SHARE:
Hương Vị Giải Thoát
Tác Giả: Phạm Kim Khánh
Lời Mở Đầu |
---|
An Lạc Vượt Ngoài Thế Gian |
Khai Thông Pháp Nhãn |
Cái Tâm Này |
Pháp Hành Thiền |
Lời Mở Đầu
Phần sau đây là tập thứ nhì, góp nhặt những thời Pháp do Ngài Ajahn Chah thuyết giảng và chư Tăng sưu tập. Tập thứ nhất, dưới tựa đề “Bodhinyàna” (Giác Minh) là phần giới thiệu giáo huấn và lối giảng dạy của Ngài Achahn. Mục đích của tập nầy là gom góp lại vài thời giảng có tánh chất đặc biệt hơn, đề cập đến sắc thái tinh vi tế nhị của pháp hành. Về phương diện nầy tôi phải nói rõ rằng nhiều khi tôi chỉ dùng một phần của bài Pháp. Như vậy bởi vì sách được sưu tập với một khái niệm riêng biệt: để trình bày rõ ràng và chính xác một vài sắc thái của những lời dạy, mà không làm tổn hại đến luồng trôi chảy của lời nói. Do đó tôi phải thận trọng chọn lọc phương cách chuyển ngữ, chọn những thời Pháp hoặc các phần của những bài giảng có thể dễ dàng hợp chung thành một loại hình ảnh chung. Về phương diện nầy, tập “A Taste of Freedom” (Hương Vị Giải Thoát) có phần khác hơn tập “Bodhinyàna” (Giác Minh), chỉ chuyển dịch những lời dạy vào lúc bấy giờ, và như vậy không được sắp xếp chung thành một toàn thể mà chỉ từng bài riêng rẽ.
Tuy nhiên, nếu người đọc muốn tìm thấy nơi đây một hướng dẫn pháp hành thiền có hệ thống, thì ắt sẽ thất vọng; nên ghi nhận rằng đây là những thời Pháp riêng biệt, được thuyết giảng ở những nơi khác nhau tại Thái Lan và Anh Quốc, trong khoảng thời gian hơn mười năm.
Trong khi phiên dịch tập nầy tôi có hai mục đích. Trước tiên cố gắng viết lại những lời dạy một cách càng rõ ràng, càng sáng tỏ càng tốt, cố tránh cạm bẫy đưa vào lối dịch từng chữ. Muốn được vậy, trước khi phiên dịch tôi cố gắng thấu hiểu những điểm chánh yếu những gì Ngài Achahn muốn nói. Hiểm họa của lối chuyển ngữ từng chữ là thường bị lạc lối trong hoàn cảnh rối loạn của đám rừng danh từ, làm tối nghĩa.
Cực đoan kia là không lưu tâm đến đường lối thuyết giảng và cá tánh của vị Thầy, mà tự do thông dịch theo ý mình. Nhằm tránh hai điều ấy tôi cố gắng trung thành theo sát lối nói chuyện có tánh cách khôi hài u mặc của Ngài. Vì ngài Ajahn Chah thường thuyết giảng Giáo Pháp với lối nói chuyện theo ngôn ngữ thường ngày của người Thái vùng Tây Bắc, hoặc thổ ngữ “Isahn'”, tôi cố gắng chuyển dịch các thời Pháp ấy sang tiếng Anh thông dụng thường ngày.
Đó là những điểm khó. Không thể chuyển dịch Giáo Pháp từ văn nói lên trên những trang giấy, mà không sắp xếp sửa chữa bản thảo đôi chút. Công việc nầy tôi đã tận lực cố gắng, nhưng không thể tránh lặp đi lặp lại vài danh từ để câu văn trôi chảy suông sẻ.
Để về sau dễ dàng tham khảo, tựa của những thời Pháp đã được thêm vào. Chính tự Ngài Ajahn Chah không có đặt tên, và trong thực tế, thông thường Ngài không có soạn thảo trước. Giáo Pháp sẵn ngay tại đó, và hồn nhiên tuôn trào thoát ra. Giáo huấn được ứng khẩu ban truyền sẽ khác biệt nhau tùy theo thính giả. Mặc dầu Giáo Pháp là một, mức độ lãnh hội của người nghe khác nhau, và nhu cầu hiểu biết không giống nhau, vì thế Lời Dạy được áp dụng cần phải thích ứng với trường hợp. Như Ngài Ajahn Chah nói, nếu thấy vị kia tách rời Con Đường đi lệch qua bên trái thì Ngài bảo. “Phải đi hướng về bên phải!”; nếu thấy người nọ đi lệch bên phải thì Ngài nói, “Phải đi hướng về bên trái!”. Lời dạy có thể xem hình như tiền hậu bất nhất, có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng Con Đường là một.
Trong những thời Pháp thường có nhiều danh từ Phạn ngữ (Pàli) ít quen thuộc với quý vị đọc giả Phương Tây, phần lớn tôi đã phiên dịch sang Anh ngữ. Tuy nhiên có những nơi mà tôi không tìm ra cách phiên dịch thích ứng nên giữ nguyên tiếng Pàli, thường có lời chú giải kèm theo. Đàng khác trong suốt năm thời Pháp, đặc biệt có hai danh từ làm cho tôi ngập ngừng không nhất quyết là “Kamasukhallikànuyogo” và“Attakilamathànuyogo”. Quý vị đọc giả không quen thuộc với những danh từ nầy có thể lướt qua, cũng không cần bận tâm tìm cách đọc! Vì lẽ ấy tôi đã phiên dịch, mặc dầu không cần thiết lắm, để hiểu ý nghĩa của đoạn văn nầy. Mỗi lần đề cập đến hai danh từ nầy Ngài Ajahn thường giải thích theo thông thường bằng những danh từ Pàli khác. Nhưng nó quá dài dòng nên tôi uyển chuyển dùng hai thành ngữ, “Lợi Dưỡng trong Dục Lạc” và “Lợi Dưỡng trong Đau Khổ”.
Sau cùng tôi muốn nói thêm rằng tuy bản dịch nầy phần lớn là công trình của một người, nó đã được những vị hội viên của Tăng Già khác duyệt lại, và nơi đây tôi xin bày tỏ lòng tri ân của tôi với những gợi ý quý báu của các vị ấy.
Ngưỡng nguyện rằng những ai đọc sách nầy sẽ khai thông Pháp Nhãn.
Người dịch (từ Thái sang Anh)
Thiền viện Wat Pah Nanachat,
Ubon Rajathani, Thái Lan
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS