Quảng Bá Pháp Hoa

SHARE:

MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Tác Giả: Đương Đạo, Thiện Tri Thức 2003

1. Mở Đầu
2. Đều Đã Thành Phật Đạo
3. Thọ Ký
4. Nhất Thừa
5. Hiện Bảo Tháp
6. Tùng Địa Dũng Xuất
7. Như Lai Thọ Lượng
8. Như Lai Thần Lực
9. Tin Hiểu
10. Sống Trong Pháp Hoa
11. Quảng Bá Pháp Hoa
12. Lời kết

Quảng Bá Pháp Hoa

Sau khi tin hiểu, sống trong Pháp Hoa, đời sống Pháp Hoa phải dồi dào sung mãn nơi hành giả và đời sống ấy lan tỏa, ảnh hưởng, làm cho những người khác tiếp xúc được với Pháp Hoa. Từ phẩm Pháp Sư thứ mười cho đến phẩm cuối, kinh luôn luôn đề cao việc truyền rộng Pháp Hoa, là “vua trong các kinh”, “kinh này là bậc nhất”. Người nghe kinh Pháp Hoa, dầu chỉ một câu kệ, “Như Lai cũng thọ ký cho”. Người quảng bá Pháp Hoa là “sứ giả của Như Lai”, “người đó đem trang phục của Như Lai mà trang sức cho mình, được Như Lai dùng vai mang vác”, khi ở đời được Phật lực gia hộ, “người ấy được Như Lai lấy y che trùm cho, lại được chư Phật hiện tại ở các phương khác hộ niệm cho, người đó có sức mạnh của đức tin vĩ đại, sức mạnh của chí nguyện, sức mạnh của các thiện căn”. “Phải biết người đó cùng Như Lai ở chung, được Như Lai đưa tay xoa đầu”, “khi chết được ngàn đức Phật trao tay cho”…

Tại sao quảng bá Pháp Hoa quan trọng như vậy ? Từ phẩm Tựa Thứ Nhất, đức Phật phóng quang, đến giảng dạy “Như Lai Thọ Lượng” và hiển bày “Như Lai Thần Lực”, đến các hạnh của chư đại Bồ tát để tương ưng với Pháp Hoa, cho đến các vị Bồ tát và Hộ pháp thệ nguyện ủng hộ, đều là công việc quảng bá Pháp Hoa. Bởi thế khi quảng bá Pháp Hoa qua thân, ngữ, tâm của mình, chúng ta tương ưng được với Pháp Hoa trong tất cả thể, tướng, dụng… của nó, tức là mọi khía cạnh của Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo. Nói cụ thể và chỉ trong một phương diện, nếu chúng ta dùng bao nhiêu ‘thần lực’ của chúng ta để quảng bá Pháp Hoa thì chúng ta sẽ tương ưng được bấy nhiêu “Như Lai Thần Lực” đang quảng bá Pháp Hoa.

Sống được Pháp Hoa và quảng bá Pháp Hoa là hai việc bổ túc lẫn nhau. Sự sống Pháp Hoa bên trong tự nhiên tỏa rộng ra bên ngoài, tâm của hành giả Pháp Hoa càng ngày càng mở rộng và đi sâu vào thực tại Pháp Hoa, và như thế sẽ lan ra, ảnh hưởng đến những người khác. Ngược lại, công việc quảng bá Pháp Hoa, dầu biểu hiện trên nhiều hình tướng hay biểu hiện thầm lặng trong tâm, sẽ làm hành giả càng ngày càng sống Pháp Hoa sâu rộng hơn. Quá trình thể nghiệm Phật tánh Chân Không Diệu Hữu nơi chính mình, đưa sự thể nghiệm ấy ra ngoài để tiếp xúc với Phật tánh của chúng sanh và thế giới là một quá trình mở rộng sự tin hiểu Pháp Hoa nơi chính mình. Việc mở rộng sự tin hiểu Pháp Hoa ra với những người khác lại làm cho sự tin hiểu Pháp Hoa ở chính mình – tức là Trí Huệ và Từ Bi – sâu xa và rộng lớn hơn. Cuối cùng sự thể nghiệm toàn triệt Pháp Hoa bao trùm cả mình lẫn người, ta và vật, tâm và cảnh, tất cả đều nằm trong Phật tánh, tất cả đều là Phật tánh và không có cái gì ở ngoài Phật tánh cả.

Nếu người nói kinh này
Nên vào nhà Như Lai
Mặc y của Như Lai
Đại từ bi là nhà
Y : nhu hòa nhẫn nhục
Các pháp Không làm tòa.

Chúng ta thấy sự quảng bá, mở rộng Pháp Hoa được thể hiện bằng trí huệ (pháp Không làm tòa), bằng thương yêu (đại từ bi là nhà) và bằng chí nguyện (nhu hòa nhẫn nhục làm y). Cả ba cái đó tương thông với nhau, hỗ trợ cho nhau, làm thành nhân cách Pháp Hoa. Chúng ta có thể tự xét mình bằng ba cái đó. Nơi chúng ta cả ba cái đã đồng bộ với nhau ở mức độ nào – không thể nào có chuyện cái này quá nhiều, cái kia thì quá ít. Nếu cái này quá nhiều cái kia quá ít thì phải xem lại cái quá nhiều kia, chắc là chúng ta tự đánh giá sai lầm, lớn quá về cái quá nhiều. Bởi vì cả ba phải đồng bộ, có xê xích nhau do thiện căn của những đời trước thì cũng chỉ xê xích nhau chút ít. Không thể có chuyện trí huệ quá nhiều mà từ bi quá ít, hay chí nguyện quá nhiều mà trí huệ quá ít.

Về mặt trí huệ, chúng ta phải tin hiểu được tánh Không, tức là tính cách duyên sanh, vô ngã, vô tự tánh của tất cả các pháp, do đó mà tâm ta mở rộng, suốt thông, không có những chướng ngại với các pháp. Một tâm rỗng rang, khai mở, suốt thông, không bám vướng, sẵn sàng hợp nhất trong cùng một bản tánh rỗng rang với tất cả các pháp, đó là kết quả của sự tu học tánh Không. Không có ngã và không có pháp là môi trường để quảng bá Pháp Hoa.

Về mặt từ bi, một tâm thương yêu tất cả, và vì thương yêu mà vượt thoát khỏi những quan tâm, những rối rắm, những quanh quẩn về chính mình và của chính mình để hợp nhất trong bản tánh rỗng rang của tất cả các pháp – hợp nhất trong pháp tánh – là điều kiện để quảng bá Pháp Hoa. Với một tấm lòng đầy đủ thương yêu, khi gặp bất kỳ người nào, một khuôn mặt nào, người ta thấy mình có tất cả rỗng rang đồng thời tất cả sự dư dật phong phú để có thể hy sinh toàn bộ cuộc đời của mình cho người đó, có thể cho đi hết cả cuộc đời mình một cách nhưng không, mà không đòi hỏi, không có điều kiện, không hối tiếc, không thấy hao hụt, vì người ta đang ở trong một cái gì vô tận. Khi ấy người ấy bắt đầu hiểu thế nào là kho tàng thương yêu của vũ trụ, thế nào là đại từ bi tạng. Khi đó cuộc đời người ấy có nhiều những giây phút xuất thần (chữ xuất thần extase, theo nguyên ngữ là sự vượt ra khỏi hiện hữu bình thường của mình) trong tình thương vô tận, trong niềm vui tươi vô tận.

Có thể nói trong một chừng mực nào, Như Lai Thọ Lượng là sự tiếp cận của Trí Huệ. Và Như Lai Thần Lực, đó là sự tiếp cận của Thương Yêu.

