SHARE:
Vấn: {Khi hiển lộ chân phát tâm qua lục tức, cái ‘chân’ nầy có khi hành giả vừa phát tâm [Bồ Ðề], hay là cái ‘chân’ nầy chỉ đến vào giai đoạn [tu tập] sau?}
Ðáp: {Cũng tương tự như dụ về tim đèn trong Ðại Tập: ‘Ðó chẳng là khởi đầu, chẳng lìa [chỗ] khởi đầu, cũng chẳng là sau cuối mà cũng chẳng lìa [chỗ] sau cuối.’ Nếu cả hai trí tuệ và tín tâm cùng có mặt, thì khi hành giả nghe được rằng bất cứ một niệm [nơi đó] là chân [tâm giác ngộ], do tín tâm, hành giả sẽ tránh được sự phỉ báng [giáo lý nầy], trong khi đó trí tuệ sẽ khiến hành giả không sinh tâm kinh sợ. Trong trường hợp nầy thì cả hai điểm thủy và chung đều là ‘chân’. Nhưng nếu hành giả thiếu tín tâm, người ấy sẽ nghĩ đến các cõi thánh thiện cao xa và khó dời đổi đến độ không có chỗ y cứ trong tâm trí, trong khi đó nếu hành giả thiếu trí tuệ, người ấy sẽ trở nên kiêu mạn, tự cho rằng mình đã thành Phật. Dưới những cảnh tượng như vậy thì cả hai chỗ đầu và cuối đều sai lạc. Bởi vì có những [loại] vấn đề như trên cho nên hành giả cần am hiểu [khái niệm] về lục tức. Ðó là: Lý tức, danh tự tức, quán hành tức, tương tự tức, phần chứng (chân) tức, và cứu cánh tức. Lục tức gồm cả phàm phu cho đến thánh nhân. Vì bắt đầu với phàm [trí] nên diệt được nghi ngờ và sợ hãi; và vì kết thúc với thánh [trí] nên diệt được vô minh.
Lý tức: Lý tức có nghĩa rằng nơi niệm niệm đều đồng với [chân] lý của Như Lai tạng, đồng với Không vì [đã sẳn] là như (tatha), đồng với Giả vì là nơi chứa đựng hoặc tạng (garbha) và đồng với Trung Ðạo vì là [chân] lý (li). Ba loại trí tuệ nầy luôn có mặt trong bất cứ niệm nào, bất tư nghị. Như chúng ta đã giải thích ở phần trên, [chúng là một và đồng thời] là ba chân lý và một chân lý nhưng cũng chẳng ba, cũng chẳng một. Mỗi sắc mỗi hương đều gồm thu vạn pháp, và mỗi mỗi niệm đều như vậy. Ðây là chỗ gọi là [chân] tâm Bồ Ðề [ở thứ bậc] lý tức. Ðó cũng là Chỉ và Quán [ở thứ bậc] lý tức. [Mỗi một niệm] đã có sẳn tịch tịnh là Chỉ. [Mỗi một niệm] đã có sẳn chiếu soi là Quán.
Danh tự tức: Dù rằng với lý [niệm] tuyệt đối chân, như nó là, hành giả có thể không nhận ra được điều nầy trong sinh hoạt hàng ngày. [Nếu] không nghe giáo lý tam đế, hành giả hoàn toàn không biết gì về pháp Phật. Cũng giống như cái thấy của loài hươu hoặc dê, không nhận biết được [bốn] phương chính hoặc [bốn] hướng phụ. Nhưng nếu hành giả có thể nghe- hoặc tự nhận biết, hoặc qua những cuộn kinh- về đạo lý giác ngộ nhất chân đã được diễn tả ở trên, hành giả sẽ đạt được sự thông suốt của danh tự rằng vạn pháp đều là pháp Phật. Chỗ nầy trình bày [chân] tâm Bồ Ðề [ở thứ bậc] danh tự tức. Ðó cũng là Chỉ và Quán [ở mức độ] danh tự tức. Ðể cái tâm mãi mê tìm kiếm kia được an nghỉ, khi nghe được điều hằng mong mỏi tìm cầu khắp nơi khắp chốnđó gọi là Chỉ. Ðặt tín tâm của hành giả một cách vững vàng vào pháp tánh, và không [đặt] vào sự đa dạng [của những hình tướng biểu lộ]- đây gọi là Quán.
Quán hành tức: Ai là người chỉ nghe những danh tự và luôn miệng hí luận cùng người khác thì chẳng khác chi loài sâu bọ kia tình cờ làm thành những dấu hiệu có ý nghĩa bằng cách đục vào mặt gỗ, không hề biết đó là thành chữ hoặc không thành chữ. Trừ khi hành giả thực sự hội nhập được [ý nghĩa của văn từ], làm cách nào mà gọi là giác ngộ được?. Ðiều thiết yếu là [phương pháp] quán tâm của hành giả cần rõ ràng và thâm sâu, lý và tuệ cần hoàn toàn tương ứng (hsiang-ying). Hạnh của hành giả cần phù hợp với ngôn, và ngôn phù hợp với hạnh. Kinh Kusala-mula-sampari-graha nói:{Hầu hết, con người không làm được cái họ thuyết. Không phải với chữ nghĩa, nhưng với tâm là cái hướng đến giác ngộ}}. Khi tâm và khẩu tương hợp với nhau, thì đó là tâm giác ngộ [ở thứ bậc] quán hành tức.
Bốn dòng kệ trong Ðại Tập [có thể được dùng] để ước lượng văn huệ (wen hui) của hành giả đã đến được chỗ khả dĩ [hoặc chưa]. Khi mắt đủ ánh sáng, mắt có thể nhìn thấy mọi vật rõ ràng không ngăn ngại. Quán hành cũng như vậy. Dù rằng hành giả chưa hoàn toàn đạt đến chỗ tương hợp với lý, [phép] quán tâm của hành giả không mờ nhạt. Chỗ nầy cũng giống như Thủ Lăng Nghiêm tam muội (Suram-gama-samadhi) nói về việc bắn những mũi tên trúng đích. Ðây gọi là tâm giác ngộ [ở thứ bậc] quán hành tức. Ðó cũng được gọi là Chỉ và Quán [ở thứ bậc] quán hành tức. Luôn mang ý tưởng nầy trong tâm là Quán, và dừng lại những ý tưởng khác là Chỉ.
Tương tự tức: Khi Quán càng lúc càng trở nên minh bạch, và Chỉ càng lúc càng trở nên dễ dàng, [hành giả gần mục tiêu của mình] như người bắn cung tinh nhuệ đã tiến gần đến đích. Ðây gọi là quán huệ (kuan hui) mang sự tương tự [với chân tuệ giác ngộ]. [Ở thứ bậc nầy], hành giả không còn gặp phải chướng ngại với bất cứ hiện hữu ù lì nào của những bận rộn thuộc thế gian, và tất cả những suy luận và phỏng đoán của hành giả [về pháp Phật] trở nên [hoàn toàn phù hợp với] những điều đã được dạy trong các bản kinh Phật. Ðó là như đã giải thích [trong phần nói về] lục căn thanh tịnh. Ðến thứ bậc nầy, sự phá vỡ vô minh vi diệu gọi là Chỉ, và trí tuệ tương tự Trung Ðạo là Quán.
Phần chứng tức: Qua năng lực quán chiếu [đạt đến thứ bậc] tương tự, đây là lúc hành giả bước lên cổ xe đồng. Vì là lần đầu tiên hành giả khởi sự xóa vô minh và nhận ra Phật tánh, khai mở kho tàng [chân pháp], và hiển lộ như thực. {Theo tiến trình 52 quả vị], chỗ nầy phù hợp [với vị 41] sơ địa cho đến Ðẳng giác. Vô minh phát sinh rất chậm, và trí tuệ gia tăng rõ rệt, ví như ngày thứ nhất cho đến ngày thứ mười bốn của tháng trăng, vòng ánh sáng càng ngày càng tròn trỉnh, và bóng tối dần dần tan biến. Nếu một người giác ngộ qua [sự thâm hội] sắc tướng của một vị Phật, thì [vị Bồ Tát nầy] sẽ hiển lộ tám vị thế [thọ mạng của một vị Phật], và chứng đắc Bồ Ðề. Nếu một người giác ngộ qua [sự thâm hội] hình tướng từ một trong chín cõi khác [trong pháp giới], thì [vị Bồ Tát nầy] sẽ hiển lộ ‘thân cùng khắp’ như đã nói rõ ràng trong kinh Pháp Hoa. Ðây là tâm giác ngộ [ở thứ bậc] phần chứng tức. Ðây cũng gọi là Chỉ và Quán [ở thứ bậc] phần chứng tức, cũng như tuệ và diệt ở mức độ phần chứng tức.
Cứu cánh tức: Một bước vượt trên Ðẳng giác, và [hành giả] vào sự giác ngộ vi diệu [thuộc Phật giới]. Khi ánh sáng trí tuệ đã tròn đầy đến chỗ không còn gì hơn nữa, đây gọi là quả vị [Bồ Ðề] tối thượng. Khi mà trong đại Niết Bàn, [phiền não] đã bị bôi xóa đến chỗ không còn gì để bôi xóa nữa, đây gọi là Quả Quả (quả của quả vị). [Những vị ở bậc] Ðẳng giác không thể thấu suốt được [sự chứng đắc nầy], đây là chỉ riêng Phật. Bên trên [vần] dha thì không còn có đạo để thuyết nữa. Vì vậy nên gọi là tâm giác ngộ [ở thứ bậc] cứu cánh tức, cũng như Chỉ và Quán [ở thứ bậc] cứu cánh.
Ðến đây, chúng ta sẽ tổng kết bằng cách trình bày [lục tức] với một tỷ dụ. Giả định rằng có một người bần cùng với một kho tàng chôn dấu quanh ngôi nhà mà người ấy không hề hay biết. Một người bạn chỉ nơi chôn dấu kho tàng, do đó người ấy biết là có kho báu. Người ấy khởi công nhổ dọn cỏ rác và đào xới đất. Càng lúc người ấy càng đào đến gần, đến khi thấy được kho tàng, người ấy mở lấy, mang tất cả ra ngoài, và sử dụng. Bằng cách áp dụng sáu lớp ẩn dụ nầy, [lục tức] có thể được hiểu.
—🌼🌸🌼—
MAHA CHỈ QUÁN: PHÁP MÔN VIÊN ĐỐN – THIÊN THAI TRÍ KHẢI
Neal Donner & Daniel B. Stevenson biên soạn
Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
NXB Phương Đông, 2009
Ảnh: Nguồn Internet
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS