GIỚI, ĐỊNH VÀ TUỆ PHẬT TẠI TÂM – AJAHN CHAH

SHARE:

Không có mô tả ảnh.

Đức Phật chỉ dạy con đường thoát khổ nguyên nhân khổ đau và con đường thực hành. Trong việc thực hành của tôi, tôi chỉ biết có con đường đơn giản này thôi. Con đường thoát khổ, tốt đẹp ở giai đoạn đầu: Giới; tốt đẹp ở giai đoạn giữa: Định; và tốt đẹp ở giai đoạn cuối: Tuệ. Nếu xem xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy cả ba nhập một. Chúng ta thử xét xem ba yếu tố tương quan này.
Thực hành giới như thế nào? Thực ra muốn thực hành giới ta phải bắt đầu bằng trí tuệ. Thói thường ta nói giữ giới hay trì giới trước. Nhưng muốn cho giới thành tựu trọn vẹn, ta phải có trí tuệ để hiểu rõ những gì bao hàm trong giới. Khởi đầu, chúng ta phải xem xét thân thể và ngôn ngữ của chúng ta, tìm hiểu tiến trình nhân quả. Khi quan sát thân thể và lời nói để thấy phương cách chúng ta gây ra tai hại, bạn sẽ bắt đầu hiểu, kiểm soát và trong sạch hóa nhân quả.
Nếu bạn biết được thế nào là hành động và ngôn ngữ bất thiện, thế nào là hành động và ngôn ngữ thiện, bạn đã biết được cách thực hành để “khử ác vi thiện” (bỏ ác làm lành). Khi bạn bỏ ác làm lành, tâm bạn sẽ ổn định và tập trung. Sự định tâm này chế ngự được dao động và hoài nghi. Với tâm tĩnh lặng này, bạn có thể quan sát và thấy rõ hình sắc và âm thanh khi chúng xuất hiện. Nhờ không để tâm phóng đi nơi khác, bạn sẽ thấy rõ bản chất của mọi diễn biến đúng theo chân lý. Khi sự hiểu biết này trực tiếp, trí tuệ sẽ phát sinh.
Lúc bấy giờ Giới, Định và Tuệ có thể biến thành một. Khi chúng chín mùi là Bát Chánh Đạo. Khi Tham, Sân, Si xuất hiện, chỉ có Bát Chánh Đạo mới đủ khả năng tiêu diệt chúng.
Giới, Định, Tuệ phải được phát triển để hỗ trợ lẫn nhau. Bất kỳ đối tượng gì hiện ra ở sáu căn, Đạo đều kiểm soát được. Nếu Đạo mạnh thì có thể tiêu diệt được phiền não – Tham, Sân, Si. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ nắm quyền kiểm soát và giết chết tâm chúng ta. Vì không hiểu rõ chân tướng của lục trần nên khi lục trần xuất hiện, ta để nó tự do tàn phá, hủy hoại chúng ta.
Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm. Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi nó muốn tái chiến. Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền não. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.
Khi đau khổ phát sinh thì khả năng để tiêu diệt lo âu biến mất. Chỉ có Giới, Định, Tuệ mới giúp cho Đạo hồi sinh. Khi Giới, Định, Tuệ khai triển, Đạo sẽ bắt đầu khôi phục chức năng và liên tục hoạt động để hủy diệt nguyên nhân phát sinh đau khổ trong mọi lúc và mọi nơi.
Cuộc chiến đấu này sẽ kéo dài cho đến lúc một bên chiến thắng và vấn đề sẽ được ngã ngũ. Như thế đấy! Vậy các bạn hãy kiên trì thực hành không ngừng nghỉ.
Việc hành đạo bắt đầu tại đây và ngay bây giờ. Đau khổ và giải thoát hay Đạo ở tại đây và ngay bây giờ. Những lời dạy của Đức Phật như giới luật và trí tuệ trực chỉ hướng đến tâm. Nhưng hai yếu tố Đạo và Phiền Não này tranh nhau cho đến cùng. Bởi thế phải dùng khí cụ thực hành thật khó khăn, nặng nề. Bạn cần phải kiên nhẫn, chịu đựng và tinh tấn đúng mức. Sau đó chân trí tuệ sẽ tự đến.
Giới, Định, Tuệ tạo nên Đạo. Nhưng Đạo không phải là Chân Pháp, không phải là mục tiêu. Đạo chỉ là con đường dẫn đến mục tiêu. Như bạn muốn đi từ Bangkok đến thiền viện Wat Pah Pong chẳng hạn. Con đường rất cần thiết cho hành trình của bạn, nhưng mục tiêu của bạn là thiền viện, chứ không phải con đường. Cũng thế ấy, chúng ta có thể nói rằng Giới, Định, Tuệ ở ngoài giáo pháp của Đức Phật, nhưng là con đường dẫn đến chân lý này. Khi bạn phát triển ba yếu tố này, kết quả sẽ là sự bình an kỳ diệu nhất. Trong sự bình an này, hình sắc và âm thanh không còn đủ sức mạnh để quấy nhiễu tâm bạn. Bạn không còn gì phải làm nữa. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải vất bỏ hết những gì đang nắm giữ không chút ngần ngại. Được thế, bạn sẽ tự mình hiểu được sự bình an này và không còn phải dựa vào một ai khác.
Tuy nhiên, không nên vội đo lường sức tiến bộ của mình. Chỉ cần thực hành mà thôi. Ngoài ra, nếu mỗi khi tâm bạn an tịnh, bạn lại hỏi: “Phải đây không?” thì mọi nỗ lực đều tiêu tan. Không có dấu hiệu gì để nhận thức sự tiến bộ của bạn, như dấu hiệu, “Đây là con đường đến Thiền viện Wat Pah Pong.” Hãy vất bỏ mọi tham ái và kỳ vọng, hãy nhìn thẳng vào hướng đi của tâm.
Người ta thường có khuynh hướng bắt chước theo thầy của mình. Họ trở thành bản sao, hình chụp hay rập khuôn theo thầy. Chẳng khác nào chuyện người huấn luyện ngựa cho nhà vua sau đây.
Người huấn luyện ngựa cho nhà vua chết, nhà vua thuê một người huấn luyện mới. Bất hạnh thay người mới này bị kiễng chân. Những con ngựa mới và chọn lọc kỹ càng được mang đến cho y. Và y đã huấn luyện chúng thuần thục: chạy, phi nước kiệu, kéo xe, v.v…, nhưng tất cả những con ngựa nhỏ đều có bước đi khập khiễng. Thấy lạ, nhà vua cho gọi người huấn luyện đến hỏi. Khi thấy y khập khiễng bước vào chầu, nhà vua hiểu ra mọi lẽ và tức khắc mướn một người huấn luyện ngựa khác.
Là những vị thầy, quí sư phải ý thức đến sức mạnh của những cử chỉ và lối sống, lối tu hành của mình. Và quan trọng hơn, là học trò, các bạn không nên bắt chước theo hình ảnh, tư thái bên ngoài của thầy mình. Vị thầy chỉ muốn bạn kiện toàn phần nội tâm của bạn. Thế nào là tự nhiên?
Nhiều người muốn hành đạo một cách “tự nhiên.” Họ than phiền rằng lối sống ở đây không hợp tự nhiên.
Tự nhiên là cây trong rừng. Nhưng nếu bạn cất một ngôi nhà trong đó, phải chăng sự tự nhiên không còn nữa? Nếu bạn biết cách sử dụng cây, xẻ gỗ và cất nhà, cây sẽ có giá trị với bạn nhiều hơn. Hoặc giả như con chó tự nhiên chạy đây chạy đó theo sau cái mũi của nó. Ném một khúc xương thì cả đám chó chạy đến cấu xé nhau. Phải chăng đó là tự nhiên mà bạn muốn?
Nghĩa đúng thực của tự nhiên có thể khám phá ra bằng giới luật và sự hành thiền. Sự tự nhiên này vượt qua thói quen, điều kiện và nỗi sợ hãi của chúng ta. Nếu để tâm con người tự do tiến đến cái gọi là tự nhiên theo cảm tính, không cần rèn luyện – cảm xúc thế nào thì làm theo thế ấy, thì tâm sẽ đầy dẫy tham lam, sân hận, si mê. Và đau khổ cũng phát sinh từ đấy.
Qua thực hành chúng ta có thể cho phép cây trí tuệ và tình thương trưởng thành một cách tự nhiên, bất kỳ nơi đâu, cho đến khi nó đơm hoa kết trái, thích một vài hoạt động nào đó, như tụng kinh hay làm việc chẳng hạn, và bạn đã vất bỏ chúng để hành thiền, như thế thì bạn chẳng bao giờ được Tỉnh thức.
Đức Phật dạy người nào muốn hiểu biết thì phải tự mình thấy rõ chân lý. Thế nên không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ trích. Dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn. Một người không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu. Hãy tự xét: Nếu họ nói sai, hãy quên đi; nếu họ nói đúng, hãy học theo họ. Bất kỳ trường hợp nào xảy ra cũng chẳng có gì. Tại sao phải giận dữ? Nếu bạn có thể nhìn sự vật như vậy, bạn sẽ thật sự bình an. Chẳng có cái gì là sai cả; tất cả đều là Pháp. Nếu bạn thật sự sử dụng khí cụ mà Đức Phật đã ban cho bạn, bạn sẽ không cần phải ganh tị với người khác nữa. Trong khi những kẻ lười biếng chỉ muốn nghe và tin, bạn có tự tin và có thể kiếm sống bằng sự nỗ lực của chính mình.
Tuy thế, nếu khi thực hành bạn chỉ sử dụng những gì bạn có thì cũng phiền toái bởi vì chúng là của bạn. Ban đầu, có lúc bạn nghĩ việc hành thiền thật khó khăn và bạn đã khư khư nắm giữ những cái tốt của kẻ khác. Thế rồi, Đức Phật dạy bạn phải làm với những gì bạn có và bạn nghĩ rằng mọi chuyện đều êm xuôi tốt đẹp. Nhưng rồi bạn lại thấy khó khăn nữa, Đức Phật lại dạy thêm: Nếu bạn dính mắc và nắm giữ điều gì, dầu của chính bạn hay của ai đi nữa, bạn cũng gặp phiền toái. Nếu bạn chạy vào bếp nhà hàng xóm nắm một cục lửa, bạn sẽ bị phỏng tay. Nếu bạn nắm cục lửa nhà bạn, bạn cũng bị phỏng tay như thường. Vậy thì đừng nắm giữ gì cả.
Đó là lối thực tập áp dụng ở đây – phương pháp trực tiếp. Tôi không bằng lòng với ai. Nếu bạn đem kinh điển hay tâm lý học tranh cãi với tôi, tôi sẽ không tranh cãi. Tôi chỉ trình bày cho thấy nhân và quả, để bạn hiểu chân lý của pháp hành. Chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình.
Biết mình, biết người
Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người xuất phát từ trạng thái tâm của người ấy. Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.
Sự “tự tri” này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, v.v… Có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly.
Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình, để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường. Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần. Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây. Nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.
Đừng tìm lỗi người. Nếu cách cư xử của họ sai lầm, bạn cũng chẳng cần làm khổ mình mà chi. Nếu khi bạn chỉ cho họ thấy sai lầm của họ mà họ vẫn không sửa đổi, hãy để yên như thế.
Đức Phật đã từng theo học với nhiều thầy. Ngài thấy phương pháp của thầy thiếu sót, nhưng Ngài không dèm pha hay làm thầy mất thể diện. Nhờ học hỏi với thái độ khiêm nhường và tôn trọng nên Ngài thu thập lợi ích trong khi sống với các thầy. Thật vậy, học với họ Ngài mới biết hệ thống của họ chưa hoàn hảo. Lại nữa, khi Ngài thành đạo, Ngài không chỉ trích hay tìm cách dạy lại họ. Sau khi giác ngộ, Ngài kính cẩn nhớ lại những vị thầy Ngài đã theo học và muốn chia sẻ với họ sự hiểu biết mà Ngài mới tìm ra.
Tình yêu thật sự là trí tuệ. Tình yêu như phần lớn mọi người nghĩ chỉ là một cảm giác tạm. Có một món ăn thật ngon, nhưng nếu mỗi ngày bạn đều ăn như thế, chẳng bao lâu bạn sẽ chán lên tận cổ. Cũng thế, tình yêu đó cuối cùng đi đến thù hận và phiền muộn. Hạnh phúc thế gian bao gồm tham ái và luôn luôn dính liền với đau khổ. Thật vậy, đau khổ theo sau hạnh phúc thế gian như cảnh sát theo sau tên trộm.
Tuy thế, chúng ta không thể loại bỏ hay ngăn trở loại cảm giác này. Chúng ta không nên dính mắc hay đồng hóa với chúng mà chỉ cần biết chúng là gì, sau đó Pháp sẽ có mặt. Một người yêu một người khác rồi cuối cùng người yêu ra đi hay lìa đời. Than khóc hay nhớ tưởng lâu dài, nắm giữ cái đã thay đổi là đau khổ chứ không phải là tình yêu. Khi chúng ta thể nhập chân lý, không còn cần hay muốn nữa, trí tuệ và tình yêu thật sự sẽ lấn át tham ái và tràn ngập thế gian.

Học hỏi qua cuộc sống
Buồn chán không phải là chuyện thật. Nếu nhìn gần, chúng ta sẽ thấy tâm luôn luôn hoạt động. Như vậy ta luôn luôn có việc để làm. Hãy nương tựa vào chính mình để làm công việc lặt vặt trong nhà như dọn dẹp sạch sẽ sau khi ăn, làm công việc trong nhà một cách thận trọng và chánh niệm, không khua chén bát, không đóng sầm cửa. Những việc lặt vặt này giúp bạn tiến hành định tâm và khiến cho việc hành thiền dễ dàng hơn. Chúng cũng có thể chứng tỏ rằng bạn thật sự có chánh niệm hay vẫn còn lạc lối trong phiền não.
Bạn, những người Tây phương, hay vội vã. Bởi thế bạn cũng sẽ có hạnh phúc, đau khổ và phiền não cực lớn. Nếu bạn hành thiền đúng đắn, việc đương đầu với nhiều vấn đề của bạn sẽ là nguồn gốc của trí tuệ thâm sâu sau này.
—o0o—
Trích: Phật Tại Tâm
Tác giả: Ajahn Chah
NXB Phương Đông
Ảnh nguồn internet

Post: Tâm Điều.

SHARE: