TÔI CÓ THỂ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÀ TÔI TỪNG NGHĨ.

SHARE:


Phần lớn động lực tinh thần của chúng ta bắt nguồn từ chính cuộc sống. Mỗi người sẽ có những hy vọng và ước mơ riêng, nhưng nếu chúng ta có thể gạt bỏ kỳ vọng mình đạt được một thành tựu tâm linh nào đó, thì ở một tầng sâu hơn và cơ bản hơn, điều đang thật sự xảy ra là: cuộc sống (hay sự hiện hữu) đang tìm cách ý thức và nhận thức đầy đủ về chính nó. Đây là động lực của tâm linh, và theo một nghĩa khác, nó cũng là động lực của khoa học, Khoa học là cách vũ trụ khám phá chính nó một cách khách quan, như một hoặc một loạt đối tượng khách thể, còn tâm linh là cách cuộc sống chiêm nghiệm về chính nó một cách chủ quan. Chiêm nghiệm bản chất của ý thức là suy nghĩ về trải nghiệm sống chủ quan nhất của bạn.
Từ “chủ quan” (subjective) trong tiếng Anh không hẳn là có nghĩa tích cực. Khi bạn nói với ai đó rằng họ đang chủ quan, điều đó có nghĩa là họ bị cuốn vào một quan điểm nào đó của chính họ và không thể nhìn ra bên ngoài quan điểm đó. Khía cạnh này của “chủ quan” khá tiêu cực. Nhưng cách tôi sử dụng từ “chủ quan” ở đây không tích cực cũng không tiêu cực, tôi đang dùng nó đúng với nghĩa gốc của nó. Các trường phái tâm linh là những phương cách khác nhau để khám phá trải nghiệm chủ quan của chúng ta về sự tồn tại. Khi thiền, khi đi vào nội tâm, là bạn đang cố gắng kết nối với ý thức chủ quan nhất của mình về hiện hữu.
Có nhiều cách trực tiếp và gián tiếp để làm điều này, nhưng tôi thiên về cách trực tiếp. Cái khó là cách trực tiếp này không phức tạp. Nếu nó phức tạp thì lại dễ hơn, vì nó cho tâm trí bận rộn của chúng ta nhiều việc để làm hơn, nhưng ở đây thì không. Khi nói về việc xem xét bản chất chủ quan của cuộc sống, ý tôi là quay trở lại nội tâm, ngồi với trải nghiệm chủ quan của mình. Thông thường khi nghĩ tới “trải nghiệm chủ quan về cuộc sống”, chúng ta nghĩ ngay tới các ý nghĩ, cảm xúc, ý kiến hoặc niềm tin của mình. Tuy nhiên, những điều này (suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm) không phải là chủ thể, ít nhất là không theo nghĩa mà tôi đang dùng. Chúng không phải là trải nghiệm chủ quan nhất của đời sống, bởi vì những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta nảy sinh trong nhận thức có ý thức, tồn tại một thời gian ngắn, rồi qua đi. Nhưng chúng ta có trải nghiệm về nhận thức ngay cả khi ta không suy nghĩ hay cảm thấy gì.
Khi chúng ta bắt đầu khám phá bản chất của ý thức thì ý thức đã luôn có mặt. Ngay phút giây này, ý thức ở ngay đây. Chúng ta không cần phải làm bất cứ điều gì để tạo ra ý thức. Theo một nghĩa nào đó, việc cố gắng tạo ra ý thức, nhận thức nhiều hơn, chánh niệm hơn có vẻ hữu ích – nhưng có một cách chánh niệm trực tiếp hơn là thừa nhận sự hiện diện của ý thức, của nhận thức, và thừa nhận thực tế là nó đang vận hành rồi. Ý thức đang hoạt động ngay lúc này, nhờ thế mà bạn có thể đọc những từ này. Đó là lý do bạn có thể cảm nhận, tư duy, phóng chiếu bất cứ điều gì về ý thức – ý thức làm cho điều đó trở nên khả thi.
Khi tìm kiếm trải nghiệm sâu sắc hoặc trực tiếp hơn về ý thức, một trong những sai lầm mà mọi người thường mắc phải là đi tìm ý thức như thể nó là một ý nghĩ nào đó, hoặc họ cần một định nghĩa “tốt” hơn về ý thức. Họ xem ý thức như một đối tượng, nhưng ý thức không phải là đối tượng; đó là trải nghiệm chủ quan nhất của bạn khi hiện hữu. Giống như nhãn cầu không thể nhìn thấy chính nó, ý thức không thể tự biến nó thành đối tượng của tri giác, bởi vì nó luôn luôn là chủ thể cuối cùng.
Khi xem xét bản chất của ý thức, đầu tiên chúng ta phải đi từ nơi không cố gắng hiểu và lý giải mọi điều, bởi vì đấy chỉ là ý nghĩ và chúng ta cần phải đào sâu hơn, qua cả ý nghĩ. Suy nghĩ không phải là trải nghiệm chủ quan nhất của chúng ta về đời sống, mặc dù nhiều người cho là như vậy bởi trải nghiệm của họ về bản thân cũng chính là những suy nghĩ không ngừng, bất tận về mình. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, hóa ra tất cả những suy nghĩ đó đều xuất hiện như đối tượng của ý thức và nhận thức.
Đôi khi tôi gọi đối tượng và trải nghiệm của chúng ta là “nội dung”. Nói một cách đơn giản, đó là nội dung trải nghiệm mà chúng ta thu nhận được qua các giác quan của mình – những gì chúng ta nhìn thấy, nếm, chạm, cảm nhận, suy nghĩ và tưởng tượng, tất cả là nội dung của ý thức chúng ta – và còn có bối cảnh mà trong đó mọi trải nghiệm, suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc và mọi nhận thức xảy ra. Bối cảnh tự nó không phải là ý nghĩ hay cảm giác, mà nó là không gian và ý thức, nơi ý nghĩ và cảm xúc nảy sinh. Nếu đi sâu thực hành tâm linh và chờ đợi một trải nghiệm lớn nào đó xảy ra – trải nghiệm đỉnh cao của mọi trải nghiệm khác – thì bạn sẽ bị ám ảnh bởi nội dung, ám ảnh bởi -những điều mà biết đâu có thể xuất hiện trong ý thức của bạn vào một lúc nào đó. Nhưng bất cứ điều gì có thể xuất hiện trong ý thức của bạn, bây giờ hoặc khi nào khác, rồi cũng sẽ trôi qua. Mọi thứ xuất hiện trong ý thức hoặc là đối tượng ý thức, theo một nghĩa nào đó, đều chuyển động; nó không tĩnh, không tồn tại lâu dài, vĩnh cửu. Đó là bản chất của nội dung.
Có lẽ Đức Phật sẽ nói nội dung là vô thường; nhưng chúng ta vẫn cứ bám chấp vào nội dung. Đôi khi, những người trí thức thường nghĩ rằng mình sẽ ổn nếu có phương pháp tư duy phù hợp, có suy luận, ý nghĩ đúng, hay có tri thức, hiểu biết đúng, do đó họ không ngừng tìm kiếm những hiểu biết mang tính khái niệm rõ ràng, cụ thể hơn. Người thiên về cảm xúc – trừ phi rất thận trọng – sẽ dành thời gian cho tâm linh, tìm kiếm trải nghiệm đúng hoặc cảm giác đúng. Việc tìm kiếm của họ sẽ diễn ra ở tầng cảm giác và cảm xúc, nhưng cảm giác và cảm xúc cũng là những thứ nảy sinh bên trong ý thức.
Khám phá bản chất của ý thức rất khó vì nó là sự đơn giản tận cùng. Chúng ta đã quen với việc tìm kiếm các đối tượng trong trải nghiệm của mình hoặc dự đoán trải nghiệm, nhưng khi nhìn vào bản chất của ý thức, chúng ta thấy rằng ý thức là yếu tố chung của mọi trải nghiệm. Không có trải nghiệm nào mà bạn không ý thức, không có nhận thức nào mà bạn không ý thức, vì ý thức luôn tồn tại. Khám phá bản chất của ý thức khác với khám phá bản chất của suy nghĩ – mặc dù ở đây tôi vẫn đang sử dụng từ ngữ, vốn là biểu tượng cho ý nghĩ, để cố gắng giúp ý thức phản chiếu lại chính nó. Sau cùng thì chúng ta không tìm kiếm hiểu biết “đúng” về khái niệm, hay có trải nghiệm “đúng” – mặc dù rất nhiều người thực hành do tâm linh bị mắc kẹt trong việc tìm kiếm hiểu biết hoặc trải nghiệm tối ưu.
Ý thức là bối cảnh; mọi trải nghiệm và hiểu biết đều diễn ra trong ý thức. Ý thức vượt qua mọi hiểu biết hay suy nghĩ, trải nghiệm. Điều này có thể gây nhầm lẫn cho nhiều người, bởi vì chúng ta đã quen với việc cố gắng nắm bắt ý thức theo nghĩa là hiểu biết hoặc trải nghiệm – tức là nắm bắt nội dung; và khi làm như vậy, chúng ta lại bỏ lỡ bối cảnh. Tôi nhắc lại, bối cảnh của mọi trải nghiệm và nhận thức chính là ý thức – ý thức đang tự ý thức chính nó.
Bạn không cần hiểu gì về ý thức hay nhận thức. Điều đó không cần thiết, vì ý thức vẫn hoạt động cho dù bạn có hiểu nó hay không. Chúng ta bắt đầu với sự thừa nhận: Dù tôi có hiểu hay không, ý thức vẫn hiện diện ngay tại thời điểm này. Ý thức có mặt, và nhận thức có mặt. Nếu có yếu tố suy ngẫm, thì đó là sự tự vấn. Khi khám phá bản chất của ý thức, chúng ta cũng đang khám phá bản chất của chính mình, ta thực sự là ai. Một phần của điều này là quay về với ý thức về ý thức, thay vì ý thức về điều gì đó. Điều giúp chúng ta làm được điều đó là phân biệt giữa nội dung và bối cảnh: bối cảnh là ý thức hoặc nhận thức, còn nội dung là mọi thứ khác. Khi phân biệt được hai yếu tố này thì bạn đã có thể nhận biết rõ ràng, sâu sắc về ý thức, bởi vì bạn sẽ không còn bị bám víu vào nội dung nữa.
Cố gắng bám víu vào nhận thức cũng giống như cố gắng tóm bắt không gian. Ý thức hay nhận thức là như vậy; tôi ví nó như không gian bởi vì bạn không thể nắm bắt nó, vì không có gì ở đó. Đó là một loại ánh sáng, nhưng ý tôi không phải là thứ ánh sáng mà bạn có thể nhìn thấy. Đó là thứ ánh sáng mà mắt thường không thể thấy được, nhưng nó vẫn có ở đó. Nếu bạn mất ý thức trong hơn một phút, nhận thức về bất cứ điều gì cũng sẽ chầm chậm rồi dần dần tan biến. Nếu ý thức hoặc nhận thức biến mất, sẽ không có trải nghiệm về bất kỳ điều gì; thậm chí là về cái không, hay khoảng trống. Nếu không có ý thức, không nhận thức, thì không có trải nghiệm về bất cứ điều gì.
Nhờ ý thức này mà ta mới có mọi trải nghiệm sống, bởi vì ý thức chính là toàn bộ trải nghiệm của chúng ta về sự hiện hữu. Khi đọc điều này, bạn có ý thức, và ý thức cũng như nhận thức đang vận hành. Bạn không cần phải cố gắng làm gì để có ý thức; đây không phải là thực hành để trở nên có ý thức hoặc nhận thức hơn, mà là quá trình thừa nhận ý thức và nhận thức đang có mặt. Chúng hiện hữu ở đây rồi. Có thể nói rằng, điều chúng ta làm là nhận thức được ý thức và cách mà nhận thức cảm nhận, mặc dù ý thức và nhận thức vượt lên cảm giác, bởi vì cảm giác cũng chỉ là những thứ được nảy sinh từ ý thức.
Khi nhận thức được nhận thức, cũng như ý thức về ý thức, chúng ta bắt đầu cảm nhận mọi thứ bằng trực giác; đó là cách cơ thể nhận biết ý thức. Do đó, tôi cho rằng, thực hành tâm linh về cơ bản là tập trung để nhận biết và cảm nhận về ý thức và nhận thức, thả mình trong những cảm nhận đó, rồi nhận ra rằng, mọi ý nghĩ, khái niệm, mô tả về bản thân đều là đối tượng của ý thức. Những thứ này có thể biến mất, nhưng bạn vẫn hiện hữu – như ý thức. Mọi ý nghĩ, niềm tin, quan điểm sẽ đến rồi đi. Chúng đi qua ý thức, qua nhận thức; đó là lý do tại sao bạn nghĩ đi nghĩ lại, bởi vì mọi khái niệm đều biến mất nhanh như chúng nảy sinh. Hãy tưởng tượng, tâm trí ngừng tạo ra ý nghĩ, phản ứng, cảm xúc – nó lắng lại trong giây lát. Trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ mất đi những định nghĩa quen thuộc về bản thân, nhưng ngay cả khi mọi danh tính quen thuộc đó không còn, vẫn còn đó nhận biết cơ bản về nhận thức và ý thức. Chân ngã vẫn tồn tại mà không cần định nghĩa hay đánh giá, bởi vì bạn là cái vượt lên mọi thứ đó. Nói cách khác, bạn vẫn tồn tại ngay cả khi không suy nghĩ về bản thân.
Bạn không tồn tại như ý nghĩ. Nếu mọi ý nghĩ trong tâm trí bạn dừng lại trong 5 giây, thì đây là 5 giây bản ngã không tồn tại, bởi vì bản ngã là dòng chuyển động của ý nghĩ và những cảm giác, cảm xúc nảy sinh từ ý nghĩ. Nếu không thể nghĩ về bản thân, bạn sẽ mất toàn bộ ý thức về bản ngã. Chân ngã sẽ không biến mất, chỉ có cái tôi mà bạn tưởng là bạn biến mất.
Khi buông bỏ điều mà bạn tưởng là mình – tốt, xấu, bình thường – bạn có thể bắt đầu đi vào trạng thái hiện hữu vốn có của mình – ý thức và nhận thức Đây là một phần của thiền quán: khám phá bản chất tên của ý thức và bản ngã. Đây là một pháp thiền – thậm chí bạn có thể cảm nhận được điều này ngay khi đọc những lời này – bởi vì đi sâu vào bản chất cốt lõi của bản ngã đòi hỏi chúng ta phải vượt lên khách thể của nhận thức. Bạn phải đào sâu mọi nẻo đường nơi cái tôi ẩn trú và nhận ra, khi buông bỏ mọi định nghĩa về bản thân, bản ngã chân thực của bạn, dù nó có là gì, nó vẫn tồn tại là chính nó. Hãy nhận ra: Chúa ơi, tôi có thể không phải là người mà tôi đã tưởng cả đời! Tôi có thể đã nhầm, và mọi người tôi biết cũng vậy. Tôi có thể là gì đó khác với tưởng tượng về bản thân.
Không gian này sẽ bắt đầu mở rộng khi chúng ta nhìn sâu hơn. Ta cảm thấy mình có thể thoát khỏi cái tôi tưởng tượng, và là một cái gì đó hoàn toàn khác. Ta bắt đầu có được cảm giác hay nhận thức được về sự bí ẩn của bản thể, của ý thức, và ta tự mình nhận ra, ý thức hay nhận thức là thứ có trước, là bối cảnh nơi mọi trải nghiệm, mọi nhận biết nảy sinh.
Quán chiếu vốn là một pháp thiền vì nó là cách duy nhất để chú tâm. Tôi không nói là bạn phải vặn mình ngồi kiết già hoa sen: ý tôi là thiền, theo nghĩa bạn có thể bước vào không gian tĩnh lặng của bản thể. Không gian tĩnh lặng này không khó tìm, vì nó luôn ở đó, là bối cảnh mà mọi thứ diễn ra. Chiêm nghiệm về bản thân, về hiện hữu, và về chính ý thức không khó như chúng ta hình dung. Nó thiết thân và trực tiếp hơn ta tưởng. Nó không khó vì phức tạp, nếu có khó chút nào thì là bởi vì nó ngay trước mắt và bạn không thể hình dung nó bằng tâm trí.
Nếu đang cố gắng để thiền bằng tâm trí sao cho “đúng và hiệu quả” thì bạn vẫn bị sa vào khái niệm. Có những lúc chúng ta phải dùng tư duy khái niệm, bởi đương nhiên, tâm trí là một công cụ hữu ích, đầy sáng tạo và hiệu quả. Tuy nhiên, khi xem xét bản chất sâu xa hơn của con người, ý nghĩ chuyển động liên tục có thể đánh lừa ta, khiến ta cảm thấy mình là ý nghĩ đó, là tập hợp của những định nghĩa về tôi, của những cảm xúc và cảm giác tương ứng nảy sinh từ những định nghĩa đó.
Định nghĩa đó không chỉ về riêng bạn, mà là về bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai. Những gì chúng ta biết về ai đó là một mớ thông tin – các ý tưởng, hình ảnh, những lát cắt quá khứ, đánh giá ở hiện tại và kết luận tất cả đều nằm trong tâm trí và đôi khi có thể hữu ích, dù không nhiều như ta tưởng. Đây không chỉ là suy ngẫm về bản thân, vì chiêm nghiệm sâu sắc về bản chất của ta là cánh cửa dẫn tới bản chất của vạn vật tự nhiên và mọi sự tồn tại. Nếu thực hành đúng cách, đây không phải là hành động tự tôn hoặc ái kỷ, bởi vì nó giúp chúng ta thức tỉnh khỏi nỗi ám ảnh về bản ngã. Hầu hết mọi người bị ám ảnh với cái tôi tồn tại trong tâm trí, cái tôi tưởng tượng; họ đấu tranh, bảo vệ nó, khẳng định nó với người khác, hoặc thậm chỉ cố gắng trở thành một người tốt hơn hay người giác ngộ. Cũng như ý nghĩ, cái tôi này hữu ích, mạnh mẽ và có khả năng đưa ý thức vào trạng thái gần như bị thôi miên khi ta nghĩ rằng mọi sự thật về bất cứ điều gì cũng nằm trong định nghĩa mà chúng ta đặt ra cho nó.
Chúng ta gọi nó là “không” và định nghĩa nó như vậy. Quán chiếu là một pháp thiền giúp bóc lớp vỏ bề ngoài và nhìn thấy những gì ẩn bên dưới. Đây vốn dĩ không phải là điều khó thực hiện. Chúng ta không cần phải đi sâu vào ý thức của mình để làm điều này -hoàn toàn không. Chúng ta chỉ cần có mặt ở đây, ngay lúc này, trước sự hiển nhiên của ý thức. Thách thức nằm ở chỗ ở lại với một điều đơn giản. Nghiền ngẫm một điều đơn giản theo cách thực sự nhất quán thì khó hơn nhiều so với đi vào sự phức tạp. Sự phức tạp giúp tâm trí bạn được tiêu khiển không ngừng, nó cho tâm trí cái gì đó để làm, nhưng chỉ có sự tối giản mới kết nối trực tiếp được với ý thức, vì không có gì để bám víu.
Bạn không thể tóm lấy ý thức hay nhận thức, cũng không thể đánh mất nó. Bạn có thể phân tâm và bắt đầu bị cuốn vào ý nghĩ hay cảm giác tiếp theo, nhưng ngay cả khi đó, mọi tư tưởng vẫn diễn ra trong ý thức, vì vậy chúng ta không bao giờ thoát khỏi ý thức.
Mọi người bỏ ra biết bao nhiêu nỗ lực để có được hoặc tìm thấy ý thức, nhưng sự thật hài hước là bạn không thể đánh mất nó. Bạn có thể mất ý thức về ý thức – có ý thức mà không hề nhận thấy mình đang có, không bao giờ ngẫm nghĩ về nó, hoặc không nhận ra đó là một điều bí ẩn, phi thường. Lý do chúng ta bỏ lỡ ý thức là bởi nó có mặt khắp nơi và là một phần của mọi trải nghiệm. Ý thức tự nó không nổi bật; mọi thứ khác thì có. Bằng cách suy ngẫm về bản chất của ý thức, chúng ta đang đặt nền móng để ý thức tỏa sáng và trực tiếp nhận ra chính mình, vì ý thức có thể bừng tỉnh khi được đồng nhất với nội dung của nó.
Như thế không có nghĩa là nội dung có gì sai. Suy nghĩ hay cảm nhận không sai. Cố gắng không nghĩ sẽ chẳng đi tới đâu, còn cố gắng dừng cảm nhận là cách sống trốn tránh. Tôi không khuyến khích bạn vứt bỏ mọi ý nghĩ hay không cảm nhận gì cả, việc đồng nhất mình với ý nghĩ và cảm xúc mới là vấn đề. Đơn giản chỉ cần nhận thấy rằng, ở sâu thẳm nhất của hiện hữu, bạn vượt lên mọi ý nghĩ tìm kiếm bản ngã hay cảm xúc về cái tôi. Bạn đã tồn tại trước chúng, ý nghĩ và cảm xúc có thể đến rồi đi, trong khi bạn vẫn còn ý thức. Nhận thấy điều này sẽ tạo tiền đề để nhận thức lóe lên – không theo cách của tâm trí, mà là ý thức nhận ra chính nó. Như thể ý thức nói: “À! Tôi đã bị lạc lối trong suy nghĩ, cảm xúc, trong quá khứ, trong những suy tưởng về tương lai và mọi tưởng tượng về mình – tất cả những thứ đó không nói lên tôi là ai”, Đấy là thức tỉnh! Là sự tự do lớn lao đến từ nhận thức! Là cốt lõi của chiêm nghiệm.
Chúng ta không cần phải ở trong trạng thái ý thức phức tạp nào đó để đạt tới thức tỉnh. Khu vườn ý thức phong phú của bạn sẽ tự kết trái, và trải nghiệm khu vườn ý thức là đủ để thấy rằng khu vườn sẽ tồn tại lâu hơn cái bên trong nó. Cái bên trong nở rồi tàn, nhưng khu vườn luôn ở đấy. Điều đó nói gì về chính bạn?
Theo tôi, quán chiếu là như thế: nhìn vào cái gì đó. Đây là bản chất của thiền, của tự vấn, và là cách chúng ta nhận biết chính mình, khác với những gì ta từng nghĩ. Nó sẽ đưa ta đến nhìn nhận cái gọi là “cái khác tôi” và cả thế giới theo cách mà ta không bao giờ có thể tưởng tượng được – không có gì tách rời khỏi chúng ta. Chiêm nghiệm nhận thức từ góc độ chủ thể – ý thức nghĩ về chính nó, bản ngã nghĩ về chính nó – sẽ khiến chúng ta nhạy cảm hơn để có cái nhìn giải thoát sâu sắc. Hãy nghĩ đến đa số những người thực hành tâm linh, họ đã mất bao nhiêu thời gian trầy trật để thay đổi cái bên trong trải nghiệm của họ, năm này qua năm khác, họ tìm kiếm trải nghiệm đúng và nội dung đúng. Thật ngạc nhiên khi cuối cùng họ bừng tỉnh và nhận ra rằng bối cảnh mới là khía cạnh quan trọng nhất, giải thoát nhất của chiêm nghiệm tâm linh.
Điều này mang lại cho họ nền tảng hoàn toàn mới để hành động, kết nối và đóng góp cho thế giới này. Thức tỉnh không phải là hành động hướng vào bản ngã; sau cùng, thức tỉnh sẽ giải phóng chúng ta khỏi bản ngã, nếu chúng ta thực hành đúng. Hy vọng nó sẽ giải phóng chúng ta, để ta có thể có mặt vui vẻ, nhân ái trên thế giới này – được sống với ý nghĩa sâu sắc nhất. –
Nếu có thể hiện diện trên thế giới này một cách nhân ái, ý thức và tự do, thì tức là ta đang cống hiến một điều thực sự mang ý nghĩa thay đổi sâu sắc: sống.
—o0o—

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT – ADYASHANTI
Dịch: Phạm Hải Anh
NXB Thế Giới
—o0o—
Ảnh nguồn internet

Post: Thường An

SHARE: