TÔN GIÁO

SHARE:

🌼 Tôn giáo của Einstein

Trong gia đình Einstein, tôn giáo không đóng vai trò quan trọng. Lúc bé khi học tiểu học ở Munich, Albert được học những lớp giáo lý Thiên Chúa Giáo, sang bậc trung học thì học giáo lý Do Thái Giáo. Khi ấy, cậu đã phát hiện ra rằng, những câu chuyện trong Kinh Thánh về sự sáng tạo thế giới không hề phù hợp với những gì cậu biết về tự nhiên mà cậu đã đọc được từ các tác phẩm khoa học phổ thông đại chúng và bắt đầu nghi ngờ Kinh Thánh. Albert chỉ tin những gì mình hiểu. Ngoài ra, cậu phản kháng lại sự cưỡng ép của bất cứ thẩm quyền nào, kể cả của cộng đồng tôn giáo. Albert miễn cưỡng bắt buộc phải tham gia vào các buổi thánh lễ và phải tin vào một số giáo điều. Đó là lý do tại sao Einstein đã quyết định rời bỏ cộng đồng tôn giáo Do Thái khi còn ở trường trung học tại Munich và đã thực hiện việc này sau khi trốn sang Ý.

Tuy nhiên sau đó, những diễn biến chính trị, chủ nghĩa bài Do Thái và cuộc bách hại người Do Thái đã khiến ông trở thành một người ủng hộ nhiệt thành và hùng hồn cho chủ nghĩa Zion [Phục quốc Do Thái]. Sau khi thành lập Israel, Einstein thậm chí còn được đề nghị trở thành Tổng thống của Israel.

Nhìn bề ngoài, ta có thể nghĩ Einstein là một người có tín ngưỡng, bởi như nhận xét của Friedrich Dürrenmatt năm 1979 trong một bài giảng tại ETH Zürich, Einstein cứ luôn luôn nhắc đến Thượng Đế “Einstein nói về Chúa Trời thường xuyên đến nỗi tôi gần như nghi ngờ ông ấy là một nhà thần học trá hình”. Thế nhưng, niềm tin tôn giáo của ông không phụ thuộc vào điều này, ông hoài nghi về ý tưởng một Thượng Đế như một cá nhân.

Năm 1929, ông trả lời câu hỏi “Bạn có tin vào Chúa không?” bằng một bức điện gửi Herbert S. Goldstein (New York):

Tôi tin vào Chúa Trời của Spinoza, hiển lộ qua sự hài hòa của tồn tại một cách có quy luật, không phải vào một Thượng Đế định đoạt số phận và hành vi của con người.

Quan niệm này về Chúa Trời, người thể hiện mình trong các quy luật tự nhiên, tương ứng với quan niệm cũ về Chúa “đo đạc”, đo vòng tròn của thế giới bằng chiếc com pa, như một nghệ nhân vẽ sách thời Trung cổ ở Reims đã thể hiện vào năm 1250. Einstein và Heisenberg khá gần nhau trong quan điểm này.

Sau khi bức điện này được công bố, một cuộc phản đối dữ dội đã nổi lên ở Mỹ. Đặc biệt, quan điểm của Einstein, phủ nhận một Thượng Đế cá nhân, đã khiến ông bị những người Mỹ ngoan đạo phản đối. Nhưng Einstein giữ quan điểm của mình và lập luận về mặt thần học:

Nếu như hữu thể này là toàn năng, thì mọi sự kiện, bao gồm mọi hành động của con người, mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc và phấn đấu của con người, đều là công việc của hữu thể ấy. Làm sao người ta có thể nghĩ rằng trước một đấng toàn năng như vậy, con người phải chịu trách nhiệm về hành động và nguyện vọng của mình? Khi đấng toàn năng tưởng thưởng hay trừng phạt con người, thì điều ấy theo một nghĩa nào đó, chính là tự phán xét mình. Làm thế nào điều này có thể tương thích với lòng tốt và công bằng được gán cho hữu thể ấy?

Nhiều năm sau đó, cụ thể là một năm trước khi qua đời, Einstein đã viết một bức thư giải đáp những thắc mắc khẩn thiết của Eric Gutkind. Gutkind là một tác gia, nhà triết học đã gửi cho Einstein tác phẩm của mình Choose Life: The Biblical Call to Revolt [Chọn cuộc sống: Lời kêu gọi nổi dậy của Thánh Kinh], xuất bản năm 1952. Tác phẩm này theo chủ nghĩa Zionist giải thích Do Thái giáo là tiên phong của nhân loại. Bức thư của Einstein gửi Gutkind có thể tìm trên Internet. Nó đã được bán đấu giá tại Bloomsbury Auctions ở London vào năm 2008 và được bán lại trên Ebay với giá hơn 3 triệu đô la Mỹ vào năm 2013. Trong bức thư này, ông giải thích chi tiết những gì ông nghĩ về khái niệm của mình về Chúa Trời nói riêng và về tôn giáo nói chung:

Princeton, 3. I. 54. Ông Gutkind thân mến!

Được khuyến khích bởi những lời đề nghị lặp đi lặp lại từ ông Brouwer, trong vài ngày qua, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của ông, và rất cảm ơn ông đã gửi nó. Điều đặc biệt qua đó gây ấn tượng đối với tôi là: Chúng ta hầu như giống nhau trên thực tế về thái độ đối với cuộc sống và cộng đồng nhân loại: về một lý tưởng vượt lên trên cá nhân với nỗ lực giải phóng khỏi những ham muốn ích kỷ, phấn đấu làm đẹp và cao quý hóa của cái tồn tại [của con người, Einstein dùng khái niệm triết học ‘Dasein, ND] với sự nhấn mạnh vào nhân tính thuần túy, bên cạnh đó, những vật vô sinh chỉ được xem như một phương tiện mà không được phép có một chức năng thống trị nào. (Đặc biệt, chính thái độ đã gắn kết chúng ta với nhau này lại thực sự là “thái độ phi Mỹ [unamerican attitude)”. Tuy nhiên, nếu không có sự khuyến khích của Brouwer, tôi sẽ không bao giờ nghiên cứu chi tiết cuốn sách của ông, bởi vì nó được viết bằng một ngôn ngữ mà tôi không thể tiếp cận được. Đối với tôi, từ “Chúa Trời” không gì khác hơn ngoài sự biểu hiện và là sản phẩm của những sự yếu đuối của con người, Kinh Thánh là một bộ sưu tập các truyền thuyết nguyên thủy đáng kính nhưng dồi dào những tính chất sơ khai. Không có cách diễn giải tinh tế nào (đối với tôi) có thể thay đổi điều gì ở đó. Những diễn giải được tinh tế hóa này tự nhiên là rất đa dạng và hầu như không liên quan gì đến văn bản gốc. Đối với tôi, tôn giáo Do Thái chân chính, giống như tất cả các tôn giáo khác, là hiện thân của sự mê tín nguyên thủy. Dân tộc Do Thái, mà tôi là một thành viên, điều mà tôi yêu thích, và tính cách dân tộc đã ăn sâu trong tôi, thế nhưng đối với tôi, không có phẩm giá nào cao hơn tất cả các dân tộc khác. Theo kinh nghiệm của tôi thì dân tộc Do Thái không tốt gì hơn những nhóm người khác, ngay cả khi họ, do thiếu quyền lực, được che chở trước những sự thái quá tồi tệ nhất (của quyền lực). Còn lại, tôi không thể thấy bất cứ điều gì đáng gọi là được chọn của họ cả. Nói chung, tôi cảm thấy thật đau lòng khi ông đòi hỏi một vị trí đặc quyền và cố gắng bảo vệ nó bằng hai bức tường của sự kiêu hãnh, một bức bên ngoài với tư cách là Người, và một bức bên trong với tư cách là người Do Thái. Có thể nói, ở vị thế là Người, ông đòi hỏi có sự miễn trừ khỏi quan hệ nhân quả được chấp nhận rộng rãi, và ở vị thế là Người Do Thái, thì ông lại đòi hỏi một đặc quyền đối với thuyết độc thần. Nhưng tính nhân quả bị hạn chế thì không còn là nhân quả nữa, như Spinoza tuyệt vời của chúng ta đầu tiên nhận định với tất cả sự sắc bén. Và về nguyên tắc thì, tính độc quyền không loại bỏ được quan niệm Vật Linh [animism] của các tôn giáo sơ khai. Bằng những bức tường ngăn cách như thế, chúng ta chỉ có thể tự lừa dối mình; không giúp ích gì cho những nỗ lực đạo đức của chúng ta phát triển thêm. Đúng hơn ngược lại. Lần Sau khi đã thẳng thắn nói lên sự khác biệt của chúng ta trong những niềm tin tri thức, tôi vẫn thấy rõ rằng chúng ta cơ bản rất gần gũi với nhau, cụ thể là trong các đánh giá về hành vi của con người. Những gì ngăn cách chỉ là một điểm phụ của nhận thức, hay “sự duy lý hóa” theo ngôn ngữ của Freud. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ khá hiểu biết nhau khi bàn luận về những điều cụ thể.

Với lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất

A. Einstein

Hai tháng sau, vào tháng 3 năm 1954, Einstein lại nhắc đến quan điểm này theo một cách khác:

Nếu có điều gì trong tôi có thể gọi là tôn giáo thì đó là sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với cấu trúc của thế trên giới, trong chừng mực khoa học của chúng ta có thể tiết lộ điều đó.

🌼 Triết học tôn giáo của Heisenberg

Heisenberg lớn lên trong một gia đình theo đạo Tin lành. Ông đã được học giáo lý đạo Tin lành, đã được chịu phép Kiên Tín và đã kết hôn trong nhà thờ. Ông đã viết về niềm tin tôn giáo của mình trong tác phẩm “Bộ phận và Toàn thể [The Part and the Whole]” . Năm 1952, trong cuộc thảo luận với Bohr và Pauli về các nhà triết học thực chứng ở Copenhagen, ông phát biểu:

Chúng ta biết rằng, tôn giáo được diễn tả bằng một ngôn ngữ hình tượng, với những câu chuyện ngụ ngôn. Như thế, nội dung thực của tôn giáo không bao giờ có thể được phản ảnh một cách chính xác. Nhưng cuối cùng, hầu hết các tôn giáo cổ đại đều chứa đựng cùng một nội dung, cùng một ý nghĩa, được thể hiện bằng hình tượng và dụ ngôn với trọng tâm là câu hỏi t về giá trị. Nhưng nhiệm vụ vẫn là phải hiểu ý nghĩa này, vì nó rõ ràng có ý nghĩa như là một phần quan trọng trong thực tế của chúng ta.

Heisenberg đặt câu hỏi: “Có phải là hoàn toàn vô nghĩa không khi nghĩ rằng, đằng sau các cấu trúc tổ chức của thế giới trên quy mô lớn có một ‘Ý Thức’ mà ‘Chủ đích’ của nó là tạo ra những cấu trúc kia?”. Ở đây tư tưởng của Heisenberg gần gũi với Einstein, người thường gọi đùa Chúa Trời là “Ông Cụ”. Einstein cho rằng có thể nhận biết được bản kế hoạch của ông Cụ qua các quy luật tự nhiên tuyệt vời, có thể diễn tả bằng toán học. Những quy luật này không hỗn loạn mà có thể hiểu được bởi đầu óc của chúng ta. Điều đó được Einstein diễn tả bằng giọng hài hước cố hữu của ông như sau: “Ông Chúa Trời thì rất tinh vi lắt léo, nhưng không hiểm độc!”.

Và ông tiếp tục:

Câu hỏi về các giá trị – đó chính là câu hỏi về những gì chúng ta làm, những gì chúng ta phấn đấu, chúng ta nên đối nhân xử thế ra sao […] nó là câu hỏi về chiếc la bàn định hướng cho ta, để tìm kiếm cho ta một con đường trong cuộc sống. Chiếc la bàn này đã được đặt những cái tên rất khác nhau trong các tôn giáo và thế giới quan khác nhau: hạnh phúc, ý Chúa, ý nghĩa cuộc sống […] Tôi có ấn tượng rằng tất cả những sự diễn đạt ấy đều xoay quanh mối quan hệ của con người với trật tự trung tâm của thế giới.

Khi Pauli hỏi liệu ông có tin vào một đấng Chúa Trời như một cá nhân hay không, Heisenberg nói rằng đối với ông, ‘Trật tự trung tâm’ (từ tượng trưng của Heisenberg để chỉ Chúa) có thể hiện hữu trong con người, với cùng cường độ như linh hồn. Và đạo đức phương Tây của chúng ta vẫn luôn luôn có nền tảng của nó trong Thiên Chúa giáo.

Giữa thời kỳ đen tối, năm 1942, Heisenberg đã viết một bài tiểu luận tổng quan, Trật tự của Thực tại (Ordnung der Wirklichkeit), trong đó ông sắp xếp tất cả các nhánh của khoa học và nghệ thuật trong một bức tranh lớn về thế giới quan của mình. Tuy nhiên, ông không công bố vì tiểu luận này có thể được xem là phê phán tình hình chính trị. Nó chỉ được biết đến sau khi ông qua đời.

Tiểu luận này cũng dành một phần quan trọng cho âm nhạc. Con gái của ông, Barbara Blum kể lại:

Đối với ông, âm nhạc, giống như toán học, là cánh cửa dẫn tới nhận thức về cái mà ông gọi là trật tự Trung trung tâm. Ở đó, ông cảm nhận được tính hiệu quả của Đấng mà chúng ta liên hệ bằng ngôn ngữ tôn giáo và ông không nghi ngờ cảm nhận điều đó như sự thiện mỹ trái ngược với mọi thứ rối bời và hỗn loạn.

Trong suốt cuộc đời, ông cảm thấy mình phải đối mặt với nhiệm vụ “tiến tới thâm nhập vào tri thức về thực tại, nhận thức các mối quan hệ khác nhau như các bộ phận của toàn bộ một thế giới duy nhất, được sắp đặt một cách trật tự hợp lý”.

Đối với ông thì, ngôn ngữ không dẫn ta đi đến tận cùng: “Khả năng tri thức của con người là vô giới hạn. Thế nhưng người ta không thể nói về những điều tận cuối cùng. Ở đây, âm nhạc phải lên tiếng”. Một người bạn của Heisenberg đã nói về ông: “Nơi mà ở người khác tôn giáo bắt đầu, thì ở Heisenberg âm nhạc lên tiếng”.

—🌼🌸🌼—

TÔN GIÁO
EINSTEIN VÀ HEISENBERG – KONRAD KLEINKNECHT
Việt dịch: Nguyên Lê Tiến
NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2024

—🌼🌸🌼—
Ảnh: nguồn Internet

Post: Thường An

SHARE: