HÃY CHO ĐI

SHARE:

Trích: 7 Aha! Khơi Sáng Tinh Thần & Giải Tỏa Stress; NXB Trẻ

——-💦🌸☘——-

Mọi thứ đến rồi đi. Chúng đến để chúng ta sử dụng, chứ không phải để cho chúng ta sở hữu.

Mọi thứ ở đây có nghĩa là tất cả chứ không phải chỉ là một điều nào đó có thể nhìn thấy được. Đó không chỉ là số tiền trong ví mà còn là sự thông thái, trải nghiệm, là các vật chất xung quanh, là những ý tưởng, thậm chí còn là những cơ hội. Tất cả những thứ mà chúng ta đã, đang và sẽ sở hữu – đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chấp nhận là chúng không còn là của chúng ta nữa. Đó chính là quy luật của “dòng chảy”.

Cuốn theo “dòng chảy” có nghĩa là chấp nhận những gì sẽ đến, phát huy chúng thật tốt… trước khi cho đi.

Ở trong “dòng chảy” có nghĩa là để cho những sự việc được diễn ra một cách tự nhiên, không bị ảnh hưởng hay níu kéo bởi bất kỳ điều gì.

Nếu bạn không chấp nhận rằng những điều mà chúng ta đã có giờ đây không còn là của chúng ta nữa, điều đó có nghĩa là bạn đang cố ngăn lại “dòng chảy cuộc đời” và đó cũng là lúc bạn cảm thấy có những áp lực đang đè nặng lên bạn. Áp lực luôn do bản thân mình tạo nên. Mỗi khi cảm thấy chính mình bị ảnh hưởng bởi áp lực, bạn hãy nhìn lại xem mình cần phải chấp nhận điều gì là không còn nữa. Bạn cần phải thoát khỏi điều gì, chấp nhận điều gì, cho đi điều gì để có thể tiếp tục tiến về phía trước trong chuyến hành trình của mình? Đôi khi đó chỉ là cách suy nghĩ của bạn. Có phải bạn đang suy nghĩ một cách tiêu cực hay không? Nếu thế, đừng “chuyển” nó qua cho người khác, mà thay vào đó, hãy tống khứ nó vào một
nơi rồi “đốt bỏ” nó đi. Khi làm được như thế, bạn sẽ khám phá ra giá trị của sự mãn nguyện và hành động từ bỏ – một trong những hình thức thư giãn sâu sắc và thâm thuý nhất.

Dòng sông là một hình ảnh ẩn dụ hoàn hảo nhất về cuộc sống. Tất cả chúng ta đều đang ở trong “dòng sông cuộc đời”, và mỗi một người trong chúng ta lại là một con sông nhỏ. Con sông thường làm gì trên chuyến hành trình của nó từ núi cao ra đại dương? Mục đích cao nhất của nó là gì? Vâng, nó tạo ra đường đi cho mình, nó mang theo nhiều thứ trong dòng chảy của nó và nó cũng là nơi trú ngụ cho một số loài sinh vật, nhưng mục đích cao nhất của nó là làm màu mỡ, nuôi dưỡng tất cả mọi sinh vật ở những nơi mà nó chảy qua trên đường tiến ra đại dương. Những cánh đồng, những bông hoa, cây cối, muôn thú, và tất nhiên cả bạn và tôi nữa – mỗi chúng ta đều được nuôi dưỡng bởi dòng sông. Điều đó cũng tương tự như mục đích sống của bạn và tôi. Tại sao bạn lại tồn tại trên thế gian này? Mục đích của sự tồn tại của bạn là để làm gì? Đó chính là để làm “màu mỡ” và được làm cho “màu mỡ” trên chuyến hành trình cuộc đời. “Thức ăn” bổ dưỡng nhất là sự thông tuệ và hành động tuyệt vời nhất, thông thái nhất là cho đi mà không mong nhận lại.

Đây là lý do tại sao chúng ta làm mà như không làm. Bạn đến công ty không chỉ để làm việc, kiếm tiền và đi về! Mà ở đó, bạn còn được sống trong một xã hội thu nhỏ của những người bạn, những người đồng nghiệp với mục đích là để nuôi dưỡng hài hoà mối quan hệ và rèn luyện bản thân sống theo hướng tốt đẹp. Tất cả các mối quan hệ xung quanh chúng ta đều là những cơ hội. Đó là cơ hội để chúng ta cư xử hoà nhã với nhau, để chấp nhận và để cho đi những gì chúng ta cố níu giữ lại trong tâm trí và trong trái tim mình.

Không nhất thiết bạn phải là tín đồ của một tôn giáo nào đó hay mang sứ mện tâm linh để làm tròn một mục tiêu lớn lao nào đó. Chỉ cần bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, luôn sẵn lòng cho đi nhiều hơn những gì bạn đã từng nhận về, luôn nhìn thấy rằng mọi điều và mọi người trong dòng sông cuộc đời chính là những cơ hội để bạn thực hiện việc làm “màu mỡ” và được làm cho “màu mỡ”. Chỉ khi đó, bạn mới có thể khám phá ra mục đích sống của mình, và cũng chỉ khi đó bạn mới có thể giải thoát mình khỏi sự gắn kết – điều luôn khiến bạn băn khoăn: “Tất cả những điều này sẽ đem lại điều gì?”. Chỉ khi đó, lòng nhiệt tình và nguồn năng lượng vô tận mới bắt đầu lan toả trong trái tim bạn. Và cũng chỉ khi đó, bạn mới tìm thấy niềm hạnh phúc vĩ đại nhất, tình yêu thương chân thật nhất, và cảm giác bình an sâu sắc nhất.

Hãy trở thành một “nhà khoa học”, hãy làm thử cuộc thí nghiệm “cho đi” này bằng “vật mẫu” là một ngày bình thường của bạn. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt! Việc cho đi càng làm tăng thêm giá trị của những điều được cho và của cả người thực hiện điều đó.

🍁 Dâng tặng chứ không phải là ép buộc!

Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ được ép buộc bản thân thực hiện việc cho đi hay áp đặt người khác phải nhận món quà của mình. Mọi người thường chưa sẵn sàng cho điều đó, hay không muốn chấp nhận món quà đó, thế thì hãy làm cho món quà của bạn trở nên vô hình. Hãy áp dụng ý tưởng này và trao món quà của bạn cho ai đó vào ngày mai – trao tặng chứ không phải áp đặt. Đầu tiên chỉ mở lời thôi, chỉ khi nào món quà ấy được đồng ý đón nhận thì bạn mới thực sự trao nó đi. Bạn sẽ không bao giờ quên được điều mình đã làm và cũng từ lúc đó, bạn sẽ làm “màu mỡ” cho mối quan hệ của mình. Làm cho những mối quan hệ được trở nên “màu mỡ” chính là lý do tại sao chúng ta hiện diện trên cõi đời này.

🍁 Vẫn còn có sự rò rỉ!

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao quá trình chuyển hoá nội tâm lại diễn ra quá chậm như thế? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ngày nay dù có rất nhiều quyển sách, nhiều buổi thuyết trình và cả những tư vấn viên dày dặn kinh nghiệm cho sự khai sáng này, nhưng vẫn có rất ít người thật sự trải nghiệm được sự thay đổi sâu sắc trong tâm hồn? Thật ra vấn đề không nằm ở mức độ trải nghiệm trong cuộc sống của bạn là nhiều hay ít, không phụ thuộc vào việc bạn trau dồi được bao nhiêu kỹ năng, đã đọc bao nhiêu quyển sách, tham dự bao nhiêu buổi thuyết trình, chi trả bao nhiêu tiền cho việc chữa trị những chứng bệnh thuộc về tinh thần. Sự khác biệt chỉ xảy ra khi bạn dám làm những gì mà người khác không muốn làm. Và đó chính là lúc bạn đang “khoá chiếc van đang bị rò rỉ” của mình lại.

Thế thì những sự rò rỉ này là gì đây? Sự rò rỉ ở đây chính là cảm giác sợ hãi, giận dữ, và buồn phiền, bởi vì những cảm xúc như thế sẽ khiến chúng ta mất đi năng lượng, làm giảm đi sức mạnh của ta. Chỉ khi hiểu và không còn cảm thấy sợ hãi, giận dữ hay buồn phiền thì khi đó, quá trình thay đổi thực sự từ bên trong mới bắt đầu diễn ra.

Sự thông tuệ, chân thực và hiểu biết là tất cả những hình thái của sức mạnh. Khi chúng ta đọc, nghe, nhìn thấy, nghĩ đến, và nhớ ra điều gì là thật sự và đúng đắn, khi chúng ta học hỏi thêm những kỹ năng mới thuộc về nội tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình – đó là lúc chúng ta đang làm tăng sức mạnh cho chính bản thân mình. Khi khoảnh khắc Aha! diễn ra, bạn cảm nhận rất rõ sự dâng trào của sức mạnh nội tâm. Sau đó, cảm giác thường thấy nhất khi đọc đến phần kết thúc của một quyển sách hoặc ở cuối một buổi thuyết trình hay một cuộc tư vấn là cảm giác được vực dậy, được nâng lên. Nhưng trừ phi bạn đã khoá “những chiếc van đang bị rò rỉ” này lại, bằng không thì ngày này qua ngày khác, sức mạnh sẽ cứ theo đó mà “chảy” mất đi.

Một số người cứ muốn tiếp tục để cho sức mạnh của mình bị rò rỉ như thế, trong khi một số khác muốn khám phá và tìm hiểu về sự tồn tại của nó, đơn giản là bởi vì tất cả chúng ta đều tin rằng những lo lắng đó sẽ không gây ảnh hưởng gì, thậm chí còn tốt, hữu ích và có giá trị nữa là đằng khác. Nhưng thật ra không phải như thế. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng được phép tồn tại trong thế giới nội tâm của mình. Sợ hãi, giận dữ và ưu phiền là những cảm xúc “cha mẹ”, từ đó sản sinh hàng trăm thứ “con cháu” khác như cáu gắt, căng thẳng, kích động, căm ghét, lo lăng, bất an, thất vọng, sầu muộn… Những cảm xúc ấy chẳng giúp làm sâu sắc thêm cho tình yêu thương, sự mãn nguyện, lòng trắc ẩn, bình an hay hạnh phúc mà ngược lại, sẽ tàn phá những cảm xúc tích cực ấy.

Chúng ta nhận ra rằng sự giận dữ, sợ hãi và buồn bã không chỉ đang tàn phá và lấy đi sức mạnh của bản thân, mà còn làm tiêu hao năng lượng tinh thần của chúng ta nữa. Chúng ta được dạy để tin rằng giận dữ là mạnh mẽ, trong khi đó thật ra đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Hãy nhìn lại bản thân ngay sau khi cơn giận dữ bộc phát, có phải là khi đó bạn như được tiếp thêm sức mạnh hay chỉ là ngược lại? Chúng ta cũng được dạy rằng cảm giác sợ hãi sẽ giúp công việc được hoàn tất trước thời gian quy định; nhưng thật ra điều đó lại làm “tê liệt” chúng ta. Hãy nhìn lại bản thân ngay sau khi thời hạn cuối cùng qua đi, bạn có đang cảm thấy mạnh mẽ hơn hay chỉ là ngược lại? Chúng ta cũng đã từng tin rằng những tình tiết buồn là một phần không thể thiếu trong một câu chuyện hay và hấp dẫn, và thế là chúng ta mong đợi và đắm mình trong những cảm xúc ấy khi xem một bộ phim, hay nghe một bản nhạc. Thế còn sau đó, bạn cảm thấy như thế nào, mạnh mẽ, phấn chấn hơn hay chỉ là buồn bã và u uất? Làm thế nào nỗi buồn lại có thể nâng đỡ được một tâm hồn khi mà bản thân nó chính là kẻ làm người khác đau khổ? Làm sao sự tức giận có thể làm cho mối quan hệ giữa những con người với nhau trở nên tốt hơn trong khi bản thân nó lại là nguyên nhân gây nên những sự ngăn cách và cả sự ghét bỏ? Làm sao sự sợ hãi được xem là lành mạnh khi mà nó làm cho tim ta đập nhanh hơn, sản sinh ra nhiều adrenaline hơn và huỷ hoại sức khoẻ của ta nhanh hơn?

