SHARE:
BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI
ĐƯƠNG ĐẠO
IN LẦN THỨ NHẤT 1981
IN LẦN THỨ HAI NXB. THIỆN TRI THỨC 2002
1-2. Vô trí diệc vô đắc là điểm rốt ráo của Đại thừa. Trong Tánh Không, rốt ráo không có một tướng gì có thể đắc, không có tướng thân tâm, toàn thể các pháp rốt ráo đều không tịch, ngay cả Không cũng là Không, lấy gì có trí có đắc? Huyền Giác Thiền sư nói: “Giác rồi, Không Không, không có đại thiên.”(Giác hậu, không không, vô đại thiên.) Vô sở đắc là Niết-bàn vốn có vậy.
Khổ Tập Diệt Đạo là sự thành tựu của bậc A-la-hán. Vô Khổ Tập Diệt Đạo là sự thành tựu của bậc Bồ-tát Đại thừa. Vô trí cũng vô đắc là Đại Bồ-tát. Bậc A-la-hán thì có chứng có đắc Niết-bàn. Bồ-tát thì không chứng Không thật tế, còn gọi là Học Không Bất Chứng như tựa đề một phẩm của kinh Đại Bát-nhã (nghĩa là không đắc Niết-bàn nửa đường như A-la-hán), nên là Bồ-tát. Không có trí, không có đắc, hành Vô Sở Đắc, đó là Đại thừa, con đường Bồ-tát.
Cho nên Bát-nhã là Vô Sở Đắc. Y theo Bát-nhã mà tu là y theo Vô Sở Đắc. Kinh Kim Cang nói: “Phật hỏi ông Tu-bồ-đề: ý ông thế nào? Thửa xưa hồi ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ở trong pháp, Như Lai có chỗ được (đắc) chăng?”
“Tu-bồ-đề trả lời: Thưa không, Thế Tôn. Ở chỗ Phật Nhiên Đăng, ở trong pháp, Như Lai thật không có chỗ đắc.”
“Phật nói: Này Tu-bồ-đề, vì thế các Bồ-tát phải sanh tâm thanh tịnh như thế này: không trụ sắc mà sanh tâm, không trụ thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm, hãy không trụ vào đâu cả mà sanh tâm.”
Không chỗ trụ, không trụ vào pháp thế gian, năm uẩn, cho đến các pháp xuất thế gian, tứ đế, không trụ vào pháp xuất thế gian thượng thượng là sáu Ba-la-mật. Không chỗ trụ vì tất cả đều bất khả đắc. Không chỗ trụ và vô sở đắc vì bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng đều rốt ráo không còn tơ hào mảnh bụi.
Kinh Phật Mẫu nói: “Khi nói sắc tức là Không, đó là thủ trước. Khi nói thọ tưởng hành thức là Không, đó là thủ trước. Khi tự thấy mình là một Bồ-tát vừa mới phát tâm cầu giác ngộ, đó là thủ trước. Khi tự thấy mình là một Bồ-tát đã phát tâm cầu giác ngộ và làm nhiều công đức trên đường đến quả Phật, đó là thủ trước.”
Cho nên y vào Bát-nhã là y vào vô sở đắc, y vào nhất thiết pháp Không, đồng thời không chứng Không thật tế. Kinh Bát-nhã Thiên tụng: “Nếu Bồ-tát muốn thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, hãy quán tất cả pháp là Không, phải đem tâm an tịnh soi thấu tự tánh của chúng. Tuy quán pháp tánh Không như vậy, nhưng không nên ở đó mà chứng Không thật tế.”
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Dầu khéo tu Không, Vô tướng, Vô nguyện tam muội mà Từ Bi chẳng bỏ chúng sanh. Dầu được pháp bình đẳng của chư Phật mà thích cúng dường Phật. Dầu nhập môn quán Không trí mà siêng chứa phước đức. Dầu hành nơi Thật tế mà chẳng tác chứng.”
Trên đường đến Giác Ngộ vô thượng, Bồ-tát làm tất cả mà không làm gì cả, hành tất cả Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ Ba-la-mật đồng thời xa lìa mọi tướng ta, tướng người, tướng các pháp, tướng chứng đắc. Làm tất cả phước đức, trồng trọt phước điền nhưng không trụ vào pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Như thế phước đức đó là công đức vô lậu. Công đức vô lậu là Trí Huệ, vượt tất cả mọi phước đức đổi chác vật chất.
Vô sở đắc nên không chỗ trụ. Tâm không chỗ trụ tức là Tâm toàn mãn, đồng một Phật Tâm. Không chỗ trụ thì không chướng ngại bởi bất kỳ pháp tướng nào. Tâm không chướng ngại là Tâm Không, chính là Tánh Không của tất cả mọi pháp, của phàm thánh, trời người. Tâm không chỗ trụ nên chẳng có sợ hãi, giải thoát khỏi tất cả. Có trụ thì có sợ hãi, không trụ thì không sợ hãi. Trụ vào thân thì sợ mất thân, trụ vào tâm thì sợ tâm không tồn tại, trụ vào pháp thì sợ pháp đổi thay sanh diệt, trụ vào sanh tử thì mong cầu Niết-bàn, trụ vào Niết-bàn thì sợ hãi sanh tử. Tâm không chỗ trụ là tâm vô quái ngại. Tâm vô quái ngại là Niết-bàn. Tâm vô quái ngại thì không còn có gì để sợ hãi. “Vô quái ngại cố” lập lại một lần nữa, để nhấn mạnh hoàn toàn thoát khỏi tất cả và hoàn toàn không sợ hãi trước tất cả, vì đó là Không rốt ráo. Vô quái ngại cố chính là Tánh Không, là tiếng rống của sư tử giải thoát khỏi tất cả và không sợ hãi trước tất cả.
Chỉ có Bát-nhã mới giải quyết được vấn đề Bồ-tát. Ở lại với thế gian, sự việc đó của Bồ-tát chỉ có Bát-nhã mới làm được. Nhưng ở lại chỗ nhiễm ô mà không nhiễm ô, điều đó cũng chỉ có Bát-nhã mới làm được. Hóa độ cho chúng sanh mà thấy có chúng sanh được độ, đó là ô nhiễm, đó là tâm bị giới hạn. Hóa độ cho vô số chúng sanh, làm tất cả công hạnh mà chẳng thấy có chúng sanh nào được độ, chẳng thấy có ai tu Bồ-tát hạnh, đó là Bát-nhã. Cho nên hạnh Bồ-tát là hạnh Bát-nhã. Bát-nhã làm cho một người vẫn sống như một người thế tục lẫn lộn với thế gian mà lại là người xuất thế, thâm đạt Tánh Không qua những việc làm bình thường (sáu Ba-la-mật) mà không phải là vị A-la-hán từ bỏ thế gian để nhập Không thật tế. Bát-nhã làm cho một người thành Bồ-tát, nghĩa là một người đi giữa, đồng thời vượt ra thế gian và xuất thế gian, chứng Không trong sắc (khác với A-la-hán là chứng Không trong Không) và chứng sắc (dùng sắc như một phương tiện thiện xảo của Đại Bi) trong Không (khác với phàm phu là chứng sắc trong sắc)
Như trên đã nói, trong Tánh Không, không có gì tất cả, không có vô minh nên không có hết vô minh, không có sanh tử nên không có hết sanh tử, không có con đường tu chứng để cần cầu, không có quả vị để chứng đắc, tất cả một màu thanh tịnh từ cổ chí kim. Tất cả những sanh tử, Niết-bàn, con đường thánh sáu Ba-la-mật, khổ hạnh tinh tấn đều là mộng tưởng điên đảo. Mộng thấy có ta, có cảnh giới của ta, có khổ đau, có tìm cầu giải thoát, có sanh tử bên này, có Niết-bàn bên kia. Tất cả là mộng tưởng điên đảo. Mộng tưởng trong năm ấm thì có sanh tử Niết-bàn. Tỉnh giấc trong Chân Không thì mọi đường dứt tuyệt. Kinh Viên Giác nói: “Mới hay sanh tử Niết-bàn đều là giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật tự bao giờ.”
Tỉnh giấc trong Chân Không thì thấy xưa nay là Niết-bàn bình đẳng, còn có Niết-bàn sanh tử mộng tưởng nào khác nữa đâu. Tánh Không từ vô thủy đến vô chung, vốn chân thường, an lạc, thật thể, thanh tịnh, nhất vị bình đẳng như thế, có đâu năm ấm để khổ đau, có đâu Niết-bàn để mộng tưởng. Nên Tánh Không rỗng rang thấu suốt là cứu cánh Niết-bàn. Tánh Không là Niết-bàn không phải mới đạt được, vì Tánh Không đã là Niết-bàn từ hôm qua, trong hôm nay và Niết-bàn mãi mãi.
3. Một hôm Nam Tuyền ra giữa chúng, xách lên một con mèo. Tổ bảo: “Ai nói được một câu thì cứu được con mèo, nếu không con mèo sẽ bị chém.” Cả chúng không ai đáp được. Con mèo bị chém. Đến chiều, Triệu Châu đi về, nghe chuyện, để một chiếc dép lên đầu rồi đi ra. Nam Tuyền bảo: “Lúc sáng, có ông ta thì con mèo đã không bị chém rồi.”
Thiền sư Triệu Châu dặn đệ tử đi hành cước: “Nơi nào có Phật hãy đi qua, nơi nào không có Phật thì đừng dừng lại.”
Tổ Quy Sơn, một ngày muốn chọn người trụ một ngọn núi. Tổ để một tịnh bình và hỏi chúng: “Không nói là tịnh bình thì gọi là cái gi?”
Thủ tòa bước ra đáp: “Không gọi tịnh bình thì gọi là gốc cây.”
Ngưỡng Sơn bước ra, đá đổ tịnh bình. Sau đó Ngưỡng Sơn được chọn trụ ở núi đó.
Về sau một Thiền sư khác phê bình Ngưỡng Sơn: “Động dụng tay chân để làm gì?”
Có người hỏi Tổ Vân Môn: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”
Thiền sư trả lời: “Một tấc lông rùa nặng tám cân”
Kinh Duy-ma-cật trong bài kệ tán Phật: “Đảnh lễ Như không vô sở y.” Như thế thì ai đảnh lễ, đảnh lễ phương nào?
Bài tụng của Thiền sư Viên Ngộ:
“Thỏ ngựa có sừng.
Trâu dê không sừng
Tuyệt bụi tuyệt mảy
Như núi như non,”
Ngưỡng Sơn nằm mộng thấy vào viện của Đức Di Lặc. Các tòa đều có người ngồi, chỉ có tòa thứ hai còn trống. Thiền sư liền đến đó ngồi.
Vị sư ra khai kiểng bảo: “Hôm nay tòa thứ hai nói pháp.”
Thiền sư đứng dậy bạch chùy, rằng: “Pháp đại thừa, ly tứ cú, tuyệt bách phi, lắng nghe! lắng nghe!”
Sau đó chúng giải tán. Thiền sư thức dậy kể lại với Quy Sơn.
Tổ Quy Sơn bảo: “Con đã vào thánh vị’
Thiền sư lễ tạ.
Nói về Bồ-tát, chúng ta xem hai bài tán dương Thượng sĩ Huệ Trung, có thể gọi là Duy-ma-cật của Việt Nam.
Trần Nhân Tông, Tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, đệ tử trực tiếp của Thượng sĩ, làm bài tán rằng:
“Vuông được tròn được
Dày được mỏng được
Biển pháp một mắt
Rừng thiền ba góc”
Pháp Loa, Tổ thứ hai phái Trúc Lâm, có bài tán:
“Á!
Gan ròng nhồi lại
Sắt sống đúc thành
Thước trời thước đất
Gió mát trăng thanh”
4. Không sợ hãi là đức tánh quan trọng của Bồ-tát. Bất Không Thành Tựu Như Lai với Vô Úy Ấn biểu thị đức tánh này. Không ai có thể nghi ngờ gì, công đức của Bồ-tát thì vượt hơn công đức của A-la-hán. A-la-hán thì học Không và chứng Không. A-la-hán như người đi trên đường thấy hồ nước đã vội trầm mình tan biến trong đó. Tuy cùng là tánh nước nhưng hồ lặng của vị A-la-hán làm sao so với biển lớn đầy đủ tất cả công đức của Bồ-tát. Muốn có đầy đủ công đức, Bồ-tát phải tìm trong thế giới sanh tử, tìm trong sự hóa độ chúng sanh, ở lại với chúng sanh cho đến hết thời gian mà không mệt mỏi. Để ở lại trong thời gian, trong sanh tử, Bồ-tát phải không sợ hãi vì thế gian, không mệt mỏi vì sanh tử và không chán ngán công việc hóa độ. Việc làm đó chỉ có Bát-nhã mới làm được. Bát-nhã là sức mạnh của Bồ-tát, không sợ hãi, mệt mỏi vì đã thấu suốt tánh của sanh tử là Không.
Vô Úy còn là diệu đức của ngài Quán Thế Âm, vị Đại Bồ-tát đã thuyết ra Tâm Kinh. Các kinh nói ngài Quán Thế Âm còn có danh hiệu là người Vô Úy Thí. Chúng ta thấy rõ ràng hơn tại sao người Vô Úy Thí chính là người giảng dạy Tánh Không cho Xá-lợi-phất và cho tất cả chúng ta. Vô Úy cũng là đức tánh nổi bật nhất trong cuộc đời ngài Huyền Trang, vị đã dịch kinh này sang tiếng Trung Hoa. Vô Úy thể hiện rõ ràng trong cuộc hành hương gian khổ sang Ấn Độ cầu pháp của Bồ-tát Huyền Trang, sẵn sàng bỏ thân mạng vì chân lý và trên đường đi ngài đã dùng Tâm Kinh như một thần chú.
Trong bản chất, Tánh Không là Đại Bi, nên càng diệt trừ vô minh, nghĩa là cùng tiêu trừ chấp ngã và chấp pháp, càng thâm nhập Tánh Không, Tánh Không càng phát lộ thì Đại Bi càng hiển bày. Ngài Quán Thế Âm, vị thuyết giảng Tánh Không trong Tâm Kinh cũng là vị có lòng Đại Bi vô lượng. Trong những địa của kinh Hoa Nghiêm, càng tiến sâu vào các địa, Đại Bi càng lớn mạnh. Không một hành giả nào tu Bát-nhã lại chẳng thấy Đại Bi. Tánh Không không có Đại Bi thì Tánh Không đó chỉ là tướng ngoan không lầm lạc. Có thể nói Đại Bi là toàn thể sinh mạng của Bồ-tát và nhờ có Đại Bi đó Tánh Không của Bồ-tát thâm sâu hơn rất nhiều so với Tánh Không của A-la-hán.
Vì Đại Bi, Bồ-tát tiếp tục sanh đi sanh lại ở thế gian và họat động trong đó bằng phương tiện thiện xảo (Upaya), phương cách để hóa độ chúng sanh. Phương tiện thiện xảo được phát sinh từ Đại Bi, nghĩa là từ Tánh Không. Không có phương tiện thiện xảo, Bồ-tát sẽ bất lực trước đời sống trần thế chẳng thể nào hoàn thành nổi bổn phận độ sanh. Với Bát-nhã, tất cả mọi pháp sanh tử đều Không, từ Tánh Không đó phát xuất ra tất cả phương tiện thiện xảo. Cái gì cũng là Không nên cái gì cũng là phương tiện thiện xảo. Chỉ có Không mới làm cho Bồ-tát không đắm trước, không chán ghét phương tiện của mình và như thế mới gọi là phương tiện thiện xảo. Tánh Không làm cho phương tiện thành phương tiện thiện xảo, làm cho ý chí giải thoát của cá nhân thành ý chí giải thoát chung là Đại Bi.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS