TỔNG QUÁT VỀ NGƯỜI VIỆT

SHARE:

THIẾU TẬN TÂM, TRÁNH KHÓ TÌM DỄ
Hễ mỗi khi người khác ở nội xứ mình mà họ lập điều chi, thứ nhất là xài tiền nhiều, thứ hai là kiệt lực tận tâm.
Xem ra thì nước mình không sức mà làm đặng, dầu có sức về việc tiền bạc thì thiếu tay làm, bởi vậy làm không đặng. Sao mà người ta làm điều chi đặng hết, còn người mình mỗi điều nào đều là khó hết? Ví như hiểu là tại mình không tận tâm, tránh khó mà tìm dễ, thì xin một điều hãy trách và hờn lấy mình, sao mà đãi đọa lắm vậy? Theo ý mọn của tôi, hễ thấy người dị quốc làm điều chi phải và giỏi thì muốn ráng sức, bắt chước mà làm theo cho hơn, nếu không hơn thì cho bằng; chớ để mà trầm trồ khen ngợi việc người còn mình bỏ luôn bỏ hoang đi, thậm hổ lắm.
Lương Dũ Thúc
Nông Cổ Mín Đàm, 1901

KHÔNG CHÚ TRỌNG ĐẾN VĂN HÓA
Cả cuộc lịch sử của nước Nam là một cuộc chiến đấu vô hồi vô hạn đối với người Tàu hoặc bằng võ lực, hoặc bằng ngoại giao, hằng ngày chỉ nơm nớp sợ bị nội thuộc lần nữa. Cái công của các tiên dân ta chống giữ cho non sông đất nước nhà, can đảm vô cùng, kiên nhẫn vô cùng, thật đáng cảm phục. Nhưng cả tinh lực trong nước đều chuyên chú về một việc cạnh tranh để sinh tồn đó, cạnh tranh với một kẻ cường lân hằng ngày nó đàn áp, để cố sinh tồn cho ra một nước độc lập, còn có thì giờ đâu, còn có dư sức đâu mà nghĩ đến việc khác nữa. Cái quan niệm quốc gia bị nguy hiểm luôn nên thường lo sợ luôn chiếm mất cả tâm tư trí lự, không còn để thừa chỗ cho những quan niệm khác về văn hóa về mỹ thuật. Nói riêng về học thuật thì đã sẵn cái học của Tàu đó, tiêm nhiễm vào sâu từ thuở mới thành dân thành nước, không thể tưởng tượng được rằng ngoài sách vở của thánh hiền còn có nghĩa lý gì khác.
Phạm Quỳnh
Bàn về quốc học, 1931

TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI TỰ TƯ TỰ LỢI
Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước để tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908

XẤU LÀM TỐT DỐT LÀM THÔNG
Chúng ta thừa thụ cái cơ nghiệp của tiền nhân, sinh nở phồn thực ở đất nước này đã mấy nghìn năm đến nay lại gặp lúc ngọn triều tiến hóa tràn khắp mọi nơi, thế mà không làm sao bước tới theo người. Mà chỉ mê mẩn tối tăm, ngu hèn dốt nát đói nghèo khốn khổ không dám ló đầu ra với mọi người. Nhất ghét là xấu làm tốt dốt làm thông, mượn cái văn minh của người mà trang sức bề ngoài, kỳ thực trăm việc chẳng ra gì, nhân cách một ngày một hư, phong tục một ngày một nát; ngọc vàng bề mặt, thối nát bề trong, văn minh chẳng thấy đâu mà càng ngày càng thêm man rợ. Nghĩ thấy Tổ quốc mình như thế thôi thì không có việc mà bàn không có chuyện mà chép mà cũng không bàn làm gì không chép làm gì.
Ngô Đức Kế
Hữu Thanh, 1923

TRÔNG ĐỢI QUÁ NHIỀU Ở SỰ MAY RỦI
Phương ngôn có câu rằng “may hơn khôn”, chẳng qua là nhân một việc gặp may thì hơn thật; có phải là sự gì cũng kiêu hãnh mà được đâu. Dân nước ta nhân truyền tập câu ấy làm đầu lưỡi, mà không biết lẽ phải trái ra thế nào. Học tài thi phận, người học trò đỗ tại duyên trời; trông quả trồng cây, người làm ruộng chỉ nhờ hòn đất; người đi buôn gặp phiên chợ đắt thì may rằng ra ngõ gặp trai; người làm thợ gặp công cao thì may rằng áo vá gặp hội. Cho đến làm việc gì tiện lợi thì mừng rằng buồn ngủ gặp chiếu manh; làm việc gì gian truân thì than rằng chết đuối vớ phải cọc. Ai cũng lấy sự may làm chắc mà không biết rộng trí khôn ra, một câu nói làm lầm cho người ta lắm.
Đặng Vũ Kính
Đông Dương Tạp Chí, 1916

CÁI TỐT LẪN VỚI CÁI XẤU
Về đàng trí tuệ và tính tình người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức.
Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỷ, sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Trần Trọng Kim
Việt Nam sử lược, 1925

KHÔNG BIẾT HỢP QUẦN
Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói rằng “không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên”; câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội tinh thần dân chúng thì thấy tan tan tác tác rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau, thật cũng chẳng oan.
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928

KHÔNG BIẾT TÔN TRỌNG CẢ LỢI ÍCH CÔNG CỘNG LẪN LỢI ÍCH CÁ NHÂN
Sản nghiệp tài vật chung gọi là lợi ích công cộng. Có những kẻ chiếm đường quan, phá hoại cầu cống, phá trường học, công sở, đồ đạc trong thư viện, đèn điện trên hè phố, bẻ hoa ở công viên và vi phạm quy ước chung. Nơi du hí hội trường nhà hát họ cũng tranh giành nhau làm ồn ào náo động. Phàm những kẻ mưu tiện lợi cho mình mà bất tiện cho số đông đều không thể tha thứ được.
Những người tìm ra được một phương pháp làm ăn truyền lại được một kỹ thuật khéo léo cũng phải lao tâm khổ tứ. Nếu không có pháp luật bảo vệ quyền lợi khác biệt ấy, những người có tài sẽ sinh ra chán nản lười biếng và sẽ chẳng có sáng tạo mới nữa. Ở các nước, những sáng chế mới mẫu mã kiểu dáng mà sắc nhãn hiệu hàng hóa đều đăng ký ở các cơ quan hữu trách cho chuyên dùng. Người nước ta giỏi việc giả mạo, in ấn mô phỏng, luật pháp trong nước không định, các địa phương cũng cho là không cấp thiết, như thế mà mong xã hội tiến bộ được chăng?
Quốc dân độc bản, 1907

CHƯA TRƯỞNG THÀNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN CÔNG DÂN
Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hóa cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu; đi lính là giữ cho mình mà còn có người trốn tránh; đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh không đi; lại có những kẻ nay trộm mai cướp không để cho dân yên nghiệp.
Phạm Quang Sán
Nước ta đã dùng được phép luật văn minh chưa?
Đông Dương Tạp Chí, 1914
🍀🍀🍀☀🍀🍀🍀
TRÍCH: NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH
Vương Trí Nhàn (Sưu tầm và biên soạn)
Trần Văn Chánh (Tổng thuật và luận giải)
NXB Tổng Hợp TP.HCM 2024

Ảnh nguồn Internet

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: