TẠI SAO BẠN KHÔNG BẮT ĐẦU CỌ RỬA TRƯỚC CỬA NHÀ BẠN. MỘT PHẦN CON ĐƯỜNG CỦA BẠN LÀ CHÍNH BẠN.

SHARE:

Trong khi ở Delhi, Krishnaji là khách mời của anh em Sanjceva Rao, Ngài B.N.Rao, một luật sư lỗi lạc và là một quan chức, một thành viên của, ngành Dân Chính, được Thủ tướng Jawaharlal Nehru mời để thành lập hiến pháp Ấn Độ. Delhi được sưởi ấm dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ, dần dần thức tỉnh với những dấu hiệu tự do và những cơ hội phát sinh từ mọi chiều hướng. Hội đồng lập pháp đã bắt đầu hoạt động; các luật sư, các tư tưởng gia chính trị, và các chiến sĩ tự do đã tập trung về Delhi để soạn thảo văn bản hiến pháp những lý tưởng họ đã tranh đấu vì nó. Duy vật chủ nghĩa, quyền bình đẳng trước pháp luật, tự do ngôn luận, không còn tình trạng chuyên quyền và giam cầm bắt bớ – tất cả được bàn cãi tranh luận rất nhiệt tình. Nhưng nền tảng của buổi thảo luận là việc ám sát Gandhi, những biến cố khủng hoảng do chia cắt đất nước đã bùng nổ bạo động, những sức mạnh chia rẽ chìm sâu trong mảnh đất Ấn Độ, và những dấu hiệu hỗn loạn, sợ hãi và tàn bạo vẫn còn nằm phía trước.

Sanjceva Rao, nhà giáo dục hiền lành và là một trong những người cộng sự cũ của Annic Besant, từ Madras đến sống với Krishnaji. Cùng với vợ ông là Padmabai, một nhà giáo có năng lực thật cao và là người mở đầu cho phong trào giáo dục phụ nữ ở Uttar Pradesh. Cuối năm 1920 tôi có dành một thời gian ngắn nghiên cứu ở Varanasi, ở ngôi trường Padmabai làm Hiệu trưởng. Có tư cách, bảo vệ, hữu ích, cô kết hợp sự thân ái và quan tâm với những thiếu nữ trẻ tuổi, những người cũng yêu mến cô. Năm 1920 vấn đề giáo dục phụ nữ ở Uttar Pradesh hãy còn là một đề tài nhạy cảm. Nó yêu cầu sự thông minh và chân thật để truyền đạt những giá trị đúng dắn theo tiêu chuẩn hạn chế mà hoàn cảnh đòi hỏi. Em trai trẻ nhất của Ngài B.N.Rao là Shiva Rao, đại diện cho nhật báo Anh ngữ “The Hindu” có thế lực của dân định cư miền Nam Ấn Độ, ở chung nhà với B.N. Rao. Vợ ông là Kitty, người Úc, đến Ấn Độ năm 1920 dạy học ở trường trẻ em Montessori ở Varanasi, hoạt động với tư cách là tiếp viên của B.N.Rao.

Buổi tối, sau bữa ăn, K. lắng nghe anh em Rao thảo luận về Ấn Độ và những vấn đề phức tạp của hiến pháp mới đang hình thành.

K. đã viếng thăm và nói chuyện ở Delhi sau nhiều năm vấng mặt, và huyền thoại những năm tháng trước kia của cuộc đời ông đã gây nhiều sự tò mò và chú ý. Các khoa học gia, những nhà quản trị hành chánh, những nhà ngoại giao, các Giáo sư đại học và các ẩn sĩ đều đến trong những buổi nói chuyện và thảo luận, đối diện với ông, đặt vấn đề thực tại tàn nhẫn của tình trạng Ấn Độ. Họ thấy ở Krishnaji một người lắng nghe yên lặng, đầy xót thương trắc ẩn, và thách thức ông về sự không thỏa đáng của giáo lý, quả quyết rằng ông không có giải pháp cho vấn đề nghèo khổ, giai cấp thấp kém, hệ thống đẳng cấp. Câu trả lời của Krishnaji là đặt câu hỏi khác: Họ có hiểu biết tính chất của vấn đề lớn lao không?

Ở bậc Hiền giả hiện đại nầy, họ muốn tìm kiếm một Vivekanand, nhưng lập tức bị bối rối – vì họ phải chạm trán với một con người có sự hiện diện cao cả, một con người hoàn toàn không ăn khớp với bất cứ loại Thánh nhân, ẩn sĩ nào mà họ biết. Ông trả lời câu hỏi về tình trạng nghèo khổ bằng cách nói rằng, những nhu cầu của con người – thực phẩm, chỗ trú ẩn, y phục – chỉ có thể được tổ chức thật hiệu quả khi những nhu cầu nầy không được sử dụng vào mục tiêu tâm lý, vì mục đích tự mãn, nhưng được phân phối theo mức độ của riêng nó. Cảm nhận được sự tự phụ của người hỏi, ông đáp trả: “Tâm trí chính là bạn. Nó không thể yên tịnh khi còn ngồi trên núi lửa.”, Phủ nhận mọi tín ngưỡng, những giáo lý bí truyền, và những đường lối thực hành, ông nói với những người tập hợp chung quanh, “Bản ngã không phải là một thực thể thường hằng, nhưng là một dòng nước trôi chảy.”

Hầu hết dân chúng Ấn Độ đều chứng kiến sự đấu tranh vì tự do và quyền lực của một hoạt động qui mô, và họ cảm thấy rằng, để xây dựng một xứ Ấn Độ mới, một số đông người sẽ phải lao vào một cuộc đấu tranh mới về giá trị. Krishnaji bảo họ, xây dựng một mô hình mới, tôi phải là kiến trúc sư, là nhà xây dựng cũng như công nhân.” Khi được hỏi, “Bạn suy nghĩ trong khuôn khổ những hoạt động rộng lớn, những hành động, những trách nhiệm rộng lớn, nhưng bạn không ứng phó được. Tại sao bạn không bắt đầu cọ rửa trước cửa nhà bạn, một phần con đường của bạn là chính bạn?”

Ánh sáng trí tuệ của ông đang thăm dò vào tư tưởng và tâm trí. “Chúng ta cảm thấy rằng cái ‘tôi’ khác với tư tưởng, khác với tâm trí. Phải chăng cái ‘tôi’ người tư tưởng khác với tư tưởng? Vậy người tư tưởng có thể tác động lên tư tưởng không. Cái ‘tôi’ có khác với tính chất của nó không? Nếu loại bỏ tư tưởng thì người tư tưởng ở đâu?”. Sau mỗi câu ông đều ngừng lại, như thể để cho lời nói lắng đọng trong tâm thức của người nghe. “Chúng ta cảm thấy rằng cái ‘tôi’ là thường hằng, bởi vì tất cả những tư tưởng khác nhau đến và đi. Nếu người tư tưởng là thường hằng, bấy giờ tư tưởng có thể thay đổi, kiểm soát, chuyển hóa được bởi người tư tưởng, nhưng không phải cái ‘tôi’ là kết quả của tư tưởng sao? Tâm trí bạn tách rời cái ‘tôi’ khỏi tư tưởng, bởi vì nó không thể ở vị trí thường hằng. Tư tưởng không thể đi từ cái biết đến cái chưa biết. Giải thoát tâm trí khỏi cái biết là tất cả những gì tâm trí có thể làm được. Để khám phá cái bên kia ngôn ngữ, ngôn ngữ phải chấm dứt. Tôi chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ để làm rộn cánh cửa mà thôi.”

Tháng Mười Hai, Krishnaji được mời đến nhà khách Teen Murti, văn phòng thường trú của Thủ tướng. Tôi cũng có mặt. Jawaharlal Nehru vừa trở về từ Quốc hội Jaipur trông có vẻ rất mệt mỏi và chán nản. Ông nói với Krishnaji, “Gần đây tôi rất bận rộn, tôi không biết phải giải quyết thế nào”. Ông hỏi Krishnaji, làm sao có thể ngăn chặn được sức mạnh chia rẽ đang lan truyền thật nhanh chóng. Krishnaji trả lời rằng, sự hợp nhất chỉ có thể bắt đầu ở mức độ cá nhân.

“Đây phải là một tiến trình chậm, trong khi sự chia rẽ đang lan truyền quá nhạnh.” Jawaharlal Nehru nói. “Cái gì chứng tỏ rằng sức mạnh chia rẽ không bao trùm lên sức mạnh hợp nhất?”

Krishnaji trả lời, “Có lẽ.”

Sau đó họ thảo luận làm thế nào cá nhân tự phục hồi chính mình. Krishnaji nói, “Sự hiểu biết về bản ngã chỉ phát sinh trong tương giao, trong việc tự ngắm nhìn chính mình trong sự tương giao với con người, với những quan niệm và sự việc; với cây cỏ, đất đai, với thế giới chung quanh và bên trong bạn. Tương giao là tấm gương trong đó bản ngã được phát hiện. Không tự biết mình là không có nền tảng cho tư tưởng và hành động đúng đắn.”

Jawaharlal Nehru xen vào và hỏi, “Người ta phải bắt đầu thế nào?”

K. trả lời, “Bắt đầu từ chính mình. Hãy đọc mỗi lời, mỗi câu, mỗi đoạn trong tâm trí khi nó tác động qua tư tưởng.”

Nehru lắng nghe, nhưng người ta có thể nhận thấy vẻ lo âu trên gương mặt ông. Ông hỏi “Động lực chung trong tất cả mọi người là gì?”

“Muốn lẩn tránh đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc” Krishnaji nói.

Rồi Nehru thảo luận về sợ hãi đã hướng con người đến hành động bạo lực. Ông hỏi Krishnaji phải chăng hành động phát sinh từ hiểu biết có thể giải thoát con người khỏi sợ hãi, sự sợ hãi tâm lý là động lực thúc đẩy nhiều hành động của con người.

Krishnaji nói, “Chỉ có thể thoát khỏi sợ hãi khi con người nhận thức được sự vận hành của sợ hãi bên trong anh ta. Ngắm nhìn sự sợ hãi là đập tắt nó.”

Jawaharlal Nehru và Krishnaji dường như không thật sự liên kết ngoại trừ một hai lần. Thủ tướng có vẻ rất quan tâm, nhưng rất mệt mỏi. Ông cố giữ tỉnh táo bằng cách hút thuốc, tâm trí hướng về vấn đề hợp nhất và xem xét sự tự biết mình. “Làm thế nào con người tự hiểu chính mình?” Ông tiếp tục hỏi, tìm kiếm mấu chốt.

“Hãy ngắm nhìn những gì bên ngoài và bên trong ông. Hãy ngắm nhìn tư tưởng của ông.” Krishnaji nói. “Ai là người tư tưởng? và có phải tư tưởng khác với người tư tưởng không?” Ông nói đến việc cần thiết có một cuộc cách mạng tâm thức sâu xa, về sự nhận thức tổng quát cấp thời để hoạt động, không có nó con người không thể tồn tại. Đây là những lời tiên đoán, chúng được xem là cực kỳ chính xác trong thế giới bị chia cắt, bạo động năm 1980.

Trên đường về nhà sau buổi gặp gỡ, Krishnaji lo lắng và nói. Ông nhận thấy tâm trí của Nehru thật tốt đẹp và nhạy cảm, nhưng đã bị hao phí vào chính trị. Chính trị hoàn toàn chết cứng. Sau đó, trong bữa ăn tối, Krishnaji thảo luận với anh em Rao vấn đề chia rẽ ở Ấn Độ. “Xã hội không ngớt chia rẽ, đâu là chỗ đứng của nhà cải cách xã hội? Chẳng phải ông ta đang làm tăng thêm sự chia rẽ sao? Một nhà cải cách quan tâm đến kết quả và chủ trương thay đổi của họ. Chỉ có nhà cách mạng mới đi sâu vào tận gốc rễ, tận nguyên nhân nơi chứa đựng mục tiêu.” Krishnaji đặt vấn đề với chính mình. Ông hỏi Gandhi là nhà cách mạng hay nhà cải cách.

“Gandhi có cái nhìn của nhà cách mạng. Ông có khả năng suy nghĩ theo chiều hướng lớn lao. Tư tưởng không phải của nhà cải cách.” Ngài B.N.Rao nói.

Ông là nhà cách mạng tư tưởng, nhưng khi thực hành, cái nhìn bị hạn chế. Vướng vào chính trị, Gandhi phải hòa hoãn, nên ý thức cách mạng phải hạ thấp xuống và con người cải cách nảy sinh.” Krishnaji trầm tư. Và ông hỏi Ngài B.N.Rao, Ấn Độ có được những nhà lãnh đạo có khả năng tạo hiệu quả không.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ dường như thiếu năng lực. Hiệu quả đang tránh xa họ. Trong sự tan rã nhanh chóng nầy có cả tuyệt vọng lẫn hy vọng. Có hai con đường phía trước Ấn Độ. Hoặc nó hoàn toàn bị quét sạch và sẽ không còn tính chất quan trọng nào trên thế giới; hoặc do chính sự va chạm vào những chiều sâu của sự chia rẽ, cá nhân sẽ ý thức về trách nhiệm của anh ta và không bị cuốn theo dòng chảy. Một xã hội mới xuất hiện hoàn toàn khác hẳn với bất cứ điều gì đã từng biết.” Krishnaji nói rằng ông rất quan tâm đến những gì sẽ xảy ra.

Một lần nữa ông nói về việc gặp gỡ Jawaharlal Nehru. Ông cảm thấy xúc động thật sâu xa vì tâm trí tinh tế của Thủ tướng, nhưng rất buồn vì tâm trí nhạy cảm nầy phải bị vướng mắc vào chính trị. Krishnaji nói, “Chính trị làm tâm trí già nua, nó phá hủy dòng chảy của tâm trí.”

Anandmai Ma, nổi tiếng nhất lúc đương thời được tôn sùng là “Mẹ” (người đàn bà trong đời siêu vượt bản ngã và được tiêu biểu cho nữ thần Sakti, nguyên lý Mẹ với tính cách là năng lực), với đông đảo người theo ở miền Bắc Ấn Độ, đến gặp Krishnaji. Họ gặp nhau trong vườn, vì mẹ không bao giờ vào nhà của một gia trưởng. Bà không nói được tiếng Anh, nên nói qua người thông dịch. Bà có sự hiện diện tỏa sáng vui tươi. Bà nói rằng bà đã từng nhìn thấy tấm ảnh của Krishnaji nhiều năm trước kia, bà biết ông rất vĩ đại. Bà hỏi ông, “Tại sao con phủ nhận Đạo-sư? Con là Đạo sư của các Đạo sư kia mà?” (Điều nầy được dịch cho ông nghe).

Ông trả lời, “Con người đã xem Đạo sư như cây nạng chống.”

“Hàng ngàn người đến nghe con” Bà nói, “Điều đó có nghĩa là con là Đạo sư.” Ông dịu dàng nắm tay bà và không trả lời.

Nhiều khách đến thăm, phủ phục dưới chân Krishnaji và Anandmai Ma. Anandmai Ma. nhận lễ của họ, nhưng Krishnaji rất ngượng ngùng. Vì luôn luôn, ông không chấp nhận họ quỳ trước mặt, nhưng đứng lên và cúi xuống chạm chân người tìm kiếm ân phước.

Sau đó, Anandmai Ma. ra về, Krishnaji nói về bà rất ấm áp và thân tình. Có sự liên hệ mật thiết, dù phần nhiều không nói ra thành lời. Tuy vậy, ông rất ghê sợ những người đàn bà phủ phục sát đất, bị kích động thần kinh đi theo chung quanh bà.

Trong những ghi chú về thời gian tôi có chép lại cuộc viếng thăm của một vị ẩn sĩ già bị mù, chỉ nói được tiếng Hindi. Người ấy hỏi Krishnaji về việc thoát khỏi sự ràng buộc của thể xác và tâm trí. Có người phiên dịch, Krishnaji trả lời rất nhiệt tình và mạnh mẽ, vị ẩn sĩ có vẻ hiểu được. Dù trong những buổi nói chuyện trước đám động Krishnaji hay quở trách những người khoác y áo, nhưng sâu xa trong nội tâm ông luôn luôn cảm thấy sự liên hệ mật thiết lớn lao với những người khoác áo tu sĩ. Những năm trước kia có một thời gian cho thấy ông muốn trở thành ẩn sĩ. Ý thức về những hệ lụy của nó, ông đã không làm thế; nhưng một sự đồng cảm dịu dàng dành cho các vị ẩn sĩ chân chính và các tu sĩ Phật Giáo vẫn còn, và ông không bao giờ từ chối tiếp xúc với họ dù mệt mỏi. Sự phê phán của ông về những nghi thức, những qui luật và những lối thực hành của họ, tuy vậy, đã gây ấn tượng.

Ngày nọ, có hai ông Hoàng xứ Ba Tư đến thăm Krishnaji. Họ đã thăm Ấn Độ và nghe nói đến sự hiện diện trong thành phố của một Đạo sư vĩ đại. Họ hỏi Krishnaji có thể biết trước tương lai của họ không. Krishnaji trông rất hóm hỉnh, ông nói rằng ông không phải là chiêm tinh gia. Họ rất ngạc nhiên, vì cho rằng Krishnaji là một nhà tu hành tất phải biết tiên đoán số mệnh.

Buổi thảo luận với một nhóm nhỏ bắt đầu. Achyut Patwardhan ở Delhi và Sunanda cũng thế, với thân hình mềm mại ẻo lả và trí óc bén nhạy như dao cạo: Sunanda rất trẻ trung, những giác quan bùng nổ của cô chứa đầy niềm vui. Ngất ngây hạnh phúc trong bầu không khí chung quanh Krishnaji và bốc cháy trước vẻ đẹp tuyệt vời của ông, cô muốn tiếp tục ngồi trên sàn sau khi chấm dứt buổi thảo luận, đôi mắt khép chặt, lòng bàn tay áp lên má. Sau đó vài phút, khi được hỏi có gì không ổn, cô mở to mắt và nói, “Tôi đang kinh-nghiệm”.

Những buổi thảo luận tỉ mỉ, thăm dò; mỗi vận hành, mỗi hành động trong cuộc sống được mang vào ánh sáng chú tâm và được xem xét. Cùng với thời gian tiến trình là đau khổ, và tâm trí con người lẫn tránh không muốn đối diện. Chúng tôi thảo luận về bạo động, sợ hãi, giận dữ, ghen ghét và sự chết.

Có lần, trong buổi thảo luận ban đêm, Krishnaji hỏi, “Làm thế nào con người có thể sống trong tình thương, gắn liền sâu đậm trong trạng thái ấy đến mức hành động và sự hồi đáp đều thuộc về tình thương, và vì thế không còn bản ngã?”

Krishnaji nói, “Bạn có biết tình thương không? Tất nhiên, điều bạn biết không phải là tình thương. Tình thương là nhạy cảm, dễ bị tổn thương đối với mọi thứ. Đó là đức hạnh. Đức hạnh có thể học hỏi nghiên cứu không? Bất cứ cố gắng nào để trở thành đức hạnh, bất cứ nổ lực nào đều phủ nhận đức hạnh”.

TẠI SAO BẠN KHÔNG BẮT ĐẦU CỌ RỬA TRƯỚC CỬA NHÀ BẠN. MỘT PHẦN CON ĐƯỜNG CỦA BẠN LÀ CHÍNH BẠN.

PUPUL JAYAKAR
——-☀☀☀——–

Trích: TIỂU SỬ J. KRISHNAMURTI / PUPUL JAYAKAR; Mỹ Liên dịch.
Ảnh: J. Krishnamurti (nguồn Google hình ảnh)

Post: Thường An

SHARE: