TỊNH HOÁ TÂM BẰNG THỰC HÀNH BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

SHARE:

CON ĐƯỜNG ĐẠI THỪA

Do vẫn còn giới hạn trong quan điểm và cách hành trì với mục tiêu đơn thuần là dẹp yên phiền não và khổ đau cho bản thân nên con đường Tiểu Thừa được khổ thơ gốc so sánh với một hồ nước đục. Mặc dù chư Thanh Văn và Duyên Giác đã nhập vào trạng thái bình an tịch tĩnh nhưng hạt giống Đại Thừa,’% tiềm năng của Bồ Đề Tâm, vẫn ngủ yên trong tâm họ. Sau một khoảng thời gian, họ sẽ được đánh thức khỏi trạng thái đó bởi chư Phật, những bậc dẫn đường tới trí tuệ tính không và lòng bi phổ quát. Với Bồ Đề Tâm được đánh thức như vậy, chư Thanh Văn và Duyên Giác sẽ tiếp nhận giáo pháp bao la sâu thẳm như đại dương của Đại Thừa và khởi hành tới hòn đảo châu báu là Phật quả toàn giác.

Nếu thực hành bố thí và bốn đức hạnh còn lại không được kết hợp với trí tuệ thì đó chưa phải là hạnh siêu việt hoàn hảo (Ba-la-mật), điều mang tới đại giác ngộ. Ngược lại, giống như nhà giả kim biến kim loại thành vàng, sự hợp nhất của trí tuệ và phương tiện thiện xảo có thể chuyển hoá những đức hạnh thấp hơn này trở thành nhân vô giá cho đại giác ngộ.

Bồ Đề Tâm là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho việc thành tựu Niết bàn vô trụ và là sự hợp nhất giữa phương tiện thiện xảo của lòng bi với trí tuệ tính không ‘ Nhờ liên tục hành trì bốn tâm vô lượng” và mà người ta có thể phát khởi tâm Bồ Đề, qua đó chuyển hoá suy nghĩ và hành động của họ vào con đường Đại Thừa. Vì vậy bốn tâm vô lượng được xem như phương tiện dẫn đường. Khi tâm thức được tịnh hoá nhờ bốn tâm này thì việc trưởng dưỡng hai nhánh Bồ Đề Tâm (nguyện và hạnh) cùng với việc tu trì những nguyên tắc của chúng sẽ trở nên khả thi. Tuy nhiên, trên giai vị Tư Lương Đạo và Gia Hạnh Đạo thì Bồ ĐềTâm này, sự hợp nhất của phương tiện thiện xảo và trí tuệ, chỉ như là s nếm trước cho Bồ Đề Tâm viên mãn đích thực khởi sinh trên Kiến Đạo.

BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

Tinh tuý của tâm Từ là ước nguyện cho những chúng sinh đang khổ đau – chẳng hạn như không có được niềm an lạc của các cõi cao – có được niềm hạnh phúc tạm thời và tối thượng. Lòng từ ái của chư Bồ Tát dành cho chúng sinh cũng giống như lòng từ ái của người mẹ dành cho đứa con yêu thương của bà. Bởi vậy, chúng ta nên dâng hiến mọi sức lực, của cải, công đức có được trong quá khứ, hiện tại và tương lai cho sự lợi lạc của chúng sinh trong tạm thời và tối thượng. Hơn thế, chúng ta nên rèn luyện bản thân để có thể yêu thương và kham nhẫn ngay cả với những tổn thương người khác gây ra cho mình, đồng thời đáp lại họ bằng những điều tốt đẹp.

Tinh tuý của tâm Bi là quyết tâm dũng mãnh để giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau, là những chúng sinh đang tự vướng kẹt vào ba hay tám loại khổ. Đó là cảm nhận từ sâu thẳm trái tim, một cảm giác không thể chịu đựng nổi trước nỗi đau của chúng sinh. Nó giống như một người cha không hề lưỡng lự nhảy xuống hố phân để cứu lấy đứa con mình. Lòng bi như vậy không chấp nhận sự thờ ơ với vấn đề trước mắt. Đó là quyết tâm mạnh mẽ để giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ của họ. Những người với lòng bi mẫn như vậy thấy chúng sinh trong sáu cõi như con hươu đã cùng đường, không thể thoát khỏi khổ đau do sự chấp ngã của họ. Và với những giọt nước mắt của lòng bi mẫn, họ nỗ lực bằng mọi phương tiện để giải thoát cho những chúng sinh này, những người không thể tự giải thoát cho chính mình.
Hỷ là niềm vui chân thành với hạnh phúc và thịnh vượng của người khác mà không bị vấy bẩn bởi đố kỵ hay cảm giác ganh đua. Nó cũng bao gồm ý nghĩ tuyệt hảo rằng: “Thật tuyệt vời nếu mọi chúng sinh đều được hạnh phúc viên mãn và thịnh vượng!” Đó là cảm giác hoan hỷ khi biết rằng chúng sinh có được hạnh phúc nhờ thiện nghiệp trong quá khứ. Từ đó khởi sinh ước muốn rằng họ không bao giờ mất đi niềm an vui mãn nguyện này.

Xả” hay không thiên vị là sự tự do không bị vướng kẹt vào thái độ tham luyến người thân (cha mẹ, họ hàng, vợ chồng, v.v.), oán hận kẻ thù cùng những ai đối nghịch lợi ích, và thờ ơ với những ai không thuộc hai đối tượng trên. Tâm xả là khả năng thấy rằng mọi chúng sinh không phân biệt mối quan hệ đều bình đẳng và yêu thương tất cả (người thân, kẻ thù, người dưng) đều như nhau.

Như vậy, bốn tâm vô lượng là ước muốn chúng sinh được hạnh phúc, ước mong họ không phải khổ đau, là niềm hoan hỷ mong rằng họ không bao giờ đánh mất hạnh phúc và là thệ nguyện nhìn nhận tất cả với trái tim rộng mở không thiên vị. Điều quan trọng cần hiểu rằng đối tượng của sự thực hành là chúng sinh và phương pháp thực hành là bốn tâm vô lượng đều không thật sự tồn tại. Chúng chỉ như cảnh trong mơ hay như ảnh trong gương. Nói cách khác, thực hành này cần được thực hiện trong trạng thái thoát khỏi bám chấp vào sự tồn tại chắc thật của chủ thể, đối tượng và hành động.

Ngược lại, có những thái độ không thuộc về con đường giải thoát chân thật. Đó là tình yêu thương mong muốn hạnh phúc cho người thân và bạn bè dựa trên sự luyến ái. Đó là kiểu lòng bi mà chỉ vì tâm keo kiệt toan tính nên muốn gia súc nghỉ ngơi không phải làm việc nặng nhọc. Đó là niềm vui cao ngạo do thành công hơn người khác. Và đó là sự thờ ơ vô cảm chẳng muốn giúp đỡ cũng chẳng làm hại ai. Chúng giống hơn với Tứ Phạm Trú (Brahmavihara), là bốn tâm thức dẫn đến tái sinh trong cõi Sắc và Vô Sắc. Bởi những tâm này nhìn nhận đối tượng một cách thiên vị và còn mang tính chấp trước nên chúng là sự bóp méo bốn tâm vô lượng của Đại Thừa và cần phải loại bỏ hoàn toàn.

Trên con đường Đại Thừa đưa tới niềm an lạc của Niết bàn vô trụ vượt thoát hai cực đoan, bốn tâm vô lượng được hướng tới hết thảy chúng sinh và hoàn toàn không thiên vị. Hơn nữa, mặc dù chúng sinh cùng bốn tâm vô lượng này là những hiện tượng hiện hữu nhưng chúng không hề có thực chất, mà từ vô thuỷ vốn đã vượt ngoài mọi ý niệm tạo tác. Nhờ liên tục hành trì bốn tâm vô lượng với sự kết hợp của phương tiện thiện xảo và trí tuệ mà người ta sẽ củng cố và cuối cùng thành tựu hai loại Bồ Đề Tâm tương đối và tuyệt đối. Đây là lý do tại sao bốn tâm này được coi là phi thường. Chúng được phú bẩm với những phương tiện và trí tuệ không thể tìm thấy trên con đường của Thanh Văn, Duyên Giác và những con đường thế tục.

CÁCH THIỀN QUÁN VỀ BỐN TÂM VÔ LƯỢNG

Chúng ta có thể thiền quán về bốn tâm vô lượng” theo thứ tự như đã mô tả ở trên hoặc theo bất cứ thứ tự nào, chẳng hạn có thể thiền quán về tâm xả trước tiên. Để bắt đầu, ta cần làm quen với thực hành này bằng cách hướng tới những đối tượng cảm thấy dễ thực hiện trước. Tuy nhiên, nếu hành trì theo thứ tự cố định như vậy làm khởi sinh sự dính mắc thì có thể thay đổi thứ tự thiền quán. Ví dụ, khi thực hành thiền quán về tâm từ ái, yêu thương mà sinh ra luyến ái thì hãy chuyển sang thiền quán về tâm xả. Nhờ quán chiếu sự bình đẳng giữa người thân kẻ 11 sơ mà tâm luyến ái sẽ được loại trừ. Mặt khác, nếu trong quá trình thiền quán tâm xả mà tâm thức trở nên thờ ơ trì trệ, mất đi những rung động trắc ẩn thì hãy chuyển sang thiền quán về tâm bi. Quán chiếu xem chúng sinh đã gieo nhân và gặt quả khổ đau như thế nào. Nhờ đó sẽ đẩy lui được dạng tâm xả vô ích này. Lại nữa, nếu thiền quán tâm bi và suy niệm về nỗi khổ đau vô tận của chúng sinh khiến tâm trở nên buồn bã chán chường thì hãy chuyển sang thiền quán về tâm hỷ. Tập trung vào hạnh phúc và thịnh vượng của chúng sinh có thể đưa tâm ra khỏi cảm giác nản lòng. Cuối cùng, nếu thiền quán tâm hỷ khiến ta quá hưng phấn và xao lãng thì hãy thiền quán về tâm từ, v.v.

LỢI ÍCH CỦA PHÁP THIỀN NÀY

Thực hành bốn tâm vô lượng sẽ mang lại bốn kết quả. (1) Quả chín mùi trọn vẹn là ta được tái sinh trong các cõi cao của luân hồi với thân người hoàn hảo hoặc trở thành một vị trời trong cõi Dục Giới. Với sự hỗ trợ của một thân như vậy ta có thể hoàn thành tích luỹ hai bồ tư lương và đạt được kết quả thù thắng, đó là các địa trên hai con đường Hữu Học và Vô Học. (2) Về quả tương tự với nhân, ta sẽ chủ động (hành động tương tự với nhân) tiếp tục thiền quán về bốn tâm vô lượng trong mọi đời kế tiếp, đồng thời sẽ kinh nghiệm (kinh nghiệm tương tự với nhân) niềm hạnh phúc viên mãn vượt thoát khỏi bốn yếu tố bất lợi của sự ác ý, tàn nhẫn, đố kỵ, tham lam cùng sân hận. (3) Về quả ngoại cảnh, thực hành tâm từ sẽ giúp ta được ở những nơi thích hợp, có đầy đủ tiện nghi và nhiều bạn tốt. Nhờ tâm bi ta sẽ gặp điều kiện thuận lợi về cả thân và tâm. Tâm hỷ khiến cho môi trường ta sinh sống có nhiều cây cối, dược liệu và dễ sống. Nhờ tâm xả nên ta được sinh vào nơi con người sống hòa hợp, thân thiện. (4) Quả tăng trưởng khiến cho người thực hành bốn tâm vô lượng có được sức mạnh và thành tựu mọi phẩm tính tuyệt hảo của mục tiêu hai nhánh (tự lợi và lợi tha).

Khi trở nên thuần thục trong thực hành tâm từ vô lượng, ta sẽ yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình. Tâm từ như vậy không có chỗ cho hận thù và nhờ sức mạnh của nó mà ta được mọi người cảm mến và trân trọng. Thông qua thiền định rằng tâm từ vốn không thật có và mang bản tính không, ta sẽ đạt được trí tuệ vô ngại của Đại Viên Kính Trí và thành tựu Báo Thân Phật, được phú bẩm với đại dương vô tận những tướng chính và phụ của Phật quả. Như trong Mật Điển pad ma rtse mo (Đỉnh Liên Hoa) có nói: “Nhờ tâm từ mà người ta đẩy lui sân hận và thành tựu Đại Viên Kính Trí cùng với Báo Thân Phật”.
Tương tự như vậy, nhờ thuần thục tâm đại bi mà ta có thể gánh chịu mọi khổ đau của người khác như thể của chính mình. Ta sẽ không thể chịu đựng trước nỗi khổ của chúng sinh và chỉ nghĩ đến cách để giải thoát họ khỏi nỗi bất hạnh này. Ta cũng không bao giờ khởi tâm sân hận dù chỉ trong chốc lát và luôn coi người khác như bạn bè với một thái độ không gợn chút ái dục. Lòng bi mẫn không gì khác hơn chính là sự tỏa chiếu và hiển bày của tính không, nơi nó không thể tách rời. Nó biểu hiện sự thấu hiểu lý nhân quả bao trùm mọi hiện tượng trong luân hồi, kể cả hữu tình chúng sinh. Cuối cùng nó đưa ta tới sự chứng ngộ Diệu Quan Sát Trí với khả năng nhận thức phân biệt rõ ràng mọi đối tượng của tri giác, nhờ đó đạt được Pháp Thân Phật với đủ mọi phẩm tính tự nhiên vốn sẵn. Như Mật Điển Đỉnh Liên Hoa có nói: “Nhờ tâm bi người ta đoạn trừ được tham ái và thành tựu Diệu Quan Sát Trí cùng Pháp Thân Phật”.

Khi trở nên thuần thục với thực hành tâm hỷ, ta sẽ không còn cảm giác đố kỵ và bực bội với sự giàu sang và hạnh phúc của mọi người. Nhờ tuỳ hỷ với hạnh phúc của người khác nên ta giữ vững được thiện đức của mình và luôn cảm thấy hài lòng, không bị tâm đố kỵ gây tác động tiêu cực. Kết quả là ta có thể thiền định mà không bị khuấy động. Bản chất của hoan hỷ là cảm giác mừng vui trước phước báu của người khác, với tâm thức không bị vướng kẹt trong nhận thức nhị nguyên về chủ thể và đối tượng. Nhờ thực hành tâm hoan hỷ mà cuối cùng ta chứng ngộ Thành Sở Tác Trí, là trí tuệ thành tựu tự nhiên lợi lạc cho tha nhân. Ta cũng sẽ đạt được Hóa Thân Phật tối thượng và hành động vì lợi lạc cho chúng sinh. Như trong Mật Điển Đỉnh Liên Hoa có nói rằng: “Tâm hỷ” tịnh hoá đố kỵ và giúp người ta đạt được Thành Sở Tác Trí cùng với Hóa Thân Phật vô song để thực hiện những công hạnh tự nhiên và tối thắng của Phật quả.

Khi trở nên thuần thục trong thực hành tâm xả, ta sẽ làm lợi cho bản thân và người khác một cách bình đẳng, không phân biệt bạn hữu, kẻ thù hay người dưng. Kết quả là mọi thái độ vị kỷ hay tình thương giả tạo cùng với sự kiêu ngạo sẽ tan biến. Bởi tâm vốn là không, cho nên dù lúc này tâm có đang bị trệch ra khỏi bản tính tối thượng của nó là sự bình đẳng của Trung Đạo, khiến nó bám chấp vào các biên kiến của tồn tại hay không tồn tại, thì tâm vẫn là không. Trong chính tính không này, tin trong cảnh giới an nhiên vắng bặt mọi ý niệm tạo tác này sẽ khởi sinh sự chứng ngộ phi thường của bình đẳng (xả). Về bản chất, xả chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của vô minh – một cái hiểu đối đãi sai lầm (giữa bạn và thù). Xả đánh tan đi các biên kiến. Cuối cùng, ta có thể chứng ngộ Pháp Giới Trí là sự thấy biết vạn pháp đều bình đẳng, vượt khỏi nhận và bỏ, đồng thời chứng đạt Tự Tính Thân cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh thoát khỏi mọi che chướng. Như có nói trong Mật Điển Đỉnh Liên Hoa rằng: “Tâm xả – đại bình đẳng – giúp tịnh hóa si mê và kiêu mạn, đưa tới sự thành tựu Bình Đẳng Tính Trí và Pháp Giới Trí, tương ứng với Thân Giác Ngộ Lưu Xuất và Thân Kim Cương”.

Như vậy, chúng ta có thể rèn luyện bốn tâm vô lượng theo con đường phi thường của Đại Thừa để đạt tới cái hiểu thấu đáo về nền tảng, con đường và kết quả. Về cách hiểu, chúng ta có thể nói rằng có con đường tích luỹ hai tư lương để thành tựu hai Thân Phật (theo cách hiểu của Kinh Thừa), và con đường sử dụng phương tiện thiện xảo kết hợp trí tuệ để tịnh hóa hai che chướng (theo cách hiểu của Mật Thừa). Tuy nhiên, xét về bản chất nền tảng thì chúng là như nhau và đều là phương tiện giúp chúng ta chứng ngộ thực tại tối hậu và đạt được kết quả là hai Thân Phật.115 Thực hành thâm diệu này làm khởi sinh vô số những phẩm tính quý báu và đưa ta tới thành tựu tối thượng không sai lầm.

Cuối cùng, Kinh Shrimaladevi (Kinh Thắng Man) nói rằng: “Bất cứ ai thiền quán về bốn tâm vô lượng sẽ được chư Phật chú ý. Họ sẽ đạt được vô số phẩm tính rộng lớn bao la hơn cả bầu trời”. Tà đạo và ngoại đạo không sở hữu giáo lý cũng như thực hành về bốn tâm vô lượng. Hệ thống của họ chỉ mang lại kết quả trong vòng quay luân hồi. Bình giảng về “Tán dương các Địa” viết rằng: “Bốn tâm vô lượng là con đường tới giải thoát. Bạn sẽ lạc lối nếu bỏ qua chúng”.

Chúng ta đừng để lỡ mất con đường chân thật của sự hợp nhất từ bi với trí tuệ thấu suốt tính không của vạn pháp. Đức Jigme Lingpa thỉnh cầu chúng ta hãy tu dưỡng bản thân trên Bồ Tát Đạo vô thượng. Đó là con đường giúp ta giải thoát khỏi hai che chướng và dẹp trừ mọi sự bấn loạn của tâm, đồng thời loại bỏ thái độ coi mình làm trung tâm và niềm tin vào sự tồn tại chắc thật của vạn pháp. Chúng ta hãy thực sự rèn luyện bản thân mình như vậy và đừng vội cảm thấy hài lòng với chỉ riêng sự hiểu biết lý thuyết mà thôi.
—☘🌺☘—

KHO BÁU THIỆN ĐỨC
NHÓM PADMAPANI chuyển ngữ
Post: Thường An

SHARE: