NHỮNG TRÍCH DẪN CÓ THỂ GIÚP BẠN THỨC TỈNH TÂM LINH TỪ ĐẠO SƯ RAMANA MAHARSHI

SHARE:

Ramana Maharshi (sinh ngày 30 tháng 12 năm 1879 – 14 tháng 4 năm 1950) là một bậc hiền giả người Hindu và jivanmukta (người đã giải thoát) của Ấn Độ. Ông có tên khai sinh là Venkataraman Iyer, nhưng hầu hết được biết đến với cái tên Bhagavan Sri Ramana Maharshi.

  1. “Nhận ra Chân ngã là sự phục vụ vĩ đại nhất bạn có thể dâng tặng thế giới.”
  2. “Hạnh phúc là bản chất tự nhiên của bạn. Không có gì sai khi mong cầu hạnh phúc. Điều sai là đi kiếm tìm ở bên ngoài trong khi nó ở bên trong ta.”
  3. “Bổn phận của bạn là hiện hữu, chứ không phải trở thành điều này hay điều kia. ‘Ta là Đấng Hằng Hữu’* đã tóm tắt toàn bộ sự thật. Phương thức này được tóm gọn trong hai từ (hãy) ‘Tĩnh lặng’ (Be still). Tĩnh lặng là gì? Tĩnh lặng có nghĩa là phá bỏ chính mình. Bởi vì bất kì hình dạng hay hình thể nào cũng đều là căn nguyên của phiền não. Hãy từ bỏ ý niệm ‘Tôi là thế này thế kia.’ Tất cả những gì cần thiết để nhận ra Chân ngã là tĩnh lặng. Điều gì có thể dễ dàng hơn thế?” *Ramana trích dẫn Kinh Thánh (Xuất hành 3:14)
  4. “Bất kể điều gì được tiên định không xảy ra thì sẽ không xảy ra, cứ thử nếu muốn. Bất kể điều gì được tiên định xảy ra sẽ xảy ra, cứ thử ngăn cản nó mà xem. Điều này là chắc chắn. Do đó, cách tốt nhất là giữ yên lặng.”
  5. “Muốn cải tạo thế giới mà không khám phá chân ngã đích thực của mình thì cũng giống như cố gắng che phủ thế giới này bằng da thuộc để tránh sự đau đớn khi bước đi trên sỏi đá và gai nhọn. Đi giày thì dễ dàng hơn nhiều.”
  6. “Hãy có đức tin vào God và chính mình, nó sẽ chữa lành tất cả. Hãy hy vọng điều tốt nhất, hãy mong chờ điều tốt nhất, hãy làm hết sức cho điều tốt nhất, rồi cuối cùng mọi thứ sẽ đến với bạn.”
  7. “Không có sáng tạo hay hủy diệt, không có định mệnh hay tự do ý chí, không có con đường hay thành tựu. Đây là chân lý cuối cùng.”
  8. “Nếu tâm trí ngủ mê, hãy đánh thức nó. Nếu tâm trí bắt đầu đi hoang, hãy làm nó tĩnh lại. Nếu bạn đạt được trạng thái khi tâm trí không ngủ mê hay dao động, hãy giữ yên trong đó, trạng thái tự nhiên (đích thực).”
  9. “Sự Nhận ra (ND: Chân ngã) không có nghĩa là thu nạp được điều gì mới mẻ hay có được một năng lực mới. Nó đơn giản là loại bỏ đi tất cả sự ngụy trang.”
  10. “Tất cả những gì cần thiết để nhận ra Chân ngã là Tĩnh lặng.”
  11. “Lầm tưởng lớn nhất của một người là nghĩ rằng bản chất của mình là yếu đuối hoặc xấu xa. Bản chất thật của mỗi người là thánh thiện và mạnh mẽ. Những thứ yếu đuối hay xấu xa chỉ là thói quen, dục vọng và suy nghĩ của người đó, chứ không phải là bản thân họ.”
  12. “Hãy hướng lên cao, nhắm đến những thứ cao nhất, rồi tất cả những mục tiêu thấp hơn sẽ đều đạt được. Chính vì nhìn xuống biển cả giông tố của những khác biệt khiến bạn chìm đắm. Hãy nhìn lên, vượt thoát khỏi những điều này và nhìn về Đấng Chân thật Huy hoàng Độc nhất, và bạn sẽ được cứu rỗi.”
  13. “Cái gì đến để nó đến. Cái gì đi để nó đi. Tìm ra cái còn lại.”
  14. “Nếu bạn tiếp tục với ánh sáng sẵn có, bạn sẽ gặp được Người Thầy của mình, bởi chính ông ta cũng sẽ tìm kiếm bạn.”
  15. “Không ai thành công mà không nỗ lực. Những người có được thành công là nhờ sự kiên trì của họ.”
  16. “Hãy ý thức về sự ý thức. Hãy nói hoặc nghĩ “Tôi hiện hữu”, và không thêm thắt gì. Ý thức về sự tĩnh lặng theo sau “Tôi hiện hữu”. Cảm nhận sự hiện hữu của bạn, sự hiện diện trần trụi rỗng rang không che đậy. Nó không bị ảnh hưởng bởi trẻ hay già, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, hoặc bất kì thuộc tính nào khác. Nó là bào thai rộng lớn thênh thang của mọi tạo vật và dạng thể.”
  17. “Hãy biết rằng trừ diệt sự đồng nhất với cơ thể là việc làm từ thiện, là sự khổ hạnh tâm linh và sự hiến tế lễ nghi; đó là đức hạnh, là sự tận hiến và sự hợp nhất thiêng liêng; đó là thiên đường, sự sung túc, bình an và chân lý; đó là đặc ân; là trạng thái của sự tĩnh lặng thiêng liêng; đó là cái chết bất tử; đó là jnana, là sự từ bỏ, là phúc lạc và sự giải thoát tận cùng.”
  18. Hỏi: Ảo tưởng là gì? Ramana: Ảo tưởng đối với ai? Hãy tìm ra nó. Sau đó ảo tưởng sẽ biến mất. Thông thường mọi người muốn biết về ảo tưởng nhưng không kiểm tra xem đó là ảo tưởng đối với ai. Đó là khờ dại. Ảo tưởng là ở bên ngoài và chưa được biết. Nhưng người tìm kiếm thì đã được biết và ở bên trong. Hãy tìm ra những thứ ngay trước mắt, gần gũi, thay vì cố tìm ra những thứ xa vời và chưa được biết.”
  19. “Mục đích ích lợi duy nhất của kiếp sống hiện tại là quay vào trong và nhận ra Chân ngã.”
  20. “Giữ tĩnh lặng, với niềm tin vững chắc rằng Chân ngã tỏa sáng thành mọi thứ cũng như hư không, bên trong, bên ngoài và khắp mọi nơi.”
  21. “Một tâm trí trong sạch cũng chính là Brahman, vì vậy Brahman không là gì khác ngoài tâm trí của bậc hiền nhân.”
  22. “Mọi thứ trên thế giới này đều là Thầy tôi.”
  23. “Sự tập trung của bạn phải đến thật dễ dàng như hơi thở. Cố định mình vào một thứ và cố gắng bám vào đó. Mọi thứ sẽ trở nên đúng đắn. Thiền là gắn chặt vào một suy nghĩ. Suy nghĩ duy nhất đó đẩy xa những suy nghĩ khác. Phân tán là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của tâm trí. Bằng cách thiền định liên tục nó sẽ gia tăng sức mạnh.
  24. “Nếu bạn giữ cảm giác này về cái ‘Tôi’ đủ lâu và đủ mạnh, cái ‘tôi’ giả ngụy sẽ tan biến, chỉ còn lại nhận thức vẹn nguyên về cái ‘Tôi’ nội tại chân thật, đó chính là Tâm thức (Consciousness).”
  25. “Các nhà thám hiểm kiếm tìm hạnh phúc trong việc khám phá những điều kỳ lạ, phát hiện những vùng đất mới và trải qua những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Những điều đó thật ly kỳ. Nhưng niềm vui được tìm thấy ở đâu? Chỉ có ở bên trong. Niềm vui thì không thể được tìm kiếm từ thế giới bên ngoài.”
  26. “Không hiểu chính bản thân mình thì cố gắng hiểu thế giới có ích lợi gì?”
  27. “Bạn không cần phải mong mỏi hay đạt được bất kì trạng thái mới nào. Hãy rũ bỏ những suy nghĩ hiện tại của bạn, chỉ vậy thôi.”
  28. “Những thứ đến rồi đi, lên rồi xuống, sinh rồi diệt chính là cái tôi (ego). Cái luôn luôn tồn tại, bất biến, và không có những đặc tính chính là Chân ngã.”
  29. “Một người phải nhận ra Chân ngã của mình để mở ra kho chứa hạnh phúc thuần khiết.”
  30. “Tâm trí là tâm thức đã mặc lên những giới hạn. Khởi thủy bạn là vô hạn và hoàn hảo. Sau đó bạn tiếp nhận những giới hạn và trở thành tâm trí.”
  31. “Mức độ tự do khỏi những suy nghĩ vô ích và mức độ tập trung vào một suy nghĩ duy nhất là thước đo đánh giá sự tiến bộ tâm linh.”
  32. “Ngay cả cấu trúc của nguyên tử cũng được khám phá bởi tâm trí. Do đó tâm trí tinh vi hơn nguyên tử. Vậy thì điều nằm đằng sau tâm trí, cụ thể là linh hồn mỗi người, còn tinh tế hơn cả tâm trí.”
  33. “Theo một cách nào đó, sự tập trung của tâm trí là (ND: phương pháp) chung cho cả Tri thức và Yoga. Yoga nhắm tới sự hợp nhất giữa cá nhân và vũ trụ, hay Thực tại. Thực tại này không thể mới. Nó phải tồn tại thậm chí ngay bây giờ, và nó thực sự tồn tại.”
  34. “Tất cả các đặc tính xấu xoay quanh bản ngã (ego). Khi bản ngã mất đi, sự Nhận ra sẽ tự động đến. Không có đặc tính tốt hay xấu trong Chân ngã. Chân ngã vượt thoát khỏi mọi đặc tính. Đặc tính chỉ gắn liền với tâm trí.”
  35. “Tôi không phải là cơ thể dễ hư hoại mà là Chân ngã bất tử. Cơ thể chết đi nhưng thần khí – thứ vượt thoát khỏi cơ thể – thì cái chết không thể nào chạm đến.”
  36. “Tâm thức thật sự luôn ở bên ta. Mọi người đều biết họ tồn tại. Không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của chính mình.”
  37. “Sự tĩnh lặng luôn luôn lên tiếng; đó là dòng chảy bất diệt của ngôn ngữ.”
  38. “Cái Thật thì luôn hiện hữu, giống như màn hình mà trên đó những thước phim đang chạy liên tục. Trong khi hình ảnh xuất hiện, ta không thấy màn hình. Tắt nó đi, màn hình sẽ hiển lộ rõ ràng. Mọi ý nghĩ và sự kiện chỉ đơn thuần là những hình ảnh di chuyển trên màn hình Tâm thức Thuần khiết, chỉ mình nó là thật.”
  39. “Hãy nghĩ về God, những níu bám sẽ dần biến mất. Nếu bạn đợi đến khi tất cả những ham muốn biến mất trước khi bắt đầu lòng thành tâm và lời cầu nguyện của mình, bạn sẽ phải đợi một thời gian rất dài.”
  40. “Giống như khi cùng một người được gọi bằng nhiều tên khác nhau tuỳ vào vai trò của người đó, tương tự cùng một tâm trí cũng được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: tâm trí, trí năng, trí nhớ, cái tôi, chỉ là sự khác biệt trong chức năng, chứ không phải do bất kỳ sự khác biệt thật sự nào.”

Biên soạn: Prana

Biên dịch: Minty

Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana

Nguồn: Triết Học Đường Phố

SHARE:

Trả lời