SHARE:
Kính lễ bậc đạo sư.
Đây là lời khuyên dành cho Riksang người có lòng thành kính và chân thành, xuất thân từ gia đình cao quý.
Nếu con muốn việc thực hành Pháp (Dharma) được chân chính, trước hết hãy đảm bảo rằng các chủ đề về sự tự do và giàu có khó đạt được, cái chết và vô thường, quả của hành động (nghiệp) và những khiếm khuyết của luân hồi không chỉ là những từ ngữ và ý tưởng, mà phải suy ngẫm về chúng từ tận đáy lòng con. Để một khi con đã quen thuộc với chúng, tâm con sẽ quay lưng lại với toàn bộ sự xa hoa của luân hồi và tất nhiên – con sẽ chỉ quan tâm đến Pháp cao quý, để không có gì khác quan trọng hơn. Một khi con cảm thấy như vậy, con đã thực hiện được một nửa việc thực hành Pháp.
Ngoài ra, hãy luôn nhắc nhở bản thân về những phẩm chất tuyệt vời của đạo sư và Tam Bảo. Khi đã rèn luyện được điều này, con sẽ không tìm nơi nương tựa nào khác ngoài đạo sư và Tam Bảo, bất kể niềm vui hay nỗi buồn nào xảy đến với con. Khi điều đó xảy ra, con sẽ trở thành một trong những người đi theo Đức Phật. Chính điều đó là sự tu tập về quy y, nền tảng cho tất cả các giới luật khác.
Ngoài ra, hãy rèn luyện để chấp nhận tất cả chúng sinh là cha mẹ của con và duy trì thái độ này không ngừng nghỉ, hãy nuôi dưỡng lòng từ, lòng bi mẫn và tâm tỉnh giác. Khi con đã quen với điều này, con có khả năng mang lại lợi ích cho người khác trong bất cứ điều gì con làm và con sẽ mãi mãi thoát khỏi xiềng xích của lòng ích kỷ. Khi điều đó đã xảy ra, con sẽ được gồm vào số những người theo Đại thừa, và đây là cách con xứng đáng với cái tên “con của các bậc chiến thắng”. Công đức và những lợi ích của điều này là vô lượng.
Đây là những cách giúp con tránh đi chệch khỏi con đường chân chính. Vì vậy, miễn là con chưa hoàn thành trong những điều trên, thì việc con tụng kinh hay thực hành nghi quỹ (sadhana) tốt đến mức nào, cái thấy của con cao siêu hay thiền định sâu sắc đến mức nào, hay hạnh của con tỉ mỉ đến mức nào, đều không quan trọng, bởi vì mọi thứ con làm đều không khác gì việc tìm kiếm mục tiêu thế gian và theo đuổi thức ăn và quần áo. Điều này không đưa con đến gần hơn một milimet nào với con đường chân chính. Con chỉ đơn giản là tự lừa dối mình và trở thành kẻ lừa dối chính mình. Vì vậy, hãy cố gắng hết sức để thay vào đó ghi nhớ những đề mục đó.
Để trở thành một người theo Pháp, con phải đưa những lời dạy vào trong trái tim mình. Thực hành có nghĩa là những nỗ lực của con đóng vai trò như một phương thuốc hiệu quả chống lại ba độc. Một thực hành Pháp không khắc phục được những cảm xúc ích kỷ thì hoàn toàn vô dụng. Pháp đã sinh ra trong con người con khi tâm con hòa nhập với những giáo lý để những giáo lý chữa lành sự chấp ngã. Pháp của con giờ đã trở thành con đường; nó đã thành tựu.
Từ đó trở đi, bất kỳ thực hành nào con thực hiện liên quan đến bốn quán đảnh – cho dù đó là giai đoạn phát sinh, trì tụng hay giai đoạn thành tựu có hoặc không có khái niệm – thì giờ đây thực sự sẽ là con đường nhanh chóng, không thể sánh kịp và sẽ không dẫn đến sai đường.
Cái nhìn của giai đoạn phát sinh là thừa nhận rằng tất cả các hiện tượng – vô số tư tưởng và khái niệm bao gồm các uẩn, các giới, và các căn – ngay từ đầu đã có bản tính “toàn thiện sáng tỏ”. Như là một mạn đà la bổn tôn của ba nền tảng của sự viên mãn, mọi hiện tượng đều là sự thanh tịnh và bình đẳng không phân chia. Trong khi thừa nhận điều này, ba khía cạnh của các đặc tính sống động, tính biểu tượng thanh tịnh và niềm kiêu hãnh vững chắc là vô cùng quan trọng, cũng như ba khía cạnh tịnh hóa, toàn thiện và chín muồi. Nếu con thiếu điểm thừa nhận quan trọng này và thay vào đó coi một vị bổn tôn là có khuôn mặt vật chất thực sự với mắt và mũi, ta không thể đảm bảo con sẽ đi đến đâu.
Về việc tụng niệm và trì tụng, con nên thực hiện chúng trong khi thừa nhận rằng từ ban đầu, các chuyển động của hơi thở và năng lượng, cũng như tất cả các tiếng nói và âm thanh của thế giới hữu tình và vô tình, đều là ngữ hoàn toàn hoàn hảo của các Đấng Chiến Thắng, là tánh Không có thể nghe được không bao giờ sanh khởi. Trong khi thừa nhận điều này, con nên có những điểm quan trọng của việc tụng niệm, chẳng hạn như bốn cây đinh đóng chặt sinh lực. Nếu con thiếu điểm nhận thức quan trọng này, mà thay vào đó tụng niệm một cách vô tâm với ánh mắt lang thang và lưỡi không kiềm chế, chỉ lẩm bẩm môi lên xuống, thì không có khả năng mang lại kết quả sâu sắc.
Bây giờ, giai đoạn thành tựu là nhận biết rằng bản tánh căn bản của con là tâm giác ngộ của hiểu biết, vượt ra ngoài sự ràng buộc và giải thoát, tâm kim cương của các Đấng Chiến Thắng ngay từ ban đầu. Đừng để sự nhận biết này của con chỉ là một giả định hay giả vờ, mà hãy nhận biết trạng thái tự nhiên thực sự của tâm con, mà không bị nhầm lẫn. Khi biết được điều này, con nên tiếp tục nhận biết, giống như dòng chảy đều đặn của một dòng sông lớn, thay vì chọn lựa, chấp nhận hay chối bỏ. Nếu không, việc tập trung một cách ám ảnh, quá tham vọng hay tiếp tục với sự rỗng tuếch của các lý thuyết và khái quát sẽ chẳng đưa con đến đâu cả.
Để thực sự nhận ra bản tánh của mình, con phải nhận được những ban phước của một vị đạo sư có dòng truyền thừa. Sự truyền trao này phụ thuộc vào lòng sùng mộ của đệ tử. Nó không được trao truyền chỉ vì con có mối quan hệ thân thiết. Do đó, điều quan trọng là không bao giờ tách mình khỏi lòng sùng mộ khi nhìn thấy vị đạo sư của mình như là Phật pháp thân.
Để đạt được mục đích đó, việc kiên trì theo nhiều cách khác nhau để tích lũy những công đức và tịnh hóa các che chướng của con cũng sẽ có lợi ích. Nếu không tích tập bất kỳ nhân duyên thuận lợi nào trong số này, việc chỉ bận rộn với quá nhiều nghiên cứu và bàn luận sẽ không giúp ích gì. Có nhiều người, trong thời điểm thực sự cần thiết, phát hiện ra rằng họ đã tự lừa dối mình suốt thời gian qua.
Ngược lại, khi con tích tập trong mình nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như niềm tin và lòng sùng mộ, con sẽ thấy rằng ảnh hưởng từ bi của chư đạo sư của ba thời vượt ngoài sự tăng giảm, và con đắm mình trong những phước lành của tam bảo. Khi đó, bất cứ điều gì con mong muốn trong số những thành tựu tối cao và thông thường sẽ đến với con một cách tự nhiên. Bằng cách này, con sẽ là một người hùng làm lại lợi lạc cho cả mình và người khác. Nhưng nhìn vào những suy nghĩ và hành động hiện tại của chúng ta, điều này khó có thể hơn là mơ tưởng. Tuy nhiên, nếu con có thể kiên trì, điều đó chắc chắn sẽ thành hiện thực. Điều này được chứng minh bằng những tuyên bố chân thực của bậc chiến thắng cầm chày kim cương và những tấm gương sống thực tế của các bậc thầy trước đây. Vì vậy, hãy giữ lời khuyên này trong trái tim con.
Ngay cả khi ta đã diễn đạt lời khuyên này bằng kệ, ý nghĩa quan trọng sẽ không khác gì. Vì vậy, để đơn giản hóa ý nghĩa, ta đã diễn đạt nó ở đây bằng văn xuôi. Qua điều tốt lành này, mong tâm con thành tựu trên con đường chân chính.
Nguyện nó sẽ mang lại lợi lạc. Nguyện nó sẽ mang lại lợi lạc. Nguyện nó sẽ mang lại lợi lạc.
Điều này được thốt ra bởi Padma Vijaya.(18)
Hơn nữa, mọi thứ thuộc về thế giới và chúng sinh, luân hồi và niết bàn, đều là trò chơi, điệu múa và sự trang hoàng của tâm tỉnh giác tự biết và được kinh nghiệm không gì khác ngoài điều đó. Điều này giống như không tìm thấy một hòn đá hay cục đất bình thường nào khi con đã đến một hòn đảo bằng vàng ròng. Tương tự như vậy, vì mọi thứ đều hoàn toàn nằm trong phạm vi của một khối cầu duy nhất, nên đó là Đại Toàn Thiện tự do bổn nguyên vượt ra ngoài các cấu trúc. Con có thể tìm thấy điều này được giải thích rõ ràng trong các bản ghi chép của Tia Sáng Toàn Hảo (Flawless Light Ray), người thực sự là Phật Phổ Hiền (Samantabhadra), cũng như trong các tác phẩm của những người thừa kế dòng truyền của Longchenpa.
Sự thật này không phải do các vị Phật trí huệ tạo ra hay do chúng sinh thông thái tạo ra. Nó không thể bị ràng buộc thông qua các khái niệm vàng của sự bám chấp vào cái thấy và thiền định, cũng không thể bị ô nhiễm bởi các khái niệm xấu ác chứa đựng những cảm xúc nhị nguyên. Ngay bây giờ, bản tánh thực sự đã hiện diện từ thuở ban đầu – một sự tỉnh thức nguyên sơ, đồng khởi, sự điềm tĩnh của hiểu biết nội tại – chỉ đơn giản là bản tánh của tâm trong tất cả chúng ta: sự hiểu biết trống không trần trụi.
Trạng thái tự nhiên không giả tạo này của tâm bình thường không phải là một phát minh mới được hình thành bởi các bậc thầy uyên bác, cũng không phải là mới được tạo ra thông qua quá trình thực hành xuất sắc của đệ tử. Mà đúng hơn, nó là sự hiện diện nguyên sơ và không thể xóa nhòa trong dòng tâm của mọi người từ Phật Phổ Hiền (Samantabhadra) cho đến cả côn trùng nhỏ nhất. Tuy nhiên, chúng sinh lại không thể nhận điều này, bản tánh của chính họ, giống như ẩn dụ về hoàng tử lạc lối bị lãng quên giữa những người dân thường. Do đó, hãy quyết tâm rằng sự tỉnh thức tươi mới, không giả tạo của con chính là tâm pháp thân của Phật Phổ Hiền (Samantabhadra).
Bất kỳ kinh nghiệm nào diễn ra, đừng làm ô nhiễm nó bằng những phán xét về những gì nên giữ lại hay bỏ đi, chấp nhận hay chối bỏ. Thay vào đó, hãy để sự tỉnh thức không phương hướng của con tự do trong sự bao la vô biên của sự hiện diện tự do, và an trú vững chắc trên sự tỏa khắp, tự do và không bị ràng buộc. Ngoài ra, điều quan trọng là không làm hư hoại nó bằng nhiều nỗ lực sửa đổi và cải thiện khác nhau, chẳng hạn như mong đợi điều gì đó tốt hơn, sợ rằng nó sẽ trở nên tệ hơn, tập trung vào chỗ khác, tập trung vào một điều gì đó như thể nó đang ở đây, khuyến khích sự tĩnh lặng, ngăn cản sự chuyển động của tư tưởng, kiểm đếm sự sinh và diệt, phân chia giữa sáng tỏ và trống không, hoặc bất kỳ phán xét giá trị nào khác về trải nghiệm của con.
Tóm lại, khi sự tỉnh thức hiện tại của con, tươi mới và trần trụi, mở ra như trái tim của sự tu tập , con có thể hoàn toàn hài lòng với điều đó, mà không cần phải “thay đổi lớp áo hay làm phẳng các cạnh của nó”. Giống như câu nói, “Nước trong khi không bị khuấy động, tâm sẽ trong khi không bị tạo tác”, điều quan trọng là phải an trú trong sự tự nhiên mà không làm ô nhiễm chính mình bằng những đánh giá.
Cho dù con tin rằng những giả định, cái thấy tạo tác và những trạng thái thiền định của mình tuyệt vời đến mức nào, thì chúng cũng chỉ là những hình thức bám chấp khác nhau. Miễn là sự bám chấp này vẫn tồn tại, thì con vẫn đang tiếp tục gieo mầm cho luân hồi, giống như Saraha đã hát:
Bất cứ điều gì con có thể bám chấp, hãy buông bỏ.
Khi tuệ quán này là của con, thì mọi thứ đều là như vậy.
Không ai có thể tìm thấy một tuệ quán nào cao hơn điều này.
Ông cũng hát:
Vết thương chỉ từ một vỏ trấu
Sớm có thể mang lại nỗi đau khủng khiếp.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là để tâm con không bị tạo tác.
Khi nhiều hình thái tư tưởng khác nhau – dù lành mạnh hay bất lành – diễn ra như sự phô diễn của tâm này, hãy để chúng chỉ là như vậy, không tạo tác. Đừng cố gắng chối bỏ hay chấp nhận, chấp thuận hay bác bỏ. Bằng cách để chúng là như vậy, mọi thứ sẽ hỗ trợ con để sự tỉnh thức nguyên sơ ló dạng. Để điều này xuất hiện, con phải lãnh hội được trạng thái chứng ngộ sự tỉnh giác của sự truyền thừa tối thượng, mà con phải nhận được sự gia trì của một vị đạo sư. Việc nhận được những sự gia trì như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin và lòng sùng mộ của đệ tử, vì vậy hãy ghi nhớ lời khuyên này.
Điều này đã được Vijaya già nói ra.
—–***—–
18. Padma Vijaya là bút danh của Shechen Gyaltsab. Có vẻ như dòng này ở đây là vì Shechen Gyaltsab đã thêm phần phụ lục sau vào một thời điểm sau đó.
—-🌼🌸🌼—-
SHECHEN GYALTSAB, PEMA NAMGYAL
Trích từ “Perfect Clarity: A Tibetan Buddhist Anthology Of Mahamudra And Dzogchen”
Việt dịch: Quang Trường Thông Quang
Post: Thường An
SHARE:
Ban biên tập website Thiện Tri Thức chúng tôi chân thành cám ơn các trang mạng, các tác giả cùng những cộng tác viên , các bạn đọc đã cho phép chúng tôi trích đăng và gửi bài tới trang nhà chúng tôi. Những ý kiến đóng góp và bài viết xin gửi về email [email protected].
Mong mọi sự tốt lành!
© Bản quyền 2021 THIỆN TRI THỨC | Thiết kế bởi TIGONSYS