NỀN KINH TẾ VỪA ĐỦ

SHARE:

Tôi đang sống ở nơi mà phần lớn giao dịch không trao đổi bằng tiền.

Đó là cộng đồng hơn 1.300 người trên 500 hecta. Rau tươi, hoa quả, xanh và sạch được cung cấp quanh năm bởi cư dân. Người trồng lúa, người trồng rau theo mùa. Nếu ở đây trồng cải bó xôi thì ở kia hàng xóm sẽ trồng cà, hành, cải bắp. Nếu nhà này đã trồng khoai thì nhà kia sẽ trồng chuối, dưa chuột, đậu. Ai rảnh thì làm. Người này trồng, chăm, người kia thu hái, phân phát. Mỗi nhà chỉ lấy vừa đủ cho mình nên đều có phần cùng nhau.

Kho gạo được thu hoạch từ ruộng của làng, một phần được mua từ bên ngoài bằng quỹ chung, bất cứ ai có điều kiện thì đóng góp.

Chúng tôi có một siêu thị nhỏ, cung cấp hàng hóa cơ bản. Tất cả hàng hóa được nhập từ các nguồn đã kiểm tra uy tín và bán lại không lợi nhuận. Một xưởng may để may quần áo cho cư dân, nơi người may cũng tự nguyện cống hiến.

Một nhà máy xử lý rác được xây dựng riêng cho ngôi làng. Rác được phân loại tại nhà theo các nhóm: rác đốt, rác tái chế, rác nguy hại cần xử lý đặc biệt. Rác thực phẩm được xử lý thành phân để trồng rau.

Nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á, trong khu vực rừng nguyên sinh phía Bắc Thái Lan, một nhà máy xử lý nước sạch được hút từ lòng đất phục vụ cho cư dân. Các bác sĩ tình nguyện làm việc tại trạm xá. Một trường học dạy tiếng Thái, Trung, tiếng Việt, tiếng Anh miễn phí cho bất cứ ai.

Phát triển trên một khu rừng nguyên sinh, chúng tôi hạn chế chặt cây và không dùng phân hóa học, không giết mổ con vật và không khuyến khích mọi hoạt động thiếu tôn trọng môi sinh. Toàn bộ hệ thống điện sinh hoạt và thắp sáng bằng năng lượng mặt trời.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là ngôi làng gần như không có một bộ luật được ban hành thành văn bản hay bắt buộc cứng nào, trừ quy định nghiêm ngặt về phân loại rác, nhưng mọi thứ diễn ra hài hòa, trong trật tự và bình an. Đoạn đường nào nhiều lá rụng sẽ có người quét, khu nào cỏ dại mọc cao sẽ có người đến cắt. Mọi người cùng nhau xây dựng đường sá, trường học, đào hồ, làm nhà…

Mọi công việc đều được vận hành tự nguyện bởi các công dân, không có lương. Nguyên tắc chung nhất là mọi thứ đều được chia sẻ, từ vật dụng, thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, sống cùng nhau trên tinh thần vừa đủ, chia sẻ và tự giác. Vì thế, số đông cư dân ít khi tiêu tiền.

Từ cội rễ, triết lý sống này khởi sinh từ mô hình “Nền kinh tế vừa đủ” được cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan kiến tạo hơn 40 năm trước. Đến nay, tinh thần vừa đủ thấm đẫm trong hàng triệu cộng đồng nhỏ và vừa trên khắp đất nước, gồm các cụm dân cư, các ngôi làng, quận, huyện, các ngôi chùa, kể cả các cộng đồng thiểu số.

Khi cả thế giới ráo riết chạy đua phát triển công nghiệp hóa, thương mại hóa, cạnh tranh dòng đầu tư nước ngoài từ phương Tây, mô hình kinh tế vừa đủ được nhà vua khởi xướng gồm ba điểm chính:

Thứ nhất, nhà nước phải làm sao để mọi người đều có đủ để sống. “Điều quan trọng không phải là trở thành con hổ. Quan trọng là có một nền kinh tế đủ lực để hỗ trợ chính mình và không bị động bởi các yếu tố bên ngoài”, nhà vua từng nói. Mọi công dân, hộ dân, mỗi làng, mỗi huyện được hướng dẫn để biết thế nào là sự vừa đủ đối với các nhu cầu thiết yếu của bản thân, xã hội, môi trường. Con người có bốn nhu cầu quan trọng nhất: Thức ăn, chỗ ở, quần áo và sức khỏe. Bốn thứ này chỉ cần ở mức vừa phải, điều độ. Sống giản dị, không mua sắm quá mức cần hay phung phí so với khả năng của bản thân sẽ không tự làm tổn hại mình và người khác.

Vừa đủ cũng là sự khiêm tốn, tiêu thụ có chừng mực đi ngược lại lòng tham. Sự lấy vào là một căn bệnh không bao giờ có điểm dừng và sẽ vô tình lấy đi phần của người khác. Không biết đủ thì không bao giờ là đủ. Tinh thần “biết đủ” sẽ tạo nên những người biết cho đi, biết nghĩ đến sự đủ cho người khác. Sự hòa hợp được kiến tạo tự động.

Thứ hai, nông dân được dạy cách ra quyết định bằng kiến thức và ý thức. Họ được cán bộ các trung tâm phát triển của chính phủ và các tỉnh hướng dẫn để có khả năng ra quyết định dễ thực hiện, không tốn kém và tôn trọng cao nhất với môi trường. Nhờ cách tiếp cận cân bằng giữa kiến thức và đạo đức, nông dân Thái thoát khỏi nền nông nghiệp lạm dụng hóa chất và sản phẩm rỗng, chuyển đổi cách trồng trọt sang thuận thiên. Thanh niên Thái ngày nay tin rằng nông dân là một nghề cao quý, hữu ích cho bản thân và đất nước.

Thứ ba là tư duy tự miễn nhiễm. Hầu hết người Thái được hướng dẫn biết dự trữ thức ăn, tự lọc nước sạch, tự làm nhà ở, tự làm ra nhu yếu phẩm, dược liệu, quần áo và tự chữa bệnh. Các nhu cầu cơ bản nhất luôn được tự đảm bảo chính là sự bảo hiểm lớn nhất trong đời sống để con người ít lo sợ, nhiều tự tin hơn. Nếu khủng hoảng kinh tế, thiên tai hay chuyện gì xảy ra thì từng nhà vẫn đủ thức ăn, nước uống, chỗ ở. Khi từng người tự lo được cho mình thì gánh nặng sẽ nhẹ đi trên vai nhà nước.

Sáu năm trước, tôi được đến thăm khu thí điểm các dự án phát triển bền vững trong khuôn viên Hoàng gia Thái Lan do Công chúa Maha Chakri Sirindhorn đứng đầu. Người phụ nữ hiền hậu này là con gái thứ hai của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, em gái đương kim quốc vương Maha Vajiralongkorn.

Trong khuôn viên rộng lớn của Hoàng cung, nhộn nhịp các dự án thủy lợi, sản xuất gạo sạch, trồng nấm, nuôi cấy giống cây trồng, gia cầm, gia súc, sản xuất sữa sạch, tái chế rác hữu cơ, sản xuất hàng thủ công, dệt vải, làm nến, xà phòng, nhà trồng nấm, khu vực nuôi heo, cá, năng lượng sạch… Hàng trăm dự án thí điểm bằng nguồn vốn Hoàng gia từ đây được triển khai thành vài chục nghìn mô hình khắp đất nước.

Tư duy vừa đủ không chối bỏ các xu hướng hiện đại, đồng tiền hay tiến bộ công nghệ, mà sử dụng tất cả nhưng với sự tỉnh thức, không để công nghệ và những thứ giả tạm làm chủ mình. Vừa đủ không có nghĩa là thờ ơ với thế giới mà động lực để làm việc mỗi ngày xuất phát từ một cấp độ sâu sắc hơn chứ không phải chỉ là sự mong muốn lấy thêm hay sợ hãi.

Việt Nam và Thái Lan có nền tảng chung về nông nghiệp, khí hậu, văn hóa sản xuất và bản chất gốc là nông dân. Hai vấn đề lớn nhất với nông nghiệp là chất lượng sống nông thôn và đạo đức trong sản xuất nông nghiệp được Thái Lan cơ bản giải quyết trong thập kỷ vừa qua. Triết lý kinh tế vừa đủ đã dẫn đường cho lối sống và hành vi của người Thái, giúp nguồn tài nguyên nở thêm để nuôi con người mãi mãi chứ không phải bào mòn lẫn nhau cho đến suy kiệt. Phong trào “nông nghiệp vui vẻ” rộn ràng ở đất nước này.

Trong Kinh tế học, Thuyết địa lý, vị trí lãnh thổ quyết định sự giàu nghèo của mỗi quốc gia. Thuyết văn hóa chỉ ra các yếu tố tôn giáo, đặc tính dân tộc, giá trị đạo đức chung là tác động chính lên kinh tế. Thuyết vô minh cho rằng xã hội nghèo đói bởi những lãnh đạo kém năng lực. Nhưng trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại”, kinh tế gia Acemoglu và Robinson cho rằng, quy luật chi phối sức mạnh từng quốc gia chính xác hơn đến từ năng lượng của người dân.

Theo các ông, mọi thể chế có thể chia làm hai loại: Dung hợp và loại trừ. Trong khi thể chế dung hợp tạo điều kiện cho mọi công dân hoạt động kinh tế và đảm bảo quyền sở hữu thì thể chế loại trừ chú ý duy trì quyền lực hơn sự phát triển bền vững.

Ta đã thấy tất cả bất ổn xã hội đều đến từ việc nhóm này có nhiều quá và nhóm kia không đủ sống tối thiểu. Khi chính sách kích hoạt được năng lượng tiềm ẩn trong dân, một cộng đồng có thể tỏa sáng. Nhưng người dân chỉ thay đổi suy nghĩ của họ khi lãnh đạo thay đổi suy nghĩ của mình trước.

“Kẻ thù” lớn nhất của loài người chính là sự vô minh của con người. Trong thế giới mà mùi thuốc súng và bất đồng trở nên đậm đặc, các quốc gia cần tư duy tỉnh thức và điều đó phải được đến từ các nhà lãnh đạo tỉnh thức. Đó là những người dám bước qua cấm cản của lối suy nghĩ cũ, đặt lợi ích của từng người dân vô danh vào trung tâm. Quyền lực bền vững nhất của người đứng đầu chính là quyền lực tinh thần trong lòng người.

Vừa đủ không đi ngược lại phát triển, nó là sự thịnh vượng vững chắc từ bên trong, nơi người người được tự do tạo nên cuộc sống khiến họ hài lòng.

Nhà báo: Hồng Phúc
Nguồn: https://vnexpress.net/nen-kinh-te-vua-du-4814360.html
——-🏵🏵🏵——-

Post: Thường An

SHARE: