DUY TRÌ ĐẠI ẤN TRONG THIỀN ĐỊNH VÀ HẬU THIỀN ĐỊNH

SHARE:

Sùng mộ và đức tin là cần thiết cho kinh nghiệm của chúng ta tăng trưởng trong tham thiền. Trong Cầu Nguyện Dòng Kagyu có nói, “Sùng mộ là cái đầu của tham thiền.” Nếu chúng ta có một cái đầu, bấy giờ chúng ta có thể thấy, nghe, ăn, nói… Nếu chúng ta không có một cái đầu, chúng ta không thể làm nhiều thứ. Tương tự, trong tham thiền nếu chúng ta có sùng mộ, tham thiền của chúng ta sẽ cải tiến; nó sẽ trở nên sáng tỏ hơn và vững chắc hơn.

Sùng mộ

Thần lực của sùng mộ được minh họa trong câu chuyện của bà lão già có đức tin lớn vào Pháp và Tăng. Đứa con của bà là một người đi buôn ở Ấn Độ. Một lần, trước khi khởi hành, bà nói với anh ta, “Con đi Ấn Độ, nơi Đức Phật đản sanh, và là chỗ nhiều học giả và thành tựu giả đã sống, dạy, và chứng ngộ. Mẹ muốn con đem về một xá lợi cho mẹ làm một căn cứ đức tin.” Rồi người con đi Ấn Độ nhưng quên mất chuyện ấy. Anh trở về không mang theo gì cả.

Khi người con sắp đi Ấn Độ trở lại, bà lão già nói, “Lần này con phải đem cái gì cho mẹ. Đừng quên. Mẹ thực sự cần nó.” Con bà đi Ấn Độ, lo công chuyện, và quên mất lần nữa. Khi sắp đi lần thứ ba, mẹ anh van xin, nói rằng, “Kỳ này con hãy mang về cái gì cho mẹ. nếu con không làm, mẹ sẽ rất buồn và chết ngay trước mắt con”. Anh lại quên mất, chỉ nhớ ngày gặp lại mẹ. Anh nghĩ, “Ồ không! Bây giờ làm sao đây? Nếu mình không đem về cái gì mẹ sẽ chết!” Anh nhìn chung quanh và thấy những thứ xương còn lại của một con chó chết bên đường. Anh đến và nhổ một cái răng, chùi sạch, và gói lại rất đẹp. “Mẹ cực kỳ may mắn, anh nói với mẹ, “Con đã đem về cho mẹ một cái răng của chính đức Phật.”

Tin rằng đó là răng của Đức Phật, bà cầu khẩn cái răng, cúng dường nó, và phát sanh đức tin và sùng mộ cực độ. Cái răng không có tiềm năng hay ban phước nơi nó. Tuy nhiên, nó như một ngọc xá lợi hay thân thể của một guru, hay tháp linh thiêng hay khi có sự hiện diện của một đại lạt ma. Chỉ do đức tin, cái răng đã nhận được những ban phước của Đức Phật.

Câu chuyện này chỉ ra thần lực lớn lao của đức tin. Tương tự, nếu chúng ta có đức tin và sùng mộ với vị guru gốc của chúng ta, những guru của dòng, và những đại hành giả, khi chúng ta thực hành Đại Ấn, Sự tham thiền của chúng ta sẽ tiến triển càng lúc càng nhiều hơn.

Lý do duy trì Đại Ấn

[251]     Làm thế nào duy trì tham thiền mà chúng ta đã khai triển qua nỗ lực, chánh niệm, và cảnh giác? Bản văn không dạy bản tánh của tâm mà bàn luận sự chỉ ra nó, bởi vì không có gì để học: chúng ta chỉ cần nhận biết. Tuy nhiên, chỉ ra bản tánh của tâm thì chưa đủ. Chúng ta phải duy trì tham thiền về nó cho đến cái còn chưa rõ ràng sẽ trở nên rõ ràng, cái lay động sẽ trở nên vững chắc, và bất cứ phẩm tính tốt nào có mặt sẽ phát triển hơn nữa.

Thật may mắn không thể nghĩ bàn khi đã được chỉ ra bản tánh của tâm cho chúng ta. Sự thực hành của chúng ta đã dẫn đến sự sanh ra của một cơ hội sâu xa trong dòng hiện hữu của chúng ta. Nếu chúng ta không nỗ lực sự nhận biết và chứng ngộ này, những phẩm tính tốt chúng ta đã thừa hưởng sẽ giảm và những lỗi lầm sẽ tăng. Nếu chúng ta không duy trì kinh nghiệm tham thiền, chúng ta sẽ trở lại trạng thái của một người bình thường, và chứng ngộ sẽ không có ý nghĩa. Như vậy chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta đã tìm ra một viên ngọc quý và giữ gìn cẩn thận để khỏi rớt vào bùn. Điều này đòi hỏi nỗ lực.

Vị thầy vĩ đại Tsangpa Gyare đã nói, “Không nuôi dưỡng sự tham thiền đã sanh khởi trong dòng tương tục của tâm thức của bạn thì giống như một người giàu bị cơn bệnh do khí mang đi.” Trong y học Tây Tạng có ba hệ thống khác nhau thuộc về bệnh: khí, mật và đờm. Trong một căn bệnh thuộc khí, năng lượng không khí của thân mất cân bằng hoàn toàn khi chúng ta không ăn đủ. Thật buồn cười cho một người giàu chịu khổ vì một căn bệnh suy dinh dưỡng. Tsangpa Gyare cũng nói rằng nếu chúng ta có một viên ngọc quý, chúng ta phải giữ gìn nó bằng cách gói nó lại trong vải quý và cất vào chỗ thích hợp. Không chăm sóc sự chứng ngộ tham thiền của chúng ta – nội quán vào cách thế hiện hữu của tâm – thì giống như để cho một viên ngọc quý rơi vào bùn. 

Duy trì tham thiền Đại Ấn

       Bản tánh của tâm này đã hiện hữu trong chúng ta từ lúc bắt đầu của thời gian, nhưng, cho đến điểm chúng ta nhận biết nó, chúng ta vẫn mê mờ. Những thói quen và bẩm chất được thiết lập do mê lầm của chúng ta quá mạnh đến độ cho dù nếu chúng ta nhận biết bản tánh của tâm, những tiềm ẩn này lại hiện lên bề mặt mê lầm của chúng ta trở lại. Thế nên, chúng ta phải tham thiền trở đi trở lại. Từ Tây Tạng để chỉ tham thiền là gom, có nghĩa là sự làm cho quen. Thế nên chúng ta phải làm quen, trở nên quen thuộc, với bản tánh của tâm. Để cho tham thiền của chúng ta tiến bộ, quan trọng là giữ tâm chúng ta trên bản tánh của tâm.

Shantideva nói rằng những người muốn bảo vệ tâm mình và thực hành pháp phải có ba điều: chánh niệm, cảnh giác và chú ý. Những cái này tương tự với nhau nhiều, nhưng khi phân tích chúng trong chi tiết, chúng ta có thể phân biệt những bản chất và đặc tính của chúng.

Chánh niệm, Cảnh giác, và Chú ý

[253]     Chúng ta có thể nói chánh niệm (TT. Drenpa) nghĩa là không quên. Trong bối cảnh này là không quên đại ấn, không quên tâm như nó là. Cảnh giác (TT. shezhin) thì liên hệ rất chặt chẽ với chánh niệm. Cảnh giác là cảnh giác trong khoảnh khắc, một hiểu biết có mặt và sống động có thể được nhờ chánh niệm. Nếu chúng ta có chánh niệm, cảnh giác có thể phát triển; nếu chánh niệm suy giảm cảnh giác không có. Khi chúng ta nói đến chú ý (TT. bagyöpa) chúng ta đang đánh giá tâm chúng ta, tự hỏi: có loại lỗi lầm nào sanh khởi chăng? Samadhi hay sự an định vững chắc có suy giảm không? Chú ý là chắc chắn chúng ta không lầm đường trong tham thiền.

Chánh niệm và cảnh giác là quan trọng trong mọi thời. Lý do rất đơn giản: Nếu chánh niệm và cảnh giác có mặt, những lỗi lầm không sanh khởi; nếu chúng vắng mặt, những lỗi lầm sẽ sanh khởi. Shatideva so sánh những phiền não với những kẻ trộm cướp. Những kẻ trộm cướp sẽ không làm hại chúng ta nếu chúng ta được người mạnh mẽ bảo vệ. Nhưng nếu những người canh giữ cho chúng ta lười biếng, dại dột, hay yếu đuối, những kẻ trộm cướp có thể đột nhập, làm hại chúng ta, và cướp bất cứ cái gì họ muốn. Shantideva nói điều ấy cũng tương tự với những tư tưởng và phiền não. Chừng nào chúng ta còn được bảo vệ bởi chánh niệm và cảnh giác, những tư tưởng và phiền não không thể làm gì. Nhưng ngay khi chánh niệm và cảnh giác lỏng lẻo, những tư tưởng và phiền não sanh khởi và gây rối bằng cách ngăn che những phẩm tính tốt có ở đó. Thế nên gắn bó với chánh niệm và cảnh giác mọi lúc là điều quan trọng.

Chú ý làm thuần hóa tâm – nó hàng phục phiền não và giữ cho chúng ta không làm những việc khiến người khác sanh khởi gây hấn, đố kỵ, kiêu căng và vân vân. Đồng thời chú ý xua tan sự vui thích khi làm những điều tai hại; nói cách khác, nó ngăn chúng ta khỏi thấy bám luyến và hiếu chiến là những phẩm tính tốt. Chú ý cho chúng ta thấy những việc tai hại là lỗi lầm thế nên chúng ta không vui thích với chúng. Chính chú ý khiến chúng ta hiểu tại sao Pháp là lợi lạc. Nó cho phép chúng ta vui thích với Pháp và ngăn ngừa chúng ta không ưa Pháp.

Nói tóm, chánh niệm, cảnh giác và chú ý khiến sự tham thiền của chúng ta phát triển hơn và hơn nữa. Chúng ta hãy xem kỹ hơn chánh niệm và cảnh giác.

Chánh niệm

       Bản văn nói, “Về phần chánh niệm, nó khiến người ta không quên nghĩa mà người ta đang tìm cách thành tựu.” Chánh niệm giữ cho tâm ta trên điểm người ta đang tham thiền và duy trì sự trong sáng trong khi thiền.

Kinh Đệ tử có Viên ngọc trên Đỉnh đầu Tham vấn chỉ ra những chức năng khác nhau của chánh niệm. Chức năng thứ nhất là “qua chánh niệm, những mộng tưởng mê lầm không khởi.” Bởi vì chúng ta trở nên quá quen thuộc với phiền não, và đã lập những khuynh hướng chấp trước và thói quen trong chiều hướng ấy, những phiền não tự nhiên sanh khởi qua năng lực của những thói quen ấy. Nhưng nếu chúng ta có thể duy trì chánh niệm, những phiền não như tham, sân, kiêu căng sẽ không có cơ hội sanh khởi. Chức năng thứ hai của chánh niệm là “qua chánh niệm, chúng ta không dấn thân vào những hoạt động tai hại (Skt. mara). Hai chức năng đầu tiên này được xem như rễ và cành: qua chánh niệm, chúng ta bảo vệ tâm chúng ta để những phiền não không sanh khởi; một khi chúng không sanh khởi, những hoạt động của thân và khẩu không còn theo chiều hướng gây hại. Cuối cùng, “qua chánh niệm, chúng ta không lạc khỏi đường chánh. Chánh niệm giữ chúng ta trên con đường dẫn đến lợi lạc đích thật. Theo nghĩa này, chánh niệm có thể hiểu là một cái cổng. Bởi vì chánh niệm ngăn tâm đi vào một chiều hướng xấu, bản văn nói, “Chúng ta cần nỗ lực trong chánh niệm đích thật.”

Khi chúng ta nói về tâm trong truyền thống Phật giáo, chúng ta thường nói về tâm và những yếu tố tâm thức. Một yếu tố tâm thức là “cái sanh khởi từ tâm”. Những yếu tố tâm thức là nhiều loại tư tưởng khác nhau, mà trong Phật giáo được phân biệt với nhau một cách vi tế. Chánh niệm là một yếu tố tâm thức như vậy. Phương diện đặc biệt của nó là liên tục nhớ cái gì chúng ta cố gắng chú tâm vào, hoặc đó là những lời nguyện, duy trì một động cơ lợi lạc, hay tránh những hành động tai hại. Trong bối cảnh này, chánh niệm cho phép chúng ta giữ tâm trên điểm tham thiền. Nếu chúng ta bảo vệ tốt tâm với chánh niệm, nó sẽ không lang thang khỏi điểm này, không rơi vào hôn trầm hay náo động. Khi chúng ta đã hiểu pháp tánh là cách thế hiện hữu của tâm, năng lực chánh niệm ngăn chúng ta khỏi lạc vào cái gì khác. Như vậy, chánh niệm là quyết định trong việc giữ gìn chứng ngộ, nó xảy ra như nội quán của thiền quán.

Cảnh giác

       Cảnh giác là biết cái đang tiếp diễn trong tâm và khảo sát nó kỹ lưỡng. Cảnh giác sanh khởi dựa vào chánh niệm. Bản văn nói rằng trước hết chúng ta chánh niệm; rồi phẩm tính đánh giá cái đang tiếp diễn trong tâm ta trong khoảnh khắc hiện tại có thể sanh khởi. Nó theo dõi những hoạt động của thân, khẩu, tâm, và phân biệt cái nên theo và cái nên bỏ. Cảnh giác là quyết định cho việc nuôi dưỡng một trạng thái khỏe mạnh của tâm. Trong Hướng dẫn vào Bồ tát hạnh, Shantideva nói giản dị, “Khi chánh niệm canh giữ cánh cổng của tâm bạn, bấy giờ cảnh giác tự nhiên sanh khởi.”

Trong tham thiền đại ấn, dựa vào chánh niệm và cảnh giác là quan trọng bởi vì chúng duy trì sự chứng ngộ cách thế hiện hữu của tâm, và nâng cấp chứng ngộ này. Bởi vì chánh niệm và cảnh giác cho phép chúng ta biết chính xác cái gì cần chấp nhận và cái gì cần từ chối, nên không có chúng, những lỗi lầm sẽ sanh khởi. Trong hướng dẫn vào Bồ tát hạnh Shantideva nói rằng không có cảnh giác, những kết quả của nghe Pháp, tư duy về nghĩa của nó, và tham thiền về cái chúng ta đã hiểu sẽ biến mất. Những phẩm tính tốt sẽ không tăng trưởng và chúng sẽ không giữ lại được cái chúng ta đã thành tựu. Đó là một sự phung phí thời gian.

Khi chúng ta có chánh niệm và cảnh giác thích hợp, bấy giờ tự kiềm chế hay tận tâm có thể sanh khởi trong dòng tương tục của tâm. Sự tự kiềm chế hay tận tâm này chính xác là gì? Nó biết khi mê lầm vọng tưởng khởi lên và rung chuông báo động, “Ồ, tôi nghĩ có một vọng tưởng đến đây”. Chúng ta có thể đáp ứng thích đáng ngay lúc ấy.

Chánh niệm như Gốc rễ của những Tính cách khác

       Nếu chúng ta duy trì chánh niệm, thì sự tham thiền, hay Samadhi, và mọi phẩm tính tốt sẽ tăng trưởng ngay tức khắc. Nếu chánh niệm suy giảm, tham thiền và những phẩm tính tốt của chúng ta cũng giảm. Thế nên những thành tựu giả của dòng Kagyu nói đến “giữ chánh niệm.” Chánh niệm giống như người chăn cừu gom đàn cừu khi chúng lang thang vào một nơi thú dữ có thể ăn thịt chúng. Nếu một con cừu đi vào chỗ nguy hiểm, người chăn cừu đem nó trở lại một chỗ có cỏ và nước, một chỗ thích thú cho nó và nó muốn ở lại. Cũng như vậy, khi tâm lạc khỏi tham thiền, chánh niệm đưa nó trở lại và đặt nó trong thư giản để chúng ta có thể hưởng thụ những lợi lạc của nó.

Chánh niệm là trọng yếu cho những thực hành nghe, suy nghĩ và tham thiền về nghĩa của Pháp. Hơn nữa, chánh niệm là quan trọng cho duy trì tham thiền bởi vì nó tập trung tâm vào chỉ một điểm và ngăn ngừa tâm khỏi xao lảng. Nếu chúng ta không có chánh niệm, chúng ta mất mục tiêu của tham thiền; chúng ta trở nên mê mờ và lạc lỏng. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta có thể duy trì sự vững chắc của tham thiền; nếu không có, sự vững chắc của tham thiền bị mất. Vì lý do ấy, nó là quan trọng.

Je Drikungpa nói, “Đại lộ chính của chư Phật ba đời là chánh niệm không bao giờ đứt đoạn.” Chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, và chư Phật tương lai tiến đến giác ngộ như thế nào? Trong mọi trường hợp, đại lộ bao la các ngài du hành là đại lộ của chánh niệm. Các ngài có một chánh niệm không bao giờ sai sót. Je Drikungpa nói tiếp, “Nếu bạn không biết, chánh niệm không xao lãng, bấy giờ bạn sẽ rơi vào cái bẫy của những khuynh hướng tiềm ẩn của thân tâm.” Nếu chúng ta không có chánh niệm, thì đơn giản chúng ta không đạt đến Phật quả.

Bản tánh của tham thiền và hậu tham thiền

[261]     Tham thiền và hậu tham thiền là gì? Tham thiền là khi những lỗi lầm như hôn trầm và hoang dã náo động của tâm được xua tan và tâm an trụ trong sự nhận biết tâm như nó là. Hậu tham thiền, hay là sự đạt được tiếp sau đó, là khi chúng ta “khởi lên khỏi đó.” Điều này không có nghĩa là chúng ta đứng lên khỏi đệm thiền, mà đúng hơn, tâm chúng ta thay đổi và rồi chánh niệm về bản tánh nền tảng được phục hồi. Nó có nghĩa chúng ta lấy lại cái chúng ta đã có trước đó.

Đặc biệt quan trọng là xem xét như thế nào chúng ta duy trì tham thiền và như thế nào chúng ta vẫn có hậu tham thiền, bởi vì khi đã khởi lên khỏi thời thiền, chúng ta đặc biệt thiên về sự hoang dã náo động trong tư tưởng. Đây là thời gian chúng ta cần duy trì tham thiền. Nếu chúng ta học cách làm điều này, bấy giờ tham thiền có thể được nối kết với bất kỳ hoạt động nào chúng ta làm qua năng lực của chánh niệm và cảnh giác.

Trong truyền thống những chỉ dạy tinh túy thường có nói rằng sự cân bằng an định, hay tham thiền, thì giống như không gian. Điều này nghĩa là sự thực hành chính – khi chúng ta nhận biết đúng tâm là gì – thì giống như không gian, như hư không. Thời kỳ sau tham thiền được nói là giống như một ảo tưởng, như là huyễn. Điều này nghĩa là bất cứ việc gì chúng ta làm giữa những thời thiền đều xuất hiện như huyễn. Nếu hoạt động thế gian được nối kết với hiểu biết xác quyết, chắc chắn, và chánh niệm của tâm như nó đã được chúng ta kinh nghiệm trong ngồi thiền, bấy giờ hoạt động thế gian được nói là như huyễn. Nói tham thiền thì giống như hư không nhấn mạnh phương diện tánh Không. Nói hậu tham thiền giống như huyễn nhấn mạnh yếu tố hiện tướng.

Cấp độ bắt đầu của Đại Ấn

Khi bàn luận sự thực hành đại ấn, chúng ta phân loại những giai đoạn trong hành trình của một hành giả theo một cách khác biệt nào đó với sự phân loại thông thường những giai đoạn này. Thông thường chúng ta nói về hành trình của học trò từ mê mờ đến giải thoát theo mười cấp độ của Bồ tát (mười địa). Trong đại ấn, chúng ta nói về bốn yoga. Bốn yoga này là nhất tâm, thoát khỏi phức tạp khác biệt, một vị, và không tham thiền.

Yoga thứ nhất, yoga một điểm hay nhất tâm, là giai đoạn của một người bắt đầu. Ở giai đoạn này, kinh nghiệm mà người học trò có thì tạm thời trong bản chất. Trong khi kinh nghiệm có thể khá ấn tượng mạnh, nó không kéo dài. Ở giai đoạn nhất tâm, học trò có một kinh nghiệm tạm thời của nội quán trong khi tham thiền hơn là một chứng ngộ thật sự. Một học trò như vậy không kinh nghiệm tham thiền hay hậu tham thiền đích thật. Ba yoga sau – thoát khỏi phức tạp đa thù, một vị, và không tham thiền – có cân bằng tham thiền thật sự và hậu tham thiền thật sự. Trong những giai đoạn này hành giả kinh nghiệm tham thiền và hậu tham thiền đích thực và trọn vẹn.

Yoga thứ nhất một điểm thì thoát khỏi lỗi lầm của một tâm nặng đục hôn trầm và hoang dã loạn động. Nó là một tâm an trụ trên thật tánh của tâm, đó là tâm đồng khởi mà trước kia đã được chỉ ra cho học trò. Như vậy, trong yoga thứ nhất, thiền giả đi đến chỗ an trụ trong quang minh và tánh Không. Hơn nữa, cân bằng của tham thiền của nhất tâm thì thoát khỏi những tư tưởng khác và hoạt động tâm thức. Nó không lang thang nghĩ về cái này cái nọ. Nó không mất tỉnh giác này.

Nó là một bản tâm đã xuống đến bản tánh của nó và an trụ ở đó, không xao lãng bởi cái gì khác.

Trong Những Chỉ dạy Tinh túy về Trung đạo, Atisha nói, “Người ta bỏ tất cả chánh niệm và dính dáng thuộc tâm thức.” Lời dạy này không có nghĩa chúng ta vất bỏ chánh niệm và trí thông minh, vì chánh niệm khiến chúng ta ở lại với sự thấu hiểu thực tại và không xao lãng khỏi nó. Đúng ra, nó có nghĩa chúng ta cần không đem những cái khác đến cho tâm khi chúng ta an trụ trong cân bằng tham thiền trên bản tánh của tâm. Chúng ta cần bỏ chánh niệm và xem xét về cái gì khác ngoài sự an trụ vững chắc trong tham thiền. Chừng nào chúng ta còn chánh niệm và không lang thang, những tư tưởng về những cái khác sẽ không sanh khởi. Nhưng khi chúng ta mất chánh niệm và bắt đầu lang thang khỏi nó, các thứ khác đến với tâm. Nếu chúng ta bỏ tất cả chánh niệm, thì sẽ không có kinh nghiệm tham thiền và chứng ngộ xảy đến.

Chừng nào chánh niệm còn kiên cố, tâm vẫn tập chú vào cái hiểu thực tại, và tư tưởng xao lãng không sanh khởi. Khi chánh niệm vừa lang thang một chút, những tư tưởng rất vi tế khởi lên; khi chánh niệm lang thang nhiều, tư tưởng thô khởi lên, những tư tưởng nắm hiểu và đồng ý cho hiện tướng của những sự vật như thể chúng được thiết lập một cách nội tại. Sự sanh khởi của những tư tưởng và hiện tướng này có nghĩa chúng ta không còn trong an định; đúng ra chúng ta đã bước qua “kiến thức và hiện tướng bình thường sau đó.” Sau đó ở đây nghĩa là chúng ta đã trở lại là một người bình thường với một tâm rất là bình thường, như thể chưa hề kinh nghiệm tham thiền. Về sau, khi chúng ta khám phá lại chánh niệm, chúng ta có thể lại an trụ trong thật tánh của tâm không có tư tưởng và hiện tướng. Tỉnh giác của chúng ta sẽ được chánh niệm thấm nhuần, chánh niệm này biết và an trụ ngay trên thật tánh của tâm. Khi chúng ta đã khám phá lại tỉnh giác như vậy, chúng ta đã tìm thấy “sự hợp nhất, hay hòa nhập, của hiện tướng và tánh Không.” Tư tưởng và hiện tướng không trở thành những chướng ngại; hơn nữa, chúng được thấu hiểu là hiện tướng và tánh Không không thể phân chia, bản tánh của cái, không thể được đồng hóa với bất cứ cái gì cả.

Tóm lại, chúng ta bắt đầu với sự vững chắc của tham thiền về cách thế hiện hữu của tâm. Rồi trạng thái ấy mất đi. Chánh niệm trở lại, và chúng ta lại tái lập sự  vững chắc của tham thiền về bản tánh của tâm lần nữa. Vì lý do đó, nó được gọi là sự đạt được tiếp theo sau. Tham thiền được nói là giống như hư không, nghĩa là thoát khỏi hôn trầm. Hậu tham thiền được nói là như huyễn, nghĩa là hiện tướng là như huyễn theo nghĩa dù nó xuất hiện, chúng ta biết nó thật sự không có gì cả. 

Những thiện xảo hơn để duy trì tham thiền

[263]     Gampopa bàn luận ba thiện xảo trong duy trì tham thiền: thiện xảo lúc bắt đầu; thiện xảo trong gắn bó với kinh nghiệm; và thiện xảo trong việc cắt đứt tạo tác.

Thiện xảo lúc bắt đầu chủ yếu là một vấn đề hiểu rằng tham thiền là có giá trị và đem theo với nó những phẩm tính tốt. Điều này khiến chúng ta thích thú tham thiền và mong ước nó. Chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta có tham thiền, những phẩm tính tốt sẽ đến, và nếu không tham thiền, những phẩm tính tốt chúng ta có sẽ tan rã. Thế nên chúng ta có tin tưởng lớn lao về tham thiền và cảm thấy cảm hứng mạnh mẽ. Đồng thời chúng ta không cảm thấy chán ghét nó hay thích thú với những cái phá hoại tham thiền; nói cách khác, chúng ta không bị tràn ngập trong sự náo loạn của những tư tưởng và phiền não.

Thiện xảo thứ hai là thiện xảo nhận biết hai lỗi lầm căn bản trong tham thiền – hôn trầm và loạn động – và biết làm sao để sữa chữa chúng. Thêm nữa, chúng ta học cách không bám luyến vào những kinh nghiệm tạm thời khởi sanh. Có ba kinh nghiệm tạm thời: những kinh nghiệm trong sáng lớn lao hay quang minh, những kinh nghiệm không ý niệm, và những kinh nghiệm lạc. Chúng ta phải học không bám luyến vào những kinh nghiệm tạm thời lạc thú, trong sáng và vô niệm, chúng có thể quyến rũ và lừa dối. Những kinh nghiệm ấy có vẻ thật nhưng thật ra chúng là giả. Chúng giống như vỏ trấu của hạt lúa. Chúng ta phải bỏ qua chúng để đi xuống tâm như nó là – trần trụi, không tạo tác, và không thêm thắt. Thế nên thiện xảo thứ hai là “thiện xảo trong việc làm sao tránh vào những bám luyến vào những kinh nghiệm như vậy.”

Thiện xảo thứ ba cắt đứt thi công tạo tác xảy ra khi chúng ta đã phát triển sự tham thiền đến điểm chúng ta không dễ dàng bị những kinh nghiệm giả trá này quyến rũ. Tuy nhiên chúng ta không thể duy trì tham thiền lâu dài, thế nên chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chịu với tham thiền. Khi bắt đầu cảm thấy như vậy, rất khó để tiếp tục tham thiền. Chúng ta phải thiện xảo thấy được sự tham thiền hoàn toàn không sữa trị tạo tác này là thích thú. Khi thấy tham thiền là tốt là thích thú, chúng ta muốn thực hành. Tên của giai đoạn này là “cắt đứt ác cảm và tức giận đối với thực hành tham thiền.” Nó có cảm giác thoát khỏi cái bỏ lại sau phần chính của một bửa ăn.

Những phương pháp để duy trì Đại Ấn trong tham thiền

[264]     Trước hết chúng ta nhìn kỹ hơn làm sao đại ấn được duy trì trong những thời tham thiền. Có sáu phương pháp căn bản để làm điều này.

SÁU ĐIỂM CỦA TILOPA

Trước tiên chúng ta xem xét sáu điểm nổi tiếng của Tilopa để duy trì tham thiền, cũng được biết là sáu cách an trụ của Tilopa. Bài kệ của Tilopa nói:

Không nhớ,

Không nghĩ,

Không dự tính,

Không tham thiền,

Không phân tích,

An trụ tự nhiên.

Những lời đều có nghĩa nhiều hay ít cùng một sự việc, tuy nhiên chúng ta có thể quan sát một số phân biệt. Ba điểm đầu liên hệ đến chúng ta duy trì tham thiền như thế nào trong một thời gian thiền chính thức bằng cách làm việc với những tư tưởng quá khứ, hiện tại, và tương lai. “Không nhớ” là không theo những tư tưởng liên hệ với quá khứ. “Không nghĩ” là không tạo tác hay suy tính trong khoảnh khắc hiện tại. “Không dự tính” là không mời gọi những tư tưởng liên hệ đến tương lai, tức là, không xếp đặt và hoạch định cái chúng ta sẽ làm sau này.

Điểm thứ tư, “Không tham thiền” là bạn chỉ duy trì tỉnh giác của tâm mà không cố gắng chế tạo ra cái gì khác. Chẳng hạn không tham thiền về tánh Không, bởi vì làm như thế, bạn sẽ tạo tác ra tánh Không và bạn tham thiền về nó. Tương tự, không tham thiền về quang minh và do vậy không tạo tác quang minh nào đó rồi tham thiền về nó.

“Không phân tích” là bạn không dấn thân vào suy lường hay phân tích về phẩm tính của sự tham thiền của bạn. Chẳng hạn, chớ nghĩ sự tham thiền là tốt hoặc xấu. Không nghiên cứu truy tìm bằng cách dùng những suy lường lý thuyết hay hiểu biết do suy luận. Đúng ra, hãy đặt tâm bạn một cách trực tiếp, không có bất kỳ trung gian nào, trên chính tâm bạn.

Cuối cùng, “an trụ tự nhiên” là tâm an trụ với tâm như nó là theo một cách không tạo tác thêm bớt. Tâm được đặt trong tâm bình thường; nó an trụ trong tự tánh của tâm. Đây là sáu phương pháp do Tilopa dạy để duy trì một thời thiền.

BỐN DIỂM CỦA GAMPOPA

[267]     Bộ chỉ dạy khác gồm có bốn cách để duy trì tham thiền được biết nhiều trong truyền thống Kagyu. Các cách này trước tiên được Gampopa giải thích. Ý nghĩa của chúng thì tương tự, nhưng lời dạy và viễn cảnh có hơi khác nhau.

Lời chỉ dạy thứ nhất cho thiền giả là không siết chặt, hay tập trung, mà thư giản.

Lời chỉ dạy thứ hai là kinh nghiệm sự tươi tắn và mới mẻ; tức là, tâm như nó là, không có những lý thuyết, xếp loại, hay tạo dựng tánh Không và quang minh.

Lời chỉ dạy thứ ba là để cho tâm y như nó là. “Để cho tâm y như nó là” có nghĩa chớ mặc cho nó cái gì cả, không hành xử thao tác gì với tâm, hay tìm kiếm cái gì đặc biệt và khác thường. Thay vì thế, chỉ duy trì tỉnh giác về cái trước đây đã được chỉ ra.

Lời chỉ dạy thứ tư là chứng nghiệm rằng bản tánh của tâm vốn đã hiện hữu trong tâm chúng ta. Không cần khoát lên cho nó cái gì khác, hay nghĩ, “Tôi không chắc tôi đang làm đúng hay không.” Không cần lạc vào kiêu căng, nghĩ, “Tôi đã hình dung ra nó.” Hãy hiểu rằng sự nhận biết tâm xảy đến qua ban phước của guru chúng ta, và chỉ thư giản.

BA PHƯƠNG PHÁP KHÁC ĐỂ DUY TRÌ ĐẠI ẤN

[270]     Ba điểm chính để duy trì tham thiền được bàn luận thêm nữa. Điểm chính của sáu điểm của Tilopa là nói rằng, “Không tham thiền”. Điều này nghĩa là chỉ đơn giản an trụ trong tâm bình thường mà không có tạo tác nào cả. Từ điểm ấy, tham thiền không phải là một hoạt động tâm thức. Điều này được minh họa bởi lời khuyên của vị thầy vĩ đại Saraha khi ngài ví tâm của hành giả với xâu chuỗi của một Bà la môn – xâu chuỗi phải không quá chặt cũng không quá lỏng. Nếu tâm chúng ta quá chặt, chúng ta sẽ có những vấn đề rắc rối trong tham thiền. Cái đối trị cho điều này là, “Chớ tham thiền.” Lời khuyên này cho phép chúng ta thư giản. Tuy nhiên, nếu chúng ta thư giản quá nhiều, chúng ta sẽ sớm không tham thiền thật tánh của tâm. Cái đối trị cho sự thư giản quá độ này là, “Chớ xao lãng”. Hai cái đối trị này chứa đựng trong chúng lời khuyên chúng ta cần huấn luyện và kéo dài sự tham thiền về thật tánh của tâm.

Điểm thứ hai áp dụng khi tâm bắt đầu tán loạn và mọi loại tư tưởng bắt đầu sanh khởi. Tâm lang thang đây đó, và chúng ta rơi vào sự đu đưa của các khuôn mẫu khác nhau sanh khởi. Ở điểm này cái giúp ích là chánh niệm và cảnh giác, và trong hai cái, chánh niệm thì đặc biệt lợi ích. Điểm thiết yếu là không lang thang. Như vậy mọi chỉ dạy làm sao duy trì tham thiền có thể gồm trong hai điểm này: “Không tham thiền” và “Không lang thang.”

Điểm thứ ba xem xét “Không tham thiền” và “Không lang thang” bao gồm trong chúng những điểm thiết yếu của tham thiền như thế nào. “Không tham thiền” nối kết chủ yếu với thiền chỉ, trong đó lời dạy là thư giản, và “Không lang thang” nối kết chủ yếu với thiền quán trong đó dạy hành giả siết chặt hay chú tâm thích đáng.

Đối với một người bắt đầu, dễ rơi vào một trạng thái trong đó tâm chìm đắm và tối tăm nặng nề hay trở nên hoang dã loạn động. Đối trị cho hôn trầm là không tham thiền. Đối trị cho loạn động là không lang thang.

Duy trì Đại Ấn trong hậu tham thiền

[279]     Giữa duy trì đại ấn trong tham thiền và duy trì nó trong sau tham thiền, duy trì trong sau tham thiền quan trọng hơn. Lý do là, trong hai mươi bốn giờ, chúng ta chỉ có một số giờ để ngồi thiền, thời gian còn lại chúng ta làm việc khác. Sẽ cực kỳ lợi lạc nếu chúng ta có thể duy trì kinh nghiệm đại ấn trong những giờ sau ngồi thiền. Kinh nghiệm của chúng ta sẽ có thể khai triển hơn và hơn nữa khi cũng giảm căng thẳng và khó nhọc trong công việc và trong đời sống của chúng ta. Thế nên những phương pháp để duy trì kinh nghiệm tham thiền trong những thời kỳ sau tham thiền cần được xem là cực kỳ quan trọng. Phương diện này của thực hành đại ấn là cái làm cho nó đặc biệt hữu dụng cho thế giới Tây phương và thế kỷ hai mươi.

TỈNH GIÁC TRONG SAU THAM THIỀN

Duy trì chánh niệm không đứt đoạn trong sau ngồi thiền đòi hỏi sự nỗ lực nào đó. Phương diện của chánh niệm được đòi hỏi là không quên tâm đồng khởi. Nếu chúng ta duy trì được chánh niệm hoàn toàn và không bao giờ lang thang khỏi kinh nghiệm về tâm đồng khởi, chúng ta sẽ vẫn còn trong thời tham thiền. Bấy giờ cái gì là sự khác biệt giữa tham thiền chính thức về bản tánh của tâm và những thời kỳ sau đó? Trong những thời kỳ sau tham thiền, an trụ trong thật tánh của tâm được duy trì nhẹ nhàng. Bản văn gợi ý, “Nó không mất”. Chúng ta chỉ không lạc khỏi nó. Vẫn có một phần chánh niệm về thật tánh của tâm.

Chừng nào chúng ta giữ gìn phần chánh niệm này về bản tánh của tâm, bấy giờ khi những loại tư tưởng hay hiện tướng khác nhau sanh khởi, chúng ta không trụ định vào chúng như là có thật để bác bỏ hay xác nhận. Đúng ra, chúng ta ở lại ngay với tư tưởng hay hiện tướng ấy, kinh nghiệm nó và kinh nghiệm quang minh của nó. Bởi vì chúng ta có loại tỉnh giác ấy và có thể không bám vào những sự vật như là chân thật, chúng ta không lọt vào tham luyến và tức giận. Chúng ta không phải tạo hình những quan niệm – đánh giá những tư tưởng hay hiện tướng là tốt, xấu, và vân vân.

Thí dụ một đứa trẻ trong một phòng thờ Kim cương thừa. Khi đứa trẻ thấy những tranh vẽ các bổn tôn an bình và hung nộ, đứa trẻ chỉ nhìn vào đó, không quyết định là tốt hay xấu. Cũng như vậy, chánh niệm cho phép chúng ta kinh nghiệm những tư tưởng hay hiện tướng tự trình hiện trong tất cả sự sống động và rạng rỡ của chúng mà không chấp trụ vào chúng, không sanh những quan điểm và khái niệm khác nhau về chúng. Và như vậy chúng ta có thể ở trong một trạng thái không chỉ trống trải mà còn thanh tịnh và không biến chất bởi vì nó không bị suy nghĩ các sự vật tốt hay xấu, hấp dẫn hay không hấp dẫn làm tổn hại.

Duy trì chánh niệm trong sau tham thiền

Phương pháp duy trì kinh nghiệm tham thiền sau ngồi thiền là chánh niệm. Ở trước chúng ta đã nói về ba loại đồng khởi: tâm đồng khởi, tư tưởng đồng khởi, và hiện tướng đồng khởi. Trong thời ngồi thiền chúng ta quan tâm đến tâm đồng khởi; chúng ta nhận biết và nghiên cứu tâm đồng khởi và bản tánh của nó.

Khi ra khỏi thời thiền, chúng ta phải cố gắng nào đó với chánh niệm khi đi làm việc, nói chuyện với những người khác, và làm các hoạt động khác. Chánh niệm này không đến một cách tự nhiên. Có khi chúng ta có chánh niệm, những lúc khác thì không, nhưng cố gắng, chánh niệm trở nên vững chắc hơn; chúng ta càng trở nên quen thuộc với chánh niệm, nó càng trở nên liên tục.

Trong thời thiền chúng ta chánh niệm vào bản tánh của tâm. Chánh niệm sau tham thiền cũng không tách lìa khỏi đó. Trong sau tham thiền chúng ta có chánh niệm về suy nghĩ, soi chiếu lại, và nhớ lại bản tánh của tâm. Tâm chúng ta bị ảnh hưởng của sức mạnh chánh niệm này. Những tư tưởng sanh khởi, những hiện tướng  khác nhau sanh khởi, và chúng ta không tìm cách dừng chúng. Đồng thời chúng ta cũng không bám luyến vào chúng. Khi chúng sanh khởi, chúng ta không sợ chúng hay không khó chịu với chúng, cũng không khởi sanh phiền não. Đúng ra chúng ta cảm thấy an bình, thoát khỏi bám luyến và sợ hãi. Trong thí dụ đứa trẻ vào phòng thờ ở trên, nó nhìn mọi vật khác nhau, thấy mọi sự, nhưng không ngừng nghĩ, cái này trắng, cái này đỏ, đây là bổn tôn, đây là Đức Phật… Nếu chúng ta có thái độ và chánh niệm này trong sau tham thiền, tâm ta sẽ trở nên rất thư giản, trống trải, và bao la.

Chính xác, chúng ta làm gì với những tư tưởng và hiện tướng khi chúng sanh khởi? Bản văn đề cập điều này bằng cách nêu ra hai loại lỗi lầm chúng ta có thể mắc phải, và rồi giải thích cách thức thích đáng để đạt được mục đích.

Lỗi lầm thứ nhất là ngăn chặn tư tưởng và hiện tướng khiến chúng bị dừng hay không xuất hiện một cách rõ ràng. Lỗi lầm khác là theo chúng hay để chúng dẫn đi khiến chúng ta trở nên hoàn toàn xao lãng và mất chánh niệm. Chúng ta đi vào những tư tưởng rất bình thường như thể chưa từng thực hành tham thiền chút nào. Bấy giờ chúng ta như người bình thường, chối bỏ và chấp nhận những sự vật một cách thô lỗ. Thay vì thế, chúng ta phải làm việc với những tư tưởng và hiện tướng sanh khởi cho sáu thức. Bất kể cái gì xuất hiện, chúng ta duy trì cái hiểu về chúng như thuộc về một bản tánh mà nỗ lực của chúng ta không thể phạm trù hóa, nắm bắt, hay định nghĩa chúng.

Quả của kinh nghiệm tham thiền về tâm đồng khởi là mọi tư tưởng xuất hiện như tánh Không. Chúng xuất hiện nhưng chúng ta không bám nắm chúng. Chúng ta không xoay xở, tạo tác hay chế tạo cái gì. Chúng ta chỉ duy trì tỉnh giác tham thiền trong đó tâm an định vào bản tánh của nó. Đó là loại thấu hiểu thuộc chánh niệm chúng ta cần để duy trì sự tham thiền của chúng ta như là hậu tham thiền.

Chúng ta cần giữ loại chánh niệm này sống động trong bất cứ việc làm nào. Nếu là người mới bắt đầu, chúng ta xao lãng phần lớn thời gian. Có hai việc có thể làm đối với xao lãng này – một trong tham thiền và một trong sau tham thiền. Điều ích lợi nhất trong tham thiền là làm sanh khởi một chánh niệm rất mạnh mẽ về bản tánh đồng khởi của tâm. Trong sau tham thiền chúng ta phải nỗ lực áp dụng chánh niệm. Một khi đã làm điều đó, chúng ta sẽ có thể ở trong quang minh và tánh Không, không dùng nhiều nỗ lực khi những tư tưởng và hiện tướng sanh khởi.

Nếu chánh niệm này và kinh nghiệm về những tư tưởng và hiện tướng như là quang minh – tánh Không không sanh khởi, đây là một dấu hiệu chúng ta chưa liên hệ đủ với tham thiền. Nó là một chỉ điểm rằng khi chúng ta thực hành tham thiền chính thức, chúng ta cần nỗ lực để kinh nghiệm tư tưởng đồng khởi và hiện tướng đồng khởi, khảo sát chúng nơi chúng sanh khởi, nơi chúng dừng trụ, và nơi chúng đi đến.

Đem mọi sự vào con đường

Đoạn thứ ba về sau tham thiền nói về chúng ta đem tư tưởng vào con đường như thế nào. Gampopa gợi ý rằng chúng ta làm điều này theo ba cách. Cách thứ nhất là “tiêu hủy bất cứ cái gì mình gặp.” Nếu chúng ta có quen thuộc nào đó với kinh nghiệm sau tham thiền, nó giống như gặp một người bạn cũ. Khi những tư tưởng sanh khởi, chúng ta lập tức có chánh niệm và cảnh giác nhận hiểu bản tánh của chúng. Chúng ta nhận biết bản tánh của tư tưởng rất sớm sau khi tư tưởng sanh khởi, không đi vào phân tích. Khi chúng ta có thể làm điều đó, chúng ta có thể đi vào tâm vô sanh khi những tư tưởng và hiện tướng khởi lên mà không cần phân tích trước tiên. Chúng ta nhận biết một cách tự nhiên sự không sanh khởi của tâm, bản tánh vô sanh của nó.

Cách thứ hai là “làm sinh động lại tỉnh giác”. Điều này giống như chú ý rằng một người bạn đã thăm viếng chúng ta mà bỏ quên lại cái gì đó. Chúng ta chạy theo và cố gắng bắt kịp để bảo họ trở lại lấy đồ. Đó là cách chúng ta thực hành ở điểm này. Chúng ta đã rơi vào bùa mê của những tư tưởng và hiện tướng, chúng ta bị chúng tràn ngập cách nào đó, và chúng ta phải khởi động lại toàn bộ tiến hành tham thiền từ đầu. Chúng ta phải nhìn vào những sự vật cẩn thận và làm sinh động trở lại chánh niệm về cái đang diễn tiến.

Cách thứ ba được dịch theo nghĩa đen là “lưu xuất của không hiện hữu” Trong tình huống này chúng ta quen thuộc hoàn toàn với thực hành chánh niệm trong sau tham thiền. Nó giống như một ngọn lửa lớn cháy trong rừng. Bất cứ cái gì chúng ta liệng vào ngọn lửa đều cháy ngay lập tức. Nếu lửa mới ở giai đoạn đầu, củi ướt hay một cơn gió mạnh đe dọa ngọn lửa. Nhưng một khi ngọn lửa đã cháy bừng, bất cứ cái gì liệng vào đó đều trở thành nhiên liệu thêm nữa cho nó. Ở điểm này chúng ta đã trở nên quen thuộc với thực hành chánh niệm trong sau tham thiền đến độ bất kỳ loại tư tưởng hay hiện tướng nào, thậm chí bình thường thì rất khó khăn, chỉ là sự biểu lộ tự phát của thực tại, của pháp tánh.

Ba cách làm việc với tư tưởng và hiện tướng này trong sau tham thiền trở thành quen thuộc với chúng ta. Nếu rất quen thuộc với chúng, chúng ta có thể thực hành cách thứ ba; nếu ít quen thuộc, chúng ta thực hành cách thứ nhất; và nếu còn ít quen thuộc hơn nữa, chúng ta thực hành cách thứ hai.

THẤY MỌI VIỆC NHƯ MỘT PHÔ DIỄN HUYỄN THUẬT

Điểm thứ tư của đoạn này bình luận về thấy những hiện tướng là như huyễn nghĩa là gì. Trước chúng ta đã nói sự cân bằng tham thiền thì giống như hư không và hậu tham thiền thì giống như huyễn. Khi nói “giống như huyễn” có nghĩa rằng những sự vật của thế giới này – những màu sắc và hình dáng, âm tham, mùi, vị, sự vật sờ nắm được – không được thiết lập như chúng có vẻ vậy. Chúng xuất hiện cho thức và thức không thấy sự vật như chúng là.

Hai điều cần được trình bày nếu chúng ta muốn đến chỗ thực sự chứng ngộ thực tại là một ảo tưởng: những chứng ngộ những hiện tượng là trống không và những hiện tướng là như huyễn. Khi tâm thấu hiểu điều này một cách xác quyết và rõ ràng, chúng ta có, “hiện tướng như huyễn.” Một thí dụ khi một nhà huyễn thuật tạo ra hiện tướng của những sự vật – như ngựa và voi – những người khác thật sự thấy với thức con mắt của họ. Dĩ nhiên, nhà huyễn thuật tạo ra những hiện tướng ấy thì không bị chúng làm ngu dại; người ấy biết những hiện tướng không phải là cái chúng có vẻ như vậy do thức con mắt. Trong hiện tướng như huyễn, những sự vật xuất hiện với các thức giác quan, nhưng ý thức biết, không ngần ngại, rằng những hiện tướng ấy không phải như chúng có vẻ là vậy. Hiện tướng như huyễn xảy ra khi hiện tướng và cái hiểu xác quyết biết rằng hiện tướng là giả xảy ra đồng thời.

Huyễn có nghĩa gì trong “bất cứ cái gì xuất hiện đều giống như huyễn”? Một đoạn trong Kinh Định Vương nói:

Sự thiền định về những đặc tính

Thì trống không của bản tánh vô sanh,

Giống một ảo ảnh, một thành phố Càn thát bà,

Giống như một huyễn tướng hay một giấc mộng,

Hãy hiểu tất cả mọi hiện tượng theo cách như vậy. 

       Tashi Namgyal gợi ý rằng huyễn nghĩa là, một, pháp tánh và chứng ngộ trọn vẹn là huyễn, và, hai, những hiện tượng như năm uẩn là huyễn. Hiện tướng như huyễn ám chỉ hiểu biết của thiền giả rằng những sự vật không hiện hữu theo những cách chúng xuất hiện.

Đã nhận diện cái tâm hiểu hiện tướng như huyễn, bản văn bấy giờ giải thích cách mà hiện tướng sanh khởi. Những sự vật khác nhau xuất hiện cho năm thức giác quan, nhưng ý thức biết rằng những hiện tượng ấy không hiện hữu nội tại và chỉ là những hiện tướng. Đó là sự khởi lên của hiện tướng như huyễn trong hậu tham thiền.

Rồi bản văn giới thiệu những cách trong đó chúng ta có thể bị lầm lẫn về hiện tướng như huyễn. Trong những chỉ dạy tinh túy về đại ấn, thường có nói rằng chúng ta không nên thao tác tâm chúng ta theo bất cứ cách gì; đúng hơn, chúng ta phải nhận biết nó như nó là mà không tạo tác. Chúng ta để tâm an trụ trong hư không vốn như vậy. Có một số cách chúng ta có thể hiểu sai những lời dạy này. Chẳng hạn, chúng ta kinh nghiệm nhiều phiền não căn cứ trên những đối tượng bên ngoài và rất rối rắm và rồi nghĩ, “Ta chỉ thư giản trong này mà không cố gắng thay đổi hay bám chấp vào nó.” Đó là một lỗi lầm lớn. Hay chúng ta có thể kinh nghiệm những hiện tướng sai lầm bị nhiễm ô bởi vô minh và nghĩ rằng sự thực hành hiện tướng như huyễn là thư giản trong đó. Có một khác biệt lớn giữa thư giản trong tâm như nó là và thư giản trong vô minh. Không đúng nếu thư giản trong vô minh hay ý niệm, chúng không hiểu sự vật như chúng là.

Hợp nhất của tham thiền và hậu tham thiền

[289]     Bản văn tiếp tục bàn luận cách những thời kỳ tham thiền và hậu tham thiền có thể đi chung với nhau. Sự trộn lẫn tham thiền và hậu tham thiền chỉ xảy ra ở cấp độ rất cao của chứng ngộ, và nó đòi hỏi nỗ lực ghê gớm. Vào thời gian hiện tại, chúng ta không có nhiều kiểm soát hay quyền lực trên cái đó. Tuy nhiên, nó được nêu lên ở đây trong văn bản để làm sáng tỏ điểm này.

Khi được các học trò hỏi về hòa lẫn tham thiền và hậu tham thiền, Gampopa trả lời rằng nó ám chỉ không bao giờ tách lìa với tịnh quang. Điều này nghĩa là sự chứng ngộ tịnh quang xảy ra trong bất cứ điều gì chúng ta là – ngủ, ăn, mọi sự.

NHỮNG ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA ĐẠI ẤN: NHÌN THẲNG TÂM

Khenchen Thrangu Ringpoche
Essentials of Mahamudra, looking directly at the mind, Wisdom Publications, Boston, 2004.
Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2014.

SHARE:

Để lại một bình luận