) và vipashyana (quán). Hệ thống chỉ quán là nòng cốt của tông Thiên Thai do nhà tổng hợp Phật giáo Trung Hoa Trí Khải (538-597) sáng lập. Mặc chiếu của Hoằng Trí là, “Nếu sáng chiếu mà thiếu yên tĩnh thì tán loạn sanh ra… Nếu yên tĩnh mà thiếu sáng chiếu thì hôn trầm làm hao phí”. Thiền của Hoằng Trí trọng sự quân bình của cả chỉ hay an định tâm thức, và quán là chức năng soi sáng của tâm thức.

 

Trong những tác phẩm văn xuôi Hoằng Trí thường dùng những ẩn dụ của thiên nhiên để diễn tả tính đơn giản tự nhiên nơi kinh nghiệm sống động của yên tĩnh sáng chiếu hay thiền “chỉ ngồi”. Một ví dụ Hoằng Trí viết về thiên nhiên:

 

Đạo nhân thì căn bản không trụ vào đâu cả. Những đám mây trắng mê hoặc với nền núi xanh. Trăng sáng vui thích được mang theo với nước chảy. Những đám mây ra đi và núi non xuất hiện. Trăng ở yên và nước thì lạnh. Mỗi mảnh mùa thu chứa đựng sự tương dung tương nhiếp bao la không bờ bến.

 

Ở đây Hoằng Trí làm nổi bật sự thanh thản của tỉnh giác này và hoạt dụng của nó. Giống như nước chảy mây trôi, tâm có thể chuyển động êm ả hài hoà với mọi vật chung quanh. “Hoà và ứng không gắng sức và hoàn thành không trở ngại. Mọi nơi đi lại thong dong, chẳng theo duyên, chẳng rơi vào phân biệt”.

 

Ở nhiều chỗ, Hoằng Trí cho những lời dạy đặc biệt làm sao thu xếp những tri giác giác quan để cho sự có mặt của “việc chỉ ngồi” trở thành sống động. “Hãy đáp ứng không vướng bận với mỗi hạt bụi mà không trở thành một bè với nó. Sự tinh tế của thấy và nghe siêu vượt màu sắc và âm thanh thuần tuý”. “Tuỳ theo duyên mà cưỡi lên âm thanh và màu sắc khi ông vượt qua thấy và nghe”. Điều này không chỉ ra một sự có mặt quên bẵng thế giới giác quan chung quanh. Nhưng khi hành giả ở trong tỉnh thức, những hiện tượng giác quan không trở thành những đối tượng để bám luyến, cũng không bị hoá thành đối tượng.

 

Khía cạnh khác trong thực hành của Hoằng Trí là không có đối tượng hay đối vật thì không chỉ theo nghĩa buông xả những đối tượng của sự tập trung, mà còn theo nghĩa không có những mục tiêu đặc biệt và giới hạn nào. Như Hoằng Trí nói khi chấm dứt bài Mặc chiếu, “Hãy trao truyền nó cho mười phương mà không mong công đức”. Cái sáng chiếu yên tĩnh này, “chỉ ngồi”, không phải là một kỹ thuật hay một phương thức để đến một trạng thái tâm thức cao hơn. Chỉ ngồi, người ta đơn giản gặp gỡ cái hiện tại trực tiếp. Mong muốn một kinh nghiệm chớp sáng nào, một cái gì hơn hay khác với “cái này” thì chỉ là sự kiêu căng tham vọng của thế gian. Nhắc đến tánh Không, Hoằng Trí nói: “Hãy hưởng trọn vẹn tánh Không của tất cả các pháp. Bấy giờ mọi tâm đều tự do và mọi bụi bặm bốc hơi trong cái toả sáng bổn nguyên chiếu khắp… Trong sáng và không tham muốn, gió trong những cây tùng và trăng trong nước đều bằng lòng trong những nguyên tố của chúng”.

 

Tính chất không tìm kiếm này trong thiền Hoằng Trí rốt cuộc gây ra tranh luận. Vị thầy đương thời lãnh đạo dòng Lâm Tế nổi bật hơn là Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163). Tương truyền Đại Huệ và Hoằng Trí là hai đối thủ, tranh luận nhau về mặc chiếu của Hoằng Trí ngược lại với tham công án của Đại Huệ. Những sử gia bây giờ đã xác nhận họ thực sự là những người bạn tốt với nhau, hay ít ra là đánh giá cao về nhau, và gởi học trò qua vị kia học hỏi. Không có tranh luận, ít nhất cho đến những thế hệ nối pháp của hai vị sau này, dù Đại Huệ đã chỉ trích nặng nề “mặc chiếu” như là tĩnh chỉ và làm hại cho Thiền. Tuy nhiên, Đại Huệ rõ ràng không phê bình đích thân Hoằng Trí, mà đúng ra là một số người theo Hoằng Trí, và có thể là pháp đệ của Hoằng Trí là Trường Lô Thanh Liễu (1089-1151), dòng của ngài Đạo Nguyên được truyền từ vị này.

 

Sự phê bình của Đại Huệ đối với mặc chiếu có phần vững chắc, căn cứ vào những nguy hiểm của những hành giả hiểu sai về mặc chiếu là tĩnh chỉ hay thụ động. Sự phê phán “chỉ ngồi” của Đại Huệ còn âm vang đến thế kỷ sau trong phái Lâm Tế Nhật, như Bạch Ẩn ở thế kỷ 17. Thật ra đôi khi chỉ ngồi có thể thoái hoá thành sự bám chấp u trầm vào những trạng thái hỷ lạc bên trong, trở thành vô cảm với khổ đau của thế giới chung quanh. Hoằng Trí minh giải rằng đó không phải là ý định của sự thực hành mặc chiếu. Thiền định do Hoằng Trí và Đạo Nguyên chủ trương cắm rễ vào con đường Bồ-tát và mục tiêu giải thoát của nó là tham dự và đánh thức chúng sanh. Buông thả cho an lạc rỗi rảnh không phải là mục đích.

 

Một khía cạnh khác trong phê bình của Đại Huệ liên hệ đến chủ trương thiền định của ngài, tập trung vào những công án như những đối tượng thiền định, mặc nhiên nhắm đến làm phát sanh ngộ. Những kinh nghiệm ngộ như vậy vẫn có thể xảy ra trong khi thực hành chỉ ngồi, nhưng nói chung được đánh giá thấp trong truyền thống Tào Động. Mục tiêu của thực hành Phật giáo là thức tỉnh toàn triệt, giác ngộ, chứ không phải là những kinh nghiệm có tính chất kịch tính của sự khai mở cũng như những trạng thái thụ động của sự yên tĩnh. Nhưng sự thật là sự sử dụng công án đã được truyền bá rộng rãi trong giáo lý Tào Động cũng như trong Lâm Tế.

 

Chính Hoằng Trí đã có hai tuyển tập công án với lời bình của ngài, mà một cuốn là nền móng cho bộ hợp tuyển quan trọng là Sách về yên tĩnh. Đạo Nguyên cũng có những tuyển tập công án. Bộ Chánh pháp nhãn tạng là sự bình luận về những công án và Nhật, và những tác phẩm của ngài chứng tỏ một chiều rộng và sâu đáng kinh ngạc về loại này. Trong tác phẩm hiện đại Đạo Nguyên và truyền thống công án, Steven Heine chứng minh rõ Đạo Nguyên đã thực sự phát triển thực hành công án theo những cách thức mới và rộng rãi như thế nào, khác với cách thức tập trung của Đại Huệ. Dù Hoằng Trí và Đạo Nguyên, và hầu hết truyền thống Tào Động, không phát triển một môn thiền định. Công án chính thức như Đại Huệ, Bạch Ẩn và hầu hết truyền thống Lâm Tế, thì những công án vẫn là một ngữ cảnh nổi bật của giáo lý Tào Động. Ngược lại, chỉ ngồi thường là thành phần của thực hành Lâm Tế, như một số nhà sự Tào Động trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã đến những thiền sự phái Lâm Tế để tập luyện “chỉ ngồi”.

 

Dù phần lớn trong tác phẩm của Đạo Nguyên tập chú vào bình giảng những công án và kinh và về thực hành ở tu viện, thì việc thực hành chỉ ngồi rõ ràng là nên móng suốt khắp sự nghiệp giảng dạy của ngài. Đạo Nguyên xây dựng trên những diễn tả của Hoằng Trí để nhấn mạnh tác dụng năng động của Chỉ ngồi.

 

Trong một tiểu luận ban đầu của ngài, Biện đạo thoại (Bendowa) hay “Nói về sự toàn tâm thực hành đạo”, viết năm 1231, vài năm sau khi từ Trung Hoa trở về, Đạo Nguyên diễn tả thiền định này là tự thọ dụng định và phân tích ý nghĩa bên trong của thực hành này. Đơn giản chỉ ngồi được diễn tả như tập trung vào chính mình trong toàn thể tính thích thú nhất của nó, trong liên hệ toàn bộ với tất cả mọi hiện tượng. Đạo Nguyên có những yêu cầu căn bản đáng kể đối với kinh nghiệm đơn giản này. “Khi người ta thực hiện ấn Phật với toàn thể thân tâm mình, ngồi thẳng trong định này dù chỉ thời gian ngắn, mọi sự trong toàn bộ thế giới của Pháp trở thành ấn Phật, và tất cả không gian vũ trụ hoàn toàn trở thành giác ngộ”. Tuyên bố rằng khi người chỉ ngồi mà tất cả không gian trở thành giác ngộ là một nhận xét không thể hình dung nổi, thách thức sâu xa cảm quan thông thường của chúng ta về bản tánh của thực tại, hoặc có thể chúng ta xem lời Đạo Nguyên định vị hoạt động “chỉ ngồi” của ngài vượt rất xa cảm thức thông thường có tính chấp ngã hạn hẹp của chúng ta. Ngài tiếp tục nói rằng, “dù một người ngồi một chốc lát, bởi vì ngồi thiền là một với tất cả hiện hữu và thấm nhuần khắp mọi thời gian, cho nên nó hiện thực hoá dưới sự hướng dẫn miên viễn của Phật” qua suốt không gian và thời gian. Ít nhất tin vào những hàm ý tâm linh hay “thần học” của việc chỉ ngồi, rõ ràng nó là một thực hành sinh động để giải thoát, chứ không chỉ là yên tĩnh hỷ lạc.

 

Qua những tác phẩm, Đạo Nguyên chỉ dẫn rộng làm sao đi vào việc chỉ ngồi này. Trong tác phẩm sơ thời Hiện thành công án (Genojkoan) hay “Thực hiện điểm thiết cốt”, từ 1233, Đạo Nguyên diễn tả rõ quan điểm “chỉ ngồi”: “Tự mang mình đến với muôn sự vật và kinh nghiệm chúng là mê lầm. Muôn sự vật xảy ra và tự thể nghiệm chính chúng là giác ngộ”. Việc chúng ta bị điều kiện hoá để phóng chiếu những quan niệm của mình lên thế giới như một tấm màn vô tri là nguyên nhân của khổ đau. Khi tất cả mọi hiện tượng (gồm cả những cái chúng ta vẫn nghĩ là ‘của mình’) liên kết với nhau trong tự- kinh nghiệm và tự-biểu lộ, thì tỉnh giác tỏ ngộ mà Hoằng Trí diễn tả qua những ẩn dụ về thiên nhiên tự nhiên hiện tiền, và như Đạo Nguyên nói, đang làm Phật sự.

 

Một số học giả hiện đại đã nhấn mạnh sự chuyển hướng trong những lời dạy về cuối của ngài về sự quan trọng của thực hành nghiêm ngặt trong tu viện, và đã giả thiết về sự xa khỏi sự áp dụng phổ quát thực hành chỉ quản đả toạ. Năm 1243, Đạo Nguyên dời cộng đồng của ngài ra xa kinh đô Kyoto đến những miền núi non tuyết phủ ở những bờ biển phương Bắc. Nơi đó ngài lập tu viện Vĩnh Bình. Lời dạy về sau của ngài, cho đến khi ngài chết năm 1253, hầu hết trong hình thức nói chuyện ngắn với nhà sư của ngài, được in trong Vĩnh Bình quảng lục (Eihei Koroku), “Ngữ lục rộng của Đạo Nguyên ”. Chắc chắn những bài nói chuyện này nhằm huấn luyện một cốt lõi cho những nhà sư để bảo tồn truyền thống thực hành của ngài, một sứ mạng ngài hoàn thành với sự thành công đặt biệt. Nhưng qua tác phẩm của ngài, ban đầu và cả về sau, những lời dạy và khuyến khích “chỉ ngồi” xuất hiện đều đặn.

 

Năm 1251, Đạo Nguyên còn tuyên bố,

Gia phong của chư Phật và chư Tổ là nhập đạo bằng toạ thiền. Vị thầy quá cố của tôi là Thiên Đồng đã nói, “Ngồi tréo chân là pháp của chư Cổ Phật… Trong việc chỉ ngồi, cuối cùng pháp thành tựu”… Chúng ta cần vào đạo bằng toạ thiền như thể dập tắt lửa cháy trên đầu. Chư Phật và chư Tổ, thế hệ này qua thế hệ khác, đối mặt truyền nhau sự ưu việt của toạ thiền. (Bài thuyết pháp 319).

 

Năm 1249, ngài cổ vũ các nhà sư của mình, “Chúng ta cần biết rằng toạ thiền là hoạt động đứng đắn sau khi chứng ngộ. Chứng ngộ thì đơn giản là Chỉ ngồi… Các huynh đệ trên núi này, các ông cần nhất tâm vào ngồi thiền”. Đối với Đạo Nguyên, tất cả giác ngộ được biểu lộ trọn vẹn trong thực hành tiếp tục Chỉ ngồi. cũng trong năm ấy, ngài cho một giáo huấn thẳng tắt về chỉ ngồi.

 

Đại chúng! Các ông có muốn nghe sự thực của việc chỉ ngồi, nó là sự thực hành Thiền khiến thân tâm rơi rụng mất?

 

Nghỉ một chốc, Đạo Nguyên nói: Tâm không thể tưởng nó; suy nghĩ không thể diễn tả nó. Chỉ bước trở lại và mang theo, và không xúc phạm bất kỳ người nào các ông gặp mặt. Trên bến xưa, gió và trăng lạnh và sáng. Ban đêm thuyền bềnh bồng trong xứ ngọc thiên thanh. (Bài thuyết pháp 337).

 

Hai câu kết của buổi nói chuyện này trích từ một bài thơ của Hoằng Trí, phát lộ thêm sự tiếp nối trong những lời dạy thực hành của hai người. Đạo Nguyên cũng thường diễn tả việc chỉ ngồi này như sự “rơi rụng mất của thân tâm”, thân tâm thoát lạc, một câu nói vốn liên hệ với kinh nghiệm ngộ của Đạo Nguyên ở Trung Hoa.

 

Với Đạo Nguyên, sự thoát lạc của thân tâm này là bản chất thực sự của vừa việc chỉ ngồi vừa của giác ngộ, và là sự buông bỏ rốt ráo tự ngã, trực tiếp gặp gỡ gió lạnh và trăng trong. Sau khi quay vào bên trong với việc chỉ ngồi, nó được mang theo trong mọi hoạt động và tiếp tục trong khi đi vào thế giới. Dù “chỉ ngồi” ngày nay đã được duy trì 750 năm kể từ Đạo Nguyên, những giáo lý của Hoằng Trí và Đạo Nguyên vẫn là những cột chỉ đường hàng đầu cho sự thực hành này.

SHARE:

Để lại một bình luận