NĂNG LƯỢNG VÀ CHÚ TÂM

SHARE:

Pupul Jayakar: Đa số người thấy rằng do nhiều áp lực khác biệt tác động lên tâm trí não nhân loại – bạo lực và khủng bố – nên đã thu hẹp phạm vi khám phá của chúng ta và khiến chúng ta không đủ sức giáp mặt với những tình huống phức tạp. Tôi xin đề nghị ta không đào sâu vào các vấn đề đặc biệt nào mà hãy vạch trần cấu trúc của trí não nhân loại, nhờ đó khiến ta giáp mặt với cấu trúc của tư tưởng, chỉ lúc bấy giờ mỗi người chúng ta mới có thể thâm nhập khám phá những phức tạp chiếm cứ thức của ta.
Krishnamurti: Chúng ta đã thảo luận cùng nhau về vận hành của sợ hãi bằng những từ ngữ thông dụng và dễ hiểu. Bà đã nghe các phát biểu ấy ra sao? Bà đã đọc các phát biểu ấy cách nào và chúng tác động lên bà ra sao? Ta đã nói rằng dục vọng, thời gian, tư tưởng và các tổn thương khác biệt – tất cả mọi thứ đó – là sợ hãi. Thách thức của phát biểu đó là gì? Phát biểu đó chỉ như một thách thức ngôn từ, suy luận hay là một thách thức thực và sâu? Phải chăng ta đã thảo luận trên một bình diện, mà ở đó, bà thấy sự thật trong những điều được trình bày?
Pupul, giả dụ bà truyền đạt cho tôi, không phải là sự mô tả về ngôn từ mà chính sự thật của toàn cả sự vật. Vậy tôi phải nghe cách nào đây phát biểu đó? Tôi không đối đầu hay so sánh điều bà nói với điều tôi biết, nhưng tôi thực sự lắng nghe những gì bà nói. Phát biểu đó đi sâu vào thức của tôi, nó nhập vào cái phần thức muốn thấu hiểu hoàn toàn điều bà nói.
Pupul Jayakar: Thưa ông, chúng ta bàn về tương lai của con người, về hiểm họa của khoa học công nghệ đang thay thế các chức năng của con người. Con người dường như đã bại liệt. Ông đã nói rằng chỉ còn có hai lối thoát cho con người: Một là chạy theo khoái lạc hoặc quay về với nội tâm. Tôi xin lỗi, ông làm “cách nào” để quay về với nội tâm.
Krishnamurti: Khi bà hỏi “cách nào”, tức là bà yêu cầu phải có một phương pháp, một cơ chế, một sự tu tập. Rõ ràng là như thế. Không ai hỏi “cách nào” mà có ý chỉ khác. Tôi phải đánh đàn dương cầm cách nào? Tôi phải làm điều này điều nọ cách nào? Trong từ “cách nào”, ngầm chứa phương pháp, đường lối hành động rồi. Vì vậy, khi bà hỏi “cách nào”, bà lọt lại cùng khuôn mẫu cũ về kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, tư tưởng, hành động.
Bây giờ, ta có thể không hỏi “cách nào” nữa mà chỉ quan sát trí hay não được không? Có thể nào chỉ thuần quan sát trí não – quan sát chứ không phân tích không? Quan sát hoàn toàn khác với phân tích. Phân tích thì luôn luôn tìm nguyên nhân; luôn luôn có người đứng ra phân tích và đối tượng được phân tích. Thế có nghĩa là người phân tích cách biệt với đối tượng phân tích. Sự cách biệt phân hai này là giả ngụy, không thực cái thực là cái đang diễn ra ngay “bây giờ”.
Quan sát là hoàn toàn thoát khỏi phân tích. Có thể nào chỉ quan sát mà tuyệt đối không có kết luận, không có định hướng, không có động cơ không? Có thể nào chỉ nhìn định hướng đơn thuần, trong sáng không? Hiển nhiên là có thể được khi bà nhìn các cội cây đáng yêu kia, việc làm đó hết sức đơn giản thôi. Tức là nếu tôi có thể nhìn cội cây một cách trung thực, không bị bóp méo, không bị xuyên tạc, bởi vì tôi nhìn bằng con mắt thịt và trong tiến trình quan sát đó không có chỗ cho phân tích. Tôi vượt khỏi đó. Nhưng nhìn ngắm toàn bộ vận hành của cuộc sống, quan sát cuộc sống y như nó là, không làm biến dạng sự sống là việc hoàn toàn khác.
Bây giờ, vấn đề là thế này: Liệu tôi có thể nhìn hay quan sát toàn bộ hoạt động của sợ hãi mà không truy tìm nguyên nhân của nó hay hỏi phải chấm dứt nó cách nào, hay trấn áp, hay lẩn trốn nó không? Có thể nào nhìn thấy và ở lại cùng với sợ hãi không? “Ở lại, ngồi lại cùng sợ hãi”, là ý tôi muốn nói là quan sát sợ hãi mà không khởi niệm, khởi tưởng, không để niệm tưởng xen vào quan sát. Tôi xin nói rằng chú tâm cùng đến với quan sát. Quan sát là chú tâm trọn vẹn. Chú tâm chứ không phải tập trung tư tưởng – chú tâm là chú tâm. Chú tâm giống như hội tụ ánh sáng vào một vật và trong việc hội tụ năng lượng đó – năng lượng là ánh sáng – vào sợ hãi, sợ hãi chấm dứt. Phân tích sẽ không bao giờ chấm dứt được sợ hãi, bà có thể thử. Vì vậy, câu hỏi là: Liệu trí não tôi có đủ sức chú tâm như thế không, một hành động chú tâm huy động toàn bộ năng lượng của trí năng, của cảm xúc, của các dây thần kinh, sao cho nhìn ngắm sự máy động của sợ hãi mà không khởi bất kỳ tư tưởng chống đối hay hỗ trợ, hay phủ nhận nào?
Pupul Jayakar: Tư tưởng khởi lên trong quan sát và không ở lại trong quan sát sợ hãi. Bấy giờ, biến cố gì xảy ra với tư tưởng? Tư tưởng không bị gạt bỏ sao? Ta phải làm gì? Tư tưởng nổi lên, đó là một sự kiện.
Krishnamurti: Hãy chỉ lắng nghe thôi. Diễn giả giải thích không chỉ cái sợ của từng người mà của cả loài người tức là cái dòng chảy chứa toàn niệm tưởng, thời gian, và ý muốn (dục vọng) chấm dứt, muốn siêu thoát khỏi dòng chảy ấy. Tất cả cái đó là chuyển động của sợ hãi. Bà có thể nhìn nó, quan sát nó mà tuyệt nhiên không động đậy không? Bởi vì bất cứ động đậy nào cũng là tư tưởng.
Pupul Jayakar: Ông bảo rằng cái động đó là sợ hãi, nhưng trong quan sát, tư tưởng khởi lên cũng là một sự kiện.
Krishnamurti: Xin hãy vui lòng lắng nghe. Tôi đã nói về dục vọng, thời gian, tư tưởng; tôi đã nói rằng tư tưởng là thời gian và dục vọng đó cũng là con đẻ của tư tưởng. Bà đã vẽ lên toàn cảnh của sợ hãi, trong đó bao gồm cả tư tưởng. Chắc bà thấy, Pupul, không có vấn đề triệt tiêu tư tưởng – không thể làm việc đó. Do đó, việc làm trước tiên là bà phải nhìn thấy tư tưởng. Nhưng nỗi bất hạnh của ta là ta không chịu chú tâm vào bất cứ vật gì.
Pupul, bà vừa nói điều gì về tư tưởng. Tôi đã lắng nghe hết sức cẩn thận; tôi đã chú tâm vào điều bà nói. Bà có thể chú tâm như thế không?
Pupul Jayakar: Ngay trong khoảnh khắc chú tâm không có tư tưởng; rồi tư tưởng lại khởi. Đấy là trạng thái của trí não. Rõ ràng là không có người làm. Không thể giữ mãi bất động cũng như không thể nói tư tưởng sẽ không khởi. Nếu đó là dòng chảy thì dòng chảy phải chảy thôi.
Krishnamurti: Ta đang thảo luận về quan sát phải không?
Pupul Jayakar: Vâng, ta đang thảo luận về quan sát. Trong quan sát, tôi vừa nêu vấn đề này lên vì nó là vấn đề chú tâm, tự trị, tự giác, vấn đề của trí não chúng ta, vấn đề tư tưởng sinh khởi trong quan sát. Vậy, tiếp theo là gì? Người ta phải làm gì với tư tưởng?
Krishnamurti: Khi bà chú tâm, tư tưởng khởi lên, bà đặt hoàn toàn sợ hãi sang một bên và bà theo dõi tư tưởng. Không biết tôi trình bày như thế có rõ chưa. Bà quan sát sự động đậy của sợ hãi. Trong quan sát đó, tư tưởng khởi sinh. Sự động đậy của sợ hãi không quan trọng. Tư tưởng khởi lên và sự chú tâm hoàn toàn vào tư tưởng mới là quan trọng. Có dòng chảy sợ hãi. Bà nói, “Hãy nói cho tôi biết tôi phải làm gì? Tôi đang sợ, làm cách nào để chấm dứt sợ hãi? Đừng nói đến phương pháp, cách thức tu tập mà là động thái chấm dứt sợ hãi”. Phân tích không chấm dứt được sợ hãi, chắc bà thấy điều đó quá hiển nhiên. Vì thế, câu hỏi là: Cái gì sẽ đứng ra chấm dứt sợ hãi? Chính là giác, giác tri toàn cả sự động đậy của sợ hãi không kèm theo mục tiêu, phương hướng chi cả.
Jagannath Upadhyaya: Ông đã phát biểu về việc quan sát sự chuyển động của sợ hãi. Tôi không chấp nhận ông phân biệt giữa phân tích và quan sát. Tôi không đồng ý ông loại bỏ phân tích. Chỉ thông qua phân tích, toàn bộ cấu trúc của truyền thống và gánh nặng của ký ức mới có thể được phá vỡ. Và chỉ khi phá vỡ được truyền thống và ký ức mới có thể quan sát. Nếu không, đó chỉ là trí não bị qui định quan sát mà thôi. Ông nhấn mạnh quan sát khác với phân tích, có lẽ từ đó có khả năng xảy ra một số tai biến hay đột biến mà nhiều người khác đã nói đến. Cho nên có cơ hội trong đó sákti hay sự truyền lực diễn ra.
Pupul Jayakar: Phải chăng đó là bản chất của hành động nhìn sợ hãi. Tôi trả lời phần nào câu hỏi thôi. Phải chăng hành động quan sát hay nhìn, hay nghe sợ hãi cũng có cùng bản chất như nhìn cội cây hay nghe tiếng chim hót? Hay ông đang nói tới cái nghe và cái thấy, tức là dùng con mắt để quan sát?
Achyut Patwardhan: Tôi thấy những điều Upadhyayaji đã nói rất nguy hiểm. Bạn ấy nói không thể có quan sát mà không kèm theo phân tích, và nếu có quan sát không kèm theo phân tích, bấy giờ quan sát đó có thể phải tùy thuộc vào sự thức tỉnh ngẫu nhiên của tuệ giác. Bạn ấy nói điều đó chỉ là có thể thôi. Tôi cảm thấy rằng trừ phi sự quan sát được gột sạch mọi phân tích, bằng không, sự quan sát đó không đủ sức thoát khỏi gông cùm của ý niệm, cái tiến trình trong đó chúng ta đã được dưỡng dục. Cái tiến trình đó, sự quan sát và cái hiểu dựa trên ý niệm đồng hành. Quan sát mà còn dính vào ngôn từ hay hiểu dựa trên ngôn từ tự nó vốn khác biệt với thuần quan sát. Vì vậy, theo tôi, cần phải đặt rõ vấn đề rằng phân tích là chướng ngại đối với quan sát. Ta phải thấy bằng sự kiện cụ thể rằng phân tích ngăn ta quan sát.
Krishnamurti: Thưa ông, ta có hiểu rõ rằng người-quan-sát là vật-được-quan-sát không? Tôi quan sát cội cây đó, nhưng tôi không phải là cội cây đó. Tôi cũng quan sát các phản ứng tâm lý khác biệt và tôi gọi tên chúng là tham, ghen, v.v… Bây giờ, người-quan-sát có khác biệt với cái tham? Người-quan-sát chính là vật-được-quan-sát – cái tham. Có rõ chưa, không phải về mặt tri thức mà là hiện thực? Ông có thấy sự thật của điều đó như là một thực tại sâu sắc, một sự thật tuyệt đối không? Khi quan sát như thế, thì người-quan-sát là quá khứ. Tôi sợ. Cái sợ đó là tôi; tôi không tách biệt với cái sợ đó. Vậy, người-quan-sát là vật-được-quan-sát. Trong hành động thấy sự thật tuyệt đối đó chỉ có một sự kiện duy nhất; sự kiện rằng sợ hãi đó là tôi, và tôi không tách biệt với sợ hãi. Lúc bấy giờ, có cần gì phân tích chứ?
Chắc ông thấy, trong sự quan sát đó – nếu là thuần quan sát – toàn bộ sự vật sẽ lộ bày và từ sự quan sát đó, có thể lý giải chặt chẽ từ A đến Z mà không cần phải phân tích.
Ta hoàn toàn không hiểu rõ sự kiện đặc biệt này: người-tư tưởng là tư tưởng, người-tư tưởng, người-kinh nghiệm là kinh nghiệm. Người-kinh nghiệm, khi anh ta kinh nghiệm điều gì đó mới, anh ta nhận biết kinh nghiệm. Tôi có kinh nghiệm với điều gì đó. Gắn cho kinh nghiệm đó một ý nghĩa, nhập nó vào trong cái tập hợp kinh nghiệm đã được ghi thu từ trước của tôi. Tôi hồi tưởng kinh nghiệm đó và thế là tôi tách kinh nghiệm ấy ra khỏi tôi. Nhưng khi tôi nhận chân rằng người-kinh-nghiệm, người-tư-tưởng, người phân tích là vật được phân tích, là tư tưởng, là kinh nghiệm – trong tri giác đó, trong quan sát đó, không còn có chia rẽ, không còn có xung đột, cho nên khi bạn nhận rõ sự thật đó, bạn có thể lý giải thật logic toàn bộ chuỗi sự việc.
Jagannath Upadhyaya: Đó có phải là sự kiện? Có phải là sự thật không? Làm sao ta biết liệu đấy phải là sự thật không, khi kinh nghiệm…?
Krishnamurti: Ta hãy đi chầm chậm. Tôi giận. Ngay lúc giận không có cái “tôi”; chỉ có cái phản ứng được gọi tên là giận. Một giây sau đó, tôi mới nói, “Tôi đã giận” và tôi đã tách cơn giận ra khỏi tôi.
Pupul Jayakar: Vâng.
Krishnamurti: Vậy là tôi đã phân cách cái giận. Khoảnh khắc sau đó, có cái tôi, và có cơn giận. Sau đó, tôi triệt tiêu, trấn áp cơn giận; tôi biện luận đủ điều về cơn giận. Tôi đã chia rẽ một phản ứng chính tôi thành “tôi” và “không phải tôi” và thế là toàn cả cuộc xung đột bắt đầu. Tôi đã hoang phí năng lượng để phân tích, trấn áp, xung đột với cơn giận. Nhưng khi tôi thấy cơn giận đó là tôi, khi tôi thấy rằng tôi được làm bằng những phản ứng – sợ, giận và vv.. – năng lượng mới được tập trung, năng lượng không còn bị hoang phí nữa. Với năng lượng đó, chính là chú tâm, tôi thu nhiếp cái phản ứng được gọi là sợ hãi. Tôi không động đậy xa lìa cái sợ nữa bởi vì tôi là cái đó. Bấy giờ, bởi vì tôi đã dồn hết năng lượng vào đó, cái sự kiện được gọi là sợ ấy biến mất.
Bà đã muốn khám phá bằng cách nào sợ hãi có thể chấm dứt. Tôi đã chỉ rõ, bao lâu còn có sự chia rẽ giữa bà và sợ hãi, sợ hãi vẫn còn tiếp tục tồn tại. Tựa như người Ả Rập và người Do Thái, tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo, bao lâu sự chia rẽ này còn, tất phải còn xung đột.
Pupul Jayakar: Nhưng thưa ông, ai đứng ra quan sát?
Krishnamurti: Không có “ai” quan sát. Chỉ có hành động quan sát.
Pupul Jayakar: Phải chăng hành động đó đến một cách tự phát?
Krishnamurti: Bà đã nói với tôi đó không phải là phân tích, rằng không phải cái này, không phải cái nọ và tôi vứt bỏ tất cả. Tôi không thảo luận nữa, tôi vứt bỏ hết và thế là trí não tôi thoát khỏi tiến trình phân tích của tư tưởng. Trí não tôi lắng nghe sự kiện: người-quan-sát là vật-được-quan-sát.
Pupul Jayakar: Chắc ông thấy, khi trí não quan sát, ta thấy trong đó có một chuyển động kỳ diệu. Chuyển động đã vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát và khả năng định hướng. Trong trạng thái quan sát đó, ông bảo: Hãy chú tâm vào sợ hãi.
Krishnamurti: Đấy là tất cả năng lượng của bà…
Pupul Jayakar: Thực sự có nghĩa là, chú tâm vào cái đang động. Khi ta hỏi, câu trả lời tức thì khởi lên trong trí não chúng ta. Thế nhưng, trong trí não ông, câu trả lời không khởi lên, ông thu nhiếp nó. Vậy, cái gì cho ông đủ sức thu nhiếp sợ hãi trong tâm thức? Tôi không nghĩ chúng tôi có đủ sức lực đó.
Krishnamurti: Tôi không biết, tôi không nghĩ đó là vấn đề năng lực. Năng lực là gì?
Pupul Jayakar: Tôi xin cắt bỏ từ “năng lực”. Có hành động thu nhiếp sợ hãi.
Krishnamurti: Tất cả là thế đấy.
Pupul Jayakar: Tức là cái phần đang chuyển động trở thành bất động.
Krishnamurti: Là thế đấy.
Pupul Jayakar: Sợ hãi chấm dứt. Việc đó không xảy ra với chúng tôi.
Krishnamurti: Ta có thể thảo luận một sự kiện không? Ta có thể cầm giữ, thu nhiếp bất cứ vật gì trong trí não ta một phút hay ngay cả một vài giây không? Ta có thể thu nhiếp bất cứ vật gì không? Tôi yêu thương, tôi có thể ngồi lại cùng tình tự đó, cái đẹp đó, sự trong sáng do tình yêu mang lại không? Liệu tôi có thể thu giữ nó, chỉ giữ thôi, không nói tình yêu là gì và không là gì? Chỉ cực kỳ đơn giản thu giữ, thu nhiếp tựa cái cốc chứa nước không?
Chắc bà thấy, khi bà có tuệ giác thấu suốt vào sợ hãi, sợ hãi chấm dứt. Tuệ giác hay cái thấy thấu suốt vào trong không phải là phân tích, thời gian, hồi tưởng, tất cả đó không phải là tuệ giác. Tuệ giác là tri giác tức thì điều gì đó. Ta vốn có cái giác ấy. Thông thường ta có cái giác sáng suốt ấy về điều gì đó. Phải chăng tất cả là lý thuyết? Tất cả các bạn có vẻ nghi ngờ…
Jagannath Upadhyaya: Thưa ông, tôi thấy rằng khi ông nói về sự sáng suốt, có một khoảnh khắc sáng suốt đó. Tôi chấp nhận. Nhưng sự sáng suốt đó phải là thành quả của cái gì đó đang diễn ra. Nó phải diễn ra từng chập, từng chập một, trên từng bình diện một. Sự sáng suốt của tôi không thể giống như sự sáng suốt của ông.
Krishnamurti: Thưa ông bạn, sáng suốt là sáng suốt, không phải của bạn hay của tôi. Trí tuệ không phải của bạn hay của tôi.
Pupul Jayakar: Thưa ông, tôi muốn đào sâu vào vấn đề khác. Trong lúc quan sát trí não động, tôi chưa bao giờ đi đến giai đoạn tôi nói rằng tôi đã quan sát trọn vẹn và thế là xong.
Krishnamurti: Bà không bao giờ có thể nói như thế.
Pupul Jayakar: Vậy là ông đang nói về quan sát là một trạng thái sống, tức là, ông đang di động trong quan sát, ông sống là sống để quan sát.
Krishnamurti: Vâng, đúng thế đấy.
Pupul Jayakar: Từ quan sát mà có hành động, hành động khởi lên từ quan sát; phân tích khởi lên; trí tuệ đến. Đó phải là quan sát không? Khổ một nỗi, chúng tôi quan sát mà không quan sát, cho nên trong chúng tôi luôn luôn diễn ra cái tiến trình nhị phân đối đãi. Không ai trong chúng tôi biết hành động quan sát ấy là gì. Không ai trong chúng tôi có thể nói rằng sống để quan sát là gì.
Krishnamurti: Không, tôi nghĩ vụ việc hết sức đơn giản. Bà không thể quan sát một người mà không có bất kỳ thành kiến, không có bất kỳ ý niệm nào được sao?
Pupul Jayakar: Vâng.
Krishnamurti: Trong quan sát đó hàm chứa những gì? Bà quan sát tôi hay tôi quan sát bà. Bà quan sát cách nào? Bà nhìn tôi cách nào? Phản ứng của bà về sự quan sát đó là gì?
Pupul Jayakar: Tôi quan sát ông bằng tất cả năng lượng mà tôi có. Không, thưa ông, sự việc trở nên quá tế nhị, riêng tư, tôi không thể tiếp tục trình bày.
Krishnamurti: Thế thì thôi vậy.
Pupul Jayakar: Tôi không thể nói rằng tôi không biết sống trong một trạng thái quan sát mà không có người quan-sát là gì.
Krishnamurti: Hãy cho rằng tôi đã kết hôn đi. Ta có thể lấy đó làm ví dụ chứ? Tôi đã kết hôn. Tôi đã sống với vợ tôi trong bao nhiêu năm. Tôi có tất cả những kỷ niệm trong năm hoặc hai mươi năm ấy. Vậy tôi nhìn nàng cách nào? Hãy nói cho tôi biết. Tôi đã kết hôn cùng nàng. Tôi đã sống với nàng – quan hệ tình dục và v.v… Khi tôi thấy vợ tôi trong sáng nay, tôi nhìn nàng cách nào? Phản ứng của tôi ra sao? Tôi có nhìn nàng mới lạ như mới nhìn lần đầu hay tôi nhìn nàng qua tất cả những kỷ niệm đang tràn ngập trí não tôi?
Tôi có quan sát bất cứ vật gì như mới gặp lần đầu không? Khi tôi nhìn vầng trăng kia, vầng trăng mới lên cùng ngôi sao hôm, tôi có nhìn vầng trăng như trước đây tôi đã chưa bao giờ thấy không? Tôi có thấy sự mới lạ, vẻ đẹp cùng ánh sáng của nó không? Tôi có nhìn bất cứ vật gì như mới lần đầu không?
Người hỏi: Ta có thể chết với những ngày hôm qua của ta, ta có thể chết với quá khứ của ta không?
Krishnamurti: Vâng, thưa ông, ta luôn luôn nhìn với gánh nặng của quá khứ. Vì thế, không có cái nhìn thực sự. Điều này là hết sức quan trọng. Khi tôi nhìn vợ tôi, tôi không thấy nàng như tôi thấy lần đầu tiên khuôn mặt nàng. Trí não tôi bị kẹt cứng trong kỷ niệm về nàng hay về cái này cái khác. Vì thế, tôi luôn luôn nhìn từ quá khứ. Có thể nào nhìn trăng, nhìn ngôi sao hôm như mới nhìn lần đầu, tức là cắt đứt mọi liên tưởng kết nối với trăng, với sao không? Tôi có thể thấy buổi hoàng hôn mà tôi đã thấy ở Mỹ, ở Anh, ở Ý, v.v.. như tôi mới thấy lần đầu tiên không? Thấy như thế, có nghĩa là não tôi không ghi thu những hoàng hôn trước mà tôi biết. Ta thấy bất cứ gì như mới thấy lần đầu được không?
Người hỏi: Rất hiếm hoi… Ông hỏi: Ta có thể thấy vắng trăng và ngôi sao hôm mà quá khứ không xen vào? Có thể do cái kỷ niệm ban đầu khiến ta nhìn.
Krishnamurti: Tôi hiểu điều bạn đang nói, và điều đó dẫn ta đến một câu hỏi khác. Có thể nào không ghi thu được không ngoại trừ những gì tuyệt đối cần thiết? Tại sao tôi phải ghi thu lời nhục mạ hay tán thưởng tôi đã tiếp nhận trong sáng nay chứ? Cả hai đều như nhau. Bạn tán thưởng tôi bằng cách nói buổi nói chuyện thật tuyệt và cô bạn kia nói tôi là một thằng ngu. Tại sao tôi phải ghi thu các phát biểu ấy chứ?
Pupul Jayakar: Ông hỏi liệu chúng tôi có nên chọn lựa ghi thu hay không ghi thu.
Krishnamurti: Không phải chọn lựa. Tôi hỏi nhằm để khám phá. Não bộ đã ghi thu hình ảnh con sóc trên lan can nhà trong sáng nay; não bộ đã ghi thu những con diều hâu đang bay lượn và ghi thu tất cả những điều bà đã nói và hiện đang nói trong cuộc thảo luận của chúng ta, tất cả đều được ghi thu và tựa như một máy hát đĩa chơi lại và chơi lại những bài bản cũ. Trí não không ngừng bận rộn phải không? Bận rộn như thế, bà không thể nghe, bà không thể thấy rõ. Vì vậy, ta phải tìm hiểu tại sao não bận rộn. Tôi bận rộn với Thượng Đế, ông kia bận rộn với tình dục, bà này bận rộn với chồng con, trong khi đó, người khác lại bận rộn với quyền lực, địa vị, chính trị, tài năng, v.v.. Tại sao? Phải chăng khi trí não không bận rộn, vì nó sợ bị trống rỗng? Phải chăng sự bận rộn khiến tôi cảm thấy mình sống và nếu không bận rộn tôi nói tôi chết mất? Phải chăng vì thế tôi đã bận rộn túi bụi từ sáng đến tối? Hay là do thói quen, hay đó là cách để não bộ tự mài giũa sắc bén? Sự bận rộn này hủy diệt não bộ và biến nó thành máy móc. Tôi không biết các bạn có theo kịp không? Tôi vừa trình bày xong vấn đề. Bạn nghe cách nào điều này? Bây giờ ta có thấy ta thực sự bận rộn và thấy rồi, hãy cứ ngồi lại, trụ lại với sự bận rộn được không? Rồi thấy biến cố gì diễn ra.
Khi bận rộn, trong trí não không còn chỗ trống. Tôi là một sưu tập gồm toàn bộ kinh nghiệm của nhân loại. Và nếu tôi biết cách đọc cuốn sách chính là tôi ấy, tôi mới thấy rằng sự tích của toàn nhân loại chính là tôi. Chắc bạn thấy ta bị qui định quá sâu nặng bởi cái ý nghĩ ta là những cá thể cách biệt, ta có những não bộ riêng biệt và các não bộ cách biệt với hoạt động vị ngã sẽ tái sinh, tái sinh mãi mãi. Tôi đặt vấn đề về cái quan niệm rằng tôi là một cá thể – không có nghĩa tôi là một tập thể, bởi vì có sự khác biệt. Tôi không phải là tập thể. Tôi là nhân loại.
NEW DELHI – 05.11.1981

—o0o—

LỬA GIÁC NGỘ – KRISHNAMURTI

Post: Thường An

SHARE: