Phẩm Bồ Tát Hạnh

SHARE:


Thực hành Con Đường Bồ Tát qua kinh Duy Ma Cật
Tác Giả: Đương Đạo – NXB Thiện Tri Thức

1. Lời nói đầu
2. Phẩm Phật Quốc
3. Phẩm Phương Tiện
4. Phẩm Đệ Tử
5. Phẩm Bồ Tát
6. Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
7. Phẩm Bất Tư Nghị
8. Phẩm Quán Chúng Sanh
9. Phẩm Phật Đạo
10. Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị
11. Phẩm Phật Hương Tích
12. Phẩm Bồ Tát Hạnh
13. Phẩm thấy Phật Bất Động
14. Phẩm Cúng Dường Pháp
15. Phẩm Phó Chúc
16. Tựa các Đầu sách đã Xuất bản

Phẩm Bồ Tát Hạnh

Khi ấy, đức Phật thuyết pháp ở vườn cây Am La, vùng đất ấy bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, toàn thể chúng hội đều biến thành sắc vàng.

Tôn giả A Nan thưa với Phật: “Thưa Thế Tôn! Vì nhơn duyên gì mà có điềm lành này, chỗ này bỗng nhiên rộng lớn trang nghiêm, toàn thể chúng hội đều biến thành sắc vàng?”

Phật bảo: “Này A Nan, ấy là trưởng giả Duy Ma Cật và Văn Thù Sư Lợi đại sĩ cùng cả đại chúng vây quanh khởi ý muốn đến đây, nên điềm lành này hiện ra trước.”

Bấy giờ, ngài Duy Ma Cật nói với ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Chúng ta hãy đến ra mắt đức Phật, để chư Bồ tát được thấy Phật và đảnh lễ cúng dường.” Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Hay thay! Nay chính là lúc nên đi.” Trưởng giả Duy Ma Cật tức thì dùng thần lực đặt cả đại chúng và các tòa sư tử trên bàn tay phải đi đến chỗ Phật. Đến nơi ngài để xuống đất, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh phía hữu bảy vòng, nhất tâm chắp tay, đứng qua một bên. Các Bồ tát cũng đều rời khỏi tòa sư tử, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bảy vòng, đứng qua một bên. Các đại Đệ tử, Đế Thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương v.v… cũng đều rời khỏi tòa sư tử, đảnh lễ dưới chân Phật đứng qua một bên.

Bấy giờ Thế Tôn như pháp an ủi hỏi thăm các Bồ tát rồi, bảo ngồi lại tòa sư tử. Đại chúng vâng lời, ngồi lại chỗ cũ. Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Tôn giả thấy thần lực tự tại của Bồ tát Đại Sĩ chăng?

– Dạ con đã thấy.

– Ý tôn giả thế nào?

– Thưa Thế Tôn, con thấy việc ấy thật không thể nghĩ bàn, ý không thể nghĩ được, không thể tính lường được.

Lúc ấy tôn giả A Nan thưa với Phật: “Thế Tôn! Nay có mùi hương trước giờ chưa có. Đó là hương gì?”

Phật bảo ngài A Nan: “Đó là hương thơm nơi lỗ chân lông của tất cả những Bồ tát kia vậy.”

Tôn giả Xá Lợi Phất nói thêm: “Đại đức A Nan, những lỗ chân lông của chúng tôi cũng bay ra mùi hương ấy.”

Tôn giả A Nan nói: “Hương thơm ấy từ đâu?”

Tôn giả Xá Lợi Phất đáp: “Đó là do trưởng giả Duy Ma Cật có được cơm dư từ thế giới Chúng Hương, mùi hương này bay ra từ thân của tất cả những ai dùng thực phẩm ấy.”

Tôn giả A Nan hỏi ngài Duy Ma Cật: “Hương thơm này tồn tại bao lâu?”

Ngài Duy Ma Cật nói: “Đến khi cơm tiêu hết.”

Hỏi: “Cơm này bao lâu mới tiêu?”

Đáp: “Thế lực của cơm đến bảy ngày, sau đó mới tiêu hết. Lại nữa, thưa ngài A Nan, nếu người Thanh Văn chưa nhập chánh vị (dòng thánh), ăn cơm này thì đến khi được nhập chánh vị mới tiêu. Nhập chánh vị rồi, ăn cơm này thì khi được tâm giải thoát mới tiêu. Nếu người chưa phát tâm Đại thừa ăn cơm này thì đến khi phát Đại thừa mới tiêu. Đã phát tâm mà ăn cơm này thì đắc Vô sanh pháp nhẫn rồi mới tiêu. Đã đắc Vô sanh nhẫn mà ăn cơm này thì đến Nhất sanh bổ xứ (Một đời nữa thành Phật) rồi mới tiêu. Thí như có món thuốc tên là Thượng Vị, người nào uống vào thì các thứ độc trong thân tự loại trừ hết rồi mới tiêu. Cơm này cũng vậy, diệt trừ tất cả thứ độc phiền não rồi mới tiêu.”

Cơm thơm là một loại pháp của Phật. Tác động của pháp là bảy ngày (bản từ TT. của Thurman nói bốn mươi chín ngày). Trong thời gian ấy cơm tác động vào thân tâm, loại trừ hết các thứ độc ở cấp độ mà hành giả đang ở rồi mới tiêu. Như vậy Phật pháp cũng có một chu kỳ để tác động. Trong sự tu hành cụ thể, ở mức độ của chúng ta, dù tu pháp gì cũng cần một chu kỳ bảy ngày để cho pháp đó tác động, tịnh hóa. Nếu không đủ thời gian nhất định, thì pháp đó khó đưa lại kết quả.

Tôn giả A Nan thưa với Phật: “Thật là chưa từng có. Thưa Thế Tôn, như cơm thơm này mà có thể làm được Phật sự.”

Phật nói: “Đúng như vậy, đúng như vậy, A Nan. Hoặc có cõi Phật nhờ các Bồ tát mà làm Phật sự; có cõi Phật lấy ánh sáng của Phật mà làm Phật sự; có cõi lấy người của Phật hóa ra mà làm Phật sự; có cõi lấy cây Bồ đề mà làm Phật sự; có cõi lấy y phục đồ nằm của Phật mà làm Phật sự; có cõi lấy cơm ăn mà làm Phật sự; có cõi lấy vườn rừng, lầu đài mà làm Phật sự; có cõi lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà làm Phật sự; có cõi lấy thân Phật mà làm Phật sự. Có cõi lấy hư không mà làm Phật sự. Chúng sanh nhờ những phương tiện ấy mà được vào luật hạnh. Có cõi lấy mộng, huyễn, bóng vang, hình bóng trong gương, mặt trăng trong nước, ánh nắng dợn… các thí dụ như vậy mà làm Phật sự. Có cõi lấy âm thanh, ngữ ngôn, văn tự mà làm Phật sự. Hoặc có cõi thanh tịnh lấy vắng lặng không lời, không nói, không chỉ bày, không tạo tác, không hành động mà làm Phật sự.

“Như thế, A Nan, tất cả oai nghi, cử động, hoạt động của chư Phật không cái gì không phải là Phật sự. A Nan, có bốn loại Ma, tám vạn bốn ngàn các môn phiền não, chúng sanh vì đó mà khốn khổ, còn chư Phật thì dùng những pháp ấy mà làm Phật sự.

Tất cả các cõi trong pháp giới đều lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, các đại, cho đến ngữ ngôn văn tự, vắng lặng không lời hoặc cử chỉ của một bậc giác ngộ để làm Phật sự, để hiển thị Phật tánh. Tất cả các sự đều được dùng làm Phật sự, nghĩa là tất cả các sự đều là sự hiển bày của Phật tánh. Tất cả các sự vật, tánh cũng như tướng, đều là tánh Phật, và do đó tất cả các cõi đều là Tịnh độ. Đây là điều người thực hành theo kinh Duy Ma Cật phải nhận biết và phải sống bằng tất cả thân tâm thanh tịnh của mình, sống được như vậy gọi là vào luật hạnh, vì luật hạnh là sống với cái kỷ luật “không rời lìa khỏi Phật tánh, luôn luôn sống trong Phật, trong Tịnh độ của Phật”.

Cho đến bốn loại ma (phiền não ma, ấm ma, tử ma và thiên ma), tám vạn bốn ngàn phiền não đều là những pháp mà chư Phật dùng để làm Phật sự, nghĩa là để hiển thị Phật tánh cho chúng sanh. Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy những ma, những phiền não là những cơ hội cho chúng ta thấy được thật tánh của chúng, và người nào ở trong thật tánh đó (tức pháp tánh, Phật tánh) thì có thể chuyển hóa tướng phiền não thành Bồ đề. Nếu làm được như vậy, tất cả những gì xảy ra trong đời, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù thuận dù nghịch, đều được hành giả đưa vào con đường thành Phật.

Chứng ta có thể thấy thêm nữa rằng đối với trạng thái Phật – là mục đích ao ước của mỗi chúng ta – thì chẳng có ma, có phiền não gì cả, mà tất cả đều là Phật sự. Cái thấy biết của trạng thái Phật bao trùm và chuyển hóa tất cả không bỏ sót một hình tướng thuận nghịch nào. Chúng ta có thể hình dung – sự hình dung là một quán thấy giúp ích cho sự thực hành của chúng ta – Phật là một trạng thái trong đó thấy mình là tánh nước của tất cả đại dương và của tất cả mọi làn sóng, nghĩa là một trạng thái trong đó người ta thấy rằng ta là tất cả đồng thời ta không phải là cái gì cả, nên giải thoát khỏi tất cả.

“Đó là pháp môn gọi là Vào Tất Cả Phẩm Tính Của Chư Phật.

“Bồ tát vào pháp môn này, thì thấy tất cả các cõi Phật đầy đủ mọi phẩm tính sạch đẹp không lấy làm vui mừng, không tham muốn, không kiêu căng; thấy cõi Phật nào có vẻ không thanh tịnh cũng không lo, không ngại, không trốn lánh. Dù trường hợp nào cũng sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ, cung kính, lấy làm chưa từng có. Chư Phật Như Lai thấu đạt tính bình đẳng của tất cả mọi sự, chỉ vì giáo hóa chúng sanh mà biểu hiện các cõi Phật chẳng đồng.

“A Nan, tôn giả thấy đó, các cõi Phật thì đất đai phẩm chất khác nhau nhưng hư không thì không có khác biệt. Hãy như thế mà nhìn chư Phật, sắc thân thì có khác nhau nhưng trí huệ vô ngại thì không có chút nào khác nhau cả.

“A Nan, tất cả chư Phật đều đồng đẳng trong sự viên mãn những phẩm tính Phật: sắc thân, oai tướng, chúng tánh, giới, định, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, các pháp bất cọng, đại từ đại bi, oai nghi, hoạt động cho đến thọ mạng, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, cho nên gọi là bậc Giác ngộ viên mãn, Như Lai, và Phật. A Nan, nếu Như Lai nói rộng về ba danh hiệu ấy, thì dù tôn giả có thọ đến một đại kiếp cũng không lãnh thọ hết được. Giả sử chúng sanh đầy cả trong tam thiên đại thiên thế giới đều như A Nan, đa văn đệ nhất, được niệm tổng trì, họ dùng một đại kiếp để lãnh thọ cũng không thể hết. A Nan, giác ngộ của chư Phật thì không có hạn lượng, trí huệ biện tài không thể nghĩ bàn.”

Nhập vào các tri kiến thấy tất cả mọi cái hiện hữu, từ tánh cho đến tướng, đều là Phật tánh, đó là pháp môn Vào Tất Cả Phẩm Tính Của Chư Phật. Vào Tất Cả Phẩm Tính Của Chư Phật là chuyển hóa tất cả thành Phật sự, chuyển tất cả sanh tử thành Tịnh độ: Tất cả đều được nhìn thấy trong ánh sáng của Phật, tất cả đều là thần lực của Phật, tất cả đều là giải thoát an lạc của Phật, không còn bóng tối nhá nhem nào, không còn chướng ngại nào, không còn ma chướng phiền não nào. Tất cả đều bình đẳng trong Phật tánh.

Một vị đã chuyển hóa rốt ráo tất cả mọi thứ của thế gian thành tất cả phẩm tính của chư Phật thì được gọi là Phật. Vị ấy đồng một bản tánh – tức Phật tánh – với tất cả chư Phật, đồng một bản tánh tức là đồng Pháp thân với tất cả chư Phật. Pháp thân thì như hư không, bình đẳng ở tất cả mọi chỗ, mọi thời, mọi cõi nước, nhưng vì giáo hóa chúng sanh mà biểu hiện các cõi Phật không đồng.

Một vị đã thành tựu hoàn toàn Phật tánh thì đồng đẳng trong sự viên mãn những phẩm tính Phật với tất cả chư Phật, đó là điều chúng ta có thể suy luận, nhưng những phẩm tính Phật ấy ở mức rốt ráo của chúng như thế nào thì chúng ta không thể hình dung, vì như kinh đã nói, dù tất cả chúng sanh có thọ đến một đại kiếp cũng không thể thọ lãnh hết ý nghĩa của chúng. Ở đây, như là những người thực hành, chúng ta có một bài học: dù ở mức độ nào, những phẩm tính Phật hay những pháp Phật ở nơi chúng ta phải ở mức ngang nhau dù cấp độ thô sơ của chứng. Trí huệ ở mức độ như vậy thì từ bi cũng phải xấp xỉ mức độ như vậy, giới cũng ở mức độ như vậy, sắc thân cũng xấp xỉ mức độ như vậy và tất cả những phẩm tính khác cũng phải xấp xỉ mức độ như vậy. Đây là một thước đo cho chúng ta khi đang ở trên đường, rằng chúng ta đã tiến bộ đến đâu, vì sự đồng bộ của tất cả những phẩm tính sẽ cho chúng ta biết điều đó.

Tôn giả A Nan thưa với Phật: “Từ nay về sau con không dám tự cho là đa văn nữa.”

Phật bảo tôn giả A Nan: “Chớ nên sanh khởi tâm ý thối lui. Tại sao thế? Vì Như Lai nói tôn giả là đa văn hơn hết trong hàng Thanh Văn chớ không nói trong hàng Bồ tát. Hãy dừng lại thôi, A Nan. Người có trí không nên tìm hiểu các vị Bồ tát một cách giới hạn. Đại dương còn có thể đo lường, eòn thiền định, trí huệ, tổng trì, biện tài, tất cả công đức (phẩm tính) này của Bồ tát thì không thể lường được. A Nan, các ông hãy để qua một bên những việc làm của Bồ tát. Trưởng giả Duy Ma Cật đây nhất thời hiện thần thông lực, mà tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật tận lực biến hóa trong trăm nghìn kiếp vẫn không làm được.”

Bấy giờ các vị Bồ tát đến từ thế giới Chúng Hương, chắp tay thưa Phật: “Thưa Thế Tôn, chúng con mới thấy cõi này đã cho là thấp kém, bây giờ tự hối, bỏ ý nghĩ ấy. Tại vì sao thế? Phương tiện chư Phật không thể nghĩ bàn, vì độ chúng sanh nên tùy theo chỗ họ thích mà hiện ra các cõi khác nhau. Dạ thưa Thế Tôn, xin ngài ban cho chút ít pháp để khi về thế giới của mình chúng con nhớ nghĩ đến Như Lai.”

Phật bảo các Bồ tát rằng: “Có pháp môn giải thoát Hết và Không Hết, các ông nên học. Sao gọi là Hết? Hết là các pháp hữu vi. Sao là Không Hết? Không Hết là pháp vô vi. Mà Bồ tát thì không hết hữu vi, không trụ vô vi.

“Sao là Không Hết Hữu Vi? Nghĩa là không lìa đại từ, không bỏ đại bi. Phát khởi sâu xa tâm Cầu Nhất Thiết Trí không bỏ quên dù trong chốc lát. Giáo hóa chúng sanh không hề mệt chán. Thường nhớ làm theo bốn nhiếp pháp. Hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng. Trồng các thiện căn không hề nhàm mỏi. Vui thích trong phương tiện hồi hướng. Cầu pháp không biếng lười. Thuyết pháp không xẻn tiếc. Siêng năng thấy và thờ phụng chư Phật. Chủ động vào những tái sanh mà không sợ hãi. Đối với vinh nhục không mừng không lo. Không khinh thường người mới học, kính trọng người tu học như Phật. Người sa vào phiền não thì làm cho phát chánh niệm. Không quý cái vui xa lìa. Không ham cái vui của mình, vui mừng cái vui của người. Nơi các trạng thái nhập thiền định xem như địa ngục. Ở trong sanh tử thấy như vườn hoa. Thấy người đến cầu xin tưởng như thầy lành. Bỏ tất cả sở hữu, nghĩ tưởng hoàn toàn đến Nhất Thiết Trí. Thấy người phá giới khởi tưởng cứu hộ. Các pháp ba la mật tưởng là cha mẹ. Các phẩm trợ đạo tưởng là bà con. Tích tập thiện căn không có giới hạn nào cả. Lấy các sự trang nghiêm của các tịnh độ mà làm thành cõi Phật của mình. Thật hành bố thí vô hạn. Đầy đủ tướng tốt. Trừ bỏ mọi cái xấu, làm thanh tịnh thân khẩu ý. Sanh tử vô số kiếp mà ý chí vẫn dũng mãnh. Nghe nói công đức vô lượng của Phật mà chí nguyện không mệt mỏi. Dùng kiếm trí huệ, phá tan giặc phiền não. Ra khỏi ấm, nhập, giới mà gánh vác chúng sanh, vĩnh viễn làm cho họ giải thoát. Dùng đại tinh tấn dẹp phá quân ma. Thường cầu vô niệm, tức là trí huệ thật tướng. Hành ít muốn, biết đủ mà không bỏ việc đời. Không sai sót oai nghi, mà tùy theo thế tục. Khỡi huệ thần thông để hoàn thành mọi bổn phận dẫn dắt chúng sanh. Được niệm tổng trì, đã nghe thì không quên. Khéo phân biệt căn cơ để xóa bỏ nghi ngờ cho chúng sanh. Dùng biện tài diễn nói pháp một cách vô ngại. Thanh tịnh mười thiện nghiệp, thọ phước trời người. Tu bốn tâm vô lượng, mở đạo Phạm Thiên. Thỉnh chư Phật thuyết pháp, tùy hỷ tán thán, được tiếng giọng của Phật. Điều phục thân khẩu ý do đó duy trì sự tiến bộ thường trực. Không bám dính bất cứ cái gì và như thế có được thái độ của Phật. Dùng giáo pháp Đại thừa thành Bồ tát tăng. Tâm không phóng dật, chẳng mất các điều thiện. Hành các pháp như vậy, đó gọi là Bồ tát Không Hết Hữu Vi.

Không hết hữu vi là không chấm dứt với sanh tử, không bỏ chúng sanh, làm tất cả bổn phận với chúng sanh và chính nhờ những việc này mà càng tiến bộ trong Phật pháp. Hữu vi là cái do hợp tạo mà thành, do đó vô thường, khổ đau và trong ý nghĩa đó, là bất tịnh. Nhưng tất cả sự tích tập thiện căn, công đức, tất cả sự trang nghiêm cho Phật pháp ở nơi mình đều từ đó mà thành. Như một bông sen, nếu không từ bùn thì nó không nở, không đẹp, không hương thơm. Chính từ bùn lầy hữu vi mà bông sen Phật tánh được nở, đẹp đẽ và có hương thơm. Cho nên với Bồ tát, sanh tử là nơi học tập toàn diện nhất, nơi tự trau dồi, tự hoàn thiện rộng lớn nhất, nơi làm được nhiều công hạnh nhất. Đó cũng là nơi để cho cây đại bi sống và phát triển sum suê, mà đại bi và trí huệ là hai chân của Bồ tát để đi đến Phật quả. Và ngay cả trí huệ, trí huệ là trí huệ thấu suốt tánh Không, chớ chẳng phải là “một trạng thái nhập thiền định” ở ngoài sanh tử xáo động này. Do đó trí huệ là trí huệ soi thấy hữu vi là Không, nếu không có hữu vi, lấy cái gì làm đối tượng để soi chiếu, để thấu đạt tánh Không?

Cụ thể, không hết hữu vi là tiếp tục những tái sanh trong sanh tử, để hành con đường Bồ tát. Như thế sự “chủ động vào những tái sanh” là điều rất quan trọng. Sự chủ động đó đến mức nào tùy thuộc vào sự tương ưng đến mức nào với tánh giác, tức là Phật tánh, của chúng ta. Nếu sự tương ưng, sự làm chủ đó đủ mạnh, tâm luôn luôn ở trong tỉnh giác, người ta sẽ vượt qua được cái chết và trung ấm để chủ động tái sanh.

“Sao gọi là Bồ tát Không Trụ Vô Vi? Nghĩa là tu học Không mà không lấy Không làm chỗ chứng đắc. Tu học Vô tướng, Vô tác mà không lấy Vô tướng, Vô tác làm chỗ chứng đắc. Tu học không khởi mà không lấy không khởi làm chỗ chứng đắc. Quán vô thường mà không nhàm chán những gốc công đức. Quán thế gian là khổ mà không ghét bỏ sanh tử. Quán vô ngã mà dạy bảo người không mệt. Quán tịch diệt mà không tịch diệt mãi mãi. Quán sự xa lìa mà thân tâm tu thiện. Quán không chỗ quy mà quy hướng pháp thiện. Quán vô sanh mà dùng pháp sanh gánh vác tất cả. Quán vô lậu mà không đoạn tuyệt các lậu. Quán không có hành động mà dùng hành động để giáo hóa chúng sanh. Quán trống không mà không bỏ đại bi. Quán chánh vị của Không mà không rơi vào quyết định tối hậu của Thanh Văn. Quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không chất thể, không tướng, nhưng bổn nguyện chưa viên mãn thì vẫn thấy phước đức, thiền định, trí huệ là không hư vọng và có thật. Tu các pháp như vậy thì gọi là Bồ tát Không Trụ Vô Vi.

Với một người trong vòng sanh tử đã bao đời đi tìm giải thoát, đi tìm sự tự do tuyệt đối, thì quả thật rất khó khăn để cưỡng lại sự cám dỗ “trụ vô vi”, nhập vào vô vi khi bước đến ngưỡng cửa của vô vi tối hậu. Đây quả thật là sự từ bỏ khó khăn nhất, một hy sinh lớn nhất của mọi hy sinh. Nhưng với Đại thừa sự hy sinh này đã được tập tành, làm quen dần dần bằng Bồ đề tâm, bằng phát nguyện, bằng ghi nhớ lòng bi, bằng có một thái độ biết ơn chúng sanh, là cha mẹ của mọi đời kiếp trong sanh tử…

Không trụ vô vi là học Không mà chẳng chứng Không, quán thấy những phẩm tính Vô tướng, Vô tác, tịch diệt, vô lậu, hư vọng v.v… của thật tế mà không thủ chứng thật tế ấy.

Ở đây chúng ta trích một đoạn kinh từ Bát Nhã Bát Thiên Tụng (Trích từ Essays in Zen Buddhism của D. T. Suzuki hoặc có thể đọc trong Phẩm Học Không Bất Chứngcủa Kinh Đại Bát Nhã) để thấy chí nguyện cao cả và sự khó khăn của con đường Bồ tát:

Đức Phật nói: “Khi Bồ tát quán thấy rằng hết thảy các pháp đều hoàn toàn là Không; dù học Không nhưng ở trong đó không lấy Không để chứng đắc, vì biết rằng đây là thời gian học không phải thời gian chứng. Như thế tuy quán Không mà không thủ chứng Thật Tế.”

 

Bấy giờ Đức Phật nói với Tu Bồ Đề: “Đúng thế! Đúng thế! Đấy thực là khó khăn, đấy thực là vô cùng khó khăn. Bồ tát Ma ha tát tu hành tánh Không, trụ nơi tánh Không, đạt Không tam ma địa, nhưng không thủ chứng Thật Tế. Tại sao? Bởi vì Bồ tát phát đại nguyện tối thắng không rời bỏ chúng sanh; nguyện dẫn dắt chúng sanh đến giải thoát cứu cánh. Sau khi phát những đại nguyện đó, Bồ tát bước vào các môn tam ma địa giải thoát, là Không, Vô tướng và Vô nguyện. Nhưng bấy giờ Bồ tát không lấy đó mà thủ chứng Thật Tế, vì Bồ tát được trang bị đầy đủ bằng Phương tiện thiện xảo. Được hộ trì bởi Phương tiện thiện xảo, Bồ tát biết rõ lúc nào nên thủ chứng Thật Tế. Trước khi đầy đủ hết thảy Phật pháp. Bồ tát quyết tâm không thọ hưởng kết quả hành Không của mình cho đến khi hết thảy chúng sanh thoát khỏi triền phược và thống khổ.”

Có thể nói vì lòng đại bi đối với tất cả chúng sanh đang lạc lầm trong tăm tối, vì muốn thực hành hết thảy Phật pháp để làm lợi lạc cho hết thảy chúng sanh mà Bồ tát kiên quyết từ khước mọi cám dỗ về sự chấm dứt con đường, chấp nhận mãi mãi dính líu với khổ đau và vô minh của tất cả chúng sanh và kiên định đi trọn con đường Bát Nhã Ba La Mật Hạnh trường kỳ và gian khổ. Đây quả là một công hạnh không thể nghĩ bàn.

“Lại nữa, vì để đầy đủ sự tích tập phước đức nên không trụ vô vi; để đầy đủ sự tích tập trí huệ, nên không hết hữu vi. Vì đại từ đại bi nên không trụ vô vi; vì để viên mãn bổn nguyện nên không hết hữu vi. Để tập họp tất cả thuốc Pháp nên không trụ vô vi, để tùy bệnh mà cho thuốc nên không hết hữu vi. Để biết bệnh của chúng sanh nên không trụ vô vi, để diệt bệnh cho chúng sanh nên không hết hữu vi.

“Các Bồ tát chánh sĩ tu hành pháp này thì không hết hữu vi, không trụ vô vi. Đó gọi là pháp môn giải thoát Hết và Không Hết. Các ông cần nên học.”

Bấy giờ các vị Bồ tát thế giới Chúng Hương nghe pháp này rồi đều rất hoan hỷ. Các vị đem những hoa vi diệu đủ bao nhiêu màu, bao nhiêu thứ hương rải khắp tam thiên đại thiên thế giới, cúng dường chư Phật và kinh pháp này cùng các vị Bồ tát. Đảnh lễ dưới chân Phật, ca ngợi chưa từng có, nói rằng: “Phật Thích Ca Mâu Ni mới có thể ở cõi này khéo hành phương tiện.”

Nói rồi biến mất, trở về thế giới Chúng Hương.

Ở trên, kinh nói về thế nào là không hết hữu vi, không trụ vô vi, ở đây kinh nói lý do tại sao Bồ tát phải không hết hữu vi, không trụ vô vi. Nói tóm tắt, vì đại từ đại bi đối với chúng sanh trong sanh tử, vì bổn nguyện, vì bệnh khổ điên đảo của chúng sanh… mà Bồ tát không hết hữu vi, không trụ vô vi. Lý do này là lý do tồn tại của con đường Bồ tát. Không có lý do này thì một người chỉ có thể là một chúng sanh của sanh tử hoặc là một vị Thanh Văn thể nhập Niết bàn. Không có lý do này thì không thể có con đường Trung Đạo đi giữa sanh tử và Niết bàn, và nhận được lợi lạc từ cả hai.

Lý do vì chúng sanh khổ đau một cách không đáng, điên đảo mịt mờ trong sanh tử chính là động cơ, là năng lực của con đường Bồ tát. Năng lực này là lòng bi, phối hợp với trí huệ tánh Không thành ra phương tiện của Bồ tát. Không có năng lực là lòng bi này, Bồ tát không thể đi nổi con đường Trung Đạo, con đường khó khăn của mọi khó khăn, khổ nhọc của mọi khổ nhọc, dài vô tận của mọi vô tận. Nhưng chính trí huệ làm cho con đường gian lao đó thành một pháp môn giải thoát: pháp môn giải thoát Hết và Không Hết. Chính nhờ trí huệ mà sanh tử và sự gian lao của con đường mới trở thành Phương Tiện giải thoát. Kinh Bát Nhã Bát Thiên Tụng nói:

Ngài Xá Lợi Phất hỏi ngài Tu Bồ Đề: “Nếu tôi hiểu đúng lời ngài, thì Bồ tát vốn Không Sanh; nếu Không Sanh làm sao gánh vác công việc nặng nhọc làm lợi lạc chúng sanh như thế?” Tu Bồ Đề đáp: “Tôi không nói Bồ tát nghĩ đó là công trình khó thành tựu và khó thực hiện. Nếu nghĩ như thế thì thấy có vô số chúng sanh và Bồ tát sẽ không thể làm lợi lạc cho họ. Trái lại, Bồ tát phải thấy công trình đó dễ dàng và thích thú, nghĩ rằng hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ, con cái của mình, đó là con đường làm lợi lạc vô lượng vô số chúng sanh.”

Ngài Tu Bồ Đề nói tiếp: “Bảo rằng những ai theo con đường Bồ tát không tự mình thủ chứng thật tế nên không rơi vào Thanh Văn và Duyên Giác, cái đó chưa có gì là kỳ diệu và khó khăn.

“Cái kỳ diệu nhất và khó làm nhất đối với Bồ tát là như thế này: Dù biết rằng hết thảy pháp và hết thảy chúng sanh trong tự tánh của chúng, không có gì là có và có sở đắc, mà các ngài phát Bồ đề tâm vì lợi lạc cho vô lượng vô số chúng sanh; và khi mặc áo giáp tinh tấn, các ngài nỗ lực hết sức hướng tới sự giải thoát cho hết thảy chúng sanh khiến họ cuối cùng được đến Niết bàn.

“Bồ tát học như vậy là như nắm bắt hư không mà học. Tại sao thế? Bởi vì tánh của hư không là xa lìa, là Không, là không kiên cố, là không chỗ có. Hết thảy chúng sanh cũng vậy, là xa lìa, là Không, là không kiên cố, là không chỗ có. Nhưng Bồ tát nỗ lực giáo hóa chúng sanh, đưa họ đến cứu cánh Niết bàn.

“Các ngài mặc áo giáp đại nguyên để làm lợi lạc hết thảy chúng sanh, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Nhưng các ngài thấy rõ sự thật rằng tự tánh của chúng sanh và của đại nguyện cũng là xa lìa, là Không, là không kiên cố, là không chỗ có. Thấu rõ như thế, các ngài hoàn toàn không kinh, không nhát, không sợ.

“Các ngài thực hành Bát Nhã ba la mật sâu xa như thế…”

 

SHARE:

Để lại một bình luận