SHARE:
Một thí dụ cuối cùng cho thấy các chiều sâu của đời sống tâm linh và liệu pháp tâm lý có thể kết hợp cùng nhau như thế nào. Một thiền sinh là một bà mẹ đơn thân đã li hôn có một cậu con trai bảy tuổi đã nói chuyện với tôi vì cô cảm thấy bị ách tắc trong công việc và thất vọng với đời mình. Thiền tập đã cung cấp cho cô một sự thanh thản và thấu hiểu nào đó về sự mất mát và buông xả, nhưng tôi khuyên cô nên thực hành cả liệu pháp tâm lý nữa.
Khi trị liệu, cô lập tức phải đối diện với việc cuộc hôn nhân và li dị đã nhắc lại tuổi thơ của cô nhiều đến mức nào. Chồng cô đã bỏ cô khi con trai cô lên bốn, hệt như cha cô đã bỏ đi khi cô lên ba. Trong cuộc trị liệu của mình, cô đã dùng việc thở sâu để mở rộng thân thể và các cảm giác của mình. Khi cô tập trung thở và chú tâm, nỗi sợ hãi, buồn đau và các cảm giác sâu sắc về việc bị bỏ rơi tự chúng lần lượt khởi phát – những cảm giác mạnh mẽ cô đã không bao giờ cho bản thân mình đối diện khi thiền định. Với sự hỗ trợ của nhà trị liệu, sau nhiều tháng học cách tin tưởng và mở rộng các cảm giác của mình, cô đã có một buổi trị liệu đối diện với trung tâm của sự khổ đau vì sự bỏ rơi của cha cô. Cô nhìn thấy mình ở tuổi lên ba đang đứng ở đầu cầu thang trong khi cha cô quay lưng đi và bước ra khỏi đời mình, không bao giờ quay lại. Nỗi đau đớn của sự bỏ rơi này đang choáng ngợp trong cô.
Cô cảm nhận được cô đã mang sự bỏ rơi này trong thân mình ra sao, và thấy được cách cô đã chiếu lại nó hoài hoài trên sân chơi, trong trường đại học, trong cuộc hôn nhân của mình. Kết luận của cô từ khoảnh khắc ở tuổi lên ba kia là cô không đáng yêu. Nhà trị liệu chờ cô thở ổn định lại và cảm nhận trọn vẹn các cảm giác của cô. Sau đó, khi cô đã sẵn sàng, ông mời gọi cô nhìn sát vào cha cô – người cô tin rằng đã rời bỏ cô vì ông không yêu thương cô. Khi làm vậy, cô đã nhìn thấy một người đầy khiếp đảm và khổ đau. Trong trạng thái sâu sắc này, nhà trị liệu đã yêu cầu cô hình dung tình trạng cơ thể của cha mình – nó đã như thế nào? Cô cảm thấy sự căng thẳng và nỗi buồn rợn ngợp của một người đàn ông không hạnh phúc bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân thảm họa – đang chạy trốn đời mình.
Thế thì tại sao ông ấy không quay lại để nói lời tạm biệt? Ông không yêu thương cô sao? “Không phải”, cô trả lời với một tiếng nức nở giật mình – “Không, ông ấy đã yêu tôi rất nhiều và ông chỉ không thể chịu nổi nếu nhìn lại. Nhà trị liệu lúc ấy đã cho phép cô cảm nhận mọi phân cảnh đó và tưởng tượng nó theo những cách tĩnh lặng khác.
Cuối cùng, ông để cô quay lại với cái tôi lúc ba tuổi của cô và thâm trầm hỏi: Có phải cả đời cô đã tin rằng cô bị bỏ rơi vì cô thực sự không đáng yêu không? Cô hiểu ra rằng đó đã chỉ là câu chuyện được dựng lên bởi một nỗi đau buồn ở tuổi lên ba. “Là một cô con gái của bậc cha mẹ cá biệt như thế có nghĩa là gì?” nhà trị liệu hỏi. Cô đã thấy được toàn bộ căn tính mà điều này đã tạo ra. “Đây có phải là cô không, đây có phải căn tính đích thực của cô không?” sau đó ông ấy hỏi. Với câu hỏi này, một không gian phi thường mở ra. Cô nhìn thấy cách tâm trí của chính mình dung chứa cha mẹ mình và mọi khả tính khác, cách tâm thức đã mang theo hết thảy chúng Hít thở và buông xả, cô mở rộng xa hơn vào một tâm và trí bình an và sự nhận diện thuần túy, phi thời, vượt ngoài căn tính giới hạn của mình. Một ý thức thâm sâu về sự an trú và chữa lành ngập tràn tâm cô. Suốt vài tháng, những buổi trị liệu của cô đã tập trung vào cái căn tính mà cô đã dựng xây và vào những khả tính khác. Thông qua tiến trình này, sự thất vọng dần thuyền giảm và cô đã mang nguồn năng lượng mới tươi mát vào chuyện nuôi dạy con và làm việc. Việc thiền định của cô cũng được đào sâu mạnh mẽ. Từ đó, vài năm sau, cô đã gặp một thiền sinh khác và bắt đầu mối quan hệ lành mạnh đầu tiên của đời mình.
Khi nghe câu chuyện như vậy, ta rất có thể sẽ hỏi: Thiền định và liệu pháp tâm lý là một thứ sao? Liệu pháp tâm lý có thể đưa đến những nội quán và sự tự do tương tự như tâm linh ư? Để trả lời, ta phải công nhận rằng có nhiều loại trị liệu, hệt như có nhiều loại thiền định vậy. Một số thiền sinh có thể bị tụt hậu bởi các ý niệm kiểu cũ và sai lạc về trị liệu. Họ có thể mường tượng việc nằm trên một chiếc ghế dài, tự do liên kết và cải biên lại những câu chuyện tuổi thơ tuần này qua tuần khác, từ đầu đến cuối, hoặc được một nhà phân tích khuyến khích đào sâu vào những nỗi oán hờn và giận dỗi trong quá khứ, cho phép trút đổ cuồng nộ và khiển trách. Họ sợ nó sẽ chỉ dẫn đến một “sự tái sắp xếp ghế bố trên tàu Titanic”, việc điều chỉnh lại những vấn đề của đời họ, mà không bao giờ dẫn đến sự tự do vượt ngoài cái cá tính giới hạn, nhỏ bé của họ.
Mặc dù sẽ luôn luôn có nhiều loại trị liệu có giới hạn và các học viên xoàng, những hình thức trị liệu thông tuệ nhất cung cấp nhiều hiểu biết vượt xa điều này. Nhiều nhà tâm lý học cả Đông lẫn Tây phương đều công nhận sức mạnh của vô thức và của hoàn cảnh quá khứ trong việc duy trì sự sợ hãi, tham lam, sân si và ảo tưởng. Nhà trị liệu giỏi giải quyết sự sợ hãi và chấp trước, xấu hổ và ẩn ức, và sự co cứng ngầm bên dưới, đưa ra nhiều cách để khai phóng chúng. Mỗi thứ trong số chúng là một phần của một căn tính sai giả. Những phương tiện thiện xảo để giải quyết các gốc rễ của những vấn đề này có thể bao gồm quán tưởng, đóng vai, kể chuyện, sử dụng các loại nghệ thuật, mơ, rèn luyện thân thể và nhiều thứ khác. Một nhà trị liệu có kỹ năng sẽ nhận diện một số bản đồ của sự phát triển thời thơ ấu và những thứ cần thiết cho các cấu trúc của một bản ngã lành mạnh để tiến nhập bình an, cũng như các tiến trình của việc thức tỉnh sự phát triển luân lý, sự chấp thuận bản ngã và cá tính.
Hệt như những kỷ luật tâm linh truyền thống, liệu pháp Carl Jung, liệu pháp Wilhelm Reich, các trường phái tâm lý tổng hợp, tâm lý phi cá nhân, việc thở và rèn luyện thân thể nhiều kiểu, đã có nhiều cách phát triển riêng để mở rộng tâm thức tới một sự hiểu biết sâu sắc về cái bản ngã nằm bên dưới địa hạt ý nghĩ và lời nói. Khi các tiến trình này được kết hợp với một mối quan hệ thân cận và có ý thức của nhà trị liệu, chúng cho phép những khuôn mẫu và sợ hãi cũ khởi phát và được chữa lành bên trong một địa hạt an toàn, yêu thương và tin tưởng, không chấp trước. Trong mối quan hệ này, ý thức về sự rộng mở và một hiểu biết thông suốt hơn về bản ngã có thể được thức tỉnh, và những chân lý của đời sống tâm linh có thể đưa vào cuộc thực tập thiết thân.
Cố nhiên, điều quan trọng là phải chọn được một nhà trị liệu có kỹ năng và thông tuệ. Nếu Đức Phật là nhà trị liệu của bạn thì sẽ không có vấn đề gì. Việc chọn nhà trị liệu đòi hỏi sự chú tâm chu đáo mà chúng ta đã mô tả trong việc chọn đạo sư.
Nhà trị liệu không nên chỉ có kỹ năng mà còn nên chứng tỏ một ý thức rõ ràng về sự vẹn toàn và tử tế. Không quan trọng đến mức người ấy phải chia sẻ được đạo trình tâm linh đặc thù của thân chủ, nhưng người ấy phải tôn trọng đời sống tâm linh cùng các nguyên tắc chú tâm, từ bi và bao dung nằm dưới cả việc trị liệu và thiền định thiện hảo. Xét đến cùng, không phải những kỹ thuật đặc thủ của trị liệu mà chính mối quan hệ sâu sắc, được xây dựng bên trong sự nhận diện và lòng từ bi, cái tự thân nó là nguồn mạch của sự chữa lành. Việc tiếp xúc của tâm và trí ta theo cách này có thể là một kênh dẫn thấm sâu vào sự thấu hiểu những điều thiêng liêng và sự chữa lành các giới hạn của chúng ta.
Khi ta bị mọi người mình gặp phán xét quá lâu, chỉ riêng việc nhìn vào mắt ai đó mà không phán xét ta thôi cũng đã có thể là một sự chữa lành phi thường. Đạo sư tâm linh nổi tiếng Ram Dass làm được điều này trong những buổi trị liệu khi ông có dịp: ngồi và nâng niu trái tim của một thân chủ suốt ba tới năm giờ đồng hồ. Khi đó, ông sẽ nhìn sâu vào mắt họ và lắng nghe tận tâm về bất cứ nhu cầu mở rộng nào, rồi sau đó lắng nghe sự im lặng kỳ tuyệt vượt ngoài điều đó nữa. Tiếp chạm và được tiếp chạm với một người khác theo cách này có thể tạo ra một ý thức hoàn toàn mới về cái có khả năng trong các mối quan hệ của chúng ta. Trong không khí đó, ta có thể kể chuyện của mình và ý thức được những sợ hãi thường lệ cùng các giới hạn và cái cá tính co rút của thân và tâm ta. Sau đó ta có thể hỏi, trước sự hiện diện của người khác, rằng đây có phải là con người thực sự của mình không. Với liệu pháp tối hảo ấy, ta có thể tìm thấy sự trực nhận sâu sắc về tính vô vị kỉ và không chấp trước xuất hiện trong bất cứ đạo trình tâm linh nào.
Có phải điều này nghĩa là ta có thể chuyển hướng sang việc trị liệu như là giải pháp cho mọi đau khổ và ảo tưởng của ta không? Hoàn toàn không. Hệt như thiền định, liệu pháp tâm lý đôi khi thành công và đôi khi không. Nó tùy thuộc vào sự sẵn sàng và cam kết của ta, tùy thuộc vào kỹ năng của nhà trị liệu. Nó cũng tùy thuộc vào việc tiếp cận kia có đúng thời điểm trong đời ta không. Và thậm chí khi nó “thành công”, giống như những mở rộng có thể xảy đến trong thiền định, sự chữa lành thường chỉ là một phần và là sự khởi đầu của một tiến trình mở rộng suốt đời. Trong tiến trình này, cả thiền định và trị liệu đều không phải là giải pháp – mà là tâm thức. Hệt như những nội quán trong thiền tập không hoàn toàn đủ để ta tìm được lối đúng trên hành trình tâm linh, việc trị liệu cũng vậy.
Nhiều thiền sinh đến với thiền định sau một quá trình trị liệu lâu dài nhằm tìm kiếm sự tĩnh lặng, chiều sâu của hiểu biết, và sự tự do mà họ không tìm thấy trong trị liệu. Tuy nhiên, nhiều thiền sinh lại phát hiện nhu cầu chữa lành trong việc trị liệu và chuyển sang nó sau nhiều năm thiền định.
Đó chính là sự cam kết của ta với toàn bộ các chủ đề, sự sẵn lòng phơi mở mọi phương diện sâu sắc của hiện hữu. Có lẽ, với sự thấu triệt này, ta có thể kết hợp sức mạnh và các công cụ của tâm lý học phương Đông và phương Tây lại với nhau một cách khéo léo để sống một đời sống tâm linh trong xã hội thế kỉ này và tìm thấy sự khai phóng của tâm ta trong mọi cõi.
—🌼🌸🌼—
CON ĐƯỜNG TỪ BI – JACK KORFILED
Việt dịch: Như Lôi
NXB Đà Nẵng, 2020
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS