Cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo

SHARE:

Xã hội liên tục rao giảng chúng ta bằng những chỉ dẫn để trở nên hạnh phúc hơn, đẹp đẽ hơn và giàu có hơn. Tại sao chúng ta lại không hài lòng với việc là một người bình thường?

Dưới đây là những chia sẻ của Josh Cohen, một nhà phân tâm học và giáo sư lý thuyết văn học hiện đại tại Goldsmiths, Đại học London. Mình lược dịch lại để các bạn đọc tham khảo.

Chủ nghĩa hoàn hảo tạo ra cuộc sống mong manh, chúng ta sống vì những gì không phải như cuộc sống vốn đang là 

Nhu cầu hướng tới sự hoàn hảo vẫn mạnh mẽ và lan tỏa hơn bao giờ hết. Trong một bài báo năm 2017 của hai nhà tâm lý học người Anh, Thomas Curran và Andrew Hill, họ đã chỉ ra sự gia tăng theo cấp số nhân của chủ nghĩa hoàn hảo trong thế hệ trẻ là do các thông số kinh tế và xã hội ngày càng khắt khe. Họ phải vật lộn để kiếm sống. Họ cũng đổ lỗi lên những bậc cha mẹ hay lo lắng và ngày càng kiểm soát.

Thị trường lao động quá đông đúc, đặc biệt là các công việc ao ước đầy chuyên nghiệp và tính sáng tạo cũng như không đủ khả năng chi trả cho nhà ở khiến giới trẻ và cha mẹ họ phải nỗ lực hơn bao giờ hết để đảm bảo lợi thế cạnh tranh.

Nỗi lo lắng theo chủ nghĩa hoàn hảo tăng cao và lan rộng trong bầu không khí bấp bênh và cạnh tranh do thị trường tự do gây ra, các nhà tâm lý học này đã dự đoán một lời phê bình về chế độ của Michael Sandel, một triết gia người Mỹ. Trong “The Tyranny of Merit” xuất bản năm 2020, Sandel lập luận rằng chủ nghĩa tư bản theo chế độ nhân tài (một triết lý chính trị cho rằng quyền lực nên được trao cho các cá nhân có khả năng và sở hữu tài năng) đã tạo ra một trạng thái cạnh tranh vĩnh viễn trong xã hội. Điều này làm xói mòn sự đoàn kết và khái niệm về “lợi ích chung”. Hệ thống này duy trì thứ tự kẻ thắng người thua, tạo ra tính kiêu ngạo và tự khen ngợi bản thân. Trong một nền văn hóa như vậy, người trẻ trở nên bất mãn với những gì họ có và với việc họ là ai. Mạng xã hội tạo thêm áp lực về việc xây dựng một hình ảnh hoàn hảo trước đám đông, làm trầm trọng thêm cảm giác kém cỏi của chúng ta.

Khi thiếu vắng cảm giác về giá trị nội tại, một người cầu toàn có xu hướng đo lường giá trị của bản thân bằng các thước đo bên ngoài: thành tích học tập, năng lực thể thao, sự nổi tiếng, thành tích nghề nghiệp. Khi kết quả không được như mong đợi, họ cảm thấy xấu hổ và bẽ bàng.

Sức nặng kỳ vọng của xã hội không phải là một hiện tượng mới nhưng nó khiến người ta trở nên đặc biệt cạn kiệt trong những thập kỉ gần đây, có lẽ vì bản thân những kỳ vọng quá đa dạng và đầy mâu thuẫn. Chủ nghĩa hoàn hảo trong những năm 1950 bắt nguồn từ các chuẩn mực văn hóa đại chúng và được ghi lại trong những bức ảnh quảng cáo nổi tiếng về gia đình Mỹ da trắng lý tưởng mà giờ đây đang tự trào phúng.

Trong thời đại đó, chủ nghĩa hoàn hảo có nghĩa là tuân thủ một cách liền lạc các giá trị, hành vi và ngoại hình: tôn lên sự tự tin đối với nam giới. tôn lên vẻ duyên dáng của phụ nữ. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo phải chịu áp lực về việc trông giống người khác, thậm chí còn hơn thế. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo ngày nay cảm thấy có nghĩa vụ phải nổi bật nhờ phong cách riêng và có sự dí dỏm nếu họ muốn có được chỗ đứng trong nền kinh tế hiện tại.

Tuy thế, chủ nghĩa hoàn hảo không hoàn toàn xấu. Nhu cầu về sự hoàn hảo có thể khiến con người trở nên ngột ngạt nhưng một người cầu toàn cũng có thể cảm thấy rằng những thành tựu của anh ta là thứ duy nhất giúp anh ta duy trì bản thân mình. Khi chúng ta choáng ngợp bởi cuộc sống và tự trừng phạt mình vì những thiếu sót như phải đạt một điểm kiểm tra xuất sắc, bức ảnh được nghìn like trên Instagram sẽ đem lại cảm giác thoáng qua rằng mọi thứ đều đang trong tầm kiểm soát.

Tất nhiên, cảm giác đó nhanh chóng biến mất và yêu cầu lại liên tục nảy sinh. Moya Sarner, một nhà văn dày công nghiên cứu về phân tâm học đã nói rằng: “Nó tạo nên một cuộc sống mong manh, chúng ta sống vì những gì không phải như cuộc sống vốn là. Nếu bạn mãi cố gắng biến cuộc sống của mình trở thành những gì bạn muốn thì bạn đang không thực sự sống cuộc sống mà bạn đang có.”

Vào năm 1990, Randy Frost, một nhà tâm lý học người Mỹ đã phát triển 35 câu hỏi được thiết kế để đo tính cầu toàn. “Thang đo chủ nghĩa hoàn hảo đa chiều” của ông đã phân biệt được ba kiểu chủ nghĩa hoàn hảo lớn.

Kiểu đầu tiên là chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng bản thân, một sự kiềm chế bắt bớ khẳng định rằng bạn cần làm tốt hơn nữa. Nó tạo ra các nghĩa vụ cần động lực cao nhưng cuối cùng sẽ khiến bạn kiệt sức khi phải trở thành một phiên bản lý tưởng của chính bạn: hạnh phúc hơn, xinh đẹp hơn, giàu có hơn (những tính từ so sánh thường xuất hiện trên trang bìa những cuốn sách self-help).

Loại thứ hai là chủ nghĩa hoàn hảo được xã hội quy định, khiến chúng ta cố gắng sống theo mong đợi của người khác. Điều này thường biểu hiện trong những tưởng tượng về sự chỉ trích như một cuộc đối thoại nội tâm nói rằng chúng ta nên như thế nào. Chúng ta nghe thấy những lời chê bai về cách cư xử bất lịch sự, quần áo xấu xí hoặc cuộc trò chuyện buồn tẻ của mình.

Thứ ba là chủ nghĩa hoàn hảo có định hướng khác, nó biến tiếng nói bức hại đó ra bên ngoài khi chúng ta yêu cầu những người xung quanh cũng phải sống theo những lý tưởng bất khả thi của mình. Điều này vô cùng độc hại khi được sử dụng như một công cụ quyền lực: cha mẹ đòi hỏi con cái sao chỉ đạt điểm 9 hay sếp không thể hiểu tại sao nhân viên không thể vượt qua bệnh cúm để đi làm. Kiểu chủ nghĩa hoàn hảo này như một công cụ phóng chiếu, tìm kiếm sự thất bại và thất vọng ở người khác mà chúng ta không thể chịu đựng được khi nhìn thấy chính mình, nằm dưới vỏ bọc mỏng manh của những lời chỉ trích có thẩm quyền.

Đây là những khái niệm thú vị nhưng khi gặp những người thực tế, thật khó để phân biệt giữa các mục này. Yêu cầu phải gầy hơn hay thông minh hơn thường được nuôi dưỡng bởi một dàn đồng ca tiếng hát bên trong và cả bên ngoài. Có thể dễ dàng nhận thấy cảm giác tự phê bình có thể chuyển thành việc chỉ trích người khác như thế nào.

Chủ nghĩa hoàn hảo về mặt lâm sàng, sẽ phản ánh qua một loạt các triệu chứng: trầm cảm và lo âu, rối loạn ám ảnh, lòng tự ái rất cao, bệnh tâm thần, có suy nghĩ tự tử, rối loạn cơ thể và rối loạn ăn uống. Chủ nghĩa hoàn hảo có khả năng tự thích nghi với các kiểu tính cách và tính chất gây tổn thương khác nhau, đó có lẽ là lý do tại sao nó chưa bao giờ được xếp vào loại rối loạn tâm thần.

Điều này cũng có nghĩa là chủ nghĩa hoàn hảo có thể đã hình thành từ những trải nghiệm khác nhau thời thơ ấu. Những phong cách nuôi dạy con khác nhau đều có thể dẫn đến một kết quả tương tự khi cha mẹ luôn áp bức, giám sát các hoạt động học tập và ngoại khóa của con cái họ. Các bậc cha mẹ biết giữ một khoảng cách tôn trọng hơn đối với cuộc sống của con mình có thể khiến đứa trẻ khao khát sâu sắc về loại công nhận mà chúng tin rằng chỉ có thể giành được thông qua việc tích lũy thành tích không ngừng nghỉ. Đứa trẻ cảm thấy rằng mình không thể chiến thắng, những nỗ lực cao nhất của mình trong bóng đá hay cờ vua sẽ chỉ khiến chúng hứng chịu những lời chỉ trích dai dẳng từ cha mẹ và thôi thúc chúng phải làm tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, đứa trẻ mà cha mẹ đảm bảo rằng mỗi hình vẽ nguệch ngoạc là một thành tựu mang tính bước ngoặt cũng khiến chúng cảm thân bản thân bị áp lực liên tục để đạt được những thành tựu trong những năm đầu đời của mình. Cho dù bạn tiếp cận cách nuôi dạy con theo cách nào thì cuối cùng, bạn cũng có thể khơi dậy nỗi tuyệt vọng của con mình để làm hài lòng và gây ra khó khăn suốt đời cho chúng trong việc phân biệt mong muốn của riêng chúng với nguyện vọng của bạn dành cho chúng.

Điều này nghe có vẻ giống như công thức đổ lỗi cho cha mẹ mà nhiều người coi là bản chất của phân tâm học. Nhưng bạn cũng có thể coi đó là một sự thừa nhận nhân đạo về việc khó có thể làm cha mẹ đúng cách. Ranh giới giữa việc tham gia quá mức và ít tham gia vào cuộc sống của con cái thật khó nắm bắt.

Khó khăn trong việc thoát khỏi cạm bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo cho thấy nó có một vị trí lớn trong cấu trúc tâm lý của con người. Chúng ta luôn nuôi dưỡng một lý tưởng về con người mà chúng ta khao khát trở thành.

Các nhà phân tâm học gọi đây là lý tưởng cái tôi, một hình ảnh của cái tôi hoàn hảo, khi còn là những đứa trẻ sơ sinh, chúng ta đã thấy phản chiếu của mình trong cái nhìn yêu mến của cha mẹ hoặc những người chăm sóc mình. Nhưng vào thời điểm đó trong cuộc đời, chúng ta cũng lĩnh hội một cái siêu tôi (superego), tiếng nói nội tâm của một bậc cha mẹ chỉ trích gay gắt mà sau này thường được khuếch đại bởi những người lớn khác ở các vị trí có quyền hạn như giáo viên hay sếp. Cả cá nhân sống trong tâm hồn chúng ta cảm thấy bị buộc tội. Chủ nghĩa hoàn hảo phát triển từ cả việc yêu bản thân lẫn sự tự hạ thấp bản thân.

Một số nhà tâm lý học cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo không nhất thiết là một loại bệnh lý. Vào năm 1978, D.E. Hamachek, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã đưa ra sự phân biệt giữa chủ nghĩa hoàn hảo bình thường và thần kinh. Người cầu toàn bình thường có thể đặt ra các tiêu chuẩn cao cho bản thân họ mà không phải tự phê bình mang tính trừng phạt. Họ thậm chí cảm thấy tự hào trong việc phấn đấu để cải thiện.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã đặt ra dâu hỏi về sự khác biệt của Hamachek với lập luận rằng nỗi khao khát hoàn hảo không bao giờ có thể là “bình thường”. Khao khát một điều gì đó bất khả thi chỉ dẫn đến cảm giác thất vọng và thiếu thốn. Mặc dù chủ nghĩa hoàn hảo có thể ăn mòn ý thức về giá trị bản thân của chúng ta, rất ít người muốn từ bỏ tham vọng phát triển.

Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ khát vọng này khỏi sự xâm nhập của lòng nhiệt thành cầu toàn? Không có câu trả lời dễ dàng. Có một điều gì đó về con người khiến việc cảm thấy những gì mình đã làm được là đủ trở nên khó khăn. Chúng ta không muốn dập tắt hi vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được công nhận là đặc biệt: con người hoàn hảo mà cha mẹ chúng ta đã tôn vinh trên bệ đỡ.

Serge Leclaire, một nhà phân tâm học người Pháp đã đặt ra một ý tưởng hấp dẫn rằng cuộc sống giao cho chúng ta nhiệm vụ ẩn dụ là giết chết đứa trẻ tuyệt vời này. Chúng ta phải liên tục từ bỏ ảo tưởng về một cái tôi lý tưởng và đau buồn về tính bất khả thi của nó.

Ý tưởng này khiến tác giả bài viết nhớ đến một trong những bệnh nhân đầu tiên của anh, một cô gái ở độ tuổi 20 có người mẹ vừa qua đời vì bệnh nan y. Cha mẹ cô đã ly hôn khi cô mới chập chững biết đi; cha cô tái hôn và sống ở nước ngoài với gia đình mới. Lydia bị dày vò bởi hình ảnh của chính mình. Cô ám ảnh với việc đăng ảnh selfie và đếm số lượt thích, đồng thời luôn kiểm tra làn da, hàm răng và dáng người mình để tìm ra khuyết điểm.

Khi cô lớn lên, mẹ cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp kinh doanh thành công. Lydia không thể khiến mẹ mình quan tâm tới những cuộc đấu tranh hàng ngày của cô với bài tập ở trường, tình bạn và những cậu con trai. Cách duy nhất để cô thu hút sự chú ý là thông qua thời trang và chải chuốt – trang điểm, làm móng và mua sắm quần áo trực tuyến. Cô nhớ lại khi mẹ nhìn con gái mình âu yếm khi cô đánh mascara hay chải tóc và khen cô thật đáng yêu và may mắn cho người đàn ông nào có được cô.

“Và sau đó, tôi cố gắng nói chuyện với mẹ về một vấn đề nào đó với giáo viên hoặc bạn bè và tôi nhận thấy rằng sự quan tâm gần như biến mất khỏi gương mặt mẹ, như thể sự việc là quá mức để đảm nhận.” Lydia đối phó bằng cách trở nên hoàn toàn tự chủ. Nhưng khi mẹ qua đời, cô thấy mình bị chiếm lĩnh bởi nhu cầu phải hoàn hảo về mặt thể chất.

Tác giả gợi ý với Lydia rằng cô ấy cảm thấy bị bắt buộc phải biến thành đứa trẻ đáng yêu mà cô ấy từng thấy phản chiếu trong ánh nhìn của mẹ cô khi họ cùng nhau trang điểm. Gợi ý này làm bùng phát cơn tức giận và thất vọng bị kìm nén từ lâu. “Nếu tôi hét vào mặt mẹ khi bà ấy còn sống thì có lẽ bà ấy sẽ không như thế. Và giờ mẹ sẽ không bao giờ có thể nghe thấy tôi nữa.” Cô khóc và nói một cách cay đắng.

Cơn thịnh nộ của Lydia là một dạng đau buồn trì hoãn, không chỉ đối với người mẹ đã mất mà còn đối với đứa con hoàn hảo mà cô cảm thấy thoáng qua khi cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ. Việc thương tiếc đứa trẻ đó đã giúp cô thoát khỏi việc kiểm soát bản thân đầy ám ảnh.

Ngay sau khi ngưng việc đăng ảnh selfie, Lydia đến gặp tác giả bài viết với nụ cười trên môi. “Khi tôi chuẩn bị đi học, tôi bắt gặp mình trong gương và tôi nghĩ, trông mình khá hấp dẫn đấy chứ. Nhưng tôi không phải là siêu mẫu và đáng ngạc nhiên hơn, tôi không muốn trở thành một người như vậy.” Lydia chia sẻ một cách chân thành.

Chủ nghĩa hoàn hảo có thể thúc đẩy chúng ta đến với sự thành công khi trưởng thành. Nhưng sự thật về cơ bản thì đó là thái độ ấu trĩ. Nó khiến chúng ta thấm nhuần niềm tin rằng cuộc sống có hiệu lực sẽ kết thúc khi chúng ta từ bỏ hy vọng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Ngược lại, như Lydia đã phát hiện ra, đó là thời điểm mà cuối cùng cuộc sống đã có thể bắt đầu.

Theo The Economist

 

 

SHARE:

Để lại một bình luận