Tự do trong Phật pháp

SHARE:

Cá trong tự nhiên được ví như tất cả mọi người thích hưởng thụ vật chất đầy đủ mà không quan tâm đến phần tinh thần, nên suốt cuộc đời sống trong đau khổ, lầm mê. Cá trong bể kính được ví như những người tu theo đạo Phật, nhờ có giới luật bảo hộ cùng với cung thiền định và kiếm trí tuệ nên luôn sống trong bình yên, hạnh phúc, thoát khỏi mọi sự cám dỗ bên ngoài

Trong cuộc đời này có hai thứ tự do mà ai cũng có thể mong muốn: Đó là tự do thỏa mãn hưởng thụ về vật chất như tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, ăn ngon mặc ấm, ngủ nghỉ thoải mái và tự do thoát khỏi mọi sự ràng buộc của phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tự do theo đúng nghĩa của nó là thật sự giải thoát khỏi các sự tham muốn hưởng thụ chứ không phải là tự do thỏa mãn dục vọng.
Các nước tân tiến văn minh, hiện đại chỉ công nhận loại tự do đầu tiên là tự do thỏa mãn các nhu cầu vật chất của con người và mọi người tôn thờ loại tự do ấy bằng tuyên ngôn dân chủ nhân quyền được luật pháp chấp nhận. Chính loại tự do hưởng thụ vật chất này mà thế giới con người lúc nào cũng tranh giành và tìm cách chiếm đoạt, giết hại lẫn nhau.
Loại tự do thứ hai là tự do thoát khỏi mọi sự ràng buộc về hưởng thụ vật chất nhờ biết cách làm chủ bản thân mà điều phục được thân – miệng – ý nên an nhiên, tự tại giải thoát trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có đạo Phật là biết tôn trọng quyền tự do con người khi không ép buộc và áp đặt một ai.
Có hai vị thầy nọ được mời dự lễ cúng dường trai tăng tại nhà một phật tử, họ được thân chủ tiếp đãi nồng hậu trong phòng khách. Tuy nhiên, có một điều làm cho vị thầy nhỏ tuổi hơn chú ý là trong nhà có một cái bể nuôi nhiều loại cá. Vị thầy này cảm thấy không bằng lòng với việc nuôi cá trong bể vì không hợp với giáo lý từ bi của đạo Phật. Lũ cá kia thật là tội nghiệp vì không được tự do thoải mái bơi lội trong vùng sông nước mênh mông hay ao hồ rộng lớn.
Vị thầy lớn tuổi mới giải thích cho vị thầy trẻ nghe rằng: “Quả thực là những con cá ấy không được tự do bơi lội tung tăng theo sở thích riêng của chúng, nhưng chúng sống trong bể kính thì sẽ thoát khỏi nhiều mối nguy hiểm do các loài khác xâm hại”. Rồi vị thầy lớn lại tiếp tục liệt kê những lợi ích cá trong bể có được như sau:
Chúng ta có bao giờ thấy ai đi câu cá trong một bể cá trong nhà chưa? Chắc chắn là chưa! Vậy sự tự do đầu tiên mà những con cá kia có được là không bị những người đi câu đe dọa mạng sống. Chúng ta hãy thử tưởng tượng hoàn cảnh của những con cá trong ao hồ sông suối thiên nhiên xem mạng sống của chúng thường xuyên bị đe dọa như thế nào.
Khi chúng thấy những con mồi ngon béo bở do loài người giăng bẫy, chúng có biết chắc là khi xơi tái con mồi thì tính mạng vẫn an toàn hay không? Đối với những con cá được sống trong môi trường tự nhiên, mạng sống của chúng luôn bị đe dọa theo nguyên lý lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu và việc ăn của cá chất chứa nhiều nỗi hiểm nguy trong lo sợ. Bữa ăn ngon của chúng thường dẫn đến nhiều tai họa vì những miếng mồi béo bở.
Cá trong thiên nhiên ao hồ, sông suối thường sống trong khủng hoảng bởi nỗi lo sợ chết chóc bất đắc kỳ tử. Chưa kể đến trong thời buổi hiện nay nhiều sông hồ, ao suối bị ô nhiễm nặng bởi những con người không có lương tâm đạo đức. Những con cá trong bể kính sẽ thoát khỏi mối hiểm nguy bị cá lớn ăn thịt và bị những hiểm họa khác đe dọa mạng sống. Trong tự nhiên có những con cá không thể tìm được thức ăn, hoặc ăn nhằm con mồi do loài người giăng bẫy. Cá trong bể kính thì cứ ngày hai lần được ăn bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Cho nên, những con cá trong bể kính không bị cái đói đe dọa.
Trong tự nhiên khi cá bị bệnh chẳng có ai săn sóc, điều trị nên đành chịu chết dần chết mòn trong đau đớn. Cá trong bể kính thì được chăm sóc thuốc men đầy đủ nên mối nguy cơ bị bệnh hoạn xâm nhập không quá đe đọa đến tính mạng.
Nói xong, vị thầy lớn tóm tắt lại: “Làm thân cá trong bể kính được hưởng nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Tuy chúng bị hạn chế đôi chút về không gian nên không được tự do bơi đi đây đi đó nhưng có thể thoát khỏi những mối đe dọa hiểm nguy bên ngoài”.
Cũng vậy, những người tu hành phải gìn giữ giới luật và sống trong khuôn khổ nhất định nên không được tự do theo đuổi những dục vọng thấp hèn và thỏa mãn những mong muốn này nọ. Nhưng họ sẽ từng bước thoát khỏi nhiều sự dính mắc, ràng buộc bởi tham lam, sân giận và si mê nên dễ dàng tiếp nhận được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ
Đã làm người thì tất nhiên chúng ta phải có nhiều mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau, nào là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, cộng đồng xã hội… không một ai có thể tồn tại riêng lẻ, biệt lập. Khi mối tương quan này được hình thành thì con người sẽ bị ràng buộc trong luyến ái, bởi sự thương ghét vì muốn chiếm hữu.
Cha mẹ luôn bênh vực con cái, anh chị em bênh vực lẫn nhau, vợ phải bênh vực cho chồng… vì những người này là gia đình, người thân “của tôi”. Còn những người không nằm trong dòng máu huyết thống là kẻ xa lạ nên khi người thân sai phạm thì ta vẫn cố tình bao che, bênh vực, thậm chí còn tìm cách hại người kia để bảo vệ quyền lợi cho thân nhân mình.
Cá trong tự nhiên được ví như tất cả mọi người thích hưởng thụ vật chất đầy đủ mà không quan tâm đến phần tinh thần, nên suốt cuộc đời sống trong đau khổ, lầm mê. Cá trong bể kính được ví như những người tu theo đạo Phật, nhờ có giới luật bảo hộ cùng với cung thiền định và kiếm trí tuệ nên luôn sống trong bình yên, hạnh phúc, thoát khỏi mọi sự cám dỗ bên ngoài.
Chính vì vậy, để được tự do tự tại trong cuộc sống mà vẫn góp phần làm lợi ích cho xã hội, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên quán niệm, giám sát chặt chẽ thân – miệng – ý của mình. Đây chính là kinh nghiệm mà đức Thế Tôn đã thực chứng và chỉ dạy lại cho chúng đệ tử: “Này các vị khất sĩ! Mỗi khi nội tâm có tham dục, vị khất sĩ ấy ý thức là nội tâm có tham dục.
Mỗi khi nội tâm không có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm không có tham dục. Mỗi khi trong tâm có sân hận, vị khất sĩ ấy ý thức là trong tâm có sân hận. Mỗi khi trong tâm không có sân hận, vị ấy ý thức là trong tâm không có sân hận. Mỗi khi tâm thức bị si mê, vị ấy ý thức là tâm thức bị si mê. Mỗi khi tâm thức không si mê, vị ấy ý thức là tâm thức không si mê”.
Để ta được tự do tự tại trong cuộc sống, không bị dính mắc bởi tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp, ngủ nghỉ thoải mái, ta chỉ cần nhận biết rõ tâm ý mình mà không cần phải chống đối, trừ khử thì tâm Phật thanh tịnh, sáng suốt hiện tiền.
Chính vì lẽ đó nên đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này hiền giả, không đứng lại, không bước tới, ta vượt khỏi bộc lưu.
– Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu
– Này hiền giả, khi ta đứng lại, thời ta chìm xuống; khi ta bước tới, thời ta trôi giạt. Do vậy, này hiền giả, không đứng lại, không bước tới, ta vượt khỏi bộc lưu.
Bước tới là chạy theo sự tham muốn hưởng thụ dục lạc, còn đứng lại là nắm giữ, sở hữu cái mình ưa thích. Chính vì muốn sở hữu “cái này là của tôi” nên khi bị người khác chiếm đoạt hoặc bị mất mát thì tâm sân hận phát khởi nên lúc nào cũng oán giận, ghét bỏ mà tìm cách trả thù.
Đức Phật là người duy nhất trên thế gian này đem lại cho nhân loại quyền bình đẳng và tự do của con người. Ngài không nhân danh thần linh thượng đế hay đấng tối cao ban phước giáng họa như các truyền thống xa xưa, Ngài chỉ nhân danh con người vì con người là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.
Con người là động vật tối thượng có suy nghĩ và nhận thức sáng suốt bởi biết tư duy, nghiệm xét, tìm tòi. Con người ai cũng thích được thong thả, tự do, nếu có sự ép buộc, kiềm chế từ bên ngoài là đánh mất quyền tự do của con người. Chính vì thế, chúng ta đến với đạo Phật không có điều kiện bắt buộc gì cả, chỉ cần ta có ý thức mến đạo, thích tu vì tình người trong cuộc sống là đủ rồi.
Chúng ta sau khi trở thành người phật tử cũng không có sự bắt buộc nào. Khi phát tâm quy y Tam bảo, nhà Phật có khuyến khích mọi người nên giữ gìn 5 giới cấm. Trước tiên là không được giết người, sau đó hạn chế tối đa giết hại các loài vật, không gian tham trộm cướp, không tà dâm mà hay sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người hoặc lường gạt, không dùng và tiêu thụ các chất độc hại như uống rượu say xỉn hoặc dùng xì ke ma túy. Đó là phương tiện nhằm đem lại sự bình an, hạnh phúc cho quý phật tử đó thôi.
Cho đến khổ đau và an vui của con người, đạo Phật có nói rõ đều do con người tự do tạo lấy theo nguyên lý nhân quả, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Đức Phật nói: “Ta không có quyền ban phước giáng họa cho con người”. Ngài chỉ là vị thầy dẫn đường hướng dẫn cho mọi người biết được điều hay lẽ phải, còn làm được hay không là do chính mình quyết định. Ta hành động tốt, hay giúp đỡ mọi người sẽ mang niềm vui đến cho mình, nếu hành động xấu sẽ tự chuốc quả khổ đau.
Tự do trong nhà Phật là kêu gọi mọi người ý thức tự giác để biết cách làm chủ bản thân qua thân – miệng – ý và thắng được mọi cám dỗ bên ngoài. Tất cả mọi thứ tiền tài, sắc đẹp, danh lợi và quyền lực không lôi cuốn được ta là ta đã tự do. Người đời miệng luôn nói tự do, đòi tự do, kêu gọi tự do mà đam mê tửu sắc, vui chơi hưởng thụ quá đáng nên dẫn đến tan nhà nát cửa thì bao giờ mới được tự do?
Tự do là chân giá trị sống của con người. Song, muốn tự do ta phải có đầy đủ giới – định – tuệ và sức mạnh nghị lực mới mong chiến thắng bọn ma mị tài, sắc, danh lợi… Không dính mắc mọi sự cám dỗ bên ngoài là ta đang được tự do và cuối cùng là dẫn đến quả giác ngộ, giải thoát.
Chúng ta giải thoát bằng cách nào? Thật sự, chúng ta không cần tìm giải thoát ở đâu xa, ngay nơi thân tâm này mình đã có đủ khả năng làm chủ bản thân qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bằng sự bảo hộ của giới luật cùng với cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ. Giới luật, thiền định và trí tuệ như cái đỉnh ba chân. Khi chúng ta phát huy và gìn giữ được ba yếu tố trên thì việc tu của chúng ta rất đơn giản, nhẹ nhàng. Giữ giới rất quan trọng vì nó là nhân dẫn đến khả năng định tâm trong thiền định, người phạm giới thì tâm niệm luôn toan tính lăng xăng.
Đối với tất cả vọng niệm ta không cần xua đuổi, khử trừ mà chỉ cần nhận diện và nhìn chúng như gió thoảng mây bay thì tất cả niệm sẽ tan hòa vào hư không. Khi đó ta thấy chỉ là thấy mọi hình ảnh sự vật mà không dính mắc vào đó nên vọng niệm không có cơ hội phát sinh, nhờ vậy ta an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Chỗ này các tổ thường dạy rằng niệm cho đến vô niệm vì vẫn thấy nghe mà thường biết rõ ràng.
Tác giả: Thích Đạt Ma Phổ Giác

SHARE:

Để lại một bình luận