CHƯƠNG VIII PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG : “HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”

SHARE:

Akong Tulku Rinpoche
Kagyu Samye Ling 1987, L’art de dresser le tigre intérieur Akong Rinpoche, 1991 Sand, Paris
Việt dịch: Nguyễn An Cư – Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2001

Cuốn sách này được hồi hướng cho sự nở hoa
của lòng khiêm hạ, bình an và trí huệ trong thế giới

VÀO ĐỀ
CHƯƠNG I NGHỆ THUẬT NUÔI DẠY CON CỌP BÊN TRONG
CHƯƠNG II GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỜI NGƯỜI QUÝ GIÁ
CHƯƠNG III CHỈ MỘT CÁI THƯỜNG HẰNG SỰ VÔ THƯỜNG
CHƯƠNG IV SỐNG ĐỂ CHO CÁI GÌ ? “ĐỘNG CƠ CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG V ĐỐI MẶT
CHƯƠNG VI CÁI GƯƠNG
CHƯƠNG VII THÂN , NGỮ, TÂM : BA CỬA CỦA THỰC TẠI CON NGƯỜI
CHƯƠNG VIII PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG “HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”
CHƯƠNG IX ĐÁNH THỨC TRÁI TIM MÌNH LÒNG BI
CHƯƠNG X SỰ CHÚ Ý CẨN TRỌNG HAY CON CỌP ĐƯỢC THUẦN HÓA
DẪN VÀO NHỮNG THỰC TẬP
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC
Bài Thực Tập số 1 TƯ THẾ
Bài Thực Tập số 2 THƯ GIÃN
Bài Thực Tập số 3 CẢM NHẬN
Bài Thực Tập số 4 TỰ MỞ MÌNH RA
Bài Thực Tập số 5 CẦU VỒNG
Bài Thực Tập số 6 TẤM GƯƠNG
Bài Thực Tập số 7 BẠN
Bài Thực Tập số 8 ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 9 LÀM SỐNG ĐỘNG ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Bài Thực Tập số 10 TRIỂN NỞ / THU RÚT
Bài Thực Tập số 11 KẺ THÙ
NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Bài Thực Tập số 12 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA CHA MẸ VÀ CỦA GIA ĐÌNH MÌNH
Bài Thực Tập số 13 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA BẠN BÈ THÚ VẬT VÀ CỦA XỨ SỞ BẠN
Bài Thực Tập số 14 NHẬN LẤY TRÊN CHÍNH MÌNH SỰ KHỔ ĐAU CỦA NHỮNG KẺ THÙ CỦA MÌNH
Bài Thực Tập số 15 KHỐI CẦU CẦU VỒNG
VŨ TRỤ ĐƯỢC CHUYỂN BIẾN BỞI LÒNG BI
PHẦN PHỤ THÊM CHÂN DUNG CỦA MỘT NGƯỜI NUÔI DẠY CỌP

CHƯƠNG VIII
PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỜI SỐNG :
“HẠNH KIỂM CHÂN CHÁNH”

Không làm điều ác,
Thực hành đức hạnh,
Điều phục tâm mình,
Là lời Phật dạy.
Phật Cồ Đàm

Những dòng này tinh lọc triết lý của đức Phật. Chúng tóm tắt một cách gọn gàng nhưng đầy đủ một dạy bảo có thể có một ý nghĩa cho mỗi người, bất kể mức độ phát triển tâm linh của họ đến đâu. Mới nhìn, lời khuyên có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tiễn không dễ luôn luôn kiêng cữ điều ác để chỉ thuần làm điều thiện. Về phần điều phục tâm thức, việc này đòi hỏi khá nhiều kiên nhẫn và khéo léo. Tuy nhiên, không nên nản lòng, vì người ta sẽ có được tất cả khi theo những lời khuyên này. Những lợi lạc thì không thể tính toán được. Một “chánh hạnh”, một đời sống chân chánh là nguồn hạnh phúc cho mình và cho những người khác, và khi nào người ta còn gắn bó với nó, người ta có thể chắc chắn đang ở trên con đường tốt đẹp, đúng đắn.

Tất cả chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc, dù cho nhân danh nó mà có quá nhiều thái quá và ngu xuẩn đã mắc phải. Người ta đi đến chỗ giết hại, lường gạt hay trộm cắp những người khác với niềm tin rằng mình đang theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình. Nếu người ta không có đạo đức để hướng dẫn những hành động của mình, thì có ai nói cho người ta rằng người ta thật sự chịu trách nhiệm về sự khổ đau của một người khác, chưa tính đến khổ đau mà người ta đang tự sửa soạn cho mình, trong cùng một cơ hội ?

Đâu là nguyên nhân của những hành động bất thiện của chúng ta ? Chúng phát xuất từ vô minh của chúng ta về bản tánh của những sự vật khiến chúng ta tin vào sự hiện hữu của một bản ngã hay một cái ta cá biệt. Cái tôi thì rất thân thiết với chúng ta, và rộng ra, người ta cũng quá bám luyến mọi thứ liên hệ với cái tôi đó. Người ta bám níu vào cái họ có và vào những người họ yêu, vào những cảm giác dễ chịu. Và chính từ ý niệm về cái ngã này và về tính sở hữu của cái ngã mà kiêu căng, tham lam, ghen tỵ, ham muốn phát triển. Mặt khác, người ta ghét mọi cái gì chống lại cái nhìn quy ngã của mình, chống lại cảm tưởng mình là cái rốn của vũ trụ, và thế là nảy sinh sự không khoan dung, giận dữ và thù hận.

Ý tưởng cái tôi rõ ràng là một quan niệm thích nghi và thậm chí hữu ích trong đời sống hàng ngày, nhưng phải biết rằng, trên bình diện chân lý tuyệt đối, cái tôi đó không có hiện hữu riêng, không có thực tại độc lập, nói theo kinh điển là vô tự tánh. Điều này trở nên rõ ràng khi người ta hiểu sự tùy thuộc lẫn nhau của tất cả mọi hiện tượng và bản chất tương đối và bị điều kiện chi phối của chúng (duyên sanh).

Vậy thì chính sự không biết, vô minh và sai lầm là những nguyên nhân cho những lỗi lầm của chúng ta và tạo ra những đau buồn cho mọi người. Ngược lại, sự chính trực về đạo đức sẽ cải thiện phẩm chất và giá trị của đời sống, cho chính chúng ta và cho những người khác. Nó tán trợ cho sự hiểu biết chính mình và sự điều phục tâm thức, như thế cho phép chữa lành những chuỗi sai lầm quá khứ.

Trong những cách đánh giá về những hành động của mình, có một cách khá thuận tiện : người ta xem mọi cái gì đức hạnh là tích cực, mọi hành vi ác hại là tiêu cực. Mỗi ngày, người ta tính sổ cái tích cực và tiêu cực, mục đích của thực tập là tối đa hóa cái tích cực và tối thiểu hóa cái tiêu cực, để cuối cùng chỉ có cái tích cực. Mỗi ngày, người ta củng cố động lực của mình bằng cách tái xác nhận ý chí làm thiện và tránh làm ác cho người khác, và người ta tập giữ gìn ý tưởng này hiện diện trong trí suốt ngày, dù đang làm việc, vui chơi hay thư giãn, một mình hay với những người khác. Người ta tự nhớ lại điều đó mọi lúc, biến nó thành sợi dây dẫn đường của mọi điều người ta làm, nói hay nghĩ. Sống với ý tưởng “an vui của những người khác” trong đầu óc, thì ngay cả một việc tầm thường nhất cũng có giá trị, in dấu của một phẩm giá mới.

Chiều tối, trước khi ngủ, người ta tính sổ ngày hôm đó, đánh giá những hành vi, lời nói và tư tưởng của mình. Với một ít sáng suốt, người ta có thể phán đoán chính mình về sự tiến bộ của mình mà không cần tham khảo một ai. Người ta sẽ học nhận ra những khuynh hướng tiêu cực của mình và thấy chúng biểu lộ như thế nào, nhờ đó người ta sẽ có thể giảm thiểu sự xuất hiện thường xuyên của chúng. Đồng thời, người ta biết nhận ra và kích thích những vận hành tích cực. Về phần mọi hành vi “trung tính” mà người ta phải làm hàng ngày (ăn, tắm rửa, đi, ngủ…), không cần thiết phải bận tâm chút nào với chúng.

Tính sổ hàng ngày không phải là một kiểu cách thực tập đơn giản. Người ta sẽ không nhận xét lỗi lầm của mình bằng cách tự nhủ mình là một con quái vật, hay củng cố cho ý kiến tốt về mình bằng cách tự chúc mừng đã làm điều tốt. Mục đích của công việc này là nhổ sạch hay chuyển hóa cái ít tốt ở nơi mình, bằng cách nuôi dưỡng cái tốt nhất của chính mình. Đó thật sự là làm thế nào cải thiện phẩm chất cuộc sống của mình.

Còn phải biết phân biệt giữa tốt và xấu, thiện và ác. Truyền thống Phật giáo định nghĩa hạnh kiểm đạo đức nhờ hai phạm trù : tất cả cái gì người ta làm bởi thân, ngữ, tâm bắt buộc nằm trong “mười thiện hạnh” hay “mười ác hạnh”. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm những nguyên tắc đạo đức này đã được áp dụng, đã tỏ ra lợi ích, và người ta có thể nhận thấy rằng ngày nay chúng không mất sự chính đáng thích hợp.

Có mười hành vi làm hại được khuyên là phải tránh : ba của thân, bốn của ngữ và ba của tâm. Về những hành vi của thân, (1) không giết hại bất kỳ chúng sanh nào, (2) không trộm cắp – không lấy cái mà người ta không cho mình, (3) không tà dâm. Điều thứ ba này hiểu là không cưỡng ép người nào vào những liên hệ dục tính trái với ý muốn của họ, và không dẫn dắt ai phạm vào những lời nguyện tôn giáo của họ hay phá vỡ những cam kết đã có của họ với một người khác.

Bốn hành vi làm hại của ngữ (4) nói dối, dẫn dụ người khác lầm lẫn khi nói điều mà người ta biết là sai. (5) Nói những sự việc gây bất hòa và xáo trộn giữa những người bạn hay những người thông cảm nhau, khiến họ có thể chia rẽ nhau. (6) Nói điều xấu cho những người khác, gièm pha, chê bai họ hay chưởi mắng, làm nhục họ bằng cách trưng bày những lỗi lầm của họ ra giữa thanh thiên bạch nhật. (7) Cuối cùng nói lăng nhăng như không nói điều gì cả, tiêu phí thời gian trong những thói lắm mồm vu vơ và vô ích.

Ba hành vi làm hại cuối cùng thuộc về tâm thức. Vậy là tâm thức là cái quan trọng nhất, vì chính nó quyết định phẩm chất mọi cái người ta làm hay nói. Hôm nay người ta để cho mình cắm rễ trong một tư tưởng tiêu cực, và chắc chắn người ta sẽ gặt hái không lâu những trái quả đau buồn, khi tư tưởng nhiễm độc này đã chín và bắt đầu ảnh hưởng đến những hành vi và lời nói của chúng ta. Thế nên có ba khuynh hướng tiêu cực phải tuyệt đối tránh không để chúng phát triển trong tâm thức. Cái thứ nhất là tham muốn, khi người ta thèm khát cái của người bên cạnh, dù đó là vợ anh ta, xe cộ hay địa vị xã hội của anh ta (8). Tiếp theo là ác cảm, ý muốn làm hại hay làm điều xấu cho những người khác, bằng bất cứ phương tiện nào (9). Cuối cùng, người ta phải không bao giờ nghi ngờ những định luật nhân quả – sự không thể tránh, không thể sai chạy của mối liên hệ giữa một nguyên nhân và kết quả của nó (10). Mọi nguyên nhân đều có hậu quả của chính nó, và người ta luôn luôn gặt cái người ta đã gieo, tốt cũng như xấu.

Người ta có thể tự hỏi tại sao tránh những hành động có hại này là quan trọng đến thế. Câu trả lời thì đơn giản : khi phạm vào chúng, người ta chỉ tạo ra những khổ đau tương lai cho mình, và như vậy mất đi hạnh phúc và bình an mà người ta đang tìm kiếm. Thật vậy, đó là một sự tính toán rất sai lầm, tệ hại : nếu người ta hành động bất kể thế nào, người ta sẵn sàng bước qua xác chết của những người khác với lý do say mê một hạnh phúc không bị ngăn ngại, rồi người ta phải trả giá cho những gì đổ vỡ – chịu những hậu quả của những sai lầm của mình. Đó sẽ không phải là hạnh phúc, mà chính là những lo buồn khổ đau trầm trọng người ta tự mang đến cho mình : ai gieo thù hận sẽ gặt cơn bão. Kiêng cữ mười hành động làm hại tức là tránh được nhiều vấn đề, bởi vì người ta thôi tự tạo ra chúng ; và tự động, những sự việc diễn tiến tốt hơn cho chúng ta và cho những người khác. Nhưng những thói quen thì cần thay đổi, người ta phải học cẩn trọng với điều mình làm, với điều mình nói và suy nghĩ.

Song song với sự tránh làm các ác hạnh, người ta cố gắng trau dồi mười hành vi công chính, chúng là cái đối nghịch, cái đối trị của mười hành vi làm hại. Thay vì giết, người ta tập tôn trọng và bảo tồn sự sống dưới mọi hình thức của nó. Hơn là lấy cái người ta không cho, chúng ta chia xẻ cái chúng ta có, dù đó là cái nhỏ nhặt. Thay vì tự cho phép bất cứ điều gì, người ta sẽ trau dồi sự chính trực trong những liên hệ cá nhân và tình dục.

Về lời nói, người ta sẽ cố gắng nói sự thật và trung thực, giảng hòa và đưa lại gần nhau những người cãi cọ nhau hay không thông cảm với nhau, nói tốt về những người khác – nếu người ta phải nói về họ – và nói một cách tổng quát, sử dụng lời nói một cách có ý thức.

Trên bình diện tâm thức, thay vì luôn luôn ước ao, đố kỵ với những người khác, người ta sẽ tùy hỷ với may mắn của họ ; người ta sẽ cố gắng muốn điều tốt đẹp cho họ ; và người ta tìm cách hiểu rõ hơn những định luật nhân quả và chấp nhận chúng.

Sự xếp loại mười hành vi làm hại và muời hành vi chân chánh này tiêu biểu cho một căn cứ đạo đức cần thiết cho những ai muốn sống một cuộc đời ngay chính, dù họ có là người Phật giáo hay không. Nếu người ta biết chế ngự thái độ cư xử của mình, người ta sẽ ít phạm vào những luật tắc của trò chơi đời sống trong cộng đồng và ít làm thương tổn hay làm hại những người khác. Như vậy người ta sẽ có những quan hệ tương giao tốt đẹp với họ và cái vũ trụ cá nhân của chúng ta sẽ rõ ràng sống động đáng sống hơn. Hơn nữa, người ta có sự thanh thản khi biết rằng người ta không đang liên tục tạo ra sự bất hạnh cho riêng mình và bất hạnh cho những người khác như trước kia nữa.

Dù người ta đã tiến bộ nhiều, tuyệt đối giữ gìn không phê phán những người khác và lần lựa nơi những khuyết điểm mà người ta tìm thấy nơi họ. Nếu người ta lưu tâm quá nhiều cái mà họ làm, cái mà họ có thể nói hay nghĩ, hay người ta luôn luôn tự so sánh với họ, người ta sẽ làm mạnh hơn sự kiêu căng của mình hay ngược lại sẽ chán nản mình. Sẽ tốt hơn rất nhiều khi chú ý điều phục tâm thức mình, nhắm vào những mục tiêu cao hơn mà những giáo huấn đề nghị cho chúng ta. Không phải tìm những câu trả lời ở ngoài mình : chỉ nhìn vào trong mình để tìm thấy ở những chỉ dẫn của sự tiến bộ đã làm được, hay của công việc còn phải làm.

Một tiêu chuẩn tuyệt hảo để đo lường sự tiến hóa của chúng ta nằm ở sự khảo sát thái độ người ta có với những khuyết điểm của người khác. Tâm thức càng được thuần hóa, người ta càng ít thấy những khuyết điểm ở những người khác. Ngược lại, tâm thức càng ít được thuần hóa thì người ta càng có nhiều khuynh hướng nghĩ rằng không có cái gì là lỗi của mình cả. Khi người ta có một thái độ và một động cơ tích cực, người ta có khuynh hướng xem sự vật về phía tốt nhiều hơn ; trong khi, nếu sự ích kỷ và vô minh trộn lẫn vào, người ta có một tri giác rất ít bằng lòng với thế giới, vì tri giác đó phản chiếu những khuyết điểm riêng của chúng ta. Cũng như cái đẹp, sự trong sạch thanh tịnh nằm trong con mắt người nhìn sự vật.

Rõ ràng đơn giản hơn khi thích ứng với thế giới thay vì tìm cách uốn bẻ nó theo chiếu hướng thích hợp với chúng ta. Hãy tưởng tượng chẳng hạn khắp mặt trái đất phủ đầy cây tầm ma và gai, không biết đặt chân ở đâu nữa, nếu cố gắng cắt tất cả thì đó là một việc không chấm dứt và hầu như không thể. Ngược lại, chỉ cần mang một đôi giày to tướng, để giày vào chân là có thể đi bất cứ nơi đâu. Sự việc cũng như vậy với tâm thức : một khi người ta đã thuần hóa nó, rõ ràng người ta ít khó chịu để đảm đương mọi cái đến với mình, từ trong cũng như chung quanh chúng ta, và đối mặt với nó một cách tích cực.

Điều ấy sẽ thay đổi một cách căn bản cách thế nhìn những sự vật của chúng ta, nhưng không nên chờ đợi mọi sự xảy ra tự động, ngày một ngày hai. Phải có vài chuyện hỏng, lúc ban đầu, tuy nhiên đó không phải là một lý do để nản lòng, để tức giận hay tự trừng phạt mình. Trái lại, phải biết kiên nhẫn và giữ một thái độ có lòng bi với chính mình, thử rút ra những bài học từ những sai lầm của mình. Chúng ta đang dấn thân vào một tiến trình giáo dục lại toàn diện để học đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn thế nào, và để trở nên có thể có những tương quan đích thực hơn và quân bình hơn với những người khác.

Thái độ của người ta khi những sự việc trục trặc là rất quan trọng. Thật ra không khó khăn lắm bình thản với chính mình trước thành công và hạnh phúc, nhưng đặc biệt rắc rối trong trường hợp thất bại hay bất hạnh. Với một số người, phải trấn tỉnh lại và ổn định mình để có thể rút ra những bài học từ những sai lầm và tránh chúng tái diễn. Với những người khác, phải dùng cách dịu dàng và suy nghĩ yên tĩnh cái gì trục trặc. Điều đó chứng tỏ quan trọng đến mức độ nào cần học cách tự hiểu biết mình để tìm ra phương cách tốt nhất để tiến bộ theo chiều hướng tích cực trên cả ba mặt trận : thân, ngữ, tâm.

Hạnh kiểm chúng ta càng cải thiện và những khuynh hướng xấu càng chuyển hóa, thì song song với chuyện đó chúng ta sẽ nhận ra một sự gia tăng những thúc đẩy xấu hay những toan tính tự để cho xao lãng. Đó không phải là dấu hiệu xấu, mà trái lại : mặt trời càng sáng chiếu càng để lộ rõ những bóng hơn khi nó yếu ớt hay bị che. Nói cách khác, mặt tích cực càng mạnh mẽ bao nhiêu, người ta càng thấy rõ mặt tiêu cực bấy nhiêu. Vậy thì không có gì ngạc nhiên hay hốt hoảng nếu điều đó xảy đến. Chỉ cần tiếp tục làm tốt hết sức mình.

Với phần đông người mới học như chúng ta, học phân biệt tốt với xấu, tích cực với tiêu cực và nhận biết cần phải huấn luyện tâm thức cho có kỷ luật là điều ích lợi. Đấy là những quan niệm nhị nguyên, hẳn thế, nhưng chúng cần thiết lúc khởi hành, bởi vì chúng cung cấp cho chúng ta những dụng cụ làm việc và chỉ cho hướng phải theo. Sau này, khi người ta đã tiến bộ trong con đường tâm linh, người ta không cần phải quy chiếu trực tiếp vào những quan niệm này nữa, sự tiến hóa của chúng ta sẽ tự nhiên hướng theo chiều hướng đúng. Nhờ những phản ứng mới của tâm thức, hoạt động của chúng ta ở mọi cấp độ – thân, ngữ, tâm – sẽ tự động có lợi lạc cho những người khác. Đấy cũng hơi giống với học lái xe : ban đầu, phải rất chú ý đến mỗi cử chỉ, mỗi thao tác. Nhưng khi đã có thói quen lái xe, người ta không cần học lại tất cả lý thuyết mỗi khi muốn đi đâu và thậm chí người ta còn nói chuyện và ngắm cảnh khi đang lái. Nhờ những sự tự động đã tự hình thành khi học điều phục tâm thức, hạnh kiểm đạo đức trở thành một bản chất thứ hai.

Một điểm chót rất quan trọng : người ta phải học tin cậy vào những phương pháp tâm linh mà người ta dùng và không nhường bước cho sự muốn bỏ cuộc khi người ta thấy có chút khó khăn. Những giáo huấn từ đó những phương pháp này được rút ra là hoàn toàn xác thực đáng tin cậy trên bình diện lý thuyết – từ chân lý của những nguyên tắc trên đó những phương pháp ấy được đặt nền – cũng như bình diện thực hành : đức Phật, và sau ngài biết bao thế hệ nam nữ đã thí nghiệm những kỹ thuật và đã nếm những quả trái. Đến lượt chúng ta hội nhập chúng vào đời sống hàng ngày của chúng ta, làm cho chúng thành thật sự của chúng ta. Nếu được như thế, toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ được biến hình, chuyển hóa : hoạt động của chúng ta sẽ làm lợi lạc một cách tự động cho những người khác, không làm hại bất kỳ ai. Người ta cũng tự mình trở thành một mắt xích trong chuỗi dài đảm bảo sự chuyển giao truyền thống tâm linh này từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu hỏi : Người ta có thể tự hỏi tại sao người ta phải tự ép mình tuân theo những phép tắc thiện hạnh, trong khi vài người làm trái ngược lại thì không có vẻ gì bị chuyện xấu cả. Người ta thường thấy những cá nhân ít đáng tin cậy lại trở nên rất giàu và rất quyền lực, trong khi những người rất tốt lại nghèo suốt đời.

Trả lời : Có thể có những người lừa đảo, lường gạt giàu có lớn lao, nhưng điều đó không có nghĩa là họ được hạnh phúc. Sự giàu có thật sự là sống thỏa mãn với cái mình có, hân thưởng mọi cái đến với mình. Sự giàu có đó theo bạn đi khắp nơi, dầu bạn ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Dầu người ta sống ngoài đường và ngủ dưới gầm cầu, trong một thùng bằng cạc-tông, người ta vẫn có thể có cái cảm thức đó, cái cảm giác bạn đã đầy đủ. Không phải mất gì cả, người ta không lo về chuyện này nữa : người ta không phải run vì viễn cảnh có ai lấy cái thùng cạc-tông của bạn, có khối gì các thứ ấy… Không phải người ta có nhiều sự vật mà người ta giàu có, theo nghĩa đích thực của danh từ. Nhưng nếu người ta biết hành động theo cách chính đáng và biết cảm kích, hân thưởng cái mình có, bây giờ người ta thực sự giàu có.

Câu hỏi : Hình như có những cách giải thích khác nhau về sự thực hành hạnh kiểm đạo đức. Người ta nói tổng quát rằng cần trau dồi những hành vi tích cực và lìa bỏ những hành vi tiêu cực, hầu như phải nhổ sạch chúng. Nhưng đôi khi, về vài điểm riêng biệt, người ta khuyên chúng ta chớ có đánh nhau với chính mình hay với cái tiêu cực trong chúng ta, mà nhìn vào trạng thái tâm thức như chính nó là, trong tính chất đặc biệt riêng của nó. Ngài có thể nói nhiều hơn về hai đường lối này ?

Trả lời : Đường lối thích hợp là do mức độ phát triển mỗi người, tùy theo người ta còn là một người mới học, hơi tiến bộ hay rất tiến bộ. Với người mới học, rất quan trọng là học không trau dồi khía cạnh tiêu cực của tư tưởng, lời nói và hành vi của mình, và vào mức độ này, hoàn toàn vô ích khi nhìn vào chúng hay chấp nhận chúng. Tâm thức chưa đủ chín cho việc đó. Trái lại, đó là lúc phải loại bỏ cái tiêu cực và trau dồi cái tích cực. Đường lối đầu tiên này là thiết yếu cho những “chiến dịch” tiếp theo, bởi nó là nền tảng cần thiết cho sự phát triển của chúng ta.

Giai đoạn thứ hai là khi đã học đối mặt với những khía cạnh tiêu cực của chính mình, người ta không thải bỏ chúng một cách đơn giản và tinh thuần, mà người ta có thể nhận biết chúng và thưởng thức tính chất đặc biệt của chúng.

Giai đoạn thứ ba là khi tâm thức đã đạt đến sự chín muồi, trưởng thành của nó, bây giờ không có gì loại bỏ khỏi sự thực hành tâm linh : tất cả những gì đến với chúng ta đều hòa nhập vào đó một cách tự động và nuôi dưỡng sự tiến hóa của chúng ta. Có thể vài người đã trưởng thành đủ về tâm linh để được miễn những giai đoạn sơ bộ. Trong trường hợp nào, dù mức độ phát triển cá nhân có thế nào, sự quan trọng là không bao giờ làm hại những người khác và luôn luôn cố gắng hành động, nói và nghĩ theo một cách có lợi lạc cho họ.

SHARE:

Để lại một bình luận