THIỀN CẦU NGUYỆN

SHARE:

Thiền cầu nguyện là một phương tiện trong việc thể hiện nguồn lực tâm linh của bạn, là thứ cần thiết đối với việc chữa lành.

Để chữa lành thân tâm, chúng ta quán tưởng các hình ảnh về đức Phật. Chúng ta nghĩ và cảm nhận sự có mặt của các vị Phật Dược Sư này, những đấng giác ngộ mà chúng ta muốn cầu nguyện và tin vào sức mạnh chữa lành của các Ngài. Chúng ta cầu đảo và hưởng phước lành của các Ngài.

Điều này nghe có vẻ giống như sùng bái nhưng thực sự không phải vậy. Trong Phật giáo, các nguồn giáo lý bên ngoài và đối tượng tâm linh là một phương tiện đi đến tận cùng con đường. Nguồn chữa lành tối thượng là tâm chúng ta chứ không phải vật bên ngoài, những thứ tự thân không có năng lực cứu thoát cũng như thay đổi số phận của chúng ta. Đức Phật dạy:

Ta đã chỉ ra con đường thoát khổ do tham ái gây ra. Nhưng Phật chỉ dẫn đường, các con phải tự mình dấn bước.

Chấp nhận những vật được ban phước là phương tiện tu tập mà các Phật tử gọi là “phương tiện thiện xảo”. Nó là cách mà chúng ta thấy, nghĩ và cảm nhận về những vật này, sức mạnh niềm tin vào chúng, để giúp chúng ta tiến bộ trên con đường chữa lành tốt đẹp.

Toàn thể vũ trụ – tâm và thân, trái đất và những vì tinh tú, thời gian và không gian – đều là một, đều có sự an bình vô thượng trong giác tính. Nước trong đại dương, trong chai và trong cốc tuy hiện ra ở nhiều hình dạng khác nhau nhưng đều là nước. Giác tính là tính của bạn, của tôi và của vạn vật dù chúng ta trông có khác nhau. Giác tính vượt khỏi giới hạn của hình ảnh, ngôn từ, hay khái niệm chúng là “chủ thể” và “khách thể” mà là sự giác ngộ tính nhất nguyên của chúng.

Nếu toàn thể vũ trụ đều hợp nhất trong giác tính, an lạc tối thượng và nếu nó chính là thực tính của tất cả chúng ta thì tại sao chúng ta lại cần thực hành cầu nguyện để chữa lành?

Bằng việc chấp “ngã”, tâm thế tục của chúng ta thu hẹp quan điểm của mình trong cái “tôi” và “bạn”, “cái này” và “cái kia”. Tính chấp trước này của tâm thức đã giới hạn chúng ta trong vòng lao tù của vô minh, hạn chế và đau khổ.

Thiền định giúp nới lỏng sự bám chấp này, phá vỡ những rào cản tinh thần và tình cảm giữa “tôi” và “bạn”, “ta” với “người”. Nó giảm bớt sự hoài nghi và sợ hãi. Sức mạnh cầu nguyện mang đến cơn mưa phước lành có thể chữa trị những căn bệnh về cảm xúc và tinh thần, nó còn khuyến khích tâm giác ngộ nảy nở trong chúng ta.

Vì vậy chỉ cần chúng ta có xúc cảm và theo lối nhị nguyên, chúng ta phải đón tiếp các nguồn đối tượng phước báo bên ngoài làm trợ duyên cho việc chữa lành. Nếu tâm không được rèn rũa và phát triển, chúng ta cũng chẳng khác nào một đứa trẻ tập đi vậy. Chúng ta phải đi những bước đi của em bé, nắm lấy tay mẹ để đứng dậy cho tới khi cơ bắp chúng ta đủ khỏe để có thể tự đi.

Cầu nguyện là một tâm thức tràn đầy năng lượng nở rộ, bắt nguồn từ niềm tin, nơi không hề có ngờ vực. Chính niềm tin vào các vị Phật Dược Sư là nguồn chữa lành. Việc tin rằng thiền định là con đường chữa lành viên mãn và chính là trợ duyên cho hành trình của chúng ta.

Nếu chúng ta có niềm tin vào ở các đối tượng tích cực, mỗi bước đường sẽ dẫn ta đi đúng hướng, và chúng ta có thể hoàn toàn tin rằng mình sẽ đạt đến được mục tiêu cuối cùng. Đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), người sáng lập ra Phật giáo Tây Tạng đã dạy:

Tâm thoát khỏi hoài nghi,
mong muốn đều thành tựu.
Có đức tin hoàn toàn,
phước lành đến với bạn

Không có nắng, tuyết trên núi không thể tan thành nước. Không có lòng tôn kính các vị Phật Dược Sư từ tận đáy lòng, không phước báu chữa lành nào có thể đi vào cuộc đời ta. Sự tôn kính nới lỏng chấp trước của chúng ta và để cho thật tính của chúng ta chiếu sáng và lan tỏa. Kyobpa Rinpoche, người sáng lập ra tông phái Kagyudpa, nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tôn kính:

Nếu được luồng sáng của lòng sùng kính như mặt trời chiếu từ vị thầy như núi tuyết…,
dòng phước lành sẽ không tuôn chảy,
do đó tập cho tâm biết kính bái.

Nếu chúng ta không có niềm tin tôn kính thì ngay cả Phật Dược Sư có đứng trước mặt, chúng ta cũng không đạt được lợi ích nào. Tâm thức của chúng ta, chìa khóa duy nhất để thành tựu tâm linh, sẽ không mở ra đón nhận cơ hội đó. Đây chính là lý do tại sao một câu ngạn ngữ Tây Tạng nói rằng:

Nhìn ai cũng là Phật
Sẽ nhận được phước Phật,
Thấy ai cũng ngu si
Ta thành kẻ ngu si.

Giác tính, an lạc tối thượng có ở khắp nơi; có trong tất cả chúng ta. Luyện tập với lòng thành kính là một phương pháp đầy sức mạnh để khai mở giác tánh đó. Nhìn hình Phật với những đặc tính phước báu có thể chuyển hóa tâm thức chúng ta. Nếu có thể nhìn và cảm nhận những đặc tính giác ngộ của đối tượng này, chúng ta sẽ mở rộng tâm thức đến với việc chữa lành. Nếu có thể nghĩ đối tượng này có phước lành và tin vào sức mạnh của nó thì một cảm giác an lạc sẽ nảy nở trong tâm ta.

Nếu chúng ta không thể mở rộng đón nhận các đối tượng bên ngoài, xem đó là nguồn chữa lành thì sẽ khó mà hiểu rõ giá trị các đặc tính tích cực bên trong chính mình. Dựa vào các đối tượng phước lành là một phương pháp loại bỏ các thói quen của nhận thức và cảm xúc tiêu cực. Như vậy chúng ta sẽ có cơ hội lấy lại lòng tin và nhận biết cảm nghiệm an lạc.

Một số phương pháp hành trì của Phật giáo dùng hành động cúi lạy hoặc lễ bái một đối tượng phước báu để thể hiện lòng tôn kính. Đây là một cách đơn giản nhưng có tác động mạnh để từ bỏ bản ngã vì chính sự chấp trước kìm kẹp chúng ta không thể mở ra những nhận thức tích cực. Trong các phương pháp thiền tập chúng ta thực hiện, chúng ta không bái lạy ở phương diện vật lý nhưng mục đích thì không khác. Chúng ta sẽ buông bỏ chấp tâm và mở rộng đón nhận sự chữa lành.
——-🌱🌱🌱——–

Trích: Độ Sanh Vô Biên – Các Bài Tập Thiền Đưa Đến Giác Ngộ Tâm Và Chữa Lành Thân; Mộc Tử – Phương Lan dịch; NXB Từ Điển Bách Khoa, THAIHABOOKS.

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: