SHARE:
Mặc dù không thể biết giác ngộ là gì cho đến khi chính chúng ta đạt được giác ngộ, nhưng đây là một vấn đề quan trọng cần được hiểu thấu. Tất cả những giáo lý Phật giáo luôn nhấn mạnh rằng mọi chúng sinh là hoàn hảo trong bản chất tối thượng. Tiềm năng hoàn hảo này vẫn chưa được đánh thức và phát triển để ban cho chúng ta thành quả vĩ đại của quả vị Phật, hay là giác ngộ. Một chúng sinh chưa giác ngộ là vẫn trong vòng luân hồi, tự huyễn hoặc mình, hay điều này còn gọi là thế giới tương đối (thế giới phàm tục). Còn những chúng sinh đã giác ngộ được biết như là các vị Phật.
Từ Phật, sang ye trong tiếng Tạng, mô tả tình trạng hoàn toàn trong sáng. Sang nghĩa là tỉnh thức, ye nghĩa là đã phát triển. Vì vậy, nghĩa đầy đủ của sang ye là tỉnh thức hoàn toàn và phát triển trọn vẹn, một thuật ngữ miêu tả rõ ràng trạng thái giác ngộ viên mãn. Để đạt tới khoảnh khắc cuối cùng của giác ngộ có lẽ trải qua hàng tỷ kiếp sống hướng tới mục tiêu này. Khi thời điểm này tới, mọi nỗ lực sinh ra thành quả và cá nhân đó có sự tỉnh thức phát triển trọn vẹn, khi đó điểm đến cuối cùng – quả vị Phật đạt được.
Định nghĩa đơn giản nhưng cơ bản này có thể giải thích những mức độ tỉnh thức khác nhau, mà một vài mức độ đã được đề cập, như là bhumi – những mức độ tỉnh thức của bồ tát. Có nhiều mức độ tỉnh thức trước khi đạt giác ngộ cuối cùng. Không thể miêu tả từng bước bởi vì đây là một quá trình diễn ra trong từng khoảnh khắc. Tư tưởng và hiểu biết giúp cho bạn có thể tốt hơn và bạn cũng muốn tốt hơn – đó chính là tỉnh thức. Sự tiếp nối từ thời điểm này, cho đến thời điểm bạn trở thành tốt đẹp hơn, thời điểm bạn có được hiểu biết sâu sắc và có khát vọng mãnh liệt để hoàn thiện mình, lúc đó mọi thời điểm trở thành từng khoảnh khắc của tỉnh thức. Điều này rất khó để trình bày đầy đủ trong cuốn sách này, nhưng chúng ta sẽ trải nghiệm sự tỉnh thức này như một tiến trình từ từ.
Trong Phật giáo, có những bài giảng về một vài mức độ đặc biệt của tỉnh thức, và có lẽ cần bàn luận về chúng để làm sáng tỏ hơn quá trình hướng tới giác ngộ. Khi một người nhận thức rằng nên hoàn thiện mình, thì trong bất kỳ phương diện nào, người đó sẽ bắt đầu tìm kiếm một cách tự nhiên những phương pháp hữu hiệu để giải phóng tiềm năng bẩm sinh của mình. Sự giác ngộ bắt đầu từ đó. Theo các bài giảng, một trong số những thành quả chính được gọi là “tâm bất nhị”. Đây là mức độ tinh tấn cao nhất có khả năng diễn ra trong những giới hạn về thể chất, cảm xúc, và tinh thần của cõi giới người. Bạn có thể phát triển tâm bất nhị (không phân biệt) và trong sáng trong thế giới loài người, nếu sử dụng một số phương pháp mà chúng ta đã thảo luận ở các phần trên. Sự phát triển của tâm trong sáng sẽ làm các hành động lợi lạc một cách tự nhiên. Khi điều này diễn ra, rất khó để làm những hành động tiêu cực, và những hành động tích cực sẽ đến một cách tự phát. Bạn có khả năng nhận thấy đúng chân tướng của thực tại mà không cần phải cố gắng. Đó là những gì ta có thể làm được với thân thể con người của chúng ta, với những biểu lộ, và mối quan hệ của thân với tâm. Đấy là mức độ đạt được cao nhất có thể đối với một người bình thường, và chỉ có trong cõi giới loài người này. Vượt qua điều này, chúng ta cần phải có những thực hành phi thường để tinh tấn hơn nữa. Một số cá nhân siêu việt, họ mang thân người, nhưng thành tựu của họ vượt ra khỏi điều này, tâm của họ đạt mức độ cao hơn.
Mức độ tỉnh thức cao nhất của chúng ta (loài người) có thể đạt được thông qua các kỹ thuật thiền cơ bản và việc điều chỉnh cuộc sống của chúng ta qua rèn luyện đạo hạnh, thể chất, và tinh thần. Chúng ta có thể đạt được bằng cách sử dụng sự giới hạn của cõi người với những cảm xúc, đặc điểm thể chất, và môi trường của chúng ta. Khi những yếu tố này được sử dụng đúng đắn và cân bằng, thì kết quả là chúng ta trở thành người toàn hảo, một người thông thái và tốt đẹp tuyệt đối trong phạm vi của cõi người. Trở thành một người tâm bất nhị (vô phân biệt) là một người toàn hảo – là mục tiêu đầu tiên của chúng ta. Chúng ta phải là hiện thân của khả năng tốt nhất của con người, với tất cả tình cảm và ham muốn: một người luôn cố gắng đạt được điều tốt đẹp nhất trong tình trạng tồi tệ nhất; một người đối mặt với thực tế mà không cần phải hối tiếc, bỏ qua một số điều nhất định; một người có thể giải quyết những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời như nó vốn là. Một người toàn hảo có thể hành động trong bất kỳ tình huống nào xảy ra, giải quyết nó, hoặc là không bị ảnh hưởng bởi các tình huống. Hay đúng hơn, đối với người này, mọi thứ đều được sử dụng cho sự lợi lạc. Đây là nền tảng cho giác ngộ, và được tiếp tục trong các giai đoạn sau, từ khi họ đạt được tâm bất nhị.
Mức độ tỉnh thức kế tiếp sẽ vượt ra khỏi những xúc cảm, môi trường, và thực thể vật chất của con người. Đó là mức độ mahasiddha, hay là hành giả thành tựu. Mức độ tỉnh thức này của hành giả thành tựu và của một bồ tát vĩ đại, hay là Vị Từ bi, là thoát khỏi ảnh hưởng vật chất và môi trường giới hạn của loài người. Mahasiddha (hành giả thành tựu) và bồ tát giác ngộ nhận ra tính tương đối của sự tồn tại bên ngoài, những cảm xúc bên trong, và những trò chơi của tư tưởng. Do tỉnh giác và hiểu biết sâu sắc về thực thể tương đối của các bồ tát giác ngộ, nên họ có ít hạn chế hơn người toàn hảo ở mức độ tâm bất nhị.
Một điểm khác nhau giữa người toàn hảo và bồ tát giác ngộ, đó là người toàn hảo, tốt đẹp, và thông thái chỉ có thể hóa thân, hay là hiện thân trong một hình tướng. Trong khi hành giả thành tựu hay là bồ tát giác ngộ có thể hiển lộ trong nhiều hình tướng khác nhau cùng một lúc. Khi một hành giả thành tựu hay vị bồ tát giác ngộ nhận ra tính tương đối của thời gian, sự tồn tại bên ngoài, những cảm xúc, và các hiện tượng khác, ảnh hưởng của các thực thể bên ngoài trở thành không thích hợp nữa do giới hạn của hình tướng. Ảnh hưởng của thân người vào các cảm xúc không còn thích hợp nữa. Đúng hơn là, những cá nhân như vậy trở thành bậc thầy của hiện tượng trong cõi giới người; những thực thể tương đối trở thành công cụ cho họ. Điều này giải thích cho những điều kỳ diệu do các bồ tát vĩ đại và các hành giả thành tựu giác ngộ hiển thị cho chúng ta biết. Họ đã vượt ra những ranh giới hữu hạn do hiểu biết siêu việt của họ. Điều này cũng giải thích vì sao họ có thể đi xuyên qua tường.
Một khả năng như vậy không phải là một kỹ thuật hời hợt của ảo thuật, đó là sự kỳ diệu đích thực, và nó xuất hiện từ một năng lực khác. Khả năng này do tỉnh giác của cá nhân về bản chất tương đối và tuyệt đối của thực thể và bản chất tính Không của mọi sự vật. Một đạo sư tâm linh có thể hiển lộ những điều kỳ diệu là do hiểu biết thâm diệu của ngài không bị tác động bởi ảnh hưởng nhị nguyên của thực thể tương đối bên ngoài. Các hành giả thành tựu và bồ tát giác ngộ thoát khỏi tính nhị nguyên trong bản thân họ; do vậy, mối liên hệ phi thường của họ với thực thể bên ngoài của những người bình thường là một hiện tượng huyền diệu. Những hành giả thành tựu vĩ đại hiển lộ những điều huyền diệu như vượt qua thời gian và ảnh hưởng của các nguyên tố, thí dụ, đi trên mặt nước, đứng trong không trung, ngồi trên ngọn cỏ, hay là tác động đến các hiện tượng, như làm ngừng cơn mưa – là minh chứng cho thấy sự huyền diệu và tỉnh giác của họ về tính tương đối của thực thể bên ngoài. Thời gian, không gian, và sự vật có thể được họ điều khiển khéo léo ở mức độ vi tế nhất. Sự hiện thân ở 100 vị trí cùng lúc của một vị bồ tát sơ địa là một điều kỳ diệu với những người bình thường chúng ta, và không thể tin được đối với nhiều người bình thường, nhưng điều đó là bình thường đối với các vị bồ tát. Đối với các vị bồ tát việc biểu hiện khả năng huyền diệu được thúc đẩy bởi lòng từ bi, trí tuệ của họ, và các vị làm như vậy với mục đích nhằm lợi lạc cho chúng sinh.
Động cơ sẽ sai lạc nếu bạn muốn trở thành bồ tát và một hành giả Phật giáo chỉ vì bạn mong có năng lực kỳ diệu. Động cơ đúng nếu bạn sử dụng để đạt giác ngộ và có khả năng giúp đỡ tất cả chúng sinh. Năng lực kỳ diệu là kết quả xảy ra trong quá trình giác ngộ, nhưng nó không phải là mục đích. Thật là sai và phí thời gian nếu bạn thực hành tu tập Phật giáo chỉ vì bạn muốn có năng lực kỳ diệu. Nếu mọi người muốn học phép thần thông, thì cách đơn giản là nên tham gia một tổ chức của các ảo thuật gia. Khi đó bạn học những thứ như vậy, bạn sẽ không phải thực hành Phật giáo để có phép thần thông. Đó là sự khác nhau hoàn toàn.
—
Trích “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ”; Dịch giả: Nguyên Toàn; NXB: Tôn Giáo
Post: Tâm Ngọc Đồng Minh
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS