Mở Đầu

SHARE:

MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Tác Giả: Đương Đạo, Thiện Tri Thức 2003

1. Mở Đầu
2. Đều Đã Thành Phật Đạo
3. Thọ Ký
4. Nhất Thừa
5. Hiện Bảo Tháp
6. Tùng Địa Dũng Xuất
7. Như Lai Thọ Lượng
8. Như Lai Thần Lực
9. Tin Hiểu
10. Sống Trong Pháp Hoa
11. Quảng Bá Pháp Hoa
12. Lời kết

Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đưa người ta đến một sự chuyển hóa toàn triệt và toàn diện cuộc đời sanh tử khổ đau manh mún bởi chia cắt, phân biệt, oán ghét và xung đột của mình bằng cái thấy biết chân thật của Phật (tri kiến Phật). Sự chuyển hóa rất mạnh mẽ, bùng nổ, toàn triệt như rất nhiều chữ trong kinh đã nói lên điều đó. Có lẽ vì théá mà kinh được xưng là “vua của các kinh”, với rất nhiều đoạn ca ngợi sự ích lợi, công đức của người thọ trì kinh.

Ví dụ chữ Hoa Sen trong đầu đề kinh. Chữ này khi để nói về con người, nó chỉ cho Phật tánh nơi mỗi chúng sanh, bởi thế khi đức Phật nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” có nghĩa là mỗi chúng sanh đều là một hoa sen.

Trong các kinh Nikaya Nam truyền nói rằng vừa sau khi giác ngộ, đức Phật quan sát thế gian : “Ngài nhận thấy chúng sanh như những hoa sen trong đầm đủ màu xanh, đỏ, trắng lẫn lộn. Có hoa sen còn nằm trong bùn, có hoa đã lên trong nước, có hoa đã vươn gần mặt nước và có hoa đã vượt khỏi mặt nước. Thấy thế ngài quyết định truyền bá giáo pháp bằng lời tuyên bố : Cửa Vô Sanh Bất Diệt đã mở cho tất cả chúng sanh. Hãy để cho ai có tâm muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng.” Có lẽ đạo Phật có mặt ở đời vì cái nhìn thấy chúng sanh như những hoa sen này.

Kinh Pháp Hoa được xem là kinh cao quý nhất thuyết vào thời chót trước khi đức Phật nhập diệt là sự triển khai toàn bộ về hoa sen Phật tánh ấy.

Chỉ cần nhìn trong một khía cạnh của kinh Pháp Hoa, tức là thấy tất cả mọi người là hoa sen, thấy được như vậy thì có đầy đủ tất cả giới, định, huệ, đầy đủ từ bi hỷ xả, bố thí, nhẫn nhục cho đến trí huệ ba la mật. Khi thấy người khác là hoa sen, dù còn nằm trong bùn, tin được lời Phật dạy “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, tự nhiên chúng ta không thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối…, tự nhiên chúng ta có đủ trân trọng, thương yêu và nhẫn nhục, tự nhiên chúng ta có hạnh Thường Bất Khinh Bồ tát, tự nhiên chúng ta tiếp thông được với nguồn năng lực và niềm vui duy trì và lưu xuất ra mọi hình thái đời sống này.

Như vậy, cái thấy biết “hoa sen” đã chuyển hóa toàn triệt những mối tương quan giữa người với người, với thế giới và với chính mình.

Kinh Pháp Hoa nói về hoa sen, mà gần gũi nhất là hoa sen nơi chính mình, những phẩm tính của hoa sen nơi chính mình. Bí quyết của người đọc tụng, giải nói Pháp Hoa là khai, thị, ngộ, nhập cái hoa sen Phật tánh ấy nơi mình. Hành giả Pháp Hoa là người sống cái hoa sen ấy nơi mình, càng lúc càng làm nó nở lớn hơn, tỏa hương hơn và hỗ trợ làm nở hoa sen nơi người khác.

Điều cốt lõi của kinh Pháp Hoa là Chân Không Diệu Hữu. Nó không nghiêng nhiều về mặt Chân Không, về mặt trí huệ như hệ thống Bát Nhã. Nó là sự hợp nhất của chân lý tương đối (thế đế) và chân lý tuyệt đối (chân đế), của căn bản trí (vô sai biệt trí) và hậu đắc trí (sai biệt trí). Tóm lại, nó là Phật quả.

Pháp Hoa là Chân Không Diệu Hữu. Chân Không là lĩnh vực của Trí Huệ. Diệu Hữu là lĩnh vực của Từ Bi. Chỉ riêng một chữ Diệu trong đề kinh đã nói lên sự hợp nhất của Chân Không và Diệu Hữu, của Trí Huệ và Từ Bi.

Ở đây chúng ta chỉ nói đến mười tư tưởng của Pháp Hoa để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta nên nhớ trước khi nói kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa và nhập định Vô Lượng Nghĩa Xứ. Thế nghĩa là kinh Pháp Hoa có vô lượng nghĩa như pháp giới có vô lượng nghĩa. Chúng ta chỉ chọn mười tư tưởng để bước đầu đi vào Pháp Hoa. Và những tư tưởng ấy chỉ được khai triển trong những bước đầu tiên – vì có những điều thâm mật đến nỗi đức Phật cũng không nói thẳng mà chỉ dùng ẩn dụ –, còn phần sâu xa và rộng lớn của kinh Pháp Hoa là do mỗi cá nhân hành giả sống được bao nhiêu với hoa sen Phật tánh ấy nơi mình và nơi chúng sanh và thế giới. Sự thâm nhập Pháp Hoa tùy thuộc vào mức độ nở lớn của hoa sen nơi chính mình. Đó là công trình của mỗi cá nhân trong chốn thâm mật của mình với sự gia hộ của chư Phật chư Bồ tát.

Cuối cùng kinh Diệu Pháp Liên Hoa không chỉ là “vua của các kinh”, mà đối với đạo Phật Việt Nam, nó là một cuốn kinh chính. Kể từ khi có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 2, 3 đến thời kỳ ảnh hưởng mạnh của kinh Pháp Hoa ở hai thời Lý-Trần, chúng ta thấy nhiều Thiền sư đã trì kinh và giảng dạy kinh Pháp Hoa. Cho đến ngày nay, kinh Pháp Hoa vẫn là cuốn kinh được dịch, in nhiều nhất, được đọc tụng nhiều nhất, được giảng dạy nhiều nhất. Có thể có một nhận định rằng kinh Pháp Hoa gắn liền với Phật giáo Việt Nam. Ít nhất, trong mức độ bình thường của chúng ta, việc thọ trì, đọc tụng, rộng nói kinh Pháp Hoa là một việc ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình, xã hội, sẽ làm cho cá nhân và xã hội tốt đẹp thêm lên. Đó cũng là ước mong của tất cả chúng ta.

SHARE:

Trả lời