ĐỌC TRONG YÊU THƯƠNG

SHARE:

Trích: Tuyển tập Hạt Giống Tâm Hồn – Vượt Qua Thử Thách; Stephen R. Covey tuyển chọn và giới thiệu; Nhà cung cấp First News; NXB. Tổng Hợp TPHCM

———-💦💖💦———-

Đọc trong yêu thương Sự chuyến biến tự nhiên trong tâm lý con người không phải là từ niềm vui sang sự sung sướng mà là từ hy vọng sang hy vọng.

– Samuel Johnson

Ngay sau khi đứa con trai Steven ra đời, Lindy Kunishima đã gọi hai con gái là Trudi 13 tuổi và Jennifer 9 tuổi vào phòng khách để nói chuyện.

– Cha muốn kể cho các con nghe một câu chuyện,

– Người đàn ông sinh ra tại Mỹ nhưng lại thuộc dòng dõi Samurai Nhật Bản cất tiếng.

– Một ngày kia, một chiến binh Samurai ngồi xuống cùng ba con trai rồi lấy ra một mũi tên.

Ông bảo các con lần lượt bẻ gãy các mũi tên đó. Cả ba đều bẻ một cách dễ dàng. Sau đó, ông lấy ra ba mũi tên được buộc chặt với nhau rồi đặt chúng trước mặt các con. Ông bảo: Nào, bây giờ các con hãy bẻ cả ba mũi tên này đi. Nhưng cả ba người con đều không thể bẻ được.

Trước khi kết thúc câu chuyện, Lindy lặng lẽ nhìn vào mắt hai cô con gái của mình rồi nói:

– Người chiến binh samurai ấy đã quay sang các con trai và bảo: Đây chính là bài học cho các con. Nếu ba con cùng hợp sức với nhau thì các con sẽ không bao giờ bị đánh bại.

Là con trai duy nhất trong một gia đình đầm ấm, Steven luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt của cả nhà. Cậu được trao trọn tình yêu thương của cha mẹ là Lindy và Geri Kunishima, còn hai chị gái lúc nào cũng nũng nịu và chiều chuộng cậu ngay từ ngày cậu mới lọt lòng vào tháng 9 năm 1982.

Khi Steven được 6 tháng tuổi, mẹ cậu bé mơ hồ cảm thấy có điều gì đó không ổn với con trai mình. Một giáo viên như Geri Kunishima không thể hiểu được tại sao con trai nhỏ bé của mình thường xuyên tỉnh giấc lúc đêm khuya và quấy khóc đòi ăn. Những biểu hiện của nó lúc ban ngày cũng khiến cô không khỏi bối rối. Dù Geri đặt nó ngồi đâu, nó cũng chỉ ngồi im ở đó và rất ít khi dịch chuyển hay gây ồn. “Thằng bé không giống các chị nó vào tầm tuổi này”. – Geri nói với bác sĩ khoa nhi.

Ồng bác sĩ trấn an: “Cô quá lo lắng rồi. Steven không sao đâu. Ở giai đoạn này, bé gái thường có xu hướng phát triển nhanh hơn bé trai mà”.

Mười tám tháng tuổi, Steven vẫn không thể chập chững đi lại hay bập bẹ nói đôi ba từ. Đầu năm 1984, do không yên tâm trước sự phát triển chậm chạp của con, Geri đã đưa Steven tới gặp bác sĩ thần kinh học. Kết quả chụp cắt lớp điện toán cho thấy phần tiểu não của Steven không phát triển. Đây là khu vực giúp truyền mệnh lệnh từ bộ não tới hệ cơ cũng như tiếp nhận phản hồi của hệ cơ lên não.

Tình trạng này gọi là tiểu não kém phát triển. Đó là nguyên nhân lý giải tại sao các cơ của Steven vẫn rất yếu. Nó cũng lý giải tại sao cậu bé thường xuyên thức giấc lúc nửa đêm, cơ lưỡi của Steven quá yếu nên không thể bú đủ lượng sữa để thỏa mãn cơn đói.

“Cô Kunishima. Tôi e rằng con trai cô sẽ không bao giờ đi lại được. Nó cũng khó có thể làm bất cứ điều gì đòi hỏi khả năng kiểm soát cơ”. – Bác sĩ thần kinh nói.

Cố gắng kìm nén nỗi đau quặn thắt trong lòng, Geri gượng hỏi bác sĩ về ảnh hưởng của tình trạng này tới trí thông minh của Steven. “Trí thông minh của thằng bé sẽ phát triển rất chậm. Nó không thể học hỏi điều gì ngoại trừ những hành động đơn giản nhất. Tương lai, cô nên cân nhắc việc cho con vào trung tâm điều trị chuyên khoa”. – Vị bác sĩ chia sẻ.

Quá đau lòng trước thực tế phũ phàng đó, Geri đã buồn bã mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền. Trong đêm khuya, Trudi và Jennifer thường nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào đau xót của mẹ và giọng nói buồn buồn nhẹ nhàng an ủi của cha.

Lúc này, Jennifer đã 11 tuổi. Tâm lý con bé không thoải mái chút nào. Nó là một học sinh giỏi và cũng là một vận động viên có năng khiếu, và có rất đông bạn bè. Mặc dù rất yêu Steven nhưng nó không dám đối mặt với cảm giác xấu hổ nếu bạn bè biết được nó có một đứa em không bình thường. Vì thế, khi ở bên bạn bè, nó thường tránh nhắc tới em trai mình.

Trudi cũng là một học sinh giỏi với nhiều thành tích. Con bé thông minh và già dặn hơn tuổi 15 của nó. Trudi có thể chấp nhận khuyết tật của Steven nhưng muốn chắc chắn em nó khuyết tật ở mức độ nào. Một ngày kia, để cố gắng xoa dịu nỗi buồn của mẹ, Trudi đã tỏ ý nghi ngờ chẩn đoán của bác sĩ:

– Mẹ à, con không tin những điều bác sĩ nói vẻ Steven đâu. Jen và con có thể cảm nhận được sự thông minh từ đôi mắt long lanh của em. Mẹ không được bỏ mặc em ấy. Nếu mẹ buông xuôi thì làm sao em ấy có cơ hội phát triển hơn.

Lời nói của Trudi đã khơi dậy tinh thần đấu tranh vốn có ở Geri. Ngay lập tức, cô tập hợp mọi người trong gia đình lại.

– Mẹ đã nghĩ về những điều Trudi mới nói với mẹ hôm nay. Khi hai con còn nhỏ, cha mẹ thường xuyên đọc rất nhiều sách cho các con vì cha mẹ cảm thấy điều đó sẽ giúp các con phát triển trí thông minh và ngôn ngữ. Mẹ nghĩ chúng ta cũng nên làm điều tương tự cho Steven.

– Vâng ạ! – Trudi phấn khởi đồng tình.

– Chúng ta nên bắt đầu ngay bây giờ! – Jennifer hăng hái.

Cả bốn người nắm lấy tay nhau và chụm đầu lại thể hiện sự quyết tâm và tin tưởng: “Từ lúc này, chúng ta sẽ cố gắng bằng tất cả khả năng của mình để giúp Steven tiến bộ.

Buổi tối hôm sau, trong lúc Geri chuẩn bị bữa tối, Trudi mở chiếc đệm ngủ trải trên sàn nhà lát đá trắng rồi đỡ em trai lên tấm đệm. Nó dựa đầu đứa em vào cánh tay vì Steven không thể giữ cổ thăng bằng lâu được, rồi nó xoay lại ngồi đối diện với em và bắt đầu đọc cho em nghe một cuốn sách thiếu nhi.

Cứ thế, tối này nối tiếp tối kia, các bài đọc dần trở thành một nếp sinh hoạt kéo dài nửa giờ sau mỗi bữa ăn tối. Ngoài việc đọc sách, Jennifer và Trudi còn đặt ra các câu hỏi và chỉ hình con vật hoặc hình người được minh họa trong cuốn sách. Nhưng nhiều tuần qua đi, Steven vẫn chỉ nhìn trân trân vào khoảng không vô định, thằng bé dường như đã lạc vào một thế giới chỉ có bóng tối và sự trống rỗng. Geri thầm nghĩ: “Steven thậm chí còn không nhìn vào các bức tranh. Vậy chúng ta có thể khai thông điều gì cho nó đây?”.

Geri dần mất niềm tin vào sự triển vọng tiến bộ của con trai. Một buổi sáng tĩnh mịch trong phòng ngủ, Geri tâm sự với chồng: “Chúng ta đã cố gắng mọi cách nhưng Steven vẫn chàng có chút tiến triển nào. Thậm chí bây giờ em cũng không biết việc đọc sách có giúp ích gì cho nó không, hay chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ hơn”.

Lindy thừa nhận: “Có thể bây giờ chúng ta chưa đạt được thành quả gì. Nhưng tận trong lòng anh vẫn nghĩ là có làm thì sẽ tốt hơn nhiều so với không làm gì cả”.

“Đến giờ đọc sách rồi, Steven”. – Trudi nói rồi ẵm em trai xuống sàn nhà bếp. Sau ba tháng, thằng bé vẫn không có phản ứng gì. Thậm chí nó còn không nhúc nhích dù chỉ một chút. Rồi một tối nọ, thằng bé đột nhiên bò ra khỏi tấm đệm.

Trudi mừng rỡ gọi mẹ: “Mẹ ơi, nhìn Steven này”. Vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, họ cứ thế đứng nhìn thằng bé bò khắp sàn. Nó hướng tới mấy cuốn sách thiếu nhi để dọc theo tường rồi vụng về sờ soạng một cuốn.

“Em đang làm gì đấy?” – Trudi ngạc nhiên hỏi.

Dù không thể lật giở từng trang sách một cách chính xác bằng mấy ngón tay nhỏ nhưng Steven đã mở được cuốn sách bằng đôi tay mình. Khi lật tới một trang với đầy hình ảnh các con vật, nó nhìn thật lâu vào một hình. Rồi, cũng nhanh như khi nó mở cuốn sách, thế giới của Steven lại trở về khoảng không tối đen trống rỗng như trước.

Tối hôm sau, cảnh tượng này lại xảy ra một lần nữa. Khi Jennifer chuẩn bị đọc sách, Steven lại bò tái chính quyển sách hôm qua và dở đúng trang sách đó. Không nói lên lời, hai cô chị gái bật dậy ôm đứa em trai tội nghiệp vào lòng, rồi vừa khóc vừa cười sung sướng.

“Steven đã nhớ!”. Geri vui mừng khôn xiết trước bất ngờ tuyệt vời này.

Rồi Geri nghỉ việc để có thời gian chăm chút cho cậu con trai nhiều hơn. Tháng ngày cứ nối tiếp nhau, Steven ngày càng biểu lộ nhiều phản ứng tích cực hơn trước việc đọc sách buổi tối. Qua tìm hiểu về căn bệnh của con, Geri hiểu rằng các phần não khác có thể phát triển mạnh lên để bù lại cho vùng não bị tổn thương. “Cầu trời điều đó sẽ xảy ra với Steven!” – Cô thầm mong.

Cả Trudi và Jennifer đều chơi piano và bấy giờ hai chị em thường có thói quen đặt Steven ngồi bên cây đàn piano trong lúc chơi. Một ngày, sau khi tập luyện, Jennifer bế Steven đến ngồi bên cây đàn. Cậu bé chợt phát ra một âm thanh mới. “Nó đang ngân nga khe khẽ theo Âm thanh vừa nghe thấy!”. – Jennifer gọi bố mẹ rồi quay sang em trai: “Steven, em hiểu âm nhạc đúng không?”. Thằng bé mỉm cười dễ thương.

Cùng lúc đó, gia đình củng cố gắng hết sức để phát triển hệ cơ cho thằng bé. Lindy đã tham gia một lớp học mát xa để học cách xoa bóp đôi tay và đôi chân cho con trai. Geri, Trudi và Jennifer thường chấm nhẹ bơ đậu phộng lên môi thằng bé. Bằng cách liếm bơ, thằng bé sẽ dần dần tập luyện cơ lưỡi và cơ hàm. Họ cũng cho nó nhai kẹo cao su và một số bong bóng để tập thổi. Dần dần, hệ cơ yếu ớt trên gương mặt của Steven phát triển khỏe khoắn hơn trước.

Khi được bốn tuổi rưỡi, thằng bé vẫn không thể nói được một từ nào nhưng có thể phát âm ra tiếng “aah” hoặc “ivaah”. Nhờ sự hỗ trợ của chiếc khung tập đi, nó đã có thể đứng và bước đi một vài bước chậm chạp. Thêm nữa, nó đã bộc lộ một trí nhớ đáng kinh ngạc. Sau khi nhìn thấy bức tranh mô phỏng một trò chơi xếp hình với 300 miếng ghép, nó có thể xếp chính xác nhiều miếng ghép trong một lần.

Tuy nhiên, Steven vẫn chưa tiếp thu được những chương trình tiền giáo dục mà mẹ áp dụng cho cậu. Cuối cùng, Geri đã đưa Steven tới gặp giáo sư Louise Bogart, sau này là hiệu trưởng trường L. Robert Allen Montessori thuộc Đại học Chaminade ở Honolulu.

Bogart đã chăm chú quan sát cách Steven bò trên sàn văn phòng của bà. Cậu bé nâng đầu mình và cố gắng nói với mẹ. “Aaaah…. aaaah”. Nó lặp lại liên tục đầy kiên nhẫn. Bogart có thể cảm nhận nỗi đau và sự bực bội trên gương mặt thằng bé. Không những thế, bà còn nhận ra rằng: Steven quyết tâm khiến người khác phải chú ý tới mình.

Bogart nói: “Bà Kunishima, chúng tôi rất vui được nhận cháu Steven vào trường”.

Nhiều tháng sau đó, cậu bé này tiếp tục có những tiến bộ, dù rất chậm chạp. Một buổi sáng, vào năm học thứ hai tại Montessori, Steven ngồi chơi vẩn vơ với mấy hình khối trên chiếc chiếu, Bogart đứng bên cạnh quan sát giáo viên chơi với những đứa trẻ khác cùng các con số.

– Con số nào tiếp sau đây? – Giáo viên hỏi.

Đám trẻ ngồi im không trả lời.

– Hai mươi! – Steven buột miệng.

Bogart ngỡ ngàng. Steven không chỉ nói rất rõ ràng mà còn đưa ra câu trả lời chính xác. Bogart tới gần, hỏi cô giáo:

– Steven có bao giờ làm được thế này không?

– Không. Chúng tôi chơi với em ấy trò các con số từ một đến mười nhiều lần rồi nhưng chúng tôi không hiểu sao em ấy lại biết một số lớn hơn mười.

Khi Geri đón Steven sau giờ học, Bogart đã trò chuyện với cô về chuyện vừa xảy ra và lạc quan rằng: “Đó chỉ là điểm khởi đầu cho những việc cậu bé này có thể làm được”.

Vào một buổi tối tháng 2 năm 1990, Jennifer cảm thấy bụng dạ không yên khi cha chở cô bé tới trận đấu bóng rổ tại trường phổ thông. Steven lúc này đã được bảy tuổi. Thằng bé ngồi lặng lẽ ở ghế sau, mắt không ngừng quan sát dòng người qua lại náo nhiệt.

Jennifer yêu thương em trai một cách đặc biệt nhưng cô bé vẫn cố gắng giữ kín bí mật về những khiếm khuyết của Steven. Điều đó càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Hai năm trước, Steven đã học và có thể nói được nhưng chính cách nói của thằng bé lại là thứ rõ ràng nhất tố cáo vấn đề của nó. “Bố à, con xin bố đấy. Bố hãy cổ gắng đừng để Steven kêu gào trong trận đấu nhé”. – Jennifer thầm thì trước khi vào phòng thay quần áo.

Khi trận đấu bắt đầu, Steven bắt đầu tỏ ra thích thú. “Cố lên Jennifer!”. – Thằng bé hét thật to bằng giọng nói bập bẹ, ngắc ngứ. Jennifer vô cùng xấu hổ và đã không quay lại nhìn em trai. Cô bé biết mình đang khiến em thất vọng; cô đã không còn là mũi tên cứng cáp thứ ba trong câu chuyện cha từng dạy nữa.

Tuy nhiên, tại nhà, Jennifer lại tỏ ra vô cùng quan tâm và yêu thương em trai. Các cử động của thằng bé vẫn còn rất tệ, vì thế Jennifer, Geri và Trudi phải cố gắng rất nhiều để giúp nét chữ nguệch ngoạc của nó trở nên dễ nhìn hơn. “Em có thể làm được. Chỉ cần cho em thời gian thôi”. – Steven đã thuyết phục Jennifer như thế.

Với Steven, khó khăn lớn nhất là việc đi vòng. Geri vẫn thường nghe thấy tiếng ngã uỵch của con trong phòng bếp. Steven đã ngã không biết bao nhiêu lần đến nỗi đầu gối nó chàng chịt sẹo. Nhưng thằng bé không bao giờ khóc. Thậm chí, nó còn tỏ ra hài hước trước những tai nạn như vậy. Một lần, Steven bị ngã trong lúc đang đi đôi dép lê, khi đó, nó quay sang nhìn cha mẹ bằng ánh mắt lém lỉnh: “Bây giờ thì con biết tại sao người ta lại gọi chúng là dép lê rồi!”.

“Em thực sự cần tham dự trại này. Nó rất quan trọng với em”. – Jennifer nói với thầy hiệu trưởng trường phổ thông vào một ngày tháng 3 năm 1991.

Trại Paumalu, nằm cách Honolulu hai mươi lăm dặm về phía Bắc, thường tổ chức định kỳ hai năm một lần trong bốn ngày nhằm tạo cơ hội cho học sinh và sinh viên đương đầu với thử thách, phát triển các kỹ năng lãnh đạo và đối mặt với nỗi sợ hãi cũng như những khó khăn. Jennifer hiểu rằng thử thách lớn nhất của cô chính là cảm giác khổ sở và xấu hổ khi giới thiệu em trai Steven với các bạn.

Một buổi chiều ở trại, trong lúc dạo bước loanh quanh và trò chuyện cùng một người bạn trai, mặc cảm về người em trai lại hiện lên với Jennifer. Nhưng cô bé đã thẳng thắn chia sẻ:

“Tớ có một đứa em trai. Chưa lần nào tớ nói với bạn bè rằng nó rất quan trọng với tớ nhưng thực chất thì đúng là như vậy. Tớ chưa bao giờ dám đối mặt với thực tế là tớ có một đứa em bị khuyết tật. Tớ luôn muốn tảng lờ việc đó”. Khi chia sẻ được tất cả những điều này, cô bé bỗng thấy lòng nhẹ hẫng.

Vào ngày cuối cùng ở trại, mỗi học sinh sẽ viết ra nỗi sợ hãi hay vấn đề mình đã vượt qua lên một tấm bảng bằng gỗ thông. Sau đó mọi người sẽ phá tấm bảng bằng tay hoặc chân, hàm ý rằng họ đã vượt qua khó khăn. Trên chiếc bảng đó, Jennifer đã viết ra nỗi sợ hái của mình bằng chữ in lớn. Rồi cô bé đấm một cái thật mạnh vào tấm bảng nhưng chỉ đến lần thứ năm, cô bé mới cảm nhận được âm thanh rắc rắc cho thấy tấm bảng đã bị vở làm đôi.

Ngày hôm sau, khi đã trở về nhà, Jennifer choàng tay ôm lấy mẹ. cô bé tươi cười: “Mẹ ơi, con thoải mải rồi. Bây giờ thì con thực sự thoái mái rồi!”.

Từ đó, Jennifer đã đón nhận khuyết tật của Steven như một lẽ tự nhiên. Mùa thu năm ấy, trong trận đấu bóng rổ đầu tiên của mùa giải, cô bé lại nghe thấy tiếng cổ vũ thật to của Steven. Quay lại nhìn em trai đang hớn hở, cô bé cũng vẫy tay vui vẻ. “Vậy là cá ba mũi tên đã chụm lại cùng nhau”. – Cha cô bé thầm nghĩ.

Trong ba năm, bắt đầu từ năm 1990, Steven đã vào học trường Holy Trinity – một trường học của Cơ Đốc giáo. Dù rất chậm nhưng khả năng nói và viết của Steven đã tiến bộ tới mức người bình thường. Tới năm 11 tuổi, Steven đã được học ở lớp đúng độ tuổi của mình. Cậu bé có thể chạy nhảy thoải mái và giống như Jennifer, cậu bắt đầu tập chơi bóng rổ.

Năm 1992, Lynne Waihee – vợ của thống đốc Hawaii, John Waihee – bắt đầu chú ý tới Steven. Đệ nhất phu nhân của Hawaii đã tài trợ từ thiện cho một chương trình “Đọc cho tôi” với mục đích khuyến khích mọi người đọc sách cho trẻ nhỏ. Lấy ý tưởng từ tầm quan trọng của việc đọc sách tới sự phát triển của Steven, bà đã xin hội đồng giáo dục của Hawaii vinh danh nhà Kunishima.

Tại buổi tiệc tiếp đón ở dinh thống đốc, Geri đã giới thiệu về Steven rằng cậu bé có thể kể tên hơn 200 vị lãnh đạo của vùng đất này nhờ sự nỗ lực trong nhiều năm qua, và cậu bé đã nhận được sự tán dương nhiệt liệt của mọi người.

Vào tháng 3 năm 1993, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ ở Hawaii đã trao tặng cho Lynne Waihee giải thưởng danh dự Humanitarian Award. Bà đã nhờ Steven viết lời đề tặng cho đại tiệc mừng giải thưởng của bà. Steven đã trầm tư suy nghĩ về lời đề tặng trong nhiều giờ liền. Cuối cùng cậu dừng lại ở tầm quan trọng của việc đọc sách với chính bản thân mình, và khi viết về điều đó, cậu đã gián tiếp tán dương sự tuyệt vời của gia đình Kunishima. “Cả nhà đã đọc cho tôi nghe còn bây giờ tôi có thể đọc cho chính mình”.

– John Pekkanen

SHARE:

Để lại một bình luận