Tiêu trừ mê lầm trên Con đường

SHARE:

VÒNG HOA BÁU BỐN PHÁP
Một dẫn nhập vào Đại Toàn Thiện
Longchen Rabjampa Drime Wozer với bình giảng miệng của Đức Ngài  DudjomRinpoche và Beru Khyentse Rinpoche.
Dịch, ấn hành bởi Alexander Berzin với sự cộng tác của  Sharpa Tulku và Matthew Kapstein.
THƯ VIỆN NHỮNG TÁC PHẨM VÀ TÀI LIỆU TÂY TẠNG
Việt dịch: Đương Đạo
NXB Thiện Tri Thức 2014

1. Lời nói đầu
2. Vòng Hoa Báu Bốn Pháp
3. Mở đầu
4. Chuyển hướng tâm bạn về Pháp
5. Thực hành Pháp như một Con đường
6. Tiêu trừ mê lầm trên Con đường
7. Tịnh hóa mê lầm thành tánh Giác nguyên sơ
8. Lời kết của tác giả
9. Chú thích

TIÊU TRỪ MÊ LẦM TRÊN CON ĐƯỜNG

Hơn nữa, có những phương pháp chung, đặc biệt và vô song để tiêu trừ mê lầm trên con đường.

Khi chấp nhận việc đi trên con đường đạo sau khi xoay hướng tâm bạn về Pháp, cốt yếu là tiêu trừ mọi mê lầm và mọi gốc rễ của sai lạc. Nếu không, sẽ có nhiều trở ngại và che chướng.

Cái thứ nhất là con đường Đại thừa chung. Trên đó bạn trau dồi động lực Bồ đề tâm trên cơ sở của bốn tâm vô lượng. Có được như vậy với cầu nguyện và lòng bi, bạn loại trừ mê lầm (cản trở tiến bộ của bạn) bằng cách làm việc hăng say (cho những người khác). Với Bồ đề tâm có bản chất là tánh Không và lòng bi, bạn sẽ có thể đáp ứng trọn vẹn mục tiêu của bạn và của những người khác.

Có hai cấp độ của Bồ đề tâm, tương đối và tối hậu. Cái trước là động lực đạt đến giác ngộ để có thể giải thoát tất cả chúng sanh và được phát triển qua lòng bi. Cái sau là sự chứng ngộ thật tánh của thực tại và được trau dồi qua thiền định tánh Không. Với sự đạt đến hai cái đó hợp nhất với nhau, tức là phương tiện và trí huệ, bạn hoàn thành Phật quả và khả năng đáp ứng những mục đích của mọi người tức là thoát khỏi khổ đau.

Để xóa sạch những vết bẩn vô thường khỏi tánh Không của tất cả mọi sự, vốn đầy đủ công đức và không bị điều kiện hóa, bạn phải thiền định về ba mươi bảy phẩm trợ đạo khi ở trên con đường tích tập, chuẩn bị, thấy và thiền định (3).

Trong Phật quả bạn hoàn toàn chứng ngộ Phật tánh của bạn, nó đồng nghĩa với tánh Không của mọi sự, bản tánh thường trụ không do duyên của thực tại. Tuy nhiên, Phật tánh của bạn bị che ám bới những vết bẩn không bền của vô minh, mê lầm, những nhiễm ô về đạo đức và tâm trí… Để rửa sạch chúng, bạn phải vượt qua bốn con đường của những cấp độ, trên đó bạn thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo dẫn bạn đến hoàn hảo.

Bạn phải thấu hiểu đầy đủ kiến giải về mười sáu loại tánh Không thanh tịnh và đúng đắn và hoàn tất thực hành không lầm lỗi sáu ba la mật. Và đặc biệt về trí huệ ba la mật, bạn phải thấu hiểu tính vô ngã, vô tự tánh, quy ước của cái tôi và của mọi hiện tượng. Dùng những phương pháp này như một đối trị, bạn xóa sạch những nhiễm ô đạo đức và tâm trí. Đây là con đường tuyệt hảo của những Bồ tát.

Con đường này có thể được khảo sát tỉ mỉ hơn như sau.

Dù mọi sự hiện hữu (ở cấp độ quy ước) chỉ theo cách những ảo ảnh, giấc mộng và những hình tướng xuất hiện dối lừa, bạn từ bỏ và chấp nhận (thực hành thích hợp trên con đường giác ngộ), hãy làm việc vì lợi lạc của những người khác, tránh những hành động bất thiện và đảm đương những hành động thiện. Bạn rửa sạch những nhiễm ô của tham muốn, ghê tởm do sợ và giận, và tâm thức đóng kín với nước của (những đối trị của chúng, nghĩa là thiền định về) xấu xí bất tịnh, tình thương và sanh khởi tùy thuộc lẫn nhau.

Về hai cấp độ chân lý, trong thực tại tương đối hay tác dụng, mọi vật giống như ảo ảnh hay giấc mộng. Tuy nhiên, căn cứ vào những điều này, bạn thực hành và làm lợi lạc những người khác qua sáu ba la mật và những phương pháp khác được đề cập trong kinh Đại thừa. Bạn áp dụng những cái chống đối trực tiếp với những mê lầm của bạn bằng cách thiền định những cái đối nghịch của chúng. Chẳng hạn, để làm tiêu tan tham muốn khát khao bạn thiền định về sự xấu xí bất toàn của cái mà bạn mong sở hữu. Bạn khai triển tình thương đối với cái bạn ghét và phá tan tâm trí hẹp hòi chấp chặt bằng cách nghiên cứu cơ cấu duyên sanh. Nhờ những phương pháp như vậy bạn có thể vượt thắng và tiêu trừ mê lầm của những nhiễm ô che ám Phật tánh của bạn và như vậy con đường đến giác ngộ sẽ trở nên sáng tỏ và rộng mở.

Bởi vì cấp độ tối hậu của chân lý là vô sanh và thanh tịnh, nó không có nhị nguyên phân biệt sanh tử và niết bàn. Nó thoát khỏi mọi tạo tác của tâm thức.

Để trau dồi Bồ đề tâm tối hậu, bạn phải thấu hiểu rằng bản tánh tối hậu, thường trụ của thực tại không phải là cái gì được sanh ra từ những nhân và duyên. Nó hoàn toàn thanh tịnh và thoát khỏi những tạo tác tâm thức như những phân chia sanh tử và niết bàn, đức hạnh và không đức hạnh, tốt và xấu, và vân vân.

Khi bạn đã xác minh nghĩa của Trí huệ ba la mật, nó là tánh Không của cái tôi và mọi hiện tượng quy ước, không còn hai cực đoan sanh tử và niết bàn. Những phân chia như vậy là những hình tướng lừa dối của cấp độ chân lý tương đối. Từ quan điểm của cấp độ tối hậu, bấy giờ chỉ có tánh Không. Sự hợp nhất của hai cấp độ này là cái thấy tối thượng.

Đây là nghĩa của hai chân lý. Con đường của sự sanh khởi phụ thuộc lẫn nhau (duyên sanh) là Đại thừa “nhân” của nghiên cứu triết học.

Sự xuất hiện của mọi sự vật của sanh tử và niết bàn đặt nền trên những tiến trình nhân của duyên sanh. Những xuất hiện ấy là không chối cải. Chúng là trò phô diễn tự nhiên không ngừng của tánh Không, như trò chơi của ánh sáng, trò chơi của những xoáy và sóng trên nước và tiếng xào xạc của lá. Mọi sự của thực tại tương đối đều theo cách như vậy. Nhưng bởi vì những xuất hiện là không thể bác bỏ, nên có cấp độ tương đối hay hiệu dụng của chân lý.

Trên cấp độ tối hậu, không có những sự vật được nhận biết một cách chắc chắn ngoài cái một vị của sự vắng mặt tất cả tạo tác ý niệm. Thực tại tối hậu siêu vượt khỏi sự phân chia thành chủ thể và đối tượng. Nó là nền tảng, cái vô sanh, cách thế hiện hữu thanh tịnh của những xuất hiện của cấp độ tương đối. Như vậy hai cấp độ chân lý là không tách lìa nhau.

Về sự xác minh nghĩa của tánh Không, cả cách tiếp cận của Kinh thừa và của Đại Toàn Thiện đều như nhau. Hai hệ thống có thể đặt tên và phân chia sự vật một cách khác nhau, nhưng dù chúng làm cách nào, bản chất của tánh Không là một. Đặc trưng phân biệt ở đây là trong Đại thừa nhân khi bạn trau dồi tâm mình bạn trở nên càng lúc càng thông thái nhờ những nghiên cứu triết học và như vậy làm rộng tầm nhìn của bạn không ngừng. Nó được biết như là “nhân” bởi vì trên nhân ấy bạn thực hành con đường của những nguyên nhân như là sáu ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo và những kỷ luật đạo đức và trí thức khác nhau để đạt đến Phật quả. Phật quả xuất hiện như là kết quả khi mọi nguyên nhân như vậy đã trọn đủ.

Phát triển hai loại Bồ đề tâm tương đối và tối hậu, và xác minh nghĩa của hai cấp độ của chân lý, là những giáo huấn để tiêu trừ mê lầm trên con đường Đại thừa chung của những kinh điển.

Con đường Đại thừa đặc biệt của những tantra bí mật có bên ngoài và bên trong. Nó có phương pháp tối cao không thể nghĩ bàn của sự hợp nhất những giai đoạn phát triển và thành tựu nhờ đó bạn xóa tan mê lầm qua những giai đoạn khác nhau.

Cả giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu của tantra gồm những thực hành khác nhau để loại bỏ nhận thức bất tịnh, lừa dối, che ám con đường. Cái trước gồm những quán tưởng phức tạp và cái sau là thiền định về tánh Không. Thực hành chỉ một giai đoạn là không đủ. Những quán tưởng cần trở nên cụ thể; bạn phải nhận biết rằng nền tảng của chúng là tánh Không, hơn nữa, tánh Không cần phải không được xem là bác bỏ mọi sự vật một cách hư vô chủ nghĩa. Nó không ngăn chặn duyên sanh. Như vậy sự hợp nhất (yuganaddha) của giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu có nghĩa là sự thực hành đồng thời cả hai – không phải làm cái này mà không có cái kia.

Trong ba tantra bên ngoài, sự nhấn mạnh chính yếu là vào tịnh hóa. Bạn từ bỏ và giữ lấy cái thích hợp và như vậy loại trừ những vết bẩn bằng cách áp dụng những đối trị.

Ở cấp độ thực hành ba tantra bên ngoài – krya, charya và yoga – bạn chưa có thể chuyển hóa mê lầm hay nhiễm ô thành tánh giác nguyên sơ. Thế nên bạn từ bỏ cái trước và giữ lấy cái sau. Bạn áp dụng trực tiếp những đối trị chống lại những nhiễm ô về đạo đức và tâm thức như những thực hành tịnh hóa tắm rửa và xức dầu theo nghi lễ, thiền định về từ và bi…

Lần lượt thực hành chúng nghĩa là áp dụng bất kỳ đối trị nào cần thiết đối với bất kỳ nhiễm ô nào có mặt hay vắng mặt trong một hoàn cảnh nhất định. Bởi vì con đường được quan niệm theo những nhiễm ô được chùi sạch và những đối trị để chùi sạch chúng, nên có sự áp dụng lần lượt này. Những tantra bên ngoài thì rất khó thực hành.

Về những tantra bên trong, do tánh giác nguyên sơ vốn là một nhất thể không phân chia, những cái cần bỏ trở thành con đường nhờ áp dụng những phương tiện.

Những tantra bên trong là maha-yoga, anu-yoga và ati-yoga. Trong thực hành chúng, bạn chứng biết tánh giác nguyên sơ (jnana, yeshes), nó là một nhất thể không phân chia của phương pháp và trí tuệ – nói cách khác, nhất thể của thực tại tương đối và tối hậu từ quan điểm nhất thể này là một chức năng hiểu biết. Nhờ sự toàn vẹn của tánh giác nguyên sơ này, những cái ấy được từ bỏ, như những nhiễm ô cùng với khổ đau của chúng được sử dụng, khi chúng khởi lên, như những phương diện của con đường qua sự áp dụng những phương tiện thích hợp. Điều này không có nghĩa bạn khuyến khích sự sanh khởi những trạng thái nhiễm ô của tâm. Đúng ra, không cần hành động cố ý từ bỏ những mê lầm; chúng tự động được siêu vượt với tánh giác. Đây là điểm đặc trưng phân biệt của ba tantra bên trong cao hơn.

Mọi sự xuất hiện một cách tự nhiên trên mạn đà la, cái này là nền tảng bao la, Phật tánh, và hãy đơn giản làm như vậy bằng chính tâm bạn.

Thực tại tối hậu là mạn đà la của không gian thanh tịnh hoàn hảo của tánh Không. Nó giống như một cái gương “ảo thuật”. Cái xuất hiện không ngăn ngại trong đó là mọi sự vật của thực tại tương đối, kể cả tâm của bạn. Những sự vật này xuất hiện tự nhiên trên tấm gương “ảo thuật” này, bằng và đến tâm bạn. Không có thực tại thứ ba nào là một tâm hiện hữu thực sự hay những đối vật nơi thực tại tối hậu của tấm gương và nơi thực tại tương đối của những hình bóng trong đó.

Chúng là những lừa dối mê mờ và không hiện hữu thực sự. Chúng là những hình tướng trống không tuy nhiên xuất hiện một cách phân biệt như năm uẩn và các giác quan, các trần, giới, xứ…. Được nhìn một cách thanh tịnh, chúng là các bộ Phật và .v.v..

Mọi hiện tượng của thực tại tương đối đều trống không trong bản chất. Chúng có vẻ hiện hữu, nhưng không thực chút nào. Tuy nhiên từ tánh Không những xuất hiện hình tướng khác biệt sanh khởi, chẳng hạn những sắc. Chúng là những phản chiếu trong tấm gương “ảo thuật”, tánh Không, và xuất hiện khác nhau như các uẩn và thức của bạn, năng lực nhận biết và những tương đối của tâm và các giác quan của bạn. Với thị kiến thanh tịnh bạn kinh nghiệm chúng trong một cách vi tế hơn. Bạn nhìn thấy năm uẩn của bạn là năm vị Phật Thiền, năm nguyên tố của thân (đất, nước, lửa, gió và không gian) là năm phối ngẫu (của năm vị Phật Thiền), tám thức là tám Bồ tát thiền định và vân vân. Như thế toàn bộ thân thể và mọi nhiễm ô của bạn được nhìn là có một bản chất của thiêng liêng.

Như vậy trên giai đoạn phát triển tất cả mọi xuất hiện được hợp nhất thành một mạn đà la đơn nhất. Những thân thể trở thành những bổn tôn, ngữ trở thành thần chú, và những tư tưởng là sự khởi lên và tan vào của tánh giác nguyên sơ. Theo cách này những xuất hiện lừa dối của đời thường được nhìn như một cõi Phật.

Những sự vật tương đối và đời thường có vẻ là cụ thể, thực. Đây là lừa dối vì thật ra chúng không có hiện hữu thật. Khi sự lừa dối mê mờ này được siêu thăng với tánh giác nguyên sơ, chúng được kinh nghiệm hoàn toàn khác, vi tế hơn. Từ quan điểm sự thống nhất của tánh Không và hình tướng xuất hiện, mọi sự thật ra là một cõi Phật hoàn hảo – một mạn đà la đầy những bổn tôn. Không có cái gì ở đây có thể còn được xem là một “xuất hiện lừa dối”.

Mọi thân thể và ngữ đều được trở thành những bổn tôn và thần chú qua loại thị kiến thanh tịnh này. Bất cứ ý nghĩ hay nhớ tưởng nào xảy ra đều được nhìn là trò chơi của tánh giác nguyên sơ nhờ quán tưởng tánh giác trong những hình thức khác nhau lưu xuất từ bạn rồi lại thu vào. Thực hành toàn bộ này trong đó cần thiết chuyển hóa thân, ngữ, tâm thành những bổn tôn, thần chú… để loại bỏ mê lầm về chúng là con đường của giai đoạn phát triển.

Qua giai đoạn thành tựu, bạn đi vào lĩnh vực của tịnh quang không thể nghĩ bàn trong đó mọi sự ở trong trạng thái tánh Không hiện thực. Điều này thành tựu qua những phương pháp yoga liên hệ với những kinh mạch năng lượng, những dòng năng lượng và những năng lượng sáng tạo. Thức và những dòng năng lượng được bạn kiểm soát và trở nên hữu dụng.

Trên giai đoạn thành tựu của các tantra bên trong, bạn xem thân thể là những kinh mạch năng lượng (nadi), ngữ của bạn là những dòng năng lượng (prana, khí) và tâm của bạn là những năng lượng sáng tạo (bindu). Khi thực hành những phương pháp yoga liên quan đến những hệ thống năng lượng này, bạn thiền định về bản tánh của tâm là tánh giác nguyên sơ mang tính chất đại lạc. Như một kết quả, những dòng năng lượng này trở nên có thể sử dụng để hoàn thành những chứng đắc thần lực thế gian và siêu thế gian (siddhi). Có nhiều thí dụ về những Đại thành tựu giả (Mahasiddha) trong quá khứ đã thực hiện những công việc kỳ diệu nhờ đã làm chủ những phương pháp như vậy. Những việc ấy có thể xem từ tiểu sử của các vị.

Lãnh vực tánh Không và tánh giác nguyên sơ trở nên nối kết. Nhất thể không thể phân chia này là con đường của Đại Ấn (Mahamudra). Đây là Kim Cương thừa “quả” của những tantra bí mật.

Qua những kỹ thuật ở trên bạn chứng ngộ nhất thể của tánh Không và tánh giác nguyên sơ, hay nói cách khác, của tánh Không và sự phô diễn vô ngại của nó. Như vậy bạn đạt Thân tánh giác nguyên sơ (Jnanakaya) của một vị Phật, phương diện biết của Thân Bản tánh Tinh túy (Svabhavakaya) – cái sau là bản tánh thường trụ của tất cả thực tại. Bởi vì Phật quả được hiểu là đồng nhất với bản tánh thường trụ này, không cần liên hệ với những nguyên nhân cho sự sanh khởi của nó. Đúng hơn, sự nhấn mạnh được đặt vào sự trau dồi sự chứng ngộ thực tại này. Như vậy con đường Đại Ấn của những tantra liên hệ một cách liên tục với những kết quả hay mục tiêu của nó, tức là trạng thái Phật quả, và bởi thế nó được ám chỉ đến như là con đường “quả”.

Yoga những kinh mạch năng lượng…. là bản sắc hàng đầu của anu-yoga. Nó cũng được thực hành trong ati-yoga, và cũng như ati, trong maha-yoga. Thật vậy, tất cả ba tantra bên trong đều thâm nhập lẫn nhau, hiện thân những phương diện của nhau. Một thực hành nào đó được xếp loại là maha, anu, hay ati-yoga trong quy chiếu với cái được nhấn mạnh hay đề cao trong đó. Bản sắc nổi bậc của một thực hành maha-yoga là giai đoạn phát triển, của anu-yoga hay Đại Toàn Thiện (Dzogchen) là sự trau dồi chứng ngộ tánh Không của mọi vật. Tuy nhiên, mỗi thực hành này đều có những giai đoạn phát triển (maha), thành tựu (anu) và Đại Toàn Thiện (ati). Bởi ý định trình bày một cách lý thuyết, dễ hiểu hơn nếu ba tantra bên trong được đề cập riêng rẻ.

Chẳng hạn, trong một thực hành maha-yoga bạn bắt đầu với thiền định về tánh Không, thấy mọi sự được tịnh hóa thành tánh Không. Từ trạng thái này sanh khởi những làn sóng mạnh mẽ của động lực lòng bi. Điều này được gọi là “tập trung nhất điểm xuất hiện mọi nơi”. Khi sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi được thiết lập qua thiền định như vậy, nó được gọi là “tập trung nhất tâm vào tánh Như”.

Trong trạng thái này sự sanh khởi của tánh giác thanh tịnh được thực hành qua thiền định về một chủng tử tự được quán tưởng như “HUM”. Những tia sáng được phát ra từ nó, tịnh hóa toàn bộ môi trường sanh tử và chúng sanh trong đó. Tất cả được thấu hiểu là tánh Không. Qua một tiến trình như vậy thế giới trở thành một cõi Phật hay một cõi linh thiêng của một bổn tôn thiền định, những buyn đinh trở thành lâu đài thượng giới của bổn tôn và tâm bạn trở thành chủng tử tự. Nếu chữ này là HUM, bấy giờ ở giai đoạn kế tiếp nó trở thành một kim cương hay trượng sấm sét của Bồ đề tâm .Từ kim cương này, ánh sáng phát ra và rồi trở thành bổn tôn thiền định, chẳng hạn Vajrasattva. Tiến hành như vậy qua nhiều giai đoạn dài, bạn thực hành giai đoạn phát triển của tantra maha_yoga.

Trong một thực hành anu_yoga những giai đoạn trên được rút ngắn cách nào đó. Nhấn mạnh nhất là vào sự làm chủ yoga liên hệ với những kinh mạch năng lượng, dòng năng lượng và những năng lượng sáng tạo.

Ati-yoga hay Dzogchen thường được biết như “maha-ati”,ở đây “maha” ám chỉ sự thực hành một giai đoạn phát triển trong maha-yoga. Theo nghĩa đen “maha” là “lớn, đại” và “ati” là “nhất”. Chứng ngộ bản tánh thường trụ của thực tại là thực hành cao nhất hay tối thượng.

Lý do tại sao một giai đoạn phát triển maha-yoga phải được kết nối với một thực hành anu hay ati-yoga là như sau. Nếu bạn đã không thiền định ít nhất đến một mức độ nào đó về quán tưởng Guru Rinpoche hay một bổn tôn khác và tụng thần chú của ngài, bạn sẽ không có gì để đặt nền trên đó cho sự thực hành một giai đoạn thành tựu của anu-yoga. Bạn sẽ thiếu một bối cảnh trong đó thiền định về hệ thống năng lượng và tánh Không. Cũng vậy nếu bạn không tu hành một giai đoạn phát triển chủ tâm quán tưởng một bổn tôn và tụng một thần chú, thì trong ati-yoga bạn sẽ không có cơ sở hay căn cứ cho phép bạn kinh nghiệm mọi sự một cách tự nhiên là một mạn đà la hoàn hảo, là bổn tôn …. Như vậy ba tantra bên trong không được thực hành một cách riêng lẻ.

Thừa tối cao vô song là Dzogchen. Đại Toàn Thiện, có tác dụng đưa bạn trực tiếp vào cõi giới của cái vốn tự nhiên hiện hữu ở đó. Cõi giới hay lãnh vực này, nó là nền tảng, thì bất biến. Tất cả mọi phẩm tính tốt trong nó thì tự nhiên, tự phát như mặt trời, mặt trăng, các hành tinh và vì sao có trong bầu trời. Nó không cần được tìm kiếm bởi vì nó đã hiện hữu tự nhiên từ thời vô thủy. Không nỗ lực hay cố gắng. Con đường này vốn hiển nhiên.

Cõi giới nền tảng hay “địa tầng thiết lập” thì hiện hữu một cách bổn nguyên, đồng nhất với tánh giác thanh tịnh. Nó không hề biến đổi và như vậy giống với bầu trời hay không gian. Trong không gian này những Thân Phật, những phẩm tính và tánh giác nguyên sơ sanh khởi tự phát như mặt trời, mặt trăng…. xuất hiện trong bầu trời mà không cần tìm kiếm. Những hành tinh và ngôi sao không đến do những nỗ lực của bạn, nhưng bạn thấy chúng. Cũng thế, không có nỗ lực chủ ý bạn có thể thấy biết trực tiếp con đường hiển nhiên của tánh Không, bởi vì bản chất tánh Không là có thể thấy biết trực tiếp. Bấy giờ, Đại Toàn Thiện là con đường của bản thân tánh Không.

Cõi giới mạn đà la của tịnh quang thì không tùy thuộc điều kiện. Nó là Pháp thân vốn sẳn, chủ đích toàn khắp (của chư Phật). Chứng ngộ nó một cách trực tiếp là cái thấy tối thượng về thực tại.

Bản tánh của tánh Không là tịnh quang, nó thanh tịnh và hiện diện từ thời vô thủy. Mạn đà la của cõi giới tịnh quang thì không tùy thuộc những nhân và duyên. Nó là Pháp thân vốn sẳn, bản tánh thường trụ không nhân duyên của mọi sự, tiềm ẩn trong dòng tâm thức của tất cả chúng sanh. Như vậy cõi giới nền tảng của tịnh quang của tánh Không trong dòng tâm thức của mỗi người là toàn khắp như không gian.

Pháp thân (Dharmakaya) là thân (kaya) làm nền tảng cho mọi sự vật (dharma, pháp), mà một vị Phật thấy biết và diễn tả. Nó là hiểu biết tri giác trực tiếp bản tánh tối hậu của cõi giới trống không của mọi sự và là nguyên nhân trực tiếp để một vị Phật hoàn thành những lợi lạc vô thượng cho tất cả chúng sanh.

Phật tánh là tánh Không hay Pháp thân từ quan điểm tiềm năng vốn sẳn của Phật quả. Nó vốn sẳn trong dòng tâm thức của tất cả chúng sanh. Samantabhadra (Phổ Hiền) là Pháp thân được nhân cách hóa như là Phật bổn nguyên (Adi-Buddha). Tâm của Phổ Hiền là một đồng nghĩa với chủ đích của chư Phật và là tánh giác vốn sẳn (svasamveda; rang_rig) nó chứng biết trọn vẹn trạng thái vốn giác ngộ của nó. Nói cách khác, dù tánh giác nguyên sơ vốn là bản tánh thường trụ của thực tại là sẳn có trong dòng tâm thức của tất cả chúng sanh, họ không biết đến nó. Nó bị che khuất trong vô minh hay theo nghĩa đen là “không biết”. Phổ Hiền, tuy nhiên, thì biết trạng thái vốn giác ngộ của mình. Cũng thế, khi bạn trở nên biết thể trạng vốn sẳn có của chính bạn, bạn tìm lại được tâm của Phổ Hiền. Chứng ngộ trực tiếp chủ đích toàn khắp này của chư Phật, tâm của Phổ Hiền, là cái thấy tối thượng về thực tại theo Đại Toàn Thiện. Nó đặt nền trên việc đưa dẫn trực tiếp đệ tử vào Pháp thân vốn sẳn trong dòng tâm thức của chính y.

Trên cõi giới hoàn toàn thanh tịnh này, có những đám mây che ám lướt qua. Chúng là những xuất hiện lừa dối, (phóng chiếu ra bởi) tâm thức của chúng sanh. Do những xuất hiện này, đặt nền trên không có thực, ba cõi và sáu loại chúng sanh duy trì nối tiếp.

Cõi giới trống không của mọi sự thì hoàn toàn thanh tịnh, thoát khỏi mọi tạo tác tâm thức. Trên đó, tâm thức vô minh phóng chiếu những vết dơ như những đám mây che tối bầu trời. Khi những vết dơ này của vô minh hay không biết che ám cõi giới tánh Không, bèn xuất hiện những chỗ ở của ba cõi (dục, sắc, và vô sắc) và sáu loại chúng sanh. Nói cách khác, những vết dơ này xuất hiện là những cõi và chúng sanh của sanh tử, dù về phần chúng, chúng không có hiện hữu thực. Những xuất hiện này sanh khởi từ lừa dối và mê lầm, và vì chúng những chúng sanh lang thang từ một nơi ở vật lý này đến một nơi khác một cách liên tục.

Phật tánh là bản tánh thực của Phổ Hiền vốn có trong mỗi người từ thời vô thủy. Nó thấm nhuần tỏa khắp tất cả chúng sanh. Tâm của Phổ Hiền được ví như bầu trời hay không gian, bởi vì nó là toàn khắp. Một tâm như vậy tri giác tánh Không của mọi sự và nhận biết điều này như thấy chính mình trong một tấm gương. Thế nên tâm của Phổ Hiền được nói là “nhận biết bởi chính mình khuôn mặt của chính mình”

Khi những chúng sanh không tự nhận biết theo cách này, Pháp thân vốn sẳn hay Pháp tánh vốn sẳn của họ trở thành một “a lại da” hay “nền tảng của mọi sự” đối với họ. Ở giai đoạn này bởi vì còn chưa có bám nắm nào vào sự phân biệt những đối tượng trong nền tảng đó, nó vẫn còn giống với bầu trời và lạc phúc và tánh Không là tính chất. Nói cách khác, khi bạn không thấy được Pháp thân là tự tánh của bạn, Pháp thân ấy trở thành một a lại da cho bạn- nguồn gốc của mọi sự của cả sanh tử và Niết bàn. Tuy nhiên, nó còn chưa sanh ra những cái ấy một cách hiện thể. Nó là tiềm thể cho tiến trình này và như vậy nó không phân chia.

Từ trò chơi của a lại da nền tảng này, sanh khởi loại không biết hay vô minh khiến bạn nghĩ đến chính mình như một cá thể đơn nhất, độc nhất. Cái tri thức vi tế này nghĩ “Tôi là” và nó được gọi là tự quan tâm (ahamkara). Tự nó khởi sanh cái thức bám chấp “Tôi” và “của tôi” nghĩ tưởng gom góp hay kéo những sự vật về mình để thiết lập hay chứng tỏ sự hiện hữu của riêng nó. Chính qua tiến trình này mà những đối tượng có thể nắm bắt sanh khởi.

Nếu ở giai đoạn này bạn chỉ để cho sự sanh khởi các đối tượng có thể nắm bắt đi qua – khoảnh khắc chúng sanh khởi, bỏ mặc chúng không theo đuổi hay xác nhận cái gì – tiến trình sẽ chấm dứt. Tất cả mọi sanh khởi lắng xuống và tan biến. Nhưng nếu không để mặc chúng, thì sẽ có thêm thức giác quan và sự đồng hóa “thức này đang bám vật này” và “thức kia đang bám vật kia”. Tiếp theo là tiến trình đặt tên và gán cho ý nghĩa. Bám nắm hình thành như vậy đó.

Như thế một khi ý niệm “tôi” và “của tôi” đã sanh khởi, toàn bộ cơ chế của các đối tượng giác quan và thức, hay chủ thể và đối tượng, tiến hành để chứng nhận sự sở hữu của cái tôi tưởng tượng này qua kinh nghiệm của giác quan cụ thể. Cái tôi do tưởng tượng cố gắng làm cho nó cảm thấy có thật bằng cách tạo ra và theo đuổi những kinh nghiệm giác quan. Đây là một diễn tả ngắn gọn thức bám nắm và những đối tượng được bám nắm sanh khởi như thế nào, làm sản sanh và kéo dài sanh tử.

Bất cứ cái gì xuất hiện, bất kể nó là gì, nó không hiện hữu trên cấp độ tối hậu. Như những đám mây trong bầu trời, những xuất hiện ấy chỉ bởi vì những hoàn cảnh, những nhân duyên chốc lát. Thế nên sanh tử là vọng tưởng được đánh giá quá cao. Trong bản chất thật, nó tan rã.

Chúng sanh bám chấp cho là thật mọi đối tượng và những khoảnh khắc của thức được sanh ra trong quá trình ở trên. Tuy nhiên, nếu khảo sát thấu đáo, bản chất của chúng là tánh Không. Rốt ráo thì không cái gì có thể được tìm thấy. Mọi sự của thực tại tương đối xuất hiện qua những nguyên nhân thoáng chốc đổi thay như những đám mây trong bầu trời.

Khi hơi nước trong không khí được gió di chuyển, những đám mây được tạo thành trong bầu trời. Nhưng bởi vì mây là biểu lộ của gió và hơi nước của bầu trời, không thể quan niệm chúng thật sự khác hay tách biệt với bầu trời.

Cùng cách như vậy những xuất hiện lừa dối phát sanh bởi vô minh hay không biết của tâm bạn tạo ra ba cõi và sáu loại chúng sanh. Tâm giống như hơi nước, vô minh như gió, các cõi khác nhau và những xuất hiện lừa dối giống như những đám mây và bầu trời là Phật tánh. Tâm, một khả năng biết, thì vốn sẳn có trong Phật tánh như cách hơi nước có sẳn trong không khí. Do gió vô minh dẫn đi, những xuất hiện lừa dối của sanh tử tụ lại như những đám mây. Năng lực làm những xuất hiện này tan biến là tánh biết, đó là tánh giác mà không có một xuất hiện nào vượt khỏi sự phải có tánh Không như là bản tánh của chúng. Không có chỗ nào khác cho chúng được tạo thành ngoài tánh Không, cũng không có chỗ nào khác cho chúng đi.

Thế nên, nghĩ rằng sanh tử có hiện hữu thật là một đánh giá sai lạc và dư thừa. Đó là tưởng tượng có hiện hữu trong khi không có hiện hữu. Ba cõi sanh tử chỉ là một xuất hiện trên nền một cái không thực. Chúng được sáng tạo bởi vọng tưởng “Có cái này” và “Có cái kia”, và sau đó bạn bám nắm vào những vọng tưởng riêng của bạn. Khi bạn thấu hiểu bản chất thật sự của chúng, chúng tự nhiên tan biến như mây tan mất trong bầu trời.

Dù không hiện hữu thực, những sự vật vẫn xuất hiện. Tuy nhiên về phần chúng, chúng là trống không trong bản chất. Những xuất hiện trống không này không thật sự hiện hữu. Chúng giống như bóng mờ của chùm tóc rủ (mà người bệnh mắt thấy), hay như một giấc mộng, một ảo ảnh hay một ốc tù và thấy thành màu vàng. Từ thời vô thủy những xuất hiện như vậy chưa bao giờ được kinh nghiệm là thật hiện hữu như cách chúng xuất hiện. Chúng không có nền tảng, không có chỗ nâng đỡ, không bắt đầu, ở giữa hay chấm dứt. Bạn phải thấu hiểu rằng từ thời vô thủy mọi sự là thanh tịnh trong bản chất.

Như vậy dù những xuất hiện thuộc sanh tử, và chúng sanh, môi trường xung quanh hay bất cứ cái gì, không có những đối tượng (ở bên ngoài cho thức) nắm lấy. Giống như những sáng tạo huyễn thuật hay ảo ảnh. Hơn nữa, trong cùng cách, không có thức (bên trong) nào để nắm lấy cái gì. Tất cả thì thanh tịnh như không gian trống rỗng. Cả hai, thức và những đối tượng của nó không thật sự hiện hữu, sanh tử chưa bao giờ được kinh nghiệm là thật có. Bằng cách thấu hiểu rằng nó là một xuất hiện lừa dối và không thật sự không hiện hữu trong bản chất, bạn trở nên giải thoát khỏi nó.

Khi bạn thấu hiểu bản tánh thường trụ của mọi vật, không còn cái gì khác ngoài giải thoát, tức là qua sự tan biến của những đám mây của những xuất hiện lừa dối, chỉ còn bạn với bầu trời trống không của Phật tánh của bạn.

Những sự vật được bỏ hay lấy, những nguyên nhân, kết quả và những hoàn cảnh, tất cả đều là những xuất hiện. Bởi vì bản thân chúng là thanh tịnh, bạn phải thấu hiểu rằng bản tánh thực sự của thực tại ở cấp độ tối hậu thì vượt khỏi nguyên nhân và kết quả.

Bản tánh thường trụ của mọi sự là hiện hữu không độc lập vô tự tánh. Nếu nó không vượt khỏi nhân quả, bấy giờ rốt ráo có hai cái: (1) bản tánh thường trụ, nó là hiện hữu không độc lập vô tự tánh, và (2) nhân quả, nó phải khác với bản tánh này, do đó nó phải có hiện hữu thật sự. Nhưng bởi vì nhân quả là hiện hữu không thật sự (duyên sanh), nên không thể nói nó ở cùng cấp độ tối hậu như bản tánh thường trụ. Thế nên bản tánh thực của thực tại thì vượt khỏi nguyên nhân và kết quả.

Nền tảng hay chỗ dựa cho sự chứng ngộ này là tánh giác thánh tịnh hay Bồ đề tâm tối hậu.

Khi bạn xác minh bản tánh thực, thường trụ của mọi sự vật và đến tánh Không, không còn cái gì để có thể gán tên hay nói về. Bấy giờ, bác bỏ có thể khởi lên, “Nếu như vậy thì làm thế nào cái tối hậu có thể được biết hay chứng ngộ?” Sự trả lời là ở đây có tánh giác thanh tịnh, cũng được biết là Bồ đề tâm tối hậu hay tánh giác nguyên sơ. Cái này là tánh Không từ quan điểm nó được chứng ngộ, tánh Không ấy siêu vượt sự phân chia giữa thức và một đối tượng. Như thế đây là một cách nói về tánh Không theo phương diện nhận biết của nó. Vượt khỏi sự phân chia chủ thể đối tượng không phải xem tánh Không là cái gì không thể thấu hiểu, chứng ngộ, cũng không phải người chứng ngộ tánh Không là một cái gì đó vô tri vô giác.

Đây là cõi giới niết bàn, cái đại tự nhiên, cấp độ tối hậu của chân lý, thanh tịnh bổn nguyên. Một tính chất của nó là không đầu không cuối. Nó là ánh sáng trong trẻo, tịnh quang – sâu thẳm, yên tĩnh và thoát khỏi tạo tác tâm thức. Nó là (tánh giác nguyên sơ) vốn sẳn trong bạn từ thời vô thủy, Pháp thân không vết dơ. Nó an trụ như một hiện thực thoát khỏi biến đổi và chuyển dời qua ba thời. Đây là cõi giới nền tảng, tinh túy kim cương của thực tại. Bất cứ ai hiểu nó đều chứng ngộ cái thấy đúng đắn bản tánh thường trụ của thực tại. Với sự bình lặng của vọng tưởng thêm thắt hay bỏ bớt, bạn hiểu rõ tinh túy của thực tại tối hậu.

Thêm thắt cho thực tại là cho rằng nó là hiện hữu thực, khi thật ra nó không là như vậy. Bỏ bớt là khước từ hay bác bỏ hiện hữu tương đối của nó, tuy nhiên nó có xuất hiện. Thế nên thấu hiểu những thực tại tối hậu và tương đối – hai cấp độ của chân lý – là trung đạo không có những cực đoan.

Điều này kết luận sự bàn luận cái thấy đúng của Đại Toàn Thiện. Tiếp theo là trau dồi cái thấy ấy qua thiền định.

Thiền định không vết dơ được làm trong một trạng thái hiểu biết tinh túy tịnh quang này. Nó tự do với sự hôn trầm, xao động và tạo tác của tâm, vượt khỏi tâm thức quy ước. Nó lớn và rộng, hoàn toàn thanh tịnh như bầu trời. Không giới hạn, không nghiêng lệch bởi chọn lựa, nó hoàn toàn vượt khỏi mọi suy nghĩ, nói năng và quan niệm.

Trong Bodhicharyavatara, Nhập Bồ tát hạnh (IX2), Shantideva viết, “Thực tại tối hậu thì không ở trong phạm vi của tâm thức quy ước”. Trong thiền định, đã vượt khỏi những đối tượng tương đối của một tâm thức như vậy, bạn ở trong một trạng thái không giới hạn, siêu vượt khỏi tiến trình chọn lựa “cái này, cái kia” Không có những đối tượng để phân tích hay khảo sát và không có căn cứ nào cho sự lang thang của tâm thức. Sau cùng, ai là người lang thang và đâu là những đối tượng để đi theo? Bạn đã đến tánh Không. Thế nên, trạng thái thiền định này vượt khỏi suy nghĩ, nói năng và quan niệm bởi vì không có những đối tượng quy ước để nghĩ hay nói đến ở cấp độ tối hậu. Nó cũng vượt khỏi hôn trầm bởi vì bản tánh của cái tối hậu là tịnh quang và tánh giác nguyên sơ.

Đã hoàn thành những chủ đề của cái thấy đúng và thiền định, tiếp theo là hành động thế nào trên nền cái thấy ấy.

Về phần hoạt động, bất cứ cái gì xuất hiện đều không thật và hoàn toàn thanh tịnh. Như thế bất cứ tư tưởng nào bám nắm ở bên trong dù có sanh khởi cũng tự nhiên tan biến.

Tư tưởng nào sanh khởi trong hoạt động thường ngày, nếu bạn nhận biết bản tánh chân thật của chúng, chúng không làm gì hơn là tự nhiên chìm lặng. Cũng như những hình được vẽ trên nước, những tư tưởng sanh khởi trên bề mặt tánh giác thanh tịnh và phải tan trở lại thành chính tánh giác ấy. Nhưng điều này không nói rằng những nguyên nhân làm chúng sanh khởi sẽ đơn giản biến mất trong tiến trình. Những tư tưởng tiếp tục sanh khởi ở giai đoạn này, nhưng tan biến ngay khi sanh khởi. Chúng không được theo đuổi nữa.

Nếu không có tư tưởng sanh ra thêm, trạng thái này giống như sự dừng diệt của khổ được dạy bởi những Thanh Văn của Tiểu thừa. Không có chuyển động nào, các vị hoàn thành một dừng diệt trọn vẹn. Nhưng đây không phải là phương pháp Đại Toàn Thiện. Thay vì nỗ lực đưa tiến trình tư tưởng quy ước đến một sự dừng đứng trọn vẹn, một hành giả Đại Toàn Thiện học nhận biết bản tánh thực của những tư tưởng. Ngay khi chúng sanh khởi bạn thấy chúng đúng như chúng là và chúng tự nhiên chìm lặng.

Những đối tượng bên ngoài được nắm bắt thì giống như một giấc mộng hay một ảo ảnh. Một cách rốt ráo (thức và những đối tượng) đều không thật. Thế nên hãy hành động mà không nhận lấy hay chối bỏ.

Rốt ráo, không có cái gì để nhận lấy hay chối bỏ có thể được thiết lập như có hiện hữu thực. Bởi thế hành động đúng đặt nền trên cái thấy đúng về tánh Không. Hành động ấy vượt khỏi phạm trù chấp cứng của chấp nhận và từ bỏ.

Bất cứ cái gì sanh khởi – những sự vật hay thức, những nhiễm ô, dừng dứt hay xác nhận – tự nhiên tan biến ngay khi nó xảy ra. Nghĩa là, một khi bản tánh thực của nó được biết rõ, nó tan biến. Và sự tan biến này là vào một trạng thái của Pháp thân, cái đã trọn vẹn, toàn thiện từ thời vô thủy, bình đẳng thấm nhập và tỏa sáng khắp mọi sự. Thế nên, đã từ bỏ sanh tử thì không cần tìm kiếm niết bàn.

Như đã giải thích ở trên, khi bạn không nhận biết Phật tánh vốn sẳn của bạn, bấy giờ Pháp thân trở thành một nền tảng a lại da cho bạn. Với nhận thức vi tế của sự tự quan tâm, nền tảng này làm sanh khởi những tư tưởng và những đối tượng. Nếu bạn nhận biết chúng thật sự là gì và không tự buông thả trong những tiến trình phân biệt, chọn lựa…. thêm nữa, những tư tưởng và đối tượng này tự nhiên tan trở lại vào tánh giác Pháp thân của tánh Không. Không có chỗ nào khác cho chúng đi, như những đám mây tan biến trong bầu trời. Chính trong cách này mà bạn từ bỏ dòng sanh tử của thức bám nắm và những đối tượng cho sự bám nắm mà không cần tìm kiếm một Niết bàn của Thanh Văn, một dừng dứt hoàn toàn tư tưởng quy ước.

Bất cứ cái gì xuất hiện thì giống như những hình ảnh trung thực phản chiếu cái tối hậu. Bất cứ trạng thái của thức nào sanh khởi đều tự nhiên tan ngay khi chúng được nhận biết. Đây là trò chơi của Pháp thân. Giống như nước và những làn sóng, chúng là một chuỗi liên tục trong Pháp thân. Đây là ý nghĩa của nghĩa tối hậu, đỉnh chót của những cái thấy, Đại Toàn Thiện, Dzogchen.

Bất cứ đối tượng nào được xuất hiện đều được thấy như những phản chiếu, bởi vì bản tánh của chúng là tịnh quang của tánh Không, chúng phản chiếu cái tối hậu, trong khi sự xuất hiện quy ước của chúng được để cho không ngăn ngại.

Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi đều được nhận biết là đến từ tánh Không và tự nhiên tan trở lại vào tánh Không. Chúng là trò chơi của Pháp thân. Giống như những làn sóng và nước, không hề tách biệt nhau, những tư tưởng khởi lên và chìm xuống của bạn là một chuỗi tương tục với Pháp thân của bạn.

Như vậy khi nhìn một vật bạn có thể thấy trong tánh Không của nó phản chiếu Pháp thân vốn sẳn của bạn và trong sự xuất hiện của nó những tư tưởng của bạn – trò chơi của Pháp thân.

Tóm tắt, bất cứ bạn thực hành thế nào, (những điểm quan trọng nhất là) sự tan biến tự nhiên của chấp ngã và sự tịnh hóa những vọng tưởng vào cõi giới của Pháp thân. Người nào khéo léo trong sự thực hành của mọi phương tiện này thì hoàn thành cái được gọi là tiêu trừ mê lầm khi trên con đường.

Nhờ con tàu lớn quý giá của giáo lý này, nguyện tất cả chúng sanh không trừ một ai vượt qua được đại dương của sanh tử. Trên đảo tối thượng của giải thoát bình an và quý báu, nguyện họ thành tựu một lễ hội của an lạc không dứt.

SHARE:

Trả lời