CHƯƠNG X SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG HAY CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA

SHARE:

Akong Tulku Rinpoche
Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris
Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001

Cuốn sách này được hồi hướng cho sự nở hoa
của lòng khiêm hạ, bình an và trí huệ trong thế giới

VÀO ĐỀ
CHƯƠNG I NGHỆ THUẬT NUÔI DẠY CON CỌP BÊN TRONG
CHƯƠNG II GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỜI NGƯỜI QUÝ GIÁ
CHƯƠNG III CHỈ MỘT CÁI THƯỜNG HẰNG SỰ VÔ THƯỜNG
CHƯƠNG IV SỐNG ĐỂ CHO CÁI GÌ ? “ĐỘNG CƠ CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG V ĐỐI MẶT
CHƯƠNG VI CÁI GƯƠNG
CHƯƠNG VII THÂN , NGỮ, TÂM : BA CỬA CỦA THỰC TẠI CON NGƯỜI
CHƯƠNG VIII PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG “HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG IX ĐÁNH THỨC TRÁI TIM MÌNH LÒNG BI
CHƯƠNG X SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG HAY CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA
DẪN VÀO NHỮNG THỰC TẬP
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC
Bài Thực Tập số 1 TƯ THẾ
Bài Thực Tập số 2 THƯ GIÃN
Bài Thực Tập số 3 CẢM NHẬN
Bài Thực Tập số 4 TỰ MỞ MÌNH RA
Bài Thực Tập số 5 CẦU VỒNG
Bài Thực Tập số 6 TẤM GƯƠNG
Bài Thực Tập số 7 BẠN
Bài Thực Tập số 8 ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 9 LÀM SỐNG ĐỘNG ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 10 TRIỂN NỞ / THU RÚT
Bài Thực Tập số 11 KẺ THÙ
NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Bài Thực Tập số 12 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA CHA MẸ VÀ CỦA GIA ĐÌNH MÌNH
Bài Thực Tập số 13 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN
Bài Thực Tập số 14 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG KẺ THÙ CỦA MÌNH
Bài Thực Tập số 15 KHỐI CẦU CẦU VỒNG
VŨ TRỤ ĐƯỢC CHUYỂN BIẾN BỞI LÒNG BI
PHẦN PHỤ THÊM CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI NUÔI DẠY CỌP

CHƯƠNG X
SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG
HAY
CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA

 

 Sự việc đơn giản là buông xả toàn diện và quan sát cái gì đang xảy ra sẽ cho bạn một sức mạnh vĩ đại.
Milarepa

 

Một phần lớn những vấn đề khó khăn người ta gặp trong đời sống mọi ngày là do một sự thiếu chú ý về phần chúng ta. Luôn luôn người ta làm một cách xung động, theo những tình cảm nhất thời, không chú ý đến bản chất của những hành động của mình hay những phản hồi của chúng lên chính mình hay lên những người khác. Khi với một cẩn trọng tối thiểu, người ta có thể thấy biết những tư tưởng và tình cảm của mình ngay lúc chúng xuất hiện, và vậy là ý thức được cái thúc đẩy chúng ta hành động. Thay vì để cho bị lôi cuốn một cách mù quáng thụ động phải làm hay nói những điều mà sau đó người ta sẽ hối tiếc, người ta ý thức những động lực của chúng và người ta có thể hành động trong sự hiểu biết rõ ràng nguyên nhân. Khi người ta chú tâm vào cái gì đang xảy ra nơi mình, người ta không bị bắt buộc làm món đồ chơi cho những tình cảm của mình nữa ; thay vì để cho những phản ứng xung động và thói quen cuốn trôi, người ta trở thành người chứng và người diễn viên sáng suốt của cái đang chuẩn bị trong tâm thức và của những hành động có từ đó.

 

Nếu thiền định nhắm vào việc phát triển chú ý và cẩn trọng, thì đó không phải là những phẩm chất đặc biệt tâm linh hay những đức hạnh bí truyền dành riêng cho những người quan tâm đến tâm linh. Thật vậy, không có gì thường ngày và bình thường hơn chú ý, vì người ta không thể làm gì mà không có nó. Không ngừng có hàng đống sự việc cần có sự chú ý : thời giờ, cách người ta ăn mặc y phục, cách người ta băng qua đường, lái xe và đậu xe, cái người ta ăn, cái người ta làm… Chú ý, là cố gắng nghĩ đến một sự việc nhất định, ý thức nó mà không để cho chuyện khác làm xao lãng. Vậy thì chú ý và cẩn trọng không phải là những quan niệm trừu tượng hay những đức hạnh ngoại lai, mà là những dụng cụ cần thiết cho sự sống còn và cho sự an toàn hàng ngày của chúng ta. Và hơn nữa, nếu người ta học cách phát triển nó, thì chính nhờ những công cụ này mà người ta có thể chinh phục con cọp và khiến nó phải làm điều mà người ta chờ đợi ở nó.

 

Đời sống hàng ngày đầy những cơ hội để thi hành sự chú ý, và thiền định cho ta một toàn bộ những kỹ thuật cho phép phát triển nó đến mức tỉnh thức với mọi khoảnh khắc của cái đang xảy ra trong tâm thức. Vậy thì có một bổ túc cho nhau rõ ràng giữa đời thường hàng ngày và thiền định. Tuy nhiên có người tưởng tượng rằng thiền định là một cách trốn thoát những thực tế của đời sống và quay lưng với những vấn đề của nó bằng cách trầm mình trong những thiền “hư không”. Chính điều ngược lại mới đúng và ít ra đối với cái thiền định xứng đáng với từ này, và không phải những giả mạo của những thầy lang bịp bợm hứa hẹn với bạn cái phúc lạc tức thời và những quyền năng huyền thuật. Thiền định chân thật không phải được thực hành để nuôi dưỡng những ảo vọng hoang đường của chúng ta và củng cố cho cái nhìn ích kỷ của chúng ta về thế giới, trái lại nó nhắm đến việc đưa chúng ta đến gần thực tại của cái mà chúng ta thực sự là. Nó loại bỏ những méo mó ngăn cản chúng ta có một nhận thức đúng về chính mình, và về thế giới, về những người khác đúng như họ là. Về tiến trình phát triển sự chú ý, thiền định giống như một pha tu hành mãnh liệt, còn cái hàng ngày vừa như một chỗ thử cái người ta đã học vừa như một chỗ chứa những kinh nghiệm mới để nuôi dưỡng và kích thích thiền định.

 

Phần đông chúng ta tự bằng lòng ở lại trong một giai đoạn sơ khai của sự phát triển chú ý, chỉ đủ để làm gấp những chuyện thông thường. Tâm thức tập trung một cách chừng mực – nhiều hay ít – trên một đối tượng mà bên ngoài khuyến khích sự chú ý vào giây phút đó, nhưng nó luôn luôn sẵn sàng trả lời tức khắc cho một khuyến khích khác làm vui lòng nó hơn. Nhưng người ta không biết những tiến trình tâm thức diễn tiến trong chúng ta ngay cùng lúc đó, nơi tấm màn phông. Người ta không ý thức những tư tưởng, những cảm giác và những tình cảm nổi lên không ngừng trong tâm thức, định hình tri giác của chúng ta về những sự vật và những phản ứng của chúng ta về những biến cố. Người ta chỉ thấy cái xảy ra trên sân khấu và không thấy trong hậu trường. Và bởi vì người ta không thấy những xung động, những động cơ trong sáng của mình mà nhiều khi người ta có những phản ứng, đối xử vô lý, không được kiểm soát gây ra bao nhiêu hỗn loạn cho cuộc đời.

 

Mối tương quan của chúng ta với những người khác và với thế giới hoàn toàn được xác định bởi cái xảy trong tâm thức chúng ta, và nếu người ta biết chú ý vào tâm thức, người ta ý thức được tác động, ảnh hưởng mà những hành vi nhỏ nhất của chúng ta có thể có trên những người khác. Người ta học nhận diện điều mà người ta cảm thấy – giận dữ, ghen ghét, ham muốn – điều này không hàm ý rằng người ta nuôi dưỡng tình cảm đó, hay ngược lại đè nén nó, bởi vì cách nào thì một ngày nào đó nó sẽ nổ bùng. Người ta bằng lòng nhận ra sự hiện diện của nó, không để cho mình hành động một cách xung động vô ý thức, vì người ta biết những thiệt hại người ta có thể gây ra cho những người khác.

 

Hẳn nhiên, nói thì dễ dàng hơn là làm, và phải đã có một sự tu tập chú ý nào đó khả dĩ cách ly đủ với tư tưởng và những tình cảm của mình để không phản ứng tức khắc. Nhưng chớ có tin rằng điều ấy sẽ làm cho cuộc đời chúng ta thêm rắc rối, phức tạp, mà trái lại. Người ta không tìm kiếm sưu tập thêm những nguyên tắc và những mánh lới, mà tự để cho không gian cần thiết để thấy rõ hơn, khi giản dị hóa một chút những sự vật. Người ta càng cần điều này khi cuộc sống trong những xã hội hiện đại đã đủ phức tạp và cuồng loạn.

 

Chính khi học tập trung sự chú ý mà người ta tìm ra không gian cần thiết để nhận diện cái gì đang xảy ra nơi mình và thụt lui khá đủ đối với cái ấy. Tập trung, đó là giản dị hóa : thay vì phân tán sự chú ý của mình trên nhiều sự vật, người ta chỉ để tâm vào một cái – một cách chú ý, và do đó có hiệu quả, không mất thời gian. (Trái với điều người ta thường tin, người ta không có thời giờ làm nhiều việc một lúc, vì chú ý không thể hiệu quả khắp nơi vào cùng một lúc.) Một vị thầy Tây Tạng vĩ đại đã nói : tâm thức phải ở nơi đâu thân thể ở. Điều này có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng trong thực tế, hiếm có người sống được như vậy. Phần lớn thời gian, người ta làm một việc mà nghĩ đến một việc khác ; người ta xao lãng bởi cái xảy ra chung quanh – một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương –, hay để mình chìm vào cuộn phim bên trong của mình – một cảm giác, một tư tưởng, một tình cảm. Đến độ cuối cùng một sự lầm rối lớn lao ngự trị và người ta hiểu sai cái gì đang xảy ra, người ta là cái gì, người ta làm điều gì và tại sao người ta làm thế. Tâm thức thường được ví như một cái ao : nếu người ta khuấy nó với một cây gậy, nước trở nên vẩn đục và mọi phần tử nhỏ lơ lửng trong đó. Ngược lại, nếu người ta ngừng lay động và để nước yên nghỉ, mọi thứ cặn dơ làm nước vẩn đục dần dần lắng xuống đáy ao và nó lấy lại sự trong sạch ban đầu. Tâm thức giống như nước trong sạch mà cơn lốc không ngừng của những tư tưởng, tình cảm và cảm giác có thể làm vẩn đục ; và người ta càng kích động nó, càng có sự hỗn loạn. Nhưng khi người ta biết để cho qua những biến cố tâm thức này, không xáo động chúng, tâm thức tìm thấy lại sự trong suốt ban đầu của nó.

 

Làm thế nào học không xáo động nước trong ao ? Trước hết người ta thư giãn, rồi, vẫn không co rút, người ta quan sát cái gì xảy ra. Ban đầu, có lẽ người ta sẽ không thấy rõ ràng lắm, bởi vì có nhiều sự vật chen chúc nhau trong mọi hướng. Nhưng nếu người ta cẩn thận, như con mèo rình con chuột mà không làm ra vẻ rình mồi, người ta dần dần nhận ra một số yếu tố, chẳng hạn như một tư tưởng – “tôi sẽ ăn cái gì trưa nay” –, một cảm giác – “tôi đau đầu gối” –, theo sau một tư tưởng khác – “tôi nghe ra-dô của những người hàng xóm” –, và trong đám ấy, một cảm giác – “chúng nó làm ta bực mình”. Và cứ như thế. Khi người ta làm bình lặng trò chơi, nghĩa là khi người ta rút lui và quan sát quang cảnh mà không gia thêm gì cho nó, người ta bắt đầu thấy cái gì xảy ra. Nếu bạn bị lọt trong một đám đông đang đi trong đường phố, bạn sẽ không biết chuyển động tổng quát của sự giao thông, nhưng khi bạn tách rời đường phố và bạn nhìn người ta từ cửa sổ của một căn nhà, bạn sẽ có một cái nhìn toàn bộ về tình huống.

 

Thiền định, theo nghĩa chúng ta hiểu, không phải là sự chiêm nghiệm một ý tưởng. Người ta chỉ đơn giản trở thành một người quan sát không tham dự, người ta tự cho mình thời gian và sự lùi lại cần thiết để tri nhận cái gì đang xảy ra nơi mình : vì bình thường tất cả đi qua nhanh quá đến độ người ta không thấy gì cả. Đấy cũng hơi giống như khi người ta hoàn thành một cuộn phim : phải làm cho nó diễn ra chậm lại, hình này sang hình khác, để có thể nhận diện rõ ràng mỗi cảnh và thấy cần cắt bớt hay thêm chỗ nào. Người ta tập quan sát tâm thức : người ta để cho tư tưởng đến và đi tự nhiên, theo ý chúng, không can thiệp để dừng chúng hay để kích thích chúng. Không phải phân tích hay đánh giá những tư tưởng, chấp nhận những tư tưởng tốt và bỏ đi những tư tưởng xấu. Việc đó thuộc về những loại thực hành khác. Ở đây người ta không phải là một người kiểm duyệt ; người ta thử làm một người quan sát vô tư mọi tư tưởng của mình, dù chúng có thế nào ; chúng chỉ đáng lưu tâm vì chúng là những chuyển động của tâm thức. Vậy thì không phải khó nhọc để phấn khích với một tư tưởng “tốt” và theo đuổi nó, để choáng váng bởi một tư tưởng “vô đạo đức” hay khiếm nhã và tìm cách triệt tiêu nó bằng võ lực, hay cảm thấy chán nản bởi sự tầm thường không có gì đặc sắc của những tư tưởng. Chỉ tiếp tục nhìn cái gì đang xảy ra mà không hòa lẫn vào nó, không tìm cách uốn nắn đường đi của những sự vật. Nhờ không gian do sự không tham dự của chúng ta tạo ra, người ta sẽ dần dần thấy nó rõ hơn. Người ta sẽ có thể ở yên trong sự chú ý và cẩn trọng với cảnh tượng của những tư tưởng của mình, không để cho chúng cuốn đi hay để cho xao lãng bởi những yếu tố bên ngoài. Khi người ta đạt được sự làm chủ sự chú ý của mình, tâm thức có được một an định nào đó : nó trở nên bình yên hơn. Con cọp bắt đầu thuần hóa. Điều đó tùy thuộc vào giai đoạn thứ nhất của phát triển chú ý : tâm thức trở nên tĩnh lặng và bình yên.

 

Giai đoạn tiếp theo là lúc mà tâm thức đã ổn định, nó xuất hiện bằng tất cả sự sáng tỏ của nó và người ta có thể thấy cái gì đang xảy ra ở đó. Lấy lại ví dụ mới đây của chúng ta, nước trở lại trong trẻo hoàn toàn khi người ta để cho nó yên nghỉ và nó lóng những cặn dơ của nó. Người ta càng tiến bộ trong sự làm chủ chú ý, tâm thức càng trở nên yên tĩnh và trong sáng ; điều này không phải nói rằng không có gì xảy ra nữa, như người ta đã qua một cơn mổ thùy não. Tất cả những chuyển động tự nhiên của tâm thức vẫn tiếp tục – tư tưởng, tình cảm, cảm giác – nhưng người ta thấy chúng rất rõ ràng, người ta ý thức được chúng. Vậy thì người ta có thể hành động trong sự sáng suốt minh bạch, hiểu rõ nguyên nhân, và không mù mờ. Người ta không bị lôi kéo dật dờ bởi mọi thứ đi qua trong đầu chúng ta. Từ đó là một cảm thức bình an sâu xa ; một hòa bình đích thực, vì nó không tùy thuộc vào một cái gì bên ngoài mình. Khác với những hạnh phúc quen thuộc của chúng ta, cái này là vô điều kiện : đó là một sức mạnh luôn luôn hiện diện ở đó, thậm chí giữa những khổ cảnh tệ hại nhất. Không khó thấy mình “khỏe mạnh, sung mãn” khi người ta an ổn ở nơi nhà mình, với những người mình thương yêu và với âm nhạc : người ta dễ dàng cảm thấy tâm thức bình an. Nhưng có như vậy không khi xe người ta hỏng máy giữa lúc xe cộ nghẽn lối, khi người ta nhận được giấy cho thôi việc, khi người ta biết được vợ mình hay chồng mình lừa dối hay đơn giản khi người ta đau ở một chỗ nào đó ? Khi con cọp đã được nuôi dạy thuần, tâm thức giữ được sự vững chắc, phẩm chất thanh bình như nhau trong mọi trường hợp : bên ngoài, sự thay đổi màu sắc của cái hàng ngày vẫn theo dòng của nó, và như vậy, mặt ngoài chẳng có gì thay đổi, nhưng bên trong, tâm thức đã tìm ra một điểm neo đậu – đến nỗi mọi sự đều khác. Không có gì thay đổi, nhưng tất cả đều khác. Thay vì để cho bị lôi kéo và chìm đắm bởi những biến cố – ngoài và trong – với đủ mọi đảo điên thất vọng và khổ sở, người ta vẫn tập trung, sáng suốt. Đó là sự ích lợi của việc nuôi dạy con cọp : tìm thấy chỗ neo đậu bên trong này, sự vững chắc ổn cố phát sanh an lạc này. Không có gì thay đổi cả, nhưng không có gì như cũ.

 

Thật vậy, không có gì phấn khích cho bằng một viễn cảnh như thế : không có cái gì là vững bền, cứng chắc và bất động. Khi người ta biết rằng chính tâm thức mình quyết định tri giác mình có về thế giới, người ta học làm cho những niềm vui và nỗi khổ của mình thành tương đối, trong mức độ đấy là những trạng thái chủ quan và vô thường, chứ không phải là những thực tại cứng chắc như cẩm thạch và bao giờ cũng bất động. Vả lại điều đó cũng đúng với thế giới bao quanh chúng ta, nếu người ta suy nghĩ kỹ. Thật vậy, toàn thể vũ trụ và tất cả cái gì chúng ta tri giác bằng con đường giác quan là hợp tạo bởi những nguyên tử và những hạt dưới mức độ nguyên tử. Những phần tử này tự phối hợp và tổ chức dưới dạng vật thể hay những năng lực vật lý mà những dụng cụ giác quan của chúng ta tri giác được, nhưng chúng không hiện hữu theo cách độc lập và cứng chắc. Sự biểu lộ của chúng tùy thuộc vào sự gặp gỡ của một tổng thể những điều kiện khách quan – những phối hợp đặc biệt những yếu tố tạo thành chúng – và tri giác mà một chủ thể có. Vật lý học hiện đại đã thấy rằng vật chất, cái mà người ta trước kia vẫn cho là một thực tại cứng đặc và bất biến, thực ra là một tổng hợp những năng lực trong tình trạng chuyển dịch thường hằng, liên tục tiến hóa, tự chỉnh hợp, tự giải thể và tự tổ chức lại. Bài thực tập số 5, “Cầu vồng” mà người ta sẽ thấy trong phần hai của cuốn sách này, chính là để chúng ta hiểu rằng những sự vật ở quanh chúng ta dù vẻ bề ngoài của chúng không có sự cứng đặc vững chắc mà người ta đã gán cho chúng ; điều đó sẽ giúp chúng ta có một bước lùi lại với thế giới vật chất, để bớt bị hấp dẫn, bị gắn chặt một cách mù quáng với nó hơn.

 

Khi người ta ngừng “làm lay động ao nước” và tâm thức trở nên vững chắc và trong sáng, người ta thấy cái người ta cho là thực tại khách quan của thế giới chỉ là một diễn dịch chủ quan mà người ta tự tạo ra từ những phóng tưởng của người ta như thế nào. Như vậy, một người bị bệnh hoang tưởng tin rằng mọi người ghét mình và diễn dịch những sự kiện và những cử chỉ nhỏ nhất của người khác theo chiều hướng này ; đó là một thí dụ cục bộ bởi vì nó thuộc về một trường hợp bệnh lý, nhưng nó đáng để chỉ ra rõ ràng rằng ý nghĩ mà người ta tạo ra về những sự vật và về những con người có thể đúc khuôn tri giác của họ. Và điều đó đúng cho tất cả mọi người, trong mức độ rộng lớn nhiều hay ít. Người ta thấy trong những lời dạy truyền thống ngụ ngôn tượng trưng minh họa đầy đủ sự việc này : một người đi vào một căn phòng hơi tối, có một sợi dây thừng trên sàn nhà, và anh ta vấp vào nó mà anh ta tưởng là con rắn ; hoảng hốt, anh ta chạy thoát ra ngoài và la. Người ấy không phân biệt được sợi dây thừng, bởi vì trời tối ; có một giải thích sai về bản chất của một vật thật ra thì vô hại, anh ta đã sợ và hành động theo bản năng theo ảnh hưởng của xúc cảm này. Chúng ta hành động cũng giống gần như màn kịch ấy : vì người ta không thấy rõ trong tâm thức mình, người ta phân biệt lầm giữa cái đúng – những sự vật như chúng trình diện với chúng ta – và cái sai – sự giải thích chủ quan của chúng ta từ ý nghĩ thành kiến nào đó khiến người ta yêu hay ghét cái gì, hy vọng hay lo sợ, tham muốn hay kinh hãi nó. Tiếp theo, người ta hành động một cách xung động phản ứng theo xúc cảm ấy. Lấy lại cùng ẩn dụ trên, khi người kia thấy rõ ràng sợi dây, sự sợ hãi của anh ta, nó cũng thực như có một con rắn trong phòng, sẽ tự tan biến. Cũng thế, nếu người ta có đủ sự làm chủ đối với tâm thức để tri giác cái gì đang xảy ra, người ta có thể tiếp nhận những sự vật và những con người “đúng như chúng đến” – thấy sợi dây thừng – mà không sửa sang chúng bởi trò chơi của những phóng tưởng của chúng ta – biến nó thành một con rắn – và nhất là không phản ứng một cách xung động trên căn cứ những dữ kiện sai lầm kia – kinh hãi và tháo chạy. Người ta sẽ dần dần học để không tin những tư tưởng và những tri giác của mình là cứng như sắt, mà hơn nữa để xem chúng như một loại tạo dựng của mê sảng.

 

Khi tự thoát khỏi những giới hạn mà một cái nhìn quá cứng ngắt và rắn đặc tạo ra, ý thức thành tinh tế và mở rộng ; người ta nhờ đó có một tri giác nhiều sáng suốt hơn về chính mình, về những người khác và những nhu cầu của họ. Từ đó là sự quan trọng của việc chế phục con cọp tâm thức để có thể thực hiện lý tưởng đại bi : những méo mó gây ra bởi bản ngã càng bớt đi, thì người ta càng trở nên mềm mại dễ uốn và chú ý vào những người khác, và như vậy càng hiểu họ và giúp đỡ họ hơn. Khi cuộc tan băng của bản ngã đã bắt đầu, tất cả cũng trở nên linh hoạt như nước ở chung quanh mình. Hiệu quả tấm gương, bạn hãy nhớ.

 

Phải có sự kiên trì vừa sự khôn khéo để trau dồi phẩm chất chú ý cẩn trọng này, điều sẽ đem lại bình an bên trong. Có một sự quân bình tìm thấy trong cố gắng : biết khi nào cần một ít chặt chẽ với mình, mà không quá cưỡng bách, hay ngược lại khi nào nên rất dịu dàng và ít mệnh lệnh. Người ta đang trong địa vị một người chinh phục muốn thuần phục một con cọp : phải đủ cương quyết để con thú hiểu ai là chủ, nhưng khi mối tương quan đã được thiết lập, người ta phải tỏ ra thông cảm và hòa hỗn, để con cọp chấp nhận được nuôi dạy. Một người thuần hóa giỏi trước hết là một người thương yêu và tôn trọng con thú, và biết nó rõ đến nỗi ông ta biết lúc nào ông ấy có thể tiến đến để rút phần lợi ích từ những phẩm chất của nó : còn có thể đòi hỏi nó thêm một chút cố gắng hay tốt hơn là tưởng thưởng nó một ít về điều nó đã làm được và để cho nó nghỉ ngơi. Nếu người ta quá đòi hỏi vào lúc căng thẳng, con thú sẽ phóng tới và trở thành nguy hiểm ; trái lại vào những lúc khác, phải tuyệt đối nắm đầu nó và không nhượng bộ, nếu không chính nó sẽ bắt bạn phục tùng ý chí của nó. Tất cả là một vấn đề liều lượng và thời khắc.

 

Những nguyên tắc dạy con cọp như vậy cũng áp dụng vào tâm thức. Trước tiên phải tìm cách hiểu rõ nó để biết nó vận hành và phản ứng lại như thế nào. Biết nó rõ một chút, người ta có thể dự liệu những phản ứng của nó và biết đối xử với nó thế nào, định liều lượng mạnh mẽ hay dịu dàng. Một liều lượng cố gắng nào đó là cần thiết để tập trung và duy trì sự chú ý, nếu không người ta sẽ bị những cơn lốc của những tư tưởng cuốn đi và người ta không thể quan sát gì nữa. Tuy nhiên, cũng không cưỡng bách quá, vì sẽ mất trạng thái thư giãn cần có để quan sát quang cảnh bên trong. Nếu người ta cố gìm cương quá sự chú ý của mình, nó sẽ nổi loạn và lẩn trốn trong mọi hướng : con cọp nổi loạn nếu người ta quá đòi hỏi nó vào lúc xấu. Dần dần, người ta học để biết con cọp của mình và học sử dụng đôi găng nhung và bàn tay sắt.

 

Nhưng phải làm gì khi không có tiến bộ ? Bạn đã thử một cách vô hiệu những mánh lới quen thuộc, con cọp không biết gì nữa : nó nhảy lung tung trong mọi hướng, như thể nó trở lại hoang dã. Nhất là chớ hoảng sợ : bạn hãy thư giãn, hãy cho mình một ít không gian. Hãy thụt lui trong tâm trí, hãy “giải thể” bạn và chỉ nhìn những trò nghịch ngợm của con cọp. Đó không phải là lúc quá cưỡng bách, để kéo dây cương và tự trách mắng bạn ; lúc đó là lúc thư giãn, mềm dịu và khôn khéo. Vào những lúc khác, trái lại, bạn phải dùng biện pháp mạnh, chẳng hạn khi bạn cảm thấy con cọp chỉ chờ đợi một việc : đến ngủ trưa trong một góc và mơ màng yên tĩnh không muốn bị quấy rầy.

 

Không phải chỉ khi dạy mà người dạy thú và con thú của người ấy học biết lẫn nhau ; cũng có những giây phút thư giãn, chơi đùa, săn sóc, những bữa ăn. Mọi biến cố nhỏ nhoi của cuộc sống hàng ngày giúp cho nảy sinh sự tin cậy và cảm mến lẫn nhau. Như thế người ta sẽ quan tâm theo đuổi mối liên hệ với con cọp ngoài những thời dạy dỗ mãnh liệt – những bài thực tập thiền định – bằng cách áp dụng vào đời sống hàng ngày những kỹ thuật nuôi dạy mà người ta đã khởi sự. Và việc đó càng tiến triển, bạn càng thông hiểu con cọp : nó càng lúc càng hiểu điều bạn muốn ở nó và sẽ càng lúc càng có thể làm điều bạn đòi hỏi nó.

 

Khi người ta nắm con cọp trong tay để dạy nó, một phần lớn công việc cốt ở thay đổi những phản xạ xưa cũ của nó và thay thế chúng bằng cái mới. Con cọp có những thói quen của nó và không muốn người ta phá rầy. Có lẽ bạn có cảm tưởng sự chế phục nó xảy ra tốt đẹp, rồi thình lình, không báo trước, con cọp phản kháng và muốn cắn. Những thói quen có bộ da dày, cứng và ảnh hưởng của chúng có thể được cảm thấy rất lâu : người ta không nói đến “sức mạnh” của thói quen đấy sao ? Hãy lấy một cuốn sách có những trang được xếp góc : một khi người ta làm chúng phẳng lại, chúng vẫn giữ lằn xếp và tiếp tục cong lại như cũ một thời gian. Cũng thế, con cọp bên trong sẽ luôn luôn tìm lại những thói quen cũ của nó và chống lại. Mỗi lần phải điều phục nó – kiên nhẫn nhưng cương quyết – cho đến khi nó mất những thói xấu và tạo thành những thói quen mới mà người ta muốn đưa vào. Việc này không phải là không khó khăn, điều ngược lại mới là ngạc nhiên. Bạn chớ sợ những trả ngược của cái tay quay, mà hãy thấy đó là một chỉ dẫn cho những điểm mà bạn còn phải làm việc nhiều hơn. Những khó khăn là những phát giác cho những yếu đuối của chúng ta ; làm con đà điểu hay bỏ qua chúng khi nghĩ rằng chuyện đó sẽ ổn thỏa, như phép lạ, thì chẳng ích gì. Tốt hơn là ôm ngang lưng vấn đề và thu xếp nó một lần cho hết thảy, sau đó không phải làm trở lại.

 

Một lời khuyên chót cho những người mới vào nghề dạy cọp : “Kiên nhẫn và lâu dài hiệu quả hơn sức mạnh hay phẫn nộ.” Mỗi người chúng ta là sản phẩm của một lịch sử lâu dài gồm những ảnh hưởng và những yếu tố khác nhau, và người ta không thể mong làm thay đổi tất cả trong ngày một ngày hai. Người ta dấn thân vào một công việc dài hơi, nhưng với lòng bi như một chủ công trình, đạo đức như dụng cụ đo đạc, chú ý cẩn trọng là bạn đường và đời sống hàng ngày là xưởng làm việc, người ta sẽ có thể tiến hành chương trình trong những kỳ hạn tốt đẹp. Một khi người ta đã dấn thân vào con đường này, mọi cái người ta làm đều tự động hòa nhập vào lộ trình bên trong. Từ nay, không có gì phải ném bỏ, không có sự phân chia giữa cái thiêng liêng và cái phàm tục nữa : tất cả trở thành một cơ hội để học và để hiểu. Người ta có thể làm ra ngọn lửa từ mọi loại gỗ : lửa cháy sáng, dù người ta có đốt bằng rác hay bằng gỗ tốt.

 

Đó là nghệ thuật nuôi dạy con cọp. Hòa giải với chính mình, người ta cũng hòa giải với thế giới. Và chính trên lưng của con thú hoang bình an và mạnh mẽ của mình mà một người dạy thú giỏi sẽ tiếp tục băng qua những cánh đồng bao la của kinh nghiệm, giúp đỡ cho mọi người tập sự dạy thú khác trong tương lai mà nó sẽ gặp trên đường.

SHARE:

Để lại một bình luận