Lời mở đầu

SHARE:


Thực hành
Kinh Kim Cương Bát Nhã
Đương Đạo
NXB: Thiện Tri Thức 2015

1. Lời mở đầu
2. PHÁP HỘI BÁT NHÃ
3. TRƯỞNG LÃO TU BỒ ĐỀ THƯA HỎI
4. Ở TRONG TÁNH KHÔNG MÀ CỨU ĐỘ
5. KHÔNG CHỖ TRỤ MÀ HÀNH BỐ THÍ
6. THẤY NHƯ LAI
7. TIN THẬT
8. KHÔNG ĐẮC KHÔNG THUYẾT
9. CHƯ PHẬT TỪ KINH NÀY RA
10. TÁNH KHÔNG LÀ KHÔNG CHỨNG KHÔNG ĐẮC
11. TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT
12. CÓ PHÁP LÀ CÓ PHẬT
13. Y VÀO TÁNH KHÔNG MÀ THỌ TRÌ
14. TÍN TÂM THANH TỊNH TỨC THẬT TƯỚNG SANH
15. CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
16. ĐI SÂU VÀO KINH
17. CHÂN LÝ TƯƠNG ĐỐI VÀ CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI HỢP NHẤT
18. PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG
19. THẤY PHÁP THÂN
20. KHUÔN MẶT CỦA GIÁC NGỘ
21. PHƯỚC TRÍ VÔ LƯỢNG
22. TẤT CẢ THANH TỊNH
23. QUÁN THẤY PHÁP THÂN
24. CÓ ĐỦ CHỨ KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ GÌ
25. PHƯỚC ĐỨC VÀ CÔNG ĐỨC
26. KHÔNG ĐẾN KHÔNG ĐI

Một trong những định nghĩa về tánh Không là sự không có tự tánh, không có hiện hữu nội tại của tất cả sự vật. Kinh Đại Bát Nhã nói, dầu Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không, tánh Không vẫn vậy từ sơ thủy đến nay và mãi mãi về sau.

Trí huệ Bát nhã là trí huệ soi thấy tánh Không. Thấy được tánh Không của sanh tử thì thoát khỏi sanh tử, khổ đau của sanh già bệnh chết. Kinh này có chữ Kim cương hay Kim cương năng đoạn (theo bản dịch của ngài Huyền Trang) nghĩa là trí huệ soi thấy tánh Không này giống như kim cương, cắt đứt, phá tan tất cả phiền não của sanh tử để giải thoát. Công năng của trí huệ như kim cương phá tan phiền não chướng và sở tri chướng hợp tạo thành bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả để thực tại tánh Không lộ bày là mục tiêu của Kinh này.

Kinh điển Phật giáo nào cũng đều có phần chỉ bày cái thấy biết về thực tại của một bậc Giác ngộ và phần thực hành để đưa đến cái thấy biết ấy. Kinh này nói đến hai điều chính đối với người thực hành:

  • Phá trừ tướng, tức là bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Phá trừ tướng ngăn che đến đâu thì tánh Không hiện ra đến đó.
  • Chỉ thẳng tánh Không, thấy ra được tánh Không đến đâu thì bốn tướng hư vọng tiêu tan đến đó.

Theo truyền thống Trung Hoa, con đường gồm Lý, Cảnh, Hạnh, Quả. Ở đây chúng ta dùng những phạm trù theo truyền thống Ấn Độ-Tây Tạng, tức là Nền tảng, Con đường, và Quả. Nền tảng là tánh Không, Con đường hay pháp môn thực hành, đi trên và trong tánh Không. Quả là cái thấy biết tánh Không trọn vẹn, do đó mà giải thoát, giác ngộ.

Về mặt thực hành của hành giả thì có bốn. Cái Thấy tức là Nền tảng phải được thấy. Thiền định là duy trì cái thấy ấy mọi lúc, mọi nơi. Hạnh là sống với cái thấy ấy trong mọi hoạt động của đời sống, trong mắt tai mũi lưỡi thân ý. Và Quả tức là cái thấy ấy trở thành trọn vẹn viên mãn.

Trong Kinh này, thiền định là “thọ trì, đọc tụng”. Hạnh là “giảng nói cho người”, hay Bồ tát hạnh.

Để thực hành cái Thấy, Thiền định, và Hạnh chúng ta áp dụng ba pháp môn tu tâm chính của Phật giáo, được chỉ dạy chi tiết trong Kinh Viên Giác. Ba pháp đó là Chỉ hay Định, Quán, và Chỉ Quán song tu hay Thiền.

Tánh Không ấy chính là bản tánh của tâm thức chúng ta, mà Kinh gọi là tâm không chỗ trụ. Tâm này cũng là cái tâm bình thường hằng ngày của chúng ta vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh vốn tự giải thoát này. Dầu ý nghĩ gây ra và đưa đến phiền não khổ đau hay thiện lành để đưa đến hạnh phúc, những ý nghĩ đều khởi từ tâm không chỗ trụ này, hiện hữu trong nó và tiêu tan trong nó. Tâm không chỗ trụ là Nền tảng cho mọi hoạt động thân, khẩu, ý của chúng ta. Và ý nghĩ khởi từ tâm không chỗ trụ cho nên chúng cũng không chỗ trụ, nghĩa là chúng tự giải thoát, vì chúng vốn tự giải thoát.

Người tu hành cần phải khám phá ra tâm ấy. Thấy trực tiếp được nó, rồi sống với nó, niệm niệm tương ưng với nó trong mọi mặt của đời sống (Hạnh) và cuối cùng, là một với nó.

Kinh này chỉ cho chúng ta bản tâm không chỗ trụ ấy trong nhiều mặt của đời sống và khiến chúng ta thấy nó, ngộ nó, và đưa chúng ta thâm nhập nó cho đến lúc toàn vẹn.

 

SHARE:

Để lại một bình luận