MẶC KỆ CÔNG VIỆC

SHARE:

THẤU HIỂU NHU CẦU THỰC SỰ
Thường mỗi nhiệm vụ người ta giao cho bạn sẽ có hai khía cạnh: bản thân nhiệm vụ và nhu cầu ẩn sau đó. Lấy ví dụ: chuyên gia tư vấn tổ chức chuyên nghiệp hiểu rằng họ thường được triệu tới để “cứu bồ” ai đó bị quá tải bởi những thứ họ đang sở hữu. Theo suy nghĩ những của người này, giải pháp là kiếm một hệ thống tổ chức tốt hơn để cất trữ đồ đạc cho gọn.
Thế nhưng, những người có tài tổ chức tuyệt vời lại nghĩ: thường thì rắc rối nảy sinh chỉ một phần từ tình trạng lộn xộn. Cái ta thực sự cần là hình thành những thói quen mới song song với một hệ thống tổ chức mới. Bí quyết để ngăn nắp đâu ra đó, là rèn bản thân tuân thủ một hệ thống mà bạn lập nên — nếu không, cảm giác quá tải sẽ lập tức quay lại khi tình trạng lộn xộn chắc chắn tái phát.

LÀM TỐT HƠN

Cải tiến chất lượng trước khi thực hiện bất cứ công việc gì là yếu tố quyết định giúp bạn vượt hẳn lên so với yêu cầu. Sẽ có rất nhiều lần trong sự nghiệp, bạn được yêu cầu “làm xong việc là được”. Tôi nhớ có một lần như thế, hồi tôi sống ở Australia và nhận được đề nghị phút chót: hỗ trợ cho một đồng nghiệp người Mỹ đến công tác tổ chức bài thuyết trình với văn phòng Sydney của chúng tôi.
Một trong những việc tôi đã làm trong khi rà soát các trang trình chiếu của cô: tôi đổi cách viết của vài từ (ví dụ: color thành colour) vì người Úc sử dụng quy tắc chính tả kiểu Anh. Cô không hề nhờ tôi làm việc đó, nhưng cô có để ý. Bạn có thể tự chuốc vạ vào thân chỉ vì làm quá mức được yêu cầu? Tất nhiên. Có đáng không? Trong trường hợp của tôi: đáng!
Lần kế tiếp có dịp cộng tác cùng văn phòng ở Mỹ, cô bạn đồng nghiệp đã đề nghị cơ hội cộng tác riêng với tôi, vì tôi đã chứng tỏ với cô đúng vào một khoảnh khắc then chốt, rằng tôi sẽ luôn suy nghĩ để làm việc gì đó tốt hơn thay vì chỉ răm rắp tuân theo những gì người ta bảo tôi làm.

VIẾT LẠI BẢN MIÊU TẢ CÔNG VIỆC

Do nhu cầu cần thiết, người ta vẫn luôn tuyển dụng dựa trên bản miêu tả công việc, nhưng như thế không có nghĩa là một bản miêu tả công việc yếu kém hoặc bất toàn sẽ ngăn trở bạn thể hiện tối đa năng lực. Thay vì ngồi yên đợi bản đánh giá hiệu quả làm việc hoặc chờ đến thời điểm xét duyệt thành tích như lịch định, hãy bỏ chút thời gian mà viết lại bản miêu tả công việc của mình một cách có chủ đích.
Hãy cân nhắc những việc đáng ra bạn không nên làm nhưng lại đang làm, những việc bạn muốn được làm nhiều hơn nữa trong một môi trường lý tưởng. Sau đó viết ra giấy. Lần tiếp theo bạn có thể gặp mặt để bàn bạc về vai trò của mình, làm như cách trên sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn rõ rệt xem nên định hướng cuộc trò chuyện ra sao. Suy cho cùng, người đủ tư cách nhất để viết bản miêu tả công việc của bạn là chính bạn… sau khi đã làm công việc đó.

—🌿🍁🌿—

NGƯỢC ĐẢO THÓI THƯỜNG
ROHIT BHARGAVA
Nguyễn Thị Kim Diệu dịch
Nhà Xuất Bản Trẻ – 2023

Post: Tâm Ngọc Đồng Minh

 

SHARE: