TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA SHAMATA VÀ VIPASHYANA

SHARE:

Khenchen Thrangu Ringpoche
Essentials of Mahamudra, looking directly at the mind
Wisdom Publications, Boston, 2004.
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2014.
1. Dẫn nhập.
2. PHẦN. NHỮNG THAM THIỀN CHUNG CỦA NHỮNG TRUYỀN THỐNG KHÁC
3. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA SHAMATA VÀ VIPASHYANA
4. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA THIỀN CHỈ
5. TRUYỀN THỐNG CHUNG CỦA THIỀN QUÁN
6. LOẠI BỎ NHỮNG NGHI NGỜ VỀ THIỀN QUÁN
7. PHẦN II THAM THIỀN ĐẠI ẤN
8. NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI ẤN
9. NHỮNG THỰC HÀNH SƠ BỘ CHO ĐẠI ẤN
10. THIỀN CHỈ ĐẠI ẤN
11. THIỀN QUÁN ĐẠI ẤN
12. LOẠI BỎ NHỮNG NGHI NGỜ VỀ THIỀN QUÁN
13. TÂM NHƯ NÓ LÀ VÀ ĐỒNG KHỞI
14. LOẠI BỎ NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CÓ THỂ SANH KHỞI TRONG ĐẠI ẤN
15. DUY TRÌ ĐẠI ẤN TRONG THIỀN ĐỊNH VÀ HẬU THIỀN ĐỊNH
16. LOẠI BỎ NHỮNG CHƯỚNG NGẠI ĐỐI VỚI ĐẠI ẤN
17. SỰ THỰC HÀNH GIẢI THOÁT RỐT RÁO
18. ĐEM NHỮNG CHƯỚNG NGẠI VÀO CON ĐƯỜNG
19. CHỨNG NGỘ HIỆN LÊN NHƯ THẾ NÀO
20. CHÚNG TA CẦN THỰC HÀNH NHƯ THẾ NÀO
21. CHÚ THÍCH
22. VỀ TÁC GIẢ
23. (Trang bìa sau của cuốn sách)

Thiền chỉ (Shamata) và thiền quán (Vipashyana) là gì?

[15]        Chúng ta sẽ bắt đầu bằng giải thích thiền chỉ và thiền quán chung cho mọi thực hành Phật giáo, và những chương sau chúng ta sẽ  bàn về thiền chỉ và thiền quán đặc trưng của đại ấn. Trong bản văn này, từ Samadhi (đại định) được dùng bao trùm mọi loại tham thiền. Trong khi nhiều cấp độ khác nhau của tham thiền được diễn tả trong những bản văn Phật giáo, tất cả chúng có thể gồm lại trong thiền chỉ và thiền quán.

Nếu tâm ta liên tục không dừng bởi những tư tưởng như một ngọn cờ trong gió, rất khó cho sự tiến bộ tâm linh. Ngược lại nếu có thể an định tâm ở chỗ nào, chúng ta có thể quen với bất cứ cái gì xảy ra trong nó.

Thực hành thiền chỉ cho phép tâm chúng ta yên nghỉ theo cách ấy. Tuy nhiên dừng và thư giản với sự bình an này thì không đủ. Cũng quan trọng là phải khai triển thiền quán, hay tham thiền nội quán, nó là một sự thấy rõ ràng và mạnh mẽ.

Chúng ta có thể tin rằng thiền chỉ và thiền quán là những tham thiền rất bình thường bởi vì những vị thầy nói đến chúng trong mọi thời. Thật ra chúng cực kỳ quan trọng và phi thường. Giả sử một vị thầy cho chúng ta một sự truyền tâm, chỉ ra bản tánh của tâm chúng ta khi bắt đầu con đường. Chúng ta có kinh nghiệm kỳ diệu này và nghĩ rằng cái gì lạ lùng đã xảy ra với tham thiền của chúng ta, nhưng ngày hôm sau kinh nghiệm không rõ ràng lắm và ngày tiếp, thậm chí còn kém rõ ràng. Sau một năm, chúng ta nhớ lại, “Ồ tham thiền của tôi năm vừa rồi thực là vĩ đại.” Điều này xảy ra khi chúng ta không có sự vững chắc của tâm. Thiền Chỉ giúp chúng ta làm vững chắc những cái thấy thấu suốt của chúng ta, và vì lý do này nó là nền tảng của tham thiền. Lúc bắt đầu, chúng ta có những kinh nghiệm kỳ lạ hay mọi sự hoàn toàn bình thường thì ít quan trọng. Chúng ta chỉ để tự nhiên những kinh nghiệm ấy và học tập chú vào để cho tâm vững chắc, kiên cố và yên tĩnh. Chúng ta để tâm dừng nghỉ.

 

Gốc rễ của thiền chỉ và thiền quán

[17]        Có ba nguyên nhân ban đầu cho thiền chỉ và thiền quán thành công: giới, nghe lời dạy và tư duy về lời dạy. Giới luật nào tùy thuộc vào vị trí chúng ta trong đời sống: tăng, ni hay cư sĩ. Nếu chúng ta theo giới luật phù hợp với tư cách mình trong đời sống, rồi với nghe và tư duy về những lời dạy, chúng ta có thể xóa bỏ những chướng ngại cho thiền định và khai triển sự hiểu đích thực và tin cậy vào sự thực hành của chúng ta. Điều này sẽ đưa đến sự sanh ra của tham thiền chân thực trong hiện thể chúng ta.

Để duy trì giới luật chúng ta cần lòng sùng mộ, nó là một nguyên nhân phụ cho thiền chỉ và thiền quán. Từ Tây Tạng để chỉ sùng mộ là mögu; nghĩa là mong mỏi, hâm mộ, thích thú, và gu nghĩa là tôn kính. Điều này gợi ý rằng cái chúng ta sùng mộ là đặc biệt, cao cấp và hiếm hoi. Sự tập chú chính của lòng sùng mộ của chúng ta chính là đại ấn. Chúng ta có một mong mỏi và tôn kính mãnh liệt với thiền đại ấn bởi vì đại ấn có thể rèn luyện tâm chúng ta và giải phóng nó khỏi trói buộc của nó. sự sùng mộ của chúng ta cũng đối với bổn sư và các guru của dòng, bởi vì không hết lòng nương dựa vào những guru của chúng ta thì không thể sanh ra tâm đại ấn. Với sùng mộ chúng ta có thể sanh khởi đại ấn một cách tự nhiên và nhờ đó nhận những ban phước của guru. Trong Kim Cương thừa chúng ta thực hành guru yoga để phát sanh lòng sùng mộ như vậy.

Tích tập công đức là một nguyên nhân phụ khác của thiền chỉ và thiền quán. Công đức do thân, khẩu, tâm và sự sung túc tích tập. Sự tích tập công đức do thân gồm giúp đỡ vật chất cho những người khác và làm những hành động sùng mộ, như lễ lạy bổn sư, Phật, Pháp, Tăng hay việc làm hoằng Pháp. Sự tích tập công đức do tâm bao gồm từ, bi, Bồ đề tâm, nó là sự cam kết đạt đến giác ngộ để có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ. Chúng ta cũng có thể tích tập công đức bằng cách thiền định về một yidam, một bổn tôn tượng trưng một phương diện của tâm giác ngộ. Sự tích tập công đức do sung túc bao gồm giúp đỡ người nghèo hay cúng dường Phật, Pháp, Tăng để cho Pháp được nở hoa.

 

Những chướng ngại cho thiền chỉ và thiền quán

[19] Có vô số tư tưởng làm chướng ngại thiền chỉ và thiền quán. Những tư tưởng này có thể gom thành năm loại khác nhau.

Loại thứ nhất gồm hai yếu tố khác biệt trong phẩm tính và nội dung nhưng kết quả thì tương tự. Yếu tố thứ nhất là xáo động tâm thức, vui quá và loạn động theo đối tượng mà tâm xao lãng. Yếu tố thứ hai là buồn hay hối hận, nghĩ rằng mọi sự là sai lầm và trở nên nản chí. Cả hai đều ngăn tâm không an định trong tham thiền.

Loại thứ hai là tâm thức nặng nề và buồn ngủ, như bị bóng tối bao bọc. Hai yếu tố này khác nhau, cái này có thể dẫn đến cái kia – tâm nặng nề hay mờ đục thường dẫn đến giấc ngủ.

Loại thứ ba là những nghi ngờ tràn ngập: chúng ta nghĩ bàn nhiều khả năng mà không thể quyết định.

Loại thứ tư gồm những tư tưởng lan man của tham luyến: chúng ta cảm thấy rất mạnh mẽ rằng có cái gì cần phải có do bám luyến tạo ra một vấn nạn cho thực hành thiền.

Loại thứ năm là những tư tưởng trả thù hoặc muốn làm hại những người khác. Chúng ta cảm thấy người khác đối xử tệ với chúng ta và muốn đáp trả. Khi cảm thấy ghen ghét và muốn hại người nào, tâm trở nên không trong sáng và không thể an định.

 

Những phương thuốc cho những chướng ngại đối với thiền chỉ và thiền quán

[21]        Năm loại chướng ngại này làm hại sự thực hành. Chúng làm tâm ta không vững chắc, không trong sáng, bị che ám, nặng nề. Nếu nhận ra những chướng ngại, chúng ta có thể dùng những đối trị để xua tan chúng.

Phương thuốc đối trị cho chướng ngại thứ nhất, tâm hoang dã hay kích động, là thiền về vô thường. Khi thấy sự việc tiến hành tốt, chúng ta vui vẻ và tâm bị kích động. Tư tưởng về vô thường – nhớ lại nó sẽ chấm dứt – làm an định tâm trở lại. Chúng ta cũng cần nhớ vô thường khi cảm thấy hối hận hay buồn rầu. Cái làm chúng ta hối tiếc thì đã qua, bởi thế chẳng nên tiếp tục bám vào nó. Nếu thôi không mang nó vào tâm, tâm sẽ trở nên trong sáng, và có thể tiến hành tham thiền.

Chướng ngại thứ hai, nặng và tối, có thể được xua tan do nghĩ về những phẩm tính tốt của Phật, Pháp và thiền định. Những tư tưởng như thế giúp chúng ta cảm thấy vui tươi và xua tan sự nặng nề của tâm. Buồn ngủ, yếu tố khác của chướng ngại này, có thể chửa trị bằng tham thiền về cảm thức của quang minh(1). Khi tham thiền về cảm thức của sáng rỡ, sự buồn ngủ sẽ lắng xuống.

Phương thuốc cho chướng ngại thứ ba, nghi ngờ, là an định với nhất tâm. Thay vì tự tranh luận không ngừng, chúng ta tìm cách với một tâm tập trung ổn định vấn đề một lần và mãi mãi.

Chướng ngại thứ tư, tham muốn liên tục có thêm sở đắc, là rất xấu, bởi vì nếu có được cái mình muốn, chúng ta sẽ không thỏa mãn, cảm thấy chưa đủ. Nếu chúng ta hiểu rằng không có những thỏa mãn do có thêm vật chất chúng ta sẽ cảm thấy bằng lòng và không bị hành hạ bởi mong muốn liên tục có thêm nữa.

Phương thuốc cho chướng ngại thứ năm, muốn làm hại những người khác, là tình thương, lòng từ – muốn  những người khác có được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Chúng ta phải biết rằng như chúng ta muốn hạnh phúc, những người khác cũng muốn hạnh phúc. Muốn hại người khác là một hành động vô bổ, phá hoại. Cho dù người đã làm hại chúng ta bị đau khổ ghê gớm, điều đó có làm lợi lạc cho chúng ta chút gì đâu. Cho dù có thể không có sự công bằng nhưng trả thù chẳng làm tình hình khá lên. Thật ra, chúng ta chỉ làm hại chính chúng ta khi tìm cách trả thù. Thay vào đó, chúng ta nên khai triển lòng tốt với những người khác và ý muốn giúp đỡ họ, bất kể họ là ai và họ làm gì với chúng ta. Khi suy nghĩ cẩn thận những điều này, bấy giờ chúng ta có thể, từng chút một, làm yên bình thái độ muốn làm hại người khác.

 

Những phương thuốc cho tâm hôn trầm và tâm kích động

[23]        Cách xếp loại khác là chia thành hai: tâm nặng hay chìm (hôn trầm) và tâm kích động hay hoang dã (trạo cử).

Lý do tâm trở nên nặng nề là chúng ta đã mất sự mong mỏi và hâm mộ với tham thiền. Phương thuốc hiệu quả nhất cho điều này là suy nghĩ về những phẩm tính tốt của các bậc Giác Ngộ và phát triển mong muốn lớn lao được giống như Phật. Biết tham thiền là con đường đến giác ngộ, sự mong mỏi và hâm mộ sẽ tăng trưởng. Chúng ta cũng có thể làm sống động yếu tố quang minh. Trí huệ thì rất trong sáng và sắc bén; hơn là kiến thức, nó là phẩm tính thuần túy của biết, và phẩm tính này đôi khi ám chỉ quang minh. Thiền về những điểm thiết yếu của thiền định hay những điểm thiết yếu của Pháp thắp sáng ngọn lửa của trí huệ. Quang minh của trí huệ xua tan bóng tối và nặng nề của tâm. Tương tự, làm sinh khởi niềm vui và thích thú, chúng ta có thể nhớ rằng cuối cùng chúng ta có may mắn không thể nghĩ bàn để thực hành tham thiền và Pháp. Niềm vui này dẫn đến tinh tấn, cũng là tăng thêm quang minh của tâm.

Một tâm kích động xảy ra khi tâm quá bám luyến say mê cái gì đó. Phương thuốc căn bản cho sự bám luyến này là nhớ lại vô thường. Nghĩ rằng mọi sự đều phải chấm dứt khiến chúng ta ít bám luyến và ít kích động.

Chúng ta cũng có thể đối trị với một tâm hôn trầm hay kích động bằng những hoạt động thân thể đặc biệt. Nếu tâm nặng nề hôn trầm, chúng ta có thể đứng dậy, đi vòng và rồi trở lại và thực hành. Điều này sẽ giúp xóa cảm giác nặng nề. Nếu tâm hoang dã, có thể lễ lạy; sự tinh tấn của thân thể sẽ làm êm dịu tâm.

 

Thật tánh của thiền chỉ và thiền quán

[26]        Thiền chỉ và thiền quán không giống nhau trong mọi truyền thống Phật giáo. Chẳng hạn cách thiền chỉ và thiền quán được thực hành trong Tiểu thừa Phật giáo thì khác với cách chúng được thực hành trong Kim Cương thừa.

Trong truyền thống Kim Cương thừa, thiền quán là một giải pháp cần thiết để từ bỏ những phiền não và hoàn thành hạnh phúc đích thực, những phẩm tính của giác ngộ và trí huệ. Hiểu thiền quán là quan trọng bởi vì bình thường chúng ta đặt giá trị và tầm quan trọng lớn lao cho sự xuất hiện của những hiện tượng bên ngoài. Chúng ta hạnh phúc và bất hạnh vì chúng. Nương dựa vào thế giới bên ngoài cho hạnh phúc chỉ đưa đến bất hạnh. Thay vì thế, chúng ta cần thấu hiểu thế giới bên trong của tâm. Nếu chúng ta có hạnh phúc của tâm, môi trường chung quanh của chúng ta sẽ xuất hiện như một lâu đài của chư Phật, bất kể chúng ta ở đâu. Không có hạnh phúc của tâm chúng ta không có an vui, dù đang ở trong lâu đài bằng vàng bạc. Nếu tâm ta an bình không sợ hãi, chúng ta sẽ kinh nghiệm thế giới này là một nơi an bình, thân thiện. Vui hay khổ chúng ta kinh nghiệm là chính tâm chúng ta. Đây là tại sao tâm là cái quan trọng nhất cần thấu hiểu.

Có hai phương diện của tâm: tâm như nó xuất hiện (TT. nanglug) và tâm như nó thực sự là (TT. ngelug), bản tánh thực của nó. Tâm như nó xuất hiện là sanh tử, samsara. Khi nhìn vào tâm sinh tử, chúng ta thấy nhiều tư tưởng thô và ngoan cố với những yếu tố kiêu căng, ganh tỵ, tham, sân, và vô minh. Khi những phiền não này thống trị tâm ta, thân và khẩu cũng theo như vậy, và chúng ta tích tập nghiệp xấu. Rồi điều này lại làm chúng ta thêm phiền não.

Nhưng nếu nhìn kỷ càng, chúng ta thấy rằng bản tánh của tâm không hoàn toàn bị bao phủ bởi những phiền não. Trong truyền thống kinh, tâm được giải thích là có tinh túy Phật hay Phật tánh (tathagatagarbha). Phật tánh này là một tiềm thể trong chúng ta, giống như một hột giống từ đó mọi phẩm tính Phật có thể lớn lên. Tinh túy giác ngộ này hiện diện trong chúng ta như vàng ròng, nhưng nó bị ngăn che bởi những trạng thái méo mó và khổ đau của tâm, như bám luyến, hiếu chiến, và vô minh. Để Phật tánh hiển lộ, chúng ta phải loại bỏ những xúc tình quấy nhiễu ấy.

Nghe về Phật tánh chúng ta có thể nghĩ rằng phiền não thì ở ngoài và Phật tánh thì ở trong chúng ta. Chúng ta có thể khảo sát những tư tưởng này trong thiền định bằng cách hỏi: Tâm này ở đâu? Nó ở ngoài thân, trong thân hay ở giữa? Nó có tướng trạng hay không tướng trạng? Nếu có tướng trạng thì màu sắc gì, hình dạng gì? Nếu không có tướng trạng, bấy giờ cái chúng ta cho là tâm chính xác là cái gì? Khi phân tích theo cách này, chúng ta không tìm thấy cái gì có thể chỉ ra và nói, “Đây là tâm”. Chúng ta không tìm thấy nơi nào đích xác có những tư tưởng.

Có hai cách nhìn vào tâm: sau sự kiện hay đang trải nghiệm. Chúng ta có thể nhìn vào một tư tưỏng tham luyến hay hiếu chiến mạnh mẽ sau khi nó đã bỏ đi, nhưng chúng ta không bao giờ bắt được nó bởi vì nó đã qua đi. Hay chúng ta có thể nhìn vào tâm một cách trực nghiệm, bằng cách nhìn vào trạng thái hiện tại của tâm, không nghĩ đến tương lai hay quá khứ. Chúng ta có thể nhìn vào tâm hiện tại để thấy chẳng hạn như một tư tưởng đang xảy ra, và hỏi, “nó sanh ra cách nào?” Nếu nhận định rằng nó không sanh từ cái gì trong chúng ta, chúng ta có thể hỏi, “Làm thế nào nó có ở đó? Như thế nào nó xảy ra?”. Khi tìm kiếm nguồn gốc những tư tưởng, chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy cái gì.

Lý do chúng ta không thể tìm thấy tâm khi tìm kiếm nó là tâm không có một bản tánh thiết yếu của riêng nó. Sự không có hiện hữu này là điều Đức Phật gọi là tánh Không hay shunyata. Tánh Không này không cần được chứng minh bằng lý luận phức tạp; nó đơn giản là bản tánh hay tinh túy của tâm. Cả hai sự bình an và phiền não đều sanh khởi từ bản tánh của tâm. Và cái này không cứng nhắc và đầy đặc; đúng ra, nó trống không hiện hữu nội tại. Bởi vì nó trống không, bản tánh của nó không thể bị tổn hại và không trở nên hư hao hay thoái hóa theo tuổi tác và bệnh tật. Bởi vì Phật tánh vốn thoát khỏi khuyết điểm, chúng ta không cần sợ bất cứ cái gì. Sự bình an này là đặc tính của tâm, nó cũng được biết như là tánh Không.

Khi chúng ta nói rằng tâm là trống không, chúng ta không nghĩ rằng nó là một cái trống không như không gian. Không gian thì trống không, nhưng nó không có khả năng biết, thấy hay suy nghĩ. Không gian là một “sự trống không chết”. Khi nói bản tánh của tâm là trống không, chúng ta nói tâm không phải là một thực thể cứng đặc hay cố định. Nó không thể tìm thấy, bất kể chúng ta nhìn thế nào. Tuy nhiên nó có khả năng thấu hiểu và suy nghĩ. Khả năng nghĩ và biết này là cái chúng ta gọi là quang minh của tâm.

Trong kinh điển, quang minh này được gọi là tinh túy Phật. Tinh túy Phật là sự thống nhất của trí huệ và không gian. Nhưng không gian này là một không gian sống (Skt. Dhatu, giới), hàm ý trống trải, bao la và thực tại. Chúng ta gọi sự trống trải này là “tánh Không”, và nói đến trí huệ nghĩa là “quang minh của tâm”. Tánh không và quang minh không trái nghịch. Khi tâm trống không, nó thì quang minh. Và nó quang minh và tỉnh giác nên nó hoàn toàn trống không. Tâm là sự thống nhất tự nhiên của quang minh và tánh Không. An trụ tâm một cách phẳng lặng trong sự nhận biết điều này thì được gọi là thiền quán, vipashyana.

Khi chúng ta thực hành thiền này, chúng ta kinh nghiệm điều giống như mặt trời giữa những đám mây: khi mặt trời chiếu sáng trong một bầu trời có mây, đôi khi chúng ta thấy mặt trời rất rõ ràng và đôi khi mây che mất. Tương tự khi chúng ta tham thiền về tâm, về sự thống nhất của quang minh và tánh Không, đôi khi chúng ta thấy nó rõ ràng và đôi khi nó mờ nhạt biến mất. Lý do nó dao động là chúng ta không có đủ thiền chỉ, shamata. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với những tư tưởng lan man và dễ dàng rơi vào chúng. Để khai triển cái thấy rõ ràng vững chắc chúng ta cần trở nên quen thuộc với tâm không lan man. Cách để làm điều này thì đơn giản: tham thiền trở đi trở lại mãi.

 

Những loại thiền chỉ và thiền quán

[29]        Có một số cách xếp loại thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ gồm hai loại: loại thế gian an định tâm một cách đơn giản và loại xuất thế gian và có ảnh hưởng của Bồ đề tâm. Trong Kinh Samdhinirmoch. Đức Phật nêu lên ba phạm trù của thiền quán. Thứ nhất là thiền quán sanh khởi từ hiểu biết vững chắc: chúng ta dùng lý luận logic để phân tích bản chất của những hiện tượng. Thứ hai thiền quán là quá trình tìm kiếm cái thấy: qua thực hành nhìn vào tự tâm chúng ta thiết lập cái thấy thực sự đúng như nó là. Thứ ba là thiền quán sanh khởi từ tham thiền: đã tìm ra cái thấy một cách quyết định, qua tham thiền chúng ta đến một thiền quán không ý niệm được gọi là tri giác trực tiếp.

 

Thứ tự thực hành thiền chỉ và thiền quán

[32] Có hai truyền thống khác nhau về thứ tự thiền chỉ và thiền quán: truyền thống kinh và truyền thống của những thành tựu giả. Hầu hết kinh nói rằng chúng ta phải thực hành và đạt được thiền chỉ hoàn hảo trước khi thực hành thiền quán. Shantideva phản ánh quan điểm này khi ngài nói chúng ta phải trước hết làm cho tâm an bình và thư giản bằng thiền chỉ. Khi tâm chúng ta được thư giản, chúng ta có thể bắt đầu khai triển thiền quán để thấy thực tại hay pháp tánh (dharmata) của mọi sự vật. Trong cách này, chúng ta từ bỏ phiền não.

Tuy nhiên những thành tựu giả thì tìm kiếm tham thiền từ trong cái thấy của thiền quán và cả tìm kiếm cái thấy từ trong tham thiền. Trước hết đã thấu hiểu sự vật như chúng là, một số thành tựu giả có thể khai triển tâm rất vững chắc của thiền chỉ để làm vững chắc sự nhận biết. Tuy nhiên thường hơn, họ cũng trước hết thiết lập một tâm vững chắc và thư giản và trên cơ sở này tiến hành để nhận biết thật tánh của những hiện tượng.

[33]        Không khác biệt hoặc chúng ta tìm kiếm tham thiền theo cái thấy hay tìm kiếm cái thấy trong tham thiền. Cả thiền chỉ và thiền quán đều rất quan trọng, và chúng ta cần thực hành cả hai. Nếu chúng ta cố gắng thực hành thiền quán mà không hoàn thành thiền chỉ, nội quán vào bản tánh của những hiện tượng sẽ không vững chắc. Nó như ngọn đèn bơ trong gió: chúng ta không thể thấy nhiều trong ánh sáng của một ngọn lửa chập chờn. Ngược lại, nếu chúng ta cố gắng thực hành thiền chỉ mà không có thiền quán, chúng ta sẽ hoàn thành một tâm thư giản, an lạc, và vững chắc, nhưng chúng ta sẽ không loại bỏ được những phiền não ở tận gốc rễ. Nếu không loại bỏ những phiền não, trí huệ sẽ không tăng trưởng. Chúng ta có thể chú tâm vào thiền chỉ hay thiền quán trước tiên, cuối cùng chúng ta cần khai triển chúng đồng thời bởi vì chúng ta cần cả hai một cách cân bằng để đạt chứng ngộ.

Thường thì chúng ta bắt đầu với thực hành thiền chỉ, dùng một đối tượng thích hợp để quan sát. Thông thường đối tượng này là hơi thở, nhưng nó có thể là đối tượng được quán tưởng. Một khi đã phát triển thiền chỉ, vị thầy có thể chỉ ra bản tánh của tâm cho chúng ta, và nếu chúng ta thấu hiểu nó, điều đó cực kỳ tốt. Nhưng chúng ta cần sự vững chắc của tâm được phát triển nhờ thiền chỉ để tham thiền một thời gian dài, không xao lãng, vào thực tại đã được nhận biết. Chỉ biết tâm thì không đủ; cần nối kết sự nhận biết này với khả năng tham thiền về nó trong thời kỳ kéo dài. Khi có thể làm cả hai, có thể loại trừ những lỗi lầm khác nhau của tâm, như phiền não, và làm sanh khởi những phẩm tính tốt phi thường, như trí huệ của các bậc giác ngộ.

 

Những kết quả của thiền chỉ và thiền quán

[37]        Như một kết quả của sự thực hành thiền chỉ, tâm chúng ta trở nên an bình và thư giản, và chúng ta có thể làm những phiền não yếu đi. Trong thiền quán chứng ngộ khai mở; nó là một vấn đề từ bỏ một số thói quen và tiếp nhận những cái khác. Khi mục đích cuối cùng hoàn thành, giác ngộ, Phật quả, và kết quả tốt đẹp khác cũng đến từ sự khai triển thiền quán. Khổ đau và không thoải mái chúng ta kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày đến từ không kiểm soát được tâm mình. Nếu chúng ta hoàn thành thiền chỉ và thiền quán, tâm chúng ta trở nên độc lập, không còn dưới ảnh hưởng của mê lầm và phiền não. Bấy giờ chúng ta có quyền năng để tạo ra một đời sống an vui cho chính mình.

Có nói rằng quả của thiền chỉ là một tâm trong sạch, không bị quấy nhiễu bởi những quan niệm sai lầm và những phiền não. Quả của thiền quán là trí huệ Bát nhã (prajna) trí huệ thanh tịnh, hay jnana. Jnana là trí huệ biết thật tánh của những hiện tượng. Đây là trí huệ cuối cùng ở cấp độ giác ngộ hoàn toàn. Ở giai đoạn này, trí huệ Bát nhã trở nên bao la đến độ chúng ta khai triển loại trí huệ thứ hai gọi là: “Trí huệ biết sự khác biệt của những hiện tượng.”

SHARE:

Trả lời