Về mặt chí nguyện hay nguyện lực, chí nguyện của một hành giả Pháp hoa làm cho người ấy hợp thông được với nguyện lực hộ trì Pháp Hoa của chư Phật, chư Đại Bồ tát. Chí nguyện đó đưa người ấy vào thế giới nguyện lực của Pháp Hoa, tiếp cận với đại nguyện tạng của chư Phật, chư Đại Bồ tát và do đó được truyền thêm sức mạnh để thọ trì và quảng bá Pháp Hoa. Nếu chúng ta có đủ niềm tin, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới mình đang ở này được duy trì trong nguyện vọng thành tựu giác ngộ, tức là được duy trì trong Pháp Hoa và trong việc khai thị ngộ nhập Pháp Hoa của Phật và Đại Bồ tát. Bởi thế, chí nguyện quảng bá Pháp Hoa đưa hành giả trở thành một người con của Phật, một người em nhỏ của các Bồ tát, bước “vào nhà Như Lai”, “mặc y của Như Lai”, “ngồi tòa Như Lai”.

Với chí nguyện rộng truyền Pháp Hoa, hành giả tiếp xúc được với Thọ Mạng Như Lai – tức là nền tảng của Pháp Hoa – và Thần Lực Như Lai – tức là sức mạnh diễn giải Pháp Hoa trong tất cả các pháp. Bởi thế do chí nguyện này mà sự tin hiểu Pháp Hoa càng sâu xa và rộng lớn thêm. Chí nguyện là một “sứ giả của Như Lai” tức là người trung gian giữa Như Lai và cái thấy biết của Như Lai với chúng sanh, người trung gian đó không nhiều thì ít đương nhiên thọ hưởng được, phản ánh được phần nào kho tàng của Như Lai, tức là Thọ Lượng và Thần Lực của Như Lai.

Sự quảng bá Pháp Hoa có thể được thực hiện theo nhiều đường lối, nhưng tất cả được đặt nền trên ba cột trụ chánh này. Mỗi hành giả Pháp Hoa khai triển sự quảng bá tùy theo căn tánh, thiện căn của mình. Tuy nhiên, đường nét tổng quát vẫn là công trình hợp nhất sự tin hiểu của mình với sự tin hiểu – tức tri kiến – của Phật, hợp nhất tình thương yêu của mình với lòng thương yêu – tức vô tác diệu lực – của Phật, hợp nhất chí nguyện của mình với nguyện lực của Phật và chư Bồ tát… Với sức mạnh của sự hợp nhất đó, mở rộng ra, quảng bá ra trên bình diện xã hội, đó là công trình “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh“ mà các kinh điển Đại thừa đều nói đến.

Trong một cái nhìn trí huệ, khi nhìn vào thế giới và những con người, chúng ta sẽ thấy mọi sự như đang nhìn chính khuôn mặt mình trong gương. Nếu như những con người và cuộc đời sáng sủa tốt đẹp thì ‘khuôn mặt’ của ta cũng sáng sủa tốt đẹp. Nếu người khác và cuộc đời đầy chất Pháp Hoa – nghĩa là chất Trí Huệ và Từ Bi – thì ‘khuôn mặt’ ta cũng đầy chất Pháp Hoa. Nói thế nghĩa là nếu chúng ta quảng bá được Pháp Hoa cho người khác và xã hội để hình tướng cuộc đời này thêm tươi đẹp – tươi đẹp cũng là một phẩm tính của Pháp Hoa –, thì hình tướng của khuôn mặt chúng ta trong gương tâm vũ trụ cũng tươi đẹp. Đây chỉ là sự giải thích tạm một phần ý nghĩa của câu kinh : “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”.

Khi người khác tin hiểu được Pháp Hoa, đó tức là chúng ta tin hiểu Pháp Hoa, khi người khác thoát khổ tức là chúng ta thoát khổ, khi thế giới đầy chất Pháp Hoa thì chúng ta cũng đầy chất Pháp Hoa. Lúc đó ta và người khác là một, ta và thế giới là một. “Tâm, Phật, và chúng sanh. Cả ba không sai khác“, kinh Hoa Nghiêm nói như vậy. Đó cũng là Nhất Chân Pháp Giới của Pháp Hoa.

SHARE:

Trả lời