SHARE:
Thực hành
Kinh Kim Cương Bát Nhã
Đương Đạo
NXB: Thiện Tri Thức 2015
Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, liệu có chúng sanh nào được nghe lời nói câu chữ như thế mà sanh lòng tin chân thật chăng?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Chớ nói như vậy. Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người giữ giới tu phước, đối với những lời câu này có thể sanh lòng tin, cho đó là chân thật, nên biết người ấy chẳng phải chỉ vun trồng căn lành nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật, mà đã vun trồng căn lành nơi vô lượng muôn ngàn đức Phật. Khi nghe lời câu ấy thậm chí ngay trong một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu Bồ Đề, Như Lai biết rõ, thấy rõ những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức.
Sanh được “lòng tin chân thật” tức là thấy được tánh Không, nhận ra được thực tại xưa nay, thấy được nền tảng không nền tảng của sanh tử và Niết bàn, của mọi chúng sanh và chư Phật. “Ngay trong một niệm sanh lòng tin thanh tịnh” là một niệm thoát khỏi mọi nghi ngờ do tướng và tưởng quấy nhiễu, che mờ, bèn thấy ra bản tâm vốn không chỗ trụ, chưa từng dính vào một tướng và tưởng nào của sanh tử. Rồi với xác quyết “cho đó là chân thật”, bèn an trụ, sống ngập mắt đầy tai trong đó. Sống trong đó thì luôn luôn tự nhiên “được vô lượng phước đức”.
Nhưng lòng tin chân thật, thanh tịnh khi nào sanh? Khi trong tâm không có bốn tướng hay bốn tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Trạng thái không có bốn tướng hay bốn tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả nằm giữa hai tư tưởng. Hãy kéo dài trạng thái không có bốn tướng hay bốn tưởng giữa hai tư tưởng, đó là thực tại chân thật, đó là tâm không chỗ trụ, đó là lòng tin chân thật.
Vì sao thế? Chính vì chúng sanh ấy không có tướng ngã (hay tưởng ngã), tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không có tướng chẳng phải pháp.
Vì sao thế? Vì nếu những chúng sanh ấy tâm nắm giữ tướng tức là bám vào ngã , nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu nắm giữ tướng pháp, tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Vì sao thế? Nếu nắm giữ tướng chẳng phải pháp, tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Thế nên chẳng nên nắm giữ pháp, chẳng nên nắm giữ chẳng phải pháp. Do bởi nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ kheo các ông nên biết pháp ta nói ra cũng như chiếc bè. Pháp còn phải bỏ, huống là chẳng phải pháp.
Một niệm sanh lòng tin, cho đó là chân thật, thì tức thời tương ưng với tánh Không và sống trong tánh Không. Sở dĩ tin được, sống được là khi đó những người ấy không thấy có tướng hay tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, không thấy có tướng pháp cũng không có tướng chẳng phải pháp.
Làm thế nào để không có bốn tướng hay bốn tưởng, để vượt qua bốn tướng hay bốn tưởng hầu tiếp xúc trực tiếp với tánh Không?
Chẳng hạn trong hành động nhìn, một hành động khá tĩnh. Khi nhìn một cái cây, chúng ta tự hỏi có phải có một cái tôi đang nhìn hay không. Nếu có một cái tôi đang nhìn, hãy vượt qua cái tôi ấy. Có một người đang nhìn chăng. Nếu có hãy vượt qua cái người đang nhìn ấy. Có một chúng sanh đang nhìn chăng. Nếu có hãy vượt qua chúng sanh đang nhìn ấy. Và cuối cùng có một thọ giả đang nhìn chăng. Nếu có hãy vượt qua thọ giả đang nhìn ấy. Khi ấy chỉ còn một cái thấy không chỗ trụ hay là tánh thấy và mọi phân biệt chủ – khách dứt bặt.
Khi bằng thiền chỉ và thiền quán vượt qua cả bốn tướng che chướng ấy, tâm không có bốn tướng, bèn tiếp xúc, thấy trực tiếp thực tại, bởi vì thực tại thì không có bốn tướng hay bốn tưởng. Khi ấy chỉ có thực tại tánh Không, không có người thấy và cái gì được thấy, không có tâm và cảnh.
Cứ tiếp xúc nhiều lần cho đến khi tánh Không trở thành một sự thực, một thực tại hiện tiền, và chúng ta an trụ vào đó.
Một niệm sanh được lòng tin chân thật, thanh tịnh, là khi thấy trực tiếp tánh Không và mọi sự dứt bặt. Khi không có bốn tướng hay bốn tưởng, đó chính là tánh Không. Bốn tướng hay bốn tưởng hư vọng nhưng che chướng này có nền tảng là tánh Không, hiện hữu trong tánh Không và tiêu tan trong tánh Không. Quan sát liên tục và kỹ lưỡng, chúng ta thấy bốn tướng hay bốn tưởng chính là tánh Không, nghĩa là vô tự tánh, vô sở hữu, và do đó vô ngại.
Khi ấy bốn tướng trở nên trong suốt như những tấm kính để cho năng lực, ánh sáng của tánh Không thấu thoát qua. Bốn tướng vẫn còn nhưng trở nên trong suốt, vì với Bồ tát, không phá hủy bốn tướng để nhập Niết Bàn, mà vì bi nguyện ở với chúng sanh cho đến ngày họ được giải thoát. Khi ấy Bồ tát ở trong tánh Không, dùng năng lực, ánh sáng của tánh Không để làm hạnh Bồ tát.
Đời sống vốn là tánh Không trở thành khổ đau sanh tử vì có bốn tướng hư vọng. Nguyên nhân nổi khổ ‘ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả’ chính là do nắm giữ lấy tướng, kiên trì cũng cố tưởng. Hễ một niệm nắm giữ tướng hay tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là một niệm lọt vào sanh tử, và tức thời là một niệm khổ.
Nắm giữ tướng pháp là chấp có, đó tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Còn nắm giữ tướng chẳng phải pháp là chấp không, cái chấp không này vẫn là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Chấp có chấp không đều là bốn tướng. Không chấp có không chấp không thì bốn tướng không còn, sanh tử tịch diệt.
Mở to mắt ra mà nhìn, cái “chẳng nắm giữ tướng có pháp, chẳng nắm giữ tướng không có pháp”, cái ấy là tâm Phật, vốn hiện diện với chúng ta từ vô thỉ đến nay và suốt cả tương lai vậy.
Nhìn lại đoạn này và những đoạn trước, chúng ta thấy con đường Bồ tát bắt đầu bằng hai sự tích tập, tích tập phước đức hay công đức và tích tập trí huệ, đây là giai đoạn Tư lương vị. Và cuối cùng khi hai sự tích tập này đã trọn vẹn thì thành Phật. Công đức và trí huệ là hai cột trụ của Đại thừa:
“Một niệm sanh lòng tin thanh tịnh” là thấy được Pháp thân tánh Không, bước vào Sơ địa, là do hai sự tích tập phước đức và trí huệ đã đầy đủ đến mức căn bản để thông đạt tánh Không vậy.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS