SHARE:
Bạn có bất kỳ hối tiếc nào trong cuộc sống không? Dường như, tất cả mọi người đều có – và có lẽ có từ khi lịch sử được ghi chép lại. Doanh nhân nổi tiếng trong thời đại của chúng ta – Steve Jobs – trong cuộc phỏng vấn cuối cùng đã hối tiếc rằng ông chưa thể gần gũi hơn với bốn đứa con của mình.
Mặc dù một thế kỷ trước, Sigmund Freud đã phát hiện ra nhiều cảm giác tội lỗi của những bệnh nhân thuộc tầng lớp trung lưu người Áo – và liên tưởng nó với những suy nghĩ tình dục bị ức chế – nhưng ngày nay, các nhà tâm lý học coi hối tiếc là một hiện tượng khác có ý nghĩa rộng hơn. Chúng ta chắc chắn có thể hối tiếc mà không cảm thấy tội lỗi về suy nghĩ hoặc hành động của mình. Nghiên cứu tâm lý học hiện đang quy về quan điểm rằng, những gì chúng ta hối tiếc, tần suất chúng ta hối tiếc và hối tiếc tới cường độ nào là mọi điều tạo nên sự khác biệt. Những phát hiện này có ý nghĩa, vì không phải ai cũng suy nghĩ mãi về những sai lầm trong quá khứ hoặc những cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc sống, trong khi một số người lại không thể buông bỏ.
Các nhà tâm lý học phân biệt rõ ràng sự hối tiếc của chúng ta qua hành động với không hành động. Hối tiếc qua hành động chủ yếu kích hoạt những cảm xúc “gay gắt” như giận dữ, trong khi sự hối tiếc không qua hành động thường gợi lên cảm giác đăm chiêu hoặc u ám. Nghiên cứu cũng cho thấy mọi người trải nghiệm nhiều hối tiếc qua hành động của họ hơn khi xét trong thời gian ngắn, nhưng khi có tuổi, thái độ này đảo ngược. Nói cách khác, bạn có khả năng tìm thấy rất nhiều người ở độ tuổi 20 hoặc 30 hối tiếc về những điều dại dột mà họ đã làm. Ngược lại, những người ở tuổi trung niên và nhiều tuổi hơn hối tiếc về những điều họ đã không làm – và những hối tiếc đó có thể đau đớn hơn. Một điều hoàn toàn rõ ràng là sự hối tiếc nghiêm trọng gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Với hoạt động này, hãy nghĩ về một hối tiếc trong công việc, nghĩa là, điều ngu ngốc mà bạn đã làm. Hãy cho bản thân thời gian để kể lại đầy đủ và xác định lý do khiến bạn cư xử thiếu chín chắn, ích kỷ hoặc thiếu suy nghĩ. Bây giờ, với lợi ích của việc nhận thức muộn, hãy mô tả một hành vi tích cực khác mà bạn có lẽ đã thực hiện. Tiếp theo, kể lại một sự hối tiếc vì đã không hành động. Sau khi làm như vậy, sẽ rất hữu ích khi thực hiện “kiểm tra thực tế” kỹ lưỡng. Điều đó có nghĩa là liệu mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi đáng kể nếu như bạn thực sự thực hiện hành động đó, hay bạn chỉ đang mơ tưởng về một kịch bản hoàn hảo trong thế giới không hoàn hảo của chúng ta, còn thực tế thì nó không mang về mấy lợi ích hoặc thậm chí là không hề có lợi?
EDWARD HOFFMAN & WILLIAM C. COMPTON – TÂM LÝ HỌC TÍCH CỰC
——-❤️❤️❤️——–
Trích: Tâm Lý Học Tích Cực – Một cuốn sách thực tiễn để phát triển tiềm năng trong bạn/ Edward Hoffman – William C. Compton; 1980Books dịch; -H. Lao Động; 2020.
Ảnh: Canva
——-❤️❤️❤️——–
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS