TU TẬP VỚI MỘT VỊ THẦY

SHARE:

Không phải là tiếng vỗ của một bàn tay
Trừ phi chúng ta đã đi đến quyết định đặt niềm tin của mình vào một thứ gì đó lớn lao hơn bản ngã của mình, thật sự sẽ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu trong việc cố gắng tu tập với một vị thầy. Toàn bộ ý nghĩa của một vị thầy tâm linh, ít nhất là trên con đường tu tập Phật pháp dẫn đến giải thoát, là nhằm buông bỏ mọi cách thức mà chúng ta ấp ủ và bảo vệ bản thân. Do đã thấy được sự đau khổ mà điều này tạo ra, nên chúng ta muốn buông bỏ việc cố gắng lúc nào cũng làm cho mọi thứ tốt đẹp đối với mình. Chúng ta muốn đi xa khỏi tất cả những thói quen thúc đẩy cái tôi, và cần những hướng dẫn để có thể làm điều này. Tất nhiên, chúng ta phải sẵn sàng và chấp nhận sự hướng dẫn.
Khi đặt niềm tin vào một vị thầy, chúng ta buông bỏ ý niệm về việc kiểm soát mọi thứ (không phải là bây giờ mới có ý niệm ấy). Từ đó về sau, chúng ta tu tập hướng tới việc tin rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều “tốt”. Không phải nó tốt vì đó là điều chúng ta muốn, hay tốt vì chúng ta đang cố gắng thuyết phục bản thân rằng nó tốt, mà nó tốt bởi vì, dù kết quả có là gì, chúng ta sẽ sử dụng nó để làm tâm thức thêm chín chắn mà không rơi vào ngã mạn, bởi ngã mạn đã gây ra cho ta quá nhiều đau đớn và khổ sở. Chúng ta đã quyết định đặt niềm tin vào vị thầy bởi vì, do hiểu biết sáng suốt của vị thầy về bản chất của tâm thức và cách tâm thức hoạt động, nên vị thầy có thể hỗ trợ chúng ta đạt được mục đích.

Trước thời điểm này, khi vẫn chỉ hành động theo bản ngã, thì “tốt” là hạn chế. Tốt chỉ có nếu nó phục vụ bản ngã, nếu nó là một thứ gì đó không ngăn cản điều mà ta muốn làm. Giờ đây, tốt bao trùm hơn vì chúng ta phải buông bỏ việc cố gắng kiểm soát mọi thứ, đồng thời đã sẵn sàng cho những trải nghiệm mới. Tất nhiên, một số trong những trải nghiệm mới này bao gồm cả sự thất vọng về bản ngã. Nếu được thúc đẩy bởi trí huệ, thì sự thất vọng về bản ngã có thể là một sự giải toả. Sự thất vọng ấy cũng có thể hơi khó chịu nếu bản ngã vẫn còn đường kiểm soát chúng ta. Nhưng dù phản ứng của bản ngã như thế nào, không bao giờ có một khoảnh khắc u mê khi tu tập với một vị thầy. Chúng ta toàn tâm với một thứ gì đó lớn lao hơn bản ngã, và thật phấn khích khi không còn làm mọi thứ theo cách cũ nữa. Vị thầy giúp chúng ta hướng đến những điều mà chúng ta đã luôn cố gắng né tránh. Đôi lúc vị thầy hướng chúng ta đến nỗi khổ. Nếu muốn trở thành một môn sinh thực thụ, chúng ta cần hiểu mọi khía cạnh của tâm thức, bao gồm cả những mặt tối tăm và đau buồn của nó.
Thời gian đầu trở thành môn sinh, có thể chúng ta còn miễn cưỡng. Chúng ta vốn không quen với việc buông bỏ bản ngã, cùng những thói quen và chấp trước nhỏ bé lén lút của nó trước mọi người – mặc dù những thói quen này thật sự hành hạ và khiến chúng ta tổn thương. Nếu cưỡng lại, thật khó mà tin tưởng. Nhưng hãy nghĩ về nó như thế này: Khi bị ốm, thường chúng ta chẳng gặp khó khăn gì với việc dựa vào bác sĩ cả. Thậm chí ta còn để họ mổ xẻ cơ thể của mình. Họ cắt bỏ những khối u, thậm chí cắt đi những cơ quan quan trọng như là dạ dày hay túi mật. Khi họ tiêm thuốc mê để ta chìm vào giấc ngủ, chúng ta tự hỏi không biết mình có còn thức dậy nữa không! Nhưng chúng ta cho phép bản thân trở nên như vậy vì muốn được khoẻ mạnh trở lại.
So sánh với tất cả những điều này, thì lời khuyên của vị thầy thật là nhẹ nhàng. Thuốc mà vị thầy đưa, Phật pháp, sẽ chữa lành căn bệnh trầm trọng nhất đó là vô minh và coi trọng bản ngã. Mục đích của Phật pháp là làm tĩnh tâm. Phật pháp dạy rằng ngay cả đau đớn – điều mà chúng ta sợ nhất – cũng chẳng là gì ngoài ý nghĩ và xúc cảm. Vì vậy, chúng ta biết rằng thật ra không phải xúc cảm là điều hành hạ mình nhất, mà là nỗi sợ buông bỏ và sợ có một trải nghiệm mới. Một số người có thể chấp nhận rủi ro của việc buông bỏ do dựa trên niềm tin, một số người khác thì không. Một số người quá dính mắc đến cái tôi. Những người khác thì biết rằng sự buông bỏ sẽ đơn giản hoá cuộc sống của họ, và khiến tâm thức trở nên thoải mái. Sự thành công của chúng ta được quyết định bởi việc có bao nhiều niềm tin đối với tâm thức – tin tưởng rằng tâm thức có thể làm gì – làm thế nào nó có thể đối mặt với đau khổ, bằng cách nào trí huệ có thể từ đó sinh ra. Nếu thực hành theo Phật pháp, giải thoát sẽ tới. Vì vậy, thật sự chẳng có lý do gì để chần chừ.

MỤC ĐÍCH CỦA MỘT VỊ THẦY

Khi bắt đầu tu học với một vị thầy, chúng ta bị hấp dẫn bởi các phẩm chất của người ấy. Rất có khả năng là những phẩm chất này đã truyền cảm hứng để chúng ta đi tiếp trên con đường tâm linh. Đồng thời, chúng ta không hiểu được mọi thứ về tâm thức và sự thực chứng của vị thầy – chúng ta mới chỉ bắt đầu dấn thân vào Phật pháp và tự mình trải nghiệm hành thiền. Do vậy tâm thức của vị thầy và giáo lý sẽ có chút bí ẩn đối với chúng ta, và điều đó là tự nhiên.
Tuy vậy vào lúc này, cũng không nên có quá nhiều điều thần bí xoay quanh ý định tu học với một vị thầy. Cần phải biết tại sao mình muốn đi vào con đường tu tập và mục đích của một vị thầy là gì. Nếu mơ hồ về động lực, chúng ta có thể tiếp tục trông chờ những điều mà vị thầy không thể trao. Nó sẽ giống như tiếng vỗ của một bàn tay. Vị thầy sẽ dạy và cố gắng hướng dẫn ta theo con đường tu tập, còn ta lại trông đợi một điều gì đó khác… có khi là một mối quan hệ bạn bè… có khi ta đang tìm kiếm ai đó để truyền cảm hứng hoặc để tới những nhu cầu cảm xúc của mình… hoặc có thể là một người cha hay một người mẹ.
Thỉnh thoảng một môn sinh sẽ nói, “Con muốn tin tưởng và buông bỏ bản ngã…, nhưng con cần biết rằng thầy sẽ giữ lấy con nếu con ngã”. Họ sợ rằng buông bỏ có thể giống như đi tìm vàng mà chỉ tìm thấy đá sỏi. Môn sinh đòi hỏi vị thầy cung cấp một sự đảm bảo về tinh thần, cứ như thể sắp phải hy sinh một thứ gì đó vô cùng thiêng liêng và quý giá để trở thành một môn sinh. Tôi thấy rằng có chút sai lầm trong kiểu tiếp cận này. Đầu tiên, điều chúng ta cần buông bỏ không phải một thứ thiêng liêng hay quý giá – nó là bản ngã – nguồn gốc của mọi đau khổ. Vì thế, với việc buông bỏ bản ngã, môn sinh là người hưởng lợi. Và vì buông bỏ bản ngã mang đến an tịnh, nên “hy sinh” chính là giải thoát.

Nếu không hiểu được điểm này, gần như thể môn sinh sẽ trông chờ rằng vị thầy trở thành người mang lại an bình cảm xúc cho mình. Nói cách khác, môn sinh có thể cảm thấy nếu vị thầy không tiếp tục gia hộ và đoái hoài đến các nhu cầu cảm xúc của họ, rất có thể tâm trí họ sẽ hỗn loạn. Nhưng đây là một cách hiểu sai. Như chính Đức Phật từng nói, “Ta sẽ chỉ ra con đường, nhưng giải thoát phụ thuộc vào các con”. Tôi cho rằng điều này nói rõ động lực giữa vị thầy và môn sinh nên như thế nào.
Nếu không hiểu điều này, giữa vị thầy và môn sinh sẽ chẳng tạo ra được bối cảnh mang lại điều gì lợi lạc. Chúng ta có thể tìm hiểu và thực hành giáo pháp, và chúng ta có thể thấm nhuần đôi chút, nhưng nếu không muốn nhìn nhận những mê mờ của mình, và từ chối tin rằng chúng có đó, sẽ chẳng có sự phát triển tâm linh nào có thể xảy ra. Nếu không có sự thúc đẩy phù hợp để hướng dẫn và bảo vệ, chúng ta sẽ trở nên dính mắc giống như trong mọi mối quan hệ bình thường của mình. Trong khi ấy, vị thầy sẽ chỉ chờ đợi… chờ đợi… chờ đợi cho đến ngày chúng ta quyết định buông rơi vào trí huệ thay vì vào vô minh.
Sự thúc đẩy của bất kỳ vị thầy chân thực nào cũng đến từ các nguyên tắc của bồ đề tâm. Vị thầy muốn mang lại lợi lạc cho môn sinh, chắc chắn như vậy. Đồng thời, tôi không biết liệu có bất kỳ vị thầy nào luôn trăn trở hay mất ngủ với việc môn sinh thực hành hay không thực hành, giữ các giới nguyện ra sao, tôn trọng các quy luật về nghiệp hay nghiên cứu kinh sách ở mức nào. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ chúng ta tìm hiểu và hành trì để làm lợi cho chính tâm thức của mình, chứ không phải của vị thầy. Vì thế một lần nữa, chúng ta cần hiểu mục đích thật sự của vị thầy. Nếu không, ta sẽ như một đứa trẻ đang ăn uống như thể muốn làm mẹ vui lòng…, mà điều này thật ra không phải vậy.

LÒNG NHÂN TỪ CỦA VỊ THẦY

Có câu nói, “Hãy luôn ghi nhớ lòng nhân từ của người thầy”. Vị thầy cho ta thấy cách giải phóng tâm thức, giải phóng tất cả những phẩm chất bẩm sinh như từ bi, sức mạnh, can đảm, và trí huệ. Nhưng cách vị thầy biểu lộ sự nhân từ không phải luôn luôn là những ngày nắng ấm hay những ngôn từ êm tai mà bản ngã ưa thích. Nếu vị thầy luôn là mặt trời toả sáng và chúng ta luôn cảm thấy xúc động – thậm chí đến mức nước mắt tuôn trào – sẽ chẳng có gì phát triển. Trên thực tế, bản ngã sẽ chỉ được thoả mãn nhiều hơn.
Thật may mắn, chúng ta hợp lực với vị thầy để dập tắt bản ngã và khiến nó biến mất. Vì vậy, ta có thể trông mong rằng vị thầy sẽ đối xử với mình bằng sức mạnh tâm thức sáng suốt, giúp ta buông bỏ những dính mắc và chấp trước thông thường. Cùng với vị thầy, chúng ta quyết tâm chế ngự bản ngã vì hạnh phúc của chính mình. Nếu chỉ muốn tham khảo vị thầy hay trút bỏ những khó khăn về cảm xúc mà không thật sự muốn nghe những phản hồi chân thành, thì ngay từ đầu đã không có ý nghĩa gì trong việc có được một vị thầy. Vì thế chúng ta cần trở nên thật sự cởi mở.

Chắc chắn một điều, sẽ có những lúc chúng ta muốn chạy trốn, nhưng chạy trốn chẳng ích gì, và chúng ta biết điều đó. Không có cách nào để trốn chạy tâm trí của chính mình. Vì vậy, một lần nữa phải suy xét về bản chất của mối quan hệ và bắt tay vào tu tập. Đây là dự án lớn nhất trên đời, và chúng ta càng trở nên ham thích càng tốt. Luôn có một thứ gì đó hữu ích để đưa ra trước khả năng nhận biết của mình – một chướng ngại, một điểm mù, một điều gì đó để gột rửa, hoặc để nhận ra và trân trọng. Luôn có chỗ để phát triển, nghĩa là không bao giờ ta cảm thấy thất vọng trong những gì mình thấy được.
Khi có thể sử dụng mọi trải nghiệm để tiến bộ trên con đường tu tập – khi mà mọi thứ trở nên “đều tốt cả” – sẽ chẳng có gì có thể làm ta chao đảo khỏi mục đích. Cảm giác tin tưởng cần phải vững chắc và vô điều kiện, nghĩa là không dựa trên những nguyên nhân và hoàn cảnh bên ngoài. Mọi hành giả vĩ đại trong quá khứ và hiện tại đều có kiểu niềm tin này. Phải đối mặt với bản ngã không phải là một lời nguyền; nó là lời ban phước lớn lao nhất trong những lời ban phước, và là một tin tốt lành với chúng ta nếu chúng ta có thể vượt trên cách nghĩ thông thường về nó.

LIÊN MINH SÂU XA

Khi còn trẻ, tôi thường cảm thấy bị thách thức bởi mệnh lệnh của vị thầy, hoặc đơn giản bởi sự hiện diện của thầy, hoặc điều mà đôi lúc tôi cảm nhận là sự không hài lòng của thầy. Đôi lúc chỉ đơn giản là sự im lặng của thầy, hoặc khi ông nhìn tôi với một mức độ thấu suốt sâu sắc. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu có thật mục đích của thầy là thách thức tôi hay không. Tất nhiên, đôi khi thầy thật sự làm điều gì đó để chỉ ra. Nhưng đối lại, tôi biết rất nhiều trường hợp chỉ là tâm trí của chính mình đang phóng chiếu lên vị thầy. Trên thực tế, tôi đang tu tập để đối trị tâm trí và những thói quen của nó, kể cả những thói quen tiêu cực mà mình chưa sẵn sàng từ bỏ, mặc dù những thói quen ấy kéo tôi xuống. Có một kiểu nhị nguyên diễn ra trong tâm trí: tôi muốn trở thành một môn sinh tốt, nhưng rồi thấy rằng mình thực ra không tốt đến vậy; tôi muốn gây ấn tượng với thầy nhưng không thể, vì không có khả năng thoát khỏi những ý nghĩ và cảm xúc của chính mình.
Có vài lần tôi nghĩ thầy rất bực bội với tôi, nhưng khi nhìn sâu vào điều đó, tôi phát hiện ra ông chẳng hề có phán xét nào. Đầu tiên tôi sợ rằng ông có thể gay gắt phê phán. Nhưng tâm thức của thầy là vô cùng rộng mở, khiến tôi hiểu rằng dù tôi có bám chấp vào điều gì thì cũng chẳng là gì to tát đối với thầy. Bất kỳ khi nào nhớ ra điều ấy, tôi lại có một cảm nhận sâu sắc về sự chấp nhận, tình yêu và sự quan tâm của thầy, giống như điều chúng ta cảm thấy từ một người mẹ. Nhưng nó còn hơn cả sự quan tâm của một người mẹ. Không chỉ có sự chấp nhận, mà còn có sự cởi mở và tỉnh thức.
Khi mối quan hệ với vị thầy chín chắn hơn, dần dần ta sẽ cảm thấy một cảm giác tương đồng về bản chất. Trong trường hợp của tôi, thật sự là một niềm vui khi được trao đổi với thầy về Phật pháp, được tìm hiểu nhiều hơn về cách hành trì. Vào lúc này, không còn là một người dạy cho một người nữa. Cả hai đều chia sẻ cùng một viễn cảnh. Vào lúc này, tôi đã có thể thấy được sự trân trọng sâu sắc của thầy dành cho Phật pháp và niềm tin sâu xa của ông vào Phật pháp trong việc đưa chúng sinh đến giải thoát. Tôi cảm thấy vô cùng vui với việc có chung niềm tin với thầy. Khi điều này xảy ra, tình yêu của bạn dành cho Phật pháp sẽ bắt đầu trở thành cơ sở cho một mối quan hệ sâu sắc của hai con người tương đồng về bản chất. Không phải là tôi thấy mình ngang với thầy, hay mình không còn gì để học. Thật sự tôi còn cảm thấy cảm kích hơn trước. Nó đơn giản là không còn là tiếng vỗ của một bàn tay… Chúng tôi đã trở nên đồng thanh, đồng khí!

🌺🌼🌺🌼🌺
Trích: LINH QUANG HÉ LỘ
Nguyễn Quyết Thắng dịch- NXB Văn Hóa Thông Tin, 2014

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: