TỰ NHIÊN LÀ LĨNH VỰC CỦA NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ NÓI THÀNH LỜI

SHARE:

Nếu tự nhiên là lĩnh vực của những điều không thể nói thành lời thì lịch sử là lĩnh vực của những điều có thể nói thành lời. Quả thật, không thể nói nếu việc nói đó không mang tính lịch sử. Sinh viên lịch sử, cũng giống như sinh viên tự nhiên, thường tin rằng họ có thể tìm thấy một quan điểm trực tiếp, không thiên vị về các sự kiện. Họ nhìn vào trong cuộc sống của những người khác, chú ý đến vô số cách mà những cuộc sống đó bị giới hạn bởi thời đại mà chúng được sống. Nhưng không ai có thể nhìn vào trong một thời đại, dù là thời đại của chính mình, mà không nhìn ra ngoài nó. Không có nơi ẩn náu nào bên ngoài lịch sử cho những người xem như vậy, cũng như không có lợi thế nào bên ngoài tự nhiên.

Vì lịch sử là vở kịch của thiên tài, sự bất ngờ tàn nhẫn của nó cuốn hút chúng ta vào việc thiết kế các ranh giới cho nó, tìm kiếm thông qua nó các mẫu lặp lại. Những nhà sử học thỉnh thoảng nói về các xu hướng, các chu kỳ, các dòng, các lực, như thể họ đang miêu tả các sự kiện tự nhiên. Khi làm vậy, họ phải phi lịch sử hóa chính họ, có một quan điểm bất diệt với thời gian, tin rằng mỗi lịch sử được quan sát luôn về người khác và không bao giờ về bản thân họ, rằng mỗi sự quan sát là về lịch sử chứ bản thân nó không có tính lịch sử.

Những nhà sử học đích thực khi đó đảo ngược lại giả định của những nhà quan sát tự nhiên rằng sự quan sát, bản thân nó không thể là một hành động của tự nhiên. Những nhà sử họcmà coi bản thân thuộc về lịch sử đã cùng nhau từ bỏ sự giải thích. Chế độ thảo luận phù hợp với kiểu lịch sử tự nhận thức như vậy là tường thuật.

Giống như giải thích, tường thuật liên quan đến một trình tự các sự kiện và mang câu chuyện của nó đến một kết thúc. Tuy nhiên, không có một nguyên tắc chung nào mà khiến kết quả này trở nên cần thiết. Trong một câu chuyện chân thực, không có nguyên tắc nào khiến bất kỳ hành động nào trở nên cần thiết. Những sự giải thích đặt tất cả các khả năng rõ ràng vào trong ngữ cảnh của sự cần thiết; các câu chuyện đặt tất cả điều cần thiết vào trong ngữ cảnh của khả năng.

Sự giải thích có thể cho phép một mức độ tùy ý nhất định, nhưng nó không thể hiểu sự tự do. Chúng ta không giải thích gì cả khi chúng ta nói rằng mọi người làm những việc họ làm vì họ chọn làm chúng. Mặt khác, sự tạo ra kết quả không thể tìm được vị trí trong tường thuật. Chúng ta không kể câu chuyện nào cả khi chúng ta cho thấy rằng mọi người làm những việc họ làm vì họ bị bắt làm chúng – bởi gen của họ, hoàn cảnh xã hội của họ, hay ảnh hưởng của thánh thần.

Sự giải thích giải quyết các vấn đề, cho thấy rằng các vấn đề phải kết thúc theo cách chúng đã kết thúc. Sự tường thuật đưa ra các vấn đề, cho thấy rằng các vấn đề không kết thúc theo cách chúng phải kết thúc mà theo cách chúng kết thúc trong thực tế. Sự giải thích đặt sang một bên nhu cầu hỏi tiếp; sự tường thuật kêu gọi chúng ta nghĩ lại những gì chúng ta nghĩ là chúng ta đã biết.

Nếu sự im lặng của tự nhiên là khả năng ngôn ngữ, thì ngôn ngữ là khả năng của lịch sử.

—🌼🌸🌼—
TRÒ CHƠI HỮU HẠN VÀ VÔ HẠN – JAMES P. CARSE
Việt dịch: Anh Tú
NXB Hồng Đức, 2015

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

SHARE: