SHARE:
Vài người trong chúng ta mới bắt đầu hành thiền. Có người đã hành được một hoặc hai năm nhưng chưa thông hiểu gì. Chúng ta không nắm vững và không tin chắc nơi pháp hành. Khi chưa tin chắc, ắt không thấy rằng tất cả mọi sự vật quanh ta chỉ thuần túy là Giáo pháp và do vậy, chúng ta quay trở về những lời dạy của quý thầy (Ajahn). Nhưng trong thực tế, khi chúng ta thấu hiểu cái tâm của chính mình, khi có đủ chú niệm (sati) để nhìn sâu vào tâm, ắt trí tuệ phát sanh. Giờ phút nào và nơi chốn nào cũng trở thành cơ hội tốt đẹp để chúng ta lắng nghe Giáo Pháp.
Chúng ta có thể học Giáo Pháp trong thiên nhiên, trong cây cối chẳng hạn. Cội cây được sanh ra do nguyên nhân, rồi trưởng thành theo giòng trôi chảy của thiên nhiên. Ngay tại đây, cội cây đang thuyết giảng Giáo Pháp cho chúng ta. Nhưng chúng ta không lãnh hội lời giảng. Rồi theo thời gian cây trưởng thành, lớn lên và lớn lên đến lúc nở mộng, trổ hoa, sanh trái. Tất cả những gì ta trông thấy chỉ là sự phát triển của hoa và quả. Chúng ta không thể đem nó vào bên trong mình để quán chiếu. Do đó chúng ta không hiểu biết rằng cội cây đang dạy ta bài học về Giáo Pháp. Trái trổ sanh và ta chỉ hái ăn mà không quán xét và tìm hiểu: ngọt, chua, hay mặn là bản chất tự nhiên của trái. Và đó là Giáo Pháp, là bài giảng của trái. Tiếp tục lớn lên, lá trở nên già, úa vàng, khô héo, chết và rơi rụng. Tất cả những gì ta thấy chỉ là những chiếc lá vàng khô rơi rụng đầy sân. Chúng ta đạp đi trên lá, và chúng ta quét sạch, chỉ thế thôi. Chúng ta không khảo sát tận tường và như vậy không lãnh hội được bài học mà thiên nhiên đang thuyết giảng. Về sau, lá non nở mầm, mọc lên, và ta chỉ thấy bấy nhiêu, không có gì hơn nữa. Đó không phải là chân lý được thấu hiểu bằng suy gẫm.
Nếu có thể đem tất cả những dữ kiện ấy vào bên trong và quán chiếu ta sẽ nhận thấy rằng sự sanh của cội cây và sự sanh của chúng ta không có gì khác biệt. Cơ thể này của chúng ta được sanh ra và tồn tại tùy thuộc nơi những điều kiện, những nguyên tố đất, nước, lửa, gió. Kế đó nhờ chất dinh dưỡng trong vật thực nó trưởng thành, và ngày càng lớn lên. Mỗi phần trong cơ thể đều biến đổi và trôi chảy thích ứng với bản chất thiên nhiên của nó. Không có gì khác với cội cây; tóc, móng, răng, da v.v…, tất cả đều biến đổi. Nếu chúng ta thông hiểu sự vật trong thiên nhiên ta sẽ tự hiểu biết chính mình.
Con người được sanh ra rồi cuối cùng, chết. Chết rồi sanh trở lại. Móng, răng, da cũng vậy, luôn luôn hoại diệt và mọc lên trở lại. Nếu thấu hiểu pháp hành chúng ta có thể nhận thức rằng cây cối không có gì khác chúng ta. Nếu lãnh hội được giáo huấn của chư vị thiền sư chúng ta sẽ nhận thức rằng cảnh vật bên ngoài và bên trong chúng ta cũng tương tợ nhau. Những sự vật hữu giác hữu tri và vô tri vô giác không có gì khác nhau. Nó cũng giống như nhau. Và nếu thấu đạt được tính cách giống nhau ấy, khi thấy bản chất thiên nhiên của một cội cây chẳng hạn, chúng ta sẽ hiểu rằng nó không có gì khác biệt với ngũ uẩn của chính ta – sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Hiểu biết như vậy tức hiểu biết Giáo Pháp. Hiểu biết Giáo Pháp chúng ta cũng hiểu biết ngũ uẩn, luôn luôn di động và không ngừng biến chuyển như thế nào.
Như vậy, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta phải giác tỉnh chú niệm, theo dõi canh chừng tâm mình. Nhìn thấy cảnh vật bên ngoài cũng như thấy sự vật bên trong. Thấy bên trong thì cũng giống như thấy bên ngoài. Nếu lãnh hội đầy đủ điều nầy ắt chúng ta có thể nghe lời dạy của Đức Phật. Nếu thấu hiểu như vậy ta có thể nói rằng Phật tánh hay bản chất Phật, “người hiểu biết”, đã vững vàng an trú trong tâm mình. “Người hiểu biết” ấy hiểu biết bên ngoài và hiểu biết bên trong. “Người hiểu biết” ấy thấu triệt tất cả sự vật nào phát sanh. Thấu hiểu như vậy, khi ngồi dưới gốc cây ta nghe lời dạy của Đức Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi ta nghe Đức Phật giảng dạy. Thấy, nghe, hưởi, nếm, sờ đụng và suy tư, ta nghe Đức Phật ban huấn từ. Đức Phật chính là “người hiểu biết” ấy, bên trong cái tâm này! Người ấy hiểu biết Giáo Pháp, quán chiếu Giáo Pháp. Không phải Đức Phật mà xưa kia đã thị hiện trên thế gian nay đến giảng cho chúng ta, nhưng bản chất Phật hay Phật tánh, “người hiểu biết” phát sanh. Tâm trở thành sáng tỏ.
Nếu chúng ta tôn trí vững chắc Đức Phật bên trong tâm mình, ắt ta thấy tất cả mọi sự vật, quán chiếu tất cả, và nhận thức rằng tất cả không có gì khác biệt với chúng ta. Chúng ta thấy rằng loài thú, cây cối, núi non và các loại dây leo đều giống như ta. Chúng ta thấy người nghèo, người giàu – không có gì khác ta. Người da đen, người da trắng – không khác! Tất cả đều có những đặc tính như nhau. Người mà thấy được như vậy thì bất cứ ở đâu cũng cảm nghe thoải mái, hài lòng. Người ấy lúc nào cũng lắng tai nghe lời dạy của Đức Phật. Còn nếu không hiểu được như vậy, thì dầu có trải qua suốt cuộc đời của mình, để nghe các bài giảng của chư Tăng, người ấy vẫn không thể lãnh hội ý nghĩa của lời giảng.
Đức Phật dạy rằng! chứng ngộ Giáo Pháp chỉ là hiểu biết Thiên Nhiên, hiểu biết thực tại ở quanh ta, hiểu biết bản chất của Thiên Nhiên ở ngay tại đây! (Nơi đây danh từ Thiên Nhiên bao hàm các sự vật, vật chất cũng như tinh thần, không phải chỉ có cây cối, thú vật v.v…). Nếu không hiểu biết cái Thiên Nhiên ấy ta sẽ gặp thất vọng và vui mừng, ta sẽ bị lạc lối trong những cảm xúc buồn vui, làm phát sanh sầu muộn và hối tiếc. Lạc lối trong những đối tượng của tâm (pháp), tức lạc lối trong Thiên Nhiên. Khi đã lạc lối trong Thiên Nhiên ta sẽ không hiểu biết Giáo Pháp. Đấng Giác Ngộ chỉ giản dị vạch cho ta thấy Thiên Nhiên ấy.
Tất cả mọi sự vật, khi đã phát sanh ắt biến đổi và hoại diệt. Những vật mà chúng ta nhồi nắn, như chén dĩa, tô, tộ… tất cả đều cùng một đặc tính. Do nguyên nhân nào đó, như ý muốn thúc đẩy con người sáng tác, một cái chén được nhồi nắn thành hình, rồi ta sử dụng cái chén, chén trở nên xưa, cũ, bể, và ta không còn thấy nó nữa. Cây cối, núi non và các giống dây leo cũng cùng một thế ấy, chí đến thú vật và người ta cũng vậy.
Khi Ngài Anna Kondanna (A Nhã Kiều Trần Như), nghe Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên liền chứng ngộ. Sự chứng ngộ ấy không có gì là phức tạp lắm. Ngài chỉ giản dị nhận thức rằng bất luận gì được sanh ra đều phải biến đổi, tự nhiên trưởng thành và đến thời kỳ, phải hoại diệt. Trước kia Ngài Anna Kondanna không bao giờ nghĩ đến điều ấy, hoặc có nghĩ chăng nữa cũng mù mờ, không tận tường, không sáng tỏ, nên Ngài còn chấp vào ngũ uẩn mà không buông bỏ. Đến khi ngồi lại giữ tâm chú niệm, lắng nghe Đức Phật giảng thì Phật tánh phát sanh đến Ngài. Ngài liền thọ nhận một loại “truyền thông” Giáo Pháp, vốn là sự hiểu biết rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Bất luận gì được sanh ra tự nhiên phải trưởng thành và hoại diệt.
Sự chứng nghiệm ấy quả thật khác biệt với bất luận gì Ngài được biết từ bao giờ. Ngài thật sự ý thức rõ ràng tâm mình là như vậy, “Đức Phật” thị hiện bên trong Ngài. Vào lúc bấy giờ Đức Phật tuyên bố rằng Anna Kondanna đã thọ nhận Pháp Nhãn (Nhãn Quan của Giáo Pháp).
Pháp Nhãn ấy trông thấy gì? Mắt ấy thấy rằng hậu quả dĩ nhiên của bất luận gì được sanh ra là trưởng thành và hoại diệt. “Bất luận gì được sanh ra” có nghĩa là tất cả mọi sự vật! Dầu vật chất hay tinh thần, tất cả đều nằm trong phạm vi của “bất luận gì được sanh ra”. Đoạn này hàm xúc tất cả Thiên Nhiên. Như thân này chẳng hạn — nó được sanh ra và tiến dần đến hoại diệt. Khi còn thơ ấu, nó “diệt” từ trong trạng thái thơ ấu ấy để trở nên “thiếu nhi”. Một thời gian sau nó “diệt” từ trạng thái thiếu nhi để trở nên thanh niên và nó tiếp tục “diệt” từ thanh niên để bước vào trung niên, rồi “diệt” từ trung niên để đến lão niên và cuối cùng chấm dứt kiếp sống. Cây cối, núi non và các loài dây leo, tất cả đều mang cùng một đặc tính, giống như nhau.
Như vậy, tri kiến hay huệ giác của “người hiểu biết” rõ ràng phát hiện vào tâm của Ngài Kodanna, ngay lúc Ngài ngồi đó. Sự hiểu biết tận tường về “bất luận gì được sanh ra” đã được vững chắc tôn trí một cách thâm sâu vào tâm não làm cho Ngài có đủ khả năng để nhổ tận gốc rễ mọi luyến ái bám níu vào cơ thể mình. Luyến ái ấy là thân kiến “sakkaya ditthi”. Điều này có nghĩa là Ngài không xem thân này là một tự ngã, một chúng sanh. Ngài không nhìn nó trong ý nghĩa “tôi” hay “nó” và không bám níu vào nó. Ngài ý thức rõ ràng và do đó, tận diệt thân kiến, sakkya ditthi.
Rồi hoài nghi (vicikiccha) cũng tận diệt. Khi đã nhổ tận gốc rễ mọi luyến ái vào thân (thân kiến) Ngài không còn chút gì hoài nghi về sự chứng ngộ của mình. Rồi giới cấm thủ (silabbata paramasa) cũng tận diệt.
(Thông thường danh từ giới cấm thủ được phiên dịch từ phạn ngữ silabbata paramasa, sự bám níu chấp vào nghi thức lễ bái. Ở đây Ngài Ajahn giảng nó, cùng với hoài nghi, đặc biệt liên quan đến thân kiến. Theo kinh điển, thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ là ba thằng thức đầu tiên trong mười thằng thức mà hành giả tận diệt khi bước vào giòng suối chảy đến Niết Bàn (Nhập Lưu). Mười thằng thức là mười dây trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng luân hồi. Đến khi hoàn toàn giác ngộ, vị A La Hán tận diệt tất cả mười thằng thức).
Lúc bấy giờ pháp hành của Ngài Kondanna trở nên vững vàng và trực tiến. Cho dù thân có đau đớn hay sốt nóng Ngài cũng không bám vào đó, không hoài nghi. Ngài không hoài nghi vì đã tận diệt luyến ái. Khi ta nhổ tận gốc rễ quan kiến chấp rằng thân này là tự ngã thì sự luyến ái bám níu vào thân và hoài nghi cũng chấm dứt cùng với nó. Nếu có ý niệm chấp rằng thân này là tự ngã phát sanh trong tâm thì hoài nghi và giới cấm thủ cũng bắt đầu ngay tại đó.
Như vậy, ngay vào lúc Đức Phật thuyết giảng xong Giáo Pháp thì Ngài Anna Kondanna khai thông Pháp Nhãn. “Mắt của Giáo Pháp” ấy chỉ là “Người hiểu biết rõ ràng”. Lối nhìn mới mẻ. Nó thấy chính cái Thiên Nhiên này. Nhận thấy Thiên Nhiên một cách rõ ràng, tường tận, nhổ tận gốc rễ mọi bám níu (thủ), và “người hiểu biết” được sanh ra đời. Trước đó Ngài hiểu biết, nhưng vẫn còn thủ. Quý vị có thể nói rằng trước kia Ngài hiểu Giáo Pháp nhưng vẫn còn chưa thấy Giáo Pháp, hoặc nữa, quý vị có thể nói là Ngài đã thấy Giáo Pháp nhưng chưa tự mình đồng hóa, đồng nhất thể, chưa là một với Giáo Pháp.
Vào lúc ấy Đức Phật tuyên bố, “Kondanna đã hiểu biết”. Hiểu biết gì? Ngài chỉ hiểu biết Thiên nhiên! Thông thường chúng ta lạc lối trong Thiên Nhiên, cũng như ta lạc lối trong thân này. Đất, nước, lửa và gió hợp lại cấu thành cơ thể này của chúng ta. Đó là một sắc thái của Thiên Nhiên, một hình thể vật chất mà mắt ta có thể thấy. Nó tồn tại nhờ vật thực, rồi trưởng thành và biến đổi, đến sau cùng hoại diệt.
Bây giờ, đi trở vào bên trong, cái trong thân, là thức “người hiểu biết” này, chỉ giản dị là sự hay biết. Nếu sự hay biết ấy được thâu nhận xuyên qua mắt thì được gọi là nhãn thức, xuyên qua tai thì được gọi là nhĩ thức, qua mũi là tỷ thức, qua lưỡi là thiệt thức, qua thân là thân thức và qua ý là ý thức. Thức chỉ có một, nhưng nó tác động ở nhiều nơi khác nhau, nên ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau. Xuyên qua mắt thì được gọi bằng tên này, qua tai ta lại gọi bằng một tên khác. Tuy nhiên, dầu tác động xuyên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý, chỉ có một sự hay biết. Theo ngôn ngữ của kinh điển, chúng ta gọi là lục thức, nhưng trong thực tế chỉ có một thức duy nhất phát sanh ở sáu căn khác nhau. Có sáu cửa vào, “lục nhập”, nhưng chỉ có một sự hay biết duy nhất, vốn là cái tâm này.
Tâm này có khả năng hiểu biết chân lý của Thiên Nhiên. Nếu tâm còn bị che lấp, ta nói rằng nó hiểu biết xuyên qua Vô Minh. Nó hiểu sai lầm và nó thấy sai lầm. Hiểu sai lầm, thấy sai lầm, hoặc hiểu và thấy đúng, chỉ là sự hay biết duy nhất. Chúng ta nói Tà Kiến và Chánh Kiến nhưng kỳ thật chỉ là một. Cả hai : tà và chánh, đều phát sanh từ một nơi. Khi là một kiến thức sai lầm, ta nói Vô Minh che lấp chân lý. Khi mà kiến thức là sai lầm, nó kéo theo cả dây, Tà Kiến, Tà Tư Duy, Tà Ngữ, Tà Nghiệp, Tà Mạng … tất cả đều tà! Đằng khác con đường của pháp hành Chân chánh cũng phát xuất từ một nơi đó. Khi có Chánh thì Tà biến dạng.
Đức Phật thực hành khổ hạnh, chịu đựng nhiều gian truân khổ nhọc, đau đớn và tự ép xác khổ hạnh, nhịn ăn v.v… Ngài quán chiếu thâm sâu vào bên trong tâm cho đến khi cuối cùng nhổ tận gốc rễ mầm mống Vô Minh. Tất cả chư Phật đều giác ngộ từ trong tâm, bởi vì thân nào có biết gì! Quý vị có thể cho nó ăn hoặc bắt nó nhịn đói cũng không sao. Nó có thể chết bất cứ lúc nào. Tất cả chư Phật đều thực hành với tâm. Các Ngài giác ngộ trong Tâm.
Đức Phật quán chiếu và từ bỏ hai pháp hành cực đoan – Lợi dưỡng, buông lung chìm đắm trong Dục Lạc và Lợi Dưỡng trong Đau Khổ — và trong bài pháp Đầu Tiên (kinh Chuyển Pháp Luân) Ngài thuyết giảng Trung Đạo, con đường khoảng giữa hai cực đoan ấy. Nhưng khi ta nghe những lời dạy ấy thì nó chạm lòng ham muốn của ta. Ta đắm chìm trong dục lạc và tiện nghi, ta mê say trong hạnh phúc, nghĩ rằng những điều ấy là tốt đẹp – đó là Lợi Dưỡng, buông lung trong Dục Lạc. Đó không phải là con đường chân chánh. Bất thỏa mãn, không vui, không thích và sân hận – đó là Lợi Dưỡng, buông lung trong Đau Khổ. Trên đây là hai cực đoan mà người đi trên con đường thực hành nên tránh.
Những “con đường” cực đoan ấy chỉ giản dị là hạnh phúc và đau khổ phát sanh đến ta. “Người đi trên con đường” chính là cái tâm này, chính là “người hiểu biết”. Nếu một cảm xúc dễ chịu đến, chúng ta bám níu vào điều tốt đẹp ấy, đó là Lợi Dưỡng trong Dục Lạc. Khi một xúc cảm khó chịu phát sanh, chúng ta bám vào nó bằng cách không ưa thích, đó là Lợi Dưỡng trong Đau Khổ. Cả hai đều là con đường lầm lạc, không phải là con đường của người hành thiền. Đó là con đường của người thế gian, những người đi tìm vui sướng và hạnh phúc, cố tránh sầu muộn và đau khổ.
Người có trí tuệ biết những con đường lầm lạc nhưng không tự buông trôi đắm chìm trong đó mà dứt bỏ, tách lìa ra khỏi nó. Người ấy không để bị dục lạc và bất toại nguyện, hạnh phúc và đau khổ gây xúc động. Nó phát sanh đến, nhưng người sáng suốt hiểu biết, không bám vào và buông bỏ, để nó đi theo bản chất thiên nhiên của nó. Đó là Chánh Kiến. Khi đã thấu triệt tận tường như thế, ắt có giải thoát. Hạnh phúc và đau khổ không có nghĩa lý gì, đối với người đã giác ngộ.
Đức Phật dạy rằng bậc Giác Ngộ xa lìa ô nhiễm. Điều này không có nghĩa là các Ngài bỏ chạy, tránh xa ô nhiễm. Các Ngài không chạy đi đâu cả. Ô nhiễm vẫn ở đó. Ngài lấy ví dụ lá sen trong đầm. Lá sen và nước cũng ở trong đầm. Lá sen trầm mình trong nước, nhưng nước không thấm vào. Nước như ô nhiễm và lá sen như tâm của bậc giác ngộ.
Tâm của người hành thiền cũng dường thế ấy, không bỏ chạy đi đâu cả, mà vẫn ở ngay tại đó. Thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, chánh và tà phát sanh — hành giả hiểu biết tất cả; chỉ giản dị hiểu biết mà không để cho nó xâm nhập vào tâm mình. Hành giả chỉ là người chứng nghiệm mà không bám níu. Nói rằng hành giả chỉ chứng nghiệm suông là nói theo ngôn ngữ thông thường của người đời. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp chúng ta nói rằng người hành thiền để cho tâm mình đi theo Trung Đạo.
Những sinh hoạt của hạnh phúc và đau khổ v.v… luôn luôn phát sanh, bởi vì nó là đặc tính của thế gian. Đức Phật thành đạt sự giác ngộ của Ngài trong thế gian, Ngài quán chiếu thế gian. Nếu không quán chiếu thế gian ắt Ngài không trông thấy thế gian và như vậy, không thể vượt khỏi lên trên thế gian. Sự giác ngộ của Đức Phật chỉ giản dị là giác ngộ chính nơi thế gian này. Thế gian vẫn còn đó: lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ, tất cả đều vẫn còn đó. Nếu không có những hiện tượng ấy ắt không có gì để giác ngộ. Điều mà Ngài hiểu biết chỉ là thế gian, những gì bao quanh tâm não của con người. Nếu con người chạy theo những cái ấy, mong tìm được tán dương, danh vọng, lợi lộc và hạnh phúc và cố gắng tránh những tình trạng đối nghịch, con người sẽ chìm sâu dưới trọng lượng của thế gian.
Lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ,– đó là thế gian. Người lạc lối trong thế gian không có đường để lẫn thoát. Người ấy đã bị thế gian tràn ngập. Thế gian theo Định Luật của Giáo Pháp, vì lẽ ấy chúng ta gọi là Thế Gian Pháp, Giáo Pháp của Thế Gian. Người sống trong thế gian pháp được gọi là chúng sanh trong thế gian. Người ấy sống trong tình trạng rối loạn.
Vì lẽ ấy Đức Phật dạy chúng ta phát triển Con Đường. Con Đường này, có thể phân chia thành Giới, Định, Tuệ, phải được phát triển trọn vẹn, đầy đủ, đến tận cùng! Đây là Con Đường thực hành nhằm tiêu diệt thế gian. Thế gian ấy ở đâu? Nó ở ngay trong tâm, và chúng sanh say đắm trong ấy! Hành động nào bám níu vào lời khen tặng, vào lợi lộc, danh vọng và hạnh phúc được gọi là “thế gian”. Khi nó ở tại trong tâm, thì thế gian trổi dậy, chúng sanh trong thế gian được sanh ra. Thế gian được sanh ra chỉ vì tại ham muốn. Lòng ham muốn là nơi chôn nhau cắt rún của tất cả thế gian. Chấm dứt ham muốn tức chấm dứt thế gian.
Pháp hành Giới, Định, Tuệ của chúng ta cũng được gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo này cùng với Tám Thế Gian Pháp là một cặp. Thế nào là Bát Chánh Đạo và Tám Thế Gian Pháp là một cặp? Nếu nói theo kinh điển thì lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ là Tám Thế Gian Pháp. Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định là Bát Chánh Đạo. Hai con đường bao gồm tám chi này – Thế Gian Pháp và Chánh Đạo – cùng tồn tại chung ở một nơi. Tám Thế Gian Pháp ở ngay tại đây, trong chính cái tâm này, cùng với “người hiểu biết”. Nhưng gì “người hiểu biết” này bị che lấp nên hiểu biết sai lầm và do đó trở thành thế gian. Chỉ có một người ấy, “người hiểu biết”, không ai khác! Bản chất Phật hay Phật tánh chưa phát sanh trong tâm này, nó chưa tự rút được ra khỏi thế gian. Một cái tâm như thế ấy là thế gian.
Khi chúng ta thực hành Con Đường, khi chúng ta rèn luyện thân và khẩu, tất cả đều xảy diễn trong chính cái tâm này. Vì cũng ở chung một nơi, nên con Đường và thế gian trông thấy nhau. Con Đường trông thấy thế gian. Nếu thực hành với cái tâm ấy chúng ta sẽ gặp sự bám níu vào những lời khen tặng, danh vọng, dục lạc và hạnh phúc. Chúng ta thấy luyến ái thế gian.
Đức Phật dạy, “Hãy hiểu biết thế gian. Nó rực rỡ sáng ngời như chiếc long xa của nhà vua. Kẻ cuồng si say mê, nhưng người trí thì không bị phỉnh gạt”. Không phải Ngài muốn cho chúng ta đi cùng khắp thế gian để nhìn xem, khảo sát và học hỏi mọi sự vật trong thế gian. Ngài chỉ muốn cho chúng ta theo dõi và quan sát cái tâm, vốn tùy thuộc nơi thế gian. Khi Đức Phật dạy ta hãy nhìn xem thế gian, không phải Ngài muốn chúng ta bị dính kẹt trong đó. Ngài muốn chúng ta khảo sát, bởi vì thế gian được sanh ra trong chính cái tâm này, Ngồi dưới bóng mát của một cội cây, quý vị cũng có thể nhìn thế gian. Khi có lòng ham muốn, thế gian phát hiện ngay tại đó. Khát vọng là sinh quán của thế gian. Dập tắt khát vọng tức dập tắt thế gian.
Khi ngồi thiền, chúng ta muốn tâm an lạc, nhưng nó không an lạc. Tại sao? Chúng ta không muốn suy tư, nhưng chúng ta lại suy tư. Chao ôi ! cũng giống như người kia ngồi nhầm trên ổ kiến. Kiến bu lại cắn tứ tung. Khi tâm là thế gian thì dầu có ngồi nhắm hai mắt lại ta chỉ thấy thế gian. Lạc thú, ưu phiền, lo âu, rối trí – tất cả đều khởi dậy. Tại sao? Là bởi vì chúng ta chưa chứng ngộ Giáo Pháp. Nếu tâm mà như thế ấy hành giả không thể chịu đựng thế gian pháp, hành giả không thể quán chiếu. Cũng chỉ giống như người ngồi trên ổ kiến. Kiến bu lại cắn bởi vì ta ngồi ngay trên nhà của nó! Như vậy thì phải làm sao? Phải tìm một chất độc, hoặc dùng lửa để đuổi kiến đi.
Tuy nhiên, phần lớn những người thực hành Giáo Pháp không thấy như vậy. Nếu cảm nghe vừa lòng, họ chỉ đeo theo trạng thái vừa lòng ấy, cảm nghe phật ý, họ chỉ dính mắc trong tình trạng phật ý. Đeo níu, bám chặt theo thế gian pháp, tâm họ trở thành thế gian. Đôi khi có thể chúng ta nghĩ, “Ồ” ta không thể làm được điều ấy, điều ấy vượt khỏi phạm vi khả năng của ta,”… và rồi ta không cố gắng. Đó bởi vì tâm đầy ô nhiễm. Các thế gian pháp không để cho Con Đường phát sanh. Chúng ta không thể nhẫn nại chịu đựng công trình phát triển Giới, Định, và Tuệ Minh Sát. Cũng chỉ giống như người ngồi trên ổ kiến! Người ấy không thể làm gì. Kiến bu ráp lại cắn và bò khắp châu thân. Người ấy bị chìm đắm trong tình trạng rối loạn và khuấy động. Anh ta không thể rời bỏ được chỗ ngồi nguy hiểm, và do đó cứ ngồi lỳ chịu đau khổ.
Với pháp hành của chúng ta cũng vậy. Thế gian pháp đã tồn tại, nằm sẵn trong tâm chúng sanh. Khi các chúng sanh ấy muốn tìm an lạc, thế gian pháp liền phát sanh ngay tại đó. Tâm còn vô minh, thì chỉ có đêm tối. Khi tuệ giác phát sanh, tâm trở nên sáng tỏ, bởi vì vô minh và tuệ giác cũng sanh ra trong một chỗ. Khi vô minh phát sanh tuệ giác không thể vào, bởi vì tâm đã chấp nhận vô minh. Khi tuệ giác phát sanh, vô minh không thể ở lại đó.
Vì lẽ ấy Đức Phật kêu gọi các đệ tử Ngài nên thực hành với tâm (tức hành thiền), bởi vì thế gian được sanh ra từ trong tâm. Tám thế gian pháp nằm ngay tại đó. Bát Chánh Đạo, tức sự quán chiếu bằng thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát, đức tinh tấn chuyên cần của chúng ta và trí tuệ mà chúng ta khai triển, tất cả những công trình ấy tháo gỡ nanh vuốt của thế gian. Tham ái bám níu, sân hận và si mê dần dần suy giảm, và chúng sanh nhẹ nhàng hơn, chúng ta hiểu biết đúng như vậy. Nếu có danh vọng, lợi lộc, hoặc có lời tán dương, có hạnh phúc hay đau khổ, chúng ta hay biết điều ấy. Chúng ta cần phải hiểu biết những điều ấy trước khi có thể vượt lên, thoát khỏi thế gian, bởi vì thế gian ở bên trong chúng ta.
Khi ta thoát ra khỏi các thế gian pháp, cũng giống như ta rời khỏi một ngôi nhà. Khi vào nhà ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta cảm giác là chúng ta đi ngang qua cửa và bước vào nhà. Khi lìa nhà ta cảm giác là đã lìa khỏi ngôi nhà và bước vào ánh sáng mặt trời, không còn tối tăm như lúc còn ở bên trong. Khi tâm vào thế gian pháp cũng giống như ta vào nhà. Khi tâm đã diệt trừ các thế gian pháp cũng giống như ta rời khỏi nhà.
Như vậy hành giả phải tự mình chứng nghiệm Giáo Pháp. Tự mình, hành giả hiểu biết đã tách rời ra khỏi thế gian pháp hay chưa, Con Đường đã được phát triển hay chưa. Khi Con Đường đã được phát triển tốt đẹp thì nó đánh đuổi thế gian pháp và trở thành ngày càng vững chắc, ngày càng lớn mạnh. Chánh kiến tăng trưởng, Tà kiến giảm suy, cho đến sau cùng Con Đường tiêu diêt ô nhiễm — nếu không vậy thì ô nhiễm sẽ tiêu diệt Con Đường.
Chánh kiến và Tà kiến, chỉ có hai con đường. Tà kiến cũng có mánh khóe của nó, quý vị biết không, nó có trí tuệ — nhưng nó là trí tuệ được trá hình. Vị hành giả bắt đầu phát triển Con Đường ắt có chứng nghiệm một sự phân chia. Giống như có hai người – một trong thế gian và một trên Con Đường. Nó phân chia tách rời ra. Bất luận lúc nào hành giả quán chiếu ắt cảm giác sự phân chia ấy và nó tiếp tục diễn tiến như vậy cho đến khi tâm thành đạt tuệ Minh Sát, Vipassana.
Hoặc nữa, có thể đó là Vipassanu (tức là Vipassanupakkilesa, tùy phiền não, một loại ô nhiễm vi tế phát sanh trong khi hành thiền). Đang cố gắng tạo những thành quả trong sạch trong pháp hành, khi nhìn thấy nó, chúng ta liền chụp, bám chặt vào nó. Loại bám níu này phát sanh từ lòng ham muốn thành đạt một cái gì trong pháp hành. Đó là Vipassanu, trí tuệ của ô nhiễm (tức trí tuệ ô nhiễm, hay tùy phiền não). Vài người phát triển trạng thái tốt đẹp rồi bám vào đó, họ phát triển trạng thái trong sạch và bám vào đó, hoặc họ phát triển tuệ giác và bám vào đó. Hành động bám níu vào trạng thái tốt đẹp hay tuệ giác là Vipassanu. Nó len lỏi xâm nhập vào pháp hành của chúng ta.
Như vậy, khi quý vị phát triển Tuệ Minh Sát, hãy thận trọng coi chừng! Hãy cẩn thận nhìn xem có phải là Vipassanu không, bởi vì hai hiện tượng ấy rất giống nhau, đến độ đôi khi ta không thể phân biệt. Tuy nhiên, với Chánh kiến chúng ta có thể nhận thức rõ ràng cả hai. Nếu là Vipassanu ắt có đau khổ phát sanh. Nếu thật sự là Vipassana, Tuệ Minh Sát, thì không có đau khổ. Có an lạc. Còn hạnh phúc và đau khổ, cả hai, đều vắng bóng, im lìm. Tự quý vị sẽ có thể thấy điều nầy. Pháp hành này đòi hỏi phải nhẫn nại chịu đựng. Vài người, khi đến đây hành thiền, không muốn có gì bận rộn, họ không muốn bị chao động. Nhưng họ cũng chao động như trước kia. Chúng ta phải tìm cách chấm dứt chao động, chính trong trạng thái chao động ấy! Như vậy, nếu có chao động trong khi quý vị thực hành, đó là đúng. Nếu không có chao động là không đúng, quý vị chỉ ăn và ngủ nhiều chừng nào cũng được. Khi muốn đi đâu hay nói gì quý vị chỉ làm theo ý muốn. Như vậy lời dạy của Đức Phật nghe không xuôi tai. Siêu thế quả thật trái ngược với tại thế. Chánh kiến đối nghịch Tà Kiến, trong sạch đối nghịch ô trược. Giáo Huấn của Đức Phật va chạm tham vọng của chúng ta.
Trong kinh điển có một câu chuyện về Đức Phật trước khi Ngài Thành Đạo. Lần nọ, khi có người dâng cúng một bình bát, Ngài lấy cái bát thả nổi trên giòng suối và chú nguyện trong lòng, “Nếu ta sẽ thành Phật, xin cái bình bát này trôi ngược giòng trở lên.” Cái bát trôi trở lên, ngược giòng! Cái bát ấy là Chánh Kiến của Đức Phật, hay Phật tánh mà Ngài sẽ thức tỉnh. Nó không theo một chiều với lòng tham của hạng chúng sanh thường. Nó trôi ngược giòng trôi chảy của tâm chúng sanh, đối nghịch trên mọi phương diện.
Ngày nay cũng vậy, giáo huấn của Đức Phật đối nghịch với tâm của chúng ta. Nó chỉ tiêu diệt! Con người muốn buông lung, lăn trôi theo tham ái và sân hận, nhưng Đức Phật không chịu vậy. Họ muốn chìm đắm trong ảo kiến, mê hoặc, nhưng Đức Phật tiêu trừ si mê. Như vậy, tâm Phật đối nghịch với tâm chúng sanh. Người thế gian cho rằng thân này là đẹp đẽ, Ngài nói nó không đẹp. Họ nói thân này là của họ, Ngài nói không phải vậy. Họ nói thân này có thực chất, Ngài nói không có. Chánh Kiến vượt lên trên thế gian. Chúng sanh trong thế gian chỉ buông trôi theo dòng.
Tiếp theo câu chuyện, khi Đức Phật rời khỏi nơi ấy, có một vị Bà la môn dâng đến Ngài tám bó cỏ. Ý nghĩa thực sự của tám bó cỏ ấy là tám thế gian pháp – lợi lộc và lỗ lã, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc và đau khổ. Nhận xong tám bó cỏ Đức Phật quyết định ngồi trên đó và nhập định. Chính hành động ngồi trên cỏ tự nó là nhập định, tức là tâm Ngài đã vượt lên trên tám pháp thế gian, khắc phục thế gian cho đến khi chứng ngộ siêu thế pháp. Thế gian pháp trở thành không còn ý nghĩa đối với Ngài. Ngài ngồi trên cỏ nhưng cỏ không gây trở ngại cho tâm Ngài, bất luận bằng cách nào. Những đạo binh của Ma Vương cố gắng cám dỗ Ngài nhưng Ngài chỉ ngồi đó, trong trạng thái nhập định, chế ngự thế gian cho đến khi cuối cùng, chứng ngộ Giáo Pháp và hoàn toàn chiến thắng Ma Vương. Đó là Ngài chiến thắng thế gian. Như vậy, chính pháp hành nhằm phát triển Con Đường đã tiêu diệt ô nhiễm.
Con người ngày nay không có nhiều đức tin. Khi đã thực hành trong một hay hai năm họ muốn đến nơi ngay, và họ muốn đi nhanh. Họ không nghĩ rằng Đức Phật, vị Thầy Tổ của chúng ta xưa kia phải mất sáu năm trường sau khi rời nhà trước khi trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Cũng vì lý do ấy mà chúng ta có truyền thống “tự do ra khỏi lệ thuộc” (Theo truyền thống này một vị mới xuất gia tỳ khưu phải sống “tùy thuộc” nơi vị thầy tế độ mình trong thời gian năm năm đầu tiên. Có nghĩa là người mới thọ Cụ Túc Giới phải sống với thầy mình ít nhất là năm năm, rồi sau đó mới được “tự do” sống xa thầy). Đúng theo kinh điển, một vị tỳ khưu mới xuất gia phải có tối thiểu năm hạ mới được xem là có thể sống riêng rẻ một mình (Mỗi năm một vị tỳ khưu phải trải qua ba tháng an cư kiết hạ vào mùa mưa. Tuổi đạo của thầy tỳ khưu được tính theo số hạ mà vị ấy trải qua). Trong khoảng thời gian năm năm ấy vị tỳ khưu đã học hỏi và thực hành đầy đủ, có kiến thức thích nghi, đủ đức tin và đủ phong độ tốt đẹp của một tỳ khưu. Người nào đã thực hành nghiêm chỉnh tròn đủ năm năm bên cạnh thầy. Sư cho rằng người ấy đã thuần thục. Tuy nhiên, người ấy phải thực sự thực hành chớ không phải “sống cho qua ngày tháng” với bộ y trong năm năm. Vị ấy phải thận trọng theo dõi pháp hành, phải thật sự hành!
Cho đến khi trải qua đủ năm hạ, quý vị có thể ngạc nhiên, “Cái mà Đức Phật gọi là tự do ra khỏi lệ thuộc là gì? Quý vị phải thực sự cố gắng tròn đủ năm năm rồi sẽ tự mình hiểu biết những đức tính mà Đức Phật đề cập đến. Sau thời gian ấy ắt quý vị sẽ thuần thục, tâm trí thuần thục, và vững chắc không thối chuyển. Tối thiểu, sau ba năm hạ ta phải đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên. Đây không phải chỉ là năm hạ tu cho thân mà cũng là năm hạ tu cho tâm. Vị sư ấy không để bị khiển trách, có tính hỗ thẹn tội lỗi và luôn luôn khiêm tốn. Vị ấy không dám hành động sai quấy, dầu trước mặt mọi người hay sau lưng ai nấy, dầu thanh thiên bạch nhật hay trong đêm tối. Tại sao không dám? Bởi vì vị ấy đã tiến đạt đến Đức Phật, “Người hiểu biết”. Vị ấy đã nương tựa nơi Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng.
Muốn thật sự tùy thuộc nơi Phật, Pháp, Tăng chúng ta phải thấy Đức Phật. Không biết Đức Phật mà nương tựa nơi Ngài thì lợi ích gì? Nếu ta chưa hiểu biết Phật, Pháp, Tăng thì quy y Tam Bảo chỉ là việc làm của thân và khẩu, còn tâm thì chưa đạt đến Tam Bảo. Một khi tâm đã đạt đến, ta sẽ biết Phật là như thế này, Pháp là như thế này, và Tăng là như thế này. Chừng đó ta có thể thật sự nương tựa nơi Tam Bảo, bởi vì Tam Bảo đã ở trong tâm ta. Bất luận đi nơi nào ta sẽ luôn luôn có Phật, Pháp, Tăng cùng ở với ta.
Một người như thế ấy không dám có hành động tội lỗi. Vì lẽ ấy ta nói rằng người đã đạt đến tầng giác ngộ đầu tiên sẽ không còn sanh vào khổ cảnh. Tâm của vị ấy đã vững chắc. Ngài đã bước vào Giòng Suối (Nhập Lưu), không còn hoài nghi nữa. Nếu không tiến đạt đến Toàn Giác trong ngày hôm nay vị ấy chắc chắn sẽ đến nơi đến chốn trong một ngày vị lai. Vị ấy có thể hành động lầm lạc nhưng không lầm lạc quan trọng đến nổi phải vào khổ cảnh, có nghĩa là vị này không thể thoái bộ đến độ có thân nghiệp và khẩu nghiệp bất thiện, không thể được. Do đó chúng ta nói rằng vị ấy đã sanh vào hàng Thánh, không thể thối chuyển. Đây là điều mà quý vị phải tự mình thấy và hiểu biết trong chính kiếp sống này.
Ngày nay, những ai trong chúng ta còn hoài nghi về pháp hành, khi nghe vậy sẽ nói, “Ồ, làm thế nào tôi có thể được vậy?”. Đôi khi chúng ta cảm nghe hạnh phúc, đôi khi giao động, bằng lòng hay bực bội. Vì lẽ gì? Bởi vì chúng ta không thông thiểu Giáo Pháp. Giáo Pháp nào? Chỉ là cái Giáo Pháp của Thiên Nhiên, cái thực tại bao quanh chúng ta, thân và tâm.
Đức Phật dạy, “Không nên bám níu vào ngũ uẩn, hãy buông bỏ, để cho nó đi!”. Tại sao chúng ta không thể cho nó đi? Chính vì ta không thấy, hoặc không hiểu biết nó đầy đủ. Chúng ta thấy nó là chúng ta, tự thấy chúng ta là ngũ uẩn. Hạnh phúc và đau khổ, chúng ta thấy là chính ta. Ta thấy chúng ta trong hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta không thể tự tách rời ra khỏi nó có nghĩa là chúng ta không thể thấy Giáo Pháp, chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Nhiên.
Hạnh phúc, đau khổ, vui và buồn – không có cái nào là mình, nhưng chúng ta lại ngỡ là của mình. Những cảm xúc ấy đến, giao tiếp với chúng ta và chúng ta thấy một khối “atta”, hay tự ngã. Nơi nào mà có tự ngã quý vị sẽ tìm thấy hạnh phúc, đau khổ và tất cả mọi cái khác. Do đó Đức Phật dạy hãy tiêu diệt “khối” tự ngã, tức là tiêu diệt thân kiến (sakkaya diihi). Khi tự ngã (atta) đã bị tiêu diệt ắt vô ngã (anatta) tự nhiên phát sanh.
Chúng ta chấp Thiên Nhiên là ta và chúng ta là Thiên Nhiên và như vậy không thật sự hiểu Thiên Nhiên đúng theo chân lý. Nếu nó tốt đẹp, ta vui cười với nó, nếu nó xấu, ta khóc vì nó. Nhưng Thiên Nhiên chỉ giản dị là hữu vi pháp (sankhara). Và như ta đọc tụng câu kinh “Tesam vupasamo sukho” – dẹp được các pháp hữu vi là hạnh phúc thật sự. Làm thế nào dẹp được các pháp hữu vi? Chúng ta chỉ loại trừ lòng luyến ái, bám níu vào nó và nhìn thấy đúng thực tướng của nó, thấy nó đúng như thật nó là vậy.
Như vậy, có chân lý trong thế gian? Cây cối, núi non và các dây leo, tất cả đều sống theo chân lý của nó, sanh và diệt theo bản chất thiên nhiên của nó. Chỉ riêng có chúng ta là không có chân lý. Chúng ta thấy nó và bận rộn lo lắng vì nó nhưng Thiên Nhiên vẫn bình thản, nó chỉ là vậy. Chúng ta cười, chúng ta khóc, chúng ta giết chóc, nhưng Thiên Nhiên vẫn nằm trong Chân Lý, nó là Chân Lý. Dầu ta có vui hay buồn thế nào, thân này chỉ đi theo con đường thiên nhiên của nó. Nó được sanh ra, trưởng thành và già nua, luôn luôn biến đổi và mỗi lúc mỗi già thêm. Nó theo Thiên Nhiên như thế ấy. Kẻ nào chấp rằng thân này là chính mình và mang nó theo đi cùng khắp với mình, kẻ ấy sẽ đau khổ.
Do đó, Ngài Anna Kondanna (A Nhã Kiều Trần Như) nhận thức rằng “bất luận gì được sanh ra” tất cả mọi sự vật, dầu vật thể hay vô hình. Cái nhìn của Ngài đối với thế gian đã thay đổi. Ngài đã thấy chân lý. Từ chỗ ngồi đứng dậy, Ngài mang chân lý ấy theo với mình. Tiến trình sanh và tử vẫn liên tục tiếp diễn, nhưng Ngài chỉ nhìn nó. Hạnh phúc và đau khổ phát sanh rồi hoại diệt, nhưng Ngài chỉ ghi nhận. Tâm Ngài không biến đổi. Ngài không bao giờ còn rơi vào khổ cảnh.Ngài không vui mừng hay phiền muộn vì những sự việc ấy. Tâm Ngài vững chắc củng cố trong công trình quán chiếu.
Đó! Ngài Kondanna đã thọ nhận Pháp Nhãn. Ngài thấy Thiên Nhiên đúng theo Chân Lý, cái Thiên Nhiên mà ta gọi là sankhara, pháp hữu vi. Trí tuệ là cái nhận thức chân lý của các pháp hữu vi. Đó là cái tâm hiểu biết và nhận thấy Giáo Pháp.
Cho đến ngày nào thấy được Giáo Pháp chúng ta còn phải nhẫn nại và kiên trì tự chế. Chúng ta phải chịu đựng, chúng ta phải từ bỏ! Chúng ta phải trau giồi hạnh chuyên cần và đức tính bền dẽo chịu đựng. Tại sao phải trau giồi hạnh chuyên cần? Bởi vì chúng ta lười biếng! Tại sao phải trau giồi hạnh nhẫn nhục chịu đựng? Bởi vì chúng ta không nhẫn nhục chịu đựng. Đường lối là vậy. Nhưng khi chúng ta đã kiên cố vững vàng trong pháp hành, đã chấm dứt lười biếng, chừng đó sẽ không cần sử dụng đến hạnh chuyên cần. Nếu chúng ta đã hiểu biết chân lý của tất cả những trạng thái tâm, nếu chúng ta không thỏa thích hay âu sầu vì nó, ắt ta không cần đến hạnh nhẫn nhục chịu đựng, bởi vì tâm đã là Giáo Pháp. “Người hiểu biết” đã trông thấy Giáo Pháp, đã là Giáo Pháp.
Khi tâm là Giáo Pháp, nó dừng lại. Nó đã đạt đến An Lạc. Không cần phải đặc biệt làm gì khác, bởi vì tâm đã là Giáo Pháp. Bên ngoài là Giáo Pháp, bên trong là Giáo Pháp. “Người hiểu biết” là Giáo Pháp. Trạng thái đối tượng là Giáo Pháp, và cái hiểu biết trạng thái ấy là Giáo Pháp. Nó là một. Nó tự do.
Thiên Nhiên này không phải được sanh ra, nó không già, không bệnh. Thiên Nhiên này không hoại diệt. Thiên Nhiên này không thỏa thích cũng không buồn phiền, không lớn không nhỏ, không nặng không nhẹ, không dài không ngắn, không trắng, không đen, không có cái gì mà quý vị có thể so sánh với nó. Không có pháp ước định nào có thể đạt đến nó. Vì lẽ ấy ta nói rằng Niết Bàn không màu sắc. Tất cả màu sắc chỉ là quy ước. Trạng thái thiên nhiên này vượt ra ngoài thế gian, không có quy ước nào của thế gian có thể theo kịp nó.
Như vậy, Giáo Pháp là cái gì đã vượt khỏi thế gian. Nó là cái gì mà mọi người phải tự mình trông thấy. Nó vượt qua khỏi mọi ngôn ngữ. chúng ta không thể nói ra thành lời hay viết ra thành chữ, quý vị chỉ có thể đề cập đến đường lối và phương tiện để thành đạt nó. Người đã tự mình thấy nó là đã viên mãn hoàn tất công tác của mình.
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS