ĐƠN GIẢN LÀ KHÔNG BIẾT

SHARE:

Khi công việc trở thành nguồn gốc của sự kết nối, nó tìm được ý nghĩa cho riêng mình. Điều này bắt đầu với những mối quan hệ chúng ta xây dựng trong môi trường làm việc hiện tại và lan tỏa ra thế giới rộng lớn bên ngoài: những khách hàng chúng ta phục vụ, ảnh hưởng của công việc lên cộng đồng và các cách thức bí ẩn mà những điều chúng ta làm tác động lên thế giới bên ngoài, nằm ngoài nhận thức của ta.

Chúng ta không phải lúc nào cũng biết được cống hiến của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Đó là khi niềm tin lên tiếng. Khi chúng ta làm việc với thiện chí, cho dù công việc của ta có vẻ khá tầm thường, thì hành động của ta vẫn sẽ đem lại những kết quả tích cực. “Hành động nhỏ với tình yêu lớn,” Mẹ Teresa đã nói như vậy với những người lo rằng công việc của họ quá vô nghĩa. Nói cách khác, điều chúng ta làm thường ít quan trọng hơn cách chúng ta thực hiện nó. Tôi từng được nghe một câu chuyện kì diệu về một nhà biên kịch, người tin rằng những tác phẩm của cô không có ý nghĩa gì trong một thế giới vẫn còn có người phải chết vì đói. Người phụ nữ này, hãy gọi là Ann, mơ ước được chuyển đến Calcutta để giúp Mẹ Teresa trong sứ mệnh cung cấp lương thực cho “những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Khi Mẹ Teresa đến thành phố của Ann để nhận một giải thưởng nhân đạo, Ann đã chờ ở ngoài khách sạn, háo hức được góp sức phục vụ. Cuối cùng, một chiếc xe dừng lại và một cụ bà nhỏ nhắn, đáng tôn kính, khoác lên mình chiếc sari màu xanh trắng bước ra. Ann nói với Mẹ Teresa về ước mơ bỏ việc trong nhà hát để đến Ấn Độ và làm điều gì đó có ý nghĩa. Mẹ Teresa lắng nghe một cách ân cần, sau đó hỏi cô vài câu về công việc. Khi Ann nói với bà rằng cô giúp mọi người thực hiện những vở kịch, bà mỉm cười và nắm lấy tay cô. “Không, con gái à!” bà nói. “Con phải ở lại đây và làm việc. Hãy làm việc với một trái tim rộng mở. Ở đất nước này, thứ người ta đang đói khát chính là thức ăn tinh thần. Hãy ở lại đây và cho đồng bào của con ăn.”

Đa số chúng ta muốn tin rằng công việc mình làm có liên quan đến điều gì đó vĩ đại hơn bản thân. Chúng ta khao khát được biết rằng mình đang sống và làm việc vì một sứ mệnh cao cả. Nhưng chính tại đây tồn tại một nghịch lý rất quan trọng về trí tuệ và hạnh phúc. Để có thể đạt được lợi ích tối đa trong công việc, bạn cần quên lợi ích đó đi. Đối với việc cống hiến cho cộng đồng, chúng ta phải nhớ rằng điều đó không phải là vì bản thân mình. Chúng ta làm việc với một trái tim rộng mở và thiện chí, cùng với niềm tin rằng cuộc sống sẽ hoàn thành nốt phần còn lại. Đây chính là bản chất của niềm tin, không phải là thứ chúng ta sở hữu, mà là thứ chúng ta thực hiện, một sự sẵn sàng bước một bước tiến mới.

HÃY LÀM VIỆC VỚI MỘT TRÁI TIM RỘNG MỞ

Trong công việc, chúng ta tự nhắc bản thân rằng mình không thể kiểm soát cách người khác nhìn nhận nỗ lực ta bỏ ra. Chúng ta chỉ có thể làm hết khả năng để tạo ra sự khác biệt. Chúng ta có thể duy trì ý thức về việc mình thực sự biết rất ít về ảnh hưởng của công việc bản thân đang có lên thế giới và làm hết sức mình để duy trì kết nối với sự sáng tạo và tình yêu thương trong bản thân mỗi người. Khi chúng ta tiếp cận công việc bằng một tinh thần sáng tạo (điều luôn là khả thi cho dù công việc của bạn là gì), học hỏi từ trải nghiệm hằng ngày, chúng ta có thể duy trì sự sôi nổi và cam kết của mình.

Khi chúng ta nhớ rằng mỗi công việc mình làm đều có ý nghĩa, dù công việc đó có vẻ tầm thường đi chăng nữa, và rằng giá trị của bản thân không tăng lên hay giảm xuống với danh tiếng liên quan đến công việc, chúng ta có thể thực hiện nó với một trái tim rộng mở và lòng biết ơn dành cho người khác. Gina LaRoche của Seven Stones Leadership đã viết, “Hôm nay tôi cảm thấy cản kích vô tận đối với những người đã phục vụ mình. Tôi không xem điều gì là điều đương nhiên phải xảy ra, từ việc giao báo, thu gom rác, người tài xế xe buýt, nhân viên pha chế cà phê, nhân viên bảo vệ, nhân viên thu ngân, người nấu bữa ăn trưa cho tôi, người đóng gói hàng tạp hóa cho tôi hay người đã phơi quần áo cho tôi.” Cũng như người khác phục vụ chúng ta, chúng ta có thể phục vụ người khác. Bằng việc tách biệt công việc ra khỏi lòng tự trọng và luôn nhớ rằng chúng ta đủ tốt – đã được sự sống ban phước, có khả năng để tư duy và yêu thương – bất kể lương bổng hay mô tả công việc của ta là gì, chúng ta học được cách tiếp cận công việc một cách thấu hiểu và rộng lượng. Chúng ta học được rằng sự sáng tạo xuất phát từ bên trong – cách chúng ta quan sát, điều chúng ta chú ý, khi nào chúng ta giúp đỡ, người nào ta đã gây ảnh hưởng – và tất cả đều luôn sẵn sàng ở đó, chỉ cần chúng ta chịu dành sự chú ý. Sự lựa chọn thức tỉnh trong công việc có thể thay đổi những công việc có vẻ vô nghĩa nhất thành cơ hội để kết nối, sáng tạo và trưởng thành.

—–💝💝💝—–

Trích: AN NHIÊN GIỮA NHỮNG BỘN BỀ: sức mạnh của thiền nơi công sở/ SHARON SALZBERG; Thanh Hằng Việt dịch; NXB Thanh niên; 2020

SHARE:

Để lại một bình luận