BÌNH AN

SHARE:

“Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.” – Khổng Tử
Bình an là trạng thái điềm tĩnh, thanh thản, không còn chút “gợn sóng” lo lắng hay khổ đau.
Bình an luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta. Càng có nhiều người cảm thấy bình an trong lòng thì cả cộng đồng, quốc gia và toàn cầu sẽ càng yên bình.
“Khi con người cầu nguyện cho hòa bình, nền hòa bình sẽ được củng cố mạnh mẽ theo lời cầu nguyện bởi vì bản thân họ đang chìm đắm trong trạng thái bình an”. – John Macquarrie
Sống an nhiên, thảnh thơi và tập trung vào cách hành xử ôn hòa là điều tạo nên sự khác biệt ở những bậc thầy tâm linh vĩ đại – từ Đức Phật, Chúa Jesus đến Mahatma Gandhi. Mặc cho những hy sinh và thử thách to lớn đối với bản thân, những bậc thầy này vẫn luôn duy trì trạng thái bình an nội tâm của mình.
Chúng ta đang sống trong thời đại phải làm việc quần quật suốt 24 giờ/1 ngày, 7 ngày/1 tuần, không được phép nghỉ ngơi, nghiện điện thoại, Internet, máy tính, ti-vì và tiếng ồn. Ngày càng nhiều người phải thốt lên “Dùng thế giới lại đi! Tôi muốn thoát khỏi đây!”.
Để có được bình an, bạn cần học cách giảm bớt những bức bối, lo âu và căng thẳng trong cuộc sống. Qua đó, cơ thể, tâm trí và tâm hồn bạn được nghỉ ngơi trong môi trường yên bình – sự yên bình đến từ nội tâm, sau đó được biểu lộ ra bên ngoài.
Bình an & thiền định
Thiền định là tên gọi chung cho phương pháp tập trung tâm trí vào những mục đích tinh thần/ tâm linh. Trong quyển sách này, tôi sẽ nhắc đến những phương pháp thiền khác nhau – từ hình thức thiền “vô niệm”, cầu nguyện, tập trung vào những vấn đề cụ thể để nhận ra cách giải quyết, cho đến hình thức trò chuyện với thiên nhiên, nghỉ ngơi và thư giãn.
Thiền giúp làm lắng dịu những “ồn ào, huyên náo” trong tâm trí, đem đến cho ta trải nghiệm thư thái, an nhiên và tĩnh tại.
Những bậc thầy tâm linh vĩ đại và thiền định
Thật thú vị khi biết rằng các bậc thầy tâm linh vĩ đại đều thực hành thiền định (theo những kỹ thuật khác nhau) để đạt được khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và tâm linh, cũng như vươn đến sự khai sáng.
1. Moses (1300, TCN)
Moses là một nhà tư tưởng sâu sắc, đã trải qua một khoảng thời gian dài “tìm kiếm tâm linh”. Điều răn thứ tư – “Hãy nhớ ngày Sabbath…” – nêu rõ rằng nên Sức Mạnh của Trí Tuệ Tâm Linh dành ra ít nhất một ngày mỗi tuần để nghỉ ngơi và thư giãn.
2. Mahavira (599-527, TCN)
Một ngàn năm sau thời của Moses và cách đó hơn bảy ngàn dặm về phía Đông, Mahavira đã khám phá ra một con đường tâm linh khác sau khi theo đuổi nhiều hình thức thiền định/chiêm nghiệm.
Con đường tâm linh mà Mahavira khởi xướng, với tên gọi là đạo Jain (Kỳ Na giáo), cũng yêu cầu dành ra thời gian để suy ngẫm, đồng thời cam kết không làm tổn hại bất kỳ sinh vật sống nào. Một trong những lời giáo huấn của ông là các môn đồ phải đeo một miếng vải mỏng che miệng lại để không vô tình nuốt phải những con côn trùng bé nhỏ.
3. Phật Thích Ca (563-483, TCN)
Một trong những hình ảnh thường gặp ở Đức Phật là hình ảnh ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. “Phật” có nghĩa là “người giác ngộ” – qua thiền định/ chiêm nghiệm mà đạt đến sự giác ngộ.
Hai nền tảng xây dựng nên giáo lý Bát Chánh Đạo của Đức Phật đó là: Chánh niệm (học cách kiểm soát tâm trí trong sự trầm tư sâu lắng…); và Chánh định (khi đã tuân thủ mọi quy tắc, con người có thể chinh phục được tâm trí, hướng đến Niết bàn – Nirvana).
Niết bàn là trạng thái bình an vượt thoát, hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những thèm muốn vô ích.
4. Khổng Tử (551-479, TCN)
Khổng Tử được người Trung Quốc tôn kính gọi là “Vạn thế sư biểu” – bậc thầy của muôn đời. Ông là người tin vào “mệnh Trời”, dành ra rất nhiều thời gian để tự đặt câu hỏi cho bản thân và suy ngẫm.
Trong những lời dạy của mình, ông nhấn mạnh rằng suy ngẫm/ chiêm nghiệm là một phần không thể thiếu trong việc phát triển bản thân.
5. Chúa Jesus (0-33)
Trước khi Chúa Jesus bắt đầu rao giảng Tin Mừng Cứu độ cho muôn dân, Ngài đã trải qua 40 ngày đêm ở nơi hoang địa, một mình với dã thú, đắm chìm trong suy ngẫm để chuẩn bị về tinh thần và tâm linh.
Trong suốt cuộc đời mình, Jesus thường xuyên lên đồi và đi đến vùng quê hoang vắng để một mình cầu nguyện. Ngài dạy rằng ai cũng nên “tương giao trực tiếp với Thiên Chúa” theo cách này ở bất cứ nơi đâu và vào bất kỳ lúc nào.
6. Tiên tri Muhammad (570-632)
Tiên tri Muhammad đã tìm ra một trong những hướng phát triển tâm linh nhanh nhất, đó là đạo Hồi (Islam) – Islam có nguồn gốc từ Salema (tiếng Ả Rập), nghĩa là bình an, thuần khiết và quy phục.
Với ông, việc suy ngẫm và cầu nguyện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong “Năm trụ cột của Hồi giáo”.
“Người phải suy ngẫm và cầu nguyện 5 lần một ngày: lúc bình minh, khi mặt trời chạm đến thiên đỉnh, lúc giữa chiều, hoàng hôn và trước khi đi ngủ.”

Những bước thực hành để đạt được bình an
Nghỉ ngơi & Thư giãn
Ngủ trưa nửa tiếng hoặc nghỉ giải lao trong lúc làm việc sẽ giúp tinh thần thêm tỉnh táo, giảm mệt mỏi và căng thẳng – tốt hơn và nhanh hơn so với cà phê.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở những công nhân các nước công nghiệp phát triển, việc thiền định, tĩnh tâm chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, hoặc ngủ trưa đã giúp 92,5% công nhân gia tăng năng suất lao động, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Các nhà nghiên cứu đề nghị rằng chúng ta không cần mất quá nhiều thời gian nghỉ giải lao để nhâm nhi cà phê, mà hãy dành khoảng thời gian đó cho suy ngẫm/ thiền định!

Những kỹ thuật thiền
Có rất nhiều kỹ thuật thiền khác nhau – thiền tĩnh, thiền động, thiền tiên nghiệm, nhẩm niệm trong lúc thiền… Một số cách thiền tập trung giữ cho tâm trí “trống rỗng”, một số khác thì hướng đến trạng thái xuất thần, còn hình thức thiền động (như Thái cực quyền, Khí công) lại tập trung rèn cả thân và tâm cùng một lúc. Riêng hình thức suy nghiệm của đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái (ở một số trường phái) thì tập trung vào việc nghiền ngẫm những lời răn dạy thiêng liêng.
Bước đầu tiên trong hầu hết các phương pháp thiền đều là chú ý đến hơi thở và cách hít thở. Sau đây là một cách thiền rất dễ dàng và đơn giản, bạn chỉ cần ngồi ở một nơi thật yên tĩnh, nhắm mắt lại và hít thở chầm chậm. Một số người thích đếm nhịp thở (hít vào, đếm từ 1 đến 10; rồi từ từ thở ra, đếm ngược từ 10 trở về 1). Hãy để ý xem tâm trí có đi lang thang hay không. Nếu tâm trí “đi lạc”, chỉ cần đưa nó quay lại, đừng nên mang cảm giác tội lỗi gì hết!
Khi ta tập trung vào hơi thở, suy nghĩ trong tâm trí sẽ dần lắng xuống; để rồi sau khi thiền xong, ta sẽ cảm thấy thư thái, tươi mới và tỉnh táo hẳn.
“Nếu trái tim bạn đi lang thang hoặc lạc lối, hãy hết sức nhẹ nhàng mang nó trở về… thậm chí trong suốt giờ suy niệm, bạn chẳng làm gì khác ngoài việc kéo con tim quay lại thì cứ mỗi lần làm như thế, thời gian suy niệm của bạn vẫn được sử dụng rất hợp lý.” – Thánh Francis de Sales

Trải nghiệm thiền của cá nhân tôi
Cũng giống như bao người, tôi từng có nhiều trải nghiệm thiền khi còn bé: ngồi trầm ngâm bên bờ hồ hay dòng suối, nao lòng trước vẻ đẹp của đám sương mù lãng đãng, chếnh choáng theo giai điệu du dương của thiên nhiên; hoặc “xuất thần” ngay trong lớp học, phải được thầy giáo “gọi về”.
Lần đầu tiên tôi chính thức tiếp cận với thiền là khi tôi học Yoga. Tôi cũng đã thử qua nhiều hình thức thiền khác nhau và đều nhận thấy thiền mang lại cảm giác dễ chịu, bình yên, tràn trề sinh lực.
Vào giữa năm 1960, khi ban nhạc The Beatles giới thiệu đến thế giới Yogi Maharishi Mahesh và trường phái thiền tiên nghiệm, một người bạn của tôi cũng đã hướng dẫn cho tôi cách thiền này. Tôi được yêu cầu lặp đi lặp lại một câu khẩu niệm, dùng nó để gạt bỏ bất kỳ suy nghĩ nào khác xâm nhập vào tâm trí. Thực sự là tôi cảm thấy khá nhẹ nhàng. Tôi cũng học được kỹ thuật thư giãn sâu và tự thôi miên. Điều này đã thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi “nhìn thấy” các cấp độ ý thức khác nhau, đồng thời định hướng cho ước muốn và ý định của tôi bằng nguồn sức mạnh lớn đến không ngờ.

Rèn luyện Trí tuệ Tâm linh
1. Khám phá năng lượng và sức mạnh của sự tĩnh lặng/ thiền định
Rất dễ thực hiện, và thật tuyệt vời khi cùng trải nghiệm với gia đình hoặc bạn bè. Bạn có thể chìm sâu vào tĩnh lặng/ thiền định ở mọi nơi, vào bất cứ lúc nào, không đòi hỏi bất kỳ công cụ hỗ trợ nào khác.
2. Lan tỏa bình an
Cùng với mọi người lan tỏa bình an ra xung quanh. Cam kết giữ mình bình an và lan tỏa bình an ở bất cứ nơi nào bạn đến.
3. Khởi đầu bình yên cho ngày mới
Hầu hết mọi người đều thức dậy trong tình trạng vội vã, và không ngừng hối hả cho đến cuối ngày.
Hãy bắt đầu một ngày mới với cảm giác bình yên, an nhiên và kiểm soát tốt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Trước khi bạn hoàn toàn thức dậy, hãy nhớ lại giấc mơ (nếu có thể) và kiểm tra xem bạn cảm thấy thế nào, tâm trạng của bạn vào lúc đó, làm thế nào để biến nó thành lợi thế cho mình trong suốt cả ngày. Xây dựng “nghi lễ buổi sáng” như thực hiện vài động tác căng duỗi và nghe những âm thanh dễ chịu (chim hót, nhạc thư giãn nhẹ nhàng) để hân hoan đón chào một ngày mới – mỗi ngày đều là ngày sinh nhật!
4. Tắt hết mọi thiết bị
Mỗi ngày, vào cùng một thời điểm, bạn hãy dành ra vài phút chìm trong tĩnh lặng – không ti-vi, ra-đi-ô hay thiết bị điện tử nào, càng yên tĩnh càng tốt. Ban đầu chỉ cần giữ tĩnh lặng trong vài phút, rồi từ từ tăng thời gian lên.
Nếu muốn thử thách bản thân hơn nữa, hãy thực hành giữ trạng thái bình yên trong khi đang kẹt giữa “biển” xe vào giờ cao điểm hoặc khi đứng giữa hàng dài người nối đuôi nhau chờ tính tiền trong siêu thị.
5. “Kiểm soát giao thông”
Khoảng giữa buổi sáng, chiều và tối, hãy tạm NGỪNG mọi công việc/hoạt động bạn đang thực hiện. Bạn có thể chìm vào tĩnh lặng hoặc nghe nhạc thư giãn nhẹ nhàng trong vài phút, rồi sau đó quay trở lại với công việc đang dở dang. Nếu có thể, hãy mời đồng nghiệp/ bạn bè/ gia đình cùng tham gia để xây dựng bầu không khí bình an đầy mạnh mẽ.
6. Biến ngôi nhà của bạn thành không gian thiêng liêng
Hãy xem nhà của bạn như là Trung tâm Bình yên và Sáng tạo; kiểm tra môi trường sống và các hoạt động ở nhà – chẳng hạn như, tạo ra một vùng “không ti-vi”; quyết tâm không nghe, không xem mọi tin tức (trừ những tin tốt)…
Nếu trong nhà bạn có trẻ nhỏ, sẽ không thể tránh khỏi việc trẻ tỏ ra cứng đầu, cáu kỉnh, nhảy từ trò vui này sang trò giải trí khác. Thông thường các bé trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ và trầm tĩnh hơn nếu được đắm chìm vào không gian tưởng tượng. Hãy đảm bảo cho trẻ có không gian để “không làm gì” cả! Hãy tích cực nỗ lực biến nhà bạn thành “mắt bão” bình yên.
7. Lựa chọn phương pháp thiền phù hợp với bản thân
Có rất nhiều phương pháp thiền, mỗi người sẽ tìm thấy phương pháp phù hợp nhất đối với mình. Trên hành trình phát triển tâm linh, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn mới và thú vị.
8. Học hỏi từ những bậc thầy tâm linh vĩ đại
Tìm đọc những lời răn dạy và lối sống của những bậc thầy tâm linh vĩ đại. Họ là những hình mẫu tuyệt vời, cho bạn thêm nhiều chọn lựa và cơ hội thú vị trên bước đường tìm kiếm Chân lý.
9. Thả hồn theo tiếng nhạc
Trong không gian yên bình và thiêng liêng ở nhà, hãy dành ra vài phút lắng nghe những giai điệu yên bình, để cơ thể bạn thoải mái bộc lộ ra những cảm xúc đang trào dâng, và để tâm trí được tự do “đi rong” hoặc tập trung vào một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Hãy để cho tiếng nhạc và mạch cảm xúc điều khiển cơ thể bạn.
10. Chơi đùa với động vật & sống chan hòa cùng thiên nhiên
Nhiều loài vật trông rất tỉnh táo và an nhiên tự tại – như thể chúng đang ở trong trạng thái thiền. Hãy dành thời gian ở bên chúng, giao tiếp với chúng, học hỏi từ chúng!
Nếu bạn cảm thấy khó có được bình an tâm trí, hãy một mình đi dạo thật lâu giữa khung cảnh thiên nhiên hoặc đi cùng với bạn bè. Người La Mã cổ đại có một cụm từ đặc biệt đó là solvitas perambulum, nghĩa là giải quyết vấn đề trong khi đang dạo chơi. Vì vậy nếu bạn đang cần giải quyết một khó khăn nào đó, hãy cứ dạo chơi rồi giải pháp sẽ xuất hiện!
11. Thiền & cuộc sống
Chúng ta vẫn có thể duy trì trạng thái thiền trong khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Hãy thử thiền trong khi ăn, không làm gì khác ngoài việc hoàn toàn chú tâm vào bữa ăn. Khi tắm, hãy giữ nhận thức mình đang tắm, chứ đừng nghĩ đến những việc cần phải làm cho ngày hôm sau.

“Dưới mỗi bước, gió mát trổi dậy làm mới lại thân tâm. Dưới một bước chân, một đóa hoa tươi nở rộ.” – Thích Nhất Hạnh

Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Tâm linh
– Tôi chọn cuộc sống bình an vì lợi ích của chính tôi và vì mọi sinh vật tồn tại trong hành tinh này.
– Tôi ngày càng bình tĩnh, thanh thản và tập trung hơn.
– Tôi thực hành giữ trạng thái thiền trong những hoạt động thường nhật của mình.
– Tôi giữ mình điềm tĩnh và kiên nhẫn, cứ để cho những “quả trái” của hành động chín vào đúng thời điểm của nó.
– Tôi vẫn điềm tĩnh, vững vàng giữa những rối rắm, phức tạp và không nao núng trước hoàn cảnh khốn cùng.
– Tôi yên lặng quan sát dòng suy nghĩ lướt qua tâm trí mình và đón chào sự tĩnh lặng nội tâm.
—o0o—

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Tâm Linh
Tác giả: Tony Buzan
NXB Tổng Hợp TP HCM

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: