SHARE:
CHÚNG TA NHẬN THỨC GÌ VỀ THỰC TẠI?
Liệu chúng ta có thể hiểu được thực tại theo đúng bản chất của nó? Ở mức độ nhận thức bình thường, các nhà thần kinh học và tư tưởng Phật giáo nói không: Chúng tôi không bao giờ ngừng giải thích các tín hiệu giác quan và xây dựng thực tại của “chúng tôi”. Vậy những lợi thế và bất lợi của sự diễn dịch này là gì? Với điều tra thực nghiệm và lý trí, điều đó có khả thi không để làm sáng tỏ bản chất thực sự của sự vật? Làm thế nào chúng ta thu lượm được kiến thức? Liệu có một thực tế khách quan độc lập với nhận thức của chúng ta? Cách tiếp cận của người trực tiếp trải nghiệm sẽ được phân biệt với cách tiếp cận của người quan sát bên ngoài. Bằng sự quán tưởng và sửa chữa những biến dạng của chúng ta về thực tại và khắc phục nguyên nhân của đau khổ, chúng ta có thể hoàn thiện chiếc kính hiển vi bên trong của mình hay không?
Wolf: Cả hai truyền thống của chúng ta đều liên quan sâu sắc đến những câu hỏi về kiến thức hấp dẫn: Làm thế nào chúng ta có được kiến thức về thế giới, kiến thức này đáng tin cậy đến mức nào và liệu rằng nhận thức của chúng ta có phản ánh thực tế đúng như bản chất của nó không hay chúng ta chỉ nhận ra được kết quả của sự diễn dịch? Liệu có thể nhận ra bản chất thực sự của những thứ xung quanh chúng ta, hay chúng ta chỉ có quyền tiếp cận những gì mà chúng biểu hiện? Chúng ta có hai nguồn kiến thức khác nhau để sử dụng. Nguồn chính và quan trọng nhất là kinh nghiệm chủ quan của chúng ta bởi nó là kết quả của sự tự quán hoặc tương tác của ta với thế giới xung quanh. Nguồn thứ hai là khoa học, là cố gắng tìm hiểu thế giới và tình trạng của chúng ta bằng cách mở rộng các giác quan, áp dụng những công cụ lý luận thích hợp để diễn giải cho các hiện tượng được quan sát, phát triển các mô hình dự đoán và xác nhận những tiên đoán của ta thông qua thí nghiệm. Tuy nhiên, cả hai nguồn kiến thức trên đều bị giới hạn bởi khả năng nhận thức của bộ não. Chúng ta không thể biết được giới hạn nhận thức của mình ở đâu, mà chỉ có thể khẳng định rằng những giới hạn đó có khả năng tồn tại.
Hãy để tôi lấy một vài ví dụ để minh họa rằng tại sao tôi cho rằng đây là một kết luận không thể bỏ qua. Bộ não là sản phẩm của một quá trình tiến hóa, giống như mọi cơ quan khác và toàn bộ cơ thể người nói chung. Bên cạnh đó, bộ não cũng là sản phẩm của một trò chơi tiến hóa vô định, mà thông qua sự đa dạng và chọn lọc đã hình thành nên một thế hệ mới với các cơ quan đã được tối ưu hóa để tồn tại và sinh sôi. Như một hệ quả, những cơ quan này được thích nghi với thế giới mà chúng đã tiến hóa ở đó. Cuộc sống chỉ phát triển trong một phân khúc hẹp của thế giới như chúng ta đã biết: phạm vi vi mô. Các sinh vật nhỏ nhất có khả năng duy trì tính toàn vẹn cấu trúc và tự sinh sản chính nó, bao gồm những tập hợp các phân tử tương tác bị giới hạn bởi một màng và chỉ đo được vài micromet. Ví dụ như là vi khuẩn.
Tất cả những sinh vật đa bào, thực vật và động vật đạt đến kích cỡ trong phạm vi mét đều đã phát triển các cảm biến cho những tín hiệu có liên quan đến sự tồn tại và sinh sản của chúng. Theo đó, các cảm biến này chỉ phản ứng với một phạm vi hẹp của các tín hiệu có sẵn. Những thuật toán đã phát triển để đánh giá các tín hiệu được đăng ký đã thích nghi với những nhu cầu riêng của các sinh vật tương ứng. Do đó, chức năng nhận thức của các sinh vật là rất riêng và được điều chỉnh đến một phạm vi giới hạn của kích thước. Đối với con người chúng ta, đây là thế giới mà chúng ta có thể cảm nhận trực tiếp bằng năm giác quan của mình và có xu hướng đánh đồng với “thế giới bình thường”. Đây là kích thước mà trong đó các định luật vật lý cổ điển chiếm ưu thế, có lẽ là bởi chúng được phát hiện trước những định luật vật lý lượng tử. Và cũng là phân khúc của thế giới mà hệ thống thần kinh của chúng ta tạo ra những hành vi thích nghi tốt; các giác quan xác định những phạm trù về tri giác, và lý luận dẫn chúng ta đến những diễn giải hợp lý và hữu ích về bản chất của các đối tượng bên cạnh những quy luật chi phối tương tác của chúng.
Nó xuất phát từ những cân nhắc mà hệ thống nhận thức của chúng ta có, với tất cả khả năng, chưa được tối ưu hóa để làm sáng tỏ bản chất thực sự của các hiện tượng nhận thức theo định nghĩa Kant. Immanuel Kant phân biệt giữa một giả thuyết Ding an sich — có nghĩa “điều trong chính nó”, hoặc bản chất của một đối tượng nhận thức không thể giảm thiểu hơn nữa với bất kỳ điều gì khác xuất hiện hiện tượng của đối tượng đó, điều có thể tiếp cập với các giác quan của chúng ta. Cơ quan cảm giác của chúng ta và các cấu trúc tế bào thần kinh sẽ đánh giá tín hiệu mà chúng đã phát triển để nắm bắt thông tin phù hợp cho sự sống còn và sinh sản bên cạnh việc tạo ra các phản ứng hành vi theo các trải nghiệm tự thân thực dụng phục vụ cho các chức năng này. Tính khách quan của nhận thức (tức là khả năng nhận ra giả thuyết Ding an sich) chưa bao giờ là một tiêu chí lựa chọn. Ngày nay, chúng ta biết rằng mình chỉ nhận thấy một phổ hẹp về các tính chất vật lý và hóa học của thế giới này, Chúng ta chỉ sử dụng một vài tín hiệu để xây dựng nhận thức của mình. Và trực giác ngây thơ của chúng ta sẽ là những thứ cung cấp cho chính ta một cái nhìn đầy đủ và mạch lạc về thế giới. Chúng ta tin tưởng những năng lực nhận thức của mình; chúng ta trải nghiệm những nhận thức như thực tế phản ảnh và không thể cảm thấy khác. Nói cách khác, nhận thức chủ đạo của chúng ta, cho dù được trung gian bởi nội tâm hoặc kinh nghiệm cảm giác, đều xuất hiện với chúng ta như là hiển nhiên. Chúng có trạng thái là chắc thật.
Matthieu: Chúng ta tin rằng mình đã trải nghiệm thực tại như là chính nó, mà không nhận ra mình đã diễn giải và bóp méo nó đến bao nhiêu. Thật vậy, luôn tồn tại một khoảng cách giữa cách mà mọi thứ xuất hiện và bản chất của chúng.
Wolf: Đúng. Chúng ta có nhiều ví dụ minh họa sự thích ứng có chọn lọc này trong nhận thức của mình đối với các hiện tượng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Một là chúng ta không có khả năng để phát triển một trực giác về các hiện tượng mà vật lý lượng tử quy định. Những điều kiện của vũ trụ vi mô này rất khó để chúng ta tưởng tượng. Điều tương tự cũng đúng với kích thước của vũ trụ và những động lực phi tuyến cao của các hệ thống phức tạp. Cả cảm biến và chức năng nhận thức của chúng ta đều không được điều chỉnh bằng cách tiến hóa để đối phó với những khía cạnh của thế giới bởi chúng không liên quan đến sự sống còn tại thời điểm mà nhận thức của chúng ta phát triển.
Matthieu: Ví dụ, sẽ khá là khó khăn để tưởng tượng một thứ gì đó xuất hiện dưới dạng sóng, không thể hạn chế lan tỏa, hoặc một hạt siêu nhỏ lại có thể hạn chế. Tất cả tùy thuộc vào cách bạn nhìn vào nó.
Wolf: Chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn với quy mô của vũ trụ. Hãy lấy thử thuyết tương đối: Các định kiến của chúng ta chống lại niệm rằng tọa độ của không gian và thời gian nên đan xen và là tương đối bởi trong thế giới trung mô, tức thế giới bình thường của chúng ta, chúng ta trải nghiệm không gian và thời gian như những chiều kích khác nhau và riêng biệt. Song điều thú vị là chúng ta vẫn có thể khám phá các chiều của thế giới mà mình không có khả năng tiếp cận được với nội tâm và cả kinh nghiệm của chính mình bằng cách sử dụng các dụng cụ như kính viễn vọng và kính hiển vi để mở rộng các cơ quan cảm giác và bổ sung khả năng nhận thức của chúng ta với sức mạnh phân tích và quy nạp của lý trí. Chúng ta đưa ra các suy luận, dự đoán và xác nhận chúng bằng thí nghiệm. Tuy nhiên, tất cả điều này xảy ra trong hệ thống lý luận khoa học khép kín, và không có gì đảm bảo rằng những hiểu biết thu được là không thể bác bỏ.
Matthieu: Nhưng ở đây bạn chỉ đề cập đến một sự hiểu biết về thực tế dựa trên nhận thức thông thường của chúng ta. Khi Phật giáo nói về việc nắm bắt “thực tại như nó là”, thì không chỉ đề cập đến nhận thức đơn thuần mà là đánh giá logic về bản chất cuối cùng của thực tại. Nếu bạn hỏi rằng liệu thực tế có phải được tạo thành từ một tập hợp các thực thể tự chủ, tự tồn tại hay không và sau đó tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt, hợp lý thì bạn sẽ đi đến kết luận rằng những gì dường như tồn tại như là những thực thể riêng biệt thực chất là một tập hợp các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau không có sự tồn tại của tự chủ nội tại. Tuy nhiên, ngay cả khi người ta hiểu những điều này về mặt tinh thần, thì cũng không có nghĩa các giác quan của một người sẽ cảm nhận được các hiện tượng bên ngoài như là chúng biểu hiện, mà không có bất kỳ biến dạng nào. Thực ra, chính đức Phật đã dạy rằng:
Mắt, tai và mũi không phải là những nhận thức có giá trị. Cũng tương tự như vậy với lưỡi và cơ thể.
Nếu năng lực của các giác quan là hợp lệ,
Thì con đường siêu phàm có thể làm được gì cho ai?
Ở đây, “con đường siêu phàm” ám chỉ một cuộc điều tra riêng biệt về bản chất cuối cùng của thực tại.
Wolf: Trước khi bình luận về những hiểu biết sâu sắc đạt được bằng cách suy ngẫm, tôi muốn đưa ra một vài nhận xét bổ sung về sự tiến hóa của hệ thống nhận thức chúng ta, đặc biệt là đối với quá trình chuyển đổi giữa tiến hóa sinh học và văn hóa. Các chức năng nhận thức cơ bản của chúng ta ban đầu được chọn lựa để giúp con người đối phó với các điều kiện của một thế giới tiền xã hội. Ở giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa sinh học, rất có khả năng tồn tại một số hợp tác giữa môi trường xã hội mới và bộ não của chúng ta, một sự hợp tác cung cấp cho bộ não những kỹ năng xã hội nhất định, ví dụ như khả năng nhận thức và diễn dịch các tín hiệu xã hội. Những khả năng này sau đó được bổ sung và hoàn thiện bằng cách sửa đổi biểu sinh của kiến trúc não, xảy ra trong quá trình phát triển của các cá nhân và được hướng dẫn bởi kinh nghiệm và giáo dục.
Matthieu: Di truyền học đề cập đến thực tế là chúng ta thừa hưởng một bộ gen, nhưng sự biểu hiện của các gen này có thể được điều chỉnh bởi những ảnh hưởng mà chúng ta gặp phải trong suốt cuộc đời. Đây có thể là những ảnh hưởng bên ngoài như nhận được rất nhiều tình cảm hoặc bị lạm dụng; hay ảnh hưởng từ bên trong, chẳng hạn như chịu đựng lo lắng nghiêm trọng hoặc có một tâm trí thanh thản. Thậm chí một số điều chỉnh này có thể xảy ra từ khi ta còn là bào thai. Khi chuột mẹ mang thai tiếp xúc với căng thẳng mãn tính thì con cái của chúng cũng thay đổi cách phản ứng với căng thẳng và trở nên nhạy cảm hơn. Lý do là một số gen mã hóa protein liên quan đến hệ thống điều tiết căng thẳng sẽ bị điều chỉnh, nghĩa là chúng trở nên kém hoạt động hơn và tạo ra ít hơn hoặc không có protein nào được chúng mã hóa. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thiền định có ảnh hưởng đáng kể đến sự biểu hiện của một số gen, bao gồm cả những gen liên quan đến căng thẳng.
Wolf: Vâng, những sửa đổi bổ sung của các chức năng não này là nguyên nhân của quá trình để lại dấu ấn và học tập. Chúng đóng vai trò là cơ chế truyền tải chính cho sự tiến hóa văn hóa xã hội. Do đó, bộ não của chúng ta là sản phẩm của cả tiến hóa sinh học lẫn sự phát triển về văn hóa. Và nó tồn tại trong hai chiều này. Thông qua sự phát triển văn hóa, những thực tại mà chúng ta đề cập đến ví dụ như những thực thể phi vật chất, những hiện tượng tâm lý, tinh thần, tâm linh — ra đời. Những hiện tượng này xuất hiện trong thế giới là bởi những kỹ năng nhận thức đặc biệt của con người, cho phép chúng ta tạo ra các thực tại xã hội như niềm tin và những hệ thống giá trị. Những kỹ năng nhận thức ấy khái niệm hóa những gì chúng ta quan sát được ở bản thân và người khác như cảm xúc, niềm tin và thái độ. Nếu tất cả những hiện tượng này là cấu trúc của bộ não chúng ta mà với tôi, đó là giả định rất có thể xảy ra — thì tình trạng bản thể học và mối quan hệ của chúng với “thực tại” nên là chủ thể đối với những giới hạn tương tự ràng buộc bộ não của chúng ta khi nói đến nhận thức bản chất sâu sắc của thế giới. Do đó, khả năng cần phải được xem xét không những chỉ là nhận thức, động lực và hành vi phản ứng của chúng ta; mà còn là cách ta suy luận và rút ra kết luận để thích nghi với các điều kiện cụ thể của thế giới mà chúng ta có liên quan, bao gồm cả thế giới của thực tại xã hội xuất hiện trong quá trình phát triển của văn hóa.
LÀM THẾ NÀO TA THU NẠP ĐƯỢC KIẾN THỨC?
Matthieu: Hãy nhớ lại rằng nhận thức luận là lý thuyết của hiểu biết, một phép huấn luyện triết học nghiên cứu các phương pháp được sử dụng để thu nhận kiến thức và phân biệt nhận thức có giá trị từ các ý kiến đơn thuần và trị giác thuần khiết.
Wolf: Từ góc độ sinh học thần kinh, sự khác biệt giữa “nhận thức có giá trị” và “tri giác thuần khiết” là không rõ ràng. Chúng ta xem nhận thức là một quá trình tích cực, mang tính xây dựng mà theo đó, bộ não sử dụng kiến thức tiên nghiệm về thế giới để giải thích các tín hiệu được cung cấp bởi các cơ quan cảm giác. Hãy nhớ rằng, bộ não chứa một lượng kiến thức khổng lồ về thế giới. Không giống như máy tính — thứ sở hữu các thành phần riêng biệt để lưu trữ các chương trình, dữ liệu và thực hiện các tính toán ở bộ não, tất cả các chức năng này được triển khai và quyết định bởi cấu trúc chức năng của mạng tế bào thần kinh. Ở đây, “cấu trúc chức năng” có nghĩa là cách các tế bào thần kinh cụ thể thực sự được kết nối với nhau, không phân biệt các kết nối này là kích thích hay ức chế, và chúng mạnh hay yếu. Khi não bộ học được một điều gì đó mới, một sự thay đổi trong cấu trúc chức năng của nó xảy ra: Một số liên kết nhất định được tăng cường, trong số khác bị suy yếu. Do đó, tất cả các kiến thức mà một bộ não có sẵn, cũng như các chương trình mà theo đó những kiến thức này được sử dụng để giải thích các tín hiệu cảm giác và cấu trúc phản ứng hành vi, nằm trong bố cục cụ cấu trúc chức năng của nó. Như vậy, việc tìm kiếm các nguồn kiến thức có thể giảm thiểu để xác định các yếu tố cụ thể và sửa đổi cấu trúc chức năng của bộ não.
Điều này dẫn đến việc xác định ba nguồn kiến thức chính về thế giới. Đầu tiên, và chắc chắn không phải là ít quan trọng nhất, là sự tiến hóa bởi một phần đáng kể của cấu trúc chức năng não do gen xác định. Kiến thức này – chủ yếu thuộc về các điều kiện của thế giới tiền văn hóa và đã được thu nhận thông qua sự thích nghi tiến hóa — được lưu trữ trong các gen và thể hiện trong cấu trúc chức năng của não trẻ sơ sinh. Kiến thức này là ẩn tàng — chúng ta không nhận thức được nó bởi mình không có mặt ở đó khi chúng được thu nạp. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng nó để giải thích cho các tín hiệu được cung cấp bởi các cơ quan cảm giác của mình. Nếu không có nền tảng kiến thức tiên nghiệm này, con người sẽ không thể hiểu được nhận thức của bản thân vì chúng ta sẽ không biết làm cách nào để diễn dịch các tín hiệu cảm giác. Những kiến thức bẩm sinh này sau đó được bổ sung bằng cách định hình biểu sinh phổ quát của cấu trúc tế bào thần kinh não bộ, thứ sẽ điều chỉnh bộ não đang phát triển phù hợp các điều kiện thực tế mà cá nhân đó sinh sống.
Chỉ sau khi được sinh ra, bộ não con người mới phát triển nhiều kết nối của nó và quá trình này sẽ tiếp tục cho đến độ tuổi khoảng từ 20 đến 25. Trong giai đoạn này, nhiều kết nối mới được hình thành và cũng nhiều kết nối hiện có bị loại bỏ; việc tạo ra và phá vỡ này được hướng dẫn bởi hoạt động của tế bào thần kinh. Bởi vì sau khi sinh, hoạt động tế bào thần kinh được điều biến bởi các tương tác với môi trường, do đó sự phát triển của những cấu trúc não được xác định bởi một loạt các yếu tố biểu sinh có nguồn gốc từ thế giới tự nhiên và xã hội.
Một phần đáng kể liên quan đến sự phát triển kiến thức có được này cũng vẫn là tiềm ẩn bởi hiện tượng mất trí nhớ thời thơ ấu. Trẻ em dưới 4 tuổi chỉ có một khả năng hạn chế để ghi nhớ bối cảnh mà chúng đã trải nghiệm và thu nhận được các nội dung cụ thể. Lý do là các phần trung tâm của não bộ cần để thực hiện các chức năng lưu trữ này — mà chúng ta gọi chúng là những bộ nhớ tình tiết, tiểu sử, hoặc khai báo chưa trưởng thành. Vì vậy, mặc dù trẻ nhỏ học rất hiệu quả và lưu trữ nội dung một cách mạnh mẽ thông qua các sửa đổi cấu trúc của kiến trúc não bộ, chúng vẫn thường không có hồi ức về nguồn gốc của những kiến thức này. Do thiếu mối quan hệ nhân quả rõ ràng đó, kiến thức có được theo cách này là ẩn tàng, giống như kiến thức thu được khi tiến hóa và thường giả định tình trạng của một niềm tin — tức là, sự thật của nó được coi là hiển nhiên.
Giống như những hiểu biết bẩm sinh, kiến thức thu được này được sử dụng để định hình các quá trình nhận thức và cấu trúc nhận thức của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nhận thức được những gì mình nhận thấy thực sự là kết quả của sự diễn dịch dựa trên kiến thức như vậy. Điều này có hậu quả sâu rộng: Các yếu tố di truyền và, thậm chí quan trọng hơn, sự hình thành đặc trưng biểu sinh, văn hóa của các bộ não khác nhau tạo ra sự thay đổi sâu sắc giữa các cá nhân. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người khác nhau, đặc biệt là những người được nuôi dưỡng trong các môi trường văn hóa khác nhau, có khả năng nhận thức cùng một thực tại khác nhau. Vì ta không nhận thức được thực tế rằng nhận thức của chúng ta là những công trình, chúng ta buộc phải nhận lấy những gì chúng ta coi là sự thật duy nhất và không thắc mắc về tình trạng khách quan của nó. Bản chất mang tính xây dựng này của tri giác làm cho nó khó phân biệt được giữa nhận thức có giá trị và nhận thức thuần khiết.
Matthieu: Chắc chắn, nhưng lý luận logic và điều tra nghiêm ngặt có thể cho phép chúng ta làm lộ ra chân tướng trò chơi được giật dây bởi những ngụy tạo về tinh thần. Nghiên cứu về sự phát triển của các nền văn hóa là một chuyên ngành mới đã dẫn đến những tiến bộ đáng chú ý trong suốt 30 năm qua, đặc biệt dưới sự thúc đẩy của hai nhà nghiên cứu người Mỹ, Robert Boyd và Peter Richerson. Theo họ, có hai sự phát triển xảy ra song song: Sự tiến hóa chậm của và sự phát triển tương đối nhanh của các nền văn hóa, cho phép các năng lực tâm lý xuất hiện mà không bao giờ có thể tiến hóa dưới ảnh hưởng của gen một mình do đó, họ lấy tiêu đề cho cuốn sách của mình là Không phải chỉ bởi gen.
Boyd và Richerson nghĩ về văn hóa như một tập hợp các ý tưởng, kiến thức, niềm tin, giá trị, khả năng và thái độ có được thông qua việc dạy bảo, bắt chước và mọi loại thông tin truyền tải xã hội khác. Sự truyền tải của con người và sự phát triển của văn hóa được tích lũy bởi mỗi thế hệ đều có kiến thức và kinh nghiệm công nghệ bắt đầu từ các thế hệ trước. Hầu hết con người có khuynh hướng muốn phù hợp với những thái độ, phong tục và tín ngưỡng chiếm ưu thế. Sự phát triển của các nền văn hóa ủng hộ việc thành lập các thiết chế xã hội xác định và khen thưởng sự tôn trọng các chuẩn mực hành vi cũng như trừng phạt những gì không phù hợp để đảm bảo sự hài hòa của cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, những chuẩn mực này không cố định; Giống như các nền văn hóa, chúng phát triển cùng với sự tiếp thu những kiến thức mới.
Wolf: Hãy để tôi đưa ra một ví dụ về việc kiến thức tiên nghiệm của chúng ta xác định cách chúng ta nhận thức được mở rộng thế nào. Nhận thức về một quá trình động và nguồn gốc những dự đoán phụ thuộc vào việc người quan sát giả định rằng đó là một quá trình với động lực tuyến tính hay phi tuyến tính. Một ví dụ điển hình của động lực tuyến tính là đồng hồ cơ học. Mỗi vòng quay của con lắc sẽ thông qua một loạt các bánh xe truyền động, tạo ra một bước tiến được xác định chính xác của thanh truyền — và nếu đó là một chiếc đồng hồ hoàn hảo thì nó phải không có ma sát hoặc các ảnh hưởng gây trở ngại khác. Sau đó, nó có thể được dự đoán về cách mà thanh truyền sẽ di chuyển và chúng sẽ ở đâu tại một thời điểm cụ thể, trong một khoảng thời gian không giới hạn. Động năng của đồng hồ tuân theo một quỹ đạo liên tục và được xác định hoàn toàn. Hàm xác định quỹ đạo này là sự kết hợp giữa dao động của con lắc và chuyển đổi những dao động đó thành một vòng quay của thanh truyền.
Một ví dụ về động lực học phi tuyến tính là một con lắc dao động trên một bề mặt. Trên bề mặt đó, có ba nam châm được cố định theo hình tam giác. Hãy giả định rằng con lắc được tự do dao động trong tất cả các mặt phẳng. Trong trường hợp này, chuyển động của con lắc được xác định không chỉ bởi trọng lực và động năng của nó, mà còn bởi các lực hút chồng chéo của ba vùng từ trường. Khi người ta cho con lắc chuyển động, nó sẽ di chuyển trên những quỹ đạo cực kỳ phức tạp trước khi cuối cùng nằm trên một lực hút của nam châm. Nhưng ta sẽ hoàn toàn không dự đoán trước được con lắc sẽ dừng lại trên nam châm nào. Thậm chí ngay cả khi con lắc luôn bắt đầu từ chính xác cùng một vị trí, cũng không thể dự đoán cuối cùng nó sẽ dừng ở đâu. Dọc theo quỹ đạo giữa các lực hấp dẫn khác nhau, có rất nhiều điểm mà con lắc có thể di chuyển sang phải hoặc trái với xác suất bằng nhau; chỉ đến phút cuối mới xác định được nó sẽ di chuyển theo hướng nào. Quỹ đạo của con lắc cũng sẽ không thể dự đoán trước nếu nó tiếp tục di chuyển bằng cách lái nó nhẹ nhàng với một lực dao động. Trong trường hợp đó, con lắc sẽ quay xung quanh ba nam châm. Người ta có thể tính xác suất trung bình mà con lắc sẽ ở trong trường lực hút của một trong các nam châm, nhưng vẫn không thể dự đoán chính xác được khi nào thì nó sẽ ở đâu. Nếu người ta điều khiển một chiếc đồng hồ với một con lắc hỗn loạn như vậy, thì họ sẽ quan sát được những chuyển động rất khó lường của thanh truyền.
Với nhận thức bình thường của con người, giả định tuyến tính là một chiến lược dễ được chấp nhận bởi hai lý do. Đầu tiên, nhiều quá trình liên quan xung quanh chúng ta có thể được mô phỏng bằng các mô hình tuyến tính. Thứ hai, vì sự phát triển hoặc quỹ đạo của các hệ thống tuyến tính dễ dự đoán hơn nhiều so với những hệ thống phi tuyến tính, nên nó cung cấp một chút lợi thế hơn trong việc phát triển trực giác về động lực học của một hệ phi tuyến, phòng trường hợp nếu có ai đó muốn đưa ra những suy luận về động lực của hệ thống đó trong tương lai. Vì những lý do này, có lẽ không có áp lực lựa chọn để phát triển trực giác cho các quy trình có tính phi tuyến cao. Như một hệ quả tất yếu, chúng ta dường như gặp khó khăn khi phải tưởng tượng các quy trình có động lực phi tuyến và đưa ra kết luận chuẩn xác về các quy trình này. Lấy ví dụ, vì giả định tuyến tính bằng trực giác, chúng ta không nhận thức được động lực phức tạp của các hệ thống kinh tế hoặc sinh thái, nuôi dưỡng ảo tưởng rằng mình có thể dự báo, và do đó có thể kiểm soát quỹ đạo tương lai của các hệ thống này. Và rồi chúng ta ngạc nhiên khi kết quả của những can thiệp này hoàn toàn khác so với những gì mà ta mong đợi. Với những tiến hóa bị hạn chế trong khả năng nhận thức và trực giác của chúng ta, con người bị bỏ lại với câu hỏi hóc búa về nguồn kiến thức nào chúng ta nên tin tưởng, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những mâu thuẫn giữa trực giác, nhận thức chủ đạo của chúng ta, những tuyên bố khoa học và tập hợp những niềm tin có được từ xã hội.
Matthieu: Phật giáo cũng nhấn mạnh là một sự hiểu biết đúng đắn về thế giới hiện tượng công nhận rằng tất cả các hiện tượng khởi phát thông qua hầu hết các nguyên nhân và điều kiện phụ thuộc lẫn nhau, tương tác bên ngoài một quan hệ nhân quả tuyến tính.
CÓ THỂ TỒN TẠI NHỮNG HIỂU BIẾT GIÁ TRỊ
CỦA MỘT SỐ KHÍA CẠNH TRI THỨC?
Matthieu: Theo quan điểm Phật giáo, luôn có một khoảng trống tồn tại giữa cách mọi thứ xuất hiện và cách chúng tồn tại. Và điều này khá là rõ ràng. Vậy liệu rằng chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách này không? Và nếu được, thì bằng cách nào?
Khi một người đang khát và nhìn thấy một ảo ảnh trong sa mạc, người ta có thể chạy ngay về phía đó và hy vọng có được nước. Nhưng tất nhiên, nước chỉ là ảo ảnh. Nhiều ví dụ như vậy cho thấy cách những thứ xuất hiện khá thường xuyên thường không tương ứng với thực tại. Khi cách chúng ta nhận thức các hiện tượng bên ngoài là rối loạn so với bình thường — như việc chúng ta không thể uống nước là ảo ảnh trong Phật giáo Tây Tạng, điều này được gọi là nhận thức “vô giá trị”. Nếu cách mà chúng ta nhận thức hoạt động bình thường, như khi chúng ta cảm nhận nước chính là thứ được gọi là nước thứ mà chúng ta có thể rửa và sử dụng để làm dịu đi cơn khát thì nó cho phép chúng ta hoạt động trên thế giới, và do đó, nó được gọi là nhận thức có giá trị. Ở cấp độ phân tích sâu hơn mà Phật giáo gọi là logic tối thượng, nếu chúng ta nhận thấy nước là một hiện tượng tự chủ, thực sự tồn tại, thì đây được xem là một nhận thức không có giá trị. Ngược lại, nếu chúng ta nhận ra rằng nước là một hiện tượng nhất thời, phụ thuộc lẫn nhau do vô số nguyên nhân và điều kiện, nhưng cuối cùng không có bản chất thực tại, thì điều này lại trở thành một nhận thức có giá trị.
Ở cấp độ nhận thức, theo thuyết của Phật giáo về trị giác đã được các nhà bình luận tranh luận trong 2.000 năm, thì tại thời điểm nhận thức ban đầu, các giác quan của chúng ta đều nắm bắt được một đối tượng. Sau đó đến một hình ảnh thô, phi khái niệm về tinh thần (hình khối, âm thanh, mùi, vị hoặc xúc giác). Ở giai đoạn thứ ba, các quá trình khái niệm được thiết lập theo chuyển động: Những ký ức và mô hình thói quen được đặt chồng lên hình ảnh tinh thần tùy thuộc vào cách mà ý thức của chúng ta được hình thành bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Điều này sinh ra các khái niệm khác nhau: Chúng ta xác định hình ảnh tinh thần này theo đúng bản chất của nó, ví dụ: một bông hoa. Chúng ta đánh giá các phán đoán về nó và diễn giải bông hoa là đẹp hay xấu. Tiếp theo, chúng ta tạo ra cảm giác tích cực, tiêu cực hoặc trung tính về nó. Từ đó dẫn đến sự thu hút, ganh ghét hoặc thờ ơ. Nhưng đến lúc đó, hiện tượng bên ngoài đã thay đổi vì bản chất nhất thời của vạn vật.
Vì vậy, trên thực tế, ý thức liên kết với trải nghiệm cảm giác không bao giờ trực tiếp cảm nhận thực tế như nó vốn có. Những gì chúng ta cảm nhận được là hình ảnh các trạng thái trong quá khứ của một hiện tượng mà cuối cùng không có những thuộc tính nội tại. Ở cấp độ vĩ mô, chẳng hạn như chúng ta biết rằng, khi mình nhìn vào một ngôi sao, thì thực sự chúng ta đang nhìn vào ngôi sao đó của nhiều năm trước. Bởi sẽ phải mất rất nhiều năm để ánh sáng phát ra từ ngôi sao đến được mắt chúng ta. Thực tế thì điều này đúng với toàn bộ mọi nhận thức. Chúng ta không bao giờ nhìn trực tiếp vào các hiện tượng trong thời gian thực, và chúng ta luôn làm biến dạng chúng theo một cách nào đó.
Hơn nữa, hình ảnh tinh thần của bông hoa (hoặc bất kỳ đối tượng nào) cũng bị đánh lừa bởi chúng ta thường xem hoa là một thực thể tự chủ và tin rằng các thuộc tính của vẻ đẹp hay sự xấu xí thực chất thuộc về bông hoa. Tất cả những điều này xuất phát từ những gì Phật giáo gọi là vô minh hoặc thiếu nhận thức. Loại thiếu hiểu biết cơ bản này không chỉ là thiếu thông tin — ví dụ như không biết tên của loài hoa, tác dụng trị liệu hoặc độc tính, hoặc cách nó phát triển và sinh sản — mà sự thiếu hiểu biết ở đây còn đề cập đến một cách hiểu méo mó và sai lầm về thực tại ở mức độ sâu hơn.
Về bản chất, chúng ta nên hiểu rằng những gì tôi cảm nhận như là thế giới của mình là sự kết tinh được kích hoạt bởi sự gặp gỡ giữa phiên bản nhất định của tôi về ý thức con người và một loạt các hiện tượng ngoại lai không được xác định đầy đủ trong chính bản thân chúng và tương tác theo cách phi tuyến tính. Khi cuộc gặp gỡ xảy ra, một nhận thức nhất định về những hiện tượng bên ngoài này xảy ra. Với ai đó có cái nhìn sâu sắc sẽ hiểu rằng thế giới mà chúng ta cảm nhận được xác định bởi một quá trình quan hệ diễn ra giữa ý thức của người quan sát và một tập hợp các hiện tượng. Do đó, sẽ là sai lầm khi gán các thuộc tính bên trong cho các hiện tượng bên ngoài, chẳng hạn như vẻ đẹp, sự xấu xí, lòng ham muốn hoặc tính phản cảm. Cái nhìn thông tuệ này có tác dụng trị liệu: Nó sẽ phá vỡ cơ chế của sự hấp dẫn và lực đẩy cưỡng bách thường dẫn đến đau khổ.
Nhưng hãy quay trở lại câu hỏi ban đầu. Đúng, có khả năng vượt qua nhận thức mê lầm và đạt được sự hiểu biết có giá trị về bản chất thực sự của hoa là vô thường và không có sự tồn tại nội tại, tự chủ nào cả, không có bất kỳ phẩm chất vốn có nào. Đạt được sự hiểu biết này không phụ thuộc vào nhận thức cảm giác hoặc thói quen trong quá khứ của chúng ta. Nó xuất phát từ một cuộc điều tra phân tích đặc biệt về bản chất của thế giới hiện tượng mà đỉnh điểm là thứ Phật giáo gọi là trí tuệ, một cái nhìn sâu sắc nắm bắt bản chất cuối cùng của tất cả các hiện tượng mà không áp đặt các cấu trúc tinh thần lên chúng.
Wolf: Tôi có thể bình luận về việc làm thế nào điều này sẽ phù hợp với quan điểm của khoa học thần kinh hiện đại không? Bằng chứng từ các nghiên cứu tâm sinh lý của nhận thức và sinh lý học thần kinh về nhận thức nằm dưới các quá trình thần kinh cho thấy nhận thức cơ bản là quá trình tái cấu trúc. Bộ não so sánh các tín hiệu thưa thớt được cung cấp bởi các cơ quan cảm giác của chúng ta với nền tảng kiến thức rộng lớn về thế giới được lưu trữ trong cấu trúc của nó và tạo ra thứ gọi là nhận thức về thực tại.
Khi chúng ta nhận thức thế giới bên ngoài, đầu tiên, chúng ta đi đến một sự trùng khớp thô giữa các tín hiệu cảm giác và các giả thuyết dựa trên tri thức về thế giới. Sau đó, chúng ta thường bước vào một quá trình lặp đi lặp lại để đạt được những ước đoán dần dần hội tụ đến giải pháp tối ưu — một trạng thái với số lượng tối thiểu sự mơ hồ chưa được giải quyết. Chúng ta chủ động thực hiện việc tìm kiếm cho các kết quả trùng khớp tốt nhất giữa những tín hiệu và giả thuyết cho đến khi có được kết quả với mức độ rõ ràng mong Quá trình tìm kiếm sự trùng khớp chủ động này sau đó đòi hỏi phải đầu tư các nguồn lực đáng chú ý, mất thời gian và có tính chất diễn giải tự nhiên. Những gì thực sự được cảm nhận là kết quả của quá trình so sánh đó. Cứ như thể kịch bản này hoàn toàn tương thích với quan điểm của ngài! Nó đủ để thay thế những gì tôi đề cập như một “kiến thức tiên nghiệm” bằng những gì ngài gọi là “ý thức”.
Matthieu: Có hai cách diễn đạt khác nhau. Một từ quan điểm của người quan sát bên ngoài, theo ngôn ngữ của khoa học thần kinh. Và cách khác từ quan điểm của người trực tiếp trải nghiệm, dựa trên kinh nghiệm nội tâm. Bạn đã mô tả cách nhận thức của chúng ta về thế giới được hình thành bởi sự tiến hóa và sự phức tạp ngày càng tăng của hệ thống thần kinh. Từ góc độ Phật giáo, người ta sẽ nói rằng thế giới của chúng ta, ít nhất là thế giới mà chúng ta cảm nhận, có mối đan xen mật thiết với cách hoạt động của ý thức chúng ta. Rõ ràng là, tùy thuộc vào cấu hình và lịch sử quá khứ, các luồng ý thức khác nhau, dù là con người hay không, sẽ nhận thức thế giới theo một cách khác. Chúng ta gần như không thể tưởng tượng được thế giới của một con kiến hay một con dơi sẽ như thế nào. Thế giới duy nhất mà chúng ta biết kết quả từ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa loại ý thức đặc biệt và thế giới hiện tượng là một tập hợp quan hệ phức tạp giữa vô số các sự kiện, nguyên nhân và điều kiện phụ thuộc lẫn nhau.
Chỉ cần lấy ví dụ về những gì chúng ta gọi là đại dương. Vào một ngày đẹp trời yên tĩnh, đại dương hiện lên với chúng ta như một tấm gương được làm từ nước; trong khi vào một ngày khác, đó có thể là cảnh một cơn bão hoang dại. Chúng ta có thể liên hệ hai điều kiện này lại với nhau và vẫn gọi đó là những trạng thái khác nhau của đại dương. Nhưng một con dơi sẽ tạo ra thứ gì từ những âm vọng siêu âm được gửi đến từ một vùng biển hoàn toàn phẳng lặng vào một ngày nào đó và từ một vùng biển hỗn loạn chứa đầy những con sóng khổng lồ vào ngày hôm sau? Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của con người, giống như cách mà vật lý lượng tử lảng tránh các biểu diễn thông thường của chúng ta. Do đó, Phật giáo nói rằng thế giới hiện tượng học của chúng ta, thứ duy nhất chúng ta cảm nhận, phụ thuộc vào cấu hình cụ thể của ý thức mà chúng ta có và được hình thành bởi những kinh nghiệm cũng như thói quen trong quá khứ.
Wolf: Điều này tương thích một cách tuyệt vời với quan điểm của phương Tây. Nhà triết học Thomas Nagel tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta không thể tưởng tượng được cảm giác của một con dơi sẽ như thế nào. Chất lượng của kinh nghiệm chủ quan chỉ đơn giản là không thể diễn dịch. Mặc dù con người chúng ta được ban cho một hệ thống giao tiếp rất khác biệt — tức ngôn ngữ — và khả năng tưởng tượng các quá trình tinh thần của “người khác” tương ứng, thì vẫn sẽ khó nếu không nói là không thể — biết chính xác người khác trải nghiệm bản thân và thế giới xung quanh như thế nào.
Matthieu: Chúng ta không thể thu hẹp không gian giữa cách mà vạn vật xuất hiện và cách chúng tồn tại theo đúng bản chất trong mọi trường hợp, ví dụ như trong ảo ảnh quang học. Tuy nhiên, các loại khoảng cách khác, có lẽ là những thứ thiết yếu hơn, thì có thể được bắc cầu. Đối với Phật giáo, thu hẹp khoảng cách về cơ bản là một mục tiêu thực dụng: để thoát khỏi khổ đau; bởi đau khổ nhất thiết sẽ xuất hiện khi nhận thức của một người về thế giới bị mê lầm và mâu thuẫn với thực tế.
Ảnh nguồn internet
🍀🍀🍀🌼🍀🍀🍀
TRÍCH: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHIÊM NGHIỆM: ĐỐI THOẠI GIỮA NHÀ SƯ VÀ NHÀ KHOA HỌC MATTHIEU RICARD, WOLF SINGER
Lê Trường Sơn dịch – NXB Hà Nội 2023
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS