CHƯƠNG VI: Bình thản đón nhận

SHARE:

LỜI NÓI ĐẦU
CHƯƠNG I An nhiên vô sự
CHƯƠNG II Trở về thực tại
CHƯƠNG III Thấy biết trong sáng
CHƯƠNG IV Suy nghĩ chân thực
CHƯƠNG V Nhiệt tâm cần mẫn
CHƯƠNG VI Bình thản đón nhận
CHƯƠNG VII Hành xử tinh tế
CHƯƠNG VIII Nội tâm tĩnh lặng
CHƯƠNG IX Ngay đó là bờ
Lời cuối sách

  Trải qua những bước thăng trầm

Mới hay bậc trí giữ tâm làm đầu

An nhiên giữa cuộc bể dâu

Khổ đau nhẫn được, đạo mầu chẳng xa!

                                                                           (Viên Minh)

 

Đứng trước những sự cố hay những vấn đề rắc rối, chúng ta thường có thói quen hành động vội vàng theo cảm tính hoặc quan niệm đã được lập trình sẵn trong bộ nhớ, thiếu nhận thức sự kiện trực tiếp rõ ràng và thiếu soi chiếu lại mình một cách minh bạch. Điều gì trái ý chúng ta liền giận dữ phản kháng, và cố gắng loại trừ càng sớm càng tốt; điều gì vừa lòng thì thích thú nắm bắt ngay và nỗ lực chiếm hữu cho bằng được. Hai thái độ cảm tính và quán tính này thiếu hẳn sự sáng suốt tỉnh thức và sự trầm tĩnh nhẫn nại.

Người trầm tĩnh sáng suốt, thường biết quan sát khách quan mọi sự mọi vật theo bản chất tự nhiên, sẽ không vội vàng phản ứng một cách thiếu tỉnh thức như vậy, vì họ biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có nguyên nhân và điều kiện của nó theo qui trình vận hành tự nhiên của nhân quả. Muốn thấy rõ bản chất của mọi tình huống, chúng ta cần phải biết kham nhẫn, chịu đựng, kiên trì để quan sát rõ ràng, chiêm nghiệm trung thực và lắng nghe trọn vẹn bài học khám phá bản chất sự thật.

Ngay cả khi bạn cố gắng hành thiền với tham vọng loại bỏ phiền não khổ đau để đạt đến lý tưởng an lạc, hoặc sở hữu những khả năng siêu nhiên, cũng chứng tỏ rằng bạn thiếu kiên nhẫn trong nhận thức khách quan những phiền não khổ đau này để thấy ra bản chất thật của chúng. Vì vậy, thực ra, bạn đang cố gắng lẩn tránh thực tại như nó đang hiện hữu.

Trốn tránh thực tại để theo đuổi một viễn ảnh lý tưởng chỉ là thả mồi bắt bóng, vì không biết rằng mọi sự tốt đẹp nhất đều đã viên mãn ngay nơi thực tại hiện tiền này. Cho nên để thấy ra thực tại vi diệu đó, chúng ta không thể tránh né đối diện sự thật mà cần phải có đủ can đảm, chân thành mới có thể kham nhẫn chịu đựng tất cả mọi pháp đến và đi như những yếu tố cần thiết cho bài học từ bi và giác ngộ.

Điều chúng ta cần không phải là một sở đắc ở tương lai mà là khám phá sự thật ngay nơi thực tại. Vô minh, tức không thấy ra bản chất thật của thực tai, là khởi đầu của phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử. Không thể chấm dứt những phiền não khổ đau này khi vô minh còn đó, hay khi thực tại vẫn chỉ là ảo tưởng trong tâm thức chúng ta.

Khi nghe có một vị đạo sư ở một chân trời nào đó có thể truyền dạy phương pháp đạt được năng lượng hay những khả năng siêu việt như thần thông, pháp thuật v.v… thì ít người kiềm chế được lòng tham của mình. Họ chẳng ngần ngại, từ bỏ tình trạng thực tại của mình, lên đường tầm sư học đạo, sẵn sàng tuân thủ mọi chỉ dẫn hay luật lệ của ông ta, với hy vọng mau chóng đạt được trạng thái siêu huyền lý tưởng, mà bấy lâu họ hằng mơ ước. Nhưng lý do nào thúc đẩy những ước mơ đó? Đơn giản chỉ vì bạn không kham nổi tình trạng bất toàn, bất như ý của cái ngã hiện tại, nên luôn tìm cầu một bản ngã toàn bích, như ý, ở tương lai. Khi đức Phật dạy: “Tương lai không ước vọng” chính là khuyến cáo chúng ta không nên có ảo tưởng hoàn thiện một cái ta lý tưởng nào ở tương lai, mà chỉ cần kham nhẫn với thực tại, để thấy rõ ngay tại đây và bây giờ bản chất của sắc-thọ-tưởng-hành-thức là vô thường, khổ, vô ngã.

Thực ra, không có năng lực nào tốt hơn khả năng có thể kiên trì nhẫn nại trước mọi thử thách cam go đầy phiền não khổ đau trong cuộc sống hiện tại để học ra bài học giác ngộ của mình. Năng lực đó không xuất phát từ ý chí phấn đấu kiên cường của cái ta dũng mãnh mà từ một tâm hồn giản dị, bình thường, thầm lặng và vô ngã. Bởi vì, tâm càng giản dị bình thường càng ít cái ta đối kháng, càng dễ nhẫn nại, trầm tĩnh. Có trầm tĩnh nhẫn nại mới có từ bi và trí tuệ để sáng suốt thấy rõ lẽ thật của vạn pháp. Vậy vấn đề không phải là tránh né phiền não khổ đau hay mong cầu bình an hạnh phúc mà an lạc chỉ đến khi bạn có đủ trầm tĩnh nhẫn nại để nhận ra bản chất thật của cuộc đời.

Giác ngộ giải thoát không phải là đạt được một chân trời lý tưởng an toàn trong thường, lạc, ngã, tịnh, mà chính là nhận chân bản chất của đời sống là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh để không còn chỗ cho cái ta chấp thủ bám trụ. Khi không còn chỗ để bám trụ thì bạn mới buông cái ta đối kháng để đón nhận trọn vẹn bản chất bất toàn của đời sống một cách vô ngại, đó chính là thái độ nhẫn nại đích thực. Nhờ đó mọi phiền não mới thực sự chấm dứt để bạn có thể ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau với một nụ cười an nhiên, vô úy. Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối”.

Và thật là thông minh, chính xác khi nói rằng:

Con người là kẻ học nghề,

Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,

Không ai tự biết mình đâu,

Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.

Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm. Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai lầm trong cách sống, cách ứng xử… để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v… Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình. Do đó bài học giác ngộ chính xác nhất không phải là một phương pháp cố định nổi tiếng nào để bạn phải tuân thủ suốt đời, mà chính là thái độ nội tâm đầy nhẫn nại, từ bi, trầm tĩnh và trong sáng để có thể tự tại vô ngại giữa dòng đời biến hóa không ngừng trong bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó.

Ví dụ, khi có người mạt sát bạn, đó là vị thầy đang trực tiếp chỉ cho bạn thấy chính xác nhất diễn trình phản ứng của bạn ngay lúc đó là gì: bình tĩnh hay nóng giận, dịu dàng hay hung dữ… Vậy mà bạn không đủ kiên nhẫn để học và nhận chân sự thật ngay đó trong tình trạng hiện thực của nó. Bạn để nó qua đi, ẩn vào đáy sâu vô thức, rồi loay hoay tìm kiếm cây đũa thần từ một vị đạo sư lừng danh, hay một phương pháp thiền của một thiền sư nổi tiếng, tin rằng nhờ đó tương lai bạn sẽ đạt đến thiền định, trí tuệ, thần thông, Cực Lạc hay Niết-bàn. Nhưng nếu bạn không trở lại để thấy (ehipasiko) ngay trên sự kiện hiện thực (opanayiko), thì làm sao tự mình thấu rõ (paccattaṃ veditabbo) thực tại ngay đây (sandiṭṭhiko) và bây giờ (akāliko). Nếu bạn cứ mong đợi ở vị cứu tinh hay cố gắng phấn đấu cho ngày mai thì bạn chẳng bao giờ thấy được thực tại, mà không thấy được thực tại thì cái gọi là thiền định, trí tuệ, Cực Lạc, Niết-bàn mãi mãi chỉ là ảo mộng.

Để có thể thấy rõ bản chất thực tại ngay đây và bây giờ, không có cách nào khác hơn là bạn phải nhẫn nại với những gì khó kham nhẫn. Nếu bạn phàn nàn thì lòng kiên nhẫn của bạn lập tức biến mất, để lại cho bạn một nỗi khổ đau tâm lý khó chịu hơn nhiều. Và nếu bạn miễn cưỡng chấp nhận thực tại khổ đau, thì chẳng khác nào đầu hàng số phận một cách nhu nhược, khi vô phương kháng cự, như vậy không phải là nhẫn nại. Chấp nhận và phủ nhận là hai mặt của cùng một tính cách, có vẻ như mâu thuẫn, nhưng thật ra cũng chỉ cùng xuất phát từ một thái độ của bản ngã muốn được thay đổi chiều hướng mà thôi.

Nhẫn nại là thái độ sáng suốt của bậc trí đón nhận mọi sự đến đi một cách trầm tĩnh, khi thấy rằng đó là sự vận hành tự nhiên và chính xác của luật tác dụng hỗ tương, tùy thuộc lẫn nhau. Nghĩa là mọi sự sinh diệt trong đời sống chúng ta đều có liên quan với nhau trong chuỗi vận hành nhân quả. Nếu bạn chưa thông hiểu được chuỗi vận hành này mà tự ý can thiệp vào một cách chủ quan thì chính là bạn tự hại mình.

Không có gì sinh khởi mà không có nguyên nhân. Có trái xoài vì có cây xoài, có cây xoài vì có hạt xoài v.v…  Bạn tách rời hiện tại ra khỏi chuỗi nhân quả của nó rồi gán vào đó những quan niệm chủ quan của mình hoặc những nguyên nhân chủ trương bởi các tôn giáo hay triết thuyết, như thuyết ngẫu nhiên, định mệnh, duy thần, duy vật, duy tâm hay Tạo Hóa v.v… Thế là bạn không cần kiên nhẫn chiêm nghiệm, học hỏi hoặc lắng nghe trực tiếp bản chất của thực tại ngay đây và bây giờ. Bạn đã quen đánh giá, phê phán và dễ dàng kết luận theo những công thức đã có sẵn, những kiến thức vay mượn, hoặc những giáo điều người xưa truyền lại. Nhưng chân lý chỉ có trong thực tại sống động, không ở trong những quan niệm hay lý thuyết cổ xưa hay hiện đại nào.

Nhẫn có thể được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau tùy từng hoàn cảnh trải nghiệm của bạn:

Nhẫn nại là khả năng chế ngự thân tâm trước những xung động quá mức hay những tình cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố v.v… đặc biệt là những thói hư tật xấu hay sự nghiện ngập đã tập nhiễm lâu ngày. Như vậy, người nhẫn nại là người biết làm chủ bản thân không bị lôi cuốn theo những cảm xúc bản năng vô thức.

Nhẫn nhịn là sự nhượng bộ khi bạn sẵn sàng tự nguyện nhường bước trước một áp lực, không phải vì sợ hãi, mà vì bạn biết rõ rằng giương buồm trước bão tố không những vô ích mà còn tự rước họa vào thân. Ví dụ như trước sự đe dọa hung dữ, ương ngạnh của dạ-xoa Alavaka, đức Phật vẫn nhu thuận, không tỏ thái độ bực tức, khinh mạn, ghét bỏ, kinh sợ hay thù nghịch. Nhưng cuối cùng dạ-xoa Alavaka kẻ tự phụ hiếu thắng lại bị khuất phục trước đức tính nhu hòa nhẫn nhịn của Phật.

Kham nhẫn là sự chịu đựng những hoàn cảnh khó chịu đựng. Ví dụ như kham nhẫn với cảm giác đau đớn, thời tiết khắc nghiệt, lời chỉ trích phỉ báng v.v… Người có thể dễ dàng kham nhẫn những tình huống khó khăn như vậy phải là người không nệ khó khăn và có đủ trầm tĩnh sáng suốt. Nếu không đôi lúc chỉ một vết bẩn trên áo, một con muỗi vo ve, một tia nắng hay một giọt mưa v.v… cũng có thể làm cho anh ta bực mình, cáu kỉnh.

Dễ bất bình, nóng giận dù chỉ với chuyện nhỏ nhặt không đâu, là dấu hiệu của sự thiếu kham nhẫn, và cũng là triệu chứng của suy nhược thần kinh. Vì vậy, hãy coi chừng, khi bạn thiếu kham nhẫn sẽ gây ra sự bực tức hoặc phản kháng, đó là nguyên nhân của tình trạng bất an và căng thẳng.

Kiên nhẫn là sự chịu đựng bền bỉ khi bạn muốn hoàn thành một công việc nào đó. Không phải chỉ những việc khó khăn, lâu dài mà đơn giản như sự chờ đợi cũng cần phải có lòng kiên nhẫn. Vì khi chờ đợi một người nào hay một việc gì, bạn càng nôn nóng bao nhiêu càng chịu nhiều áp lực bấy nhiêu. Nhiều người khởi sự rất hăng say nồng nhiệt nhưng khi gặp trở ngại thì liền nản chí ngã lòng, bỏ cuộc nữa chừng. Đó là vì thiếu lòng kiên nhẫn lâu bền.

Nhẫn nhục là sự chịu đựng khổ nhục khi bạn chấp nhận gánh chịu sự vu khống, mạ lỵ, áp bức, v.v… mà vẫn không sinh lòng thù hận. Đây không phải là đành chịu nhục nhã vì vô phương chống đỡ, vì đợi thời cơ trả thù rửa hận, hay chỉ là khổ nhục kế để mưu lợi về sau, như suy nghĩ thường tình. Có thể nói nhẫn nhục là đức tính khó nhất trong tất cả loại nhẫn. Người có thể kiên gan chịu đựng nỗi khổ nhục mà tâm vẫn bình thản phải là người có một tấm lòng độ lượng khoan dung và một khả năng nhẫn nhục vô hạn.

Thoạt nhìn chúng ta tưởng những người nhẫn nhục phải cam chịu quá nhiều thiệt thòi vì sự dại khờ và khiếp nhược của họ, nhưng thực ra đó chính là những người khôn ngoan, dũng cảm và hạnh phúc nhất trên đời, vì họ đã có đủ khả năng biến khổ đau thành niềm an lạc, điều mà kẻ khiếp nhược, dại khờ hay kiêu ngạo không thể nào làm được.

*

Không ai thích khó khăn, gian khổ, đơn giản chỉ vì những điều này rất khó chịu. Nhưng như bạn đã biết, không phải tất cả những gì khó chịu đều vô ích hay có hại. Thực ra, phần lớn khổ đau giúp bạn thăng hoa rất nhiều phương diện nếu bạn biết kiên nhẫn lắng nghe, học hỏi và chiêm nghiệm kỹ càng. Muốn biết vàng ròng phải cần thử lửa, cũng như muốn vượt qua những thử thách gian khổ để hoàn thành bài học giác ngộ của mình thì trước hết bạn phải có lòng nhẫn nại.

Khi bạn đã có đủ nhẫn nại để vượt qua những thử thách gian khó thì đồng thời dù không mong đợi bạn vẫn gặt hái được những thành quả xứng đáng bất ngờ.

Luôn trầm tĩnh sáng suốt: Nhẫn nại và trầm tĩnh luôn đi đôi với nhau, nhờ đó bạn có đủ sáng suốt để nhận ra sự thật. Ngược lại “giận mất khôn” luôn là nhược điểm của người thiếu nhẫn nại.

Sống nhu hòa khả ái: Người nhẫn nại sống nhu hòa hơn cương mãnh, nên họ dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh mà vẫn không đánh mất mình. Nói theo Lão Tử thì “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” nên họ được nhiều người kính yêu hơn là thù oán.

Tránh bệnh tật, tai họa: Người nhẫn nại sẽ dễ dàng tự chủ trong nói năng, hành động và suy nghĩ nên tránh được những tai họa gây ra do nóng nảy hấp tấp. Tránh được những bệnh tật bắt nguồn từ tình trạng ấm ức, căng thẳng.

Tâm thanh thản thoải mái: Người thiếu nhẫn nại thường tự thiêu đốt mình bằng ngọn lửa sân hận, lo âu và sợ hãi. Trong khi người giàu đức nhẫn nại luôn có cảm giác thư thái, an bình và thoải mái.

Phát triển từ bi hỷ xả:  Sau khi vượt qua được sự nóng giận trước những đối tượng không vừa lòng, tâm người nhẫn nại trở nên dịu dàng mát mẻ, đó là biểu hiện của lòng từ ái. Đã làm chủ được tâm sân thì lòng ganh tỵ cũng được loại trừ, vì vậy tâm thường hoan hỷ. Đồng thời, là người từng trải nghiệm khổ đau họ dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những nỗi khổ đau của kẻ khác, đó là lòng bi mẫn. Và họ cũng là người ít cố chấp, câu nệ nên tâm dễ dàng buông xả, quân bình.

 

Hỏi:

– Đối với những kẻ xấu ác, có hại cho nhiều người, nếu chúng ta chỉ biết nhẫn nại thì làm sao trấn áp hoặc ngăn chận chúng khỏi gây ra hành vi phạm tội?

Đáp:

– Ở đây chúng ta đang nói về đức tính nhẫn nại, chứ chưa nói đến biện pháp giải quyết. Biện pháp thì có rất nhiều như: thương yêu, giáo dục, cải tạo, ngăn ngừa, trừng phạt v.v… và thậm chí khai trừ, loại bỏ, tùy theo từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Nhưng để thực hiện những biện pháp này một cách chính xác, có hiệu quả, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh thì trước hết phải có lòng nhẫn nại. Càng thiếu nhẫn nại xác suất sai lầm trong xét xử càng cao. Và coi chừng, xét xử sai cũng chính là xấu ác thì làm sao cải thiện được những người xấu ác?

 

Hỏi:

– Tôi có kinh nghiệm là càng nhẫn nhịn càng dễ dàng cho kẻ xấu thực hiện mưu đồ đen tối. Dường như sự nhẫn nhịn luôn bị kẻ xấu lợi dụng, vậy có nên nhẫn nhịn mãi không?

Đáp:

– Thế thì xem ra bạn chưa đủ nhẫn nại hoặc còn có điều gì sai lầm trong đó, bởi vì mặc dù bạn nói đã nhẫn nại nhưng rõ ràng là bạn vừa mới tỏ ra còn ít nhiều ấm ức bất mãn, phải không? Nhẫn nhịn không có nghĩa là nuốt hận chịu thua để cầu an hoặc để  phục hận về sau. Người có thể nhẫn nhịn thường rất trầm tĩnh và tự tin, vì vậy người ấy có đủ sáng suốt để tránh được những cách xử sự nóng nảy hấp tấp, và biết sống sao cho hài hòa với mọi người, dù xấu hay tốt, một cách hợp tình hợp lý, không độc tài cũng không xu nịnh. Nhẫn nại là mảnh đất vững chắc thích hợp để nảy nở tình thương yêu, thông cảm và sự hiểu biết đúng đắn, nhờ đó bạn có thể cảm hóa người xấu thay vì tranh chấp với họ.

Chúng ta cần phải thận trọng trong việc đánh giá người xấu kẻ tốt. Chẳng hạn như người đối nghịch với mình chưa hẳn là xấu, kẻ ủng hộ mình chưa hẳn là tốt. Xấu hay tốt tùy thuộc vào bản chất đạo đức của mỗi người. Nói chung, kẻ xấu thường hành động, nói năng, suy nghĩ hại mình, hại người. Ngược lại, người tốt không những không làm hại ai mà còn đem lại lợi ích cho mọi người. Thực ra, người xấu thật bất hạnh, cần được thương yêu tha thứ, vì dù thế nào đi nữa, họ sẽ chịu nhiều khổ đau khi phải trả giá cho tâm địa xấu xa tội lỗi của mình. Dù khi nhẫn nại, nếu cần bạn có thể nghiêm khắc để họ khỏi quấy phá, nhưng bạn phải chắc rằng đó không phải là phản ứng phát xuất từ giận dữ, thù ghét, mà bạn chỉ muốn giúp họ trở nên tốt hơn hoặc ngăn chận sự thiệt hại cho nhiều người khác mà thôi. Bạn không nên trừng trị kẻ ác một cách chủ quan theo kiểu “Thay Trời hành đạo” mà cứ để “ác hữu ác báo” theo luật nhân quả tự nhiên.

 

Hỏi:

– Một số tôn giáo tin vào thuyết định mệnh, cho rằng mọi sự đều đã được an bài. Nhờ vậy họ dễ dàng nhẫn nại hơn. Điều đó có tốt không?

Đáp:

– Thật sự nhẫn nại thì không do áp lực. Niềm tin ở điều gì chưa biết rõ chính là sự sợ hãi áp lực từ bên ngoài. Nhẫn nại không có từ sự phục tùng hay do một giả định mà vì thấy rõ vấn đề và vì sự cần thiết của chính lòng nhẫn nại. Theo Phật giáo, nhẫn nại cũng là một hình thức chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình đã làm trong quá khứ, đồng thời qua hậu quả đó thấy rõ sai lầm để tự điều chỉnh hành vi của mình. Ví dụ, một học sinh có điểm toán thấp, phát hiện ra do mình ham chơi và thiếu chú ý. Bởi vậy, bây giờ em học hành siêng năng và chú ý vào môn toán hơn để tự điều chỉnh sai lầm của mình và tất nhiên sẽ cải thiện được điểm toán của em về sau. Đó hoàn toàn là do nhận thức đúng của em, không phải do định mệnh nào từ bên ngoài.

 

Hỏi:

– Có mấy người láng giềng luôn ngấm ngầm hãm hại gia đình tôi. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Như vậy, tôi nên cố gắng nhẫn chịu hay nên dời nhà đến nơi an toàn để dễ dàng hành thiền hơn? Nếu chấp nhận ở lại không chịu khai thông trở ngại làm sao tôi có thể đạt được giải thoát?

Đáp:

– Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin kể vắn tắt câu chuyện đức Phật bị sỉ nhục khi đi vào thành Kosambi khất thực. Để trả mối thù tự ái bị tổn thương trước đây, bà thứ phi Migandiyā xứ Kosambi đãxúi giục dân chúng mắng chửi, nhục mạ đức Phật một cách thậm tệ. Tôn giả Ananda thấy vậy liền xin thỉnh đức Phật đi qua thành khác khất thực. Đức Phật hỏi nếu qua chỗ khác cũng bị mắng chửi nữa thì sao? Bạch Thế Tôn, thì đi chỗ khác nữa. Phật nói, nếu đi đến đâu cũng bị mắng chửi, thì chúng ta cứ đi, đi mãi, hay sao? Này Ananda, hãy để cho phiền não tự diệt nơi đâu chúng khởi sinh. Quả nhiên, bảy ngày sau dân chúng thành Kosambi không còn nhục mạ đức Phật nữa.

Đừng tưởng rằng bạn càng tu lên cao thì càng được an toàn hơn. Ngược lại, nếu bạn muốn được tốt hơn thì phải đối đầu với nhiều thử thách hơn. Ngay cả Đức Phật, sau khi giác ngộ vẫn còn chịu tám nạn lớn trong đó có sự mưu sát của Devadatta. Cũng vậy, Đức Chúa bị Juda phản bội và phải chịu cực hình đóng đinh trên thập tự giá. Thánh Gandhi bị thảm sát mặc dù chủ trương bất bạo động.

Nếu chướng ngại là quả của nghiệp thì không có cách nào tránh né được. Như đức Phật dạy trong Kệ Pháp Cú 127:

“Không phải trên hư không,

không phải giữa biển cả,

không phải vào hang sâu,

không nơi nào trên đời

có thể tìm thấy được

chỗ tránh quả ác nghiệp”.

Vì vậy, bậc thiện trí thức sợ gieo nhân chứ không sợ gặt quả. Nhiều người làm ác hay làm lành mà chẳng thấy báo ứng đâu cả nên không tin nhân quả nghiệp báo, nhưng đó là vì chưa đến lúc trổ quả mà thôi.

Thực ra, nghiệp quả có ý nghĩa giáo dục rất cao:

1) Giúp chúng ta biết chịu trách nhiệm về hành vi đạo đức của mình.

2) Chỉ cho chúng ta thấy ra nguyên nhân đã tạo trong quá khứ.

3) Thấy nhân thấy quả chính là thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của vạn pháp.

4) Rèn luyện cho chúng ta những đức tính cao qúi như nhẫn nại, cảm thông, từ ái, bi mẫn, bao dung, khiêm tốn v.v…

5) Người sẵn sàng đón nhận nghiệp quả mà vẫn định tĩnh sáng suốt, vẫn vượt khỏi tham ưu, chắc hẳn là người đã thong dong tự tại.

Vậy tại sao bạn không nhân sự quấy rầy của những người hàng xóm để trưởng dưỡng đạo tâm như nhẫn nại, thương yêu, cảm thông và trí tuệ? Thật ra khi trong tâm còn phiền não thì dù đi tới chân trời góc biển nào khổ vẫn bám theo. Bạn luôn muốn đổi mới nhưng thực ra chỉ đổi cái khổ này qua cái khổ khác. Rồi chúng ta không ngừng chọn lựa, nhưng khi đã chọn bề mặt thì chúng ta cũng phải lấy luôn bề trái.

 

Hỏi:

– Mặc dù tôi cũng tin như vậy, nhưng thật khó mà nhẫn nhục được với hạng người vừa hung ác vừa xảo quyệt. Họ vừa ăn cướp vừa la làng, hại người này rồi đổ tội cho người kia. Khổ nỗi họ khéo nịnh bợ cấp trên nên luôn được che chắn, ô dù. Cho nên hạng người này cần được triệt hạ đi vì sự an lạc của mọi người, sao lại phải cam tâm chịu nhịn với chúng?

Đáp:

– Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn, và hầu như phần lớn chúng ta đều muốn như vậy. Nhưng trên thực tế triệt hạ người ác đâu có dễ, phải không? Ai mà biết chúng ta triệt hạ họ hay họ triệt hạ chúng ta trước rồi! Dù sao, bình tĩnh chịu đựng sẽ tốt hơn, vì cuối cùng nhẫn nại vẫn là thượng sách. Biết đâu bạn càng cố thanh trừng gắt gao, kẻ xấu càng trở nên ma mãnh hơn trong khi nếu bạn trầm tĩnh nhẫn nại thì mọi việc sẽ được giải quyết sớm sủa hơn nhiều.

Lúc đầu phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó chịu khi quan hệ với người xấu, nhưng sau một thời gian ứng phó với họ xem ra chúng ta trưởng thành hơn, bản lãnh hơn, khôn ngoan hơn và tiến bộ hơn rất nhiều. Phải chăng đó là những thử thách mà mọi người phải trải qua trên đường chuyển hóa? Không chừng một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng chính hạng người này đã vô tình giúp bạn tự khám phá, tự điều chỉnh để hoàn thiện chính mình. Không có những thử thách đó làm sao bạn có thể biết mình và biết người một cách rõ ràng cụ thể? Nhận ra điều này hẳn bạn sẽ cám ơn những kẻ khó chịu này.

Người làm ác cũng có nỗi khổ riêng của họ: những toan tính bạc đầu, những lo âu sợ hãi, những ray rứt khôn nguôi, lại còn bị căm thù, phỉ nhổ, nguyền rủa, khinh khi v.v… từ bên ngoài. Vậy bạn đừng phản ứng khinh suất. Hãy để họ học ra bài học của mình từ quả đắng tự nhiên của hành động ác, một cách công minh xác đáng. Dù sao, họ cũng đáng thương, cần được cảm thông hơn là ghét bỏ. Hãy cầu nguyện cho họ sớm học ra bài học của mình để biết hồi đầu hướng thiện. Cái chính là bạn phải tự khám phá xem chính mình có xấu xa đê tiện không trước khi quan tâm sửa trị những điều thị phi của người khác.

 

Hỏi:

– Sống thì phải có ước mong, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, chẳng lẽ chỉ nhẫn nại với hiện tại là đủ sao? Sự việc là vợ chồng tôi đang nỗ lực kiếm sống, nhưng chưa đủ tiền để mua nhà nên phải ở nhà trọ. Vậy chúng tôi có quyền hy vọng và phấn đấu để có được một ngôi nhà, hay cứ cam tâm nhẫn chịu tình hình hiện tại?

Đáp:

– Tôi cũng chúc bạn có thể sớm sở hữu một ngôi nhà như ý. Nhưng muốn đạt được mục đích như vậy trước tiên bạn phải biết bình tĩnh đợi chờ. Bình tĩnh đợi chờ là cốt cách của lòng nhẫn nại. Bạn có quyền hy vọng và phấn đấu cho tương lai của mình. Không ai bắt bạn phải bằng lòng với hiện tại, nhưng trước hết phải có lòng nhẫn nại, nếu bạn nóng vội thì thất bại là cái chắc.

Khi bạn đang trong tình trạng không vừa ý thì càng mong một tương lai tốt đẹp hơn bạn càng bị đè nặng bởi áp lực thời gian, và cảm thấy hiện trạng của mình tồi tệ hơn. Và cứ thế bạn kéo dài sự bất an căng thẳng làm phá hỏng không khí đầm ấm của gia đình bạn, thậm chí có thể làm cho nó đổ vỡ trước khi bạn nhìn thấy giấc mơ của mình có trở thành hiện thực hay không. Nếu nhẫn nại bạn sẽ không còn tạo ra áp lực thời gian và có thể dễ dàng đối mặt với thực trạng của mình. Hơn nữa bạn sẽ có đủ trầm tĩnh sáng suốt để biết cần làm gì tốt nhất cho căn hộ tương lai mà bạn hằng mong đợi.

SHARE:

Để lại một bình luận