SHARE:
ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH
Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của
Beru Khyentze Rinpoche – dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin
Văn phòng Dịch thuật Thư Viện những Tác phẩm và Văn thư Lưu trữ của Đức Dalai Lama
Việt dịch: Đương Đạo – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001 TTT-19-2545/09-01
Tiếp theo, để nhận ra sự không tách biệt giữa tâm và những hình tướng xuất hiện, con phải nhìn vào tâm khi nó đang phản chiếu một hình tướng (trong một tri giác đơn thuần). Với cách thức nhìn và tư thế thân như trước, mắt hãy nhìn tập trung và chú ý nhất tâm vào một đồ vật đặc biệt, như một cái bình, hình ảnh của con trong một tấm gương, núi Tu Di hay một hình thể trong không gian trước mặt con. Hãy nhìn nó kỹ lưỡng. Thả lỏng sự tỉnh giác về nó một ít, rồi nhìn nó trở lại.
Cũng như thế, hãy nhìn vào bản tánh của một âm thanh đối tượng của nhĩ thức và xem có sự khác biệt nào trong bản tánh giữa một âm thanh dễ chịu và khó chịu, hay một âm thanh trầm nặng và nhẹ nhàng. Hãy nhìn vào âm thanh của giọng nói của chính con và của một người khác v.v… Tương tự hãy nhìn vào hương, vị, xúc – hãy nhìn vào bất cứ cái gì xuất hiện. Lúc ấy, có phải hình tướng là cái gì biến mất bằng cách thôi hiện hữu ? Khi phản chiếu một hình tướng, có phải tâm và hình tướng là hai vật tách biệt ? Có phải hình tướng đi từ bên ngoài vào tâm hay tâm đi ra nắm lấy một hình tướng và nghĩ “Ta đang phản ảnh nó ?” Thật ra, tâm và những hình tướng xuất hiện (trên nó) là không thể tách lìa (như một mặt gương và những hình ảnh trên gương). Như thế, chỉ có sự sáng rỡ của một hình tướng và tánh Không mà không có đối tượng nào thực sự hiện hữu.
Hãy nhìn vào thức (cái biết) đang làm công việc nhìn và vào năm loại đối tượng giác quan của thức, lần lượt từ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hãy nhìn xem có sự khác biệt nào giữa thức và sự xuất hiện của những đối tượng giác quan của nó hay không, và rồi tìm kiếm sự khác biệt giữa một xuất hiện (là đối tượng của một thức) và cái thức có sự xuất hiện đó như là đối tượng. Khi nhìn một vật, vật ấy có phải là cái gì ở bên ngoài kia, cứng đặc và thực có ?
Khi bạn nhắm mắt, vật kia có biến mất không ? Khi bạn lấy tay bịt mắt mình, sự sáng tỏ của hình tướng xuất hiện có mất đi chăng ?
Nếu con nói là không, bấy giờ không có sự khác biệt nào giữa cảnh và tâm và tâm đó có thể thấy rõ ràng cảnh không ngăn ngại, thoải mái, không nắm giữ cái gì như là đối tượng vật và trong đó không có cái gì xuất hiện thực sự. Nếu con nói không thể nghĩ là không có sự khác biệt giữa tâm và cảnh, mà cảnh là cái gì có thật ở bên ngoài, cứng đặc và thật có, bấy giờ cái tâm nghĩ như vậy là gì, ở đâu ? Hãy quan sát điều này.
Tương tự, hãy nhìn xem thân và tâm là như nhau hay khác biệt. Nếu chúng là một, thì thân là cái gì khởi diệt và tâm là cái gì bản tánh thường hằng, không sanh không diệt, làm sao có thể là một được ?
Dù những tri giác cũng như thân của bạn, thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và như vậy là vô thường, thì bản tánh của tâm là tánh giác trong sáng, rỗng rang, an lạc, là cái gì không thay đổi, thường hằng theo nghĩa không tùy thuộc nhân duyên hay hoàn cảnh. Bản tánh của tâm không khởi từ cái gì, từ nơi đâu khi bạn sanh ra hay thức dậy, cũng không diệt mất khi bạn chết hay ngủ. Tánh giác ấy trong bản chất vẫn là chính nó bất kể đối tượng nó biết là cái gì, là có hay không.
Và nếu thân và tâm là khác nhau, thì con có thể nhận biết được hai thứ tách biệt nhau. Nhưng tâm không phải là cái gì con có thể chỉ ra ở đây hay ở kia. Nó không hẳn ở trên hay phía dưới của thân thể, nó hoàn toàn thấm khắp thân. Sự kiện con có thể cảm nhận khắp thân đã nói lên điều đó.
Thân và tâm giống như cái nâng đỡ và cái được nâng đỡ (như cái tách và trà trong đó). Nhưng nếu con nói thân ở ngoài và tâm ở trong, như hai thứ tách biệt, như con người và áo quần của nó, bấy giờ khi có một cảm giác, con nghĩ chỉ có thân cảm giác, thì một xác chết cũng phải có những cảm giác. Nếu con nói chỉ có tâm là có cảm nhận, thì thân và tâm phải khác biệt và không liên quan gì nhau.
Bây giờ tâm là cái gì không thể bị giết hay bị tác động. Nếu khi thân con bị gai đâm, tâm con cảm nhận điều đó, bấy giờ khác nhau thế nào giữa điều này với ví dụ khi con đốt quần áo cũ, chẳng lẽ con đốt luôn người mặc quần áo ?
Khi con đâm chích thân, chẳng lẽ con cũng chích vào tâm ? Sau khi quán chiếu điều này triệt suốt, con phải đến một kết luận vững chắc.
Cụ thể, bạn phải xác quyết tâm và thân không phải một cũng không phải khác. Nói theo quy ước, chúng giống như cái nâng đỡ và cái được nâng đỡ, nhưng một cách tối hậu chúng không phải là hai cái hiện hữu tự thân chia xẻ nhau một tương quan như vậy.
Về điều này con cũng phải thấu hiểu rằng bất cứ cảm giác nào khởi lên đều giống như sóng và tâm con như nước. Vì khi con chú tâm vào sự thấu hiểu này con cắt lìa khỏi trạng thái này để đạt thực nghĩa của thật tánh của thực tại, nên con phải nhìn vào tâm con như thế ấy. Đó là điểm thứ ba của thiền quán.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS