Chú thích

SHARE:

VÒNG HOA BÁU BỐN PHÁP
Một dẫn nhập vào Đại Toàn Thiện
Longchen Rabjampa Drime Wozer với bình giảng miệng của Đức Ngài  DudjomRinpoche và Beru Khyentse Rinpoche.
Dịch, ấn hành bởi Alexander Berzin với sự cộng tác của  Sharpa Tulku và Matthew Kapstein.
THƯ VIỆN NHỮNG TÁC PHẨM VÀ TÀI LIỆU TÂY TẠNG
Việt dịch: Đương Đạo
NXB Thiện Tri Thức 2014

1. Lời nói đầu
2. Vòng Hoa Báu Bốn Pháp
3. Mở đầu
4. Chuyển hướng tâm bạn về Pháp
5. Thực hành Pháp như một Con đường
6. Tiêu trừ mê lầm trên Con đường
7. Tịnh hóa mê lầm thành tánh Giác nguyên sơ
8. Lời kết của tác giả
9. Chú thích

Chú thích

  • Sắc thân có năm điều xác định ám chỉ Báo thân của một vị Phật, nó luôn luôn (1) có 112 tướng của một vị Phật, (2) ở trong Tịnh độ, (3) cho đến khi sanh tử chấm dứt, (4) dạy pháp Đại thừa, (5) cho các bậc thánh Bồ tát.
  • Ba khuyết điểm là những khổ đau của cảnh khổ, của biến dịch, và của nhiễm ô. Cái thứ nhất là đau đớn hiển nhiên như bệnh tật. Khổ của biến dịch xảy ra, chẳng hạn bạn đang lạnh mà phải đứng ngoài nắng quá nóng rồi lại phải vào trong bóng mát. Khổ của nhiễm ô đến từ việc sanh ra với các uẩn mà bản chất của chúng thu hút bệnh tật như nam châm hút sắt.

Ba khuyết điểm này có thể mở rộng thành tám: khổ đau của sanh, già, bệnh, chết, xa lìa cái bạn thích, gặp cái bạn không thích, không có được cái mình muốn dù rất cố gắng, và có những uẩn nhiễm ô do nghiệp quá khứ, đây chính là căn bản của khổ.

  • Những con đường và các phẩm trợ đạo là chung cho cả Tiểu thừa và Đại thừa. Nếu bạn thực hành với động cơ của truyền thống trước, chúng đưa bạn đến sự toàn thiện của giải thoát như bậc Thanh Văn hoặc Độc Giác Phật, nhưng nếu với động cơ của Đại thừa, thì đến sự toàn diện của Giác ngộ như một vị Phật.

Nói chung, trên con đường tích tập (Tư lương vị) bạn hoàn thành định tâm (shamatha) và một hiểu biết dựa trên niềm tin hợp lý về tánh Không từ năng lực nghe giảng đúng đắn về nó. Trên con đường chuẩn bị (Gia hạnh vị) bạn đạt đến quán chiếu thấu suốt (vipashyana) và một hiểu biết khái niệm do suy luận về tánh Không. Với sự đạt đến tri giác không khái niệm, trần trụi tánh Không trong những thời thiền định, bạn đến con đường thấy (Kiến đạo vị hay Thông đạt vị) và trở thành một bậc thánh. Nếu bạn đi những con đường như một Bồ tát với Bồ đề tâm, đây cũng là sự đạt đến địa thứ nhất của Bồ tát. Trên con đường thiền định (Tu tập vị) bạn làm quen với tri giác trực tiếp để loại trừ những chướng ngại ngăn chặn cái biết Phật tánh của bạn và đi qua địa thứ hai cho đến địa thứ mười. Trên con đường cuối cùng của sự không học nữa, bạn chứng ngộ trọn vẹn cõi giới tánh Không của mọi sự, Phật tánh của bạn, tánh giác nguyên sơ thấu biết sự không thể tách biệt của tánh Không và hình tướng xuất hiện. Đây là sự đạt đến Giác ngộ Hoàn toàn của Phật quả.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đưa đến sự chứng đắc này hay của vị A La Hán Tiểu thừa là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo. Ba bộ đầu tiên được làm chủ trên con đường tích tập, năm căn và năm lực trên con đường chuẩn bị, bảy giác chi trên con đường thấy và tám thánh đạo trên con đường thiền định.

Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc được đạt đến trên phần thứ ba của chín phần của con đường tích tập.

Cái thứ hai của năm con đường, con đường chuẩn bị, được chia thành bốn giai đoạn: nóng (noãn), đỉnh, nhẫn và Pháp tối cao (thế đệ nhất). Năm căn làm cho bạn hoàn thành hai cái đầu và sửa soạn cho bạn đạt đến hai cái sau. Chúng là những trạng thái của tâm nhắm đến bốn chân lý cao cả (tứ thánh đế), cho phép bạn đạt được một thấu hiểu sâu hơn về chúng. Năm lực cũng giống như năm căn và cũng nhắm đến bốn chân lý cao cả. Tuy nhiên chúng mạnh hơn và không thể bị các đối nghịch của chúng đánh bại. Đạt đến giai đoạn nhẫn, chúng đưa đến cái tri giác trực tiếp về tánh Không trên con đường thấy.

Bảy giác chi đem đến sự hoàn thiện trên con đường thứ ba, con đường thấy. Cũng nhắm đến bốn chân lý cao cả, chúng là những trí huệ của bậc thánh. Trí huệ này loại trừ những vọng tưởng mê lầm che ám Phật tánh của bạn. Bởi vì bảy giác chi đặt nền trên tri giác trực tiếp về tánh Không, chúng thấy bốn chân lý cao cả rõ ràng hơn trước và có thể tiêu trừ nhiều vọng tưởng hơn.

Những vọng tưởng sau chót che ám Phật tánh của bạn được loại bỏ trên con đường thiền định. Chúng bị loại bỏ bởi tám thánh đạo của các bậc thánh, tất cả nhắm vào bốn chân lý cao cả. Trong cách tiệm tiến này, sự làm chủ, thông thạo ba mươi bảy phẩm trợ đạo của một Bồ tát, như được giải thích trong Abhisamayalamkara của Maitreya.

  • Mười sáu loại tánh Không được chia theo những cơ sở khác nhau để đặt tên tánh Không, đó là những loại hiện tượng khác nhau nhưng đều không có hiện hữu thật và nội tại, vô tự tánh. Đấy là tánh Không của (1) những hiện tượng bên trong (nội Không) (2) những hiện tượng bên ngoài (ngoại Không), (3) cả bên trong lẫn bên ngoài (nội ngoại Không), (4) Không của Không (Không Không), (5) lớn rộng, tức là mọi sự trong mười phương (đại Không), (6) tối hậu, tức là niết bàn và diệt đế (Đệ nhất nghĩa Không), (7) những hiện tượng do điều kiện (hữu vi Không), (8) những hiện tượng không do điều kiện (vô vi Không), (9) cái vượt khỏi những cực đoan, tức là duyên sanh (tất cánh Không), (10) cái vô thủy vô chung (vô tế Không), (11) cái không thể bị trừ bỏ, tức là các địa Bồ tát, (12) bản tánh của mọi sự (bản tánh Không), (13) mọi sự (nhất thiết Pháp không), (14) những định nghĩa (tự tướng Không), (15) cái không thể được đối tượng hóa, tức là quá khứ, hiện tại, và tương lai (bất khả đắc Không), và (16) cái không phải là một hiện tượng, nghĩa là hiện hữu không thật của mọi sự (vô tánh tự tánh Không).

Từ quan điểm tánh Không, mười sáu cái này đều như nhau.

SHARE:

Để lại một bình luận