HIỂU VỀ NGHIỆP

SHARE:

HIỂU VỀ NGHIỆP
GYALWANG DRUKPA – GIÁC NGỘ MỖI NGÀY – BƯỚC CHÂN AN LẠC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI.
Mỗi khi có được niềm vui, chẳng hạn như hạnh ngộ lại học trò bằng hữu và thấy họ mạnh khỏe, hạnh phúc, tôi luôn cảm ơn nghiệp tốt của mình. Ngày nay, nhiều người còn có hiểu biết sai lệch về nghiệp, cho rằng đó là điều gì kỳ bí và liên quan với định mệnh. Là Phật tử, chúng ta không tin vào vận may rủi, hay học thuyết định mệnh như thế này!
Những gì diễn ra trong cuộc sống mỗi người đơn giản đều tuân theo quy luật nghiệp và nhân quả. Mọi suy nghĩ, hành động đều có một hiệu ứng hệ quả. Cuộc sống bận rộn hối hả ngày nay khiến người ta dễ quên đi quy luật này và không ai thực sự để tâm đến quyết định và lựa chọn của mình nữa cả. Không giống với khái niệm về số phận, nghiệp quả không phải là cố định và tất cả chúng ta đều có thể thay đổi nó.
Theo nghĩa đen, nghiệp có nghĩa là “hành động”. Bất kỳ điều gì bạn tạo tác thông qua hoạt động của thân, khẩu, ý đều là nghiệp. Tất nhiên, chúng ta làm rất nhiều việc mà không ý thức được về nghiệp. Nhưng khi đến gần bản chất của mình, biết cách trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết nội chứng, chúng ta sẽ hiểu những hiệu ứng tốt và xấu một cách rõ ràng hơn. Một người có trí tuệ sẽ không để cho vô minh dẫn dắt mình đi xa, sẽ kiểm soát từ những hoạt động trong đời sống thường ngày. Chúng ta vội vàng, không thực sự ý thức mọi hoạt động mình đang làm – đi đứng, nói năng, suy nghĩ một cách vô minh thiếu trí tuệ. Chúng ta bị năng lực mạnh mẽ của vô minh thúc đẩy, chi phối ngay cả trong giấc mơ của mình!
Bước chuyển hóa đầu tiên là bạn hãy bắt đầu nhận thức mình đang làm gì. Chuyển biến này sẽ giúp mọi hoạt động của chúng ta trở nên trí tuệ hơn. Chúng ta sẽ lắng nghe tiếng nói của trí tuệ xuất phát từ tự tính tâm nhiều hơn là chỉ dựa vào trí thông minh và bản ngã. Chúng ta tạo điều kiện trưởng dưỡng để trí tuệ được tỏa sáng nơi mỗi người theo cách tuyệt vời của riêng mình.
Chúng ta phải hiểu ra mình không chỉ tồn tại một mình trên cõi đời này, và mục đích ý nghĩa cuộc sống là để hành động vì lợi ích người khác. Tâm trí chúng ta phải luôn thận trọng sẵn sàng cho điều này. Ví dụ như khi ta trồng cây, hãy đừng nghe những lời mỉa mai như “Làm thế phỏng có ích gì?”. Tôi không biết tại sao mình lại thích trồng cây đến vậy. Tôi vốn là người yêu thiên nhiên, nhưng cảm hứng lớn hơn là qua việc trồng cây, ta đang giúp những mầm xanh lớn lên và điều đó góp phần cho sự sống phát triển. Sự phát triển chính là cuộc sống. Bạn thấy con mình lớn lên mỗi ngày, trồng cây cũng là quá trình tương tự. Cây cối đem oxy đến cho con người và thật tuyệt vời khi được sống trong không gian trong lành xanh mát. Trái đất thiếu nhi cây cối sẽ không còn oxy, chưa kể lở đất, hạn hán và hàng tá hậu quả thiên tai sẽ xảy đến đe dọa muôn loài cùng toàn thể hệ sinh thái. Khi đấy, liệu bạn có còn đứng đó thờ ơ hay tiếp tục tàn phá cây cối một cách vô tư để làm củi đốt hay xây dựng nhà cửa? Con người chúng ta thật kỳ lạ! Chúng ta hủy hoại phẩm hạnh của mình bằng cách đốn hạ cây xanh thay vì chăm lo cho chúng.
Khi hiểu được rằng mọi thứ đều có ý nghĩa của nó, chúng ta sẽ bắt đầu hành xử một cách chín chắn, suy nghĩ về hậu quả của hành động và cách làm thế nào để đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Khi biết cẩn trọng với nghiệp quả, những điều tốt lành sẽ lần lượt đến với ta.
💥 Nghiệp Không Phải Là Một Kiểu Đổ Lỗi
Đôi khi gặp điều không may, người ta thấy cần đổ lỗi lên một thế lực siêu nhiên hoặc cho cả thế giới. Thay vì đổ lỗi, ta nên hiểu rằng bất hạnh xảy đến là do nghiệp lực và sự bất cẩn của chính mình. Với cách hiểu này, thay vì đổ lỗi tất cả những điều không may mắn và bất hạnh cho ai hoặc cho điều gì đó, chúng ta cần làm nhiều việc thiện và cẩn trọng với mọi suy nghĩ hành động, để đảm bảo khổ đau sẽ không còn tái diễn.
Tôi nhận ra “nghiệp” là một khái niệm khó giải thích, chẳng hạn chúng ta vẫn khó lý giải tại sao có những người rất tốt nhưng lại thường gặp chuyện xấu. Nhưng xin hãy biết rằng trong mối liên hệ với cộng đồng thì nghiệp không chỉ là của riêng chúng ta, tách biệt với mọi người. Nghiệp quả của chúng ta là sự tổng hợp những nghiệp nhân trong quá khứ và gắn kết với nghiệp của những người khác. Theo triết lý đạo Phật, thì “cộng nghiệp” được tích lũy từ nhiều thế hệ vì tất cả chúng ta đã từng sinh ra trên cuộc đời này từ vô lượng kiếp trước, và sẽ còn gặp lại nhau trong những kiếp tương lai. Còn theo cách nhìn thế gian, khoa học hiện đại cho rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của các thế hệ trước đây và cũng sẽ ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai qua các đặc tính và gien di truyền. Bạn thấy đấy, tất cả chúng ta sống trên một xóm làng, thành phố, tổ chức, đất nước hay thế giới này sẽ đều có chung cộng nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta không nên thu mình lại hay nghĩ rằng mình tách biệt với mọi người. Tất nhiên, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau (biệt nghiệp) nhưng đều gắn kết với nhau trong mối liên hệ cộng đồng chung (cộng nghiệp). Chúng ta đến được với nhau nhờ vào thiện duyên, vì thế nên hỗ trợ và động viên lẫn nhau. Con đường cả thế gian và tâm linh cùng chúng ta đi còn nhiều trắc trở và chướng ngại. Vì thế, hãy biết nắm chặt tay nhau trong tình thân ái, sự chân thành và trí tuệ hiểu biết. Không có gì không thể vượt qua khi chúng ta cùng đồng hành tiến bước!
Thật không may, khi theo đuổi mưu cầu của đời sống ngắn ngủi, những việc ta làm lại thường tạo ra bất thiện nghiệp. Để có nhà đẹp, tiền của nhiều hoặc tiện nghi thoải mái hơn, chúng ta có thể hành động một cách ích kỷ, xô đẩy người khác trong cuộc chạy đua vội vã được mất hơn thua. Ai cũng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng nếu đặt hạnh phúc của riêng mình lên trước hạnh phúc người khác, chính chúng ta đang tích lũy rất nhiều nghiệp quả xấu cho thế gian này.
Nếu hiểu được quy luật của nghiệp và nhân quả, chúng ta có thể sẽ dừng lại và quán chiếu liệu có nên đặt những thú vui tạm bợ lên trước để rồi tích lũy nghiệp xấu, hay nghĩ đến hạnh phúc người khác cùng hệ quả hành động mình làm. Kiếp sống của chúng ta có thể ngắn ngủi nhưng cách chúng ta hành xử, còn gọi là ký ức nghiệp, ngoài hệ quả tức thì sẽ còn lưu dấu để ta nếm trải quả báo tương ứng trong thời điểm tương lai.
Thời điểm biết dừng lại để quán chiếu thêm về ý nghĩ, hành động, lời nói của bản thân cũng chính là lúc chúng ta bắt đầu nhìn thấy nhân quả một cách rõ ràng hơn. Và rồi chúng ta bắt đầu hiểu rằng chỉ cần thay đổi nguyên nhân thì kết quả các hành động ta làm cũng sẽ thay đổi theo. Chẳng hạn khi dẹp bỏ lòng đố kỵ, bạn sẽ ít nói những lời nặng nề với người khác hoặc ít cảm thấy đau khổ hơn. Tương tự, việc chia sẻ và hoan hỷ với niềm vui hạnh phúc với mọi người sẽ giúp thắt chặt sợi dây liên kết và tình tương thân tương ái trong tâm ta. Đó là lý do vì sao chúng ta nói nhiều đến tình yêu thương, sự cảm thông và lòng tốt với mọi hữu tình. Khi thắp lên ngọn lửa ấm áp của trí tuệ, tình yêu thương và sự cảm thông, lời nói và hành động của bạn sẽ mang ảnh hưởng tích cực đến người khác và để lại dấu ấn thiện nghiệp tốt đẹp nơi chính bạn.
Trích: Giác Ngộ Mỗi Ngày – Bước Chân An Lạc Trong Đời Sống Hiện Đại
Tác Giả: Gyalwang Drukpa
Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2019
Ảnh: Dalai Lama 14 – Gyalwang Drukpa – Nguồn Internet

SHARE:

Để lại một bình luận