Thế nhưng niềm tin đó quá mạnh, những trải nghiệm cảm xúc mạnh đến nỗi chúng ta sẵn sàng chống lại bất kỳ điều gì để có được chúng. Chúng ta sẵn sàng khiêu chiến với bất kỳ ai dám nói rằng những cảm xúc này không chỉ rút cạn sức mạnh mà còn giết chết ta nếu như ta cứ tiếp tục để cho chúng tồn tại trong ý thức của mình.

Thật ra mọi chuyện cũng rất đơn giản. Sẽ rất tốt nếu như một trải nghiệm nào đó làm cho tinh thần của bạn phấn chấn hơn. Sẽ tuyệt vời nếu như việc thực hành theo như những điều đã nói trong buổi thuyết trình giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn. Và sẽ rất tuyệt vời nếu như bạn trải nghiệm được một hoặc hai khoảnh khắc Aha! Khi đó, thời gian của bạn đã được sử dụng một cách hữu ích. Thế nhưng bạn cũng đừng quên khoá “chiếc van đang bị rò rỉ” của mình lại (tức là giữ cho tâm trí không còn những cảm xúc giận dữ, sợ hãi hay buồn bã), còn nếu không, sức mạnh mà bạn vừa mới nạp vào sẽ lại tuôn chảy ra – một lần nữa bị tuôn chảy như thế! Đừng bận tâm đến những cảm xúc sợ hãi, hãy xua đi cơn giận dữ, và bỏ qua tất cả những điều phiền muộn! Khi đó, bạn mới có thể tiếp tục tiến về phía trước trên con đường dẫn đến sự khai sáng, sẵn sàng đón nhận trở lại sự thông tuệ bẩm sinh và sức mạnh vốn có của mình.

🍁 Những điều đầu tiên cần làm

Có hai điều mà tôi nghĩ rằng bạn nên học hỏi và trau dồi thêm – chính là hai điều đã thay đổi hẳn cuộc đời tôi: sự tách rời và thiền định. thật ra sự tách rời và thiền định vốn nằm ngay trong sự khai sáng và mạnh mẽ của bản thân. Hãy trải nghiệm cảm giác bình an và sức mạnh vốn có của bạn, sau đó đăng ký tham gia một khoá học thiền định. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về điều đó.

🍁 Sự tách rời – Hãy ngồi yên trên chiếc ghế của bạn

Lần tới, nếu có xem phim bạn cần nhớ là không nên “nhập vai” vào trong bộ phim đó, đừng để cảm xúc của bạn bị chi phối. Đó chỉ là một bộ phim thôi mà! Hãy “ngồi yên trên chiếc ghế của bạn”. Hãy cố gắng để bản thân chỉ là một người quan sát tách rời mà thôi. Đơn giản là xem phim mà vẫn giữ khoảng cách. Điều này sẽ giúp bạn duy trì được trạng thái bình tĩnh trong những tình huống thực tế trong khi những người khác đánh mất chính mình và muốn bạn cũng giống như họ. Đừng để cho tâm trí bảo với bạn rằng việc trở nên tách rời là lạnh lùng và vô cảm. Không đâu bạn ạ. Thật ra, nó cho bạn khả năng nhìn, hiểu và phản ứng nhạy bén hơn bởi khi ấy, bạn không hoà mình trong cảm xúc của người khác và không bị lôi kéo vào câu chuyện của họ. Nó cho phép bạn giữ được cho mình những ý nghĩ rõ ràng và tập trung. Nó cũng giúp bạn giúp đỡ người khác khi họ bị khuất phục bởi cảm xúc của chính mình. Đây là một nghệ thuật quan sát tách rời và can thiệp tách rời. Bạn sẽ thấy được rằng đây là một năng lực vô giá.

🍁 Thiền định

Hãy tạm gác lại những gì bạn đang làm. Tìm một góc tĩnh lặng nào đó. Hãy ngồi một cách thoải mái. Chấp nhận và thư giãn cơ thể bạn. Nhận biết về hoạt động tinh thần của bạn. Quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của mình – trở thành người chứng kiến chúng. Trong khi quan sát và chứng kiến những suy nghĩ và cảm xúc của mình, đôi khi bạn cảm thấy dường như chúng đang muốn lôi kéo, mời gọi bạn, chúng muốn bạn tiếp tục bị “chìm ngập” trong suy nghĩ và cảm xúc. Nếu thế, thì hãy nhẹ nhàng thoát khỏi chúng và quay trở lại với vị trí là một người quan sát khách quan. Vẫn hãy giữ nhận thức là người quan sát khách quan cho đến khi bạn thấy được “khoảng trống” giữa những suy nghĩ.

Khi bạn làm được điều này, bạn sẽ trải nghiệm sự bình an nội tâm được xây dựng dần dần trong ý thức. Bạn càng thực hành điều này, sự thanh thản ấy sẽ càng trở nên mạnh mẽ và tập trung hơn. Nếu thực hành thường xuyên, bạn sẽ có thể làm được điều này ở bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ lúc nào. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những sự kiện xung quanh rõ ràng hơn và bắt đầu lắng nghe tiếng nói của sự thông tuệ vọng lên từ trái tim ý thức. Cả sự thông tuệ và rõ ràng sẽ giúp bạn tạo dựng khả năng làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích. Đây là bước khởi đầu của thiền định. Kiên nhẫn là chìa khoá. Sức mạnh tập trung và khả năng sáng tạo là phần thưởng cuối cùng.

🍁 Suy nghĩ cuối cùng

Đây là một tin tức thú vị đã được đăng tải trên một số tờ báo. Các nhà khoa học vừa mới khám phá ra liệu pháp tự hỗ trợ là tốt nhất cho bệnh nhân ung thư. Trong cuộc nghiên cứu, họ đã tiêm seratonin – một loại hormone được sản sinh ra bởi não bộ khi chúng ta hạnh phúc – vào trong ống nghiệm chứa tế bào ung thư. Ngay tức thì, nó đã tiêu diệt mọi tế bào bệnh. Bạn thấy đấy, khoa học chứng minh rằng hạnh phúc cũng có thể chữa lành bệnh tật. Đối với giới khoa học, đây có thể là một khám phá mới, nhưng với những người đã từng cảm nhận được điều này bằng trực giác, nó chẳng phải là điều xa lạ.

Hãy nhớ rằng, hạnh phúc không phải là sự lệ thuộc, đó là một quyết định. Hạnh phúc không phải là đích đến cuối cùng, mà nó là một chuyến hành trình. Hạnh phúc không phải là một thành tựu, mà là cách để đạt được thành tựu ấy. Hạnh phúc không hề chờ đợi ai, ngay bây giờ hoặc không bao giờ.

Vậy thì, hãy hạnh phúc lên đi! Cả thế giới đang đón chờ nụ cười của bạn, sự mãn nguyện từ trái tim bạn, và âm thanh vang lên trong tiếng cười của bạn!

SHARE:

Trả lời