SHARE:
🍀* MỘT ĐÊM NGUYỆN CẦU CHUNG QUANH MỘT NGÔI KỲ QUAN PHẬT GIÁO NGÀN NĂM TUỔI…
Tiếng loa kêu gọi đến giờ cầu nguyện vang lên từ những đền thờ Hồi giáo, văng vẳng từ đền thờ này lan đến đền thờ khác, tỏa rộng trên mặt nước của những con sông hiền hòa. Một ngôi chùa nhỏ với những phiến đá màu đen che một pho tượng Phật đã xưa hàng ngàn năm, phía trước chùa là một cây đa cổ thụ với những rễ cây khổng lồ đang lắc mình làm tung lên bụi mù nóng bỏng, giống như một con voi già vừa ngoi lên từ một con sông đầy bùn đất. Cuộc diễn hành rầm rộ, giữa tiếng còi xe inh ỏi, lẫn với tiếng tụng kinh và tiếng chiêng đồng. Một vị nữ tu có vẻ khác thường là bà Siti Hartati Murdaya dẫn đầu, bà là một doanh nhân thế lực nhất của Indonesia. Tạp chí Forbes của Mỹ ước tính người phụ nữ Indonesia gốc Trung Hoa này có một tài sản lên đến 450 triệu đô-la vào năm 2006.
Một đoàn tu sĩ trải dài ra và bước đi nhịp nhàng, mặc đủ các màu sắc đại diện cho tất cả các học phái Phật giáo: màu gạch đỏ, màu xám tro, màu vàng hay màu nghệ. Người Thái Lan, Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan gồm hàng ngàn người kéo nhau đến đây để dự lễ Phật đản: tức lễ kỷ niệm ngày Đản sinh, ngày Thành đạo và ngày Tịch diệt của Phật. Đoàn diễn hành được cả một đoàn xe gồm các loại xe sang trọng hộ tống, kính xe màu khói, thêm vào đó cả một rừng người, “những kẻ phục vụ cho Đạo pháp”, họ tiến lên một cách nghiêm trang. Tất cả đều mặc áo thun tee-shirt và đội mũ lưỡi trai có in hàng chữ Walubi, tức tên gọi của Hội đồng các Tập thể Phật giáo Indonesia. Chính cơ quan này đã liên kết và điều hành tất cả các học phái Phật giáo trong xứ dưới thời kỳ của nhà độc tài Suharto, từ năm 1966 đến năm 1998. Ngày nay bà Siti Hartati Murdaya là đương kim chủ tịch của tổ chức này.
Đoàn diễu hành vượt qua chiếc cầu bắc ngang một dòng thác, đổ xuống từ một ngọn núi lửa tên là Elo. Hướng về phía ngôi chùa Borobudur, cách đó 8 cây số. Bảy mươi hai bảo tháp đục rỗng bằng đá, tất cả rộng 2.500m2; đây là ngôi chùa Phật lớn nhất thế giới, chế ngự toàn cảnh thiên nhiên hoang dã và xanh tươi. Borobudur được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, và theo học giả người Pháp về Á Đông là Paul Mus, thì ngôi chùa tượng trưng cho “một sự hiển hiện kỳ bí”, vào lúc mới xây dựng, ngôi chùa nằm chơi vơi trên một bán đảo, giống như một hoa sen đang thả trôi trên mặt nước hồ. Ngày nay hồ nước đã biến mất, đoàn Phật tử đang diễu hành trên một đoạn đường tráng nhựa, chen lẫn với cờ lọng do dân làng người Hồi giáo quanh đó kết bằng lá chuối, có cả những cờ quảng cáo mang nhãn hiệu Sampoerna, một hãng thuốc lá lớn của Indonesia. Dưới chân ngôi chùa là bàn thờ, tôn trí một tượng Phật to lớn, bao quanh là các thần thánh kiểu Trung Hoa, thật hết sức xa lạ so với những nét khổ hạnh và hiện thực trong nghệ thuật Phật giáo trên đảo Java. Một số người hành hương tung cao con rồng, biểu tượng đặc biệt của ngày Tết Trung Hoa, giống như họ đang đóng phim mà lộn tuồng hát. Một khán đài mênh mông gồm 8.000 ghế ngồi; 15.000 người khác tham dự phải đứng vì hết chỗ, và rồi Đại lễ cũng bắt đầu.
🍀* NGƯỜI PHẬT GIÁO TỎ RA “LỘ DIỆN” HƠN
Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, tuy là người Hồi giáo, nhưng đã đứng lên chúc mừng ngày lễ Phật đản, chào mừng các nguyên thủ quốc gia Á châu tham dự, và cả các tập thể Phật giáo, các tổ hợp Trung Hoa – Indonesia đã tài trợ cho ngày đại lễ. Màn đêm dần buông xuống trên những đỉnh núi lửa, thì con trăng đầy đặn lại càng lên cao. Vô số những đèn pha chiếu sáng hàng trăm tượng chạm nổi trên mặt đá bao quanh các bậc thềm của chùa, ghi lại những cảnh tượng của thế giới tham dục và hình tướng, các bậc thềm tiếp tục dẫn lên đến đỉnh, nơi đây là một khu hành lang hình tròn, tượng trưng cho cảnh trí giác ngộ… Khi những máy quay phim của các đài truyền hình ngưng hoạt động, thì các vị “chức sắc” cũng quay trở ra xe của họ. Trả lại quang cảnh cho những bậc thiền gia ôm ấp ước mơ Borobudur một ngày nào đó sẽ trở thành trung tâm toàn cầu của Phật giáo.
Việc kinh doanh có vẻ đang phát triển tốt. Theo Walubi (Hội đồng Phật giáo Indonesia), số người hành hương năm nay lên đến 30.000 người, nhiều gấp ba lần năm 1996. Vào năm 1956, chỉ vỏn ven có vài trăm người. Sự thăng tiến này lại càng ý nghĩa hơn vì con số du khách tụt xuống: từ 311.000 người thăm viếng vào năm 1996, chỉ còn 61.000 vào năm 2006. Sự hồi sinh của Borobudur và ngày lễ Phật đản phải chăng là một sự đổi mới, vì trải qua suốt hơn năm trăm năm, Phật giáo Indonesia gần như đã biến mất? Bộ Tôn giáo thống kê có 8,7 triệu người Phật giáo – những người này phải ghi hẳn hoi tín ngưỡi của mình trên thẻ căn cước (con số trên thưc tế từ 11 đến 14 triệu): tức là vào khoảng 4% dân số, đối với trước đây là 2%. Ông David Herman Jaya, giám đốc của New Armada, một tổ hợp đóng thùng xe ô-tô lớn nhất trong xứ, và đồng thời cũng là chủ tịch Walubi thuộc khu vực trung tâm đảo Java, ông không đánh giá tầm quan trọng của Phật giáo theo tỷ lệ gia tăng của người Phật tử từ mười năm nay – so với tổng số dân chúng – mà một cách đơn giản, đối với ông, những gì hệ trọng là những người Phật giáo đã tỏ ra “lộ diện” hơn từ ngày dân chủ hóa xứ sở. Dưới thời kỳ độc tài của Suharto, người Phật giáo được xem như những công dân thứ yếu, ăn bám, ký sinh hay là cộng sản, và do đó, họ đã trở thành những nạn nhân bị ngược đãi, phải gánh chịu những luật lệ kỳ thị khắt khe. Trong suốt ba mươi năm liên tiếp, công lao của những người Phật giáo cống hiến cho lịch sử Indonesia bị xóa bỏ trong các sách giáo khoa. Và ngày hôm nay, tám đến mười triệu người Indonesia gốc Trung Hoa – đại diện cho 70% Phật tử trong xứ – đã dám ngẩng cao đầu.
Họ đã hiện diện trên quần đảo từ thế kỷ thứ IV, khi Java và Sumatra trở thành trạm dừng chân bắt buộc và cần thiết cho những Phật tử Trung Hoa muốn hành hương đến Ấn Độ bằng đường biển. Bước sang thế kỷ thứ XV, những kẻ viếng thăm nơi này lại thay đổi hẳn, khởi sự là vị thủy sư Zheng He, người Hồi giáo gốc Vân Nam đã đổ bộ lên đây, tiếp theo sau là những con buôn kéo đến, mang theo đồ gốm Trung Hoa để đổi lấy trà của Java. Ảnh hưởng Phật giáo bị lu mờ suốt nhiều thế kỷ, tiếp theo đó lần lượt thực dân người Bồ-đào-nha và Hòa-lan kéo đến, họ kiểm soát cả xứ sở này. Đến cuối thế kỷ XVIII, khi Công ty Hòa-lan thuộc Ấn Độ miền Đông suy yếu, người Trung Hoa lại ồ ạt kéo đến. Mãi cho đến năm 1998, khi chính quyền Suharto bị lật đổ, người Indonesia gốc Trung Hoa mới được trọn vẹn tôn trọng như một công dân, và khi đó họ mới dám biểu lộ tín ngưỡng từ xưa của ông bà họ: một nền tôn giáo hội nhập giữa Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, gọi chung là “Tam giáo”.
🍀* NGHI LỄ TIẾP TỤC THU HÚT KHÁCH DU LỊCH TỪ TRUNG HOA LỤC ĐỊA
Ngày nay, Borobudur đảm trách vai trò kết hợp những người Phật giáo Trung Hoa trên đất Indonesia chung quanh ngày lễ Phật đản, và cho thấy vẻ “công khai” của họ. Ngoài dịp lễ Phật đản, thời gian còn lại trong năm, ngôi chùa mênh mông trở thành một tòa kiến trúc mang tính cách du lịch, thu hút nhiều đoàn du khách! Vì thế, ông David Harman Jaya và các nhà kinh doanh Indonesia gốc Trung Hoa khác đã muốn biến Borobudur thành một địa điểm “du lịch mang tính cách thiêng liêng”, có thể thu hút hàng triệu Phật tử Á châu…, kể cả ngoại tệ của họ nữa, nhất là đồng tiền của những người Trung Hoa lục địa. Chẳng qua đấy cũng là một cách mở cửa trở lại con đường hàng hải cổ xưa, bằng cách kết hợp giữa tôn giáo và thương mại.
Cách nay hơn 1.300 năm, đế quốc Srivijaya thuộc phía Nam đảo Sumatra đã từng là một lãnh thổ Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á. Từ năm 672, rất nhiều học giả Trung Hoa đến đây để dịch kinh sách từ tiếng Phạn sang tiếng Hán. Vào khoảng năm 760, nơi trung tâm của đảo Java, triều đại Sailendra khởi công xây dựng một kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới: đó là Borobudur. Ngôi chùa giống như một quyển sách viết trên đá, ghi chép lại những lời giảng huấn thiêng liêng nhất của Đức Phật. Sau đó, một đế quốc hùng mạnh khác xuất hiện về phía Đông đảo Java, và đế quốc này lại chọn một thứ tôn giáo hỗn tạp là Shiva-Phật.
Đến thế kỷ XVI, khi Hồi giáo tràn vào Java cùng với các con buôn người Ả-rập, Ấn Độ và Trung Hoa, dân chúng địa phương theo về với nền “khoa học” mới mẻ này, vì dễ hiểu hơn, chỉ tôn thờ một vị trời duy nhất là được. Những người nhất quyết không theo Hồi giáo phải trốn vào các vùng núi non thuộc trung tâm Java, họ phát huy một nền tín ngưỡng gọi là “kejawen”, một loại tín ngưỡng thần bí xoay quanh cách thiền định trong những khung cảnh thiên nhiên, “nơi trú ngụ” của các thần linh. Trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo có vẻ như biến mất khỏi vùng quần đảo Indonesia. Mãi cho đến sau này, tức vào đầu thế kỷ XX, các nhà thần học (théosophes) người Hòa-lan đứng ra nhờ các nhà sư Tích Lan đưa Phật giáo trở lại phần đất Ấn Độ thuộc Hòa-lan của họ (tức sau này là Indonesia). Nhưng sau đó, Phật giáo lại phải gánh chịu thêm một đòn nặng nề nữa và suy thoái trở lại. Sau khi đảo chính, Đại tướng Suharto bắt tất cả người Indonesia phải ghi trên giấy căn cước của họ một trong 5 tôn giáo chính thức do chính quyền đề ra: Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Ấn Độ giáo và Phật giáo.
🍀* DƯỚI CHÂN NGÔI CHÙA LÀ NHỮNG BẢNG QUẢNG CÁO CỦA CÁC HÃNG THUỐC LÁ CẠNH TRANH NHAU
Bất cứ ai mang tín ngưỡng khác hơn các tôn giáo vừa kể đều bị gán cho là cộng sản hay vô thần. Quả thực, Phật giáo được chấp nhận, nhưng người Phật giáo bắt buộc phải tin vào một vị trời duy nhất mang tên là Sang Hyang Adi Buddha. Về phần các người theo tín ngưỡng kejawen, họ phải tự khai là Phật giáo, mặc dù đã khai như thế nhưng họ vẫn bị ngược đãi và nghi ngờ. Vào năm 1973, ngôi chùa Borobudur được UNESCO và chính quyền Indonesia trùng tu và được chính Tổng thống Suharto khánh thành, nhưng ông không xem Borobudur là một địa điểm có tính cách tôn giáo mà chỉ vỏn vẹn xem đấy là một thắng cảnh du lịch. Tuy rằng ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia, nhưng những người Phật giáo vẫn tỏ ra dè dặt và e sợ, mãi cho đến biến cố dân chủ xảy ra vào năm 1999. Từ đó, các sắc tộc thiểu số, các người trí thức và những người trẻ được quyền phát biểu. Phật giáo được hưởng lây làn gió tự do và được nhìn nhận như một tôn giáo. Phật giáo chẳng phải là nền tôn giáo lâu đời nhất trên quần đảo Indonesia hay sao?
Tình trạng dân chủ trên đây cũng làm dấy lên các phe nhóm tranh giành ảnh hưởng chung quanh Borobudur. Khởi sự là sự tranh chấp giữa Walubi và KASI, KASI là Tổng Liên đoàn tối cao của Giáo đoàn các nhà sư indonesia. Liên đoàn này được các học phái Phật giáo trong nước thành lập từ năm 1998, trong mục đích phục hồi phẩm giá của đạo đức Phật giáo bị chà đạp dưới chế độ Suharto. Dưới thời kỳ độc tài, thực ra, mọi tôn giáo, cũng như mọi tổ chức trong nước, đều được đặt chung trong quy tắc độc quyền. Một liên đoàn phụ nữ duy nhất, một nghiệp đoàn công nhân duy nhất, một tổ hợp thương mại duy nhất cho việc buôn bán đinh hương, và đương nhiên, một Tổng Liên đoàn Phật giáo duy nhất, tức là trường hợp của Walubi. Ngày nay, KASI được quyền tổ chức ngày lễ Phật đản một lần trong hai năm tại Borobudur, xen kẽ với Walubi. Và KASI lại liên kết với Djarum, một hiệu thuốc lá cạnh tranh với hiệu Sampoerna. Và như thế đó, dưới chân ngôi chùa lớn nhất thế giới, người ta thấy trương lên cờ xí của hai hãng thuốc lá cạnh tranh nhau, đồng thời hình ảnh cạnh tranh đó cũng tượng trưng cho sự đối đầu về ý thức hệ. Walubi kết hợp phe “bảo thủ” – phe nhóm của chính quyền đương thời, quân đội và Hoa Kỳ – do bà Hartati Murdaya và hãng thuốc lá Sampoerna lèo lái, hãng này đã bị Philip Morris (hãng thuốc lá khổng lồ của Hoa Kỳ) mua vào năm 2005 với giá 5 tỷ đô-la. Phe bên kia là KASI, “cấp tiến” hơn, kết hợp những người chủ trương dân chủ và văn hóa địa phương, những trí thức Phật giáo và các tín đồ trước đây thuộc tín ngưỡng kejawen. Phe này được một người Indonesia gốc Trung Hoa, ông Budi Hartona chủ nhân của hãng thuốc lá Djarum ủng hộ: ông này sở hữu tài sản đứng vào hàng thứ năm trong nước theo thống kê năm 2006 của tạp chí Forbes, hãng cũng tài trợ cho các nghệ sĩ trẻ Indonesia thuộc phong trào tiền phong. Năm vừa qua, trên sân khấu dựng trước mặt ngôi chùa, phe KASI mời một vũ đoàn Indonesia trình diễn vở kịch múa “Sutasoma”, Sutasoma là một tập thơ Phật giáo nổi tiếng của đảo Java được trước tác dưới triều đai Majapahit.
Năm nay, Walubi lại chú trọng hơn nữa với sự hiện diện của môt đoàn kịch múa vĩ đại, hợp chung với các đoàn múa Lào, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện, tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật. Sân khấu được dựng lệch về phía Tây của Borobudur, như thể để buổi trình diễn không bị “ô nhiễm” bởi vết tích của KASI để lại!
🍀* MỘT NHÀ SƯ PHÁT BIỂU NHƯ SAU: “TRÊN PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN, BOROBUDUR VẪN CÒN LÀ MỘT CẢNH HOANG TÀN”
“Borobudur, không phải là trung tâm phát triển của Phật giáo Indonesia”, đây là lời phát biểu của Sri Pannyavaro, một trong các vị tu sĩ Phật giáo đã thành lập KASI và là vị trụ trì của tu viện Mendut. Quá nhiều ô nhiễm chính trị, quá nhiều tranh chấp, ngay cả dân làng cũng gây gổ với nhau và sẵn sàng làm bất cứ gì để tranh nhau phần rơi rớt trong việc kinh doanh Phật giáo: “Những bức tượng mà họ bán dọc theo đường cái, đúng thật là những bức tượng Phật, nhưng thật ra chẳng có một giá trị tinh thần nào cả. Những bức tượng ấy chỉ hàm chứa một giá trị thiêng liêng nào đó khi ta biết ngồi tĩnh tâm thật lâu trước những bức tượng ấy, với tấm lòng tinh khiết”, Sri Pannyavaro đã nói như thế khi ông lánh xa ngày lễ Phật đản đang cử hành ở Borobudur, dù rằng chùa của ông chỉ cách đấy 3km, để viếng thăm những ngôi cổ tự hẻo lánh của đảo Java, trong các địa phận như Plaosan và Sewu, nơi đây ngày Phật đản được cử hành hàng năm càng đông với những người thích xa lánh cảnh hội chợ đầy những chụp giật và tranh giành… Không màng đến những tranh cãi, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn bày tỏ ước vọng của ngài được đi hành hương ở Borobudur. Nhưng vị sứ giả của ngài đến đây tiền trạm đã hoàn toàn thất vọng. Thực tế là vị trụ trì tu viện theo truyền thống Tây Tạng gần Borobudur nhất, một người Indonesia gốc Trung Hoa còn trẻ, được xác nhận như “tulku” (tức hóa thân của một vị Lạt-ma lớn) bởi Kunzig Shamar Rinpoché, một vị thầy Tây Tạng có những nghi vấn về phẩm hạnh.
Về phần bà Siti Hartati Murdaya, vị… “big boss” (đại chủ nhân) của Walubi, từng bị bắt quả tang khi tìm cách lén lút luồn ra khỏi xứ 36.000 đôi giày hiệu Nike và hiệu Yonex (một nhãn hiệu của Nhật)! Lối buôn lậu này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Khi kiện hàng bị hải quan bắt được, bà chủ tịch của Walubi liền tuyên bố rằng khối lượng hàng đó bị đánh cắp từ những cơ xưởng của bà…
Những sự kiện trên cũng đủ minh chứng rằng ngày nay còn rất nhiều hiểm nguy đang đe dọa sự “hồi sinh” của Phật giáo trên quần đảo Indonesia. Trên phương diện kiến trúc, việc bảo vệ ngôi chùa Borobudur đã thành công. Nhưng trên phương diện thiêng liêng, Borobudur sẽ còn nằm trong tình trạng hoang phế lâu dài. Trùng tu những đổ nát đó quả thật là một công tác vô biên.
(Hoang Phong chuyển dịch)
SỰ HỒI SINH CỦA PHẬT GIÁO TRONG MỘT NƯỚC HỒI GIÁO LỚN NHẤT THẾ GIỚI.
ELISABETH D. INANDIAK và NICOLAS CORNET
——-☀☀☀——–
Nguồn: Bài viết của nữ ký giả ELISABETH D. INANDIAK, người sống nhiều năm tại indonesia, và ông NICOLAS CORNET, nhiếp ảnh gia chuyên vẻ á châu, đăng trong geo, bản tiếng pháp, số 342
Ảnh: chùa Borobudur (nguồn Google hình ảnh)
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS